*Tào Lao Thế Sự 2. (tt)
Mỗi một dân tộc thường
có phong thái thể hiện nền văn hóa riêng biệt của dân tộc ấy. Phong cách đó được
kết tụ nhiều năm qua quá trình tiến triển và sửa đổi, hoặc có thể trong sự giao
lưu với những sắc dân khác mà pha trộn ít nhiều, nhưng nó vẫn thể hiện những đặc
trưng cái tính của một dân tộc. Điều đó ta có thể nhận biết qua cử chỉ, hành vi,
cách ăn mặc, cách hành xử, đối thoại trong đời sống hàng ngày.
Tuỳ theo điều kiện sinh
sống, thời tiết của khu vực, địa phương mà người dân ở nơi nào đó có những sinh
hoạt khác biệt về giờ giấc, cách kiến trúc thích hợp: Giống như người Eskimo sống
trên xứ tuyết nên họ có cách sống, cách kiếm ăn, ở hay trang phục cũng có
nhiều khác biệt để thích nghi trong môi trường của họ. Nói chung, tùy theo môi
trường mà con người có những cách sống khác nhau và cách sống ấy được biến đổi
dần theo từng giai đoạn.
Nếu nói về xã hội Việt
Nam ta trong các giai đoạn xưa cũ thì không thể không kể đến cái xã hội nông nghiệp
được. Cái giai đoạn mà mọi dân tộc đều phải trải qua để tìm lương thực bảo toàn
mạng sống của mình: Đó là trồng trọt hay săn bắn! Theo từng
sự phát triển của xã hội loài người: Nông nghiệp từ đôi bàn tay sử dụng những
khúc cây khô chết để làm công cụ, vũ khí, hay dùng những hòn đá thiên nhiên ghè
đẻo để trở thành những khí cụ giúp ích cho đời sống của mình. Khi phát hiện được
kim loại đồng hay sắt thì nền nông nghiệp hoặc sự săn bắn được tiến bộ làm cho
đời sống con người được tiến lên một sự phong phú mới và cách làm ăn cũng qui mô
và dễ dàng hơn. Xã hội của ta cũng không ngoai lệ! Trong một cái xã hội nông
nghiệp làm căn bản cho đến ngày nay, xã hội Việt Nam chưa có nhiều thay đổi, đôi
khi những tập tục tốt luôn được giữ khiến cho cuộc sống lại càng có nhiều khó
khăn trong một xã hội đầy nhiễu nhương. Thực thế, sự quay quần trong những làng
xóm được gọi là “quê cha đất tổ” khiến người ta không muốn bỏ đi xa trong khi
cuộc sống tại địa phương có nhiều khó khan cho sự mưu sinh vì người đông hay
đất đai hạn hẹp. Tình tương trợ láng giềng vào những lúc “quan hôn”, “hữu sự”
khiến người ta có những khoản chi tiêu quá nhiều mà không thể cắt giảm. Lại thêm
“quà biếu” nơi đi lẫn nơi về đã làm ngân sách gia đình thêm nhiều chật vật, đó
là chưa kể đến quà biếu cho “quan chức, cấp trên” trở thành vấn đề “cần thiết”
trong con đường “hoạn lộ” trong mỗi gia đình! Thế là, người dân cứ nghèo, quan
chức cứ thêm giàu! Và quan chức lại có dịp để “câu cơm”. Mà, những tiệc tùng
trong ngày giỗ, cưới, tân gia, mừng thọ, sinh nhật, mừng lên chức, khai trương
càng làm cho người ta phải có nhiều chi tiêu.
Chi!
Sự đời lại lắm cái chi
Cho ta, cho họ, sau khi
gia đình
Lương ra rồi lại rung
rinh
Không còn biết có lấy gì
mà ăn
Bầy con ríu rít lăng xăng
Quà cho sinh nhật,… hóa
đơn tới rồi!
(Đồ Ngông, 26/10/2014)
Nhưng có lẽ, “nhậu” sau
những lúc đồng áng mệt nhọc như là để chút vui quên mệt trong ngày, nay đã trở
thành vấn đề lớn của xã hội với những tệ nạn càng ngày càng tăng. Đó là những nét
thông thường trong một xã hội nông nghiệp mà mọi người cùng làng, xóm nương tựa,
giúp đỡ lẫn nhau. Nếu găp những lúc thời tiết không thuận lợi, mất mùa vì ngập
lụt, sâu rầy thì người nông dân dễ trở nên đói nghèo thì tệ nạn khó mà tránh khỏi.
Cho nên sự khó khăn của người lãnh đạo là làm thế nào để cho người dân trở nên
giàu có sung túc đầy đủ thì nền tảng xã hội mới được ổn định và tệ nạn sẽ ít xảy
ra. Còn giới lãnh đạo mà làm cho dân chúng trở nên đói nghèo tất: “Giàu có sanh
lễ nghĩa”, “Bần cùng sanh đạo tặc”! Khi người ta muốn tìm mọi cách để bảo toàn
mạng sống thì chuyện gì họ cũng dám làm đến cả giết người chứ đừng nói gì đến
trộm cướp không thôi. Và một khi nó đã xảy ra quá nhiều, nghiêm trọng; người dân
trở nên lì lợm thì dù cấp chính quyền như thế nào đi nữa cũng phải khoanh tay đứng
nhìn để tệ nạn cứ xảy ra và dân chúng cũng chẳng dám can thiệp vào vì sợ họa lây
nên trở thành “Vô Cảm!”. Đó là chưa nói đến sự lo lót, hối lộ để mọi sai trái
được bỏ qua! Vậy lỗi ấy tại ai?
Có ai?
Có ai đi bắt thang cao
Lên mây đi kiếm ông trời
mà than
Sanh người sao lắm túi
tham
Bao nhiêu vơ vét, chẳng
cam vừa lòng
Ăn chi hối lộ, làm tiền
Người dân đói khổ, triền
miên cảnh nghèo!
(Đồ Ngông, 06/11/2014)
Con người có những thói
quen, hành động gì rồi cũng trở nên như những phản xạ tự nhiên. Tự nhiên đến đỗi
người ta không thấy đó là những hành vi phạm pháp, thiếu nhân đức hay tình người;
mà thấy đó như một chuyện cần làm để được sung sướng, cuộc sống đầy đủ mà quên đi
cái sự đau khổ của người khác.
Do đó, khi đọc đến mẫu
chuyện một thằng bé người Nhật đem gói quà tặng riêng cho mình lên bỏ trên thùng
quà tặng chung rồi về xếp hàng để tới phiên mình được phân phát hàng cứu trợ
trong trận sóng thần năm nào, hay những người Nhật nhặt rác xung quanh chỗ ngồi
bỏ vào túi nilông mà họ đã đem theo sau khi xem xong trận bóng đá thế giới ở
Brasil khiến cho cả thế giới phải khâm phục. Điều ấy nói lên tinh thần vĩ đại của
người Nhật không phải ở những việc lớn lao mà trong những hành vi cỏn con mà
người ta không thể ngờ. Cho nên chẳng cần phải ngạc nhiên lắm khi người Nhật là
một đất nước không lớn lắm trong lịch sử đã đánh bại được Nga và Trung Hoa ngay
cả Hoa Kỳ trên trận Trân Châu Cảng! Trong cuộc sống người Nhật đã đưa những công
việc thông thường trở thành nghệ thuật như nghệ thuật xếp giấy thành đồ chơi
(Origami), nghệ thuật Bonsai, nghệ thuật Uống trà (Trà đạo), Thiền thành Triết
học Zen và thuật Dưỡng Sinh, Võ thuật trở thành Võ Đạo và nhất là tinh thần Võ
sĩ Đạo của người Nhật mới là đáng phục,.... Do vậy từ tinh thần và ý thức trong
dân chúng, nước Nhật đã vươn lên trở thành một đất nước hùng mạnh dù là trên một
mảnh đất thiếu tài nguyên, đầy núi lửa, động đất cùng những tai ương. Chắc đó cũng
là do nhờ “Sự giáo dục của một nền giáo dục” lâu dài! Còn ta thì sao? Quả là một
sự đau lòng! Biết tỏ nỗi cùng ai!
Ôi! Thương thay cho con
vịt đẹt, đã đẹt từ xác lại tới lông!
Đồ Ngông,
06/11/2014.
No comments:
Post a Comment