Tuesday, July 19, 2011

*Đạo Phật 20: Nhập Thế Hay Xuất Thế?

Từ lâu, người ta nhìn vào Đạo Phật như là một đạo xuất thế và những người tu sĩ của Đạo Phật như là những người xa lánh cõi trần tục, sống trong am tự ở những nơi yên tịnh vắng vẻ để lo hành việc đạo, sống một đời đạo hạnh, không vương vấn cuộc đời. Đôi khi người ta coi am tự như là những nơi để những người buồn chán, thất thời lỡ vận từ bỏ đời sống bình thường nương tựa như thế gian có câu: “Tu là cỗi phúc, tình là dây oan”! Chính vì thế mà người ta nhìn Đạo Phật như là tiêu cực đối với xã hội trong những thời gian dài, mặc dù trong lịch sử nước ta Đạo Phật có những thời kỳ nhập thế và những triều đại ấy thật là huy hoàng. Điều ấy được chứng minh qua hai triều đại Lý, Trần. Nhưng sự thực thì Đạo Phật là đạo Xuất Thế hay Nhập Thế?
Đạo Phật chính ra là một đạo nhập thế. Vì nếu không nhập thế thì làm sao nó làm nhiệm vụ giáo hóa chúng sinh cho được. Ngay cả Đức Phật cũng phải nhập thế hơn 45 năm ròng rả để thuyết giảng, Ngài chỉ bỏ hơn 6 năm xuất thế để tu tập tìm con đường đạo, và khi đã “ngộ đạo” tìm được con đường cứu khổ và giải thoát khỏi luân hồi cho chúng sinh, Ngài đã hoàn toàn nhập thế, lặn lội từ nơi này đến nơi khác để truyền bá con đường ấy cho chúng sinh, mà chỉ mong chúng sinh “Ngộ, Nhập tri kiến Phật” và chỉ cho chúng sinh biết rằng mình có Phật tánh là hạt nhân để mình có thể trở thành Bậc Giác Ngộ và thoát hỏi Luân Hồi. Nhưng điều quan trọng vẫn là do chính người đó muốn được giải thoát, tự tu tập theo con đường mà Đức Phật hướng dẫn theo chính kinh nghiệm của Ngài hay không?
Theo như vậy, chúng ta không thể nói rằng Đạo Phật là Đạo Xuất Thế. Sở dĩ, người ta hiểu lầm hay hiểu không đúng tại vì họ và chúng ta chưa quán triệt được trong tư tưởng của chúng ta mà thôi! Chúng tôi không phải nói ngoa! Mà đó chính là một sự thật! Mà sự thật đó người ta không thể ngờ tới!
Có lần chúng tôi đã phân tích và nói về vấn đề con người trên con đường giải thoát (Bài: “Con Người Trong Đạo Phật” đăng trong trang nhà Đạo Phật Ngày Nay vào tháng 11/2008 ở Phiên bản cũ). Con người là chúng sinh đang ở cuối điểm con đường giải thoát, và được làm con người rất là quan trọng. Tuy nhiên vì con người không nhận thức được vai trò, vị trí của mình nên thường lo lắng, e ngại, hay thiếu lòng tin, mà không có hay chẳng vững lòng tin để tu. Vì vậy mà người ta sống theo sự ham muốn đầy đủ tham, sân, si của mình để gây nghiệp tiếp tục và rồi lại trôi theo dòng nghiệp, và vay trả trả vay!
Theo như Kinh điển đã đề cập đến trong Lục đạo Luân Hồi thì được làm con người ở cõi Nam Diêm Phù Đề này rất là quan trọng (nhân thân nan đắc). Tại sao như thế? Vì các chúng sinh cõi khác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, và các cõi trời đều tu không thể thành Phật, bởi vì các cõi ấy không có Phật pháp. Phật pháp chỉ có ở cõi Nam Diêm Phù Đề, do đó mà các chúng sinh khác muốn tu thành Phật phải “tái sinh” làm người trong cõi của chúng ta mà thôi! Cho nên, làm con người trong cõi đầy đau khổ này không phải là dễ, cũng là có nhiều phước đức mới đi đến đoạn cuối của vòng Luân hồi, và giống như chúng ta đang đứng tại cửa ra mà chúng ta không biết! Chúng ta chỉ cần mở cánh cửa ra là chúng ta sẽ thoát được ra ngoài, ra ngoài cõi sinh tử!
Ở Kinh Duy Ma, phẩm Phương Tiện, Thiên Thai sớ có ghi:
“Nói Tám nạn thì Thứ nhất là Địa ngục, Thứ hai là Ngã quỉ; Thứ ba là Súc sinh; Thứ tư là Bắc Uất Đan Việt tức là người ở châu Bắc Câu Lư sống sung sướng nên không ham tu học. Thứ năm là Trường Thọ Thiên; người ở đây không có tâm tưởng nên không tu học được. Thứ sáu là đui điếc câm ngọng. Thứ bảy là thế trí biện thông, cậy mình thông biện, theo đòi thế sự nên không tu học. Thứ tám là sinh vào thời trước Phật, sau Phật” (Trích “Bát nạn” từ “Từ Điển Phật Học Hán Việt” của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, do Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội xuất bản)
Chúng ta được sinh ra trong thế giới này, mà chúng ta không phải bị “câm, ngọng, đui, điếc” tức là chúng ta thoát được sáu nạn; và mặc dù chúng ta sinh sau Phật nhưng chúng ta được tiếp cận với Phật pháp thì với “tám nạn” ấy chúng ta cũng được coi như là thoát nạn. Thế thì chúng ta chỉ còn biết cách tu để đạt được đạo mà thôi!
Thông thường, người ta cứ nghĩ người được phước báo, giàu sang, sung sướng là những người tu nhân, tích đức bây giờ mới hưởng phước. Nhưng trong con đường để giải thoát, thì những người giàu sang, sung sướng, hạnh phúc.. họ lại hay quên lãng tìm cho mình con đường giải thoát; mà những con người thường xuyên đau khổ, thiếu thốn dằn vặt, ưu tư về nội tâm.. lại là những người dễ có cơ duyên “thành đạo” hơn vì với những “Phiền Não” họ dễ dàng “không vướng mắt” về ngoại cảnh, và họ có trạng thái giống như một người “đang hành thiền”, và họ lại quyết tâm hơn, vì thế họ dễ chứng nghiệm “Thị Bồ Đề”!
Theo như vậy, làm con người mới có nhiều cơ duyên để tu và tìm được cho mình con đường giải thoát. Nhưng tại sao người tu thì ít, người không tu thì nhiều? Nếu nói về cơ duyên và nhân quả thì duyên của họ chưa đến; vả lại, thế giới này cũng có nhiều ma như trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật đã cảnh báo:
“Bởi các loài ma kia thấy người tu hành, sanh tâm lo sợ cho bà con quyến thuộc của chúng sẽ tiêu diệt, nên chúng dùng đủ thần lực đến nhiễu hại người tu. Chúng cũng đủ năm phép thần thông biến hóa chỉ chưa được Lậu Tận Thông” (Phật Học Phổ Thông, H.T Thích Thiện Hoa, khóa VI-VII, trang 270).
Chính vì thế mà trong cuộc sống nhiều lẫn lộn này, thế giới ma đã bày ra nhiều ma chướng, thú vui, để lôi cuốn con người vào những thú vui, sắc dục, vật chất.. khích động lòng tham, xúi giục nỗi sân để rồi con người trở nên si mê mà vương vào các tội thuộc sát, đạo, dâm, vọng để từ đó con người phải vướng vào nghiệp mà không thể thoát ra được ngoài vòng luân hồi và chịu loài ma lôi cuốn mãi trong cuộc chơi của chúng. Chúng cũng không những quấy rối, lôi cuốn trong thế giới con người, mà ngay cả những người tu hành nữa: Đó là những người tưởng chừng như “ngộ đạo” nhưng thực ra đã bị loài ma hướng dẫn vào những ma đạo, tiếp sức cho ma để quyến rũ con người không thể thoát ra được vòng luân hồi và sự kiềm tỏa của chúng ma. Điều đó ta có thể thấy nhiều người tu tự xưng mình là chứng ngộ, là bạn, là con, là tiên tri, là sứ giả của Đấng Tối Cao nào đó, nhưng trên thực tế tôn giáo của họ là những tôn giáo đưa đến sự chém giết khủng khiếp cho nhân loại, hoặc dùng sự hào nhoáng bề ngoài để dễ dàng thu hút, dụ dỗ, lôi cuốn nhằm khống chế con người trong vòng ảnh hưởng của chúng! Con người, chúng sinh trong thế giới này, trong điểm đích cuối cùng của vòng luân hồi phải chịu nhiều thử thách cam go mới có thể vượt ra được giống như cái cảnh cá vượt “Vũ Môn” để hóa thành rồng; nhưng không mấy con cá Lý Ngư sẽ hóa thành rồng!
Lại có điều khác quan trọng trong quan niệm, ý tưởng hay suy nghĩ: Người ta thường suy tưởng tu rất khó và nhất là được nghe kể cần rất nhiều kiếp tu mới thành Phật, cho nên đa số họ đã không nghĩ đến tu và không nghĩ là mình đang ở vị trí “sắp thành”, nên họ đã buông trôi dòng đời, mặc ra sao thì ra. Chỉ cần những sai lầm hay những phút giây tạo nghiệp, họ phải luân hồi trở lại bao nhiêu kiếp và không biết đến bao giờ họ lại trở lại làm con người ở cõi Nam Diêm Phù Đề để được tu hành mà giải thoát! Không những thế người ta cứ nghĩ tu là phải xuất gia, sống trong giới luật mới là tu hay ít ra cũng là cư sĩ. Nhưng tu trong đạo Phật, đâu phải là chỉ có thế: Tu là để không gây nhân xấu nữa, tích chứa những nhân thiện đến khi nào trong túi A-Lại-Da-Thức không còn nhân để gây nên quả xấu nữa thì sự Luân Hồi cũng chấm dứt vì đâu còn nhân xấu mà phải trả quả ở các kiếp sau! Không cần đến kiếp sau nữa thì làm gì để có Luân Hồi. Chỉ trừ một việc là trong lúc sống chúng ta tha thiết với một việc hay điều gì “quá luyến lưu” mà ta ước nguyện quay trở lại thì lúc đó thay vì rời được dòng nước chúng ta lại “tự nguyện” quay trở lại với dòng nước!
Cũng vì quan niệm tu rất khó để thành Phật ấy, cho nên người ta trở nên ít tu và trong lối tu của họ không tìm thấy sự sáng sủa “gần kề”, mà chỉ thấy một sự “xa vời” nào đó. Từ đó, người ta cứ bắt chước con đường đi tìm đạo như Đức Phật, sống theo cách của Đức Phật lúc mới đi tìm đạo để mong rằng trong một lúc nào đó họ được ngộ đạo để thành Phật: Làm một vị Bích Chi hay Độc Giác Phật. Nhưng Đức Phật đã tìm được Chân Lý và tuyên xưng Chân lý ấy từ lâu rồi kia mà! Sống và tu hành như cung cách của Đức Phật ngày xưa cũng tốt vì cái Ngã của mình được lắng xuống: Mình cảm thấy mình sống còn nhờ vào bá tánh, có thể mình còn bị phỉ báng thì sự nhẫn nhục của mình trở nên cần thiết để mình tu tập được tốt hơn. Tu theo Tiểu thừa thì được thanh tịnh, nhưng khi tiếp xúc với đại chúng thì có thể có những khó khăn xảy ra vì có thể bị dòng đời lôi cuốn, hoặc cái Tâm phân biệt: Ngã, Nhân, Chúng sinh và Thọ giả hãy còn tồn tại vì không phân biệt, “biết” một cách rõ ràng nên còn vướng mắc vào “Cái Tâm phân biệt” đó! Còn có thể do thời tiết, hoàn cảnh, quan niệm hay tập tục mà sản sinh ra phái Đại Thừa, các tu sĩ ở trong các am tự, không còn đi khất thực nữa, mà bá tánh đến chùa để lễ hội hay tu tập. Từ sự được bá tánh cung phụng, đôi khi được cúng dường nữa nên cái quan niệm về “Ngã”, quan niệm về “Nhẫn”, và về “Cái Chùa của Ta” đã giới hạn ở “Lý Tưởng” của người tu sĩ, tất nhiên sẽ lôi cuốn theo cách hành đạo cũng có khác đi!
Đức Phật đã thuyết nhiều “Bộ Kinh” khác nhau tùy theo căn duyên của chúng sinh, và tùy theo căn duyên mà chúng sinh ấy chọn con đường tu tập; dù Đại Thừa hay Tiểu Thừa cũng đều hướng tới lý tưởng “Thành Đạo”, trở thành người Giác Ngộ thì không nhất thiết đường lối tu của ta hay hay đường lối tu của người là dở. Nhưng, điều quan trọng là người tu tu có đi đúng hướng hay không, tu trong căn bản nào: “Dứt trừ vọng tưởng và tâm phân biệt” hay lấy căn bản “Sinh tử, vọng tưởng, tâm phân biệt” để làm mục đích?
Do vì không tìm thấy căn bản mà người tu không quyết tâm để tu, mà còn khen chê đường lối này đường lối kia. Và vì không thấy “vị trí của con người” trong thế giới này quan trọng như thế nào nên người thế gian lại chẳng màng đến việc “tu sửa”. Lại thêm cứ ngỡ tu để thành Phật rất khó và không biết bao nhiêu kiếp và đến bao giờ, mà người ta lại thờ ơ với việc “giải thoát khỏi vòng Luân Hồi” để rồi người ta gia nhập vào những phương tiện thấy như là dễ dàng, con đường hào nhoáng, dáng vẻ bên ngoài do “ma” đã lập thành để lôi cuốn con người đi vòng vòng mãi trong Luân Hồi mà chúng sinh không thể ngờ tới!
Lại nữa, thế gian cứ ngỡ “Tu để thành Phật rất khó và lâu dài” mà không hề nghĩ rằng “Được làm con người sinh ở thế giới Nam Diêm Phù Đề này đã phải tốn biết bao nhiêu là kiếp, hay là vô lượng kiếp cũng không chừng!”; Và “mình không bị câm, ngọng, đui, điếc mà còn có tiếp xúc với Phật pháp” là mình đã thoát được “Tám nạn” rồi!. Vậy thì: Bồ Tát, A La hán đối với mình đâu có xa. Thế mà tại sao chúng ta lại thờ ơ?
Người tu sĩ Phật giáo thì cứ nghĩ mình tu cho mình, mình cố gắng hoàn thiện để mình được giải thoát. Họ lại nghĩ “mình còn lâu lắm mới thành Phật”, nhưng họ lại không bao giờ nghĩ rằng họ đang lột xác để trở thành A La Hán, hay Bồ Tát; và họ cũng cứ nghĩ họ vẫn mãi là chúng sinh, để rồi họ đôi khi thối chí để trở ra vương vấn cuộc đời. Được có thân người là khó, được làm người lành lặn là khó, được tiếp thu Phật pháp cũng là khó; được thâm nhập vào giáo pháp lại càng khó hơn! Thế tại sao chúng ta chỉ cần bước thêm một bước chân nữa để thoát vòng Luân Hồi mà chúng ta không bước để rồi lại còn e dè mà quay trở lại? Điều này những tu sĩ nào chưa đủ tín tâm cần nên suy nghĩ! Đi đúng trên con đường Chân Lý mà hãy còn lưỡng lự, e dè, chắc đợi ma quỷ đưa đường dẫn lối để đi vào đường “Ma” thì mới cam ư? Cứ đi vòng vòng trong cõi Luân Hồi mà không biết đến bao giờ thoát ra được, họ mới chịu đấy sao?!
Đức Phật sau sáu năm đi tìm đạo không thành, với lời nguyện sau cùng và 49 ngày sau Ngài đã tìm thấy “Đạo”. Và với hành trình nhập thế trong hơn 45 năm, Ngài để lại giáo pháp cho đời sau làm “Kim Chỉ Nam” để chúng sinh vượt thoát vòng khổ đau. Thế mà chúng sinh vẫn còn chưa tự tin mình sẽ thoát được vòng đau khổ mà cứ đợi chờ “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” để rồi họ cứ mãi là người khổ đau!
Thuở xưa một A Nan “thệ tiên nhập” để giáo hóa chúng sinh; một Ngài Địa Tạng thệ nguyện “Chưa độ hết chúng sinh trong địa ngục, thệ không thành Phật”; một Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát “tầm thinh cứu khổ, cứu nạn” với bất cứ hóa thân nào; và còn biết bao nhiêu Đại Nguyện khác của các vị Bồ Tát và Phật, chẳng có Đại Nguyện nào để xa lìa chúng sinh cả. Vậy thì, Đạo Phật sao gọi là Xuất Thế?
Chúng ta cũng cần quán triệt được quan niệm và vấn đề để chọn cho mình con đường tu đúng và thích hợp trong từng thời kỳ. Nhưng hội nhập để giáo hóa chúng sinh, để truyền bá Phật pháp nối tiếp con đường của Đấng Như Lai trước kia, và cứu khổ cứu nạn, đem lại sự vững lòng tin cho chúng sinh trên con đường giải thoát; làm cho cõi Ta Bà này trở nên Thiện, Mỹ hơn chứ không như các tôn giáo của Ma, quỷ đem chém giết hận thù để lôi cuốn chúng sinh quay trở lại vòng Luân Hồi! Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ và tiến lên phía trước với đầy lòng tin của những người con Phật, nhưng “hòa nhập, chứ đừng để hòa tan”. Chúng ta hãy cũng như những tượng Phật ngồi trầm lặng nhưng thừa Bi, Trí, Dũng ẩn hiện trong dáng dấp trầm ngâm đó; ngồi trầm ngâm mà hiểu rõ mọi vấn đề qua Lục Thần Thông, nhất là với Lậu Tận Thông! Nhập Thế để giáo hóa cuộc đời và chúng sinh! Nhiệm vụ vĩ đại ấy không bao giờ ngừng nghỉ! Cứ tiến lên và thẳng tiến về phía trước!

Nguyên Thảo,
30/01/2011, cuối năm Canh Dần.

No comments:

Post a Comment