Monday, April 25, 2016

*Quê Người. (9)




Tôi chỉ nghe người ta nói Sungai Besi ngày xưa là khu vực khai thác của mỏ thiếc cho nên nó không có cây cối nhiều lại là vùng cát nên thường nóng. Không biết có phải vậy không mà những ngày tháng ở Besi nầy thì trời nóng thiệt. Nhưng đối với mọi người tị nạn như chúng tôi có “nơi ăn chốn ở” là quý rồi: Thân bây giờ là “Vô Tổ Quốc” mà! Nghĩ lại cũng tức cười: Bao năm chiến tranh mình không lìa bỏ xứ, hòa bình rồi chỉ vì chế độ mà bao người lại bỏ xứ ra đi làm người vô tổ quốc; không biết có bao người lại để ý đến vấn đề nầy? Con cái mình mình không lo, không thương lại muốn đuổi nó đi để cho người khác nuôi, ôi thật là oái oăm! Dân mình mình không làm cho no ấm lại muốn tồi tệ nghèo nàn để tới chỗ “bần cùng sanh đạo tặc trong khắp cùng xã hội”. Người đánh võ chỉ cần sai xẩy một thế thì có thể bị thua trận đấu, còn tổ chức xã hội chỉ cần sai lầm bước đầu thì khó mà vươn lên, đã vậy lại còn phải đối phó với muôn vàn khó khăn do nơi sai lầm ấy. Ông bà xưa đã nói: “Giàu có sanh lễ nghĩa, bần cùng sanh đạo tặc”. Lễ nghĩa, điều tốt của con người, của dân chúng đã tiêu tan theo hoàn cảnh nghiệt ngã của tổ chức xã hội ban đầu; và tội phạm, trộm cắp, cướp bốc, ù lì, vô cảm… đã manh nha theo luật “tranh đấu để sinh tồn” của bản năng đã đẩy con người sống như thời man khai không còn nghĩ gì đến lễ nghĩa cả mà chỉ làm sao để được sống: “Bần cùng sanh đạo tặc, không ăn cắp vặt lấy c.. họ ăn” như một câu chua chát mà người nào đó đi ăn cắp khoai mì để chống đói đã viết lại cho người chủ thay lời xin lỗi. Một chủ nghĩa tốt đẹp đã bị làm sai và được xem là chủ nghĩa tồi tệ nhất trên thế gian. Thật tội nghiệp cho một triết gia suốt đời tận tụy cho một chủ nghĩa lý tưởng của mình! Tôi lại nghĩ đến ý tưởng của ông nào đó trên chuyến xe buýt di chuyển từ Marang qua Sungai Besi vừa qua cũng thật là có lý, không sai!
Ổn định chỗ ở xong, mấy ngày sau chúng tôi bắt đầu cho thủ tục khám sức khoẻ, chụp hình phổi và làm các thứ cần thiết để chuẩn bị đợi chờ cho chuyến đi định cư. Thủ tục ấy cũng kéo dài hơn cả tuần. Trong trại thuở ấy chắc cũng phải hơn 6,000 người. Số nhiều nhất là đợi chờ đi Mỹ, vì đa số gốc quân nhân, công chức; đi Úc, Canada ít hơn và các nước khác thì ít hơn nữa. Khác với các phái đoàn khác, phái đoàn Mỹ khi ở Bidong chỉ duyệt hồ sơ xin đi Mỹ của người tị nạn thôi, sau đó thì chuyển họ hết qua bên Besi nầy rồi phái đoàn Mỹ mới đến phỏng vấn. Vì vậy ở đây mới là quyết định những ai được đi Mỹ. Còn ai xuôi xẻo bị phái đoàn Mỹ “xù” (từ chối) thì khó có đường hi vọng đợi các phái đoàn khác, nên người nằm ở đây lâu cũng không ít.
Sau gần hai tuần lễ trong danh sách chuyển qua một lượt với chúng tôi có một cặp vợ chồng đi chung chuyến vượt biên với tôi là Dũng (vợ có bầu) được báo đi Darwin ở Úc khiến cho nhiều người lên khiếu nại với Cao Ủy của trại: Vì sao họ đến trước chưa được đi mà người đến sau được đi, từ đó khiến một sự xét lại cũng khá qui mô: Những người đến trước được đi trước, đến sau đi sau; những người dù mới chuyển từ Bidong sang nhưng số tàu họ cũ, đến trước lâu thì họ được cứu xét đi trước. Còn một số người xin đi Mỹ từ trước, nhưng đến đây bị phái đoàn Mỹ “xù”, thì được tập hợp đưa về Bidong với số tàu mới để họ có cơ hội gặp các phái đoàn phỏng vấn, với hi vọng được nhận đi định cư vì các phái đoàn khác không mấy khi đến trại Sungai Besi nầy để phỏng vấn nhận người.
Mọi người được tự do trong trại, nhưng không phải vì thế mà không có áp lực. Những áp lực tinh thần, về hoàn cảnh gia đình đè nặng trong tâm trí rất nhiều. Tôi cũng không ngoại lệ: Tôi thừa hiểu khi mình vượt biên để ra đi, tất vợ con gia đình phải bị rất nhiều khống chế từ chế độ, lý lịch khó mà cất đầu lên nổi; luôn chịu những thiệt thòi hoặc xếp vào thành phần xấu… giống như tôi đã hiểu được những đứa học trò học rất giỏi nhưng vì cha là sĩ quan cấp lớn nên đã bị đánh rớt trong kỳ thi chuyển cấp như Thúy Lam, Vĩnh Trị, Thùy Dương.... Và cũng chính vì lý do đó mà tôi đã quyết định ra đi khi có điều kiện. Nhưng bây giờ tôi vẫn ngồi đây, trong trại tị nạn thì tôi cũng chẳng làm được gì ngay cả bản thân mình còn lo chưa xong thì mình còn lo được gì, đành phú thác cho số phận. Tôi chỉ trách cho hoàn cảnh đất nước, cho những lý tưởng xã hội mà người ta đã đẻ ra những chế độ để lôi cuốn con người vào những cuộc chiến thảm khốc, vào những quan điểm nặng nề để giết chết từng con người với nhau. Thế mà người ta cứ mãi nhân danh vì con người và đất nước! Chế độ nào cũng vậy chỉ mượn người dân để làm cái cớ mà nuôi dưỡng sự cai trị, giàu sang của bọn họ mà thôi; chứ chẳng là lợi ích của người dân bao giờ, dù cho đó là lý tưởng quốc gia, xã hội hay cộng sản.
Vừa rồi có ông nào đó trong diện được đi Mỹ đã chịu không nổi hoàn cảnh của mình đã tự vẫn ở căn phòng của “long house” trống gần long house của chúng tôi. Người ta kháo nhau rằng: Mấy ngày trước ông ta rất buồn thường hay ngồi suy tư ở gần sân chơi của trẻ con; có người rành hơn: Vợ ông ấy bỏ đi theo người khác, con cái đứa thì về với nội, đứa thì về với ngoại; tin được đứa con ở bên Mỹ báo qua khiến ông ta buồn rầu mà không vượt qua nỗi đành đến với cái chết. Ở trong trại thì rất nhiều tin: Tin đúng, tin sai, tin gà, tin vịt thì đủ cả mình không biết đâu mà rờ! Nhiều ngày nhớ vợ con và tưởng tượng những khó khăn do cách đối xử từ chế độ mà buồn; nhưng thôi thì cố gắng để vượt qua, chỉ chờ vào hi vọng, hi vọng khi đến Úc rồi sẽ tính sau. Học Anh văn cũng lỡ cỡ rồi, mà người ta nói đi Úc chẳng đợi lâu thôi thì để qua Úc học luôn. Tôi nghe có lý và để chuẩn bị cho mình trên đất người nên tôi thường vào thư viện mượn tự điển và sách tra cứu để ghi cho mình một số từ ngữ nhằm những khi không có tự điển khi đến xứ người thì mình cũng không gặp nhiều khó khăn, vì người ta bảo rằng: Ở nước ngoài khó kiếm được tự điển tiếng Việt lắm!
Một hôm hai anh em Luyến (đi chung tàu vượt biên với tôi) rủ tôi xuống nhà thờ Tin Lành chơi, nói là chơi chứ thực sự là đi dự Thánh lễ, đó là kiểu cách truyền đạo nhẹ nhàng của những người theo đạo Tin Lành để rủ người khác theo đạo. Từ đó tôi có hai ý nghĩ: Một là tìm hiểu vào tôn giáo, hai là nhân cơ hội nầy tôi phải tìm vào một câu chuyện mà ngày xưa anh bạn theo đạo Thiên Chúa của tôi đã kể lúc cùng nhau dạy học trên Dầu Tiếng. Anh ấy kể chuyện bà Êvà trèo lên cây táo hái trái, bị té cây và có vết thương; rồi đưa đến nguồn gốc chuyện làm tình của hai ông bà Adong và Êvà mà tôi chưa từng nghe hay đọc thấy, vì trước đó khi tôi còn học năm Triết ở Văn Khoa không nghe Linh Mục Tôn Nghiêm hay Kim Định đề cập đến, và tôi nhớ có lần tôi đã đọc sơ qua về Kinh Thánh trong phần Sáng Thế Ký vẫn không có mẫu chuyện đó. Lúc đó tôi phản đối và cho anh là “nói tầm bậy”, anh trấn áp tôi: “Mầy nên nhớ tao là đạo dòng, chuyện nầy có trong Sáng Thế Ký và trong quyển sách lớn của nhà thờ”. Lúc đó tôi đành lặng thinh và ấm ức mãi về câu chuyện nầy không biết có hay không. Từ đó, tôi thường hay theo Luyến đi xuống nhà thờ Tin Lành để tìm cho ra lẽ, kể cả mượn quyển Kinh Thánh lớn và đầy đủ để xem, nhưng tất cả dù lớn hay nhỏ vẫn như nhau. Như vậy câu chuyện anh bạn tôi kể chỉ là do anh thêu dệt thêm mà thôi! Nhưng tôi vẫn chưa bằng lòng, tôi phải tìm cho chính xác mới được! Đó là bước khởi đầu tôi thâm nhập vào tôn giáo để tìm hiểu. Cũng do cơ hội như vậy tôi mới biết những điểm dị biệt trong Kinh Thánh mà Tin Lành phản đối lại Thiên Chúa giáo để có cách tin và hành xử khác trong sự thể hiện Đức Tin và được cho danh xưng khác là “Thệ Phản” hay “Protestant”. Rồi cũng trong khoảng thời gian ở trại Sungai Besi nầy tôi lại gặp Hiệp, người ở Búng (Bình Dương) đi học giáo lý ở nhà thờ; Hiệp rủ, tôi cũng tham gia để tìm hiểu về đạo Thiên Chúa giáo kể cả tham gia vào những buổi lễ ở nhà thờ. Ngày đầu, tôi được học: “Nhìn vào những hiện tượng thiên nhiên, ta tin rằng có Đức Chúa Trời là Đấng tạo ra mọi sự và ta phụng thờ và chỉ phụng thờ một mình Đức Chúa Trời mà thôi”. Tự dưng tôi nghe ông Thầy Sáu nói đến chữ “mà thôi”, tôi nghe có một cái gì mường tượng xa xôi, và nghĩ đến một điều gì ở trong ký ức mà tôi không nhớ được. Về sau, tôi mới nhớ rõ ràng: Thì ra đó là chữ mà thôi của Định đề Euclid của hệ thống Toán học Euclid: Qua hai điểm ta chỉ kẻ được một đường thẳng và chỉ một đường thẳng “Mà Thôi”. Nếu ngày ấy ông Thầy Sáu nói giống như phần trong giáo lý là “tin là có Đức Chúa Trời và ta phụng thờ Đức Chúa Trời trên hết mọi sự” thì trong đầu óc tôi không có thắc mắc để đi đến tìm hiểu sâu hơn về sau nầy.
Nằm ở trong trại chỉ có tới giờ đi lãnh thức ăn, rảnh rỗi không làm gì khiến mình có nhiều suy tư, lo lắng ngoài giờ đi thư viện, xem đá banh, chiếu phim và đi dạy tiếng Việt cho mấy đứa con nít trong trại. Tin tức ở nhà thì cũng mù tịt vì tôi không có phương tiện nào để liên lạc, nhưng suy theo quan điểm hành xử của người Cộng Sản thì chắc là gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tôi cũng bất lực và ráng lo cho thân mình. Nếu không có thằng Thành em tôi thì tôi sẽ khó hơn nhiều về sức khoẻ. Không biết cơ thể ra sao mà cứ nằm ngủ trên ván ép, ván thông hoặc dưới đất thì lại nhức cả mình mẩy, mấy ngày sau là bị cảm, bệnh nên suốt thời gian ở trong trại lẫn khi ở đảo, thằng Thành thường xuyên cạo gió dùm tôi. Ở Besi nầy nhờ có thằng Hùng đi chung tàu vượt biên làm ở trong nhà ăn nên xin được vài thùng giấy đựng mì gói đem về lót ngủ thì ít bị cảm hơn nhưng ban đêm trở mình cứ sột soạt làm mọi người trong phòng khó ngủ khiến tôi có nhiều e ngại. Ở đây, tôi ở chung phòng với gia đình anh Trọng chủ tàu PB 977 thì phải, cùng với hai ông bạn nhau là bác Ngữ và Bác Phúc; còn phòng kế bên là gia đình bà Khánh, Hùng, Hoa, gia đình Tấn Triết và vài đứa nhỏ diện cô nhi nữa. Anh Trọng cho biết khi lên đảo gặp ông Tùng người làm ở Task Force với Mã Lai là người quen biết trước từ lúc còn ở Việt Nam, ông Tùng kể rằng: Tấn Triết là đệ tử của ông ấy ngày xưa, hắn vốn là con một bác sĩ ở Tây Ninh, nhưng vì ham chơi thành học không tới đâu nên khi đi lính chỉ là trung sĩ thôi, nhờ số vốn tiếng Anh sang qua làm thông dịch. Thế mà trên tàu vượt biên lúc đầu hắn nói là Trung tá hải quân, sau là Thiếu tá không quân, lên đảo khai là Đại úy… Chuyện đời cũng lắm phong ba!

Nguyên Thảo,
25/04/2016.



No comments:

Post a Comment