Wednesday, April 9, 2014

*Ông Bạn Của Tôi.



(Thân tặng: Anh Nguyễn Công Tế và gia đình

                   : Các anh Nguyễn Văn Khái, Lê Hữu Nghĩa, Từ Minh Tâm).

 
Tôi vừa liên lạc được với ông bạn của tôi sau gần nửa thế kỷ xa cách (1966-2014). Tôi cũng không thể ngờ! Nói là ông bạn chứ anh ấy lớn hơn tôi vài tuổi, tính theo cuộc đời anh là đàn anh của tôi. Không là đàn anh thì thế nào được, vì trong lớp chúng tôi, lứa tuổi của tôi luôn là lứa nhỏ nhất, nhưng vì chúng tôi cùng học chung một lớp. Mà nói là tôi “tìm được” thì không đúng. Công ấy là của Từ Minh Tâm và Lê Hữu Nghĩa và một người nữa từ mãi ở Việt Nam đang du hành thăm bạn bên xứ Úc-Thòi-Lòi nầy, anh và chị Nguyễn Văn Khái.

Tôi muốn nói đến anh Nguyễn Công Tế người đã viết bài “Xứ Búng Ngọt Ngào”. Nếu anh gởi bài đến trang nhà CHS Trịnh Hoài Đức trước thì tôi đã liên lạc với anh từ khoảng 2 năm nay chứ không đợi đến bây giờ, và tôi sẽ đến thăm anh mỗi khi tôi có dịp lên Melbourne khá dài ngày.

Khi tôi đọc bài của anh, tôi đã hơi ngờ ngợ về cái tên. Không biết tôi có duyên với anh hay không mà suốt năm Đệ Nhất tôi lại nhớ đến anh nhiều hay vì anh là người Bắc, nói giọng bắc trong lớp cùng với Lê Thành Nghiêm. Anh thường đi song đôi với anh Bằng giống như là một cặp đôi. Tôi chỉ về Trịnh Hoài Đức có một năm đó thôi. Năm đó, lớp cũng có nhiều học sinh ở các nơi khác được nhận về để tăng nhân số của lớp sau khi đậu được Tú Tài I, chẳng hạn như tôi về từ trường An Mỹ cùng với Phan Thanh Diệp, Nguyễn Văn Ngai, và những anh từ ngoài trường tư vào như Nguyễn Văn Lé, Lê Kế Vui, Lê Minh Văn… Tôi không biết anh Tế cùng với Nguyễn Văn Tám là khóa trước của tôi. Lúc đó, tôi có nghe anh Tế đâu từ miền Trung chuyển vào; và anh Nguyễn Văn Tám thời chúng tôi chỉ gọi là Tám Đen vì nước da anh hơi ngâm đen. Đến khi tôi qua Mỹ ở nhà Lê Văn Chánh tôi mới nghe Chánh nói đến Tám Mèo, hỏi ra thì đúng là anh Tám. Thế là bây giờ qua các bài viết tôi mới rõ ngọn ngành, cho nên khi đọc bài “Xứ Búng Ngọt Ngào” của anh tôi đã ngờ ngợ về cái tên mặc dù tôi có nhớ là Trần Công Tế thay vì Nguyễn. Và đọc khi gần đến cuối bài anh đề cập đến Tám Mèo thì tôi quả quyết đến hơn 80 phần trăm anh là người có học chung với tôi.

Quả thật mà nói, xa quê mà có bạn bè để ôn lại những kỷ niệm xưa là một nguồn vui, nhất là những kỷ niệm của thời mài đủn quần trên ghế nhà trường. Tôi cứ tìm mãi những bạn bè ngày xưa ở chung trường chung lớp, nhưng chưa hề gặp một người nào ngoài những bạn bè ở cùng quê, kể cả những người con gái tôi yêu. Bốn năm ở trên trường Trung học Phước Thành (Tân Uyên), hai năm ở Trường An Mỹ, và một năm ở Trường Trịnh Hoài Đức tôi chưa gặp được người nào ở nơi đất khách quê người hay trên bước đường tha hương. Tôi cứ nghĩ: Lạ nhỉ! Từ nhiều nơi, học trò lại ráp về một trường, một lớp; sau vài năm đều tứ tán có khi trong suốt cuộc đời lại chẳng gặp lại nhau. Nhất là những người yêu. Gặp nhau để tha thiết, yêu đương, tưởng chừng như hai mà một. Thế rồi, đành đoạn lại xa nhau không biết đến bao giờ!

Như tôi đã nói ở trên, tên anh Tế gần như ám ảnh đối với tôi, cái tên nghe hay hay, hay vì thuở học chung, tôi và Bác Cõi của tôi thích chơi chung với anh và anh Bằng. Đến khi tôi định cư trên xứ Úc lại có ông tên là Trần Công Tế tôi lại cứ ngỡ là anh, nhưng không phải. Và khi tôi vào nghề nông lại có chú Đệ cũng người Bắc có hình dáng giống anh Tế năm xưa thường hay tới lui bốc hàng cho những người lái khiến tôi lại không hề quên anh được. Nay đột nhiên thấy bài của anh Tế đưa lên, tôi vội vàng đánh lên trong Sổ Lưu Niệm để xin liên lạc với anh. Khi tôi đánh thì trên tựa có email của tôi, tôi cứ nghĩ nó sẽ hiện lên như vậy, nhưng khi post lên thì email của tôi chẳng hiện ra chút nào. Thế là sau đó vài ngày Từ Minh Tâm forward cho tôi thư của anh Lê Hữu Nghĩa cùng bài viết của anh Tế. Vì trong thư của anh Nghĩa có chi tiết lâm ly, nên tôi không email về cho anh Tế mà qua anh Nghĩa, rồi anh Nghĩa lại nhận được thư của anh Khái thay thế anh Tế để trả lời, trong đó có cho tôi địa chỉ và số điện thoại của anh Tế.

Thế là tôi đã liên lạc được với anh từ sáng nay. Tôi hi vọng chúng tôi còn có thể nói với nhau nhiều hơn. Ở Melbourne tôi còn có hai người bạn nữa, họ đã đi du học và đã thành danh, nhưng tôi nghĩ tôi không cần tìm nữa vì mỗi người có thân phận khác nhau, đó là Nguyễn Ngọc Cẩn và Ngô Trọng Hải. Không biết anh Tế đã có dịp nào gặp họ chưa, hay là họ đã đi nơi khác tự lúc nào rồi vì đến nay là gần nửa thế kỷ chứ đâu là mới đây. Thời gian quả thật là qua mau!

 

Nguyên Thảo,

30/03/2014.

No comments:

Post a Comment