Saturday, September 24, 2016

*Quê Người. (13)



Đoàn hoàn tất thủ tục hải quan ở phi trường và trong visa đã được đóng dấu cùng ghi ngày nhập cảnh vào nước Úc với tính cách là “Thường trú nhân” vào ngày 15/03/1984, thì khi vừa ra cửa chúng tôi gặp ngay người đại diện cho Sở Di Trú và cũng là thông dịch đón ở đó. Nếu tôi nhớ không lầm đó là anh Kim, người cao ráo trắng trẻo khá đẹp trai. Anh vui vẻ hướng dẫn, chào đón mọi người, rồi đưa chúng tôi ra xe buýt lớn để về trại tiếp cư.
Tôi nhớ mãi về buổi sáng hôm ấy: Trời mưa lâm râm, bầu trời mù mù đầy mây. Xe chạy trên con đường vắng vẻ, không biết lúc đó là mấy giờ mà sao con đường vắng quá, bên đường thường có nhiều quầy nhỏ để bông, cà, trái cây, không có người bán mà chỉ có cái lon đựng tiền để đó. Tôi lại nhớ đến câu mà cô Giang đã nói: “Mấy ông mà đến Adelaide giống như đi vào Viện Dưỡng Lão”, rồi tôi lại nhìn sang Cô Giang!
Xe chạy qua nhiều con đường cũng không có nhiều người hay xe cộ, trời vẫn mưa lâm râm; con đường nhựa vẫn là bóng láng. Cuối cùng xe đi vào một khu đất rộng với nhiều khoảng trống xen với nhiều khu nhà ở kiểu tiền chế. Xe ngừng hẳn ở trước một văn phòng và bà ra tiếp chúng tôi là người Úc khá mập được giới thiệu là Taylor. Bà là nhân viên Hoạt động xã hội (Social Worker) phụ trách làm thủ tục ở đây. Nhiều người đứng bên ngoài nhìn chúng tôi như là “những người mới đến” và có thể họ đang xem ai trong đoàn có quen với họ không? Nhưng trước tiên chúng tôi được Bà Taylor chào mừng khi đến nước Úc với những lời tâm tình ngắn được thông dịch, rồi sau đó là nhận danh sách nơi ở cùng người hướng dẫn dẫn về nhận phòng để trú ngụ trong thời gian đầu trong trại tiếp cư nầy. Tôi và Thành ở phân nửa nhà vòm phía bên ngoài và Bác Vỹ cùng Bác Phương phân nửa ở bên trong. Mỗi phòng có hai cái giường chiếc có đủ nệm, ra, mền và có bàn ghế để ngồi sinh hoạt hay nói chuyện với khách. Nhưng cái quan trọng không thể thiếu là lò sưởi điện. Sau khi cất đồ đạc xong (mà có đồ đạc gì đâu để cất!) thì tôi, thành, Bác Vỹ, Bác Phương kéo nhau lên nhà ăn để ăn sáng và chúng tôi sẽ được tập trung vào hội trường làm việc để làm các thứ giấy tờ vào lúc 10 giờ. Tôi cũng đứng vào hàng để tuần tự lấy thức ăn. Mọi thứ đều lạ lẫm, chúng tôi phải nhìn người khác làm để bắt chước ngay cả các món ăn cũng phải dùng thế nào cho đúng. Ở hội trường chúng tôi được hướng dẫn làm giấy tờ cá nhân như về thẻ khám bệnh, giấy tờ trợ cấp từ an sinh xã hội. Thời giờ còn ít cho nên chúng tôi được nghỉ để đi ăn trưa ở căng-tin rồi sẽ trở lại hội trường làm vài thủ tục khác vào lúc 2 giờ. Về phòng tôi được nghỉ ngơi thoải mái trong vài tiếng đồng hồ, còn Thành thì đi rảo trong khu vực, đến những người đã quen. Đúng 2 giờ chúng tôi tụ tập tại hội trường để làm thêm thủ tục nhập học vào các lớp Anh Văn; lớp học về đời sống mới tức là lớp học cho biết cách sống của ngưòi Úc để thích ứng vào đời sống ở xứ nầy; lịch trình khám bệnh tổng quát. Kiểu cách đầu tiên được in vào tâm trí của tôi lại là phong cách làm việc của những nhân viên ở đây: Họ rất vui vẻ, nhã nhặn, tử tế, tươi cười chứ không có tính cách hoạnh hẹ, cau có, gắt gỏng như ở bên mình.
Thế là chúng tôi có được một ngày với nhiều công việc để làm cho các thủ tục giấy tờ cần thiết của một người dân trên xứ Úc. Thế mà cũng chưa đầy đủ, nên còn phải làm thêm một số việc vào ngày hôm sau.
Căng-tin được mở cửa cho buổi ăn chiều từ lúc 5 giờ cho đến 7 giờ, cho nên những người trong trại tiếp cư không phải vội vàng, họ có thể bận công việc hay đi đâu đó có thể đến trễ miễn là trước giờ đóng cửa.
Chiều đến có một số người đi vào trong trại tiếp cư để tìm xem có người thân nào đến không, đồng thời gặp vài người để hỏi thăm, nói chuyện chơi sau một ngày làm việc mệt nhọc. Người mới đến cũng mừng và người cũ cũng vui vì “tha phương” mới có dịp gặp nhau. Họ nói ngày mai có cuộc biểu tình ở ngoài “city” (tức là ở ngoài trung tâm của thành phố), Bác Vỹ mới hỏi họ “biểu tình gì?”, thì họ cho biết là “biểu tình để chống ông Ngoại trưởng của Việt Nam là ông Nguyễn Cơ Thạch đến Úc, ở Thủ đô Canberra”, nhưng Cộng Đồng ở đây cũng tổ chức biểu tình phản đối ở tại Thành phố Adelaide. Họ hỏi đi không? Bác Vỹ nói rằng: “Ngày mai bọn tôi còn phải làm thêm vài thủ tục giấy tờ nữa”! Những câu chuyện hàn huyên cũng kéo dài hơi khuya, nhưng các vị khách cần về để sáng mai còn phải đi làm. Họ về nhưng cũng không quên hứa hẹn dịp nào rảnh sẽ vào thăm.
Đêm này có lẽ là đêm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi vì chuyến đi của tôi đã được hoàn tất. Tôi đã đến nơi đến chốn một cách đầy may mắn, nhất là đối với người mà không đủ điều kiện nào để làm một chuyến vượt biển như tôi; và hơn nữa lại xuất phát từ một vùng đất nằm trong giữa đất liền rất là khó khăn cho cuộc hành trình. Tôi có thể mừng cho chính mình nhưng những điều khác lại làm cho tôi có nhiều lo âu trên vùng đất mới. Nơi nầy dù xa lạ nhưng lại cho tôi một tình thương ấm nồng hơn là nơi “đất tổ quê cha”, nơi mà người ta coi tôi như là một thành phần “không được tốt”, cái “thành phần” nầy sẽ ảnh hưởng đến bao đời con cái của tôi!
Tôi nằm nhìn lên trần nhà mà suy nghĩ và cùng những điều cần làm tiếp theo: Trước hết là đối với vợ con tôi! Và tôi sẽ phải làm gì đối với những ngày kế tiếp. Tôi không thể lượng định được điều gì, vì ngay với bản thân tôi phải còn ứng phó với rất nhiều khó khăn. Đêm khá lạnh, chiếc sưởi điện nhỏ hừng nóng, thằng Thành đang lui cui soạn lại những thư từ mà những bạn bè ở Sungai Besi đã nhờ gửi đến người thân quen ở các nơi hoặc gia đình ở Việt Nam. Hôm nay là ngày 15/03/1984 đánh dấu ngày đầu tiên mà anh em chúng tôi đặt chân lên xứ Úc để định cư và sống đời lưu vong trên “Xứ người”!
Sáng hôm sau Bác Vỹ và Bác Phương đã dậy sớm và lúc gần 8 giờ hai bác gõ cửa chúng tôi rủ đi ăn sáng. Vì mệt quá, hơn nữa hồi hôm mãi đến khuya mới ngủ cho nên khi nghe tiếng gõ cửa tôi mới thức dậy và nói hai Bác lên căng-tin trước rồi chúng tôi sẽ lên sau. Sau khi đánh răng, rửa mặt ở phòng giặt, tắm gần chỗ ở rồi tôi và Thành mới lên căng-tin. Đã có nhiều người kể cả các sắc dân khác đã đến trước ăn ở đó. Lấy thức ăn xong tôi đến ngồi bên bàn Bác Vỹ, Bác Phương. Bác Vỹ hỏi tôi có tính gì chưa? Tôi đành trả lời ỡm ờ: Chưa tính gì cả, còn lạ quá chưa biết thế nào mà tính. Chắc phải viết thư về nhà nhờ gởi giấy tờ qua rồi làm hồ sơ bão lãnh! Còn mọi chuyện khác thì bây giờ đành chịu, phải “hạ hồi phân giải” thôi! Chắc lo học Anh Văn trước rồi mới tính được! Còn Bác và Bác Phương thì sao? Những câu chuyện xoay quanh trong một tình thế mới được chúng tôi bàn đến, nhưng mọi sự vẫn chưa quyết định được, đành phải đợi thời gian. Bây giờ chúng tôi được tạm yên trên xứ người. Trại tiếp cư nầy (“hostel” chứ không phải là “hotel”) tạm là nơi ở trong thời gian đầu nầy, nhưng nó vẫn hơn là ở trong trại tị nạn và thân phận của chúng tôi đã ổn định chứ không còn “lông chông, linh chinh”: chỗ ngủ, thức ăn, rồi tiền nong thì được sự trợ cấp của chính phủ hàng hai tuần để trả chi phí và tiêu xài, mai đây lại được tham dự vào khoá học Anh Văn để có số vốn ngôn ngữ cho sự giao tiếp trong tương lai. Còn mọi chuyện khác sau nầy sẽ tính, mình lo cho thân mình trước đã!
Đến 9 giờ 30, Bác Vỹ, Bác Phương, tôi, Thành cùng những người qua cùng chuyến bay ngày hôm qua phải đến Hội trường để làm thêm một số giấy tờ về ngân hàng và mở trương mục, cùng những giấy tờ cho các thủ tục linh tinh khác. Kể như những thủ tục cho một thường trú nhân trên đất Úc chúng tôi đã làm xong và chỉ chờ nhập học cho các khóa Anh Văn và đời sống mới tức được hướng dẫn sơ qua về cách sống và giao tiếp ở trên đất Úc để mình không bị bỡ ngỡ.
Sau khi xong, chúng tôi ra ngoài thì có ông anh từ bên ngoài đi vào gặp tôi, Thành, Kim và Liêm nói chuyện với nhau. Anh tự giới thiệu là An đến đây nay đã mấy năm, nay hưỡn đãi nên vào trong trại tiếp cư Pennington nầy tìm xem có người quen hay không? An biết chúng tôi chỉ mới đến vào ngày hôm qua nên ngõ ý chỡ chúng tôi về nhà và khoản đãi bữa ăn trưa. Trước khi về nhà An chỡ chúng tôi đến Bưu Điện để Thành, Kim, Liêm gởi những thư từ mà người ở trại đã nhờ để gởi đến thân nhân; đồng thời đưa chúng tôi đến tiệm bán quần áo cũ đối diện với ngân hàng để chúng tôi biết mà sau nầy cần mua thứ gì để mặc thì đến đó, rồi lại chỡ chúng tôi đến một tiệm khác trước khi đưa chúng tôi về nhà. Nhà của An cũng khá xa, đi xe khoảng 20 phút. Về đến nhà An giới thiệu vợ con, ba vợ, rồi nói vợ lo bữa cơm. An chỡ chúng tôi lòng vòng trong khu vực cho biết.
An đưa chúng tôi về đến Pennington cũng khoảng 3 giờ rưỡi, rồi trở về để đi làm ở hãng vào ban đêm.

Nguyên Thảo,
21/09/2016.


No comments:

Post a Comment