Sunday, September 4, 2016

*Trời Đã Giao Mùa!



Đã từ lâu lắm tôi hay nghe nói đến hai tiếng “Giao Mùa”, nhưng tôi chỉ mang máng trong thực tế cũng như trong ký ức, chứ chưa bao giờ được quan sát kỹ càng như năm nay. Không hiểu do một sự tình cờ hoặc do nơi mình càng già đi, nên thưòng hay để ý đến thời tiết, vì vậy mà có thể phân biệt phần nào cái lý lẽ của trời đất theo kiểu khoa học với những chứng minh. Chuyện ấy đã xảy ra lúc trước, khi tôi nhìn thấy một mùa Thu muộn mà tôi đã đúc kết lại thành một bài viết có tên là “Thu Muộn”. Nay lại đến một “Sự giao mùa” khác mà mới đây tôi được dịp để nhìn ra! Nên:

Trời đã giao mùa rồi đó em
Đông qua, Xuân đến một năm thêm
Tiết trời thay đổi, người dong ruổi
Mùa ấm đang sang, nắng đến thềm
Ríu rít, chim lên lời gọi sáng
Dập dồn, cây cối lộc ra mềm
Hoa khoe sắc thắm đời tươi đẹp
Xuân đến rồi đây, giống cảnh tiên!
(Nguyên Thảo)

Ở được nơi có bốn mùa có nhiều cái hay, nhưng cũng có nhiều cái chẳng thích hợp cho người già nhất là về mùa Đông. Ngày xưa, nơi cái xứ gọi là Miền Đông Nam Bộ chỉ có hai mùa mưa nắng, nhưng những ngày mưa nó lại xảy vào các tháng nóng trong năm, nên người ta cũng có thể chịu đựng được nơi miền đồng khô cỏ cháy nầy; và đồng thời mùa ấy lại có đủ nước mưa để nông dân làm những vụ mùa và cấy lúa gọi là “lúa gò”, tức là loại lúa cấy trồng trên những thửa ruộng trên vùng đất cao. Còn những tháng nắng lại xảy ra vào các tháng tương đối lạnh của vùng ôn đới nên cái khô ráo đó cũng trở nên dễ chịu hơn. Cái khô ráo bắt đầu dần từ tháng 9, tháng 10 khi vào mùa “Tựu trường” học trò đi học để rồi nhà văn Thanh Tịnh mới có đoạn văn bất hủ: “Hàng năm cứ vào cuối Thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…” mà bao nhiêu học sinh đều biết và có học đến. Riêng tôi thì những cảnh sương mù trên đồng lúa, đường bờ ruộng, hoặc cảnh mù mù lẫn khuất trong sương sớm của những đoạn đường mà thuở học trò chúng tôi đã đi học vẫn không thể nhạt phai! Sau đó thì đến mùa gặt được ăn cơm “lúa mới” để rồi đón Tết với những ngày tháng rộn rực, náo nhiệt của Tháng Chạp nào là “đưa ông Táo”, “dẫy mã” ông bà, người thân, rồi “đón Giao Thừa, đi chúc Tết” trong năm mới.
Vào những tháng của thời tiết “giao mùa” giữa nắng và mưa thì thật là oi bức thường xảy ra vào những tháng 4, 5 và tháng 6. Một sự giằng co giữa nắng và mưa. Muốn mưa mà không mưa, nắng cũng chẳng ra nắng. Nhiều đêm ngủ phải ra “hàng ba” thoáng mát hơn mới có thể ngủ được, cho nên vào thời xưa người ta phải dùng đến “quạt mo” (quạt được cắt ra từ cái bẹ của mo cau) hay những quạt xếp được mua từ chợ. Sự giằng co của thời tiết làm cho người ta khó chịu biết bao nhiêu để rồi sau đó mùa mưa thắng thế, mưa gầm gừ dữ tợn với hàng loạt sấm sét chết người vào những cơn mưa đầu mùa. Tiết trời thay đổi cùng hơi đất xông lên khiến người bị bệnh thời khí liên miên.
Cuối mùa mưa, “Ông Trời” cũng gần như mệt mỏi nên bao nhiêu nước trút xuống đầy ấp cho nhân gian tạo nên “mưa bão” lụt lội cho bỏ ghét cái loài người ương ngạnh. Bao nhiêu gió được tập trung tạo bão lớn, bão nhỏ lia chia. Hai vùng trung tâm được tập trung là ở ngoài khơi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Ở Đại Tây Dương thì đi vào đất Mỹ, còn Thái Bình Dương thì không xa với Phi Luật Tân nên bão nào cũng mượn đường Phi Luật Tân để đi vào, khi thì đi qua Đài Loan, Trung Quốc; khi thì vào Việt Nam thử thách dân Việt Nam coi chịu đựng tới đâu, cho nên Ông Trời đã trui rèn “tinh thần, ý chí” của dân tộc Việt hơn là “kẻ thù phương bắc”, vì vậy “sự quật cường của dân Việt” thật là dũng mãnh cũng không có gì là lạ vì:

Nam Quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Cho nên “Thủy tinh” không đánh bại được “Sơn Tinh” cũng vì lý do đó.
Đó là chuyện “Giao Mùa” ở trên quê hương, nơi có hai mùa mưa nắng. Còn chuyện giao mùa nơi cái xứ Xuân, Hạ, Thu, Đông thì nó nhạt nhòa hơn, nên tôi thường không để ý mà chỉ thoáng qua: Nay trời đã sang Xuân, hay vào Hạ; Trời đã chớm Thu hoặc bắt đầu mùa Đông. Hơn 30 năm dong ruổi nơi xứ người, lênh đênh như một kiếp lưu đày, tha phương để đi tìm lại tương lai cho con cái; để rồi ngày nào đó trên bờ sông Murray, ngồi rìa vườn cam mà ngâm hai câu thơ của Thôi Hiệu trong bài “Hoàng Hạc Lâu”:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Chiều xuống dần, khí trời buông lạnh, hơi nước từ sông vừa bốc lên đã gặp lạnh liền tạo nên một màn khói trên sông, rồi sóng gợn lăn tăn theo làn gió, làm sao không làm cho người tha phương lại nổi lên cơn buồn, rồi hướng mắt về quê hương nghe lòng mình quặn thắt. Nhưng quê hương mình ở phương nào đây nhỉ? Hướng mặt trời lặn, phương Bắc hay là Tây Bắc?
Hôm trước, mùa Thu năm nay đến muộn nó xen vào mùa Đông khiến tôi thấy hơi lạ để rồi ghi nhận theo hai tiếng “Thu Muộn” của ngày xưa mà mình đã được nghe qua. Và từ đó làm tiền đề cho sự quan sát lần nầy mà thấy được sự “giao mùa”!
Nếu từ mùa Hạ sang Thu thì từ nắng nóng hạ dần tới mát dễ chịu, mây nhiều, gió mưa lành lạnh, nhiều cây lá trở màu dù đó là màu vàng, đỏ hoặc nâu thì nó cũng chỉ là từ từ. Còn từ Đông sang Xuân mới hơi là lạ: Từ những ngày lạnh lẽo lại mưa nhiều, có những trận mưa đá lào rào trên mái nhà, trắng đường trắng sá, người ra ngoài phải co ro hoặc chạy nhanh để tránh lạnh lại thêm gió nhiều; rồi dần bớt mưa và trời nóng lần lên, ngày dài ra.
Cứ thế mà trải dài trong bao nhiêu năm, mà tôi chưa hề để ý để xem nó diễn biến thế nào. thế mà năm nay tôi lại chú ý đến nó, cái hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, mặc dù tôi đã có nhiều thắc mắc từ lâu.
Trước kia, khi học về địa lý tôi chỉ biết là trái đất xoay quanh trục của nó và theo một quỹ đạo bầu dục quanh mặt trời theo chu kỳ trong một năm 365 ngày 6 giờ. Chính vì 6 giờ dư ra ấy không thể tính được cho nên theo lịch Tây một năm có 365 ngày, còn 6 giờ dư tính trong 4 năm thì đủ 24 giờ cho một ngày một đêm nên cứ 4 năm thì có nhuần một ngày. Như vậy thì “huề” không năm nào nợ năm nào nữa. Nhưng điều tôi thắc mắc không phải ở chỗ đó mà là với những ngày 23/06 và ngày 21/12 tức là ngày 23/06 là ngày trái đất nghiêng về mặt trời ở đường Bắc Chí Tuyến nên Bắc Bán Cầu là ngày chính Hè (ngày dài nhất) và ngược lại đối với Nam Bán Cầu ngày ấy là ngày ngắn nhất, có đêm dài nhất và là ngày chính Đông. Còn với ngày 22/12 thì ngược lại ở hai Bán Cầu. Theo lẽ ở đúng hai ngày ấy thì là ngày chính Hè của nửa Bán Cầu nầy thì sẽ là chính Đông của nửa kia. Nhưng không, tháng nóng nhất hay lạnh nhất của mùa Hè hay Đông thường trễ hơn gần cả tháng tức là vào Tháng 7 hoặc tháng Giêng. Tôi cố giải thích theo các luồng khí từ Cực hay từ Xích Đạo đến vùng Bắc Chí Tuyến hoặc Nam Chí Tuyến vào những thời gian tương ứng, nhưng vẫn chưa giải thích được thỏa đáng; cùng lấy hiện tượng năng lượng mặt trời làm nóng mặt đất chậm hơn nên có nhiều chậm trễ so với “mùa biểu kiến” như suy nghĩ hay suy luận và tôi cũng chưa đạt được kết quả khả quan.
Thế rồi, tôi nghĩ mình không cần quan tâm đến những điều ấy nữa vì đó không là chuyện chuyên môn của mình mà chỉ là những suy luận vui chơi, có hay không, đúng hay không đúng cũng được. Nhưng nay, tôi lại chú ý đến việc “Trời đã giao mùa”.
Quả thật người càng già thì càng sợ cái lạnh, cái lạnh gần như thấm sâu vào trong da thịt của mình làm cho mình không những nghe lạnh bên ngoài mà lại càng lạnh thêm vào trong tâm hồn nhất là đối với những thân phận cô đơn. Nên người Tây họ thường không an phận cũng phải!
Mùa Đông may là nơi nầy không có tuyết nên tôi còn đi tới đi lui, khung cảnh không phải trắng xóa mà đành ngồi trong phòng khách kế bên lò sưởi để ngó ra ngoài cửa sổ với một màu trắng khắp nơi, khiến cho bà kia đi sang Pháp với con cháu năm trước để rồi năm sau đòi về trở lại quê nhà mà ngồi kể chuyện ở quán cà phê của người em. Cái lạnh mùa Đông mấy năm nay có vẻ thất thường theo hiện tượng El Nino, La Nina; có nhiều ngày nóng hay lạnh khá hơn trước nên mọi người cần đến mền điện hoặc bình nước nóng sưởi ấm phụ thêm. Và bây giờ thời tiết giao mùa vẫn bàn giao chưa trọn vẹn!
Cái lạnh mùa Đông được bớt dần do trời mưa ít đi, nắng nóng nhiều thêm chút ít nên đất được khô và giữ sức nóng mặt trời. Nhưng vào ban đêm cái lạnh nó lại xiết hơn, đôi khi có vẻ bất thường khiến tôi phải mở mền điện nhiều hơn trước. Nóng ban ngày nhiều khiến lớp tế bào của võ cây thoát hơi nước nhiều hơn theo quá trình hô hấp, để bù lại cây cần hấp thụ nước thêm lên. Từ đó bắt buộc rễ phải phát triển để hút nước và dòng nhựa nguyên được dẫn từ đất theo các bó libe-mộc lên lá để được quang hợp tôi luyện thành nhựa luyện để nuôi cây. Do đó sự hồi sinh của cây sau “giấc ngủ mùa Đông” được bùng dậy. Cây cũng buộc phải đâm chồi để có đủ lá làm cho một cuộc hô hấp, quang hợp được trọn vẹn. Sự tăng trưởng cùng hệ thống để truyền giống như hoa và phấn được đồng loạt bung nở để lôi cuốn ong, bướm và những loài sinh vật làm tác nhân cho sự thụ phấn. Cho nên cây cối vào mùa Xuân đã thoát ra cảnh co rút của lạnh, bão hòa của hơi nước và không khí để hồi sinh tạo muôn vật như có bừng dậy với một sức sống mới. Sau thời gian đêm lạnh ngày nóng của thời gian giao mùa, rồi thì mùa Xuân hẳn vào một cuộc bắt đầu cho một thời kỳ thuộc chu trình mới của con người và của cả không gian lẫn thiên nhiên! Và cũng là thời gian đánh dấu tôi được thêm một tuổi nữa trên cõi đời nầy!

Thế là một tuổi nữa đến đây
Tớ ngẫm mà ra sợ già gầy
Mai kia lụm cụm đi không được
Lấy gì, mà lại chẳng tiếc thay!

Thế là một năm đến nữa rồi
Ta ôm thành bó đếm không thôi
Bao nhiêu chiếc nữa, ta không biết
Có biết rồi ra cũng nổi trôi!

Thế là trời đất lại xoay nhanh
Vòng quay quay mãi chẳng tranh giành
Tranh hơn, tranh thắng, cho mi đó
Tranh với nhau đi, bại với thành!
(Đồ Ngông)


Nguyên Thảo,
04/09/2016.





No comments:

Post a Comment