Trong thời kỳ biến đổi khí hậu, trên thế giới có quá nhiều thiên tai xảy ra. Nhưng chưa hẳn ngày xưa cũng đã là có ít thiên tai, vì thuở ấy ngành truyền thông chưa được nhanh chóng và rộng rải như ngày nay, nên chúng ta không thể biết được hết. Còn trong thời đại này, chúng ta được tiếp thu tin tức trên thế giới rất là nhanh và phổ cập, một tin tức nhỏ ở một nơi nào đó khi được phát tán trên mạng thì người ta có thể nhận biết tin ấy thật là dễ dàng; cho nên chúng ta biết được thiên tai xảy ra ở nhiều nơi cũng không có gì là lạ. Song, dù sao sự biến đổi khí hậu làm cho thời tiết thêm khắc nghiệt, đồng thời tác hại của thiên tai cũng khủng khiếp hơn ngày xưa nhiều. Thế thì tại ai? Nếu chúng ta cho rằng con người có những tác nhân phụ thêm vào thì cũng không sai: Từ những vụ phá rừng làm mất đi những khả năng chế biến thiên nhiên để hoàn trả lại khí ôxy cho khí quyển, hay mất đi yếu tố giữ nước ngầm, rễ cây cản dòng chảy của nước, chống xói mòn; những tàng cây xanh che bớt hơi nóng trên mặt đất để giảm bớt được sự sa mạc hóa… Người sống trên địa cầu sinh sản càng ngày càng đông, hơi ấm càng nhiều; thán khí hít thở thải ra cũng với số lượng lớn; nhu cầu sử dụng điện tăng nên sức nóng cũng theo đó tăng dần; lại thêm nhà máy công nghiệp càng phát triển thì khí thải cũng được thải vào bầu khí quyển một số lượng đủ để làm “hiệu ứng nhà kiến” tăng nhanh. Khi thế giới nhìn ra điều ấy thì sự đã rồi! Thiên tai đã dồn dập đến và đe dọa đời sống của con người.
Còn nếu chúng ta cho rằng: Một Ông Trời nào đó hiện diện ở trên cao để làm những thiên tai ấy thì chúng ta sẽ phải nghĩ thế nào về Ông Trời ấy? Ông Trời quả thật là bất nhân, tàn ác vô cùng! Ông quả là “có mắt mà không tròng” để nhìn thế gian. Mà nếu người ta cho rằng Ông Trời ấy đã sáng tạo ra loài người và vũ trụ này để rồi Ông lại tạo thiên tai mà hành hạ con người thì Ông quả là một Đấng tàn ác, vô nhân không thể nào kể hết tội Ông cho xiết. Và, nếu người ta lại cho rằng đó là “Ý Trời, hay ý Trời muốn” thì tội Ông lại càng tăng lên gấp bội! Tai hại hơn nữa, nếu người ta cho rằng: Trời chỉ tạo con người ra trong một kiếp này để phải sống theo ý Trời, làm theo ý Trời để rồi sau khi chết được Trời cứu xét cho lên Thiên đàng hay phải bị đọa vào Địa ngục thì ý tưởng đó là một ý tưởng “đần độn” chưa từng thấy! Vì sao? Vì con người sống và làm chỉ giống như con rối, “Tội” là do nơi Ông Trời điều khiển để làm, thì tội ấy là “tội” của Ông Trời chứ chẳng là tội của con người, thì làm sao Trời lại bắt con người vào Địa ngục hay lên Thiên đàng được. Những ai truyền bá tư tưởng này là những người “ăn không ngồi rồi chuyên đi lừa đảo, dụ dỗ người khác” đi vào sự đần độn của tâm linh mà thôi! Thế thì tại sao ta phải tin vào “những sự đần độn và ngu muội” ấy? Bây giờ là thế kỷ thứ 21, và là thời đại của khoa học, thông tin… Nhất là với khả năng “kiểm chứng” của con người thì tại sao chúng ta: Không thấy, không kiểm chứng mà tin nhỉ? Ôi! Tội nghiệp biết là chừng nào! Đừng nô lệ cho một “Đế quốc tâm linh” mờ ảo theo một câu chuyện “Thần thoại hoang đường” của một dân tộc nào đó. Hãy mở mắt ra và đi tìm “Chân lý”, đó là “mục đích sống của con người”!
Nước lũ đã tràn khắp các tỉnh miền Bắc Trung phần của Việt Nam, thiệt hại về sinh mạng, tài sản cũng khá nhiều. Đời sống của người dân thêm cơ cực, tinh thần “lá lành đùm lá rách” trở nên quý giá vô ngần! Cả nước đang hướng về miền Trung thân yêu! Ông Trời gieo tang thương, rồi Ông đi đâu rồi? Sao Ông không tỏ “lòng lành và sự công bằng” của Ông cho bàng dân thiên hạ thấy đi nhỉ? Nhất là Ông sao chẳng thương dân Phi Luật Tân là dân tộc đã “sùng bái” Ông thật nhiều! Hay là Ông “hành hạ” chúng vì chúng “đã ngu” mà theo, tin tưởng nơi Ông? Tôi lại cũng nghĩ về một “bộ phận dân tộc” của tôi!
Động đất, bão lụt, sóng thần, cuồng phong, núi lửa đã là những thiên tai làm thiệt hại biết bao nhiêu sinh mạng lẫn tài sản của con người, nhất là trong những thời gian gần đây: Trong thời kỳ biến đổi khí hậu! Nhưng, đó cũng là điều mà chúng ta nên nghiền ngẫm lại điều mà Đức Phật đã đề cập đến “Nhất thiết do tâm tạo”. “Thế giới con người” là một cảnh giới của những chúng sinh có cùng “cộng nghiệp” được thể hiện về nơi này: Đó là “Chánh báo”! Môi trường sống, cảnh giới biến đổi thích hợp với đời sống của chúng sinh trong cảnh giới đó: Đó là “Y báo”! Tâm tính của chúng sinh làm biến đổi môi trường sống:” Tâm bình thì thế giới bình, tâm sôi động thì thế giới sôi động, tâm cuồng nộ thì thế giới cuồng nộ”! Theo cái nhìn này thì tâm tính của chúng sinh trong thế giới này hiện nay đã có quá nhiều sôi động; “lửa đã nung, nên nước đã sôi” chì đơn giản là vậy thôi!
Nhìn trên màn ảnh của truyền hình từ cảnh ngập lụt ở Phi Luật Tân, Bắc Trung Phần Việt Nam, cho đến Thái Lan hay Đài Loan chúng tôi không thể không liên tưởng đến “bể khổ” mà Đức Phật đề cập đến “cuộc sống trần gian” hay nói rộng hơn “trong kiếp sống luân hồi” mà chúng sinh phải hứng chịu.
Hôm nay chúng tôi muốn kể lại ra đây một câu chuyện để quý vị xem và cùng nhau nghiền ngẫm mà “thấm thía” sự đời; đồng thời có thể nhìn “sâu” hơn vào trong Đạo Phật! Chuyện đơn giản như sau:
“1/ Trên một bờ sông, cõi ấy thật là yên tịnh (Cõi Chơn Tâm), mọi người ngồi thật là lặng yên, sung sướng, an lạc mà hoà đồng với nhau không phân biệt ta, người, hay ai là ai cả (Viên dung, không phân biệt). Tất cả đều tự thân sáng chói giống như những ngọn đèn tỏa sáng (Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu).
2/ Đột nhiên, có người nghĩ rằng (Vô Minh): “Ta như thế này mãi không được, ta phải là ta, ta phải khác với người khác” (Tâm phân biệt). Rồi người ấy nhìn vào dòng sông bao la mà tưởng tượng nhiều cảnh thú vị, nếu mình được đắm vào đó (Vọng tưởng).
3/ Thế rồi, người ấy đứng dậy, phá sự yên lặng chung, rời cõi yên tịnh trên bờ, bước chân vào bến nước để đi vào dòng sông (Bến Mê hay Mê Tân). Điều này kéo theo người khác cùng mọi người trên bờ (Cùng rời cõi Chơn Tâm).
4/ Bây giờ, mọi người rời bến nước, chìm vào dòng sông để lội, lặn hụp trong đó (Cảnh Luân Hồi) với sự vui thích hay đau khổ, người thì ở gần bờ, người thì lội xa bờ; người thì chìm đắm dưới đáy, người thì ở lưng chừng hay nỗi trên mặt nước; người thì có lúc vui sướng có lúc khóc than, đau khổ (Đời là Bể Khổ).
5/ Chơi trong dòng sông mãi rồi cũng mỏi mệt, có người buồn chán (Phiền Não Thị Bồ Đề); lại nghĩ rằng cần phải lên bờ nên họ đã dừng lại và bắt đầu quay lội vào bờ (Hồi Đầu Thị Ngạn hay “Quay Đầu là Bến”).
6/ Khi họ cố sức lội được đến bờ (Bờ Giác), và bước lên bờ ngồi lại vào chỗ ngày xưa, lúc đó không còn mơ hồ cảnh phẳng lặng hay đẹp đẻ trong dòng sông ấy nữa (Phật, Bậc Giác Ngộ).”.
Trong câu chuyện này chúng tôi muốn đánh dấu từng đoạn theo số để theo đó chúng tôi có thể phân biệt từng giai đoạn trong Đạo Phật mà giải thích cùng Quý vị:
I/ Cái cảnh đông người ngồi trên bờ sông yên tịnh đó là tượng trưng cho cái cõi mà Đức Phật đã gọi là “Chơn Tâm”, mọi người là tất cả chúng sinh thuở đầu đã cùng nhau “dung hợp” hay “viên dung” cùng với 6 Đại khác như: Đất, Lửa, Gió, Nước, Kiến Đại và Hư Không. Trong cảnh ấy chúng sinh không phân biệt “Ta”, hay “Người”, hay khác với “Chúng sinh khác”. Cùng nhau vui vẻ, an lạc, thanh tịnh với bản chất “sáng soi” của mình.
II/ Do nơi duyên khởi đầu tiên, chúng sinh muốn “Mình là Ta”, Ta phải khác với mọi người trong cảnh “Chơn Tâm” ấy (Tức là đã có “Tâm Phân biệt”), rồi lại nhìn vào dòng sông mà tưởng tượng những cảnh vui vẻ, sung sướng ở nơi đó (Tâm Vọng Tưởng) để rồi bắt đầu tách rời với mọi chúng sinh khác, rời cõi Chơn Tâm, kéo theo là sự phá vỡ sự Viên dung của mọi chúng sinh trong cõi Chơn Tâm. Điều mà Đức Phật giải thích là “Vô Minh” để nói lên vì chúng sinh không biết “Những gì sẽ xảy ra trong tương lai” mà đã có “Vọng tưởng” và Tâm phân biệt” để cùng nhau rời khỏi “Chơn Tâm”.
III/ Sự rời cõi “Chơn Tâm” đó của chúng sinh được Đức Phật giải thích rõ trong Kinh Lăng Nghiêm: Khi chúng sinh rời cõi Chơn Tâm thì phá vỡ sự viên dung của 6 Đại khác bằng cách mượn Đất, Lửa, Gió, Nước để cấu tạo thành thân thể, hình hài của mình; mượn Kiến Đại để thành những giác quan, nhận thức: Thấy, Nghe, Hay Biết; mượn Không Đại để thân thể của mình được tăng trưởng và lớn lên. Khi đã thành hình, Đức Phật giải thích như sau: “Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không; khác với hư không, thế giới là chúng sanh vậy!”. “Bước” mà chúng sinh khởi đầu được Đức Phật ví như là mọi người bắt đầu bước vào “Bến Mê” để dấn thân vào cõi Luân Hồi (Dòng sông).
IV/ Khi chúng sinh có hình tướng, hình hài thì sự “Sáng suốt, chiếu soi” thuở còn trong Chơn Tâm bị mất đi, và hoàn toàn bị giới hạn “chỉ còn” trong thân xác mà thôi; và rồi với những nhu cầu để nuôi dưỡng hình hài ấy đã phải xảy ra: Để đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, sinh sống, tăng trưởng thì chúng sinh phải làm, tìm kiếm, hoặc tranh giành, giết hại lẫn nhau để sống, thỏa mãn những nhu cầu mình cần hay muốn (Ái dục). Càng muốn thì lại muốn nhiều hơn (Tham); muốn mà không được thì giận, hờn, thù hằn, nỗi nóng (Sân); có lúc nghĩ quẩn, không kiếm soát được hành động (Si) mà đi đến những tội lỗi bằng Sát, Đạo, Dâm, Vọng. Đó là “Ba thứ” mà Đức Phật gọi là “Ba Món Độc” để thôi thúc chúng sinh “Tạo Nghiệp”, rồi nương theo nghiệp (Nhân) mà chúng sinh phải trả “Quả” tương tục không biết đến bao giờ; bởi vì trong “kiếp này” thì vừa trả nghiệp cũ, nhưng đồng thời cũng tạo nên “nghiệp mới”, rồi kiếp sau cũng vừa trả nghiệp cũng vừa tạo thêm nghiệp mới nữa; cho nên cứ thế mà tiếp diễn cho đến vô cùng tận.
Tùy theo nghiệp nặng hay nghiệp nhẹ mà chúng sinh Luân hồi trong sáu đường (Lục Đạo Luân Hồi): Nặng thì bị chìm dưới đáy sông (Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc sinh); nhẹ hơn thì ở lưng chừng sông (Người, A-Tu-La); và có Phước đức thì nổi trên mặt nước (Trời). Trong các đường Luân Hồi đó chúng sinh được thể hiện dưới những hình thức của Tam Giới: Dục Giới (cõi có Ham muốn, Dục lạc), cõi có hình tướng (Sắc Giới) và cõi không có hình tướng (Vô Sắc Giới).
Nhưng chung quy dòng ấy (Cõi Luân Hồi) cũng chỉ là những cõi “Đau khổ”, có nhiều khổ hơn vui; cho nên Đức Phật mới gọi đó là “Biển Khổ” hay “Khổ Hải”.
Trong “Khổ Hải” có chúng sinh chán chường không thích lội xa bờ, có chúng sinh ham thích thì lội càng ngày càng xa bờ; nhưng nếu càng xa bờ chừng nào thì sự trở về càng lắm gian nan chừng nấy!
V/ Có nhiều chúng sinh, trong một lúc nào đó, đột nhiên gặp những biến cố trong cuộc đời hay có lúc tự suy ngẫm rồi biến chuyển không thích chơi trong cõi Luân Hồi nữa. Họ biết “dừng lại” (Phiền Não Thị Bồ Đề) hay là họ đã có được sự “Ngộ” (Giác, hay Bồ Đề), và bắt đầu “Quay trở lại” để bơi vào “Bờ” (Hồi Đầu Thị Ngạn). Khi Đức Phật Thích Ca chưa truyền bá giáo pháp thì con đường đó tự khởi, tự chúng sinh “ngộ” ấy tìm lấy con đường cho chính mình để “lội” được vào đến bến. Nhưng con đường đó thật là gian nan và lắm chông gai. Đôi khi chúng sinh lọt vào con đường “Ma Đạo” cũng không chừng!
Khi Đức Phật Thích Ca đã chứng ngộ và truyền bá giáo pháp, Đức Phật đã chỉ rõ và nói đến con đường, qua kinh nghiệm của chính mình để giúp cho chúng sinh nương vào con đường “kiểu mẫu” đó để lội vào được đến bờ. Phật đã chỉ rõ: “Chúng sinh đã tự mình tạo nghiệp, thì chỉ có chúng sinh đó mới tự mình dứt nghiệp cho mình mà thôi, không ai dù là Thần Thánh có thể thay thế được!” (Tự mình thấp đuốc lên mà đi).
Giáo pháp của Đức Phật có những điều quan trọng như sau:
a/- Tất cả chúng sinh đều có chủng tử, hạt giống “Phật” như là viên ngọc đã nằm trong chéo áo mà không tự biết, cho nên Đức Phật đã thuyết đến Kinh Pháp Hoa để làm cho chúng sinh “được khai mở và hiểu” (Khai), thấy biết (Thị), và hiểu rõ (Ngộ) mà “Nhập” vào những điều mà Phật đã biết (Phật Tri Kiến); để rồi đi vào con đường giải thoát mà Đức Phật đã hướng dẫn (Đạo Sư) để tự giải thoát lấy cho mình. Đức Phật cũng không quên nhấn mạnh: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
b/- Trong 3 Cõi (Tam Giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), và Lục Đạo Luân Hồi: Chỉ có con người, hay chúng sinh ở cõi Ta-Bà này mới là chúng sinh duy nhất có thể tu thành Phật, vì chỉ ở cõi này mới có Phật Pháp. Do vậy được làm con người thật là đáng quý (Thân Người Khó Được hay Nhân Thân Nan Đắc), và cũng ở con người mới có đủ trí tuệ để “Tu”. Nhưng Tu bằng cách nào?
Trong hơn 45 năm hành Đạo, Đức Phật đã cố gắng giảng giải về con đường để Ngộ và Tu qua những bài thuyết pháp, các Bộ Kinh tùy theo “Căn Duyên” của nhiều đối tượng mà nói cho thích hợp: “Phật Pháp không sai khác mà vì trình độ chúng sinh có sai khác nên Phật pháp có sai khác” (Kinh Kim Cang).
Con đường đó được Đức Phật thuyết giảng như sau:
*- Chúng sinh cần hiểu rõ rằng: Cuộc đời trong Vòng Luân Hồi giống như một bể khổ mênh mông, trong đó chúng sinh tương tục gây nên những tội lỗi bằng những hành động: Sát, Đạo, Dâm, Vọng để thỏa mãn mọi Tham Lam, Ước muốn của mình bởi ở ba điều: Tham, Sân, Si. Chính các nhân tố đó đã tạo thành Nghiệp và phải Trả Nghiệp mà chúng sinh mãi ở trong vòng Luân Hồi. Muốn thoát ra được, chúng sinh phải dừng lại những hành động Sát, Đạo, Dâm, Vọng; không làm thêm điều ác; giảm thiểu sự Ham muốn, Tham, Sân, Si; biết sợ “gây nhân”, biết làm điều thiện, và chỉ còn đợi chờ trả hết quả mà thôi!
*- Đức Phật giảng đến “Tứ Diệu Đế” để chúng sinh nhận thức được sự khổ của thế gian mà con người và chúng sinh đã phải nhận lãnh từ trong cõi Luân Hồi (Khổ Đế), và Đức Phật chỉ rõ nguyên nhân của sự khổ là gì? (Tập Đế); để từ đó muốn chấm dứt sự khổ (Diệt Đế) chỉ có con thực hiện con đường đạo (Đạo Đế).
*- Để thực hiện con đường Đạo Đế, Đức Phật đã dẫn ra 6 bước thực hiện, tức là Lục Độ Ba-La-Mật: Bố Thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Thiền Định và Trí Huệ. Trong đó Bố Thí là để tạo nên nghiệp lành, nghiệp thiện; Trì Giới để đình chỉ mọi nghiệp ác, bất thiện; Tinh Tấn để nuôi dưỡng sự tiến bộ gieo nhân lành, chấm dứt sự ác; Nhẫn Nhục để dần tiêu tan Tham, Sân, Si nguyên nhân của những nhân xấu; Thiền Định là để tìm lại được và phát triển chủng tử Phật Tánh của mình và đạt đến sự Giác Ngộ; và khi đạt đến Giác Ngộ tức là Sự Sáng Suốt, Chiếu Soi đã tìm lại được tức là đã có được “Trí Huệ” vậy!
*- Trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật đã đề cập đến những cách “Tu” để đạt đến giải thoát của những vị “Bồ Tát” tùy theo bản thể của người đó, nhưng chung quy vẫn là nương 25 “Pháp Thế Gian” để thoát khỏi Thế gian như dựa trên 6 Trần (Thanh, Sắc, Hương, Vị, Xúc, Pháp); 6 Căn (Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý Căn); 6 Thức (Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý Thức); 7 Đại (Đất, Nước, Lửa, Gió, Hư Không, Thức Đại, Kiến Đại).
Đó là những pháp tùy theo từng cá nhân mà có những pháp thích hợp với chính họ. Tuy nhiên, Đức Phật cũng hướng dẫn để giúp những người Tu vượt khó bằng 37 cách được gọi là 37 pháp “Trợ Đạo” gồm: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, và Bát Chánh Đạo.
Và Trong Kinh A-Di-Đà, Đức Phật đã đề cập đến hạnh nguyện của Đức Phật A-Di-Đà và cõi Tịnh Độ, nhưng đó cũng là một hình thức “Quán Niệm” vì niệm 6 chữ: “Nam Mô A Di Đà Phật” cho đến chỗ Vô Niệm và Nhất Tâm Bất Loạn thì cũng không khác mấy với Thiền. Nhưng, ở phương pháp Tịnh Độ này: Ngoại cảnh, tiếng động khó khiến người tu “Đi sai đường” hay nói cách khác là bị “Tẩu hỏa nhập ma” trong lúc người tu thực hiện tu tập; và đường lối tu này dễ thực hiện hơn dù bất cứ ở nơi đâu không kể đến không gian và thời gian nào.
Khi người “Tu” thực hiện sự tu tập của mình đến khi nhân duyên đủ, tức là “Nhân không còn, quả đã hết” thì họ đã đến được bờ để chuẩn bị ra khỏi dòng sông luân hồi, chỗ đó ngày trước gọi là “Mê Tân hay Bến Mê”, bây giờ được gọi là “Giác Ngạn hay là Bờ Giác” hay còn gọi là “Bờ Bên Kia” giống như vượt qua sông khổ để sang được đến bờ bên kia, nơi an lạc, tự tại, vô ngại.
VI/ Nhưng có vài điều quan trọng mà Đức Phật đã dặn dò rằng:
"Dầu cho ông (A Nan) hiện tiền đặng nhiều trí huệ và thiền định":
-Đoạn dâm dục:
"Nếu tâm dâm dục không trừ" thì "cũng sẽ đọa vào ma đạo. Thượng phẩm làm ma chúa, trung phẩm làm ma dân, hạ phẩm làm ma nữ".
"Ông đem tâm dâm dục để cầu quả Phật, dầu cho ông có được diệu ngộ đi nữa, cũng không ra khỏi tam giới, vì gốc của nó là dâm thì làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi được; huống chi quả Niết bàn của Phật, ông làm sao chứng được.
Nên quyết định phải đoạn trừ dâm cơ; trong tâm ngoài thân đều đoạn, cho đến cái biết đoạn cũng không còn, được như thế thì đối quả Phật Bồ đề, ông mới có hi vọng".
-Đoạn lòng sát hại:
"Nếu không đoạn tâm sát hại, thì ông chỉ đọa vào thần đạo. Bực thượng làm Đại lực quỷ, bực trung làm phi hành dọa xoa và các loài quỷ soái, bực hạ làm Địa hành La sát và các quỷ thần."
"A Nan, những người ăn thịt, dầu cho có đặng tâm trí khai ngộ, cũng thành quỷ Đại la sát, đến khi mãn kiếp quủ La sát rồi, quyết định phải trầm luân trong biển khổ sanh tử. Giết hại ăn thịt lẫn nhau, thì làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi được."
-Đoạn trừ trộm cướp:
"Nếu không đoạn tâm trộm cướp thì quyết định đọa vào tà đạo. Bực thượng làm loài tinh linh, bực trung làm loài yêu mỵ, bực hạ làm người tà, bị các loài tinh yêu này nhập".
-Đoạn trừ vọng ngữ:
"A Nan, nếu các chúng sanh, đã giữ hoàn toàn ba hạnh trên là không sát, đạo, dâm rồi mà còn đại vọng ngữ, thì tâm cũng không thanh tịnh, mất hột giống Phật thành ma ái kiến
Đó là Đức Phật đề cập đến người Tu “diệu ngộ” (trí huệ và thiền định) mà chưa dứt được với Sát, Đạo, Dâm, Vọng thì chưa thể chứng ngộ được hoàn toàn. Cũng như, với cái “Tâm Phân biệt” giữa Ta, Người, Chúng sinh và Thọ Mạng Tướng thì người Tu cũng chưa chứng được Thánh Quả như trong các đoạn Kinh sau:
-Nầy Thiện nam! Các chúng sanh đời sau, bởi không rời được bốn tướng, nên tuy trải qua nhiều kiếp, siêng năng tu hành khổ hạnh, nhưng chỉ thành hữu vi mà thôi, chớ không thể chứng được Thánh quả" (Viên Giác, trang 167).
Và trong Kinh Kim Cang (Phật Học Phổ Thông Khóa XII), Đức Phật cũng có thuyết như sau:
-"Phải xa lìa tất cả các chấp tướng, mới gọi là chư Phật" (trang 109). Hay:
-"Phật dạy:"Tu Bồ Đề! Nếu có người phát tâm Bồ Đề, thì phải dụng tâm như vầy: Ta hóa độ tất cả chúng sanh, nhưng không thấy có mình độ và chúng sanh được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả, tức nhiên không phải là Bồ Tát". (Trang 134-135). Và:
-"Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Pháp này bình đẳng không có cao thấp, không ngã, không nhơn, không chúng sanh và không thọ giả, tạm gọi là Đạo Vô Thượng Bồ Đề" (Trang 164).
Hoặc:
-"Phật dạy: "Tu Bồ Đề! Ông chớ lầm tưởng: Như Lai nghĩ rằng: "Ta độ chúng sanh". Tại sao vậy? Nếu Như Lai có nghĩ: "Ta độ chúng sanh", thì Như Lai còn chấp bốn tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả, tức nhiên không phải Như Lai. Bởi thế nên, Như Lai thật không có độ chúng sanh nào cả." (Trang 168).
Tại sao như vậy? Chúng ta hãy nhớ lại: Lúc khởi đầu Đức Phật đã giải thích vì “Vô Minh” tức là vì “Không Biết hay Si Mê, Mê mờ” mà chúng sinh đã có “Vọng Tưởng” cùng “Tâm Phân Biệt” (Ta, Người,...) để từ đó chúng sinh đã phải rời cõi Chơn Tâm và đi vào cõi Luân Hồi. Nay người Tu muốn đạt Đạo Vô Thượng Bồ Đề để trở về với cõi Chơn Tâm thì không thể còn cái Ngã, vì với cái Ngã người Tu vẫn còn “Ngã Kiến” quá nặng, chứ chưa là “Vô Ngã”. Vô Ngã là gì? Vô Ngã được diễn nôm na là: “Ta” không khác, không nặng hơn “Người”, với “Chúng sinh” khác, mà “Ta, Người, Chúng sinh như là Một: “Tất cả cũng như là Một, nhưng Một cũng lại là Tất Cả”. Có như vậy “Tất cả đều sống chung hòa bình (Viên dung) trong cùng một cõi “Chơn Như”, mọi người đều là Phật không khác, không có một cái thứ hai nào cả. Đó là cõi “Bất Nhị” vậy!
Lúc người “Tu” đã đạt được Đạo và trở về với Chơn Tâm ngày trước (bây giờ được gọi là Niết Bàn) thì lúc đó mới thấy mình như đã rời khỏi “giấc mộng đêm qua” để trở về với thực tế; và cũng vào lúc ấy sẽ không còn những “vọng tưởng vô minh” nữa như Đức Phật đã diễn tả như trong các đoạn Kinh sau:
-Bởi thế nên biết "Sanh tử và Niết Bàn" cũng đều như giấc mộng hôm qua, vì chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa đến giờ. (VG, 56).
-Này Thiện nam! Thí như chất kim khoáng, sau khi được nấu lọc, bỏ hết quặng rồi, thì chỉ còn vàng y, chất vàng này không phải do nấu lọc mới sanh, vì nó có sẵn từ trước kia rồi; và khi đã thành vàng y, cũng không bao giờ trở lại thành quặng nữa, dầu trải qua bao nhiêu năm, nó cũng không hư hoại.
Tánh viên giác thanh tịnh của Như Lai cũng thế. (VG, 70).
Nguyên Thảo,
25/10/10.
Monday, July 4, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment