Monday, October 29, 2012

*Sai !


 *Chuyện Tào Lao!      (tt)

 
Sai hay là “trật”, tất nhiên là không đúng!

Thói thường người làm sai không bao giờ chịu nhận là mình đã sai. Họ phải “cải cối cải chày” để né tránh trách nhiệm. Đuối lý thì sẽ đi tới “ngụy biện”. Đó là chỉ vì “lòng tự trọng và tự ái” của họ mà thôi! Nhận mình sai họ có cảm tưởng giá trị mình bị “mất giá” và con người của họ sẽ bị khinh thường nên họ sẽ không bao giờ nhận là mình đã sai và làm không đúng. Trên từng cương vị mà sự sai trái của họ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người khác; giống như người xưa, hình như ông Lão Tử thì phải, đã từng nói: “Làm thầy thuốc sai lầm chỉ hại có một mạng người, làm chính trị sai lầm thì hại cả một nước, nếu làm giáo dục mà sai lầm thì hại đến cả muôn đời”. Điều ấy đã thật là không ngoa! Một ông thầy thuốc cho thuốc không đúng bệnh, khiến cho bệnh của bệnh nhân chẳng những không hết mà lại còn tăng thêm đến hồi nguy kịch và mạng vong. Đó là chưa nói đến những ông thầy thuốc chỉ biết có tiền và đòi hối lộ, lo lót mà chẳng màng gì đến lương tâm, thì chẳng trách chi nhiều bệnh nhân phải tử vong mặc dù bệnh của họ chẳng trầm trọng gì. Những điều các thầy thuốc ấy học được trong nghề chỉ là để chơi. Nhu cầu tiền bạc để cung phụng cho đời sống sung sướng trong một xã hội mà mọi người đều bị lâm vào hoàn cảnh cùng khổ, lầm than mới là quan trọng; cho nên lương tâm thầy thuốc cũng “đành bỏ xó”, chúng đã mọc cánh và bay đi! Những ông thầy thuốc nầy đã bị đồng tiền đánh gục một cách không thương tiếc. “Lương y như từ mẫu” chỉ là một khẩu hiệu để treo trên vách cũng như những “tấm thành tích” để nhìn ngắm cho đả con mắt, chứ chẳng có ích gì cho những bệnh nhân hay những con người nghèo khổ chẳng may lâm vào tình trạng bệnh hoạn cần được cứu giúp để thoát khỏi sự khổ và sự chết. Đó chẳng là mục đích của những người triết gia sản sinh ra “xã hội chủ nghĩa” hay “chủ nghĩa xã hội” để nhằm cống hiến một con đường, phương cách tốt đẹp đem lại cho xã hội loài người một sự hài hòa hơn giữa những người giàu nghèo, quyền thế hay không quyền thế! Té ra, càng đem lại sự bất công hơn vậy!

“Làm chính trị mà sai lầm thì hại cả một nước”. Quả thật không sai! Ngày xưa, người ta quan niệm những con người làm chính trị cần có tài có đức để lèo lái đất nước hay đưa kinh tế quốc gia được giàu có, tiến lên để đem lại thịnh vượng và tất cả mọi người dân bằng những phương cách, đường lối thích hợp tối ưu bằng tài năng của người lãnh đạo. Con đường của những người “xã hội” vạch ra để cân bằng cho những thành phần trong xã hội; tránh đi những bất công; người bốc lột người…hay những áp bức mà các thể chế xã hội trước đã “mắc phải”. Nhưng sự áp dụng nào cũng có những thực tế của nó, sự nhận biết “sai lầm” để sửa đổi nhanh chóng, kịp thời đều đem đến “những thiệt hại ít nhất” cho chính mình, cho đảng phái cũng như cho chính đất nước và dân chúng. Nếu chúng ta “ù lì”, “cứng nhắc” và cứ nghĩ ta đúng thì sẽ đưa đến những hậu quả tệ hại không thể lường được. Một xã hội nghèo khổ, những con người sống theo bản năng: “Tranh sống”; tất xã hội ấy sẽ không từ bỏ mọi phương tiện để chém giết, cướp đoạt, lường gạt, hối lộ, tham nhũng, đàn điếm, với tất cả những thủ đoạn lừa phĩnh kể cả tung tiền mua những chức tước để mình tha hồ kiếm tiền được nhiều hơn để bão toàn sự sống, sự sung sướng cho chính mình, gia đình hay dòng họ. Khi có tiền thì họ nãy sinh đòi hỏi nhiều thú ăn chơi khác như cờ bạc, nhậu nhẹt, hay đòi hỏi đến sự “cống hiến” về thân xác của người đàn bà, con gái đẹp để được thăng quan tiến chức…Thật là một xã hội loạn vì sự sai lầm trong chính trị, nhất là ở những chế độ độc tài vì những quan chức sai lầm, gây tội lỗi không hề được thay thế vì do cương vị cần thiết của họ hay họ là những thành viên trung thành của chế độ ấy. Trong đạo Phật có đề cập đến “Tu”, “Tu” chỉ có nghĩa đơn giản là “sửa”, sửa đổi lại những sai trái để tự mình hoàn thiện lại chính mình, hay mình có thể đem đến cho người khác những hạnh phúc mà mình sẽ cống hiến, chứ không hề “đem đến cho người khác sự đau khổ” đúng như câu “khổ trước thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ”!

Sự giáo dục hay trong trường học nhằm thực hiện những phương cách trang bị cho những đứa trẻ những kiến thức làm người và những khả năng trong tương lai mà họ cần có để họ có thể đóng góp vào cho xã hội hay đất nước và cả loài người; tất nhiên giáo dục và trường học không thể đào tạo họ thành những con người xấu. Điều ấy được xác định rõ ràng trong mục đích của giáo dục, trường học cũng như ước vọng của những bậc cha mẹ. Tuy nhiên, người làm công tác “để giáo dục” có làm được đúng nhiệm vụ của mình hay không lại là một chuyện khác! Nếu vì chính trị hay vì những lý do nào đó mà người ta gặp phải sai lầm trên mục đích của giáo dục sẽ là một kết quả tai hại vô cùng. Đào tạo một thế hệ giáo dục sai lầm; họ lại đem sự sai lầm để giáo dục cho thế hệ sau nữa sẽ tác hại không thể lường được. Những con người “ngu xuẫn” do đường lối sai lầm nếu được là những thành phần lãnh đạo hay họ lại giáo dục cho thế hệ sau nữa thì sự ngu xuẫn sẽ được nối tiếp vô cùng tận. Họ sẽ là những thành phần phá hoại đất nước, dân tộc và những thành quả mà chế độ đã từng gầy dựng được. Sự giáo dục có tác động rất là quan trọng vì đó là “sự ươm mầm kế tiếp” cho mai sau. Do vậy, “Làm giáo dục mà sai lầm sẽ hại đến muôn đời”!

Đó là những bài học mà ta có thể học được từ những sai lầm để ta có thể sửa đổi, hoàn thiện cho mình, không phải để được thành Phật mà là sống được là một con người tốt và có ích cho mình, xã hội, đất nước cũng như đối với loài người: Sống làm một con người có ích trong một thế giới làm người!

 

Đồ Ngông,

25/10/2012.

No comments:

Post a Comment