Sunday, April 6, 2014

*Kẻ Thù!


*Chuyện Tào Lao (Tào Lao Thế Sự 2)!     (tt)



“Kẻ Thù” luôn là những ảnh tượng ám ảnh con người, khiến con người có khi mất ăn mất ngủ vì chúng. Ai cũng có kẻ thù. Kẻ thù là những kẻ chống đối lại mình vì sự sống, vì quyền lợi, của cải, ý hướng nào đó, ảnh hưởng hay có thể là có nó thì không có mình hay có mình thì không có nó. Thực sự, kẻ thù đầy dẫy trong cuộc sống của những con vật chứ không riêng vì con người, vì bản năng sinh tồn là như vậy. Con vật nầy có thể nuôi sống thân mạng mình bằng thân xác của những sinh vật khác như: Côn trùng sâu bọ là thức ăn của loài chim muông cầm thú. Những súc vật từng là thức ăn để nuôi sống con người v..v…Sự giết chóc, làm hại nhau có thể được coi như là những hành vi của những kẻ thù. Còn mức độ xem kẻ thù như thế nào lại là ở trên bình diện khác, nhất là ở con người.

Con người là một sinh vật có suy nghĩ, có tư tưởng cho nên kẻ thù được tính theo những cấp độ một cách tinh tế và cũng có những giải pháp tàn nhẫn khác nhau. Hành hạ hay giết chết kẻ thù để dứt hậu họa còn tùy theo tình hình và tính nhân đạo.

Ai cũng qua thời thuở nhỏ. Thuở nhỏ thường chơi chung với nhau như là một môi trường hay giao tiếp trong xã hội. Nhưng vì ý muốn khác nhau, bất đồng rồi lại chia phe; những người lớn hay có uy thế trở thành những lãnh đạo phe nhóm, có khi lại sinh sự và đánh nhau như những kẻ thù. Phe thắng hành hạ phe thua cho đến khi nào nó đầu hàng và không còn tư tưởng chống đối mới thôi. Đó là chuyện của thời con nít. Còn đến khi lớn thì sự đời diễn biến còn phức tạp hơn nhiều. Đọc trong truyện Tàu thì đầy dẫy những sự đánh nhau từ cá nhân cho đến phe nhóm, phe phái và các quốc gia. Nước nầy chiếm nước kia, nước kia phục quốc, rồi lại đánh nhau trong thời gian dài để chiếm các nước khác biến thành đất nước của mình. Trung Quốc vĩ đại ngày nay là tập hợp của nhiều quốc gia bị tiêu vong vì xâm lược; và đến bây giờ Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ sự bành trướng lãnh thổ qua hình thức xâm lăng. Không xâm lăng được một lúc thì xâm lấn từ từ kiểu con tằm ăn dâu. Con tằm ăn từ từ lâu ngày cũng hết những lá dâu. Địa vị “bá chủ” luôn là mục đích của thiên hạ, mà trong đó Trung Quốc cũng là một!

Những gì ta tạo đau khổ mất mát cho kẻ khác thì ta lại dễ quên, thậm chí ta còn coi đó là những chiến tích mà ta đã đạt được. Nhưng những gì những người khác tạo mất mát, khổ đau cho ta thì ta lại “khắc cốt ghi tâm”. Chuyện Việt Vương Câu Tiễn và Ngô Phù Sai là câu chuyện điễn hình mà trong điễn tích đã chép lại hẳn hoi. Và cũng trong truyện kiếm hiệp Tàu còn có câu: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, điều ấy nói lên sự nuôi dưỡng lòng hận thù đến khi nào trả được mối thù mới thôi. Sự thù hận ghê gớm thật! Để coi Trung Quốc mạnh lên, Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào đối với nước Nhật vì Nhật đã hai lần chiếm đóng ở Trung Quốc. Sự hung hăng không thể dấu diếm được qua lịch sử, thời gian kể cả hành động của con người hoặc chính quyền. Sự trỗi dậy hòa bình chỉ là sự phĩnh gạt, đánh lừa dư luận để nhằm thực hiện những âm mưu ngầm ở phía sau, trong bóng tối. Chiến thuật ấy gọi là chiến thuật “Dương đông kích Tây” vậy!

Ông Karl Marx và Lénin còn đưa hận thù lên tầm cao và rộng ra trong toàn xã hội và thế giới là hận thù giai cấp: Giữa giai cấp bốc lột và giai cấp bị bốc lột. Sự “đấu tranh giai cấp” rất quyết liệt để giành phần thắng bại, giai cấp bị bốc lột phải thắng và giành lại những gì đã mất. Sự “chuyên chính vô sản”, và dùng “bạo lực cách mạng” để trấn áp, giữ vững chính quyền khi đã lật đổ được giai cấp thống trị bốc lột đã khiến con người trôi nỗi vào những thù hận triền miên. Điều ấy đã được chứng minh trong lịch sử của Liên Xô, Trung Quốc…và nhất là sự thi hành chính sách “Cách mạng” kiểu theo kinh nghiệm của Trung Quốc mà Pol Pot đã áp dụng ở Kampuchia, kết quả là hàng triệu người chết và danh từ “diệt chủng” được nhắc đến thường xuyên và tạo nên một đất nước tan hoang, nghèo đói của một “Cánh đồng chết” (Killing field)

Điều ấy chứng minh “hận thù” chỉ khiến “hận thù” còn kéo dài mãi trong cuộc đời mà không biết đến bao giờ chấm dứt thì một “thiên đàng trên hạ giới” chỉ là “ảo tưởng” giống như một “thiên đàng” mơ mộng của một cõi nào đó ở xa xăm.

Ngay trong tôn giáo lớn có thể bậc nhất trên thế giới mà cũng nói đến “mắt đền mắt, răng đền răng” từ miệng một Đấng Tối Cao thì chúng ta cũng không thể trách gì cho nhân thế. Người trần mắt thịt tất hận thù nhau vẫn còn nhiều, tất xã hội này không thể yên ổn, do đó Thái Tử Tất-Đạt-Đa sau khi thành đạo chỉ nêu lên tư tưởng “Chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù, oán mà báo oán thì biết đến bao giờ oán mới tiêu tan”! Những tư tưởng ấy cho ta nhiều suy nghĩ nhất là những sinh vật có tư tưởng biết phân biệt chân lý và “ngụy chân lý” như “con người” của chúng ta!

 

Đồ Ngông,

20/03/2014.

No comments:

Post a Comment