Sunday, August 9, 2015

* Quê Người! (1)



Đúng thực, không bao giờ tôi nghĩ là một ngày nào đó tôi sẽ rời quê hương để sống cuộc đời xa xứ, nhất là một người ở trong quê từ thuở nhỏ và chẳng giàu có gì với đồng lương “ba cọc ba đồng” như tôi. Trong thời gian chiến tranh ác liệt chẳng ai muốn bỏ làng ra đi, người ta phải tản cư chẳng qua là do sự bất đắc dĩ hoặc bị bắt buộc phải ra những vùng tập trung vì những chiến lược tranh thắng nhau trong cuộc chiến. Làm người dân của một xứ chiến tranh thật là khổ: Một sớm một chiều có thể bỏ mạng như chơi, hoặc tài sản dành dụm bao nhiêu năm của một đời người bỗng chốc đành tiêu tan; bao nhiêu thanh niên phải đi ra chiến trường cho một cuộc chiến phi lý khi mà thiên hạ xúm nhau chia đôi đất nước của mình. Rồi lại người mình giết nhau xem nhau như những kẻ thù truyền kiếp không thương không tiếc cho những chủ nghĩa không đâu. Thế mà người ta lại hăng hái đưa thanh niên vào lò như người giữ lò cần củi chụm! Một đất nước không xây dựng mà trái lại phải tan hoang với những vũ khí của người. Chỉ tội cho người đàn bà Việt Nam vừa phải làm nhiệm vụ của một người đàn bà là chăm sóc gia đình, nuôi con; mà họ vừa còn phải đối phó với mọi việc từ thay thế vai trò cho người đàn ông lẫn ứng đối với những mưu mô của người khác đem đến cho họ. Người đàn bà chịu nhiều thiệt thòi trong mọi thời kỳ: Thời kỳ chồng đi kháng chiến chống Pháp, chồng đi Việt Cộng, rồi đi cải tạo, và lại tới vượt biên. Thế mà xã hội đã cố tình không hay không biết đến điều ấy! Người đàn bà Việt Nam đã sống một đời sống mãnh liệt; và có lẽ là những con người có thể được xem như là vĩ đại trong vai trò khiêm nhường của bản năng. Họ xứng đáng với truyền thống mở đầu cho dân tộc Việt của bà Âu Cơ và những vị anh thư tiên phong cho các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đầu tiên của đất nước: Là Hai Bà Trưng và Bà Triệu. Tôi phải làm một cuộc vinh danh cho tất cả những người phụ nữ Việt Nam chứ không hẳn là thuộc một phe nào.
Tôi chỉ là một thầy giáo “quèn” của nông thôn, nhưng được cái may mắn của gia đình nhất là công cán của ba tôi mà một ngày nào đó tôi từ giã gia đình vợ con để lăn vào một cuộc “thí mạng” cho trời đất gọi là “vượt biên”. Một đêm 12/7/ 1983 tôi chia tay với vợ tôi trong lúc các con tôi còn đang ngủ say để lên đường. Tôi lang thang ở chợ Nancy trong hơn buổi sáng, nghe mình không được khoẻ tôi đi kiếm tiệm thuốc mua hai chai dầu Song Thập mà hít cho có hơi ấm. Sau khi kiếm gì ăn qua loa bữa trưa, thì đến khoảng hơn hai giờ có người đến hướng dẫn chúng tôi gồm năm người để di chuyển về bến xe Hậu Giang trong Chợ Lớn. Ở đây chúng tôi đón xe đò để về Mỹ Tho, và họ cho nhóm xuống tại Ngã Ba Trung Lương để đi xe đạp lôi đi về chợ. Xe cho chúng tôi xuống con đường có hàng me và chúng tôi lại xúm nhau mua bánh mì. Tất nhiên, khi có nhiều người lạ thì dân chúng họ đã dòm rất nhiều, nhưng chúng tôi không thể để ý đến điều đó lâu vì người dẫn hối thúc, và chúng tôi phải cố gắng chạy theo ông ta để không bị lạc đường. Ông ấy đưa chúng tôi lần vào chợ và đến chợ cá, ông giao cho hai đứa trẻ trên một chiếc ghe đậu ở bến sông. Chúng tôi nằm im dưới hai mái lá dừa nước lụp xụp. Hồi lâu, chúng đẩy ghe chèo lần ra sông rồi thả theo dòng Tiền giang đi lần ra ngoài. Để người ta không để ý và ra nơi hẹn cho đúng thời điểm, chúng làm bộ tắm cùng neo ghe chờ đợi. Đến khi chiều xuống nhiều, chúng mới chèo theo dòng nước đi về phía biển. Khá lâu chúng mới neo ở một nơi cùng với vài chiếc ghe khác, lúc đó có người đàn ông chắc là trưởng nhóm của nhóm nầy, họ đòi chúng tôi phải viết mật mã để khi chúng tôi đi thì họ liên lạc với người thân mà lấy tiền. Chúng tôi trù trừ vì mình chưa đi đến đâu, nhưng kẹt thế cũng đành phải viết những ký hiệu cho họ. Trời càng dần về khuya chúng tôi nghe lành lạnh, đói bụng lẫn với lo âu. Nằm trong khoang dưới những mái dừa nước lụp xụp, vừa ăn bánh mì mua hồi chiều, vừa nghe tiếng sóng con rì rào vỗ vào bờ. Chiếc ghe lúc lắc, lung lay khiến cho tôi lại nhớ nhà nhớ đến vợ con mà cũng chẳng biết tương lai mình sẽ ra sao. Chắc sông ở nơi nầy rất là rộng, tôi nghe nói đến Vàm Láng mà không biết phải nơi nầy hay không? Cũng lâu, lâu lắm nghe tiếng máy nổ dần đến. Những người chèo ghe đưa ghe ra ngoài. Tiếng ồn ào trong khoảng khắc xảy ra, chúng tôi cố gắng trèo qua chiếc tàu vào đêm tối không biết là nó lớn bao nhiêu. Thôi thì từ giờ phút nầy giao thân mình cho họ vậy! Người ta bảo mọi người phải chui xuống hầm, không được ở trên boong tàu. Phía dưới đầy người chen chúc nhau mỗi người kiếm một chỗ ngồi cho yên vị trí. Ai cũng co ro khép mình như để tìm một chỗ núp an toàn cho chuyến hành trình đầy gay go.
Tàu đi không biết bao lâu vì tôi không có đồng hồ, nhưng trời đã rựng sáng vừa thấy rõ mặt người. Có những tiếng nho nhỏ gì ở phía trên, rồi sau đó lại ồn ào và lớn dần. Thì ra, tàu đã vướng bãi cát ở cửa sông. Những người có trách nhiệm cho hay và nhiều người xuống nước để cùng nhau ráng sức đẩy tàu ra khỏi bãi cát. Nhưng không phải dễ dàng gì! Hồi lâu người ta thấy có du kích đi bên bờ sông Bến Tre; rồi có vài tiếng súng nổ, đạn rơi cách chừng 20 m mọi người dưới nước hoảng hồn trèo lên tàu. Du kích đẩy xuồng xuống nước, ông chủ thấy không xong nói: “Thôi đành chịu, ai có đạo gì cầu đạo đó đi, ai đạo Chúa thì cầu Chúa, ai đạo Phật thì cầu Phật đi xin bên Tiền Giang bắt thì còn đỡ, chứ bên Bến Tre bắt thì chăm lắm”! Tất cả đều im lặng đợi chờ. Trong tình huống như vậy, thì anh giữ tàu từ trước, cố gắng cho máy tàu “de” lại. Tàu ra khỏi bãi cát, rồi tiến về phía trước êm xuôi, nhẹ nhàng, thật hú hồn! Theo người ta đoán có thể do thủy triều bắt đầu lên, thủy triều ở cửa sông lên rất nhanh nên tàu có thể vượt ra khỏi cồn được nhanh như vậy. Nhưng dù sau chúng tôi cũng phải nói lời tạ ơn đối với những Đấng vô hình! Đúng nửa tiếng đồng hồ hồi hộp (từ 5 giờ đến 5 giờ rưỡi sáng)! Tàu ra biển. Bắt đầu thấy biển mênh mông. Nhìn về phía bờ, núi ở Vũng Tàu mờ xa, tôi cảm thấy lòng mình bùi ngùi, nước mắt bỗng dưng lại trào ra: “Quê hương tôi”! Tôi thầm nghĩ: “Không biết có còn gặp hay không? Chuyến đi của mình cũng chẳng chắc chắn gì”!
Tôi cố nhìn vào bờ, nhìn hình ảnh ngọn núi xanh mờ, mờ dần khi tôi không còn nhìn được nữa mới thôi! Bây giờ tôi mới nghĩ đến ngày mai, mà nghĩ như thế nào được, tôi đang còn tùy thuộc vào số mệnh, vào may mắn, vào đại dương; rồi lại nghĩ đến vợ và con cái. Tôi bỗng nhớ đến những đứa học trò giỏi nhiều bộ môn kể cả thể thao bị đánh rơi trong kỳ thi như Thúy Lam, Vĩnh Trị, Thùy Dương… và thân thế thầy giáo hèn mọn trong chế độ cũ của tôi. Sự “Lưu dung” hay “lưu dụng”, “một thầy giáo cũ bấp bênh trong chế độ mới khi mà trong chế độ mới “phải có con người mới”, tôi bị cuốn vào những quan điểm mà tôi không thể ngờ được sau chiến tranh tức là trong giai đoạn hòa bình thay vì cùng nhau ra sức xây dựng đất nước thì những người tài giỏi phải đành lòng bỏ đất nước ra đi! Ai mà tin tưởng để sử dụng đây nầy! So với những nhân tài như vậy tôi chẳng ra gì cả, nhưng tôi cần phải hi sinh “sống hoặc chết” vì tương lai của các con tôi! Ôi! Tôi đâu có muốn chiến tranh, tôi đâu có muốn thuộc phe nào, tôi đi tìm một nghề vô tội vạ, nhưng tôi lại lọt vào “tội vạ”, không ngờ quan điểm lại gán tội vạ ấy ảnh hưởng lên các con tôi! Tôi liều chết vì tương lai của chính các con tôi. Từ sau “ngày giải phóng” ấy tôi mới hiểu được hậu quả thù hằn của thời Trịnh, Nguyễn phân tranh trong lịch sử, cũng như hậu quả của một cuộc chiến tranh tương tàn để thống nhất đất nước; vì các cường quốc chia nhau xâu xé các quốc gia khác sau thời Đệ Nhị Thế Chiến mà trong đó có Việt Nam, nhất là để chứng minh đường lối của hai chủ nghĩa “Tư Bản” và “Cộng Sản”. Vì hai chủ nghĩa nầy mà đất nước tôi đã tan hoang, bao nhiêu người nằm xuống, bao nhiêu người tàn tật và hàng khối gia đình phải lâm vào hoàn cảnh tang thương. Và mãi có những hận thù, chưa biết đến bao giờ! Tôi ngậm ngùi nhìn sóng biển và đại dương bao la! Mặt trời dần lên le lói. Ngày đầu tiên tôi được mở rộng tầm mắt trên đại dương. Tôi không “thấy phố thấy nhà” cũng “chẳng thấy mưa sa” mà chỉ thấy “nước, ôi là nước”, trong nước nầy tôi có còn sống hay không? Bao nhiêu suy nghĩ lại hiện về kể cả những tư tưởng nguy hại nhất, tôi đi vào tận cùng của tư tưởng và cuộc sống; tôi “đánh cuộc” với một cuộc chơi bằng tính mạng của mình. Tại ai? Tại quan điểm của một chủ nghĩa, tại vì tôi không thể nhìn thấy sự mù mịt tương lai của các con tôi. Đối với tôi từ nhỏ đã không có nhiều may mắn thì dù trên quê hương tôi, tôi có nhiều khổ ải đi nữa tôi vẫn có thể chịu đựng, nhưng với tương lai của các con tôi thì sao? Tôi nghĩ vẩn vơ rồi lại “bật cười thầm” vì trong chiến tranh đối diện với sống chết người ta không bỏ nước ra đi, thế mà hòa bình rồi người ta lại phải ra đi, thật là oái oăm? Không hiểu những người lãnh đạo có thấy sự nghịch lý ấy hay không, hay là người ta muốn như vậy để tránh những hậu họa về sau. Đi càng nhiều càng tốt vì sự chống đối sẽ còn là chẳng bao nhiêu ở tương lai, thay vì đem giết hết như Kampuchia đã từng làm đối với dân của họ.

(còn tiếp)


No comments:

Post a Comment