Sunday, August 9, 2015

*Con Ông, Cháu Cha!

*Tào Lao Thế Sự 2. (tt)


Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
Trong kho tàng “ca dao tục ngữ” của dân tộc ta quả là có nhiều câu mang những nhận xét cuộc đời rất chính xác và thâm thúy vô cùng. Nếu nhiều người không hiểu có thể cho rằng câu nầy chỉ là xuyên tạc nhất là “con sãi ở chùa”. Ngày nay, người đi tu trong đạo Phật cũng nhiều và người ta tu một cách quyết liệt hơn từ trong ý thức và hiểu đạo, cho nên các vị thầy không có vợ con hoặc ăn chay trường; còn ngày xưa người tu từ “căn” thì rất ít, mà thường là những người đã mỏi mệt từ trong cuộc sống bon chen, giành giựt hay những người đột nhiên lúc nào đó tỉnh ngộ, gắn liền với đạo Phật và họ trở thành nhà tu cho nên chuyện vợ con, ăn mặn không có gì là đáng nói cả. Tất nhiên, những đứa con của những vị sãi sống trong cuộc đời đạo hạnh và hoàn cảnh như thế cũng không hề có ý nghĩ bon chen gì trong cuộc đời “thăng quan tiến chức”. Tuy nhiên, chúng ta cũng loại trừ trường hợp Lý Công Uẩn ngày xưa được sống trong nhà chùa, mà sau trở thành nhà vua vì vị vua nầy chỉ được nuôi dưỡng và sống nhờ trong nhà chùa chứ không phải là con của sãi hoặc đã là vì: Do “Chân mạng Đế Vương”! Còn con của những dòng vua nếu được tấn phong làm Thái tử để kế vị vua cha thì họ sẽ được làm vua. Trong thời phong kiến “cha truyền con nối” là chuyện đương nhiên của một triều đại, mà hiện nay trong chế độ Quân Chủ Lập Hiến cũng vậy, con cũng vẫn là nối ngôi của vua cha hay vua mẹ để làm biểu tượng cho một vương quyền trong một đất nước. Đó là nói chuyện về các triều đại vua chúa của thời xa xưa lẫn nay. Nhưng trong ngày nay, mặc dù là thời kỳ mà các chính quyền, nhà nước đã thể hiện tính dân chủ khá nhiều, người làm trong chính quyền thường được bầu bán qua cuộc đầu phiếu của người dân, dù đó là hình thức thực sự hay là trá hình của chế độ độc tài nào đó thì người ta cũng tạm coi là “dân chủ”. Người tài đức luôn được “vinh danh’ cho những cuộc bầu cử ấy. Tài đức ở đây theo những tiêu chuẩn nào? Và tại sao người ta thường chen chân vào vị trí của những người lãnh đạo trong chính quyền?
Theo như đường lối chính trị ngày cũ ơi là cũ của ông Khổng Tử bên Tàu thì người ra làm quan phải là người có tài lẫn có đạo đức để làm cho thiên hạ được thịnh vượng theo kiểu “dân giàu, nước mạnh” đem tài “kinh bang tế thế” của mình làm cho dân chúng được ấm no, hạnh phúc. Người “xuất” ra làm quan phải “chí công vô tư”, “công bình chính trực”, “cần, kiệm, liêm, chính” để làm gương mẫu. Thế mới nên “Tu thân, tề gia, trị quốc”, rồi mới “bình thiên hạ” hay là “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” là đức tính cần có của quan lẫn vua.
Nhưng ngày nay thì sao? Ở những nước dân chủ có thừa thì người ta bầu bán toàn quốc gia đối với những công dân đến tuổi đi bầu, họ được dự cuộc “phổ thông đầu phiếu” để chọn người có tài thay mình mà lãnh đạo. Còn những ai thấy mình đủ khả năng để cáng đáng công việc chung thì cứ ra ứng cử để người ta bầu. Có khi người ta cần phải tham gia vào trong đảng phái nào đó mà người ta thấy thích hợp và thích thú để hỗ trợ cùng nhau. Ở những nơi chỉ có một đảng để bảo vệ thanh thế và đồng nhất thực hiện đường lối chung thì cuộc bầu cử ấy có tính chất hợp thức hóa đảng viên của mình, cho nên cuộc bầu cử không mang tính chất đại chúng: Là dân chủ! Điều đó tùy theo chế độ chính trị!
Tào lao chuyện đó để chơi cho vui, nhưng ít ra nó cũng mang một lý lịch liên quan đến chuyện “con ông cháu cha”. “Con Ông, cháu Cha” là gì? Con Ông cháu Cha là một thành ngữ trong đó hai chữ “Ô” và “C” được viết in hay hoa để nhấn mạnh đến vai trò của ông và cha; và nó cũng thường được viết tắt bằng bốn chữ “COCC” trên nhiều trang báo, hay được nhắc đến trên nhiều hệ thống truyền thông. Thành ngữ quan trọng đó có nghĩa đơn giản là: - Cháu có “Ông” hay đứa con có “Cha” - làm lớn hoặc giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền hiện hữu. Những đứa con, cháu nầy được may mắn đẻ ra đời với nhiều ân huệ: Vừa có tiền của, lại được hưởng ké vào chức quyền của cha mẹ, ông bà. Chúng được chú ý từ khi còn thơ ấu hoặc được chăm sóc, đầy đủ từ vật chất cho đến tinh thần. Những ngôi trường sang trọng, có thành tích chất lượng cao là những nơi mà cha mẹ, ông bà đưa chúng vào để nơi đó đào tạo chúng thành những con người có năng lực sau nầy trở thành những người kế tục lãnh đạo như họ, hoặc ở chức vụ cao hơn cho đúng cái cảnh “con hơn cha là nhà có phúc”. Ăn học đầy đủ, quyền thế đầy đủ thì cuộc đời của chúng sẽ là ngon lành “chắc ăn như bắp”! Chắc chắn tương lai chúng sẽ được rạng rỡ mà ngồi trên đầu thiên hạ và “ngồi mát mà ăn bát vàng”! Tất nhiên với quyền lực của ông bà cha mẹ như thế khiến người ta khi biết được cũng phải nễ trọng cùng e dè. Chính vì thế mà dù chúng có học khá thôi cũng sẽ được nâng lên thành giỏi, có tệ cũng thành được hay khá: Một là kèm thêm, hai là nâng điểm; thầy giáo có chết vào đâu mà lại được trò yêu, gia đình mến nữa; tội gì phải gây khó khăn cho chính mình khi mình đưa ra một sự thật mà người ta không thích. Thông thường, con người ai cũng có lòng kiêu hãnh và hách dịch khi mình cảm thấy mình hơn người, cho nên những đứa con cháu trong hoàn cảnh ấy “thường” (đa số nhưng không là tất cả) không tránh khỏi tự hào, hách dịch, kiêu ngạo, khinh mạn và thấy mọi người phải “chiều” chịu sự lãnh đạo của mình. Chúng vươn lên cầm đầu nhóm trong một số vấn đề nào đó, có thể là tốt mà cũng có thể là xấu. Nhờ vào vị trí, thân thế của gia đình chúng lớn lên được vượt qua các kỳ thi, bằng cấp do sự gửi gấm của gia đình cùng sự nễ nang của các cấp mặc dù thực tài của chúng chẳng là bao nhiêu. Từ những sự ỷ lại ấy chúng lại càng tệ hơn, nhưng cái tệ ấy không cản trở được đường “hoạn lộ”, “thăng quan tiến chức” của chúng chỉ vì “chúng là con Ông, cháu Cha”.
Nhưng xã hội bao giờ cũng không qua khỏi những người đầy mưu mô, thủ đoạn, và liều lĩnh. Với những băng đảng tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy hay hình sự thường tung tiền lôi cuốn đám “con Ông cháu Cha”. Để một mai nếu bị bắt, bọn nầy cũng được giải cứu hay giảm nhẹ vì “Ông và Cha” lo cho con cháu của họ thì chúng cũng được hưởng theo phần. Thế cho nên “dụ dỗ” đám “con Ông cháu Cha” trở thành phương châm của nhiều nhóm tội phạm, không biết “Ông, Cha” có cảm được điều ấy hay không? Nếu một đất nước mà cứ “con Ông cháu Cha” thay quyền lãnh đạo thì không biết đất nước ấy sẽ “được” đưa về nơi đâu? Chỉ tội nghiệp cho đám “dân ngu cu đen” mà thôi, “thấp cổ bé miệng” kêu sao thấu nỗi tới trời!

Đồ Ngông,
02/08/2015.


No comments:

Post a Comment