Tuesday, April 15, 2014

*Sự Tiêu Vong Của Một Dân Tộc!


*Chuyện Tào Lao (Tào Lao Thế sự) 2.           (tt)



“Một dân tộc” mà tôi muốn nói ở đây không phải là một dân tộc nào của con người, mà tôi chỉ muốn đề cập đến một loài thú, loài bọ đã từng làm cho con người phải chịu nhiều nhức nhối, khó đối xử. Chúng là loài nào? Chúng thuộc loài gậm nhấm, có những răng cửa dài và từng cắn phá khắp mọi nơi không riêng ở nhà nào, mà cũng chẳng dừng lại ở bất kỳ quốc gia nào. Chúng là loại mà người ta thường gọi là quốc tế. Nhưng, thực ra chúng chỉ sống theo bản năng của chúng mà thôi! Tôi muốn nhân cách hóa chúng để chúng cũng được một xã hội của con người và giới hạn trong một môi trường nhỏ như là một dân tộc: Đó là dân tộc “Chuột”!

Chuột là loài có bốn chân mà người ta xếp chúng vào loài bọ vì chúng nhỏ và chúng có thể ngồi trên hai chân sau và sử dụng hai chân trước để giữ lấy thức ăn. Bộ răng cửa dài hơn ra để chúng dễ cắn phá của loài gậm nhấm. Chuột phá thì khỏi chê! Chúng chun vào hộc tủ cắn đi mọi giấy tờ; chúng chun vào tủ quần áo cắn những đồ đẹp; chúng cắn cả những giày dép hay cả gỗ của những hộc tủ và chúng chui vào những hóc tối, đống đồ để làm ổ đẻ thêm những con chuột con còn đỏ hỏn.

Chuột có nhiều loại: Loài lớn nhất có lẽ là loài mà người ta gọi là Chuột túi, tức là loài đặc biệt từ xứ Australia có tên là Kangaroo, nó có thể nhảy bằng hai chân sau và có cái đuôi lớn, mạnh làm thế chịu khi nó đứng. Chuột cống to lớn thường hay sống ở nơi cống rãnh, có loài chuột nhỏ con, lanh lợi, nhanh nhẹn, khó bắt lại là loài chuột nhắt. Có loài chuột mà người nhà nông ghét nhất là loài chuột đồng vì chuột nầy sống ngoài đồng chuyên ăn, cắn phá những bông lúa làm hư hại mùa màng. Dân tộc chuột bắt đầu hình thành như thế này:

“Không biết vì sao mà chuột lại tập trung về đây nhiều quá! Chuột đồng đã có sẵn từ trước nhưng số lượng không nhiều, vì những thửa ruộng lúa không tốt trước kia vẫn không bị tàn phá nghiêm trọng nào. Nhưng mấy tháng gần đây chuột từ đâu kéo về hàng khối, người ta ở đây tìm hết cách để trị, nhưng không có biện pháp nào có kết quả cả, vì thế họ đành phải bỏ trôi và lánh xa vì sợ bệnh dịch hạch lây từ chúng. Có lẽ đông vui, nên chuột lớn chuột nhỏ ở các nơi khác cũng lủ lượt kéo về tạo thành một vương quốc: Vương quốc chuột! Chúng định cư ở đó và đẻ con sinh cái nên chúng đã đông lại càng đông hơn.

Nhưng loài chuột là loài gậm nhắm, chỉ biết ăn, cắn phá, chứ không biết xây dựng vì thế vương quốc chuột trở thành te tua, tan tác. Những đồng lúa trước kia trở thành nhiều ổ như ổ quạ là những nơi cư trú và sinh con của những con chuột cái. Còn dưới đất thì hang ổ của những loài chuột đồng với những ổ chuột nhiều con con. Thời tiết vào mùa hè ẩm khiến chuột lại càng đẻ nhanh hơn. Do đó số cư dân lại càng tăng rất nhanh. Lương thực ở nơi nầy bị hạn chế, ít dần đi chuột phải kiếm ăn nơi xa. Những con chuột đi xa lê lết thức ăn về chưa đến hang thì đã bị những con chuột khác giành giựt, cắn nhau chí chóe. Những lá, vỏ cây bị cắn nhỏ; cây cối bị trở nên khô cằn, thế mà loài chuột lại thỏa mãn với điều ấy vì như vậy rất thích hợp với môi trường của chúng. Sự dơ dáy, bẩn thỉu, mùi hôi muốn ói mữa lại càng đúng với đời sống chúng hơn. Những con chuột cống to lớn cứ ăn no, rồi nằm kềnh ra đó mà phơi bụng để rồi lại ăn tiếp. Vì tướng lớn nên những con chuột nhỏ nào cũng phải khép nép, lo cho chúng đủ điều; cho nên chuột vốn đã to lại càng to thêm ra. Những con chuột mạnh, hơi nhỏ hơn thường bắt nạt những con yếu đuối để cướp lấy thức ăn. Duy có loài chuột nhắt là lém lĩnh, nhanh nhẹn nên chúng đã nhanh tay lẹ chưn để đi trước một nước cờ; nhưng chúng cũng là những hạng cướp bóc, trộm cắp một cách khéo léo và biết thừa vào cơ hội, cơ hội nào có thể làm ăn và cơ hội nào nên lẫn trốn. Chúng nhỏ nên chúng len lỏi trong các hốc ngách một cách dễ dàng, cho nên chúng ít bị cắn bỡi những con chuột to xác hơn. Vương quốc chuột càng ngày càng nghèo nàn, khô héo tiêu điều hơn vì con lớn ăn theo con lớn, con nhỏ ăn theo con nhỏ; con nào cũng cần ăn để sống cả kể cả những con mới chập chững đi vào đời thì những thức ăn, cây cối quanh đây không đủ để đáp ứng cho nhu cầu. Thiếu thốn trở nên giành giựt, cướp bóc, không chừa một hình thức nào để có được lương thực. Đã thế thì thôi, vương quốc chuột lại càng nghinh ngang, chúng không sợ ai cả, chúng chạy tán loạn không theo một thứ tự nào cả nên đụng nhau rồi cắn xé lẫn nhau liên miên cho nên tiếng chí chóe vang dội suốt ngày đêm. Và chắc trong những âm thanh chí chóe ấy cũng có vấn đề đánh ghen vì tình dục nữa. Có thể có như vậy không? Vì đó là một nhu cầu gọi là nhu cầu sinh lý cơ mà! Chứ trong xã hội con người, người ta đã không kiềm chế nỗi đã có những vụ án “hiếp dâm, ngoại tình” dù con người là sinh vật có lý trí, đạo đức còn có; thì huống hồ gì những loài thú vật sống với bản năng!

Dân tộc chuột này quả thật sống vô tổ chức, chúng hỗn loạn lẫn nhau. Sự nghèo đói, thiếu kém lương thực lại càng làm cho chúng hỗn loạn nhiều hơn nữa. tiếng la của chúng vang dội; khiến loài mèo vốn đã thính hơi, chúng đã rình, hòng tiêu diệt chuột. Bản chất của mèo là như vậy! mèo chỉ thừa cơ hội để ra tay. Đã thế, những con chim cắt, diều hâu cũng lượn lờ. Rắn cũng đánh hơi bò tới để mai phục. Dân tộc chuột vẫn an nhiên tự tại, cứ mãi lo ăn, nằm phơi bụng, cứ loạn xạ tranh giành, cứ lo trộm cắp mà không nghĩ đến tình hình. Cho nên bão tố sẽ ập đến trong một lúc nào đó: Dân tộc chuột sẽ bị tiêu vong và vương quốc chuột sẽ không còn nữa”! Vậy mà loài chuột vẫn nhởn nhơ!

Thế cũng thật là buồn thay!

 

Đồ Ngông,

27/03/2014.

No comments:

Post a Comment