Sunday, August 16, 2015

*H.T Chữ Nghĩa 21: Bước Đầu Tâm Linh.

(Cũng để “đáp lại” câu hỏi trong phần comment của Qin ShiHuang ở bài: Sự “Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”!).


Nếu tôi nói: Tôi không có tu tập, hay “Hành Thiền” gì cả, thì chắc độc giả sẽ không tin khi đọc đến bài: [Sự “Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”!] của tôi. Nhưng đó là một sự thật và chính vì sự thật ấy nên tôi mới đặt cái tên như vậy cho bài. Tôi đã trăn trở, suy nghĩ, đi tìm hỏi rất nhiều về những điều mà tôi cảm nhận được trong nhiều năm dài trước khi tôi quyết định viết ra thành bài. Đó là chưa nói đến sự viết ấy cũng lại rất là “tình cờ”. Nếu Quý vị đã đọc “Cuộc hành trình của chữ nghĩa” Quý vị sẽ thấy trình tự mà tôi dấn thân vào sự viết lách như thế nào, và tại sao mọi bài của tôi hầu như đều là hiện thực của cuộc sống ngay cả trong văn lẫn thơ.
Nhiều lần tôi thú nhận rằng: Tôi không có khiếu về văn chương; ngày tôi học ở lớp Đệ Tam (lớp 10), Đệ Nhị (lớp 11) viết văn còn bị thầy chê là non nớt, cho nên tôi không bao giờ dám nghĩ đến chuyện viết văn, thì làm sao lại nói đến chuyện làm thơ. Đến khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và một năm lang thang trên Đại học đầu óc tôi rối bời, trí nhớ không còn tốt vì qua 2 lần bị các ông lính có tiếng hung thần ở địa phương làm dữ vào năm lớp Đệ Nhất (lớp 12). Đến khi tốt nghiệp trường Sư Phạm để về dạy học tại thôn quê tôi phải tập luyện lại trí nhớ của mình cho khá hơn thì trong khoảng thời gian ấy tôi đã gặp một hiện tượng khá lạ kỳ và tôi cũng ghi lại ở phần đầu của bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”.
Sau nầy, tôi đi vào chuyện viết văn hay làm thơ là do những nguyên nhân tình cờ đưa đẩy và ngay cả với “blog” nầy cũng không ngoại lệ, tôi sẽ trình bày ở các phần sau. Vào những tháng cuối của năm 1999, sau khi một số nông gia quyết định dấn thân để củng cố lại Hội Nông Gia của người Việt ở Nam Úc hầu làm cho Hội được mạnh để giúp nông gia có tiếng nói với chính quyền cũng như trong vấn đề bảo vệ quyền lợi cho giới nghề nông. Trong số người dấn thân ấy có anh bạn của tôi cũng gốc nghề giáo, làm nghề thông dịch. Trước 30/04/75 anh đã có học qua lớp báo chí hàm thụ thuở thời nhà báo Trần Tấn Quốc mở khóa, cho nên anh mạnh dạn ấn hành “Bản Tin Nông Gia”. Khi nhận được bản tin đầu tiên của anh, thì tôi thấy ông bạn tôi rất vất vả trong công việc của hội cũng như viết bài, nên sau đó tôi ngỏ ý xin viết phụ với anh cho vui. Bài đầu tiên tôi đưa cho anh có tựa là “Lạm bàn về một vấn đề”, trong đó tôi nói về sự thoải mái, nghỉ ngơi để đầu óc mình không phải lo nghĩ sau công việc mệt nhọc, nhưng anh bạn tôi chiếu theo nội dung sửa tựa bài lại là: “Thiền Là Gì?”. Cầm bản tin mới trong tay, tôi giật mình! Vấn đề “lạm bàn” đã trở thành vấn đề lớn: Là đụng tới Thiền (vấn đề mà tôi cố né tránh). Thế là tôi tự nhiên “bị leo lên lưng cọp” rồi, nên tôi ráng viết tiếp một hai kỳ nữa nhưng mỗi lần không được nhiều và cả tháng bản tin mới ấn hành một lần. Một lúc nọ, đột nhiên tôi nhớ lại điều tôi phổ biến ấy có thể làm nguy hiểm đến cho người khác, nếu người làm theo điều tôi viết mà có “căn duyên” tiến quá nhanh như tôi từng gặp, thì họ sẽ ứng phó thế nào đây! Cho nên tôi cố gắng tranh thủ thời gian, công việc và viết cho hoàn tất càng sớm càng tốt. Khi đó tôi chưa biết đánh máy cũng như sử dụng “vi tính” nên viết tay trên giấy và sửa chữa câu văn cho nó “coi cho được”. Qua nhiều ngày, bài cũng được hoàn tất. Tôi đem bài đó đến tờ báo biếu địa phương duy nhất lúc đó là “Nam Úc Tuần Báo” để nhờ anh chủ (Nguyễn Văn Lộc) nếu thấy được đăng dùm. Hai tuần sau bài ấy được đăng lên với tựa bài: “Những ý kiến đóng góp về vài phương pháp Thiền”. Lại thêm một vấn đề hệ trọng khác nảy ra, vì trong bài nầy tôi chỉ muốn góp thêm ý kiến cho những người hành thiền để họ rút tỉa cho “một” phương pháp thiền của họ mà thôi, nên tôi mới đặt tựa là “một phương pháp thiền”, nhưng người sửa lại tưởng lầm tôi đề cập đến “vài” phương pháp thiền; cho nên với tựa bài có chữ “vài” nầy thành ra “Đúng tôi là kẻ nhiều chuyện”! Nhưng không sao, vì người đọc trong thời gian khá lâu chẳng có phản ứng nào cả kể cả những người đang thực hành thiền cũng như tu sĩ.
Thực ra, trong bài ấy tôi chỉ đúc kết lại những điều chính yếu trong giai đoạn mà tôi cảm nhận được những điều lạ lùng trong khoảng thời gian khủng hoảng, buồn bã vô cùng của mình. Tôi đã “dường như” nhìn thấy “hiện tượng” trong lúc “không phải ngủ, cũng không phải thức”, và tôi lại đánh liều để theo cùng khám phá nó xem thử cho đến đâu và khi nào chấm dứt. Nói như vậy, có nghĩa là từ trước tôi không phải là một người “thực hành” hay nghiên cứu về thiền, và tôi cũng chẳng là một tu sĩ ngay cả là một phật tử nữa. Từ trước, tôi chỉ là một người bình thường cũng như bao nhiêu người bình thường khác không màng đến tôn giáo và chẳng để ý đến con đường tu. Thế mà tại sao tôi lại “thấy” những điều kỳ lạ nầy? Và “lại thấy” trong trạng thái “không ngủ, không thức”, “không tỉnh, không mê”, trong cơn “mơ màng” như vậy, có phải “trạng thái” ấy là trạng thái của người "hành thiền” không? Tôi đâu có “ngồi “kiết già” hay “bán kiết già”, tôi chỉ “nằm” trên giường dưỡng bệnh (đầu năm 1992), chứ không là “ngồi” thì tôi cảm nhận được gì đây? Và tôi cũng chẳng mấy khi đến chùa thì nói gì đến bài tụng hay kinh Phật để mà tôi biết.
Quá ngạc nhiên về những điều thấy, biết của mình, tôi đã trăn trở nhiều năm, nhưng cũng không thể quên được. Chính vì thế mà tôi nhớ “mồn một” từng giai đoạn, chi tiết để rồi một ngày nào đó “sự thôi thúc bên trong” khiến tôi phải nói lại vấn đề mà “anh bạn tôi” cùng “Bản tin nông gia” là tác nhân làm tôi “bắt đầu”!
Nếu tôi là người thực hành Thiền hay là một tu sĩ thì chắc điều mà tôi cảm nhận được không có gì đáng là ngạc nhiên cả. Đàng nầy tôi là một kẻ bệnh hoạn đang dưỡng bệnh và yếu đuối, buồn chán thế mà tại sao tôi lại “được tiếp nhận” những điều ấy. Đó có phải là sự mơ tưởng không? Hay chỉ là sự nghĩ quẫn để thấy bậy bạ vậy thôi? Nhưng tại sao có những điều lạ lùng khác mà có thể giải thích bằng sự phân tích một cách khoa học được. Bao nhiêu câu hỏi mãi thêu dệt ra trong đầu óc tôi. Cuối cùng tôi nghĩ đến chuyện “ông Phật quyết chí không rời cội Bồ Đề để Thiền” để đi tìm một sự giải đáp.
Nghĩ như vậy, nhưng tôi vẫn không làm được vì từ trước đến nay tôi chưa hề đến chùa thì làm sao để mượn kinh Phật để coi; và với sự hẹn lần hẹn lựa cũng đã là 5 năm lại trôi qua. Mãi đến năm 1997, sau khi mẹ mất “chị bạn” đi làm chung thường đến chùa rồi rủ vợ chồng tôi đi chùa. Trù trừ lâu lắm tôi mới đến chùa, và sau đó có hỏi chị bạn nhờ chị nói mượn dùm kinh đem về để xem. Không lâu tôi phải đem trả vì sợ mất. Rồi một ngày nào đó tôi lên Melbourne thăm ba má, gia đình em tôi và nhờ em tôi chở đến chùa Quang Minh gặp Thầy Thích Phước Tấn hỏi Kinh để thỉnh: Được hai quyển “Xuân Trong Cửa Thiền 4” của Thầy Thích Thanh Từ cùng “Đức Phật và Phật Pháp” của Kim Khánh dịch, theo lời khuyên của Thầy Phước Tấn vì tôi chưa hề biết gì về Phật pháp. Về nhà, tôi dành thời gian để đọc. Bài của Thầy Thích Thanh Từ giảng về sự buồn chán khi bị bệnh hoạn “quyết tu cho chết bỏ” lúc ở trên Lâm Đồng, khiến tôi thấy được chút ít ánh sáng cho sự tìm hiểu giải thích những điều của tôi. Tôi nghiền ngẫm quyển giáo lý “Đức Phật và Phật pháp” để nắm được phần nào giáo lý của đạo Phật. Tôi hiểu không khó và đó là bước đầu tôi đi tìm hiểu về đạo Phật hay là tôn giáo.
Rồi cơ duyên như tôi đã viết ở trên là sự ra đời của bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền” trên báo Nam Úc số 236 ra ngày 31/03/2000. Ở đây, tôi chỉ đúc kết những điều, cũng như những giai đoạn mà tôi quan sát được trong tiến trình mình cảm nhận được những sự “lạ lùng” để “góp thêm ý kiến cho những người thực hành thiền” khi họ gặp phải những điều như tôi đã gặp phải, để họ không phải ngỡ ngàng cùng lo âu như tôi đã từng lo âu! Lúc đầu, ước nguyện của tôi chỉ là ghi lại, phổ biến những điều như thế là đủ. Nhưng sau đó, vì tôi chưa hiểu được Phật pháp nhiều cũng như chưa đi sâu vào giáo lý, do đó tôi chưa kiểm chứng được điều tôi “cảm nhận” đó là đúng hay sai, hư hay thực, có trong Kinh hay là không. Do vậy, tôi cần phải viết thêm “cái hoàn cảnh và diễn tiến” mà tôi đã cảm nhận được để mọi người đọc tự nhận định và phán xét, thế cho nên mới có bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”.
Quả thật trong bài ấy tôi chỉ nói đến cái tôi của bệnh hoạn, buồn chán thê lương, rồi phải tự định tâm và từ định tâm ấy đã đưa đến những tình trạng “dong ruổi” như thế nào của tâm linh và tôi phải đối phó ra sao! Như vậy, tâm linh trong tự thân đã có sự huyền nhiệm và người ta đi tìm sự huyền nhiệm bằng sự định tâm, mà tôi chỉ là một người tình cờ đi đến đó chứ không là một nhà tu hành hay thực hành thiền gì cả. Tôi cố gắng ghi lại những cái trừu tượng, mơ hồ ấy bằng chữ nghĩa hữu hình và trần gian. Tất nó sẽ có nhiều điều khó giải thích để rõ nghĩa cho nên Qin ShiHuang coi như là có nhiều ẩn ngữ trong đó; cũng như bài không đề cập đến cái chung nhất nào cho người hành thiền vì thực ra tôi cũng không rõ có phương hướng khai ngộ chung nào đó để cho người thiền nhận định hay không; mà ở đây tôi chỉ muốn nhằm phổ biến những điều của tâm linh của tôi “đi lang thang” để nhằm góp thêm ý kiến cho người thiền cùng tham khảo. Thế cho nên, tôi mới ghi thêm câu: “Bài viết được ghi lại tặng Quý vị đang hành Thiền” và cũng không dám đưa ra một điểm “khẳng định” nào. Tôi chỉ mong bài ấy như là một tài liệu tham khảo hoặc đọc vui chơi, giải trí thế thôi! Nhưng đến bây giờ tôi đã ghi lại được nhiều bài về đạo và có vài bài phân tích giữa sự “giả” và “chân” trên nền tảng lý trí và khoa học để thấy được tôn giáo cũng không là đơn giản; cùng thấy được sự huyền nhiệm của tâm linh là một điều mà không thể nghi ngờ!

Nguyên Thảo,
16/08/2015.


No comments:

Post a Comment