Nói đến cái nghèo thì chẳng ai thích nó cả! Nếu phải lâm vào cảnh nghèo thì đành chịu, chỉ biết than thân trách phận mà thôi!
Với cái nghèo là người ta không có tiền để tạo được những nhu cầu cung ứng cho đời sống của mình, của gia đình; không thể lo cho con cái học hành được thì nói chi lo cho chúng được đến nơi đến chốn: Con cái cùng vất vả với cha mẹ như bóng với hình. Vì để sinh tồn, cảnh nghèo đã thường đưa đến tình huống “Bần cùng sinh đạo tặc”, những hiện tượng trộm cướp để chiếm đoạt tài sản của người khác bằng lén lút hay dùng đến bạo lực, vũ khí. Tuy nhiên, trong xã hội, còn có người vầy người khác: Mặc dù nghèo nhưng vẫn có những con người thanh cao, sống đạm bạc, không hề đụng đến tài sản của người dù đó là một vật nhỏ nhoi. Chính vì thế mà chúng ta mới thấy giá trị của một nền đạo đức căn bản làm nền tảng cho một xã hội; điều ấy chúng ta có thể thấy rõ ràng trong trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản trong ngày 11/3/2011 vừa qua. Với ý thức cao, một nền luân lý thấm nhuần nên người Nhật trong cơn hoạn nạn, chết chóc và tan nát ấy họ đã không hề cướp giật, hôi của; mà trái lại, họ vẫn lẳng lặng sắp hàng giữa trời giá rét để được phân phát lương thực và chất đốt. Họ không rối loạn, ngay cả một đức bé 9 tuổi được cho lương thực để ăn đỡ đói được khi nhận hàng cứu trợ; nhưng, nó đã không ăn và đem phần ấy đặt vào trong chỗ quà được phân phát. Những điều ấy làm cho thế giới phải ngưỡng phục một dân tộc về tính trật tự, kỹ luật và ý thức. Quả thật là một dân tộc hiếm có trên thế gian này!
Còn đa số thì sao? Đa số vẫn sống theo bản năng: “Ai chết mặc ai”! Miễn là họ không phải chết và không phải đói! Bằng mọi hình thức họ phải sống dù cái sống ấy bằng những cách “vô liêm sĩ”, hay những hình thức “vô lương tâm” dù là họ không phải là những con người thực sự đói khát.
Với chiến tranh, sự tàn phá khủng khiếp, khiến cho bao gia đình tan nát, tiêu tán tài sản đã dành dụm bao năm, hay cả công sức bao đời đóng góp lại mới thành; chỉ trong thoáng đã là người trắng tay, phủi sạch trở nên nghèo. Trong con đường chính trị sai lầm nào đó khiến cả một dân tộc hay đất nước trở nên nghèo. Con người ta trở nên khốn khổ lầm than, một số người không nhỏ sống theo bản năng “sinh tồn” mà đã nảy ra cướp giựt, giết chóc, trộm cắp… Và khiến cho người khác cũng trở nên nghèo, cũng “bần cùng” mà “sinh đạo tặc” cũng như nhau! Thế là một xã hội, một đất nước gồm đa số thuộc thành phần bất hảo: “Tại vì ai?”. Kinh tế càng khó khăn chừng nào thì người ta phải bương chải chừng nấy để lo cho chính thân mình và toàn gia đình được sống, được đầy đủ thì hình thức “mua chuộc” để quan chức làm ngơ cho hàng gian, hàng lậu đi trót lọt thì được lợi cho cả hai thì tại sao họ không trao đổi. Có chết ai đâu? Chỉ có người mua, người tiêu thụ thôi mà! Họ phải mua mắc hơn chút ít, phải trả thêm một số tiền mà công sức của họ phải bỏ ra nhiều hơn để kiếm được. Một sự liên đới tương quan của xã hội mà không ít những nhà lãnh đạo một quốc gia chẳng hề để ý hay quan tâm, cho nên giá trị của hai chữ “chính trị” trên nghĩa ban đầu đã bị mất dần theo quyền lợi của cá nhân và đàn đóm. Chính trị không còn đem ích lợi đến cho dân, hay tuyên xưng “của dân, do dân và vì dân” nữa mà chính là cho những quan chức, người cầm quyền… vừa được hưởng lợi từ tiền đóng thuế của người dân, vừa được tham nhũng, lại vừa được hối lộ mà giàu có lên: Gia đình trở nên sung sướng, vợ tha hồ chảnh chọe, con tha hồ tiêu phí, du học để trở nên người lãnh đạo của tương lai. Chỉ tội có dân nghèo mà thôi!
Chạy cơm, chạy gạo không xong lấy đâu để lo lót, tiền bồi dưỡng mỗi khi có việc cần. Họ chỉ có ngồi mà than phận hay ngẫm nghĩ đến “một kiếp nghèo”!
Để mong được thoát khỏi cái kiếp cùng cực người ta phải làm tất cả những gì mà người ta có thể: Ở đợ, bán thân, người con gái phải bán cả trinh tiết của mình để rồi đi vào con đường u tối hơn, hoặc bị dụ dỗ đi ra nước ngoài để làm “tấm thân ô nhục”, hay thí mạng cho cuộc đời, rồi tới đâu thì tới! Đàn ông, con trai đủ cách để họ sử dụng từ vũ lực, lừa đảo, giết chóc miễn là “lấy của người khác để làm lấy của mình”. Một sự hỗn loạn của xã hội chưa từng thấy, một nền đạo đức suy vi cùng cực. Thế mà những người ở trên có thấy đâu? Nhất là trong những chế độ độc tài! Chuyện cuộc đời là như thế đó: Thân phận của những con người trong cái nghèo! Cái kiếp nghèo khổ lắm ai ơi!
Đồ Ngông,
15/05/11.
Saturday, July 9, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment