Thursday, October 20, 2016
*Quê Người. (14)
Sang ngày thứ bảy đầu tiên trên đất Úc, sau khi ăn sáng ở căng-tin xong, chúng tôi còn dư một lát bánh mì sandwich nên đem về phòng cho mấy con hải âu ăn. Tôi chỉ mới biết các con hải âu mấy ngày nay vì từ trước đến giờ chưa bao giờ thấy chúng mà chỉ nghe nói đến thôi. Loài chim nầy có bộ lông láng đẹp với hai màu trắng và xám, thân hình gọn gàng, chân có màng nối nhau như các ngón chân của vịt. Chúng lảng vảng đầy khu nầy nhất là khi người ta xé nhỏ miếng bánh mì quăng lên, chúng bay giành nhau la ỏm tỏi, trông cảnh nầy cũng vui. Giữa người và vật như có một sự thân thiện từ lâu. Cảnh nầy khó thấy được ở quê mình! Chim rất dạn dĩ, tôi bắt chước người ta xé một miếng bánh mì nhỏ cầm ở tay đưa lên cao, chim liền bay đến “xớt” một cánh nhanh nhẹn, làm cho mình cũng thấy hay hay. Tôi, Thành, Bác Vỹ, Bác Phương còn đứng bên ngoài phòng gần lộ nói chuyện với mấy người qua cùng chuyến thêm một lúc nữa thì định vào phòng để làm vài công việc, nhưng đúng lúc ấy thì có anh bạn lại đến. Anh bạn hỏi:
-Hôm nay ngày thứ bảy, có chợ “secondhand” có ai muốn đi không?
Chúng tôi ngơ ngác chẳng biết chợ “secondhand” là chợ gì? Bác Vỹ hỏi: “Chợ “secondhand” là chợ gì? Anh bạn trả lời: “Chợ secondhand là chợ bán ngoài trời, bán đồ cũ đó; đến thứ bảy người ta mới bán. Bữa nay có ai muốn đi không”? Bác Vỹ, Bác Phương nói mắc bận không đi. Thành hỏi tôi đi không? Tôi chần chừ không muốn đi vì mình đâu có tiền mà đi chợ, nhưng nghe nói đến chợ bán đồ cũ, ngoài trời thì nghe lạ cho nên cũng tò mò muốn đi cho biết. Ngày xưa khi còn ở Việt nam trước 30/4/75 có lần tôi và vợ tôi đi xuống Sài Gòn đến chợ Khu Dân Sinh Sài Gòn gần chợ Cầu Muối, là nơi bán đồ cũ để cho biết và mua chút ít đồ. Chỉ lần đó thôi, nay lại nghe đến chợ bán đồ cũ mà ở ngoài trời, nên sự tò mò của tôi lại thúc đẩy tôi muốn đi. Tôi hỏi anh bạn: “Chợ ở đâu, xa hôn?”. Anh bạn nói: “Gần đây, khoảng chừng một cây số”. Tôi, Thành quyết theo chân anh bạn đi chợ “secondhand”. Ngày thứ bảy ở nơi nầy xe không nhiều. Tôi thấy lạ quá nói: “Ủa Thứ Bảy mà xe cộ không nhiều he?”. Anh bạn chỉ cười: “Nơi nầy nó vậy!”. Chúng tôi đi băng qua các mấy ngã ba theo sự hướng dẫn của anh bạn. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được chợ “secondhand”. Qua cổng thấy người ta ra vô nhanh nhẹn, người ra thì xách ít đồ, xe cũng ra vô đều đều. Anh bạn dẫn vào đầu hàng: “Rồi ai đi đâu thì đi nhen, nhớ đường về không?”, “Nhớ!”. Thế là mạnh anh bạn anh bạn đi, tôi và Thành cũng đi rảo lòng vòng. Một hồi, tôi thấy chán quá vì mình chỉ “dòm” thôi, chứ có mua được gì đâu, vì có tiền đâu mà mua, nên tôi đòi đi ra, thằng Thành còn muốn đi nữa. Tôi đành ra ngoài đứng nhìn xung quanh, khu chợ nầy lớn thiệt, nhiều hàng bày bán trên quầy có, trên đất có. Nhiều dãy như vậy. Đồ bán đa số đều là đồ cũ, có một số ít đồ mới, giá cả tương đối là rẻ, bình dân, nên người ta đến đây đông thiệt. Đứng một lúc, tôi nghe mỏi chân đành kiếm chỗ ngồi. Có anh bạn Việt Nam nhìn tôi đang ngồi trên đường viền của bồn bông. Như hiểu ý anh bạn rủ tôi đến ngồi chung: “Hình như anh mới qua phải không?”, “Ừ! Mới qua hôm thứ năm vừa rồi”. “Từ trại nào?”, “Mã Lai”. Thế là câu chuyện chúng tôi được tiếp nối của người tha hương với nhau. Anh bạn đến đây được vài năm trước, bây giờ đang làm ở “farm” dâu trên núi, có vợ là người Tây. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Ủa, cái chợ nầy sao có khu đất rất rộng, mà lại có cái màn gì lớn quá chừng ở đằng đó giống như cái màn chiếu bóng vậy mà đất thì không làm cho bằng?”. Anh bạn tôi giải thích: “Đây không phải là chỗ bán chợ mà là một cái sân chiếu bóng ngoài trời. Người đi coi ngồi trong xe hơi. Màn trắng lớn đó là màn ảnh. Người ngồi trong xe đậu trên những vòng mô, có cái loa ở mấy trụ gần đó để người coi nghe âm thanh. Người ta mượn chỗ nầy để bán đồ cũ vào ngày cuối tuần để vừa mua vừa bán cho vui”. Như vậy, tôi cũng hiểu được chút ít về sự sinh hoạt xứ nầy. Đúng là “học một sàng khôn”! Nói chuyện lai rai tôi đang ngồi nhóng thằng Thành.
Bỗng tôi ngạc nhiên, dụi mắt nhìn phía trước, không lẽ là thằng Trọng! Nó tiến gần đến tôi: “Mầy là thằng Thạch phải không? Ủa mầy tới hồi nào vậy? Mầy đi hồi nào? Đi với ai?”. Trọng hỏi dồn dập, tôi không kịp trả lời. Tôi chỉ nói tôi tới đây với thằng Thành, nó hỏi tôi thằng Thành đâu? Tôi chỉ vào trong chợ: “Nó còn lội kiếm cái gì đó, tao lội một hồi chán quá, ra ngồi ở đây đợi nó”. Tôi giới thiệu anh bạn mới quen với Trọng, rồi nói chuyện qua loa. Đúng vào lúc ấy thằng Thành lại ra tới. Trọng hỏi nó mua được gì? Nó nói: “Mua được cái đồng hồ ba đô, tiền ở Besi còn chút ít nên mua cái đồng hồ cho biết giờ”. Trọng nói: “Tao không ngờ gặp tụi bây ở đây?”, rồi câu chuyện xoay quanh tới chuyện vượt biên và những thằng bạn ở Việt Nam. “Thôi ra xe, tao chở về nhà tao chơi, xong chiều tao chở về Pennington”. Pennington ở đây là cách nói tắt của trại tiếp cư, vì nó nằm trong khu vực của khu Pennington. Tôi, Thành, Trọng từ giã anh bạn rồi đi đến chỗ đậu xe của thằng Trọng, cùng nhau lên xe nó đưa về nhà. Lên xe nó hỏi tôi vài điều về thời gian đi vượt biên và đi ở đâu? Rồi nó nói nó mướn nhà ở chung với người bạn, tôi hỏi ai? Nó nói: “Thì với bà Yến chứ ai?”. Yến cũng là cô giáo ra trường sau tôi chừng hai khóa, về Tân Khánh dạy, ở trọ nhà của Bác Tư tôi kế bên nhà tôi, nên cũng chẳng là lạ gì! “Nhưng hồi trước tao nghe nói bà Yến đi phía bắc nước Úc, còn mầy đi phía nam mà, tao lại tưởng mầy ở trên Melbourne, chứ đâu phải ở đây. Ai dè lại gặp mầy ở đây”. Chúng tôi cùng phá lên cười! Trọng nói: “Thôi để tao chạy vòng xuống đây mua vài bịt tép để đem về bà Yến làm bánh tráng ăn”. Nói xong nó lái xe chạy thẳng qua cầu rồi chạy đến một cái tiệm bán đồ câu cá. Tôi, Thành ngồi ngoài xe đợi nó. Khi trở ra nó bỏ mấy bịt tép lên xe rồi nói: “Tép ở đây tụi Tây nó bán để làm mồi câu cá, nhưng gặp mình mua về để kho hoặc làm bánh tráng cuốn ăn chơi” rồi mấy đứa xúm nhau cười!
Về đến nhà, Trọng đậu xe vào chỗ đậu, dẫn tôi, Thành vào một căn phố dưới tầng trệt, vừa vào cửa, thằng Trọng la lớn: “Em ơi! Ra coi ai nè!”. Bà Yến chạy ra: “Ủa, anh Thạch, thằng Thành nữa, qua hồi nào vậy?”. Câu chuyện chúng tôi xoay quanh những vấn đề hỏi han về chuyến vượt biên, lúc nào, ở đâu, đi như thế nào, bao lâu. Mọi chuyện chúng tôi cùng kể cho nhau nghe. Trọng chỉ mấy thùng khá lớn còn dang dở, rồi nói: “Hai bà mệt quá mầy ạ, cứ gởi bên nây một thùng là bên kia một thùng; bên kia một thùng thì bên nây một thùng” rồi tiếp theo “bên nây một thùng, bên kia một thùng; bên kia một thùng, bên nây một thùng”. Tôi nghe đến đây cảm thấy lùng bùng lỗ tai vì điệp khúc của nó, nhưng cũng là một sự rắc rối cuộc đời khi mình phải cưu mang. Không biết đó là điều hay hay là cái nghiệp chướng phải cân bằng khi có đến hai bà. Đây là lần thứ nhì tôi được nghe về trách nhiệm khi có hai vợ. Lần trước, cũng sau thời gian 30/4/75 khi ông Dượng Hai của tôi mất ở xã Bình Chuẩn, trong đêm đó tôi ở lại ngoài đám ma thì có vài ông thanh niên ngồi kể về một lái bò (mua bò để bán) không đẹp người, lại có tiếng nói khao khảo, thế mà cứ mỗi ấp thì ông ta có một bà vợ lại thêm ở xã kế bên có thêm hai ấp nữa, như vậy vị chi ông ta ở với sáu người đàn bà hay là sáu bà vợ. Mấy ông thanh niên khen đáo để. Ngồi trong bàn có ông Năm Đổi không nói gì. Hồi lâu, ông hỏi: “Vậy tôi hỏi mấy chú, ổng hay hay dở?”. Mọi người đều nói : “Hay, không hay làm sao được như vậy!”. Tôi ngạc nhiên khi ông Năm Đổi phân tích: “Tôi nói thiệt với mấy chú, không hay đâu. Mấy chú biết mà, tôi có hai vợ chứ. Một tuần tôi phải đạp xe xuống bà nhỏ một lần. Ở bên nây mấy ngày, sang bên kia mấy ngày, rồi còn nhiều chuyện khác mệt lắm. Tôi nói như vầy cho mấy chú biết. Giả sử như tôi có tiền mua được một kí thịt. Nếu đem về một bên hết thì không được, mà chia đồng hai bên thì mỗi bên chẳng được bao nhiêu. Khó xử lắm mấy chú à!”. Mấy ông thanh niên ngồi êm ru, bàn sang chuyện khác. Còn tôi được học bài học đầu tiên, hôm nay thằng Trọng dù không nói gì, nhưng qua câu chuyện khiến cho tôi có nhiều suy nghĩ. Tôi thương con thì tôi phải định được hướng mình sẽ đi trong tương lai!
Chị Yến đã luộc bún, tép, làm nước mắm xong xuôi. Trọng đi lấy bánh tráng để nhúng, rồi bọn chúng tôi cùng Cô Hường (vợ Kiệt) là gia đình qua chung một chuyến bay với Trọng cũng từ Sungai Bési sang, cùng chia phòng nhau khi mướn căn phố nầy. Phố lầu được gọi là “Flat”, căn nhà nầy gọi là “Unit”, có hai phòng ngủ. Vợ chồng Kiệt và đứa con một phòng; Trọng, Yến một phòng để cho nhẹ tiền. Ăn xong, chúng tôi còn ngồi lại tâm tình khá lâu vì lâu ngày không gặp lẫn nhau dù chưa đầy một năm, nhưng có rất nhiều chuyện biến đổi lớn trong cuộc đời! Trọng kể: “Sáng hôm nay thức dậy nghe mệt mỏi không muốn đi làm, cho nên tao nói với bà Yến bữa nay nghỉ. Không biết làm gì nên rảnh rang đi ra chợ trời mua vài con chim nuôi chơi”. Hèn chi, khi từ trong chợ trời ra, Trọng xách cái lồng có hai con chim nhỏ.
Mãi đến gần 5 giờ, Trọng chỡ tôi và Thành về Pennington để chúng tôi sửa soạn đi căng-tin ăn bữa ăn chiều. Ở đây, xã hội cấp tiền hàng tuần khoảng gần 62 đô nhưng ăn uống, tiền mướn người dọn dẹp phục vụ cho chúng tôi, tiền ở, điện nước sẽ khấu trừ vào số tiền phụ cấp, còn dư ở văn phòng sẽ phát cho chúng tôi sau, khi đúng được một tuần. Đó là giúp cho người mới tới trong tuần đầu tiên, chứ đúng ra phải là mỗi 2 tuần mới được lãnh tiền!
Nguyên Thảo,
20/10/2016.
Wednesday, October 19, 2016
*Quan Đã Đi Rồi!
Ông quan nay đã đi rồi
Ông đi xa xứ với tiền người dân
Dân nghèo mặc kệ người dân
Túi ông rủng rỉnh, đầy tràn ấm no
Làm quan đâu phải nằm co
Tối ngày cứ phải bận lo cho người
Làm quan tiêu chí làm đầu
Đồng tiền trên hết, làm giàu chỉ tiêu
Bản thân ấm cật đều đều
Vợ con sung sướng là điều ưu tiên
Làm quan sao phải lụy phiền
Bận chi cơm áo, gạo tiền thế gian
Làm quan cũng lắm gian nan
Phấn lên đấu xuống, muôn vàn khó khăn
Tội gì mà lại chẳng ăn
Ăn sung mặc sướng, trên đầu vạn dân
Làm quan thì phải có phần
Cám ơn tổ chức đỡ đần giúp cho
Ô dù lại được thật to
Tha hồ để lấy, rồi ra xứ người
Ung dung, thoải mái ta cười!
Đồ Ngông,
20/10/2016.
Sunday, October 16, 2016
*Lòng Vòng Trên "Bắc Úc". (3)
Đoàn rời căng-tin vào lúc 1 giờ 48 phút và đi bộ vào một công viên để xuống bến du thuyền đậu. Ở đây có nhiều dơi quạ (con dơi có thân to lớn như con quạ) treo thân đậu trên cây bốc lên một mùi hăng hăng hôi khó chịu. Du thuyền là một con thuyền không lớn lắm, ngõ đi chính giữa, hai bên có những băng dài để du khách ngồi, mỗi băng có thể ngồi được 5, 6 du khách; ở trên chỉ có mui che và bên thành có những thanh chắn để giữ an toàn cho khách chứ không có vách che để khách có thể chụp hình, quay phim hay quan sát được dễ dàng.
Người hướng dẫn căn dặn những điều cần thiết với khách trước khi khởi hành, nhất là đừng đưa tay ra ngoài rất nguy hiểm vì nơi đây có nhiều cá sấu và chỉ cách sử dụng áo phao khi khẩn cấp. Du thuyền khởi hành vào lúc 2 giờ, khách đã bắt đầu đưa máy chụp hình, quay phim lẫn điện thoại lên để chuẩn bị chụp, quay cho mình những gì mà mình muốn ghi lại. Người ta có thể quay cả những ngõ ngách, hay những đụn cát bên bờ mà người hướng dẫn cho đó là nơi cá sấu thường hay ra nằm phơi mình hoặc đẻ trứng. Trên các bãi cát ấy thường có dựng những bảng cấm hoặc lưu ý. Du thuyền chạy từ từ trên sông và người hướng dẫn thuyết minh theo từng khúc sông, nào là mấy con chim đang đậu trên cây, nào là lồng để bẫy bắt cá sấu, nào là có con cá sấu đang nằm ở bên bờ rồi thuyền được cho đứng lại để mọi người quan sát, kia là cây dứa dại vân vân và vân vân… Chúng tôi nhởn nhơ, lững lờ trên mặt nước và tiến về phía trước để ngắm cảnh, quan sát do chính mình và hướng dẫn viên hướng dẫn.
Thuyền đi hết đoạn sông nầy khoảng nửa giờ đồng hồ thì cập vào bến ở nơi vùng đá. Hướng dẫn viên cho chúng tôi biết chúng tôi phải đi bộ qua một khoảng đường đá để đến một bến khác ở phía trên và chúng tôi được tiếp tục hướng dẫn lên đoạn trên của sông. Băng qua những tảng đá lớn nhỏ, hơi gồ ghề mặc dù người ta đã làm cho chúng tương đối bằng phẳng hơn bằng cách sắp xếp hay đổ thêm xi măng có màu hợp với màu đá hoặc làm cầu để cho khách dễ đi hay an toàn.
Qua khỏi vùng đá chắn ngang sông ấy thì chúng tôi lại xuống một chiếc du thuyền khác cũng giống như chiếc trước để được đi lên vùng khúc trên sông nầy. À, thì ra vào mùa khô mực nước thấp chiếc du thuyền kia không thể qua vùng đá nầy được mà phải đi bộ để đổi du thuyền ở phía trên nầy. Chứ vào mùa mưa hay lúc có nhiều nước thì du thuyền chẳng bị cản trở bỡi vùng đá ấy. Chúng tôi lại ngồi xuống du thuyền và được du hành phía trên của Katherine Gorge.
Đoạn phía trên hấp dẫn hơn ở phía dưới nhiều, nếu đoạn dưới tương đối bằng phẳng, phẳng lặng, êm đềm thì phía trên nầy lại quanh co hơn, có những khúc quanh “gắt”, cúp và nhỏ thì nước chảy xiết hơn dù mùa nầy không nhiều nước. Sông len lỏi giữa hai bờ vách đá sừng sững, bên trên vách đá có nhiều hình thù lạ mà người ta có thể tha hồ tưởng tượng. Còn ngay trên vách đá mới chứng tỏ những địa tầng của đất thuộc vào những thời kỳ hằng triệu, hoặc tỉ năm về trước. Đất đá nầy là từ dưới biển trồi lên hay là do những địa chấn làm gãy khúc để trồi lên đây. Nhưng không, các nhà khoa học cho rằng lục địa Úc châu nầy từ xưa là ở dưới đáy biển được trồi lên nên sự hiện diện của độ mặn trong nước vẫn còn cao trên những vùng cao và nhất là các kết cấu địa chất của vùng đá Uluru, Kata Kjuta tức là vùng trung tâm nước Úc cũng chứng minh cho điều ấy.
Ở đây, theo tài liệu thì con sông nầy được nhà thám hiểm người Tô-Cách-Lan John McDouall Stuart tìm thấy và đặt tên là Katherine vào ngày 4/7/1862 ấy đã bào mòn, xâm thực trong hàng tỉ năm trên vùng sa thạch để tạo được cảnh quang như ngày nay. Sông Katherine khởi nguồn từ trên độ cao 451 m và chấm dứt ở độ cao 67.6 m để nhập vào sông Daly. Như vậy là Katherine đã rơi độ cao xuống khoảng 384 m trong một chiều dài chừng 328 km. Do vậy qua thời gian, sông Katherine với dòng chảy xiết đã khuyết sâu vào vùng địa chất để tạo những vách đá thẳng đứng hai bên và nó chảy trong một thung lũng hẹp. Hôm nay chúng tôi được đi vào thung lũng hẹp ấy ở phần đoạn trên của sông nầy.
Hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi con cá sấu nước ngọt nhỏ đang nằm ở bìa nước ở một khúc quanh của sông và giải thích là cá sấu nước ngọt không nguy hiểm cho người. Nhưng vào mùa nước lớn thì cá sấu nước mặn có lên đây khi nước rút chúng đều xuống trở lại phía dưới nên người ta trong mùa nầy có thể tắm và bơi thuyền nhỏ “kayak” khá nhiều. Trên nhiều bãi cát dọc hai bờ sông đều có cắm bảng lưu ý du khách về cá sấu. Hướng dẫn viên khôi hài “Cá sấu thấy mình trước khi mình thấy nó”, nhưng thực tế là như vậy! May nơi đây chỉ là cá sấu nước ngọt!
Mọi người tha hồ chụp ảnh quay phim bằng máy hay điện thoại nên cứ nghe âm vang đều đều, thỉnh thoảng nỗi lên tiếng ngạc nhiên lẫn âm thanh của người hướng dẫn viên. Đường đi phía trước còn khá xa, nhưng người lái du thuyền chắc đã đến giới hạn nên đã quay đầu trở lại ở một hang nhỏ mà trên đó có những tổ chim én bằng đất bùn để đẻ con, chứ không phải là “tổ yến” quý giá đâu. Có rất nhiều cặp cùng nhau chèo thong thả Kayak trên sông thật là thú vị. Lần trở ra nầy chiếc du thuyền chạy nhanh hơn, hướng dẫn viên không cần nói nhiều nữa. Tôi đưa máy chụp hoặc quay thêm những cảnh nào ưng ý ở dọc đường, nhất là những nơi nước chảy nhấp nhô làm ánh nắng trưa tan vỡ, lấp lánh tạo nên cái cảnh vui vui, đẹp đẹp.
Du thuyền về tới bến, chúng tôi lại phải đi bộ lại đoạn đường đá lúc nãy. Bây giờ thong thả hơn nên tôi có dịp từ từ quan sát, nhìn phong cảnh ở bên vách núi. Có vài cây cọ mà người ta gọi là “little palm” mọc chơ vơ, không biết là nó bao nhiêu tuổi, nhưng nó thật là cao, cây thì mỏng manh ốm yếu đong đưa theo gió. Kế bên là cái vách đá trên đó có vài hình ảnh của ngưòi dân địa phương (thổ dân) đã vẽ không biết tự lúc nào, mà theo danh từ chuyên môn ở đây người ta gọi hình ảnh ấy là “rock art”.
Mọi người lục tục xuống du thuyền để làm chuyến trở ra ở đoạn sông dưới nầy. Rời du thuyền và trở về xe buýt sau hai giờ của chuyến đi trên sông, chúng tôi lại chuẩn bị cho chuyến trở về Darwin trong đoạn đường khá xa chừng khoảng 350 km. Mà lúc nầy đã gần 4.30 giờ chiều.
Trên đoạn đường về xa xôi nầy xe chạy vòng vào Pine Creek, nơi mà ngày trước là địa điểm người ta đổ xô đến tìm vàng sau khi nhân công đường điện thoại viễn liên nối giữa Adelaide với Darwin đào lỗ chôn cột phát hiện nơi nầy có vàng vào năm 1871. Và người Trung Hoa được nhập vào năm 1874 như là nguồn nhân công rẽ. Dân nhập đến ở đây hơn 3000 người vào những năm 1890, nhưng đến năm 2007 số thống kê chỉ còn 473 người.
Trong thời gian Đệ Nhị Thế Chiến, Pine Creek là nơi thiết lập nhà thương cho quân đội Úc và một phi trường khẩn cấp do quân đội Hoa Kỳ xây dựng. Hướng dẫn viên kiêm tài xế xe buýt thuyết minh cho chúng tôi vài nơi chứng tích của lịch sử. Sau đó xe vào Stuart Highway để trở về Darwin.
Tuy nhiên, với đoạn đường xa, xe lại ghé vào Emeral Springs để mọi người nhận thức ăn đã được đặt trước từ ban trưa. Riêng năm người chúng tôi chỉ mua thức ăn nhẹ và đi vệ sinh, nghỉ ngơi thôi.
Sau khoảng nửa giờ đồng hồ, mọi người tiếp tục lên xe cho cuộc hành trình còn lại. Đồng hồ lúc nầy là 6.15 giờ, trời đã tối.
Về đến Thành phố Darwin xe buýt còn đổ người ở từng khách sạn mà du khách lưu trú. Chúng tôi về đến phòng cũng gần 9 giờ. Sau đó rủ nhau đi xuống đến tiệm pizza cùng nhau thưởng thức món pizza mà hướng dẫn viên đã quảng cáo.
Trở về phòng, tắm rửa thì cũng đã 11 giờ, chúng tôi phải ngủ và chuẩn bị cho ngày mai thức sớm nữa để làm chuyến đi đến Kakadu National Park cũng là một Di Sản Thiên Nhiên của Úc Đại Lợi được UNESCO công nhận trong cùng 17 Di Sản khác của Úc.
Nguyên Thảo,
16/10/2016.
Saturday, October 15, 2016
*Yêu Em!
Yêu em tôi phải thẫn thờ
Nắng vàng, mây trắng, ngồi mơ cuộc đời
Mơ trong tưởng tượng chơi vơi
Mơ thì mơ vậy, nỗi lòng nhớ nhung!
Yêu em tôi lại lông bông
Con thuyền chẳng bến, xuôi dòng về đâu
Sao em không tiếp nhịp cầu
Lòng tôi cứ mãi phập phồng mà mơ!
Yêu em tôi hóa dại khờ
Làm sao để tỏ, đắn đo lắm lần
Nghe tim rạo rực, phân vân
Nghe tôi như đã... Vạn lần yêu em!
Nguyên Thảo,
16/10/2016.
Wednesday, October 12, 2016
*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" đến "Blog". (Tiếp theo và Hết)
Đoạn đường viết của tôi cũng trở nên kéo dài, cứ hết cái nầy lại kéo qua cái khác; và cứ thế mà tôi “phát ngây” theo đuồi, giống như người chơi trong một cuộc chơi “đuổi bắt”: Khi bắt được cái nầy lại nẩy sinh ra cái khác, vì vậy mà tôi phải dành ra chút ít thì giờ để diễn giải những điều mà mình ghi nhận được, thế là một bài khác được thành hình. Cứ tiếp tục như vậy mãi, mà tôi trở nên “ghiền”, thôi thì bỏ ra khoản thời gian ngắn nào đó mà mình có thể trao đổi vài kinh nghiệm cùng với bạn bè, đồng môn cũng hay; đồng thời nó cũng giúp mình thực hiện được ý tưởng vào thời xa xưa: Viết để vạch trần những thói đời trong xã hội để mọi người xem chơi! Rồi, khi những chuyện “Tào lao thế sự” chưa chấm dứt, thì tôi lại nhớ đến một chuyện quan trọng khác của chính mình, đó là chuyện tôi phải “lưu lạc” trên xứ người. Nó quan trọng không phải là cho chính tôi, mà sự quan trọng đó là cho con, cháu, và những thế hệ về sau của nhà tôi. Tôi phải viết để cho chúng biết tại sao tôi đi khỏi đất nước, cuộc hành trình lưu lạc như thế nào để ngày nào đó chúng muốn biết lai lịch của chúng thì chúng có thể hiểu được chút nào: Vì vậy mà “Xứ Người” được ra đời. Tôi sẽ cố gắng diễn giải mọi sự thật trong cuộc sống hàng ngày trên bước đường lưu vong, lẫn ở nơi xứ người, cùng nêu lên sự khác biệt với quê hương như làm một cuộc tổng hợp để đúng là một “tài liệu” cho riêng gia đình, đồng thời để mua vui cho người đọc khi có dịp đọc đến. Tất nhiên những điều được tôi ghi nhận không phải là chính xác, tôi chỉ viết trên những gì trên thực tế, chứ mực độ chính xác về luật pháp hay tổ chức thì chắc hẳn là không (vì tôi không đủ trình độ để nghiên cứu về cách tổ chức trên xứ người). Điều nầy theo dự trù của tôi nó sẽ kéo dài đến khi gia đình tôi được đoàn tụ mà có thể sẽ kéo xa hơn chút ít không chừng. Khi viết “Xứ Người” tôi phải moi trong ký ức của mình theo một thời gian thật dài và trả lại những sự kiện trong đúng hoàn cảnh của nó, cũng như những suy nghĩ của tôi trong thời điểm ấy!
Đã thế, tôi lại gặp một sự kiện khác làm cho mình thêm bận rộn để viết: Vốn trong kỳ nghỉ học kỳ của mấy đứa cháu, cha mẹ chúng tổ chức chuyến đi chơi ở vùng Mount Gambier thuộc vùng đông nam của thành phố Adelaide của Tiểu bang Nam Úc. Vợ chồng tôi tùng đi theo vui cùng các cháu. Trong chuyến đi ngay vào mùa Thu, cảnh sắc dọc đường rực rỡ, tôi có vài gợi ý để cháu tôi có nhận xét về lá cây vào mùa Thu, từ đó manh nha ý tưởng sẽ viết về chuyến đi để kỷ niệm cho các cháu tôi. Nhưng khi đến thăm hang động ở Naracoorte, thì hang động nầy đã được công nhận là “Di sản thiên nhiên” của Thế giới cùng với một khu vực rộng lớn gọi chung là vùng đá vôi nằm trải dài từ Tiều bang Nam Úc sang lãnh thổ của Tiều bang Victoria. Vào khoảng năm 2000 chúng tôi đã có đến đây một lần nhưng thuở đó chưa được đưa vào danh sách “Di sản Thiên Nhiên của Thế Giới” cho nên đi xem như là những thắng cảnh thông thường, và lúc đó tôi cũng chưa biết về những đặc điểm khác biệt của nó. Nhưng với chuyến đi lần nầy, tôi lại biết thêm nhiều điều qua vài tài liệu, cho nên ý tưởng cần viết lại được thúc đẩy mạnh hơn: Làm “Một công đôi ba chuyện” vậy! (Kỷ niệm, du lịch, kiến thức).
Vì thế khi xong chuyến đi, về nhà tôi soạn lại để bắt đầu cho một cuộc hành trình mới trên trang blog. Tuy nhiên, “Chuyến Đi Vùng Đá Vôi” phải trì hoãn lại vì hai ngày sau tôi phải “Làm Một Chuyến Đi” vào trong chính giữa lòng nước Úc: Nơi có hòn đá Uluru, còn gọi là Ayers Rock cũng là một Di sản Thiên Nhiên khác của nước Úc. Cái ưu thế trong việc ghi lại của tôi chính là cái máy quay phim, nhiều cảnh nhiều nơi quá khiến mình khó nhớ hết được, nhưng vì tôi muốn ghi lại những hình ảnh trong chuyến đi để ngày nào đó mình cảm thấy buồn buồn mở ra ngồi coi lại; cho nên cái máy quay phim luôn có trong các cuộc hành trình của tôi, vì thế với những hình ảnh đó đã giúp cho tôi viết lại thành bài được nhiều chính xác và thứ tự hơn.
Theo như lúc trước tôi có viết rằng: “Tôi không có khiếu viết về du lịch”, nhưng với những lần nầy tôi cố gắng vì “kỷ niệm” cho các cháu, cũng như để cung cấp một ít tài liệu cho độc giả cùng mình được hiểu thêm, tôi đành gắng sức để làm thêm tiêu đề về “Du lịch” nữa. Đây là mục mà chiếm nhiều thời gian nhất của tôi vì nó cần những tài liệu để làm phong phú cho chuyến đi cũng như để độc giả vừa đọc giải trí, đồng thời được hiểu biết thêm chút ít nào về những nơi ấy; nhưng khổ nỗi vốn ngôn ngữ của tôi lại chẳng là bao nhiêu, nên tôi đành phải “vượt khó”!
Thế rồi cái gì cũng lần lần được qua đi, hết chuyến nầy lại đến chuyến khác. Ghi lại các cuộc hành trình để chia sẻ cùng với độc giả, bạn bè mà thôi! Đến nay thì những đoạn đường đi qua ở Mỹ cũng như hiện tại là ở “Vùng Bắc Úc” đang được ghi lại để “cùng nhau chia sẻ mà vui”!
Có lẽ, đối với tôi, “Hành trình chữ nghĩa” nầy đến nay là quá dài vì khởi thủy tôi vốn không có khiếu về “văn chương” như tôi đã biết về khả năng của chính mình, cũng như vào thời lớp Đệ Tam (lớp 10 về sau nầy) ông Thầy phụ trách về “Báo Xuân” đã nhận xét bài tôi chỉ vào dạng của lớp nhỏ hơn viết mà thôi. Nhưng chỉ vì trong cơn bệnh với nhiều suy nghĩ làm rối trí, tôi cố gắng ổn định tinh thần bằng cách định tâm. Không ngờ lại đưa tôi vào cái hình thức của những người hành Thiền áp dụng, để có những diễn tiến mà tôi hiếu kỳ theo đuổi. Sự liều lĩnh theo đuổi ấy làm cho tôi khám phá nhiều điều giống như là ảo tưởng. Chính vì “Sự ảo tưởng” ấy mà tôi phải đi tìm cho ra “Lẽ Thật”. Do vậy, sau nhiều suy nghĩ, tôi nghĩ rằng Đức Phật đã ngồi Thiền để rồi sau đó Ngài nói lên cái giáo thuyết của Ngài, thì cái tôi “thấy” trong sự Định Tâm của mình phải có nhiều điều giống nhau, hoặc phải có những điểm chung nào đó mà những người “hành Thiền” có thể thấy biết. Với sự thôi thúc từ trong Tâm, tôi cố gắng ghi lại và đúc kết thành bài đầu tiên (“Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền”) được đưa lên báo và phổ biến ra công chúng ở tại một địa phương nhỏ với cộng đồng người Việt lúc đó chỉ trên dưới khoảng 10 ngàn người. Tất nhiên số người đọc hiểu bài ấy cũng chẳng là bao nhiêu, nhưng tôi đã làm một công việc là “Trả được món nợ về Tâm Linh”. Dù bài đầu tiên đó được phổ biến rồi, tôi vẫn lo ngại vì sự đúc kết vắn tắt có thể sai lầm, cho nên tôi đợi có dịp để tường trình các diễn tiến của sự kiện, nguồn gốc ra đời của bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền” ấy; đó là bài “Sự Huyền Nhiệm Về Tâm Linh” về sau. Khi bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” được phổ biến rộng rãi thì tôi đã thấy yên tâm và tôi nghĩ chỉ còn tùy vào sự nhận định của người đọc để định cho mình phương hướng mà thôi, và “cái viết” của mình sẽ không còn lâu nữa!
Nhưng rồi lại với một điều khác, vì tôi chưa thỏa mãn với những Tâm Linh của mình, cho nên tôi nhất quyết phải tìm sâu hơn nữa để giải thích cho được thỏa đáng những “Kỳ lạ” mà tôi đã thấy trong cơn “mơ màng” khi tìm cách “Ổn định tinh thần” vào thuở bệnh hoạn. Thế là tôi tìm học giáo lý của nhà Phật để có thể đọc được các Kinh Phật, và rồi tôi ráo riết tìm đọc trong các Kinh Phật để tìm xem “Những điều kỳ lạ” ấy có trong đó hay không? Càng đọc Kinh Phật tôi lại hiểu thêm được nhiều điều qua “Các điều kỳ lạ” của tôi. Từ đó tôi đã ghi lại qua các bài viết “Về Đạo Phật” mà tôi đã gởi đến trang nhà “Đạo Phật Ngày Nay” để đăng tải, phổ biến.
Nhưng dù như vậy vẫn chưa đủ đối với tôi, tôi quyết phải đi tìm một lẽ thật ở vài tôn giáo khác nữa. Đối với tôi những tôn giáo về “Thần Thánh” không cần phải tìm hiểu vì đa số chúng thoát thai từ những câu chuyện Thần Thoại mà ra. Mà những câu chuyện Thần Thoại được “Con người có trí khôn” sáng tạo ra dù ở bất cứ nơi đâu hay bất cứ sắc tộc nào, cho nên tôi đi thẳng vào Kinh Thánh là Kinh điển của vài tôn giáo lớn và phát triển mạnh nhất trên thế giới để tìm hiểu và tìm xem có những điều mà tôi được chiêm nghiệm hay không?
Tôi không tìm được những điều mà tôi muốn trong Kinh Thánh, cho nên tôi lại định “ngấu nghiến” năm sách đầu của Cựu Ước được xem là những điều “mặc khải” từ Đức Chúa Trời để xem sao mà thôi. Nhưng tôi thấy chúng cũng không ra ngoài “sự tưởng tượng không hợp lý” của con người, nên tôi chỉ ghi lại hai bài đầu tiên là “Sáng Thế Ký” và “Ê-Díp-Tô ký” còn “Dân Số Ký” chỉ để dành riêng cho dân Do Thái nên tôi không cần ghi lại. Sau đó, tôi sang qua bốn Tin Mừng của các vị Thánh đã kể về Chúa Jesus, tôi cũng chẳng tìm thấy được điều gì của minh “cảm nhận” trong đó, mà lại còn nẩy ra nhiều điều “khác lạ” vì thế mà tôi có thêm vài bài viết khi “Tôi Đọc Kinh Thánh”. Đó là những bài tôi nhận xét, phân tích khách quan, dựa đúng theo hoàn toàn nội dung của Kinh Thánh để mọi người xem chơi “Kinh Thánh là như thế đó”! Tôi đã gởi đến cho Trang Sách Hiếm để phổ biến với bút hiệu là “Gã Học Trò”. Nếu bạn muốn tìm đọc để xem chơi cho biết thì cứ vào Trang Sachhiem.net, phần phía trái ở trên có tên các tác giả và có phần “Tác giả thân hữu” bạn bấm chuột vào chữ “G”, sẽ có “Gã Học Trò”, bấm vào Gã Học Trò sẽ có các bài ấy.
“Hành trình chữ nghĩa” của tôi cứ thế đi xa hơn, từ đề mục nầy đến đề mục khác đều do “cơ duyên”, “không hẹn mà đến” từ thơ cho đến văn vẫn đều là như vậy!
Với trình độ học của tôi không cao, khả năng tôi không có, tôi không dám làm việc gì lớn, nhưng cơ duyên đã thúc đẩy khiến tôi “viết”. Và tôi đã viết, nên cái viết nầy tôi không bao giờ nghĩ là của tôi, vì vậy tôi “đành viết theo những cái gì của riêng mình như là kỷ niệm, nhưng trong cái viết ấy phải có cái chung của con người, của môi trường xã hội mà con người sinh sống”. Những yếu tố ấy hoà quyện đã kết hợp và sản sinh ra Nguyên Thảo, Đồ Ngông và Gã Học Trò; “Tuy ba mà một, tuy một mà ba”!
Tôi viết “Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” nầy như là một thời kỷ niệm để ghi lại: Vì sao tôi viết? Khởi đầu và những cơ duyên tôi viết từ ngày đầu và đến những thăng tiến xa hơn? Vì sao tôi đi vào các đề mục như thế? Và tôi đã được nhiều người tạo cơ duyên để từ “Bản Tin Nông Gia” rồi tiến đến “Blog”, cùng để tri ân những bằng hữu đã giúp tôi rất nhiều trên các chặng đường như Huỳnh Văn Hiệp (Bản Tin Nông Gia); Nguyễn Văn Lộc (Nam Úc Tuần Báo); Lê Văn Vinh (Nhân Viên Cộng Đồng); Nguyễn Văn Sơn (Đại diện các báo Dân Việt, Việt Luận); anh Dũng (báo Việt Luận); Vũ Ngọc Kha (Adelaide Tuần Báo); Nguyễn Nhi, Phạm Ngọc Thanh (Tạp chí “Gia Đình Né”); và nhất là Từ Minh Tâm (Trang nhà CHS Trịnh Hoài Đức) với “Blog” hiện hành đúng với 5 chữ “Tâm Tình Của Nguyên Thảo”.
Và tôi cũng mong rằng với những nội dung “Cuộc Hành Trình của Chữ Nghĩa” nầy sẽ có nhiều điều giúp ích được cho các bạn, những người đi sau được vài kinh nghiệm để thực hiện “ước mơ” viết của mình trong tương lai. Tôi xin cám ơn, tri ân những người đã giúp đỡ cùng những ai đã vào đọc, hoặc cho vài ý kiến về các bài viết như là những sự trao đổi tâm tình của những người bạn thâm giao. Và chúc sức khoẻ tất cả mọi người! Thân,
Nguyên Thảo,
12/10/2016.
Subscribe to:
Posts (Atom)