Saturday, September 19, 2015

*Quê Người! (2)



Trên boong tàu có một cặp vợ chồng nằm giống như là đang phơi nắng, có lẽ họ muốn tận dụng thời gian nầy để “tắm nắng biển” đó chăng? Tôi ngồi tư lự nhìn nắng chói chang và từng cơn sóng nhấp nhô. Mọi người vẫn còn nhiều nỗi lo sợ vì còn trong vùng biển Việt Nam. Những người có trách nhiệm họ đang thả phao để đo vận tốc con tàu cây nhỏ bé nầy, hình như chiều dài con tàu khoảng 15 m, chiều ngang chừng 2 m rưỡi tới 3 m. Tôi chỉ đoán và nghe phong phanh như vậy. Nếu theo như điều tôi nghe thì vận tốc con tàu chỉ vào khoảng 5 cho đến 10 cây số giờ, chỉ hơn người đi bộ đi trên đường không bao nhiêu. Dưới hầm tàu nóng nực nhiều người say sóng nôn mửa. Có tiếng nhiều người xin nước, sau đó những người tổ chức cho mỗi người một chun nhỏ để gọi là cầm hơi. Và tới trưa mỗi người được một vắt cơm giống như vắt cơm mà người ta để cúng cho người chết, nhiều người mệt lả cũng ráng mà ăn.
Tàu chở không biết bao nhiêu người mà chun xuống hầm thì rất khó khăn tìm chỗ ngồi cho thoải mái, ngột ngạt với mùi nôn mữa, nước tiểu không biết có mùi phân người không nhưng chưa nghe có mùi đó. Đói khát như thế nầy thì chắc khó có đủ để mà “đại tiện” và trong cơn hoảng sợ người ta lắm lúc cũng quên mất nó đi. Ngồi trên boang tàu thì nắng gió cũng rát da và khó chịu. Tôi nghe trong mình hơi ớn lạnh vì bị bệnh cảm trước khi đi, bèn lấy chai dầu song thập thoa trên ngón tay một chút để lên mũi hít nhẹ và thật sâu để làm cho nóng phổi. Đôi vợ chồng tắm nắng biển chắc chịu không nỗi đành bỏ đi tự lâu rồi, họ có thể thuộc gia đình hay khách cưng được tá túc trong khoang trên có mui che. Còn như tụi tôi thì cứ chun xuống hầm rồi chịu không được phải chui lên để người ở dưới cũng được khỏe và mình lên trên cũng thoải mái hơn dù là nắng rất rát, và nước sóng biển va chạm vào mũi tàu bắn tung lên mình ướt nhẹp.
Qua buổi trưa ngồi buồn nhìn xung quanh chỉ nước ôi là nước, nước mênh mông, con tàu cây cô đơn rẽ sóng. Nhìn xa xa chỉ màu nước lúc thì xanh sẫm, lúc đen mun. Ánh nắng trải đầy, bọt trắng trên đầu ngọn sóng lăn tăn rồi tan dần. Tôi lại nhớ đến vợ tôi rồi đây sẽ chật vật để lo cho những đứa con, nước mắt tôi lại chảy dài tự lúc nào không hay. Tôi nuốt nước mắt mà cầm lấy lại lòng! Trời về chiều, nắng không còn gắt nữa, trên boang có thêm vài người. Rồi lại có vài câu chuyện để làm quen, hỏi quê quán, gia đình. Sóng biển yên lặng hơn, mặt trời dần ngã về hướng đó: Chắc chắn nó phải là hướng Tây! Những dải nắng ửng hồng dài ra và đi xa hơn để dần nhường cho bóng tối trùm xuống. Tôi và thằng bé cùng chui xuống để tìm chỗ ngồi ngủ. Trên tàu chỉ có chỗ có đèn mờ duy nhất là chỗ tay lái có hai ông tài công đang thay phiên nhau điều khiển con tàu. Mọi người đều đã mệt lả vì thiếu nước, thiếu ăn mà lại bị say sóng coi như là muốn nhừ tử, nên không có tiếng gì ồn ào nào nữa cả. Ông chủ không cần phải quát tháo, hâm dọa như lúc người ta mới vừa lên tàu. Lúc đầu tôi đứng dựa vào một góc để thân hình mình có chỗ tì, đồng thời tránh được sự lắc lư của con tàu, nhưng hồi lâu bị mỏi chân quá nên đành lần ngồi xuống, nước dưới đáy tàu lại theo từng lúc văng lên khiến quần bị ướt. Tôi cổi quần dài ra nhét vào một hốc rồi ngồi nhỏm lên. Thằng bé bị ướt quá chụp đại bọc hành lý của ai đó kê xuống dưới mà ngồi lên trên, nó nói của ai kệ họ. Suốt một đêm cứ chập chờn mà ngủ, nhưng thực ra là chẳng ngủ được bao nhiêu. Thôi thì ráng chịu một thời gian ngắn thôi, nói vậy chứ không biết còn mạng để mà ngủ hay không hay là sẽ chìm vào một giấc ngủ “thiên thu”! Trời rựng sáng, mừng ôi là mừng! Lại thấy ánh mặt trời đang mọc lên hướng đông. Ừ! Đó là hướng đông vì tôi đã học mặt trời mọc lên ở hướng đông! Hay thật, không biết ai đã làm ra chiếc la bàn đầu tiên, nhờ nó mà người ta định được phương hướng chứ như tôi lúc nầy trên trời nước bao la không biết hướng nào ở nơi đâu. Ban ngày tôi chỉ biết mình ở giữa biển nước của trùng khơi! Mặt đại dương sáng sớm tương đối yên lặng, mặt nước phẳng phiu như da thịt những cô gái đương thì. Tôi hít không khí ấy một hơi cho thật dài để lấy lại sinh khí cho một ngày chịu đựng nữa. Xong, với vài giọt dầu song thập cho cơn bệnh cảm của mình, tôi cố hít càng sâu càng tốt! Chúng tôi, những người đàn ông lên boang tàu ngồi lại hỏi nhau không biết đi tới đâu rồi, có ra ngoài hải phận hay chưa; rồi ngó ra xa xa để có thấy chiếc tàu nào hay không, ngại nhất là tàu sắt của hải quân biên phòng. Đã đánh liều thì “tới đâu thì tới”. Đi chỉ có ba con đường: Một là bị bắt, hai là chết, ba là tới bến bờ.
Sóng biển bắt đầu gợn khá nhiều, hơn ngày hôm qua. Có người nói: Hôm trước nghe thời tiết báo hôm nay và ngày mai có bão cỡ cấp 7 gì đó, không biết là có hôn. Mọi người cũng hơi lo, còn tôi thì cứ nghĩ sóng ở trong bờ mới lớn, dồn dập chứ còn ở tuốt ngoài nầy thì chắc có lẽ nó sẽ phồng lên xẹp xuống mà thôi. Chỉ lo ngại là gió to thì thật là nguy hiểm. Nghĩ thế chứ tôi cũng phải tính tới việc chìm tàu thì phải ra sao trong những phút cuối cùng ấy. Nghĩ thì nghĩ vậy chứ chẳng dám nói ra dù với bất cứ người nào. Người đi tàu họ không thích nói đến chìm giống như có lần tôi đi đò ở Bến Đò Trạm từ Tân Ba qua Bữu Long, có người họ nói sợ chìm đò người ta chửi quá trời! Sóng càng ngày càng cao, chiếc tàu được đưa lên cao rồi lại tuột xuống thấp. Ngồi nhìn mà nhớ lại ngày xưa khi còn nhỏ đi tắm suối: Những chiếc lá tre rơi trên dòng nước, nước cuốn lên cuốn xuống mà lá tre vẫn nổi trên mặt nước, không chìm. Với ý nghĩ đó tôi thấy chiếc tàu nầy bề nào cũng khó chìm hẳn vì nó làm bằng cây mà cây thì nổi trên mặt nước, có chìm chăng là bộ máy nặng thôi như vậy tàu cũng khó mà chìm sâu trong nước. Rất nhiều điều để tôi suy nghĩ, ngồi không nghĩ quẩn vậy mà! Hết nghĩ tôi lại nhìn sóng tưởng tượng chiếc tàu như ở trên bụng của một người bệnh đang hấp hối. Người bệnh hít vào đưa chiếc tàu lên cao, với hơi thở ra chiếc tàu bị tụt xuống thấp rồi nhấp nhô theo nhịp sóng thừa ở một nhịp độ nhẹ nhàng rồi bọt sóng lan tỏa ra để rồi làm theo một chu kỳ khác y như người sắp chết thoi thóp thở vậy. Buổi trưa nầy cũng được một chun nước cùng một vắt cơm để lót lòng cho một ngày. Những người dưới hầm không nghe nói chuyện ồn ào nào hết, thỉnh thoảng có vài người tới cửa hầm ngó lên, đột nhiên nước văng lên tung tóe họ lại thụt vào, người nào người nấy đều có vẻ bơ phờ mới chỉ có sau một ngày. Người ta bảo có thể đã ra ngoài vùng biển quốc tế. Nếu được vậy thì mừng một chút! Thằng nhỏ ngồi kế bên tôi nó nói có cái ông gì ngồi đội nón nỉ sùm sụp tối ngày, ngồi ở cánh cửa phòng lái mà ngó đâu đâu coi bộ buồn lắm! Tôi không buồn để ý vì trong lòng tôi cũng vậy thôi, biết bao mối lo, bao nhiêu điều suy nghĩ nhưng bây giờ lo cũng không giải quyết được gì vì ngay cái mạng của mình còn chẳng biết ra sao nữa là. Tới chiều sẫm tối, tôi đang ngồi nói chuyện với thằng bé cùng với vài người khác ở miệng hầm, đột nhiên thằng bé ngó lên rồi nó nói: “Chết mẹ rồi, thằng cha nầy xạo chết mẹ, tại sao mấy ông tài công để cho chả lái, không khéo đùn xuống biển hết cả đám bây giờ”. Tôi ngó lên thấy tay nầy lẻn vô đó hồi nào và làm sao hắn được giao cho lái chiếc tàu nầy, tôi nói: “Thôi thì thí cho số mạng vậy”! Chừng một giờ đồng hồ sau, hắn bị đuổi ra có người cho hay hắn muốn uống cà phê rồi vô đấu láo với hai ông tài công, không hiểu hai ông tin như thế nào đó để cho hắn lái, hồi lâu thấy hắn lái không đúng hai ông đuổi hắn ra. Từ đó hắn ngồi bên ngoài với tụi tôi, không còn được bén mảng vào trong đó nữa. Hắn nói hắn tên Kỳ, lúc đầu hắn khoác lác trước kia hắn là hải quân lên tới chức Trung tá, sau đợt bị đuổi ra khỏi phòng lái ấy hắn tuột chức còn là Thiếu tá không quân đi theo Nguyễn Cao Kỳ có đi học ở Hạm đội 7. Nghe thì nghe vậy, chứ thằng nhỏ nói về hắn không chừng đúng thực!
Đêm nay trời hơi lạnh, nhưng tôi và mấy người nữa nằm trên boong tàu mà ngủ, vì xuống dưới hầm vừa chật, vừa bị nước dơ tạt vào khó ngủ quá. Ngủ trên boong cũng phải lo thủ thế, ngủ mà tay phải vòng qua trụ thành tàu để rủi tàu có lắc lư mạnh cũng không văng xuống biển. Ngủ không yên giấc vì vừa sợ, vừa hơi lành lạnh. Tại sao những ngày qua gần như không ăn, uống gì nhiều thế mà lại không thấy đói hay là sợ quá mà cái đói khát hoảng hồn trốn mất chăng? Biển ban đêm yên lặng và sóng cũng chẳng là bao nhiêu chỉ nghe tiếng róc rách bên hông tàu. Khoảng hai ba giờ gì đó bỗng nghe xì xào vì phía trước xa xa có vùng ánh sáng sáng ở một góc trời. Người thì phỏng đoán là Singapore, người thì nói bừa của một thành phố, nhưng ai cũng hi vọng đến được bến bờ nào đó, nhưng tàu đi hoài cho đến sáng thì ánh sáng ấy cũng không còn thấy nữa. Chiếc tàu gỗ cứ lẳng lặng mà đi giữa biển nước mênh mông, thỉnh thoảng có những con cá bay không lớn lắm chúng phóng lên khỏi mặt nước xòe cánh bay một khoảng xa rồi lại chui xuống nước. Sóng hôm nay không còn to như ngày trước, bây giờ nhiều người ngồi trên boong tàu hơn, chúng tôi ngồi làm quen và tâm sự cùng nhau. Có người nói với tôi rằng: Nếu tui biết chú mầy trước, tui sẽ cho chú mầy đi không. Tôi xin cám ơn ý ấy, nhưng trong bụng tôi cũng còn ngờ ngợ, vì trong khoảng thời gian trước chuyện đi không tiền không là chuyện dễ dàng! Càng về trưa, nước biển lại có màu càng nâu đỏ như màu đá xanh mun mà chúng tôi ngày còn nhỏ đi theo đường trải đá kiếm loại đá màu ấy để khẻ đạn làm bi để chơi bắn cu-li (bắn đạn). Dưới ánh nắng chói chang tôi lại tưởng tượng tàu đi trên cánh đồng lởm chởm đá màu xanh mun. Có bóng chiếc tàu ở thật xa mọi người mong được tàu vớt, nhưng chỉ là mong ước thôi; tàu còn cách tàu gỗ nầy quá xa. Chiều xuống ánh sáng rực sáng đêm hôm qua càng sáng hơn nhưng cũng chưa ai biết đó là ánh sáng gì, người người lại bàn tán, phỏng đoán rồi cho là ánh sáng ma, tên Kỳ xạo lại nói là đóm sáng ở trên không. Tàu cứ đi, chúng tôi mấy người cứ xen nhau, nằm ngược đầu trên boong mà ngủ mặc dù ngủ không nhiều. Không biết bao lâu và lúc mấy giờ bỗng có tiếng ồn ào, người ta thấy lửa ở trên không thiệt, tàu cứ chạy về hướng đó. Có những ánh đèn hiện ra từng ô nhỏ, tàu lại chạy đến. Sau thì những ánh đèn tắt hết, rồi nghe tiếng máy nổ thì ra chúng là đèn của chiếc tàu lớn, người ta dời tàu đi để né tránh không phải cứu vớt chúng tôi. Gặp vài chiếc tàu nữa nhưng tất cả cũng đều làm như vậy. Cuối cùng tàu chúng tôi cứ theo hướng mình đi, không trông chờ gì nữa cả.

(Còn tiếp)

Nguyên Thảo,
19/09/2015.


Friday, September 4, 2015

*Rùa Và Cái Mu!

*Tào lao Thế Sự 2. (tt)


Ngày xưa rùa không có cái mu cũng không chậm chạp như bây giờ. Rùa lúc ấy rất năng động và có nhiều thành tích đáng nễ trong những loài động vật. Nó thông minh, đi đây đi đó nhiều nơi kể cả trên cạn, dưới nước nên học được những điều hay, mới lạ. Rùa lại biết kết hợp nhiều phương cách để trở thành loài vật bản lĩnh và tạo thành một vương quốc có thể coi là hùng mạnh không ai ăn hiếp và bức bách nó được. Thế mà một ngày kia, không biết từ đâu bầy hổ dữ lại đến giang sơn nó mà tung hoành, cho nên họ nhà rùa đành ngậm câm tìm chỗ né tránh, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Rùa quyết tâm phải đánh đuổi đám hổ nầy ra khỏi giang sơn của mình mới được. Một phần rùa phân công người đi tìm những sách lược khả dĩ chiến thắng, một phần tuyên truyền trong họ nhà rùa phải can đảm, trường kỳ kháng chiến để đấu tranh giải phóng quê hương. Bao nhiêu rùa đồng tâm hợp lực làm mọi công việc đó kể cả không nề gian khổ, cùng nhau hành động.
Một ngày nọ, nhóm chiến lược đi đến đỉnh núi cao kia gặp một dị nhân rất tài giỏi, khí khái hơn người không màng cuộc đời mà sống đời ẩn dật, ông nầy ngồi phân tích thế sự từ triết thuyết nầy cho đến triết thuyết khác để rút ra một triết thuyết chung cho toàn xã hội. Triết thuyết ấy có mục tiêu thực tiễn đem lại công bằng cho xã hội các loài cùng tạo một cuộc sống hài hòa cho mọi giống trên thế gian giống như một thiên đường nơi hạ giới. Ông ta kết hợp từ phương pháp lý luận mới nhất trên cơ sở thực tế của nền kinh tế hiện thực; ông ta bác bỏ những tâm linh hoang đường, phủ dụ của nhiều người lợi dụng vào lòng tin của thiên hạ để xây dựng cơ sở làm bá chủ bằng đức tin. Ông ta lại cố chứng minh sự tiến triển của xã hội bằng những biện chứng khoa học cũng như bước đường mà xã hội sẽ phải trải qua.
Nhóm rùa chiến lược rời khỏi dị nhân đó mà trong đầu óc cứ bị ám ảnh cái lý thuyết của dị nhân đã phân tích, và đó cũng là một tia sáng khởi lên cho một chiến lược trường kỳ chiến đấu và để đi. Nó giống như kim chỉ nam để thực hiện cuộc sống và một chế độ tốt hơn. Từ đó nhóm chiến lược trở về trao đổi cùng mọi thành viên rùa khác cùng thực hiện cho bằng được công cuộc giải phóng giang sơn khỏi loài hổ dữ. Loài rùa tập trung mọi nỗ lực, mọi sức mạnh kể cả sức của rùa con. Tất cả đều chỉ nhằm một mục đích làm cho giang sơn của mình thoát khỏi nô lệ và giành lấy được độc lập.
Sau trận thư hùng quyết liệt và trường kỳ, rùa cũng bảo vệ được giang sơn. Nhóm chiến lược quyết thực hiện con đường đã định. Nhưng con đường không đơn giản vì bất cứ sau một cuộc chiến nào, người ta vẫn bảo vệ vị trí và công cuộc của mình bằng những biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất, cho nên phải trấn áp những thành phần chống đối bằng biện pháp mạnh bạo, giống như hồi nhỏ đánh lộn nhau phe thắng hành hạ phe thua làm cho nó không dám ngóc đầu lên để lật đổ trở lại mới thôi. Còn người của phe thắng mà có dốt nó vẫn phải xài dù không được việc còn hơn là xài người tài giỏi của phe thua kể cả những người bên ngoài vì sợ nó âm thầm núp bóng mà chờ ngày lật lại thì sao. Cho nên rùa muốn bảo vệ thành quả công cuộc của mình mà cứ dùng chất vững chắc để làm cho cái lớp ngoài càng cứng chắc được chừng nào hay chừng nấy. Chúng cũng chẳng tin ai ngoài chúng; thế cho nên chúng tự xây, tự bọc cho mình một thành trì cứng nhắc cũng như không bao giờ tin, dùng ai bao giờ. Chúng trở nên tự cô lập mà cứ tự hào tiếp nhận được những tư tưởng vĩ đại của vị triết gia ở ẩn kia. Vì thế đầu óc chúng càng mê muội, gò bó hơn trong sự suy nghĩ phiến diện, ảo tưởng của mình. Chúng tự mình giết mình trong ánh hào quang tự mãn, kiêu hãnh; trong cái quan điểm thiển cận mà không thấy được bên ngoài người ta đã đi đến đâu. Vì cứ tập trung cố gắng dùng chất chắc nhất để xây cho mình cái võ bọc và cũng vì không thấy được trở ngại khi mình mang cái lớp võ ấy cho nên loài rùa càng ngày càng có cái mu to tướng, đi trở nên chậm chạp và phải bò như hiện nay. Chính vì không bắt kịp loài khác cùng tự làm mình thua kém, phải bò nên ưu thế mất dần. Lần nầy rùa lại bị mất hẳn quốc gia, để rồi phải chui rúc sống trong những hóc hẻm u tối cùng lê lết cái mu nặng nề trên khắp con đường mình đi. Khi nào gặp nguy hiểm một chút, chúng phải rụt đầu, rụt chân, đuôi vào trong cái mu ấy mà trốn tránh. Ôi, tội nghiệp cho loài rùa cũng chỉ tại bắt đầu từ cái lủ rùa mê muội mà thôi!

Đồ Ngông,
30/08/2015.

Thursday, September 3, 2015

*H.T Chữ Nghĩa 22: Tìm Hiểu Vào Đạo Phật.



Như tôi trình bày trước: Những điều cảm nhận trong cơn mơ màng đó đã gây ấn tượng cho mình rất nhiều, khiến tôi không thể nào quên được. Vì vậy mà suốt thời gian dài tôi cứ lạ lùng về các điều ấy và cuối cùng, tôi quyết định phải đi tìm trong Kinh Phật để xem có giải đáp nào chăng? Dịp may cũng đến là bà chị đi làm chung đến chùa thường xuyên sau khi mẹ mất, chị tu học rất năng nổ; cũng nhờ đó mà những băng giảng của chị thỉnh, tôi được nghe “ké” (hùn) phần nào. Trong những cuồn băng chị cho mượn, có lẽ cuồn quan trọng cùng ảnh hưởng với tôi nhiều hơn cả là băng giảng: “Tương Quan Giữa Sống Và Chết” của thầy Thích Tâm Thanh ở Đại Ninh Lâm Đồng. Cuồn băng ấy hấp dẫn tôi bởi ba điều: Thứ nhất là do giọng giảng hơi vui vui, têu tếu; thứ hai Hòa Thượng lướt qua các kinh, các điểm chính yếu trong đạo Phật một cách đại khái để đề cập đến những cái chết, mà sau khi chết thần thức người ta vẫn tiếp tục làm những điều khi còn sống người ta đã ước nguyện; thứ ba nữa là điều giải thích ý nghĩa về trình tự của một buổi làm lễ trong chùa. Chính điều thứ ba nầy thôi thúc tôi đi vào chùa để tìm hiểu về một buổi lễ cũng là dịp để gặp gỡ bạn bè. Tất nhiên, trong những lễ lộc đều có bày những kinh sách lẫn băng giảng cho thỉnh, mỗi lần như vậy tôi thỉnh thêm một ít để nghe và đọc hầu tìm hiểu thêm về kiến thức đạo Phật của mình.
Sự kiện nầy tiếp nối sự kiện khác: Sau đó thì sự kiện đưa đẩy tôi hoàn tất và phổ biến bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp thiền” như tôi đã trình bày. Cứ ngỡ như vậy là xong nhiệm vụ mà vô hình cứ thôi thúc trong lòng của tôi. Thế nhưng không, sự kiện kế tiếp xảy ra khoảng một năm sau đó khi một vị tăng từ Việt Nam sang để thuyết giảng, vì Thượng Tọa Thích Thiện Duyên nầy cũng gần như cùng sinh quán với tôi, lại cũng là người thân cho nên tôi mạnh dạn đem bài “Thiền” ấy ra mà hỏi ý kiến Thầy xem bài ấy như thế nào, Thầy nhận định bài đó không có gì sai trái, tuy nhiên “nếu thầy biết Phật pháp thì bài nầy sẽ có ý nghĩa hơn nhiều, để khi về Việt Nam tôi sẽ kiếm cho thầy bộ Phật Học Phổ Thông của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa cho thầy đọc và nghiên cứu”. Tôi ngõ ý cám ơn Thầy trước. Sau vài ngày Thầy đi sang các tiểu bang khác tiếp tục cho chuyến hoằng pháp. Còn tôi lại bắt đầu mày mò lấy kinh nghiệm và một số Phật pháp mới vừa thu thập được bắt đầu cho bài viết mới về đạo Phật để gọi là tặng Thầy. Đó là bài “Nhân Một Câu Chuyện”, đây là cái tựa về câu chuyện của người trần gian để đưa đến một ý nghĩa đạo trong câu “Phiền não thị Bồ Đề” mà tôi từng nghe trong các phim kiếm hiệp Tàu khi tôi xem trong lúc nằm dưỡng bệnh. Do đó, bài nầy được đặt hai tựa: Một tựa cho đời ở trên, ở dưới là tựa hiểu theo đạo. Sở dĩ tôi viết bài nầy là vì ngày xưa tôi cũng như nhiều bạn bè khi nói đến người tu trong đạo Phật thì cứ nghĩ họ phải có căn tu, và người có nhiều phước đức lắm mới họa may tu thành Phật được; còn mình hình tướng xấu như thế nầy thì tu đến bao giờ mới thành Phật. Cho nên chúng tôi cứ dửng dưng như một người bình thường của trần gian, không màng đến đạo dù là đạo nào. Thế mà qua cơn bệnh, khủng hoảng tinh thần mới thấy sự buồn bã, phiền não khiến cho mình trở về với nội tâm của mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tức là “không thiền lại cũng giống như người hành thiền”, và từ ở đó tôi mới nhận ra rằng: Người tu đâu cần hình tướng tốt để dễ thành Phật đâu, đôi khi hình tướng xấu, đau khổ thôi thúc người ta quyết liệt tu để thành Phật được sớm hơn, hoặc từ bao nhiêu kiếp trước mình đã tu rồi chỉ còn kiếp nầy nữa thôi. Bài nầy tôi hoàn tất vào ngày 7/4/2001.
Xong bài đó, tôi in ra vài bản để tặng bạn bè coi chơi chứ không đem đến báo nào cả vì báo người ta làm ăn; vả lại, chủ báo là người khác đạo tôi nghĩ chắc người ta cũng không thích. Cho nên, tôi viết chỉ để tặng những bạn bè thân quen.
Từ đó, tôi thấy công việc làm nầy cũng hay hay, vừa viết để đúc kết những tìm hiểu của mình, đồng thời lại giúp cho bạn bè vài ý kiến trong việc tìm hiểu đạo Phật của họ. Thế là tôi tiếp tục bày tỏ ý kiến, thu thập trong bài thứ hai “Một định đề...”, tên đạo: (hay là: Tính Nhân Bản Và Sự Tự Do Trong Đạo Phật) để nói lên sự tin tưởng, theo đạo trong đạo Phật rất tự do tùy người thích, chứ không theo cái “kiểu giáo chủ, giáo hội đưa ra một định đề” để rồi bắt tín đồ tin vào đó và đương nhiên chấp nhận một tôn giáo; giống như trong một hệ thống toán học, trước hết người ta chấp nhận cái định đề, rồi sau đó chấp nhận toàn bộ hệ thống toán học. Nhưng một bên là khoa học và một bên là hệ thống tôn giáo; còn đạo Phật không như vậy, và đạo Phật cũng không có tính cách ép buộc, gò bó bắt tín đồ phải tin tưởng. Bài nầy viết xong vào ngày 10/4/ 2001.
Rồi đến bài thứ ba “Giống Như Trò Chơi...!” Tên đạo: (Hay là: Đạo Phật Là Đạo Của Tâm Thức Con Người) để đề cập đến con người vào trong trần thế hay cõi luân hồi như tham gia vào những trò chơi, càng ngày đi càng xa bờ và lặn hụp càng sâu vào biển khổ để một lúc nào đó tâm thức của mình bừng tỉnh và quay trở lại bờ. “Sự bừng tỉnh để quay trở lại bờ ấy” chính là sự Giác Ngộ của Tâm Thức con người vậy! Bài nầy tôi hoàn tất sau bài 2 chín ngày tức là vào ngày 19/04/2001.
Bài thứ tư: “Từ Thần Thoại Đến Tôn Giáo...” (Hay: Đạo Phật Là Một Ngoại Lệ) mang một nội dung phân tích về sự thành hình phần lớn các tôn giáo dù là đa thần hay độc thần cũng đều phát xuất từ những câu chuyện thần thoại. Khi con người chưa văn minh và chinh phục, giải thích được phần nào của thiên nhiên thì người ta tưởng tượng có những con người siêu nhiên cai quản hoặc sáng tạo ra những điều hiện hữu như trong những câu chuyện thần thoại nhằm giải thích hiện tượng bằng những câu chuyện thêu dệt hoặc vui chơi hoặc để kể chuyện. Nhưng rồi nhiều người thêu dệt xa hơn để biến thành những tôn giáo nhằm mục đích nào đó như đánh chiếm lấy đất đai của người khác mà cho đó là “đất Hứa”, hoặc nâng dân tộc lên hàng cao quý như là “Chúa chọn” chẳng hạn. Hoặc thực hiện đường lối sắt máu để bắt buộc mọi người phải theo đạo của mình bằng chiến tranh chinh phục. Họ sùng kính và bắt người khác cũng phải sùng kính như họ, không theo thì giết; còn đạo Phật thì không có lề lối ấy mà cũng chẳng phát xuất từ câu chuyện thần thoại nào cả mà đạo Phật đến thế gian nầy bằng sự Thiền định của một người: Đó là Thái tử Tất-Đạt-Đa hay Đức Phật Thích-Ca. Tôi hoàn tất bài vào ngày 08/07/2001.
Sở dĩ có sự cách xa như vậy trong khi tôi còn có ý tưởng cũng như đề tài, là vì từ đầu tháng 5 cho đến giữa tháng 6 tôi và vợ tôi phải làm một chuyến du hành cùng ba tôi đến những người cùng tộc họ ở trên đất Mỹ và một số ở Âu Châu vì lúc đó chuyện ba má tôi và người thân đó khó mà có dịp để gặp lại nhau cho đến cuối đời. Tôi viết bài 4 xong thì tới bài 5: “Một Sự Tình Cờ...!” (Hay: Cái Có Và Cái Không Trong Đạo Phật) sau tám ngày, trong bài nầy tôi muốn đề cập đến vấn đề “Có” và “Không” trong Đạo Phật qua những thí dụ mà tôi dùng hình ảnh để phân tích để cùng nhau có thể hiểu được cái có và cái không qua những nhận xét tình cờ khi tôi đi máy bay gần đến đất Mỹ. Bài đó cũng để đáp lại cho những ý tưởng của Phan Thiết, một người theo đạo Thiên Chúa nghiên cứu không rành đạo Phật mà viết sách “Hành Hương Đất Phật” để phỉ báng Đạo Phật. Đó là hiện tượng khởi đầu cùng với Giáo Hoàng John Paul II khi nhận xét về Đạo Phật đã gây nên phong trào lật tẩy vấn đề tôn giáo của những nhà trí thức có nghiên cứu về cả hai đạo: Phật và Thiên Chúa. Phong trào ấy kéo dài cả nhiều năm trên mạng cũng nhằm để thức tỉnh người đọc phân biệt được chính tà, khoa học và phản khoa học, tôn giáo chân chính và âm mưu tôn giáo. Tội nghiệp cho Phan Thiết, đường đường là một cựu Thẩm phán thuộc Tối Cao Pháp Viện trước kia mà phải mang tội “hồ đồ”, “ngu xuẩn” như thế đó mà lại tưởng mình “là một Đồ Chiểu của thời đại mới”! Từ trước, tôi chưa thấy có những tranh luận, phản biện về tôn giáo công khai dữ dội như trong khoảng thời gian nầy. Tôi viết bài nầy sau khi đã đọc quyển “Hành Hương Đất Phật” của Phan Thiết dọc theo chuyến lưu hành của mình. Và cũng khoảng đầu tháng 6 khi chúng tôi về đến Việt Nam, Thượng Tọa Thích Thiện Duyên có biếu tôi bộ “Phật Học Phổ Thông” của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn như đã hứa trước. Với bộ nầy khiến cho sự “Tìm hiểu về Đạo Phật” của tôi có phần đậm đà và sâu hơn, song song vào đó tôi thỉnh thêm vài bộ Kinh nữa để nghiên cứu làm nền tảng cho những bài về sau.
Sau khi hoàn tất bài số 5, tôi dùng sức hiểu cùng kiến thức ít ỏi của mình về đạo Phật để phân tích “chất Phật” (tức Phật tính) ẩn hiện trong từng cá nhân, tùy theo căn kiếp của mình được bao nhiêu đó là bài “Sự Ôn Lại Cuối Cuộc Đời...” (Hay: Chất Phật Trong Con Người) mà nhân tố chính từ câu nói của Bà Mười (em bà nội) của tôi, cùng hiện tượng những người già thường thức sớm, ngồi uống nước trà, nhớ lại chuyện ngày xưa. Tất cả sáu bài nầy được tôi cố gắng viết với những câu, từ ngữ tương đối dễ hiểu nhất để người đọc có thể thâm nhập được, vì đạo Phật vốn là khó hiểu từ trước do sử dụng quá nhiều Hán tự, chữ Phạn qua âm Hán tự, cùng với tính chuyên môn của nó. Tất nhiên công việc nầy không phải dễ, nhưng tôi cố gắng được bao nhiêu thì được. Đôi lúc tôi cũng “giật mình”, vì tôi chỉ đi tìm một cái chìa khóa để giải mã cho điều tôi cảm nhận, nhưng khi tôi chưa tìm ra “chìa khóa” thì có những điều thu lượm được lại kết thành một chuỗi bài theo sau.
Hoàn tất xong bài “Sự Ôn Lại Cuối Cuộc Đời” (ngày 06/08/2001) thì tôi lại nhớ đến câu: “Hồi Đầu Thị Ngạn” không phải từ các Thầy thuyết pháp mà từ trong những phim chuyện kiếm hiệp của Hồng Kông mà tôi đã xem. Câu “Phiền Não Thị Bồ Đề” tôi đã viết thành bài ở bài số 1 rồi, nay đã đến lúc “Đừng Nghĩ Về Thời Gian...” (Hay: Hồi Đầu Thị Ngạn). Trong bài nầy có chút hơi hướng của “Phật Học Phổ Thông” vì tôi đã dành nhiều thời gian đọc ráo riết bộ nầy để mong kiến thức Đạo Phật của mình khá hơn, nhằm có thể hiểu được kinh điển dễ dàng khi tôi đi vào các Kinh. Cái viết của tôi trong lúc nầy có đều đặn thật, nhưng tùy theo thời gian vì ngoài việc trồng trọt, tôi còn viết các bài “Viết Cho Con” cộng với làm thơ, viết “Tào lao Thế sự” để nhằm ngăn cản bớt cường độ của những người “chửi lộn” trên văn đàn.
Trong giai đoạn nầy, thú thật tôi không biết nhiều về Kinh điển mà chỉ đem những cái hiểu biết ít ỏi về Đạo Phật (qua vài cuốn sách cùng những cuồn băng mình được đọc, nghe), cộng với sự nghiền ngẫm về cái thực tế đời sống con người qua “cái mà tôi cảm nhận được” trong cơn bệnh hoạn để đúc kết lại thành những bài nhằm giúp độc giả hiểu được ý nghĩa cuộc sống của chính mình nhiều hơn, hầu tìm ra một phương hướng thích hợp để có một cuộc sống an lành và tâm được an lạc, vui sống! Như vậy là việc “đi tìm” sự giải thích “hiện tượng” của tôi chỉ là mới bắt đầu! Mà người trang bị cho tôi “đôi chân” là Thầy Thích Thiện Duyên qua bộ “Phật Học Phổ Thông” của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Tất cả những bài trên chỉ được phổ biến, lưu hành bằng cách tryền tay cho nhau, chứ chưa gởi đến nơi nào, vì tính giới hạn của nó!

Nguyên Thảo,
04/09/2015.