Saturday, November 2, 2013

*Cao Su.



Tôi có duyên với cây cao su không biết tự bao giờ, nhưng mỗi lần thấy cây cao su là tự nhiên tôi cảm thấy trong lòng hơi vui vui với một màu xanh mát. Cây cao su theo từng giai đoạn tôi lớn lên cho đến ngày tôi rời xa quê hương. Điều đó cũng không có gì là lạ lắm vì tôi được sinh ra trên vùng đất của miền Đông phía nam, nơi vùng đất tương đối khô ráo mà người Pháp thực dân đã khởi đầu lập những đồn điền cao su trong thời kỳ Pháp đô hộ. Sau hiệp định Genève 1954, thực dân Pháp cuốn gói về nước thì những đồn điền cao su ở vùng của tôi không được toàn vẹn như xưa. Người ta đã phá đi nhiều khu cao su để chiếm cứ lấy đất đai trồng hoa màu vào mùa mưa, hay đào những giếng lấy nước mà trồng thêm vào mùa nắng. Đường về quê nội của tôi thì băng qua Gò sở là nơi đánh dấu sở cao su ngày xưa. Lúc tôi biết thì người ta đã phá lần những cây cao su ở đó để trồng đậu phọng, hay thuốc lá, đậu đủa hay vài thứ hoa màu khác. Dần dà những cây cao su cuối cùng cũng được đốn đi và cung ứng cho việc bếp núc trong nhà. Theo đó thì những vườn cao su ở Hóa Nhựt hay khu sở Con Rồng ở trên sân bay nằm trải từ Hòa Thạnh, Bình Quới, Bình Thoại, chạy dài ở giữa các xã Phú Hữu, An Mỹ, Vĩnh Trường vào tận trong xã Phú Chánh cũng cùng chung số phận. Sở Con Rồng chắc cũng khá lớn vì có cả sân bay để máy bay lên xuống mà sau nầy ba tôi hay kể là tụi Nhựt lùn khi chiếm Việt Nam đã bắt dân “làm xâu” (bị bắt buộc đi làm mà không trả tiền công) ở trên sân bay. Lúc tôi lớn thêm chút nữa thì những nơi nầy chỉ còn một số cây cao su loe hoe, riêng ngoài Bình Thoại, Hòa Thạnh thì hai bên đường cao su còn khá nhiều, đường đi mát rượi, xe bò thì đi hai bên đường mà không được chạy trên lộ, rồi trong thời gian sau những cây cao su cuối cùng cũng không còn nữa.

Từ đó, tôi ít khi được nhìn thấy cây cao su trong nhiều năm dài để rồi một ngày nọ tôi đi lên Tân Uyên dự thi vào lớp Đệ Thất của Trường Trung học Phước Thành của tỉnh Phước Thành. Tỉnh Phước Thành là tỉnh mới thành lập, nên trường Trung học nầy được mở trễ sau ngày tựu trường của năm học cả mấy tháng trời! Trên đường lên Tân Uyên tôi phải cỡi xe đạp chạy theo các anh Năm, Huệ, Son, chị Mướp, chị Thay… vượt lên những dốc dài Hố Khởi của ấp Hóa Nhựt, dốc dài Tân Hội rồi qua Tân Long đến cầu Hố Cao, lên dốc dài Hố Cao tôi lại được thấy đồn điền cao su Sở số 10 mà trong đó có trại cùi Bến Sắn, và đi thêm nữa về phía bên tay trái là Sở 49. Trời xế nắng làm trái cao su nẻ vỏ nghe tiếng nổ nho nhỏ và hạt rơi trên mặt đất. Đó là lần đầu tiên mà tôi nghe được tiếng trái cao su nổ tách làm hột văng ra. Rồi chúng tôi qua đoạn đường rừng chồi đến khúc quanh cua Bình Chánh để xe đổ dốc đồi ra ngã ba Bình Hóa và xuôi theo tỉnh lộ 16 mà về Tân Uyên.

Tôi lên Tân Uyên học khi được trúng tuyển cùng với hơn mưòi người cùng học chung lớp Nhứt ở trường Tân Phước Khánh trước kia. Nhưng vì tôi nhỏ con và không đủ sức để cỡi xe đạp đi về mỗi ngày nên ba tôi tìm nơi trọ cho tôi ở lại trên đó cùng với ba người bạn nữa. Chúng tôi ở nhà của bà út Nghệ, mà người ta thường nói trại ra là Ngậy để tỏ vẻ kính trọng bà. Bà cho chúng tôi ở không không lấy tiền. Chúng tôi tự lo nấu nướng và đi quơ hay mua củi về chụm.

Vì trong thời gian chiến tranh cho nên chúng tôi cũng chẳng đi đâu xa. Quanh quẩn chung quanh khu vực đó và lo chuyện học hành. Trường lúc nầy chỉ có một lớp Đệ Thất khoảng 60 đứa với ba thầy: Thầy Trần Văn Khánh, thầy Tạ Kim Anh và ông Tổng Giám Thị Mã Sấm dạy Pháp Văn. Lớp mượn cơ sở của trường Tiểu học Uyên Hưng. Đến năm sau trường có hai lớp Đệ Thất và một lớp Đệ Lục. Năm nầy chúng tôi được tập luyện đi diễn hành ráo riết để một ngày kia những xe GMC quân đội chở chúng tôi cùng nhiều đoàn thể, tổ chức về trên Phú Giáo dự lễ khánh thành tỉnh lỵ mới có tên là Phước Vĩnh. Xe chạy theo tỉnh lộ 16 qua các đồn điền cao su ngút ngàn. Có nhiều sở được đánh dấu bằng số thứ tự xen lẫn với những sở tư nhân nhỏ. Trong các sở ấy nổi tiếng là sở cao su Phước Hòa và những sở của ông Nguyễn Đình Quát.

Ở nhà của bà Út có vợ chồng Bác sáu Bùng cùng hai vợ chồng cô út đều là phu cạo mủ ở sở Kẹc-Bay, đây chắc là tên tiếng Pháp nhưng không biết chữ viết nó ra sao mà chỉ nghe nói là như vậy. Tôi và bạn bè có một ngày đi theo hai bác và cô dượng cho biết cạo mủ như thế nào. Chúng tôi thức sớm và cỡi xe đạp cùng đi.

Khi đi trời hãy còn tối thui, cho nên đến đoạn đường không biết mình đạp như thế nào mà nghe nặng chịch, đứng lên đạp mà xe vẫn hãy chạy chậm. Một lúc mọi người xuống xe, dẫn xe đạp đi. Tôi vừa bước xuống xe thì bị lật té ngang. Dắt xe một đoạn thì lên xe đạp đi tiếp. Không bao lâu đến sở. Chúng tôi đi theo bác Sáu, ông vừa cạo vừa phân tích cho chúng tôi, cạo thế nào và cạo phạm vào sâu ra sao thì cây bị hư lâu lành. Chúng tôi đi trong ánh đuốc và từ cây cao su nầy sang cây cao su khác. Đến gần sáng thì bác Sáu đã cạo xong. Mỗi người phu cạo mủ có hai lô, ngày nay cạo lô nầy, ngày mai cạo lô khác cứ thay phiên như vậy cho đến mùa cao su thay lá thì nghỉ một thời gian đợi chờ cao su tốt trở lại và vào một mùa thu hoạch khác.

Nghỉ ngơi xong, một buổi sáng trong đồn điền bắt đầu. Những tia nắng đầu tiên của mặt trời mọc xuyên qua những cành lá cao su thật là thú vị xen lẫn tiếng các loại chim rừng kêu với những âm thanh, giọng hát khác nhau rất vui tai cùng cái khí hậu ẩm ướt, trong lành của một buổi sương mai sớm. Bác Sáu dẫn chúng tôi đi trút mủ. Mủ cao su trắng tinh chảy vào trong những chén sành treo ở cuối rãnh, bác chỉ cầm chén trút mủ vào trong những thùng tròn bằng thiếc treo hai bên ba-ga xe. Khi nắng lên nhiều, những tiếng trái cao su nẻ võ, hột văng xuống đất, tiếng nẻ võ và tiếng hạt rơi xuống đất nghe hơi não lòng. Bác bắt đầu từ cây khởi đầu đầu tiên, lần lượt cho đến cây cuối cùng. Mỗi lần trút chén xong, bác nắm sợi dây mủ còn đọng, khô ráo trên rãnh rồi bỏ vào túi đeo bên hông. Cứ vậy cho đến hết. Xong rồi, đợi chờ xe cam nhông trần thu mủ đến bỏ lên xe chở về nhà máy cán mủ.

Chúng tôi cũng được tập tành qua giai đoạn cán mủ trong nhà máy. Những miếng mủ lấy lên từ những hầm chế biến được chạy qua những dàn cán hẹp dần cho đến dàn ống cán cuối cùng có hình gai để ép tấm mủ thành như hình dáng nó có trước khi đưa vào nhà xông hay đem phơi và sau đó đóng thành những bành hình vuông đưa ra thị trường và chế biến thành những thành phẩm.

Đó là một ngày mà lần đầu tiên chúng tôi đi theo bác Sáu để thử tập tành về cái nghề mà nhiều người đã sinh sống và nhiều người đã phải “đi phu từ Bắc vào Nam”. Cái chỗ mà tôi té lúc đêm khuya chính là cái dốc cao, hơi đứng có tên là dốc Bà Nghĩa, nơi mà lúc chiến tranh ác liệt sau nầy thường là địa điểm giựt mìn, đụng độ giữa hai bên, tất nhiên là có nhiều người chết. Dốc Bà Nghĩa cũng là nơi mà trong truyện “Cọp Ba Móng” tức là con cọp dữ, khôn ngoan tránh bẫy, một bàn chân chỉ có ba móng đã gây nhiều tai họa đến cho dân chúng ở vùng lân cận nầy đã có lần xuất hiện về đây.

Trong những ngày đi học trên Tân Uyên, với ba năm đầu tôi ở trọ ở nhà của Bà Út Nghệ thì tôi hay đạp xe đạp đi lên vào sáng thứ hai và về nhà vào trưa thứ bảy. Sáng thứ hai tôi thường vào Tân Hội ghé nhà thằng Lực mà đi với nó, có những ngày trời có trăng tôi không biết giờ giấc nên vào đến nhà Lực rất sớm và phải đợi tới giờ mới đi. Có một lúc nọ, vì còn trong thời gian nghỉ lễ nên tôi đạp xe đạp đi trước và vào trong sở 49 ngủ ở nhà ông Năm, ông đã nhiều lần đã giúp cho tôi vải để may quần áo mặc dù gia đình tôi không có dòng họ với ông. Trong vài ngày ở đây tôi cũng đã được thực tập một lần nữa về cách cán mủ. Nước mủ thải ra chứa các hố bên ngoài thật là hôi. Lúc ấy tôi mới biết tại sao đi bên ngoài đường gần nơi nhà máy mủ của sở thật là thúi!

Tôi tưởng chỉ có sở cao su 49 ở khu vực nầy thôi, không ngờ, bên trong kế đó lại có sở cao su Bác Vật nữa. Trong một lần đi học về, tôi theo bạn bè cỡi xe đạp chạy luồn vào bên trong vì đoạn đường từ sở 49 đến ngã ba Bình Chánh không đi được do những cây sao dọc đường bị mấy ông trong rừng cưa ngã nằm chắn ngang đường để cản trở sự đi lại của bên ngoài. Đường đi học càng ngày càng trở nên khó khăn vì các cầu, các đoạn đường thường hay bị đào, đắp mô, đốt cháy nên chúng tôi phải khéo léo cỡi, dắt hay vác xe đạp đi qua.

Tôi còn được một lần để gắn liền với một sở cao su nữa trong thời gian bốn năm học ở Tân Uyên. Vốn là lúc gần Tết năm ấy, bác Sáu con bà Út được giao trông coi văn phòng sở ở gần Đất Cuốc. Bác rủ tôi với Long đi với Bác vào ngủ trong ấy. Chúng tôi cỡi xe đạp chạy vòng qua quận về ngã ba Tân Hòa, Tân Tịch rồi quẹo trái. Chạy hồi lâu, đã đến văn phòng. Sau khi cất xe đạp, lo chỗ ngủ xong xuôi, bác Sáu dẫn tôi và Long đi vòng quanh. Đi đến bìa ruộng thì thấy bên kia cánh đồng không rộng lắm, những xe bò mà người ta chất đầy vật liệu nhà cửa để dời nhà theo sách lược “dồn dân lập ấp” đang tung bụi mù mà đánh đi. Sau nầy tôi mới biết đó là vùng Thường Lang, Đất Cuốc của vùng chiến khu D.

Bẵng đi thời gian dài khi tôi chuyển về học ở trường An Mỹ, Trịnh Hoài Đức hay Sài Gòn, tôi chỉ thấy những vườn cao su nho nhỏ không gây được những niềm nhớ trong tôi. Nhưng khi tôi ra trường bắt đầu cho nghề nghiệp của mình, tôi đi theo Tâm lên Bình Long, An Lộc để một mai tôi phải chọn về Bình Long thì cũng chẳng ngỡ ngàng. Tâm đưa tôi lên Bến Cát, Lai Khê qua Bàu Bàng, Chơn Thành và tiến về An Lộc. Trong thời gian ấy, công ty thầu RMK của Mỹ đang làm con đường xa lộ đi lên Bình Long. Chúng tôi đi qua những đồn điền cao su ngút ngàn, nhưng cao su chỉ còn sâu vào trong khoảng 200 mét từ hai bên đường. Khi về Tâm kêu tôi lái Honda. Với mùa mưa đường trơn trợt tôi đã quăng hai đứa trên đường trong vườn cao su. Đó là kỷ niệm khiến tôi nhớ nhứt đối với đồn điền cao su!

Tôi không về Bình Long vì thứ hạng của tôi hãy còn về được Bình Dương. Tôi chọn về Bình Dương còn trước một hai người. Nhưng Sự Vụ Lệnh của tôi bị trường Sư Phạm giữ lại vì lý do sức khỏe, đợi bệnh của tôi lành thì sẽ phát cho tôi. Cuối tháng 12, tôi cũng nắm được giấy tờ từ Ty Tiểu Học Bình Dương để về Dầu Tiếng mà tên lúc đó là Trị Tâm.

Dầu Tiếng không những nổi tiếng bằng cây dầu mà còn là nơi đóng bản doanh của sở cao su: Đồn điền Michelin. Tôi không biết đồn điền Michelin có bao nhiêu đồn điền tất cả, nhưng số làng thì thuở tôi lên có nghe nói hơn số hai mươi mấy; nhưng vì chiến tranh, an ninh chỉ cho phép tôi biết đến ấp 5 hay làng hai. Lúc đó tôi mới thực sự biết đến đồn điền Michelin, chứ trước đó chỉ biết cái vỏ xe hơi Michelin mà thôi!

Trước khi chúng tôi đến Dầu Tiếng thì phải qua khu vực đồn điền Bến Củi của tỉnh Tây Ninh (vì trong thời gian chiến tranh ấy đường từ Dầu Tiếng về Bình Dương bị cắt đứt ở vùng Tam Giác Sắt mà Bến Súc là tâm điểm). Khu vực đồn điền Bến Củi cũng bị ủi sạch cao su hai bên đường như đường lên Bình Long, chắc có lẽ bên quân đội sợ bên trong rừng phục kích hay đặt mìn dọc đường. Cái không khí trong lành, bóng râm dịu mát, hay những luồng lá bay xạc xào trên đường không có nữa. Băng qua con đường đất đỏ được đổ cao trên cánh đồng để chạy về cầu sắt bắt qua sông Dầu Tiếng (tức đầu nguồn sông Sài Gòn) thì chúng tôi đến Bo (có thể do chữ (Port) của tiếng Pháp) hay là trụ sở của đồn điền Michelin. Đi qua ngã ba Ba-rắc và về chợ Dầu Tiếng. Chúng tôi ở trọ tại dãy phố trước rạp hát cũ Dầu Tiếng, nằm sát vòng rào của trụ sở quận.

Ở Dầu Tiếng hai năm tôi lại kết thân với cao su, nhất là năm thứ hai khi Trường Sơ Cấp Ấp 2 Định Thành tạm thời được dời về dãy phòng trống của Trường Trung Học Tỉnh Hạt Trị Tâm. Những buổi trưa hè, ngồi trong lớp với không khí oi bức nghe ve sầu kêu vang rân ngoài vườn cao su ở phía sau, thỉnh thoảng những trái cao su nẻ vỏ “tách tách” rồi tiếng hột cao su rơi trên những lá cao su khô và đâu đó có tiếng một vài cành khô gãy rơi xuống đất khiến cho lòng tôi lại nhớ miên man, và những nỗi buồn vô cớ xen vào; từ ấy tôi lại bắt đầu bằng những vần thơ cho một vùng kỷ niệm.

Dầu Tiếng đối với tôi có thật nhiều điều đáng nhớ, nơi cũng có vài hình bóng của quá khứ khó quên! Bây giờ tôi đã biết mùa thu, mùa thu lá rụng đầy giống như lá cao su bay bay vào những ngày cuối năm, bay trơ trụi chừa những cành cây như những bộ xương đưa lên khung trời bảng lảng và rồi nó ra đầy lá non, một màu xanh mơ mộng, với những chùm lá còn búp đầy sức sống trong đó mà tôi, Ẩn, Văn, Vui đã được chiêm ngưỡng giữa những hàng cao su thẳng tắp của đồn điền cao su bên Bến Củi vào ngày đi đường tắt từ Khiêm Hanh qua Bến Củi để về Dầu Tiếng sau những ngày nghỉ Tết và trở về nhiệm sở của một năm nào!

 

Nguyên Thảo,

15/09/2013.

No comments:

Post a Comment