(Thân Tặng: Các bạn nhỏ nhân ngày Vu Lan 2015).
Trong cuộc đời
Ai cũng chỉ một lần
Chỉ một lần thôi:
Có Cha và có Mẹ!
Cha Mẹ là hai mái để nghiêng che
Che đi dịu nắng của trưa hè
Chắn những ngày đông lộng gió
Cho tiếng cười,
Con trẻ được tươi vui!
Mái tình thương
Ấp ủ cho con
Trên những bước đường
Chỗ dừng bến khi đời con mệt mỏi
Và kim chỉ nam
Khi nào con trở nên lạc lối
Tìm đường về với khắp nẻo yêu thương!
Một mái rơi đi
Đời con hụt hẫng
Con phải là một đứa trẻ mồ côi
Con mất đi, một bóng dáng cuộc đời
Con thiếu hẳn, một bóng hình thân thiết!
Mái thứ hai khi nào vụt tắt
Con chỉ là
“Một đứa trẻ cô nhi”
Thân tự trôi, trên mọi nẻo đường đời
Đời vất vả không bao giờ kể xiết
Con nghĩ gì về những gì tha thiết
Lúc khi còn, và cũng lúc mất mẹ cha...!
Nguyên thảo,
19/08/2015.
Wednesday, August 19, 2015
*Bao Giờ?
*Thơ Đồ Ngông! (tt)
Bao giờ người mới nhìn ra
Thấy rằng thiên hạ lâm vòng lao đao
Bao năm khốn khổ, vương rào
Cuộc đời tăm tối ngàn đau, lắm sầu!
Bao giờ trí sáng lên ngôi
Định ra phương hướng, cuộc đời tốt hơn
Trên cao xứng vị, vuông tròn
Lái tàu đi đúng, con tàu tiến lên!
Đồ Ngông,
19/08/2015.
Bao giờ người mới nhìn ra
Thấy rằng thiên hạ lâm vòng lao đao
Bao năm khốn khổ, vương rào
Cuộc đời tăm tối ngàn đau, lắm sầu!
Bao giờ trí sáng lên ngôi
Định ra phương hướng, cuộc đời tốt hơn
Trên cao xứng vị, vuông tròn
Lái tàu đi đúng, con tàu tiến lên!
Đồ Ngông,
19/08/2015.
Sunday, August 16, 2015
*H.T Chữ Nghĩa 21: Bước Đầu Tâm Linh.
(Cũng để “đáp lại” câu hỏi trong phần comment của Qin ShiHuang ở bài: Sự “Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”!).
Nếu tôi nói: Tôi không có tu tập, hay “Hành Thiền” gì cả, thì chắc độc giả sẽ không tin khi đọc đến bài: [Sự “Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”!] của tôi. Nhưng đó là một sự thật và chính vì sự thật ấy nên tôi mới đặt cái tên như vậy cho bài. Tôi đã trăn trở, suy nghĩ, đi tìm hỏi rất nhiều về những điều mà tôi cảm nhận được trong nhiều năm dài trước khi tôi quyết định viết ra thành bài. Đó là chưa nói đến sự viết ấy cũng lại rất là “tình cờ”. Nếu Quý vị đã đọc “Cuộc hành trình của chữ nghĩa” Quý vị sẽ thấy trình tự mà tôi dấn thân vào sự viết lách như thế nào, và tại sao mọi bài của tôi hầu như đều là hiện thực của cuộc sống ngay cả trong văn lẫn thơ.
Nhiều lần tôi thú nhận rằng: Tôi không có khiếu về văn chương; ngày tôi học ở lớp Đệ Tam (lớp 10), Đệ Nhị (lớp 11) viết văn còn bị thầy chê là non nớt, cho nên tôi không bao giờ dám nghĩ đến chuyện viết văn, thì làm sao lại nói đến chuyện làm thơ. Đến khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và một năm lang thang trên Đại học đầu óc tôi rối bời, trí nhớ không còn tốt vì qua 2 lần bị các ông lính có tiếng hung thần ở địa phương làm dữ vào năm lớp Đệ Nhất (lớp 12). Đến khi tốt nghiệp trường Sư Phạm để về dạy học tại thôn quê tôi phải tập luyện lại trí nhớ của mình cho khá hơn thì trong khoảng thời gian ấy tôi đã gặp một hiện tượng khá lạ kỳ và tôi cũng ghi lại ở phần đầu của bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”.
Sau nầy, tôi đi vào chuyện viết văn hay làm thơ là do những nguyên nhân tình cờ đưa đẩy và ngay cả với “blog” nầy cũng không ngoại lệ, tôi sẽ trình bày ở các phần sau. Vào những tháng cuối của năm 1999, sau khi một số nông gia quyết định dấn thân để củng cố lại Hội Nông Gia của người Việt ở Nam Úc hầu làm cho Hội được mạnh để giúp nông gia có tiếng nói với chính quyền cũng như trong vấn đề bảo vệ quyền lợi cho giới nghề nông. Trong số người dấn thân ấy có anh bạn của tôi cũng gốc nghề giáo, làm nghề thông dịch. Trước 30/04/75 anh đã có học qua lớp báo chí hàm thụ thuở thời nhà báo Trần Tấn Quốc mở khóa, cho nên anh mạnh dạn ấn hành “Bản Tin Nông Gia”. Khi nhận được bản tin đầu tiên của anh, thì tôi thấy ông bạn tôi rất vất vả trong công việc của hội cũng như viết bài, nên sau đó tôi ngỏ ý xin viết phụ với anh cho vui. Bài đầu tiên tôi đưa cho anh có tựa là “Lạm bàn về một vấn đề”, trong đó tôi nói về sự thoải mái, nghỉ ngơi để đầu óc mình không phải lo nghĩ sau công việc mệt nhọc, nhưng anh bạn tôi chiếu theo nội dung sửa tựa bài lại là: “Thiền Là Gì?”. Cầm bản tin mới trong tay, tôi giật mình! Vấn đề “lạm bàn” đã trở thành vấn đề lớn: Là đụng tới Thiền (vấn đề mà tôi cố né tránh). Thế là tôi tự nhiên “bị leo lên lưng cọp” rồi, nên tôi ráng viết tiếp một hai kỳ nữa nhưng mỗi lần không được nhiều và cả tháng bản tin mới ấn hành một lần. Một lúc nọ, đột nhiên tôi nhớ lại điều tôi phổ biến ấy có thể làm nguy hiểm đến cho người khác, nếu người làm theo điều tôi viết mà có “căn duyên” tiến quá nhanh như tôi từng gặp, thì họ sẽ ứng phó thế nào đây! Cho nên tôi cố gắng tranh thủ thời gian, công việc và viết cho hoàn tất càng sớm càng tốt. Khi đó tôi chưa biết đánh máy cũng như sử dụng “vi tính” nên viết tay trên giấy và sửa chữa câu văn cho nó “coi cho được”. Qua nhiều ngày, bài cũng được hoàn tất. Tôi đem bài đó đến tờ báo biếu địa phương duy nhất lúc đó là “Nam Úc Tuần Báo” để nhờ anh chủ (Nguyễn Văn Lộc) nếu thấy được đăng dùm. Hai tuần sau bài ấy được đăng lên với tựa bài: “Những ý kiến đóng góp về vài phương pháp Thiền”. Lại thêm một vấn đề hệ trọng khác nảy ra, vì trong bài nầy tôi chỉ muốn góp thêm ý kiến cho những người hành thiền để họ rút tỉa cho “một” phương pháp thiền của họ mà thôi, nên tôi mới đặt tựa là “một phương pháp thiền”, nhưng người sửa lại tưởng lầm tôi đề cập đến “vài” phương pháp thiền; cho nên với tựa bài có chữ “vài” nầy thành ra “Đúng tôi là kẻ nhiều chuyện”! Nhưng không sao, vì người đọc trong thời gian khá lâu chẳng có phản ứng nào cả kể cả những người đang thực hành thiền cũng như tu sĩ.
Thực ra, trong bài ấy tôi chỉ đúc kết lại những điều chính yếu trong giai đoạn mà tôi cảm nhận được những điều lạ lùng trong khoảng thời gian khủng hoảng, buồn bã vô cùng của mình. Tôi đã “dường như” nhìn thấy “hiện tượng” trong lúc “không phải ngủ, cũng không phải thức”, và tôi lại đánh liều để theo cùng khám phá nó xem thử cho đến đâu và khi nào chấm dứt. Nói như vậy, có nghĩa là từ trước tôi không phải là một người “thực hành” hay nghiên cứu về thiền, và tôi cũng chẳng là một tu sĩ ngay cả là một phật tử nữa. Từ trước, tôi chỉ là một người bình thường cũng như bao nhiêu người bình thường khác không màng đến tôn giáo và chẳng để ý đến con đường tu. Thế mà tại sao tôi lại “thấy” những điều kỳ lạ nầy? Và “lại thấy” trong trạng thái “không ngủ, không thức”, “không tỉnh, không mê”, trong cơn “mơ màng” như vậy, có phải “trạng thái” ấy là trạng thái của người "hành thiền” không? Tôi đâu có “ngồi “kiết già” hay “bán kiết già”, tôi chỉ “nằm” trên giường dưỡng bệnh (đầu năm 1992), chứ không là “ngồi” thì tôi cảm nhận được gì đây? Và tôi cũng chẳng mấy khi đến chùa thì nói gì đến bài tụng hay kinh Phật để mà tôi biết.
Quá ngạc nhiên về những điều thấy, biết của mình, tôi đã trăn trở nhiều năm, nhưng cũng không thể quên được. Chính vì thế mà tôi nhớ “mồn một” từng giai đoạn, chi tiết để rồi một ngày nào đó “sự thôi thúc bên trong” khiến tôi phải nói lại vấn đề mà “anh bạn tôi” cùng “Bản tin nông gia” là tác nhân làm tôi “bắt đầu”!
Nếu tôi là người thực hành Thiền hay là một tu sĩ thì chắc điều mà tôi cảm nhận được không có gì đáng là ngạc nhiên cả. Đàng nầy tôi là một kẻ bệnh hoạn đang dưỡng bệnh và yếu đuối, buồn chán thế mà tại sao tôi lại “được tiếp nhận” những điều ấy. Đó có phải là sự mơ tưởng không? Hay chỉ là sự nghĩ quẫn để thấy bậy bạ vậy thôi? Nhưng tại sao có những điều lạ lùng khác mà có thể giải thích bằng sự phân tích một cách khoa học được. Bao nhiêu câu hỏi mãi thêu dệt ra trong đầu óc tôi. Cuối cùng tôi nghĩ đến chuyện “ông Phật quyết chí không rời cội Bồ Đề để Thiền” để đi tìm một sự giải đáp.
Nghĩ như vậy, nhưng tôi vẫn không làm được vì từ trước đến nay tôi chưa hề đến chùa thì làm sao để mượn kinh Phật để coi; và với sự hẹn lần hẹn lựa cũng đã là 5 năm lại trôi qua. Mãi đến năm 1997, sau khi mẹ mất “chị bạn” đi làm chung thường đến chùa rồi rủ vợ chồng tôi đi chùa. Trù trừ lâu lắm tôi mới đến chùa, và sau đó có hỏi chị bạn nhờ chị nói mượn dùm kinh đem về để xem. Không lâu tôi phải đem trả vì sợ mất. Rồi một ngày nào đó tôi lên Melbourne thăm ba má, gia đình em tôi và nhờ em tôi chở đến chùa Quang Minh gặp Thầy Thích Phước Tấn hỏi Kinh để thỉnh: Được hai quyển “Xuân Trong Cửa Thiền 4” của Thầy Thích Thanh Từ cùng “Đức Phật và Phật Pháp” của Kim Khánh dịch, theo lời khuyên của Thầy Phước Tấn vì tôi chưa hề biết gì về Phật pháp. Về nhà, tôi dành thời gian để đọc. Bài của Thầy Thích Thanh Từ giảng về sự buồn chán khi bị bệnh hoạn “quyết tu cho chết bỏ” lúc ở trên Lâm Đồng, khiến tôi thấy được chút ít ánh sáng cho sự tìm hiểu giải thích những điều của tôi. Tôi nghiền ngẫm quyển giáo lý “Đức Phật và Phật pháp” để nắm được phần nào giáo lý của đạo Phật. Tôi hiểu không khó và đó là bước đầu tôi đi tìm hiểu về đạo Phật hay là tôn giáo.
Rồi cơ duyên như tôi đã viết ở trên là sự ra đời của bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền” trên báo Nam Úc số 236 ra ngày 31/03/2000. Ở đây, tôi chỉ đúc kết những điều, cũng như những giai đoạn mà tôi quan sát được trong tiến trình mình cảm nhận được những sự “lạ lùng” để “góp thêm ý kiến cho những người thực hành thiền” khi họ gặp phải những điều như tôi đã gặp phải, để họ không phải ngỡ ngàng cùng lo âu như tôi đã từng lo âu! Lúc đầu, ước nguyện của tôi chỉ là ghi lại, phổ biến những điều như thế là đủ. Nhưng sau đó, vì tôi chưa hiểu được Phật pháp nhiều cũng như chưa đi sâu vào giáo lý, do đó tôi chưa kiểm chứng được điều tôi “cảm nhận” đó là đúng hay sai, hư hay thực, có trong Kinh hay là không. Do vậy, tôi cần phải viết thêm “cái hoàn cảnh và diễn tiến” mà tôi đã cảm nhận được để mọi người đọc tự nhận định và phán xét, thế cho nên mới có bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”.
Quả thật trong bài ấy tôi chỉ nói đến cái tôi của bệnh hoạn, buồn chán thê lương, rồi phải tự định tâm và từ định tâm ấy đã đưa đến những tình trạng “dong ruổi” như thế nào của tâm linh và tôi phải đối phó ra sao! Như vậy, tâm linh trong tự thân đã có sự huyền nhiệm và người ta đi tìm sự huyền nhiệm bằng sự định tâm, mà tôi chỉ là một người tình cờ đi đến đó chứ không là một nhà tu hành hay thực hành thiền gì cả. Tôi cố gắng ghi lại những cái trừu tượng, mơ hồ ấy bằng chữ nghĩa hữu hình và trần gian. Tất nó sẽ có nhiều điều khó giải thích để rõ nghĩa cho nên Qin ShiHuang coi như là có nhiều ẩn ngữ trong đó; cũng như bài không đề cập đến cái chung nhất nào cho người hành thiền vì thực ra tôi cũng không rõ có phương hướng khai ngộ chung nào đó để cho người thiền nhận định hay không; mà ở đây tôi chỉ muốn nhằm phổ biến những điều của tâm linh của tôi “đi lang thang” để nhằm góp thêm ý kiến cho người thiền cùng tham khảo. Thế cho nên, tôi mới ghi thêm câu: “Bài viết được ghi lại tặng Quý vị đang hành Thiền” và cũng không dám đưa ra một điểm “khẳng định” nào. Tôi chỉ mong bài ấy như là một tài liệu tham khảo hoặc đọc vui chơi, giải trí thế thôi! Nhưng đến bây giờ tôi đã ghi lại được nhiều bài về đạo và có vài bài phân tích giữa sự “giả” và “chân” trên nền tảng lý trí và khoa học để thấy được tôn giáo cũng không là đơn giản; cùng thấy được sự huyền nhiệm của tâm linh là một điều mà không thể nghi ngờ!
Nguyên Thảo,
16/08/2015.
Nếu tôi nói: Tôi không có tu tập, hay “Hành Thiền” gì cả, thì chắc độc giả sẽ không tin khi đọc đến bài: [Sự “Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”!] của tôi. Nhưng đó là một sự thật và chính vì sự thật ấy nên tôi mới đặt cái tên như vậy cho bài. Tôi đã trăn trở, suy nghĩ, đi tìm hỏi rất nhiều về những điều mà tôi cảm nhận được trong nhiều năm dài trước khi tôi quyết định viết ra thành bài. Đó là chưa nói đến sự viết ấy cũng lại rất là “tình cờ”. Nếu Quý vị đã đọc “Cuộc hành trình của chữ nghĩa” Quý vị sẽ thấy trình tự mà tôi dấn thân vào sự viết lách như thế nào, và tại sao mọi bài của tôi hầu như đều là hiện thực của cuộc sống ngay cả trong văn lẫn thơ.
Nhiều lần tôi thú nhận rằng: Tôi không có khiếu về văn chương; ngày tôi học ở lớp Đệ Tam (lớp 10), Đệ Nhị (lớp 11) viết văn còn bị thầy chê là non nớt, cho nên tôi không bao giờ dám nghĩ đến chuyện viết văn, thì làm sao lại nói đến chuyện làm thơ. Đến khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và một năm lang thang trên Đại học đầu óc tôi rối bời, trí nhớ không còn tốt vì qua 2 lần bị các ông lính có tiếng hung thần ở địa phương làm dữ vào năm lớp Đệ Nhất (lớp 12). Đến khi tốt nghiệp trường Sư Phạm để về dạy học tại thôn quê tôi phải tập luyện lại trí nhớ của mình cho khá hơn thì trong khoảng thời gian ấy tôi đã gặp một hiện tượng khá lạ kỳ và tôi cũng ghi lại ở phần đầu của bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”.
Sau nầy, tôi đi vào chuyện viết văn hay làm thơ là do những nguyên nhân tình cờ đưa đẩy và ngay cả với “blog” nầy cũng không ngoại lệ, tôi sẽ trình bày ở các phần sau. Vào những tháng cuối của năm 1999, sau khi một số nông gia quyết định dấn thân để củng cố lại Hội Nông Gia của người Việt ở Nam Úc hầu làm cho Hội được mạnh để giúp nông gia có tiếng nói với chính quyền cũng như trong vấn đề bảo vệ quyền lợi cho giới nghề nông. Trong số người dấn thân ấy có anh bạn của tôi cũng gốc nghề giáo, làm nghề thông dịch. Trước 30/04/75 anh đã có học qua lớp báo chí hàm thụ thuở thời nhà báo Trần Tấn Quốc mở khóa, cho nên anh mạnh dạn ấn hành “Bản Tin Nông Gia”. Khi nhận được bản tin đầu tiên của anh, thì tôi thấy ông bạn tôi rất vất vả trong công việc của hội cũng như viết bài, nên sau đó tôi ngỏ ý xin viết phụ với anh cho vui. Bài đầu tiên tôi đưa cho anh có tựa là “Lạm bàn về một vấn đề”, trong đó tôi nói về sự thoải mái, nghỉ ngơi để đầu óc mình không phải lo nghĩ sau công việc mệt nhọc, nhưng anh bạn tôi chiếu theo nội dung sửa tựa bài lại là: “Thiền Là Gì?”. Cầm bản tin mới trong tay, tôi giật mình! Vấn đề “lạm bàn” đã trở thành vấn đề lớn: Là đụng tới Thiền (vấn đề mà tôi cố né tránh). Thế là tôi tự nhiên “bị leo lên lưng cọp” rồi, nên tôi ráng viết tiếp một hai kỳ nữa nhưng mỗi lần không được nhiều và cả tháng bản tin mới ấn hành một lần. Một lúc nọ, đột nhiên tôi nhớ lại điều tôi phổ biến ấy có thể làm nguy hiểm đến cho người khác, nếu người làm theo điều tôi viết mà có “căn duyên” tiến quá nhanh như tôi từng gặp, thì họ sẽ ứng phó thế nào đây! Cho nên tôi cố gắng tranh thủ thời gian, công việc và viết cho hoàn tất càng sớm càng tốt. Khi đó tôi chưa biết đánh máy cũng như sử dụng “vi tính” nên viết tay trên giấy và sửa chữa câu văn cho nó “coi cho được”. Qua nhiều ngày, bài cũng được hoàn tất. Tôi đem bài đó đến tờ báo biếu địa phương duy nhất lúc đó là “Nam Úc Tuần Báo” để nhờ anh chủ (Nguyễn Văn Lộc) nếu thấy được đăng dùm. Hai tuần sau bài ấy được đăng lên với tựa bài: “Những ý kiến đóng góp về vài phương pháp Thiền”. Lại thêm một vấn đề hệ trọng khác nảy ra, vì trong bài nầy tôi chỉ muốn góp thêm ý kiến cho những người hành thiền để họ rút tỉa cho “một” phương pháp thiền của họ mà thôi, nên tôi mới đặt tựa là “một phương pháp thiền”, nhưng người sửa lại tưởng lầm tôi đề cập đến “vài” phương pháp thiền; cho nên với tựa bài có chữ “vài” nầy thành ra “Đúng tôi là kẻ nhiều chuyện”! Nhưng không sao, vì người đọc trong thời gian khá lâu chẳng có phản ứng nào cả kể cả những người đang thực hành thiền cũng như tu sĩ.
Thực ra, trong bài ấy tôi chỉ đúc kết lại những điều chính yếu trong giai đoạn mà tôi cảm nhận được những điều lạ lùng trong khoảng thời gian khủng hoảng, buồn bã vô cùng của mình. Tôi đã “dường như” nhìn thấy “hiện tượng” trong lúc “không phải ngủ, cũng không phải thức”, và tôi lại đánh liều để theo cùng khám phá nó xem thử cho đến đâu và khi nào chấm dứt. Nói như vậy, có nghĩa là từ trước tôi không phải là một người “thực hành” hay nghiên cứu về thiền, và tôi cũng chẳng là một tu sĩ ngay cả là một phật tử nữa. Từ trước, tôi chỉ là một người bình thường cũng như bao nhiêu người bình thường khác không màng đến tôn giáo và chẳng để ý đến con đường tu. Thế mà tại sao tôi lại “thấy” những điều kỳ lạ nầy? Và “lại thấy” trong trạng thái “không ngủ, không thức”, “không tỉnh, không mê”, trong cơn “mơ màng” như vậy, có phải “trạng thái” ấy là trạng thái của người "hành thiền” không? Tôi đâu có “ngồi “kiết già” hay “bán kiết già”, tôi chỉ “nằm” trên giường dưỡng bệnh (đầu năm 1992), chứ không là “ngồi” thì tôi cảm nhận được gì đây? Và tôi cũng chẳng mấy khi đến chùa thì nói gì đến bài tụng hay kinh Phật để mà tôi biết.
Quá ngạc nhiên về những điều thấy, biết của mình, tôi đã trăn trở nhiều năm, nhưng cũng không thể quên được. Chính vì thế mà tôi nhớ “mồn một” từng giai đoạn, chi tiết để rồi một ngày nào đó “sự thôi thúc bên trong” khiến tôi phải nói lại vấn đề mà “anh bạn tôi” cùng “Bản tin nông gia” là tác nhân làm tôi “bắt đầu”!
Nếu tôi là người thực hành Thiền hay là một tu sĩ thì chắc điều mà tôi cảm nhận được không có gì đáng là ngạc nhiên cả. Đàng nầy tôi là một kẻ bệnh hoạn đang dưỡng bệnh và yếu đuối, buồn chán thế mà tại sao tôi lại “được tiếp nhận” những điều ấy. Đó có phải là sự mơ tưởng không? Hay chỉ là sự nghĩ quẫn để thấy bậy bạ vậy thôi? Nhưng tại sao có những điều lạ lùng khác mà có thể giải thích bằng sự phân tích một cách khoa học được. Bao nhiêu câu hỏi mãi thêu dệt ra trong đầu óc tôi. Cuối cùng tôi nghĩ đến chuyện “ông Phật quyết chí không rời cội Bồ Đề để Thiền” để đi tìm một sự giải đáp.
Nghĩ như vậy, nhưng tôi vẫn không làm được vì từ trước đến nay tôi chưa hề đến chùa thì làm sao để mượn kinh Phật để coi; và với sự hẹn lần hẹn lựa cũng đã là 5 năm lại trôi qua. Mãi đến năm 1997, sau khi mẹ mất “chị bạn” đi làm chung thường đến chùa rồi rủ vợ chồng tôi đi chùa. Trù trừ lâu lắm tôi mới đến chùa, và sau đó có hỏi chị bạn nhờ chị nói mượn dùm kinh đem về để xem. Không lâu tôi phải đem trả vì sợ mất. Rồi một ngày nào đó tôi lên Melbourne thăm ba má, gia đình em tôi và nhờ em tôi chở đến chùa Quang Minh gặp Thầy Thích Phước Tấn hỏi Kinh để thỉnh: Được hai quyển “Xuân Trong Cửa Thiền 4” của Thầy Thích Thanh Từ cùng “Đức Phật và Phật Pháp” của Kim Khánh dịch, theo lời khuyên của Thầy Phước Tấn vì tôi chưa hề biết gì về Phật pháp. Về nhà, tôi dành thời gian để đọc. Bài của Thầy Thích Thanh Từ giảng về sự buồn chán khi bị bệnh hoạn “quyết tu cho chết bỏ” lúc ở trên Lâm Đồng, khiến tôi thấy được chút ít ánh sáng cho sự tìm hiểu giải thích những điều của tôi. Tôi nghiền ngẫm quyển giáo lý “Đức Phật và Phật pháp” để nắm được phần nào giáo lý của đạo Phật. Tôi hiểu không khó và đó là bước đầu tôi đi tìm hiểu về đạo Phật hay là tôn giáo.
Rồi cơ duyên như tôi đã viết ở trên là sự ra đời của bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền” trên báo Nam Úc số 236 ra ngày 31/03/2000. Ở đây, tôi chỉ đúc kết những điều, cũng như những giai đoạn mà tôi quan sát được trong tiến trình mình cảm nhận được những sự “lạ lùng” để “góp thêm ý kiến cho những người thực hành thiền” khi họ gặp phải những điều như tôi đã gặp phải, để họ không phải ngỡ ngàng cùng lo âu như tôi đã từng lo âu! Lúc đầu, ước nguyện của tôi chỉ là ghi lại, phổ biến những điều như thế là đủ. Nhưng sau đó, vì tôi chưa hiểu được Phật pháp nhiều cũng như chưa đi sâu vào giáo lý, do đó tôi chưa kiểm chứng được điều tôi “cảm nhận” đó là đúng hay sai, hư hay thực, có trong Kinh hay là không. Do vậy, tôi cần phải viết thêm “cái hoàn cảnh và diễn tiến” mà tôi đã cảm nhận được để mọi người đọc tự nhận định và phán xét, thế cho nên mới có bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”.
Quả thật trong bài ấy tôi chỉ nói đến cái tôi của bệnh hoạn, buồn chán thê lương, rồi phải tự định tâm và từ định tâm ấy đã đưa đến những tình trạng “dong ruổi” như thế nào của tâm linh và tôi phải đối phó ra sao! Như vậy, tâm linh trong tự thân đã có sự huyền nhiệm và người ta đi tìm sự huyền nhiệm bằng sự định tâm, mà tôi chỉ là một người tình cờ đi đến đó chứ không là một nhà tu hành hay thực hành thiền gì cả. Tôi cố gắng ghi lại những cái trừu tượng, mơ hồ ấy bằng chữ nghĩa hữu hình và trần gian. Tất nó sẽ có nhiều điều khó giải thích để rõ nghĩa cho nên Qin ShiHuang coi như là có nhiều ẩn ngữ trong đó; cũng như bài không đề cập đến cái chung nhất nào cho người hành thiền vì thực ra tôi cũng không rõ có phương hướng khai ngộ chung nào đó để cho người thiền nhận định hay không; mà ở đây tôi chỉ muốn nhằm phổ biến những điều của tâm linh của tôi “đi lang thang” để nhằm góp thêm ý kiến cho người thiền cùng tham khảo. Thế cho nên, tôi mới ghi thêm câu: “Bài viết được ghi lại tặng Quý vị đang hành Thiền” và cũng không dám đưa ra một điểm “khẳng định” nào. Tôi chỉ mong bài ấy như là một tài liệu tham khảo hoặc đọc vui chơi, giải trí thế thôi! Nhưng đến bây giờ tôi đã ghi lại được nhiều bài về đạo và có vài bài phân tích giữa sự “giả” và “chân” trên nền tảng lý trí và khoa học để thấy được tôn giáo cũng không là đơn giản; cùng thấy được sự huyền nhiệm của tâm linh là một điều mà không thể nghi ngờ!
Nguyên Thảo,
16/08/2015.
Sunday, August 9, 2015
* Quê Người! (1)
Đúng thực, không bao giờ tôi nghĩ là một ngày nào đó tôi sẽ rời quê hương để sống cuộc đời xa xứ, nhất là một người ở trong quê từ thuở nhỏ và chẳng giàu có gì với đồng lương “ba cọc ba đồng” như tôi. Trong thời gian chiến tranh ác liệt chẳng ai muốn bỏ làng ra đi, người ta phải tản cư chẳng qua là do sự bất đắc dĩ hoặc bị bắt buộc phải ra những vùng tập trung vì những chiến lược tranh thắng nhau trong cuộc chiến. Làm người dân của một xứ chiến tranh thật là khổ: Một sớm một chiều có thể bỏ mạng như chơi, hoặc tài sản dành dụm bao nhiêu năm của một đời người bỗng chốc đành tiêu tan; bao nhiêu thanh niên phải đi ra chiến trường cho một cuộc chiến phi lý khi mà thiên hạ xúm nhau chia đôi đất nước của mình. Rồi lại người mình giết nhau xem nhau như những kẻ thù truyền kiếp không thương không tiếc cho những chủ nghĩa không đâu. Thế mà người ta lại hăng hái đưa thanh niên vào lò như người giữ lò cần củi chụm! Một đất nước không xây dựng mà trái lại phải tan hoang với những vũ khí của người. Chỉ tội cho người đàn bà Việt Nam vừa phải làm nhiệm vụ của một người đàn bà là chăm sóc gia đình, nuôi con; mà họ vừa còn phải đối phó với mọi việc từ thay thế vai trò cho người đàn ông lẫn ứng đối với những mưu mô của người khác đem đến cho họ. Người đàn bà chịu nhiều thiệt thòi trong mọi thời kỳ: Thời kỳ chồng đi kháng chiến chống Pháp, chồng đi Việt Cộng, rồi đi cải tạo, và lại tới vượt biên. Thế mà xã hội đã cố tình không hay không biết đến điều ấy! Người đàn bà Việt Nam đã sống một đời sống mãnh liệt; và có lẽ là những con người có thể được xem như là vĩ đại trong vai trò khiêm nhường của bản năng. Họ xứng đáng với truyền thống mở đầu cho dân tộc Việt của bà Âu Cơ và những vị anh thư tiên phong cho các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đầu tiên của đất nước: Là Hai Bà Trưng và Bà Triệu. Tôi phải làm một cuộc vinh danh cho tất cả những người phụ nữ Việt Nam chứ không hẳn là thuộc một phe nào.
Tôi chỉ là một thầy giáo “quèn” của nông thôn, nhưng được cái may mắn của gia đình nhất là công cán của ba tôi mà một ngày nào đó tôi từ giã gia đình vợ con để lăn vào một cuộc “thí mạng” cho trời đất gọi là “vượt biên”. Một đêm 12/7/ 1983 tôi chia tay với vợ tôi trong lúc các con tôi còn đang ngủ say để lên đường. Tôi lang thang ở chợ Nancy trong hơn buổi sáng, nghe mình không được khoẻ tôi đi kiếm tiệm thuốc mua hai chai dầu Song Thập mà hít cho có hơi ấm. Sau khi kiếm gì ăn qua loa bữa trưa, thì đến khoảng hơn hai giờ có người đến hướng dẫn chúng tôi gồm năm người để di chuyển về bến xe Hậu Giang trong Chợ Lớn. Ở đây chúng tôi đón xe đò để về Mỹ Tho, và họ cho nhóm xuống tại Ngã Ba Trung Lương để đi xe đạp lôi đi về chợ. Xe cho chúng tôi xuống con đường có hàng me và chúng tôi lại xúm nhau mua bánh mì. Tất nhiên, khi có nhiều người lạ thì dân chúng họ đã dòm rất nhiều, nhưng chúng tôi không thể để ý đến điều đó lâu vì người dẫn hối thúc, và chúng tôi phải cố gắng chạy theo ông ta để không bị lạc đường. Ông ấy đưa chúng tôi lần vào chợ và đến chợ cá, ông giao cho hai đứa trẻ trên một chiếc ghe đậu ở bến sông. Chúng tôi nằm im dưới hai mái lá dừa nước lụp xụp. Hồi lâu, chúng đẩy ghe chèo lần ra sông rồi thả theo dòng Tiền giang đi lần ra ngoài. Để người ta không để ý và ra nơi hẹn cho đúng thời điểm, chúng làm bộ tắm cùng neo ghe chờ đợi. Đến khi chiều xuống nhiều, chúng mới chèo theo dòng nước đi về phía biển. Khá lâu chúng mới neo ở một nơi cùng với vài chiếc ghe khác, lúc đó có người đàn ông chắc là trưởng nhóm của nhóm nầy, họ đòi chúng tôi phải viết mật mã để khi chúng tôi đi thì họ liên lạc với người thân mà lấy tiền. Chúng tôi trù trừ vì mình chưa đi đến đâu, nhưng kẹt thế cũng đành phải viết những ký hiệu cho họ. Trời càng dần về khuya chúng tôi nghe lành lạnh, đói bụng lẫn với lo âu. Nằm trong khoang dưới những mái dừa nước lụp xụp, vừa ăn bánh mì mua hồi chiều, vừa nghe tiếng sóng con rì rào vỗ vào bờ. Chiếc ghe lúc lắc, lung lay khiến cho tôi lại nhớ nhà nhớ đến vợ con mà cũng chẳng biết tương lai mình sẽ ra sao. Chắc sông ở nơi nầy rất là rộng, tôi nghe nói đến Vàm Láng mà không biết phải nơi nầy hay không? Cũng lâu, lâu lắm nghe tiếng máy nổ dần đến. Những người chèo ghe đưa ghe ra ngoài. Tiếng ồn ào trong khoảng khắc xảy ra, chúng tôi cố gắng trèo qua chiếc tàu vào đêm tối không biết là nó lớn bao nhiêu. Thôi thì từ giờ phút nầy giao thân mình cho họ vậy! Người ta bảo mọi người phải chui xuống hầm, không được ở trên boong tàu. Phía dưới đầy người chen chúc nhau mỗi người kiếm một chỗ ngồi cho yên vị trí. Ai cũng co ro khép mình như để tìm một chỗ núp an toàn cho chuyến hành trình đầy gay go.
Tàu đi không biết bao lâu vì tôi không có đồng hồ, nhưng trời đã rựng sáng vừa thấy rõ mặt người. Có những tiếng nho nhỏ gì ở phía trên, rồi sau đó lại ồn ào và lớn dần. Thì ra, tàu đã vướng bãi cát ở cửa sông. Những người có trách nhiệm cho hay và nhiều người xuống nước để cùng nhau ráng sức đẩy tàu ra khỏi bãi cát. Nhưng không phải dễ dàng gì! Hồi lâu người ta thấy có du kích đi bên bờ sông Bến Tre; rồi có vài tiếng súng nổ, đạn rơi cách chừng 20 m mọi người dưới nước hoảng hồn trèo lên tàu. Du kích đẩy xuồng xuống nước, ông chủ thấy không xong nói: “Thôi đành chịu, ai có đạo gì cầu đạo đó đi, ai đạo Chúa thì cầu Chúa, ai đạo Phật thì cầu Phật đi xin bên Tiền Giang bắt thì còn đỡ, chứ bên Bến Tre bắt thì chăm lắm”! Tất cả đều im lặng đợi chờ. Trong tình huống như vậy, thì anh giữ tàu từ trước, cố gắng cho máy tàu “de” lại. Tàu ra khỏi bãi cát, rồi tiến về phía trước êm xuôi, nhẹ nhàng, thật hú hồn! Theo người ta đoán có thể do thủy triều bắt đầu lên, thủy triều ở cửa sông lên rất nhanh nên tàu có thể vượt ra khỏi cồn được nhanh như vậy. Nhưng dù sau chúng tôi cũng phải nói lời tạ ơn đối với những Đấng vô hình! Đúng nửa tiếng đồng hồ hồi hộp (từ 5 giờ đến 5 giờ rưỡi sáng)! Tàu ra biển. Bắt đầu thấy biển mênh mông. Nhìn về phía bờ, núi ở Vũng Tàu mờ xa, tôi cảm thấy lòng mình bùi ngùi, nước mắt bỗng dưng lại trào ra: “Quê hương tôi”! Tôi thầm nghĩ: “Không biết có còn gặp hay không? Chuyến đi của mình cũng chẳng chắc chắn gì”!
Tôi cố nhìn vào bờ, nhìn hình ảnh ngọn núi xanh mờ, mờ dần khi tôi không còn nhìn được nữa mới thôi! Bây giờ tôi mới nghĩ đến ngày mai, mà nghĩ như thế nào được, tôi đang còn tùy thuộc vào số mệnh, vào may mắn, vào đại dương; rồi lại nghĩ đến vợ và con cái. Tôi bỗng nhớ đến những đứa học trò giỏi nhiều bộ môn kể cả thể thao bị đánh rơi trong kỳ thi như Thúy Lam, Vĩnh Trị, Thùy Dương… và thân thế thầy giáo hèn mọn trong chế độ cũ của tôi. Sự “Lưu dung” hay “lưu dụng”, “một thầy giáo cũ bấp bênh trong chế độ mới khi mà trong chế độ mới “phải có con người mới”, tôi bị cuốn vào những quan điểm mà tôi không thể ngờ được sau chiến tranh tức là trong giai đoạn hòa bình thay vì cùng nhau ra sức xây dựng đất nước thì những người tài giỏi phải đành lòng bỏ đất nước ra đi! Ai mà tin tưởng để sử dụng đây nầy! So với những nhân tài như vậy tôi chẳng ra gì cả, nhưng tôi cần phải hi sinh “sống hoặc chết” vì tương lai của các con tôi! Ôi! Tôi đâu có muốn chiến tranh, tôi đâu có muốn thuộc phe nào, tôi đi tìm một nghề vô tội vạ, nhưng tôi lại lọt vào “tội vạ”, không ngờ quan điểm lại gán tội vạ ấy ảnh hưởng lên các con tôi! Tôi liều chết vì tương lai của chính các con tôi. Từ sau “ngày giải phóng” ấy tôi mới hiểu được hậu quả thù hằn của thời Trịnh, Nguyễn phân tranh trong lịch sử, cũng như hậu quả của một cuộc chiến tranh tương tàn để thống nhất đất nước; vì các cường quốc chia nhau xâu xé các quốc gia khác sau thời Đệ Nhị Thế Chiến mà trong đó có Việt Nam, nhất là để chứng minh đường lối của hai chủ nghĩa “Tư Bản” và “Cộng Sản”. Vì hai chủ nghĩa nầy mà đất nước tôi đã tan hoang, bao nhiêu người nằm xuống, bao nhiêu người tàn tật và hàng khối gia đình phải lâm vào hoàn cảnh tang thương. Và mãi có những hận thù, chưa biết đến bao giờ! Tôi ngậm ngùi nhìn sóng biển và đại dương bao la! Mặt trời dần lên le lói. Ngày đầu tiên tôi được mở rộng tầm mắt trên đại dương. Tôi không “thấy phố thấy nhà” cũng “chẳng thấy mưa sa” mà chỉ thấy “nước, ôi là nước”, trong nước nầy tôi có còn sống hay không? Bao nhiêu suy nghĩ lại hiện về kể cả những tư tưởng nguy hại nhất, tôi đi vào tận cùng của tư tưởng và cuộc sống; tôi “đánh cuộc” với một cuộc chơi bằng tính mạng của mình. Tại ai? Tại quan điểm của một chủ nghĩa, tại vì tôi không thể nhìn thấy sự mù mịt tương lai của các con tôi. Đối với tôi từ nhỏ đã không có nhiều may mắn thì dù trên quê hương tôi, tôi có nhiều khổ ải đi nữa tôi vẫn có thể chịu đựng, nhưng với tương lai của các con tôi thì sao? Tôi nghĩ vẩn vơ rồi lại “bật cười thầm” vì trong chiến tranh đối diện với sống chết người ta không bỏ nước ra đi, thế mà hòa bình rồi người ta lại phải ra đi, thật là oái oăm? Không hiểu những người lãnh đạo có thấy sự nghịch lý ấy hay không, hay là người ta muốn như vậy để tránh những hậu họa về sau. Đi càng nhiều càng tốt vì sự chống đối sẽ còn là chẳng bao nhiêu ở tương lai, thay vì đem giết hết như Kampuchia đã từng làm đối với dân của họ.
(còn tiếp)
*Con Ông, Cháu Cha!
*Tào Lao Thế Sự 2. (tt)
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
Trong kho tàng “ca dao tục ngữ” của dân tộc ta quả là có nhiều câu mang những nhận xét cuộc đời rất chính xác và thâm thúy vô cùng. Nếu nhiều người không hiểu có thể cho rằng câu nầy chỉ là xuyên tạc nhất là “con sãi ở chùa”. Ngày nay, người đi tu trong đạo Phật cũng nhiều và người ta tu một cách quyết liệt hơn từ trong ý thức và hiểu đạo, cho nên các vị thầy không có vợ con hoặc ăn chay trường; còn ngày xưa người tu từ “căn” thì rất ít, mà thường là những người đã mỏi mệt từ trong cuộc sống bon chen, giành giựt hay những người đột nhiên lúc nào đó tỉnh ngộ, gắn liền với đạo Phật và họ trở thành nhà tu cho nên chuyện vợ con, ăn mặn không có gì là đáng nói cả. Tất nhiên, những đứa con của những vị sãi sống trong cuộc đời đạo hạnh và hoàn cảnh như thế cũng không hề có ý nghĩ bon chen gì trong cuộc đời “thăng quan tiến chức”. Tuy nhiên, chúng ta cũng loại trừ trường hợp Lý Công Uẩn ngày xưa được sống trong nhà chùa, mà sau trở thành nhà vua vì vị vua nầy chỉ được nuôi dưỡng và sống nhờ trong nhà chùa chứ không phải là con của sãi hoặc đã là vì: Do “Chân mạng Đế Vương”! Còn con của những dòng vua nếu được tấn phong làm Thái tử để kế vị vua cha thì họ sẽ được làm vua. Trong thời phong kiến “cha truyền con nối” là chuyện đương nhiên của một triều đại, mà hiện nay trong chế độ Quân Chủ Lập Hiến cũng vậy, con cũng vẫn là nối ngôi của vua cha hay vua mẹ để làm biểu tượng cho một vương quyền trong một đất nước. Đó là nói chuyện về các triều đại vua chúa của thời xa xưa lẫn nay. Nhưng trong ngày nay, mặc dù là thời kỳ mà các chính quyền, nhà nước đã thể hiện tính dân chủ khá nhiều, người làm trong chính quyền thường được bầu bán qua cuộc đầu phiếu của người dân, dù đó là hình thức thực sự hay là trá hình của chế độ độc tài nào đó thì người ta cũng tạm coi là “dân chủ”. Người tài đức luôn được “vinh danh’ cho những cuộc bầu cử ấy. Tài đức ở đây theo những tiêu chuẩn nào? Và tại sao người ta thường chen chân vào vị trí của những người lãnh đạo trong chính quyền?
Theo như đường lối chính trị ngày cũ ơi là cũ của ông Khổng Tử bên Tàu thì người ra làm quan phải là người có tài lẫn có đạo đức để làm cho thiên hạ được thịnh vượng theo kiểu “dân giàu, nước mạnh” đem tài “kinh bang tế thế” của mình làm cho dân chúng được ấm no, hạnh phúc. Người “xuất” ra làm quan phải “chí công vô tư”, “công bình chính trực”, “cần, kiệm, liêm, chính” để làm gương mẫu. Thế mới nên “Tu thân, tề gia, trị quốc”, rồi mới “bình thiên hạ” hay là “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” là đức tính cần có của quan lẫn vua.
Nhưng ngày nay thì sao? Ở những nước dân chủ có thừa thì người ta bầu bán toàn quốc gia đối với những công dân đến tuổi đi bầu, họ được dự cuộc “phổ thông đầu phiếu” để chọn người có tài thay mình mà lãnh đạo. Còn những ai thấy mình đủ khả năng để cáng đáng công việc chung thì cứ ra ứng cử để người ta bầu. Có khi người ta cần phải tham gia vào trong đảng phái nào đó mà người ta thấy thích hợp và thích thú để hỗ trợ cùng nhau. Ở những nơi chỉ có một đảng để bảo vệ thanh thế và đồng nhất thực hiện đường lối chung thì cuộc bầu cử ấy có tính chất hợp thức hóa đảng viên của mình, cho nên cuộc bầu cử không mang tính chất đại chúng: Là dân chủ! Điều đó tùy theo chế độ chính trị!
Tào lao chuyện đó để chơi cho vui, nhưng ít ra nó cũng mang một lý lịch liên quan đến chuyện “con ông cháu cha”. “Con Ông, cháu Cha” là gì? Con Ông cháu Cha là một thành ngữ trong đó hai chữ “Ô” và “C” được viết in hay hoa để nhấn mạnh đến vai trò của ông và cha; và nó cũng thường được viết tắt bằng bốn chữ “COCC” trên nhiều trang báo, hay được nhắc đến trên nhiều hệ thống truyền thông. Thành ngữ quan trọng đó có nghĩa đơn giản là: - Cháu có “Ông” hay đứa con có “Cha” - làm lớn hoặc giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền hiện hữu. Những đứa con, cháu nầy được may mắn đẻ ra đời với nhiều ân huệ: Vừa có tiền của, lại được hưởng ké vào chức quyền của cha mẹ, ông bà. Chúng được chú ý từ khi còn thơ ấu hoặc được chăm sóc, đầy đủ từ vật chất cho đến tinh thần. Những ngôi trường sang trọng, có thành tích chất lượng cao là những nơi mà cha mẹ, ông bà đưa chúng vào để nơi đó đào tạo chúng thành những con người có năng lực sau nầy trở thành những người kế tục lãnh đạo như họ, hoặc ở chức vụ cao hơn cho đúng cái cảnh “con hơn cha là nhà có phúc”. Ăn học đầy đủ, quyền thế đầy đủ thì cuộc đời của chúng sẽ là ngon lành “chắc ăn như bắp”! Chắc chắn tương lai chúng sẽ được rạng rỡ mà ngồi trên đầu thiên hạ và “ngồi mát mà ăn bát vàng”! Tất nhiên với quyền lực của ông bà cha mẹ như thế khiến người ta khi biết được cũng phải nễ trọng cùng e dè. Chính vì thế mà dù chúng có học khá thôi cũng sẽ được nâng lên thành giỏi, có tệ cũng thành được hay khá: Một là kèm thêm, hai là nâng điểm; thầy giáo có chết vào đâu mà lại được trò yêu, gia đình mến nữa; tội gì phải gây khó khăn cho chính mình khi mình đưa ra một sự thật mà người ta không thích. Thông thường, con người ai cũng có lòng kiêu hãnh và hách dịch khi mình cảm thấy mình hơn người, cho nên những đứa con cháu trong hoàn cảnh ấy “thường” (đa số nhưng không là tất cả) không tránh khỏi tự hào, hách dịch, kiêu ngạo, khinh mạn và thấy mọi người phải “chiều” chịu sự lãnh đạo của mình. Chúng vươn lên cầm đầu nhóm trong một số vấn đề nào đó, có thể là tốt mà cũng có thể là xấu. Nhờ vào vị trí, thân thế của gia đình chúng lớn lên được vượt qua các kỳ thi, bằng cấp do sự gửi gấm của gia đình cùng sự nễ nang của các cấp mặc dù thực tài của chúng chẳng là bao nhiêu. Từ những sự ỷ lại ấy chúng lại càng tệ hơn, nhưng cái tệ ấy không cản trở được đường “hoạn lộ”, “thăng quan tiến chức” của chúng chỉ vì “chúng là con Ông, cháu Cha”.
Nhưng xã hội bao giờ cũng không qua khỏi những người đầy mưu mô, thủ đoạn, và liều lĩnh. Với những băng đảng tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy hay hình sự thường tung tiền lôi cuốn đám “con Ông cháu Cha”. Để một mai nếu bị bắt, bọn nầy cũng được giải cứu hay giảm nhẹ vì “Ông và Cha” lo cho con cháu của họ thì chúng cũng được hưởng theo phần. Thế cho nên “dụ dỗ” đám “con Ông cháu Cha” trở thành phương châm của nhiều nhóm tội phạm, không biết “Ông, Cha” có cảm được điều ấy hay không? Nếu một đất nước mà cứ “con Ông cháu Cha” thay quyền lãnh đạo thì không biết đất nước ấy sẽ “được” đưa về nơi đâu? Chỉ tội nghiệp cho đám “dân ngu cu đen” mà thôi, “thấp cổ bé miệng” kêu sao thấu nỗi tới trời!
Đồ Ngông,
02/08/2015.
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
Trong kho tàng “ca dao tục ngữ” của dân tộc ta quả là có nhiều câu mang những nhận xét cuộc đời rất chính xác và thâm thúy vô cùng. Nếu nhiều người không hiểu có thể cho rằng câu nầy chỉ là xuyên tạc nhất là “con sãi ở chùa”. Ngày nay, người đi tu trong đạo Phật cũng nhiều và người ta tu một cách quyết liệt hơn từ trong ý thức và hiểu đạo, cho nên các vị thầy không có vợ con hoặc ăn chay trường; còn ngày xưa người tu từ “căn” thì rất ít, mà thường là những người đã mỏi mệt từ trong cuộc sống bon chen, giành giựt hay những người đột nhiên lúc nào đó tỉnh ngộ, gắn liền với đạo Phật và họ trở thành nhà tu cho nên chuyện vợ con, ăn mặn không có gì là đáng nói cả. Tất nhiên, những đứa con của những vị sãi sống trong cuộc đời đạo hạnh và hoàn cảnh như thế cũng không hề có ý nghĩ bon chen gì trong cuộc đời “thăng quan tiến chức”. Tuy nhiên, chúng ta cũng loại trừ trường hợp Lý Công Uẩn ngày xưa được sống trong nhà chùa, mà sau trở thành nhà vua vì vị vua nầy chỉ được nuôi dưỡng và sống nhờ trong nhà chùa chứ không phải là con của sãi hoặc đã là vì: Do “Chân mạng Đế Vương”! Còn con của những dòng vua nếu được tấn phong làm Thái tử để kế vị vua cha thì họ sẽ được làm vua. Trong thời phong kiến “cha truyền con nối” là chuyện đương nhiên của một triều đại, mà hiện nay trong chế độ Quân Chủ Lập Hiến cũng vậy, con cũng vẫn là nối ngôi của vua cha hay vua mẹ để làm biểu tượng cho một vương quyền trong một đất nước. Đó là nói chuyện về các triều đại vua chúa của thời xa xưa lẫn nay. Nhưng trong ngày nay, mặc dù là thời kỳ mà các chính quyền, nhà nước đã thể hiện tính dân chủ khá nhiều, người làm trong chính quyền thường được bầu bán qua cuộc đầu phiếu của người dân, dù đó là hình thức thực sự hay là trá hình của chế độ độc tài nào đó thì người ta cũng tạm coi là “dân chủ”. Người tài đức luôn được “vinh danh’ cho những cuộc bầu cử ấy. Tài đức ở đây theo những tiêu chuẩn nào? Và tại sao người ta thường chen chân vào vị trí của những người lãnh đạo trong chính quyền?
Theo như đường lối chính trị ngày cũ ơi là cũ của ông Khổng Tử bên Tàu thì người ra làm quan phải là người có tài lẫn có đạo đức để làm cho thiên hạ được thịnh vượng theo kiểu “dân giàu, nước mạnh” đem tài “kinh bang tế thế” của mình làm cho dân chúng được ấm no, hạnh phúc. Người “xuất” ra làm quan phải “chí công vô tư”, “công bình chính trực”, “cần, kiệm, liêm, chính” để làm gương mẫu. Thế mới nên “Tu thân, tề gia, trị quốc”, rồi mới “bình thiên hạ” hay là “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” là đức tính cần có của quan lẫn vua.
Nhưng ngày nay thì sao? Ở những nước dân chủ có thừa thì người ta bầu bán toàn quốc gia đối với những công dân đến tuổi đi bầu, họ được dự cuộc “phổ thông đầu phiếu” để chọn người có tài thay mình mà lãnh đạo. Còn những ai thấy mình đủ khả năng để cáng đáng công việc chung thì cứ ra ứng cử để người ta bầu. Có khi người ta cần phải tham gia vào trong đảng phái nào đó mà người ta thấy thích hợp và thích thú để hỗ trợ cùng nhau. Ở những nơi chỉ có một đảng để bảo vệ thanh thế và đồng nhất thực hiện đường lối chung thì cuộc bầu cử ấy có tính chất hợp thức hóa đảng viên của mình, cho nên cuộc bầu cử không mang tính chất đại chúng: Là dân chủ! Điều đó tùy theo chế độ chính trị!
Tào lao chuyện đó để chơi cho vui, nhưng ít ra nó cũng mang một lý lịch liên quan đến chuyện “con ông cháu cha”. “Con Ông, cháu Cha” là gì? Con Ông cháu Cha là một thành ngữ trong đó hai chữ “Ô” và “C” được viết in hay hoa để nhấn mạnh đến vai trò của ông và cha; và nó cũng thường được viết tắt bằng bốn chữ “COCC” trên nhiều trang báo, hay được nhắc đến trên nhiều hệ thống truyền thông. Thành ngữ quan trọng đó có nghĩa đơn giản là: - Cháu có “Ông” hay đứa con có “Cha” - làm lớn hoặc giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền hiện hữu. Những đứa con, cháu nầy được may mắn đẻ ra đời với nhiều ân huệ: Vừa có tiền của, lại được hưởng ké vào chức quyền của cha mẹ, ông bà. Chúng được chú ý từ khi còn thơ ấu hoặc được chăm sóc, đầy đủ từ vật chất cho đến tinh thần. Những ngôi trường sang trọng, có thành tích chất lượng cao là những nơi mà cha mẹ, ông bà đưa chúng vào để nơi đó đào tạo chúng thành những con người có năng lực sau nầy trở thành những người kế tục lãnh đạo như họ, hoặc ở chức vụ cao hơn cho đúng cái cảnh “con hơn cha là nhà có phúc”. Ăn học đầy đủ, quyền thế đầy đủ thì cuộc đời của chúng sẽ là ngon lành “chắc ăn như bắp”! Chắc chắn tương lai chúng sẽ được rạng rỡ mà ngồi trên đầu thiên hạ và “ngồi mát mà ăn bát vàng”! Tất nhiên với quyền lực của ông bà cha mẹ như thế khiến người ta khi biết được cũng phải nễ trọng cùng e dè. Chính vì thế mà dù chúng có học khá thôi cũng sẽ được nâng lên thành giỏi, có tệ cũng thành được hay khá: Một là kèm thêm, hai là nâng điểm; thầy giáo có chết vào đâu mà lại được trò yêu, gia đình mến nữa; tội gì phải gây khó khăn cho chính mình khi mình đưa ra một sự thật mà người ta không thích. Thông thường, con người ai cũng có lòng kiêu hãnh và hách dịch khi mình cảm thấy mình hơn người, cho nên những đứa con cháu trong hoàn cảnh ấy “thường” (đa số nhưng không là tất cả) không tránh khỏi tự hào, hách dịch, kiêu ngạo, khinh mạn và thấy mọi người phải “chiều” chịu sự lãnh đạo của mình. Chúng vươn lên cầm đầu nhóm trong một số vấn đề nào đó, có thể là tốt mà cũng có thể là xấu. Nhờ vào vị trí, thân thế của gia đình chúng lớn lên được vượt qua các kỳ thi, bằng cấp do sự gửi gấm của gia đình cùng sự nễ nang của các cấp mặc dù thực tài của chúng chẳng là bao nhiêu. Từ những sự ỷ lại ấy chúng lại càng tệ hơn, nhưng cái tệ ấy không cản trở được đường “hoạn lộ”, “thăng quan tiến chức” của chúng chỉ vì “chúng là con Ông, cháu Cha”.
Nhưng xã hội bao giờ cũng không qua khỏi những người đầy mưu mô, thủ đoạn, và liều lĩnh. Với những băng đảng tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy hay hình sự thường tung tiền lôi cuốn đám “con Ông cháu Cha”. Để một mai nếu bị bắt, bọn nầy cũng được giải cứu hay giảm nhẹ vì “Ông và Cha” lo cho con cháu của họ thì chúng cũng được hưởng theo phần. Thế cho nên “dụ dỗ” đám “con Ông cháu Cha” trở thành phương châm của nhiều nhóm tội phạm, không biết “Ông, Cha” có cảm được điều ấy hay không? Nếu một đất nước mà cứ “con Ông cháu Cha” thay quyền lãnh đạo thì không biết đất nước ấy sẽ “được” đưa về nơi đâu? Chỉ tội nghiệp cho đám “dân ngu cu đen” mà thôi, “thấp cổ bé miệng” kêu sao thấu nỗi tới trời!
Đồ Ngông,
02/08/2015.
Subscribe to:
Posts (Atom)