Tuesday, February 1, 2011

Lãnh Đạo

Nói đến lãnh đạo người ta phải ớn cái mình! Sao mà ghê gớm đến thế! Những người ngồi trên cái vị trí cao mú đó, hay được gọi là chóp bu hoặc là đầu xỏ; ngồi để sai, để hoạch định kế hoạch, công việc rồi khiến người khác làm... Thật là oai! Đôi khi còn hoạnh hoẹ, hăm he, nói nặng nói nhẹ.. Khiếp quá đi thôi!
Nhưng không dễ gì! Không phải ai cũng lãnh đạo được đâu! Lãnh đạo cũng cần phải có cái tướng. Tướng lùn, xấu xí như Đồ Ngông tôi chỉ có xách dép cho người ta! Cho nên Đồ tôi không dám ngó lên mà chỉ cúi đầu xuống đất lủi thủi để đi; mấy thằng bạn thấy vậy hỏi: "Bộ mầy kiếm bạc cắc hả? Kiếm làm gì, cần tiền thì tao cho mượn", Đồ tôi bèn bẽn lẽn phải "xéo" đi xa! Thật khổ cho mình! Tướng lãnh đạo phải hùng dũng, thanh cao; tướng bự con, chắc nịch; xương xẩu ngon lành để người ta khi thấy phải nễ vì, hoặc người ta nhìn vào đã thấy ngán rồi, thì hơi sức đâu mà chống với đối. Hoặc tiếng nói rổn rảng, vang vang cho những ai yếu bóng vía mới nghe qua "đành" bủn rủn cả tay chân, không còn dám không nghe hoặc cưỡng lời. Lãnh đạo còn phải có cái số nữa, nếu không có số thì cũng không thể lãnh đạo được. Vì trời sanh họ ra là để họ lãnh đạo. Nếu không thì tại sao nhiều người già cúp thùng thiết rồi vẫn còn có phong cách lãnh đạo, oai phong ra phết, đi đâu cũng có tiền hô hậu ủng; họ nói lên vài tiếng người ta nghe rầm rầm. Còn có những người tướng tá khỏe re, phong độ không thiếu mà cũng chẳng làm được gì! Thế cho nên chắc phải hỏi những nhà nghiên cứu tử vi hay tướng số để họ có thể trả lời cho được chính xác hơn! Ôi, người ta nói giày dép còn có số, thì con người cũng không ngoại lệ với đồ vật chút nào! Có nỗi buồn thấm thía nào hơn!
Không những thế, lãnh đạo còn phải có phong cách oai phong, trầm tĩnh, nói đâu ra đó, hơi có nét lầm lì thì người ta- chỉ cần nhìn thoáng qua- thì đã "teo" rồi, không còn dám hó hé; như vậy mới có thể điều khiển người khác dễ dàng "như trở bàn tay". Nhưng, quan trọng nhất vẫn là bản lãnh và lì lợm để có thể đối chọi với những đối nghịch và những tình huống bất kham. Thiếu hai yếu tố này thì sự lãnh đạo khó mà thành công, hoặc không thể lâu dài. Muốn sự lãnh đạo của mình vững chắc hơn nữa, thì cần đến đám vây cánh hoặc tay sai thân tín để làm lực lượng hậu thuẫn; khi cần có thể dùng mọi cách để dẹp tan đám chống đối, "cho chúng biết tay". Còn trên bình diện quốc gia ở những xứ nhược tiểu thì lại dựa vào một thế lực quốc tế nào đó để từ đó "bung ra" hay khi thất bại lấy chỗ đó làm nơi đào thoát, nương trú cho hậu vận. Lãnh đạo xem ra thì cũng khó thiệt, chứ chẳng dễ ăn đâu!
Ôi, nhưng con người thường thì ai cũng khoái chỉ huy, sai khiến người khác. Nếu không thì tại sao họ lại tranh giành, chửi nhau chí chóe để được lấy danh vị và miếng đỉnh chung. Đó là chưa kể đến những lực lượng trang bị vũ khí đầy mình, ngày đêm băng suối, lội rừng để lùng lực lượng bên này, hay kiếm ngược lại bên kia mà đánh. Số người chết như rạ, máu chảy thành sông, gia đình tan nát, vợ lìa chồng, rừng rừng cô nhi quả phụ. Đày ải thiên hạ trong tù, trên vùng hoang vu cũng để củng cố cho ngôi vị của mình được vững chắc bền lâu mà không còn ai chống đối, mặc dù vẫn biết là "Nơi nào có áp bức thì nơi đó có đấu tranh". Bạo lực bao giờ cũng vẫn là sức mạnh tối ưu của những kẻ lãnh đạo.
Kẻ lãnh đạo lúc nào cũng dán cho mình cái nhãn hiệu: Vì nhân dân, vì đại chúng. Nhưng thực ra chúng cũng chỉ vì quyền lợi cá nhân hay nhóm, đảng phái của chính mình mà thôi. Chúng không làm như vậy thì nói ai nghe, hoặc không có đối tượng mà lãnh đạo, không lẽ lãnh đạo cho chính mình. Người làm vua mà không có dân, có lính thì làm vua với ai? Người lãnh đạo mà không có dân quèn thì lãnh đạo cho cái gì? Thế mà khi có dân chúng rồi thì dân chúng phải lo đóng góp cho họ để chi phí, cho họ có lương bổng, nhà cửa xe cộ sang trọng; họ lại đục khoét công lao của người dân không một chút thương tiếc! Nhưng khi nói ra ngoài miệng thì họ thương dân hết mình. Họ "vác ngà voi", họ bỏ công lao, họ cống hiến... nhiều lắm và nhiều lắm! Kể sao cho hết những lời ngụy biện đường mật của họ. Vậy thì chúng ta cứ thử thách họ đi: "Dám bỏ ngôi vị và chức vụ đó hay không?". Họ sẽ ấm ớ hội tề và sẽ có lý do để được cống hiến tiếp.
Một hôm nọ, thằng bạn lâu đời của Đồ tôi nó gọi phá giấc ngủ mà còn chửi Đồ tôi tới tấp. Nó là một thằng gàn, gàn rất nặng. Đồ tôi bị nó chửi nhiều lần rồi trong những khoảng thời gian còn đi học chung với nó, hay những lúc hãy còn gặp nhau. Hình như Đồ tôi có nhắc đến nó một lần trong bài "Dục tốc bất đạt" thì phải. Lâu lắm rồi, Đồ tôi tưởng nó chết mất đâu đời nào rồi. Ai dè!
Đồ tôi hãy còn ngây ngủ, ráng dậy nhắc "phôn" lên: "Ê, thằng nhóc! Mầy còn nhớ tao không?". Quả thật cố nhớ mà nhớ không ra, nhưng cái giọng nói này có một hình ảnh nào xa xôi nào đó, lẫn một kỷ niệm vừa ghét lại vừa thương. Đang lúc nặn óc để nhớ thì hắn cười lên chát chúa: "Đồ chúa ngục! Thầy mầy đây mà mầy chẳng nhớ ra sao? May lắm kỳ rồi tao gặp thằng Lực mới biết mầy đang lẫn trốn bên xứ con Đại thử. Nay thầy mầy rảnh gọi cho mầy đây". Ôi chính hắn rồi! Tại sao Đồ tôi lại gặp hắn nữa để nghe hắn chửi tiếp, chắc kỳ nầy phải nghe hắn chửi cho đến khi hắn chết hoặc là Đồ tôi không còn mới thôi! "Thôi đi cha, gặp cha để cha chửi con nữa sao? Đến khi nào cha hết chửi đây! Già rồi vẫn còn ham chửi", "A! Cái thằng nầy láo thật! Thầy mầy chỉ sợ mầy nghe thầy mầy chửi riết mà ghiền, đến khi thầy mầy chết lúc đó mầy sẽ nhớ thầy mầy da diết không nguôi. Lúc ấy mầy có cầu cho thầy mầy sống dậy để chửi cho mầy nghe, cũng không được đâu con ạ!"-"Ừ thôi, con chịu cha thôi!"- "Đùa với mầy cho vui, chứ tao thương mầy lắm! Tao cũng nhớ mầy hoài nhớ vì khi tao chửi thì mầy là thằng chịu nghe tao chửi nhiều nhất. Mầy còn nhớ không, ngày tao mầy cùng tụi bạn ráp vô một lớp từ những trường khác nhau, tao nhớ ông thầy dạy toán Vũ Hải, à Nguyễn Vũ Hải ổng chửi tao với mầy là "đồ ngu, ngu như thế mà cũng lấy được Tú Tài, tụi bây mua ở đâu thế!", rồi ổng biểu thằng Tri đi về khi lên bảng giải toán không được. Cả lớp lẫn thằng Tri vẫn tưởng ổng kêu thằng Tri về chỗ, nhưng khi thằng Tri về đến chỗ ngồi ổng lại la: "Tao bảo mầy về", "Ôm cặp đi về". Thằng Tri phải ôm cặp lẻn ra ngoài cho đến hết giờ của ổng. Nhưng mầy còn nhớ không? Tụi mình ghét ổng cho đến một ngày ổng tự dưng tâm tình chuyện đời, chuyện thời đại trong chiến tranh của những năm giữa 60. Ngày ấy sao ổng dễ thương một cách lạ lùng và tụi mình lại nhớ đến ổng, không khéo một ngày nào đó mầy lại nhớ đến tao, cũng như tụi mình đã từng nhớ ổng vậy!"-"Ừ! cũng có thể lắm chứ!"-"Nói đến đó, tao nhắc cho mầy nhớ đến ông Phó Đức Long, ông thầy xấu trai không có nụ cười, mầy nhớ không?"-"Nhớ chứ! Chính tao đưa ý kiến ấy chứ ai!"-"A! Thì ra mầy cũng quá lắm! Thế bây giờ mầy mới thố lộ đó nhe! Tao nhớ nhất là khi ổng giảng bài ổng cứ ngó lên trần nhà phía cuối lớp, khi tụi mình ồn ào thì ổng "chắc chắc" cái lưỡi, thì ra đề nghị cả lớp quay lại phía sau nhìn lên trần nhà để coi có con thằn lằn nào không lại là của mầy đấy ư? Thầy Long ngạc nhiên và nở một nụ cười. Nụ cười của ổng sao mà có duyên và tươi đến thế! Hèn chi nghe nói vợ ổng đẹp lắm cũng là điều hợp lý thôi! Những kỷ niệm còn lại ấy đẹp, đẹp thiệt phải không mậy? Thời ấy đã qua đi! Tóc tao bạc nhiều, răng rụng bớt rồi! Cháu tao mới mọc răng, nó lại nhìn tao: "Á! Ông ngoại không có răng". Hai thế hệ không có đủ răng. Đời là thế đấy! Thế cuộc xoay dần, bây giờ chúng mình lại lang thang làm người xa xứ, gọi điện thoại cho nhau để ôn lại chuyện xưa và tán dóc chuyện ngày nay! A, bây giờ mầy làm gì? Làm ăn ra sao? Vợ con thế nào? Ở chỗ mầy lạnh lắm không? Có gặp được bạn bè cũ nào không?"-"Ôi, sao ông chất vấn tui nhiều quá vậy? Làm sao trả lời kịp ông đây!"-"Sorry mầy nhe, lâu quá không gặp nhau, nên hỏi vậy? Thôi, thằng nhóc mầy cứ từ từ trả lời cho thầy mầy nghe là được rồi để tao mừng cho mầy vậy! Còn ở đây vào mùa đông lạnh quá, tuyết trắng khắp nơi, đi ra ngoài khó khăn, ngồi trong nhà ngó ra bên cạnh lò sưởi, thật chán vô cùng. Chắc thầy mầy phải xa mầy sớm đấy con ạ! Mầy nên mừng đi vì thầy mầy không còn chửi mầy nữa, nhưng rồi mầy cũng hãy chuẩn bị cho mình một nỗi buồn thiếu vắng và nhung nhớ không nguôi"-"Nhớ mầy chi cho mệt! Tao lo chuyện tao muốn chết rồi đây, còn hơi sức đâu để lo chuyện người khác"-"A, hay cho thằng nhãi, mầy nói tao mới nhớ đến những chuyện nầy: Có những lão già chắc họ gần chết đến nơi rồi hay sao mà họ phải giành giựt chức nầy hoặc chức kia trong các hội đoàn, cộng đồng để lấy tiếng trước khi chết, rồi chửi nhau ỏm tỏi, chống phá nhau làm cho cộng đồng, hội đoàn rối loạn. Từ chỗ hội họp, gặp mặt để ôn lại những kỷ niệm, chuyện đời, tâm tình rồi trở thành một đấu trường vì tự ái qua một vài quan điểm khác nhau, hay các câu lỡ lời; lại tiến xa hơn nữa, "những tâm hồn lớn gặp nhau" cấu kết thành nhóm, thành bè đảng để chống đối với nhóm nầy, nhóm kia. Một sự rối loạn chưa từng thấy, chưa đâu họ còn viết những thư nặc danh để gởi đến tận nhà mình để mình đọc cho biết là nhóm nào đó xấu thế nào, thẹo to lớn đến đâu; xong rồi, nhóm kia nhờ đến báo chí để "thanh minh thanh nga". Sự kiện cứ tiến tới và lớn dần, rồi họ còn lợi dụng vào báo chí truyền thông để đánh phá lẫn nhau, họ chỉ biết cái "cá nhân, phe nhóm" của họ; chứ họ không thấy cái danh dự của một sắc tộc, của một cộng đồng. Họ không thấy việc làm của họ sẽ đem đến một sự "ô nhục" cho dân tộc chúng ta khi chúng ta đang ở trên xứ người. Họ tưởng họ đang sống trên "chính Tổ quốc" của mình, họ tạo cảnh hỗn loạn trong cộng đồng giống như trên đất nước mình trong thời gian chiến tranh. Ôi, đó là những con người "trí thức" cặn bã, những con người có học nhưng thiếu bộ óc. Thậm chí có một nhóm bạn bè thích thơ văn tập họp lại thành một nhóm; không biết vì lý tưởng hay đường hướng họ thích ra sao đó, họ lấy tên một danh nhân trong lịch sử để đặt tên cho nhóm mình. Nhưng trong đó có một số lại thích viết những bài moi móc hoặc chửi đối phương trên báo chí và chửi lộn dài dài... Thế là thiên hạ chửi "cái đám" ấy bằng "cái đám với tên danh nhân trong lịch sử" đó. Khi ấy tao thấy quả tội nghiệp cho "danh nhân" kia biết chừng nào! Ông ta bị ô nhục vì những tên vô loại, thiếu ý thức dân tộc và con người. Thế mà, họ cũng là những nhà trí thức đấy chứ! Tao suy nghĩ mà thật là buồn, buồn cho vận nước lênh đênh, còn thân tao thì long đong. Còn mầy thì sao?"-"Tao ấy à, tao thì lềnh bềnh thôi! Ai trôi tới đâu, thì tao trôi theo tới đó. Thân mười hai bến nước đó mà! Lúc nhỏ mình đã là dân giả thì bây giờ mình cứ giả làm dân đi cho thoải mái cuộc đời. Tóc đã bạc, răng đã rụng, sức càng ngày càng xuống; nhưng sống đến bây giờ cũng đã tạm gọi là đủ. Bạn bè ngày xưa nhiều đứa đã ngã gục trên chiến trường khi tuổi còn son thì đã sao; còn bao nhiêu người đau khổ nữa. Thôi thì cứ "ngó lên thì chẳng bằng ai, ngó xuống thì chẳng có ai bằng mình" cho rồi! Rồi ai cũng sẽ đi tới bến, cùng đến một điểm hẹn sau cùng. Chỉ cầu cho mình được bình yên và suông sẻ đến ngày ấy thôi. A, mà mầy đang ở đâu vậy?"-"Đừng hỏi con ạ! mầy cứ biết còn có tao để gọi chửi mầy, khi vui tao sẽ lôi mầy ra mà chửi, khi buồn tao cũng sẽ gọi mầy để chửi chơi. Mầy cứ chuẩn bị cái lỗ tai mầy ra thôi. Khi nào lâu quá, tao không gọi để chửi mầy thì mầy biết tao đã đi rồi! Như vậy được chưa?"-"Ông gàn quá đi thôi! Tui chịu thua ông, quả thật từ xưa tới giờ!"-"Nầy nhóc con, thầy mầy đã nói mà quên nói luôn cho mầy biết vài điều để chơi. Con người ta sanh ra có một cái bản năng là thích sung sướng, ai cũng muốn sướng không phải làm cực nhọc, mà lại muốn hưởng với tất cả những gì mà mình thích, mình muốn. Mà cái lòng tham con người thì vô đáy từ tham danh, tham tiền, đủ mọi thứ tham. Tham không được thì nổi lên sân hận. Từ sân hận đưa đến hành động điên rồ để đạt được điều mình mong muốn bằng mọi cách. Trong đó có cái địa vị lãnh đạo. Gần như trong mọi con người điều có cái ước mơ được lãnh đạo người khác, nếu nói theo ngôn ngữ bình dân trong tục ngữ ca dao thì "Ai cũng muốn làm cha chứ không ai muốn làm con" bao giờ! Vì khi lãnh đạo, mới có cơ hội chứng tỏ mình hay hơn người khác, những điều suy tính của mình được thực hiện ra thực tế, nếu có kết quả tốt thì đó là một niềm vui và danh dự, mặc dù sự thất bại cũng đem đến cho mình một nỗi buồn và suy nghĩ không nguôi. Thực ra, lãnh đạo không dễ dàng chút nào cả, nó đòi hỏi người lãnh đạo phải có nhiều yếu tố từ vóc dáng, tiếng nói, khả năng, bản lãnh, thái độ và nhất là năng khiếu kể cả sự nhạy bén, tiên đoán và phán đoán. Người ta có thể thêm vào đó bằng những kinh nghiệm hay suy tư của những nhà lãnh đạo đi trước qua quá trình làm việc của họ, hoặc của những triết gia, những nhà chính trị - thiết tha đem lại lợi ích cho mọi người - đã suy tư, cân nhắc để tạo thành một hệ thống về nghệ thuật lãnh đạo hay một hệ thống chính trị cho một chế độ hoạch định nào đó. Đó chỉ là trên lý tưởng, còn trên thực tế sự thực hiện thì tùy sự biến đổi theo từng giai đoạn, hoàn cảnh mà phải biến ứng hay thay đổi cho thích hợp với hoàn cảnh ấy, không thể đem điều ở thế kỷ trước mà áp dụng trong thế kỷ nầy được. Nói như vậy không có nghĩa là không có những chân lý bất biến, tức những điều đúng mà lúc nào cũng có thể áp dụng được hay đòi hỏi cần có như trong Nho giáo có: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Một người lãnh đạo không có tư cách, tác phong, đạo đức, tính công bằng, trong sạch nghĩa là cái thân họ chưa hoàn thiện thì làm sao dạy con cái cho được; điều khiển gia đình chưa xong thì không thể nói đến trị quốc, thì lại càng không thể bàn chuyện bình thiên hạ. Nếu họ lãnh đạo thì đó chỉ là vì danh vọng hay phe nhóm nào đó, sự lãnh đạo ấy trước sao cũng sẽ là một sự thất bại, và đem lại một sự tan hoang mà thôi. Nho giáo là kết tinh những mối liên hệ giữa những con người trong xã hội từ người dân, vợ chồng con cái trong gia đình, đến giềng mối, bổn phận những thành phần tôi với vua trong một chế độ phong kiến. Mặc dù vậy nó cũng cung ứng những căn bản để bảo toàn một trật tự xã hội yên bình; như trong chế độ dân chủ ngày nay những điều giáo hóa của Nho giáo vẫn có giá trị trên nhiều phương diện mà trong đó có những điều cần thiết cho một người lãnh đạo.
Người lãnh đạo có nhiều cách để điều hành người khác thực hiện những kế hoạch của mình: Người ta có thể dùng quyền lực, pháp chế hầu bắt buộc người khác phải làm (Pháp trị) như trong những chế độ độc tài; họ cũng có thể dùng Đức (Đức trị) thu phục nhân tâm mà người ta có thể sốt sắng làm cho mình; người ta cũng có thể dùng đến biện pháp hành chánh hay kế hoạch nhằm lôi cuốn người khác thực hiện. Hoặc phối hợp các phương pháp với nhau để quản lý và cai trị.
Còn như trong tình trạng hiện tại ở hải ngoại, sự lãnh đạo trở nên phức tạp hơn. Vì thành phần bỏ nước ra đi vốn đã phức tạp, tốt xấu lẫn lộn, nhưng tựu chung lại là họ đã liều chết, không ngại tù đày để vượt biển cả, thì họ cũng có đủ khả năng để tranh giành những gì mà họ ham thích trong đó có quyền lãnh đạo. Lãnh đạo để được ngồi chiếu trên, lãnh đạo để có vinh dự tiếp xúc với những ông bự có quyền thế, lãnh đạo để được mọi người kính trọng nễ vì, lãnh đạo để có vị thế trong lễ hội và nhất là được đọc "đít cua". Thế thì oai ra phết đi thôi! Vậy mà không ham sao được! Vả lại, một cộng đồng với số dân không nhiều mình muốn "nổi" lên cũng chẳng khó là bao, thế tại sao ta không làm nổi để lấy oai với đời; đồng thời "rửa chân" cho bà vợ chẳng là hay lắm sao. Thế cho nên người ta tranh giành vị trí lãnh đạo để rồi chửi nhau ỏm tỏi, dùng phương tiện truyền thông để bôi bác nhau và công bố cùng các sắc tộc khác về "bộ mặt thật của dân tộc Việt nam". Sự bỉ ổi của họ là ở chỗ đó, và cũng chính đó chứng tỏ sự thiếu ý thức của những con người trí thức "vô liêm sĩ" đem bôi bác dân tộc của mình trên xứ người. Nếu họ là những con người làm chính trị thì họ lại ấu trĩ biết chừng nào: Phá vỡ sự đoàn kết, gây mất lòng tin yêu từ trong cộng đồng đến người dân, chính quyền quốc gia sở tại, thì ai sẽ ủng hộ và giúp mình; nếu mình tự đặt mình trên cương vị của người khác thì mình sẽ phải nghĩ sao? Và đánh giá một cộng đồng hoặc sắc tộc đó như thế nào?
Những con người lãnh đạo thành công cũng lắm, nhưng thất bại cũng khá nhiều. Bước đầu tiên mà họ vấp phải chính là sự nhiệt huyết, sốt sắng của họ. Họ muốn thực hiện những cải cách mới lạ để làm thành một bộ mặt mới cho tổ chức họ vội vàng cải tổ, thay đổi nhiều vấn đề khiến cho người lãnh đạo cũ âm thầm đau lòng, họ lần rời xa người lãnh đạo mới. Rồi đến lúc nào đó với những câu nói vô tình hay cố ý khơi lên mặc cảm trong họ, họ lại ngấm ngầm bất hợp tác. Cùng những người cảm tình cũ trở thành lực lượng phản đối hay đối chọi với lực lượng mới. Cuối cùng vô hình chung một cộng đồng bị phân hoá. Đó là chưa kể đến ý đồ chính trị được xen vô, vì chính trị bao giờ cũng muốn tồn tại một mình: Phải đẩy lui hay triệt hạ lực lượng khác ngoài phe của mình, phe mình phải lãnh đạo để thực hiện chủ trương, đường lối của cấp trên. Ê! Thằng nhóc! Mầy có hiểu được chưa?"-"Thôi đi ông nội! Con chẳng hiểu gì cả! Ông nói chuyện chính trị với con chẳng khác nào "đàn gảy tai trâu". Mà ông lỡ nói thì con cũng đành nghe vậy! Con chỉ sợ ngày nào đó không được nghe ông nói nữa đó thôi. Nhưng dù sao ông cũng cho con một số ý niệm để con biết nhìn đời"-"A, mầy nói nghe chí lý đó! Thế cho nên thằng Lực cho tao số điện thoại của mầy cũng là xứng đáng lắm vậy! Nầy con, mai nầy mầy có lãnh đạo tao khuyên mầy một câu: Hãy cẩn thận với những thằng nịnh hót, tâng bốc. Chúng chỉ làm cho mắt tai mầy bị mù, bị điếc đi thôi! Chúng nó chỉ khen lấy khen đễ để lấy lòng mầy; nhưng khi nào mà mầy thấy đại chúng chẳng thèm nhìn đến mầy khi mầy xuất hiện ở đám đông, hay mọi người bất hợp tác trong mọi kế hoạch của mầy thì mầy nên nhạy bén với tình trạng ấy để chọ n cho mình con đường hay nhất là con đường thứ hai trong "xuất xử", là con đường Trương Lương đã thực hiện mà tồn tại còn hơn là Hàn Tín bị mạng vong. Nhớ chưa con?"-"Dạ nhớ! Nhưng thưa ông, chắc không bao giờ con ra làm quan để lãnh đạo, vì vốn con ngu quá đi thôi, nên bị ông chửi con hoài, từ thời đi học gặp ông cho đến thời thỉnh thoảng gặp ông đôi lần. Rồi lâu quá, bây giờ lại nghe ông chửi tiếp mặc dù ông ở tuốt phương trời xa xôi nào ấy. Đêm hôm ông cũng lôi con dậy để ông tiếp tục chửi cho con nghe. Ôi, Thật là oan nghiệt! Nhưng con không buồn đâu, vì nghe ông chửi tức là làm phước cho ông rồi. Nếu ông chửi người khác thì chắc ông không còn cái răng nào hết, lúc đó cháu ngoại lại bảo rằng: Á, Ông ngoại chưa mọc răng thì tội nghiệp cho ông biết chừng nào!"-"A, bây giờ thằng nhóc con cũng lếu láo ra phết, tao khen mầy thật đó! Thôi tao để cho mầy làm việc với vợ mầy! Khi nào tao buồn tao sẽ gọi chửi mầy chơi. "Qua" thăng à nhen! Ông "cốc lão" cỡi ngựa, ông "cốc lão" đi đây. Hẹn gặp lại vào một ngày đẹp trời. Ông đi đây!". Hắn nói xong, hắn liền cúp phôn. Đồ tôi lắc đầu cho một thằng bạn, và lại nhớ đến Thầy Nguyễn Vũ Hải, rồi lại nghĩ đến chúng tôi: Trong giữa hai chúng tôi "hình như" có một thứ tình cảm thật lạ lùng nào đó mà lại hay hay...!

Đồ-Ngông,
16-11-06.

No comments:

Post a Comment