Saturday, November 2, 2013

*Cách Mạng!


*Chuyện Tào Lao 2.          (tt)



Người ta thường nghĩ đến cái tư tưởng: “Thay cũ đổi mới mà cái mới tốt hơn cái cũ” mỗi khi đề cập đến Cách mạng. Cái cũ đã không hợp thời nữa, cái cũ bây giờ trở thành cái chướng ngại, gây bất lợi khó khăn hay càng ngày càng làm cho người ta trở nên túng bẩn nhiều hơn, hoặc cái cũ không đáp ứng được tình huống tiến bộ trong xã hội hiện tại nên nó cần có sự thay đổi. Sự thay đổi có thể là sửa chỉnh từ từ để đi đến hoàn thiện và tốt hơn như một sự tiệm tiến mà mọi người đều vui vẻ, thích thú, thoải mái. Cuộc cách mạng ấy dịu dàng, êm thắm như là không có gì xảy ra. Điều ấy rất cần thiết cho một cuộc cách mạng trong nội bộ hay cho một đường lối tiến bộ, nó không đưa đến một cuộc cách mạng mạnh bạo khác sẽ xảy ra trong tương lai. Với đường hướng ấy ai cũng sẽ thấy thích hợp và vừa lòng. Trong xã hội loài người có rất nhiều cuộc cách mạng từ cuộc cách mạng xã hội, nông nghiệp, kỹ nghệ kể cả tư tưởng, chính trị, triết học và tôn giáo nữa. Nhận định, sửa sai để tiến về cái tốt đẹp hơn, đó cũng đã làm một cuộc cách mạng, nhưng thói thường người ta lại không thích như vậy. Đầu óc, tư tưởng con người lúc nào cũng bảo thủ cứ nghĩ con đường của mình đang đi là đúng, cách hành xử của mình chọn là chính đáng, rồi khư khư ôm lấy con đường ấy mà không thấy nó đã gây ra biết bao nhiêu là khó khăn cho người khác. Điều đó trong Đạo Phật gọi là cái “Chấp Ngã”, cái ta và cái của ta nó quá nên quan trọng khiến cho ta mờ mắt mà không thấy được cái của người; biết cái của ta thích chứ không nghĩ đến cái của người thích; biết con đường của ta đi chứ không nghĩ đến con đường mà người cần đi, nên thường hay bắt buộc người khác đi con đường của mình và đôi lúc dùng đến những cách khống chế để người khác phải đi trên con đường mà mình muốn đi. Nếu có những sự chống đối mình lại dùng đến quyền lực, sức mạnh để khống chế hay là trấn áp để không còn ai can ngăn, phản kháng mình thực hiện con đường của mình mà không nghĩ đến tư tưởng “Nơi nào có áp bức là nơi đó có đấu tranh”. Chính vì thế mà từ xưa đến nay biết bao nhiêu cuộc cách mạng bạo lực đã xảy ra để lật đổ những cái cũ tàn bạo, lạc hậu ấy đi.

Đồ tôi nhớ đến thời còn bé đi theo những thằng lớn để chơi, nó cũng chia phe, chia đảng, mình đi theo một phe. Đôi lúc tụi lớn không thích lại hiềm khích nhau, khi mình bị thua yếu thế, tụi kia lại trấn áp mình, khiến mình không dám nói năng hay chống đối. Nếu chống đối nó nó sẽ dùng đến những hình thức đánh đập, hăm dọa, nó bảo nếu mình chống đối nó nó sẽ đập mình cho đến khi không còn chống đối nữa mới thôi, nhất là làm cho mình èo uột khó nuôi. Điều ấy trong thời gian chiến tranh hay hòa bình Đồ tôi cũng được chứng kiến khá nhiều, chỉ tội cho những thằng nhỏ và bé như Đồ tôi, cứ lẳng lặng âm thầm, nhịn nhục mà chịu đựng. Thì tôi nghĩ người dân trong những chế độ lạc hậu, độc đoán cũng giống như Đồ tôi trong thời con nít vậy. Họ cũng phải từng chịu đựng mọi hậu quả không tốt mà người lãnh đạo thiếu sáng suốt hoặc lãnh đạo theo một con đường thiếu chính xác, khôn ngoan đã làm khổ cho họ, và khiến cho đất nước trở nên lầm than, không những chẳng đi lên mà lại còn đi ngược trở về phía sau so với thế giới bên ngoài. Trong lịch sử xã hội không thiếu những chế độ trong thời phong kiến với những vị vua lo hưởng thụ ăn chơi khiến cho triều đại sa đọa làm cho người dân khốn khổ, sưu cao thuế nặng để làm nguồn tài chánh cho vua quan sống xa hoa, phung phí. Và nói chung, trong xã hội nào cũng vậy, chính quyền cần có nguồn tài chánh chi phí cho mọi phương diện cho đất nước vẫn bằng buôn bán những tài nguyên của quốc gia hay bằng thuế thu nhập từ dân chúng. Nếu sử dụng được tốt thì đem đến lợi lộc cho đất nước dân chúng, còn sử dụng xấu xa cho mục đích cá nhân hay bè lủ thì khiến quần chúng phải lầm than và đất nước lâm vào cảnh nợ nần, tạo gánh nặng cho những thế hệ sau phải trả. Do đó làm cuộc cách mạng trong nội bộ cũng không phải là dễ dàng, còn nếu không thì những yếu tố đó ngấm ngầm là tác nhân cho những cuộc cách mạng bạo lực về sau.

 

Đồ Ngông,

20/10/2013.

No comments:

Post a Comment