Wednesday, October 12, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" đến "Blog". (Tiếp theo và Hết)



Đoạn đường viết của tôi cũng trở nên kéo dài, cứ hết cái nầy lại kéo qua cái khác; và cứ thế mà tôi “phát ngây” theo đuồi, giống như người chơi trong một cuộc chơi “đuổi bắt”: Khi bắt được cái nầy lại nẩy sinh ra cái khác, vì vậy mà tôi phải dành ra chút ít thì giờ để diễn giải những điều mà mình ghi nhận được, thế là một bài khác được thành hình. Cứ tiếp tục như vậy mãi, mà tôi trở nên “ghiền”, thôi thì bỏ ra khoản thời gian ngắn nào đó mà mình có thể trao đổi vài kinh nghiệm cùng với bạn bè, đồng môn cũng hay; đồng thời nó cũng giúp mình thực hiện được ý tưởng vào thời xa xưa: Viết để vạch trần những thói đời trong xã hội để mọi người xem chơi! Rồi, khi những chuyện “Tào lao thế sự” chưa chấm dứt, thì tôi lại nhớ đến một chuyện quan trọng khác của chính mình, đó là chuyện tôi phải “lưu lạc” trên xứ người. Nó quan trọng không phải là cho chính tôi, mà sự quan trọng đó là cho con, cháu, và những thế hệ về sau của nhà tôi. Tôi phải viết để cho chúng biết tại sao tôi đi khỏi đất nước, cuộc hành trình lưu lạc như thế nào để ngày nào đó chúng muốn biết lai lịch của chúng thì chúng có thể hiểu được chút nào: Vì vậy mà “Xứ Người” được ra đời. Tôi sẽ cố gắng diễn giải mọi sự thật trong cuộc sống hàng ngày trên bước đường lưu vong, lẫn ở nơi xứ người, cùng nêu lên sự khác biệt với quê hương như làm một cuộc tổng hợp để đúng là một “tài liệu” cho riêng gia đình, đồng thời để mua vui cho người đọc khi có dịp đọc đến. Tất nhiên những điều được tôi ghi nhận không phải là chính xác, tôi chỉ viết trên những gì trên thực tế, chứ mực độ chính xác về luật pháp hay tổ chức thì chắc hẳn là không (vì tôi không đủ trình độ để nghiên cứu về cách tổ chức trên xứ người). Điều nầy theo dự trù của tôi nó sẽ kéo dài đến khi gia đình tôi được đoàn tụ mà có thể sẽ kéo xa hơn chút ít không chừng. Khi viết “Xứ Người” tôi phải moi trong ký ức của mình theo một thời gian thật dài và trả lại những sự kiện trong đúng hoàn cảnh của nó, cũng như những suy nghĩ của tôi trong thời điểm ấy!
Đã thế, tôi lại gặp một sự kiện khác làm cho mình thêm bận rộn để viết: Vốn trong kỳ nghỉ học kỳ của mấy đứa cháu, cha mẹ chúng tổ chức chuyến đi chơi ở vùng Mount Gambier thuộc vùng đông nam của thành phố Adelaide của Tiểu bang Nam Úc. Vợ chồng tôi tùng đi theo vui cùng các cháu. Trong chuyến đi ngay vào mùa Thu, cảnh sắc dọc đường rực rỡ, tôi có vài gợi ý để cháu tôi có nhận xét về lá cây vào mùa Thu, từ đó manh nha ý tưởng sẽ viết về chuyến đi để kỷ niệm cho các cháu tôi. Nhưng khi đến thăm hang động ở Naracoorte, thì hang động nầy đã được công nhận là “Di sản thiên nhiên” của Thế giới cùng với một khu vực rộng lớn gọi chung là vùng đá vôi nằm trải dài từ Tiều bang Nam Úc sang lãnh thổ của Tiều bang Victoria. Vào khoảng năm 2000 chúng tôi đã có đến đây một lần nhưng thuở đó chưa được đưa vào danh sách “Di sản Thiên Nhiên của Thế Giới” cho nên đi xem như là những thắng cảnh thông thường, và lúc đó tôi cũng chưa biết về những đặc điểm khác biệt của nó. Nhưng với chuyến đi lần nầy, tôi lại biết thêm nhiều điều qua vài tài liệu, cho nên ý tưởng cần viết lại được thúc đẩy mạnh hơn: Làm “Một công đôi ba chuyện” vậy! (Kỷ niệm, du lịch, kiến thức).
Vì thế khi xong chuyến đi, về nhà tôi soạn lại để bắt đầu cho một cuộc hành trình mới trên trang blog. Tuy nhiên, “Chuyến Đi Vùng Đá Vôi” phải trì hoãn lại vì hai ngày sau tôi phải “Làm Một Chuyến Đi” vào trong chính giữa lòng nước Úc: Nơi có hòn đá Uluru, còn gọi là Ayers Rock cũng là một Di sản Thiên Nhiên khác của nước Úc. Cái ưu thế trong việc ghi lại của tôi chính là cái máy quay phim, nhiều cảnh nhiều nơi quá khiến mình khó nhớ hết được, nhưng vì tôi muốn ghi lại những hình ảnh trong chuyến đi để ngày nào đó mình cảm thấy buồn buồn mở ra ngồi coi lại; cho nên cái máy quay phim luôn có trong các cuộc hành trình của tôi, vì thế với những hình ảnh đó đã giúp cho tôi viết lại thành bài được nhiều chính xác và thứ tự hơn.
Theo như lúc trước tôi có viết rằng: “Tôi không có khiếu viết về du lịch”, nhưng với những lần nầy tôi cố gắng vì “kỷ niệm” cho các cháu, cũng như để cung cấp một ít tài liệu cho độc giả cùng mình được hiểu thêm, tôi đành gắng sức để làm thêm tiêu đề về “Du lịch” nữa. Đây là mục mà chiếm nhiều thời gian nhất của tôi vì nó cần những tài liệu để làm phong phú cho chuyến đi cũng như để độc giả vừa đọc giải trí, đồng thời được hiểu biết thêm chút ít nào về những nơi ấy; nhưng khổ nỗi vốn ngôn ngữ của tôi lại chẳng là bao nhiêu, nên tôi đành phải “vượt khó”!
Thế rồi cái gì cũng lần lần được qua đi, hết chuyến nầy lại đến chuyến khác. Ghi lại các cuộc hành trình để chia sẻ cùng với độc giả, bạn bè mà thôi! Đến nay thì những đoạn đường đi qua ở Mỹ cũng như hiện tại là ở “Vùng Bắc Úc” đang được ghi lại để “cùng nhau chia sẻ mà vui”!
Có lẽ, đối với tôi, “Hành trình chữ nghĩa” nầy đến nay là quá dài vì khởi thủy tôi vốn không có khiếu về “văn chương” như tôi đã biết về khả năng của chính mình, cũng như vào thời lớp Đệ Tam (lớp 10 về sau nầy) ông Thầy phụ trách về “Báo Xuân” đã nhận xét bài tôi chỉ vào dạng của lớp nhỏ hơn viết mà thôi. Nhưng chỉ vì trong cơn bệnh với nhiều suy nghĩ làm rối trí, tôi cố gắng ổn định tinh thần bằng cách định tâm. Không ngờ lại đưa tôi vào cái hình thức của những người hành Thiền áp dụng, để có những diễn tiến mà tôi hiếu kỳ theo đuổi. Sự liều lĩnh theo đuổi ấy làm cho tôi khám phá nhiều điều giống như là ảo tưởng. Chính vì “Sự ảo tưởng” ấy mà tôi phải đi tìm cho ra “Lẽ Thật”. Do vậy, sau nhiều suy nghĩ, tôi nghĩ rằng Đức Phật đã ngồi Thiền để rồi sau đó Ngài nói lên cái giáo thuyết của Ngài, thì cái tôi “thấy” trong sự Định Tâm của mình phải có nhiều điều giống nhau, hoặc phải có những điểm chung nào đó mà những người “hành Thiền” có thể thấy biết. Với sự thôi thúc từ trong Tâm, tôi cố gắng ghi lại và đúc kết thành bài đầu tiên (“Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền”) được đưa lên báo và phổ biến ra công chúng ở tại một địa phương nhỏ với cộng đồng người Việt lúc đó chỉ trên dưới khoảng 10 ngàn người. Tất nhiên số người đọc hiểu bài ấy cũng chẳng là bao nhiêu, nhưng tôi đã làm một công việc là “Trả được món nợ về Tâm Linh”. Dù bài đầu tiên đó được phổ biến rồi, tôi vẫn lo ngại vì sự đúc kết vắn tắt có thể sai lầm, cho nên tôi đợi có dịp để tường trình các diễn tiến của sự kiện, nguồn gốc ra đời của bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền” ấy; đó là bài “Sự Huyền Nhiệm Về Tâm Linh” về sau. Khi bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” được phổ biến rộng rãi thì tôi đã thấy yên tâm và tôi nghĩ chỉ còn tùy vào sự nhận định của người đọc để định cho mình phương hướng mà thôi, và “cái viết” của mình sẽ không còn lâu nữa!
Nhưng rồi lại với một điều khác, vì tôi chưa thỏa mãn với những Tâm Linh của mình, cho nên tôi nhất quyết phải tìm sâu hơn nữa để giải thích cho được thỏa đáng những “Kỳ lạ” mà tôi đã thấy trong cơn “mơ màng” khi tìm cách “Ổn định tinh thần” vào thuở bệnh hoạn. Thế là tôi tìm học giáo lý của nhà Phật để có thể đọc được các Kinh Phật, và rồi tôi ráo riết tìm đọc trong các Kinh Phật để tìm xem “Những điều kỳ lạ” ấy có trong đó hay không? Càng đọc Kinh Phật tôi lại hiểu thêm được nhiều điều qua “Các điều kỳ lạ” của tôi. Từ đó tôi đã ghi lại qua các bài viết “Về Đạo Phật” mà tôi đã gởi đến trang nhà “Đạo Phật Ngày Nay” để đăng tải, phổ biến.
Nhưng dù như vậy vẫn chưa đủ đối với tôi, tôi quyết phải đi tìm một lẽ thật ở vài tôn giáo khác nữa. Đối với tôi những tôn giáo về “Thần Thánh” không cần phải tìm hiểu vì đa số chúng thoát thai từ những câu chuyện Thần Thoại mà ra. Mà những câu chuyện Thần Thoại được “Con người có trí khôn” sáng tạo ra dù ở bất cứ nơi đâu hay bất cứ sắc tộc nào, cho nên tôi đi thẳng vào Kinh Thánh là Kinh điển của vài tôn giáo lớn và phát triển mạnh nhất trên thế giới để tìm hiểu và tìm xem có những điều mà tôi được chiêm nghiệm hay không?
Tôi không tìm được những điều mà tôi muốn trong Kinh Thánh, cho nên tôi lại định “ngấu nghiến” năm sách đầu của Cựu Ước được xem là những điều “mặc khải” từ Đức Chúa Trời để xem sao mà thôi. Nhưng tôi thấy chúng cũng không ra ngoài “sự tưởng tượng không hợp lý” của con người, nên tôi chỉ ghi lại hai bài đầu tiên là “Sáng Thế Ký” và “Ê-Díp-Tô ký” còn “Dân Số Ký” chỉ để dành riêng cho dân Do Thái  nên tôi không cần ghi lại. Sau đó, tôi sang qua bốn Tin Mừng của các vị Thánh đã kể về Chúa Jesus, tôi cũng chẳng tìm thấy được điều gì của minh “cảm nhận” trong đó, mà lại còn nẩy ra nhiều điều “khác lạ” vì thế mà tôi có thêm vài bài viết khi “Tôi Đọc Kinh Thánh”. Đó là những bài tôi nhận xét, phân tích khách quan, dựa đúng theo hoàn toàn nội dung của Kinh Thánh để mọi người xem chơi “Kinh Thánh là như thế đó”! Tôi đã gởi đến cho Trang Sách Hiếm để phổ biến với bút hiệu là “Gã Học Trò”. Nếu bạn muốn tìm đọc để xem chơi cho biết thì cứ vào Trang Sachhiem.net, phần phía trái ở trên có tên các tác giả và có phần “Tác giả thân hữu” bạn bấm chuột vào chữ “G”, sẽ có “Gã Học Trò”, bấm vào Gã Học Trò sẽ có các bài ấy.
“Hành trình chữ nghĩa” của tôi cứ thế đi xa hơn, từ đề mục nầy đến đề mục khác đều do “cơ duyên”, “không hẹn mà đến” từ thơ cho đến văn vẫn đều là như vậy!
Với trình độ học của tôi không cao, khả năng tôi không có, tôi không dám làm việc gì lớn, nhưng cơ duyên đã thúc đẩy khiến tôi “viết”. Và tôi đã viết, nên cái viết nầy tôi không bao giờ nghĩ là của tôi, vì vậy tôi “đành viết theo những cái gì của riêng mình như là kỷ niệm, nhưng trong cái viết ấy phải có cái chung của con người, của môi trường xã hội mà con người sinh sống”. Những yếu tố ấy hoà quyện đã kết hợp và sản sinh ra Nguyên Thảo, Đồ Ngông và Gã Học Trò; “Tuy ba mà một, tuy một mà ba”!
Tôi viết “Cuộc Hành Trình Của Chữ Nghĩa” nầy như là một thời kỷ niệm để ghi lại: Vì sao tôi viết? Khởi đầu và những cơ duyên tôi viết từ ngày đầu và đến những thăng tiến xa hơn? Vì sao tôi đi vào các đề mục như thế? Và tôi đã được nhiều người tạo cơ duyên để từ “Bản Tin Nông Gia” rồi tiến đến “Blog”, cùng để tri ân những bằng hữu đã giúp tôi rất nhiều trên các chặng đường như Huỳnh Văn Hiệp (Bản Tin Nông Gia); Nguyễn Văn Lộc (Nam Úc Tuần Báo); Lê Văn Vinh (Nhân Viên Cộng Đồng); Nguyễn Văn Sơn (Đại diện các báo Dân Việt, Việt Luận); anh Dũng (báo Việt Luận); Vũ Ngọc Kha (Adelaide Tuần Báo); Nguyễn Nhi, Phạm Ngọc Thanh (Tạp chí “Gia Đình Né”); và nhất là Từ Minh Tâm (Trang nhà CHS Trịnh Hoài Đức) với “Blog” hiện hành đúng với 5 chữ “Tâm Tình Của Nguyên Thảo”.
Và tôi cũng mong rằng với những nội dung “Cuộc Hành Trình của Chữ Nghĩa” nầy sẽ có nhiều điều giúp ích được cho các bạn, những người đi sau được vài kinh nghiệm để thực hiện “ước mơ” viết của mình trong tương lai. Tôi xin cám ơn, tri ân những người đã giúp đỡ cùng những ai đã vào đọc, hoặc cho vài ý kiến về các bài viết như là những sự trao đổi tâm tình của những người bạn thâm giao. Và chúc sức khoẻ tất cả mọi người! Thân,

Nguyên Thảo,
12/10/2016. 




No comments:

Post a Comment