Tuesday, September 6, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" đến "Blog". (5)



Trong cuộc đời người ta thường hay gặp những bước ngoặc để có các biến chuyển từ hướng nầy sang hướng khác, đôi khi không định trước, thì vào cuối năm 2005 tôi cũng gặp một sự việc làm cho tôi thay đổi quan niệm sống, làm việc của mình chút ít. Vốn là vào thời gian ấy, thời tiết thay đổi khiến lượng mưa rất nhiều, đến đỗi những hồ nước lớn chứa nước trên núi nhằm cung cấp nước xài cho nhà dân chúng ở các vùng dưới thấp bị nguy cơ vỡ đập, cho nên người ta xả nước. Lượng nước đổ ào ạt nhưng dòng sông nhỏ với nhiều cây cối mọc dưới lòng sông cản bớt lại nên nước phá vỡ bờ đê chảy vào trong phố chợ. Để tránh thiệt hại lớn, người ta mở đường cho chảy về vùng làm nông. Thế là khu vực của tôi canh tác bị nước tràn qua, ngập lênh láng trong vài tuần lễ, vì vậy sự thiệt hại mùa màng của khu vực cũng là đáng kể. Tôi bị trắng tay mặc dù cây trái mùa ấy tương đối là tốt, trái khá nhiều. Chính quyền Tiểu bang có trợ giúp cho chúng tôi một số tiền để chuẩn bị lại mùa vụ sau khi ngập chết, cùng giúp cho trợ cấp để sinh sống. Sau đó, tôi trồng lại một ít cà trái nhỏ. Cuối mùa, vài bạn bè lại tính nghỉ đi “holliday” (đi chơi). Tôi suy nghĩ rồi bàn với vợ: “Từ xưa đến giờ mình cứ cố gắng làm để góp vốn, nhưng cứ mỗi lần được chút ít tiền thì cũng đều có chuyện để phải tiêu xài, đến khi hết thì thôi, cho nên kỳ nầy: Thôi thì hết, cứ cho hết luôn”! Thế là kế hoạch “đi chơi” được lên lịch sẵn sàng. Và vào tháng 5/2006 vợ chồng tôi cùng anh chị Chín Sáng, Bảy Gàng cùng về Việt Nam và đi các “tour” du lịch với Saigon Tourist: Đi Quy Nhơn, Thái Lan, Trung Quốc, Kampuchia, Vịnh Hạ Long- Sapa, Huế, Hội An- Đà Nẵng, Miền Tây, Đà Lạt. Lúc đó, tôi chẳng có ý nghĩ gì về việc “ghi chép’ nào cả, chỉ tính đi là đi chơi cho thoải mái thôi.
Sau đó hai năm, với sự đồng tình từ anh chị Bảy Gàng, anh chị Năm Chỉ, Tư Quyến, Chín Thôi cùng cô Hi (em vợ tôi) và đứa cháu Anh Thư cùng nhau lại về Việt nam và làm một cuộc đi dài nữa. Lần nầy chúng tôi lại gắn kết bên Viettours Travel.
Bắt đầu từ ngày 22/5/2008 chúng tôi khởi hành cho chuyến “Xuyên Việt” từ Nam ra Bắc, lúc đầu tôi cũng chưa hề có ý niệm gì về việc ghi lại cho một chuyến đi. Chuyến đi khởi đầu từ Thành phố đi ra Nha Trang, chúng tôi bỏ đi Phan Thiết vì phải rút lại vài nơi do không có nhiều thời gian. Mãi đến khi rời Quy Nhơn, nhân trên đường đi ra Đà Nẵng trời trưa nắng, có vẻ chói chang khiến mọi người yên lặng, buồn ngủ; lúc đó tôi bỗng có ý nghĩ làm bài thơ chơi chơi để gọi là vui với những anh chị trong đoàn. Bài thơ ấy có tên là “Nẽo Đường Thiên Lý”:
Cháu Trọng (Tài xế), cháu Đình (Hướng dẫn viên) với ta đi
Hành trang thiên lý, quá mươi người
Một đoàn lữ thứ Nam ra Bắc
Dong ruổi nẽo đường, một thuở (chuyến) đi!
Do tính cách “Vui chơi và hơi tếu” nên tôi ghi ở dưới là Đồ Ngông. Rồi khi ở nơi nhà hàng “Gióng biển” tôi lại gặp ông anh từ Thanh Hóa trở vô khiến tôi làm bài thơ “Gặp Nhau” và nhất là khi đi chợ mà bỏ quên cái “bóp” (ví) giấy tờ ở phòng, thật là hồi hộp, lo âu nên có bài thơ “Bỏ Quên”. Thế là từ đó là tác nhân (duyên khởi) cho loạt bài thơ ngăn ngắn du lịch được ra đời mà sau nầy tôi đặt cho cái tên là “Thơ Đó, Thơ Đây” vì thơ thể hiện ở nơi nầy, rồi lại được làm ở nơi kia. Loạt thơ nầy được thành hình theo bước chân của tôi đi, có lẽ được khởi đầu từ Đà Nẵng trước rồi đến Huế, Bến Hải, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, rồi đi đến Ninh Bình, Hạ Long, Cát Bà.
Trong đợt nầy Thơ lại theo tôi đi Phú Quốc, sang đảo Jeju, Seoul (Đại Hàn), rồi qua đến Mã lai và sang Singapore. Nhân đó tôi quay lại chuyến đi ở Việt Nam vào hai năm trước mà ghi lại bằng những bài thơ về miền Tây. Đa số các bài thơ ấy đều ngăn ngắn, vì sau nầy tôi không thích làm thơ dài nữa mà chỉ ngắn gọn thôi, để người đọc không phải mệt mỏi do sự kéo dài lê thê, chắc cũng là bỡi nơi cái “lười” của tôi.
Khi kết thúc những bài thơ về Singapore thì tôi bỗng dưng nhớ lại: Mình làm những bài thơ ấy để làm gì, làm để cho mình làm kỷ niệm thì cũng tốt, nhưng mấy ai ra ngoài, đến nơi đó để nghĩ về bài thơ của mình. Thế là tôi không làm nữa, kể cả những chuyến đi về sau nầy.
Cũng trong đợt đi năm 2008, trước khi kết thúc thời gian để về lại Úc, vợ chồng tôi cùng anh chị Bảy Gàng, chín Thôi làm một chuyến lên Tây Nguyên: Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kontum vào vùng Ba Biên Giới, nhưng vì quên đem theo Thông Hành nên chúng tôi đành dừng chân lại ở Cửa Khẩu Bờ Y, đó là lý do của những bài thơ về Tây Nguyên được ra đời.
Dần dà tôi gởi các bài thơ đó đến nhờ Từ Minh Tâm để chuyển lên Blog dùm tôi để những ai thấy đọc chơi cho vui, vì lúc đó tôi chưa biết cách để đưa bài lên. Một ngày tôi nhận email của Tâm: “Bao giờ anh mới làm thơ về Bình Dương đây?”. Đọc những lời ấy tôi thấy mình “cũng nên”. Vì thế tôi đành ngồi nhớ lại Bình Dương ngày xưa để tạo thành những vần thơ về quê hương mình; tất nhiên Bình Dương ngày nay tôi không biết được bao nhiêu rồi! Cũng còn may, mọi kỷ niệm thời thơ ấu lại quay về, mà kỷ niệm ấy được trải dài từ Tân Khánh để lên Tân Uyên và đi lên tận trên Phú Giáo; phối hợp cùng những kỷ niệm lúc theo Thái Văn Tâm lên Bình Long để khi ra trường nếu một mai mình có chọn về dạy trên Bình Long thì không bị ngỡ ngàng. Nhưng tôi đã không lên Bình Long mà lại còn có cơ hội được ở Bình Dương để rồi về Dầu Tiếng, vì vậy mà vùng phía Tây Bình Dương tôi lại được dịp để ghi nhớ. Đến sau nầy tôi về trường thuộc quận Lái Thiêu, và khi thời cuộc thay đổi, Lái Thiêu cùng Dĩ An nhập chung lại lấy tên là huyện Thuận An nên tôi cũng hiểu được ít nhiều về phương Nam nầy. Do vậy khi làm những bài thơ về Bình Dương cũng không là khó đối với tôi cho lắm nên đúng 100 bài thơ về Bình Dương được trình làng. Tình cảnh trong thơ thì có cũ có mới. Nhưng với tôi cái cũ nó sẽ quan trọng hơn nhiều vì tính cách lịch sử của nó. Biết đâu thêm vài chục năm sau chẳng ai biết vùng An Mỹ, Phú Hữu, Phú Trung, Phú Chánh, vùng sân bay... mà người ta chỉ biết là khu Thành phố mới mà thôi! Dù vậy, tôi vẫn có một số bài thơ “đi nhằm” vì sự phân chia về ranh giới của tỉnh Bình Dương với tỉnh Đồng Nai mà tôi không được tường tận cho lắm: Khu vực từ xã Tân Hạnh qua Chợ Đồn đến Tân Vạn vẫn còn thuộc về Đồng Nai chứ không là của Bình Dương như tôi đã nghĩ, cho nên các bài thơ viết về khu vực ấy đã sai, nhưng thế nào thì nó cũng chẳng là quan trọng đến bao nhiêu! Cứ coi như là tạm ổn!
Như vậy, duyên nợ “Thơ” của tôi với Bình Dương (100 bài) cùng một số cho các “Nẽo Đường Đất Nước” lẫn “Các Nẽo Đường” (khoảng 340 bài) đã được phát họa với những nét khái quát, có nhiều bài hơi “tếu” nên chúng đều được ghi dưới bút hiệu Đồ Ngông.
Sau những đợt ấy, Từ Minh Tâm thấy bài tôi khá nhiều và muốn tôi được tự quản lấy cái “blog” có sẵn nên chỉ cho tôi cách “post” bài. Làm cứ “cà trật, cà vuột” nên tôi phải email để nhờ Tâm giúp, chỉ dùm. Dần dà tôi cũng làm được, không đến đỗi nào!
Trong quá trình viết của tôi, quả thật là tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ viết hay làm cái nầy cái kia to tát đâu. Cái đầu tiên là tôi chỉ muốn diễn tả làm sao để người ta hiểu được cái lạ lùng mà tôi đã “thấy”, đã “chiêm nghiệm” được trong cơn “định tâm” vào thời gian bệnh mà mình trải qua. Tôi chỉ đánh lên tiếng chuông để người ta suy nghiệm lại về vấn đề “tâm linh”, mà cũng chính nó đã “thôi thúc” trong lòng tôi một ngày nào đó “phải viết”. Khi tôi có dịp “được viết”, thì tôi cứ nghĩ: Như vậy là xong! Nhưng, điều ấy không đơn giản mà lại giống như một chiếc xe bắt đầu chạy, cái trớn của nó cứ kéo hết đoạn đường nầy đi đến đoạn đường khác. Những cái ngày xưa mà tôi học, quan sát được lại hiện ra và trở thành một đề tài và rồi tôi lại ngồi viết: Bây giờ viết để cho vui mình, vui bạn bè, vui với độc giả. Cho nên tất cả bài viết của tôi chẳng có bài nào là hư cấu cả, kể cả những bài viết về loài vật hoặc có tính cách ngụ ngôn. Nếu bạn chịu khó suy nghĩ, hoặc liên kết một chút bạn sẽ tìm được ẩn ý của nó. Tại sao tôi không viết thẳng thừng, vì sự thật nào cũng đều “đau lòng” và làm cho người trong cuộc dễ trở nên “phẩn nộ” mà không chấp nhận “sự sai lầm”. Nếu không tin, bạn cứ thử phê bình, hay nói thẳng điều sai của người thân thiết rồi bạn sẽ thấy “sự ngoan cố, cãi bướng, cứng đầu” để bảo vệ chuyện làm, lập trường của họ cho bạn coi. Có lẽ từ tính chất ấy mà thơ của Đồ Ngông mới có nhiều, kể cả những bài viết về “Tào Lao Thế Sự” hoặc nói nôm na là “Chuyện Tào Lao”.

Nguyên Thảo,
07/09/2016.



No comments:

Post a Comment