Thursday, October 20, 2016

*Quê Người. (14)



Sang ngày thứ bảy đầu tiên trên đất Úc, sau khi ăn sáng ở căng-tin xong, chúng tôi còn dư một lát bánh mì sandwich nên đem về phòng cho mấy con hải âu ăn. Tôi chỉ mới biết các con hải âu mấy ngày nay vì từ trước đến giờ chưa bao giờ thấy chúng mà chỉ nghe nói đến thôi. Loài chim nầy có bộ lông láng đẹp với hai màu trắng và xám, thân hình gọn gàng, chân có màng nối nhau như các ngón chân của vịt. Chúng lảng vảng đầy khu nầy nhất là khi người ta xé nhỏ miếng bánh mì quăng lên, chúng bay giành nhau la ỏm tỏi, trông cảnh nầy cũng vui. Giữa người và vật như có một sự thân thiện từ lâu. Cảnh nầy khó thấy được ở quê mình! Chim rất dạn dĩ, tôi bắt chước người ta xé một miếng bánh mì nhỏ cầm ở tay đưa lên cao, chim liền bay đến “xớt” một cánh nhanh nhẹn, làm cho mình cũng thấy hay hay. Tôi, Thành, Bác Vỹ, Bác Phương còn đứng bên ngoài phòng gần lộ nói chuyện với mấy người qua cùng chuyến thêm một lúc nữa thì định vào phòng để làm vài công việc, nhưng đúng lúc ấy thì có anh bạn lại đến. Anh bạn hỏi:
-Hôm nay ngày thứ bảy, có chợ “secondhand” có ai muốn đi không?
Chúng tôi ngơ ngác chẳng biết chợ “secondhand” là chợ gì? Bác Vỹ hỏi: “Chợ “secondhand” là chợ gì? Anh bạn trả lời: “Chợ secondhand là chợ bán ngoài trời, bán đồ cũ đó; đến thứ bảy người ta mới bán. Bữa nay có ai muốn đi không”? Bác Vỹ, Bác Phương nói mắc bận không đi. Thành hỏi tôi đi không? Tôi chần chừ không muốn đi vì mình đâu có tiền mà đi chợ, nhưng nghe nói đến chợ bán đồ cũ, ngoài trời thì nghe lạ cho nên cũng tò mò muốn đi cho biết. Ngày xưa khi còn ở Việt nam trước 30/4/75 có lần tôi và vợ tôi đi xuống Sài Gòn đến chợ Khu Dân Sinh Sài Gòn gần chợ Cầu Muối, là nơi bán đồ cũ để cho biết và mua chút ít đồ. Chỉ lần đó thôi, nay lại nghe đến chợ bán đồ cũ mà ở ngoài trời, nên sự tò mò của tôi lại thúc đẩy tôi muốn đi. Tôi hỏi anh bạn: “Chợ ở đâu, xa hôn?”. Anh bạn nói: “Gần đây, khoảng chừng một cây số”. Tôi, Thành quyết theo chân anh bạn đi chợ “secondhand”. Ngày thứ bảy ở nơi nầy xe không nhiều. Tôi thấy lạ quá nói: “Ủa Thứ Bảy mà xe cộ không nhiều he?”. Anh bạn chỉ cười: “Nơi nầy nó vậy!”. Chúng tôi đi băng qua các mấy ngã ba theo sự hướng dẫn của anh bạn. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được chợ “secondhand”. Qua cổng thấy người ta ra vô nhanh nhẹn, người ra thì xách ít đồ, xe cũng ra vô đều đều. Anh bạn dẫn vào đầu hàng: “Rồi ai đi đâu thì đi nhen, nhớ đường về không?”, “Nhớ!”. Thế là mạnh anh bạn anh bạn đi, tôi và Thành cũng đi rảo lòng vòng. Một hồi, tôi thấy chán quá vì mình chỉ “dòm” thôi, chứ có mua được gì đâu, vì có tiền đâu mà mua, nên tôi đòi đi ra, thằng Thành còn muốn đi nữa. Tôi đành ra ngoài đứng nhìn xung quanh, khu chợ nầy lớn thiệt, nhiều hàng bày bán trên quầy có, trên đất có. Nhiều dãy như vậy. Đồ bán đa số đều là đồ cũ, có một số ít đồ mới, giá cả tương đối là rẻ, bình dân, nên người ta đến đây đông thiệt. Đứng một lúc, tôi nghe mỏi chân đành kiếm chỗ ngồi. Có anh bạn Việt Nam nhìn tôi đang ngồi trên đường viền của bồn bông. Như hiểu ý anh bạn rủ tôi đến ngồi chung: “Hình như anh mới qua phải không?”, “Ừ! Mới qua hôm thứ năm vừa rồi”. “Từ trại nào?”, “Mã Lai”. Thế là câu chuyện chúng tôi được tiếp nối của người tha hương với nhau. Anh bạn đến đây được vài năm trước, bây giờ đang làm ở “farm” dâu trên núi, có vợ là người Tây. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Ủa, cái chợ nầy sao có khu đất rất rộng, mà lại có cái màn gì lớn quá chừng ở đằng đó giống như cái màn chiếu bóng vậy mà đất thì không làm cho bằng?”. Anh bạn tôi giải thích: “Đây không phải là chỗ bán chợ mà là một cái sân chiếu bóng ngoài trời. Người đi coi ngồi trong xe hơi. Màn trắng lớn đó là màn ảnh. Người ngồi trong xe đậu trên những vòng mô, có cái loa ở mấy trụ gần đó để người coi nghe âm thanh. Người ta mượn chỗ nầy để bán đồ cũ vào ngày cuối tuần để vừa mua vừa bán cho vui”. Như vậy, tôi cũng hiểu được chút ít về sự sinh hoạt xứ nầy. Đúng là “học một sàng khôn”! Nói chuyện lai rai tôi đang ngồi nhóng thằng Thành.
Bỗng tôi ngạc nhiên, dụi mắt nhìn phía trước, không lẽ là thằng Trọng! Nó tiến gần đến tôi: “Mầy là thằng Thạch phải không? Ủa mầy tới hồi nào vậy? Mầy đi hồi nào? Đi với ai?”. Trọng hỏi dồn dập, tôi không kịp trả lời. Tôi chỉ nói tôi tới đây với thằng Thành, nó hỏi tôi thằng Thành đâu? Tôi chỉ vào trong chợ: “Nó còn lội kiếm cái gì đó, tao lội một hồi chán quá, ra ngồi ở đây đợi nó”. Tôi giới thiệu anh bạn mới quen với Trọng, rồi nói chuyện qua loa. Đúng vào lúc ấy thằng Thành lại ra tới. Trọng hỏi nó mua được gì? Nó nói: “Mua được cái đồng hồ ba đô, tiền ở Besi còn chút ít nên mua cái đồng hồ cho biết giờ”. Trọng nói: “Tao không ngờ gặp tụi bây ở đây?”, rồi câu chuyện xoay quanh tới chuyện vượt biên và những thằng bạn ở Việt Nam. “Thôi ra xe, tao chở về nhà tao chơi, xong chiều tao chở về Pennington”. Pennington ở đây là cách nói tắt của trại tiếp cư, vì nó nằm trong khu vực của khu Pennington. Tôi, Thành, Trọng từ giã anh bạn rồi đi đến chỗ đậu xe của thằng Trọng, cùng nhau lên xe nó đưa về nhà. Lên xe nó hỏi tôi vài điều về thời gian đi vượt biên và đi ở đâu? Rồi nó nói nó mướn nhà ở chung với người bạn, tôi hỏi ai? Nó nói: “Thì với bà Yến chứ ai?”. Yến cũng là cô giáo ra trường sau tôi chừng hai khóa, về Tân Khánh dạy, ở trọ nhà của Bác Tư tôi kế bên nhà tôi, nên cũng chẳng là lạ gì! “Nhưng hồi trước tao nghe nói bà Yến đi phía bắc nước Úc, còn mầy đi phía nam mà, tao lại tưởng mầy ở trên Melbourne, chứ đâu phải ở đây. Ai dè lại gặp mầy ở đây”. Chúng tôi cùng phá lên cười! Trọng nói: “Thôi để tao chạy vòng xuống đây mua vài bịt tép để đem về bà Yến làm bánh tráng ăn”. Nói xong nó lái xe chạy thẳng qua cầu rồi chạy đến một cái tiệm bán đồ câu cá. Tôi, Thành ngồi ngoài xe đợi nó. Khi trở ra nó bỏ mấy bịt tép lên xe rồi nói: “Tép ở đây tụi Tây nó bán để làm mồi câu cá, nhưng gặp mình mua về để kho hoặc làm bánh tráng cuốn ăn chơi” rồi mấy đứa xúm nhau cười!
Về đến nhà, Trọng đậu xe vào chỗ đậu, dẫn tôi, Thành vào một căn phố dưới tầng trệt, vừa vào cửa, thằng Trọng la lớn: “Em ơi! Ra coi ai nè!”. Bà Yến chạy ra: “Ủa, anh Thạch, thằng Thành nữa, qua hồi nào vậy?”. Câu chuyện chúng tôi xoay quanh những vấn đề hỏi han về chuyến vượt biên, lúc nào, ở đâu, đi như thế nào, bao lâu. Mọi chuyện chúng tôi cùng kể cho nhau nghe. Trọng chỉ mấy thùng khá lớn còn dang dở, rồi nói: “Hai bà mệt quá mầy ạ, cứ gởi bên nây một thùng là bên kia một thùng; bên kia một thùng thì bên nây một thùng” rồi tiếp theo “bên nây một thùng, bên kia một thùng; bên kia một thùng, bên nây một thùng”. Tôi nghe đến đây cảm thấy lùng bùng lỗ tai vì điệp khúc của nó, nhưng cũng là một sự rắc rối cuộc đời khi mình phải cưu mang. Không biết đó là điều hay hay là cái nghiệp chướng phải cân bằng khi có đến hai bà. Đây là lần thứ nhì tôi được nghe về trách nhiệm khi có hai vợ. Lần trước, cũng sau thời gian 30/4/75 khi ông Dượng Hai của tôi mất ở xã Bình Chuẩn, trong đêm đó tôi ở lại ngoài đám ma thì có vài ông thanh niên ngồi kể về một lái bò (mua bò để bán) không đẹp người, lại có tiếng nói khao khảo, thế mà cứ mỗi ấp thì ông ta có một bà vợ lại thêm ở xã kế bên có thêm hai ấp nữa, như vậy vị chi ông ta ở với sáu người đàn bà hay là sáu bà vợ. Mấy ông thanh niên khen đáo để. Ngồi trong bàn có ông Năm Đổi không nói gì. Hồi lâu, ông hỏi: “Vậy tôi hỏi mấy chú, ổng hay hay dở?”. Mọi người đều nói : “Hay, không hay làm sao được như vậy!”. Tôi ngạc nhiên khi ông Năm Đổi phân tích: “Tôi nói thiệt với mấy chú, không hay đâu. Mấy chú biết mà, tôi có hai vợ chứ. Một tuần tôi phải đạp xe xuống bà nhỏ một lần. Ở bên nây mấy ngày, sang bên kia mấy ngày, rồi còn nhiều chuyện khác mệt lắm. Tôi nói như vầy cho mấy chú biết. Giả sử như tôi có tiền mua được một kí thịt. Nếu đem về một bên hết thì không được, mà chia đồng hai bên thì mỗi bên chẳng được bao nhiêu. Khó xử lắm mấy chú à!”. Mấy ông thanh niên ngồi êm ru, bàn sang chuyện khác. Còn tôi được học bài học đầu tiên, hôm nay thằng Trọng dù không nói gì, nhưng qua câu chuyện khiến cho tôi có nhiều suy nghĩ. Tôi thương con thì tôi phải định được hướng mình sẽ đi trong tương lai!
Chị Yến đã luộc bún, tép, làm nước mắm xong xuôi. Trọng đi lấy bánh tráng để nhúng, rồi bọn chúng tôi cùng Cô Hường (vợ Kiệt) là gia đình qua chung một chuyến bay với Trọng cũng từ Sungai Bési sang, cùng chia phòng nhau khi mướn căn phố nầy. Phố lầu được gọi là “Flat”, căn nhà nầy gọi là “Unit”, có hai phòng ngủ. Vợ chồng Kiệt và đứa con một phòng; Trọng, Yến một phòng để cho nhẹ tiền. Ăn xong, chúng tôi còn ngồi lại tâm tình khá lâu vì lâu ngày không gặp lẫn nhau dù chưa đầy một năm, nhưng có rất nhiều chuyện biến đổi lớn trong cuộc đời! Trọng kể: “Sáng hôm nay thức dậy nghe mệt mỏi không muốn đi làm, cho nên tao nói với bà Yến bữa nay nghỉ. Không biết làm gì nên rảnh rang đi ra chợ trời mua vài con chim nuôi chơi”. Hèn chi, khi từ trong chợ trời ra, Trọng xách cái lồng có hai con chim nhỏ.
Mãi đến gần 5 giờ, Trọng chỡ tôi và Thành về Pennington để chúng tôi sửa soạn đi căng-tin ăn bữa ăn chiều. Ở đây, xã hội cấp tiền hàng tuần khoảng gần 62 đô nhưng ăn uống, tiền mướn người dọn dẹp phục vụ cho chúng tôi, tiền ở, điện nước sẽ khấu trừ vào số tiền phụ cấp, còn dư ở văn phòng sẽ phát cho chúng tôi sau, khi đúng được một tuần. Đó là giúp cho người mới tới trong tuần đầu tiên, chứ đúng ra phải là mỗi 2 tuần mới được lãnh tiền!

Nguyên Thảo,
20/10/2016.



No comments:

Post a Comment