Tuesday, September 6, 2016

*Lòng Vòng Trên "Bắc Úc". (2)



Vào lúc 6 giờ, chiếc du thuyền rời bến đậu, từ từ thả ra ngoài đi vào vùng nước của bến cảng. Mọi người lục tục đi lấy thức ăn theo kiểu tự phục vụ. Nước uống thì mình mua ở quầy rượu. Tôi làm một chai bia để gọi là ấm lòng, vợ tôi cũng “ké” vào chút xíu. Vừa ngồi thưởng thức món ăn, vừa ngắm chiều dần xuống, lại ngó qua thành phố chìm trong nắng chiều màu đo đỏ. Chỉ nghe tiếng máy tàu nổ, tiếng sóng nước rì rào, và những âm thanh chuyện trò nho nhỏ, còn ngoài ra thì yên tịnh, cái yên tịnh của chiều hôm. Bên bàn ăn, ly rượu, nhâm nhi mà ngắm hoàng hôn về trên thành phố, trong khi đó thì mặt trời vẫy tay chào lần để đi ngủ thì cũng là “tuyệt”. Tôi giống như nhiều người, cũng cố chụp vài bôi hình và quay vài khúc phim như lưu luyến với cái cảnh dễ “sanh tình” nơi vùng đất xa xôi nầy! Tôi lại nhớ về những ngày lênh đênh trên biển cả của chuyến vượt biển năm xưa: Cảnh mặt trời lên và lặn trên biển hàng ngày, nhưng thuở ấy mình vẫn không đủ tâm trí để thấy nó đẹp hay hấp dẫn như thế nào, mà chỉ là với một mảnh lòng lo âu!
Du thuyền vẫn chạy, những câu chuyện được nối nhau từ bàn nầy cho đến bàn khác. Thành phố ở trên kia đã lên đèn từ lâu. Trên mặt nước cũng có những nơi loang loáng ánh đèn của vài chiếc tàu khác đang đi. Chúng tôi ăn xong món ăn chính rồi lại đến trái cây, đồ ngọt.

Theo dự trù, du thuyền sẽ chấm dứt chuyến đi vào lúc 8 giờ 30, tức là sau hơn 2 giờ rưởi dong ruổi trên mặt biển và chúng tôi lại được xe buýt đưa về khách sạn để tắm rửa, nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày mai thức dậy sớm làm một cuộc hành trình xa để đến Katherine Gorge, ở mãi tận Nitmiluk National Park.
Từ 4 giờ rưởi sáng, vợ chồng tôi đã thức dậy để lo sửa soạn, uống cà phê, chuẩn bị cho chuyến đi ngày hôm nay. Chuyến đi nầy mất khoảng 14 tiếng đồng hồ trong ngày. Xe buýt của công ty AAT Kings sẽ đến
khách sạn để đón chúng tôi vào lúc 6 giờ vì vậy chúng tôi phải tụ tập ở dưới phòng đợi của khách sạn trước gần 20 phút.
Xe buýt không những đón chúng tôi mà còn đến rước khách ở những khách sạn khác nữa nên cũng mất thêm chút ít thì giờ, đã vậy lại còn đến điểm tập trung để phân chia theo chuyến xe vì mỗi ngày có hai chuyến đi: Một chuyến sẽ đi về Katherine và một chuyến cho cuộc du hành đến Kakadu National Park. Hôm nay chúng tôi đi về Katherine.
Xe buýt rời Thành phố Darwin đi về hướng Nam theo đường Stuart Highway. Đường nầy được mang tên của nhà thám hiểm John McDouell Stuart, người Âu châu đầu tiên đã tìm con đường nối liền từ Adelaide với Darwin nhằm mục đích thiết lập đường Điện tín viễn lien trên đất liền để nối hệ thống liên lạc giữa Úc với các nước khác qua ngỏ Darwin. Thành phố Darwin được phát triển nhiều dọc hai bên con đường nầy từ những năm trở lại đây cho nên thấy có vẻ sầm uất hơn. Trong những khu vực nầy đường Stuart Highway có hai làn đường cho mỗi bên lên và xuống với vận tốc là 100 km. Đến khu vực bên ngoài thôn quê đường chỉ còn có hai làn lên và xuống, thỉnh thoảng có làn đường để cho các xe qua mặt, nhưng vận tốc được cho phép chạy đến 130 km/giờ. Dọc đường xe không nhiều, nhưng xe tải hạng nặng có đầu kéo kéo đến ba toa dài, có khi lại đến bốn toa nối nhau thấy thật là “ghê”. Nhưng dù gì thì luật chỉ cho phép chiều dài của “đoàn xe” không vượt quá 53.5 m. Thấy như vậy mới biết các tài xế nầy quả thật là hay!
Ngày trước, khi nói về vùng sa mạc của nước Úc, tôi cứ tưởng tượng là nơi vùng cát đá, cây trơ trọi không nhiều như ngày học về sa mạc trong trường học, nhưng khi đi đến vùng đất đỏ trong trung tâm nước Úc thì mới thấy không đến nỗi nào, vì cây cối vẫn nhiều và màu xanh vẫn hiện diện tốt tươi mặc dù ít mưa, khô nóng. Thì ở đây, rừng cây của miền Bắc Úc vẫn nhiều, bao trùm đủ trên mặt đất dọc hai bên đường, có điều đa số vẫn là loại cây khuynh diệp cho nên cái màu hơi nâu nâu của lá khiến người ta ngồi ở trên máy bay nhìn xuống cứ thấy là vùng đất ở Úc không đủ nước để cho cây xanh tốt. Cũng quả thật như vậy, có lần tôi đã đọc được ở đâu đó nói về trên thế giới nầy lục địa khô nhất là lục địa Úc Châu, mà nơi khô nhất của Úc lại là ở Tiểu bang Nam Úc. Điều ấy không biết là có đúng không, nhưng lượng nước để cây sống nỗi như thế nầy thì nước dưới mặt đất chắc cũng là không ít. Kinh nghiệm theo như người Thổ dân từ xưa người ta đốt những khu vực nhỏ để tránh những hỏa hoạn lớn về sau, cho nên dọc đường tôi thấy có nhiều khói mù giống như là cháy rừng, điều đó được tài xế kiêm hướng dẫn viên cho biết người ta đốt từng khu vực để tránh cháy lớn vì ở đây có loại cỏ có thể cao đến 2 mét, nếu không làm như vậy thì sau nầy cháy rừng sẽ khủng khiếp hơn nhiều. Những khu vực đốt lâu, cây hồi sinh có tàng lá xanh mướt rất đẹp và nhìn vào khu rừng thấy khá thoáng. Có những cột gò mối vươn cao lên màu ngà trắng, rất lớn nhưng tài xế nói đó chỉ là những “mối cỏ” thôi, chắc ý nói nó không ảnh hưởng về cây cối. Suốt dọc đường có khá nhiều khu vực có mối. Có loại cây cọ không cao, thân không lớn mà tài xế cho biết tên của nó là “little palm” mà tôi cứ tưởng là loại cây mạt-cật để làm chổi quét ở quê mình.
Xe đến khu vực Adelaide River, tài xế đề cập đến một nghĩa trang chiến tranh ở đây và chúng tôi sẽ ghé viếng thăm ở đó trong chốc lát. Từ Darwin đến Adelaide River này có khoảng cách là 114 km. Nơi nầy được biết là đất đai của người Thổ dân Kungarrakan và Awarai từ xưa, và theo thống kê vào năm 2011 thì dân số là 237 người. Adelaide River là một thị trấn nhỏ được thành lập vào năm 1872 cho những người xây dựng đường Điện tín trên đất liền cư ngụ. Trong thời Đệ Nhị Thế chiến Adelaide River đóng vai trò chính trong việc phòng thủ của nước Úc khi các lực lượng không quân, pháo binh, truyền tin đều được đóng ở đây, và tháng 8/1942 Adelaide River War Cemetery được thành lập. Adelaide River bị máy bay Nhật dội bom một lần vào sớm ngày 12/11/1943.
Ở nghĩa trang chiến tranh nầy có tất cả là 434 ngôi mộ gồm 14 thuộc không quân, 12 hải quân Anh, 1 lính Gia Nã Đại, 18 thủy thủ, 181 ngưòi lính, 201 không quân và 7 hải quân Úc.
Sau khi viếng nghĩa trang xong, chúng tôi lại lên xe và tài xế chạy vòng ra theo chiếc cầu nhỏ trước kia để lên Stuart Highway và đi tiếp. Đến 9 giờ 40 hơn, xe dừng lại ở Emeral Springs Roadhouse cho chúng tôi xuống ăn uống giải lao, tiêu tiểu. Đã có vài xe đầu kéo, kéo ba toa chuyên chở hàng hóa hay dầu đang nghỉ ngơi ở đây. Nhiều người chắc cũng ở nơi khác đến như chúng tôi nên thấy lạ đưa máy hay phone lên chụp hình lia lịa. Tôi không chụp mà chỉ quay thôi!
Đến 10:30 giờ lại lên đường. Xe đi qua Pine Creek nơi ngày xưa có mỏ vàng, rồi lại đi vào thác Edith lúc 11:20 giờ. Thác nầy còn có tên là Leliyn theo ngôn ngữ của người Thổ dân Jawoyn, thác không cao lắm, theo ước tính nó cao khoảng 176 m so với mặt nước biển nhưng thực tế nó chỉ cao khoảng 8.7 đến 12 m so với thực địa. Nó cách Katherine chừng 60 km về phía bắc. Khi chúng tôi đến đó thì mới biết nó vốn là cái hồ chứa nước để tràn ra vào mùa nầy nước chảy cũng khá mạnh nhưng chỉ thoát ra bằng một khe nhỏ giống như ngưòi ta phá vỡ một phần đá ở miệng, nhưng chắc vào mùa mưa nhiều nước thì nước chảy ra ở độ cao hơn.

Ở hai phần phía trên và phía dưới du khách có thể tắm vì nước vừa sạch vừa trong xanh. Có những bụi dứa dại mọc dọc theo các dòng nước. Dứa nầy không có gai theo dọc lá như dứa dại ở Việt Nam. Tôi cố chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Có bà họa sĩ người Úc đang chỉnh sữa lại bức tranh mà bà đã vẽ (có lẽ vẽ theo bức hình đã chụp, vì bà đang cầm tấm ảnh đó). Sẵn đó tôi quay luôn cảnh nầy. Edith Falls được nối với Katherine Gorge để thành một tour du lịch Katherine Gorge Cruise và Edith Falls ở Công Viên Quốc Gia Nitmiluk (tên cũ là Katherine Gorge National Park) của hãng AAT Kings mà chúng tôi đang tham dự.
Vườn Quốc gia NItmiluk có diện tích khoảng 2,946.64 km2, ước chừng 292,800 mẫu tây của người Thổ dân Jawoyn cùng hợp tác quản lý với Tổ chức Parks and Wildlife Commission of the Northern Territory, được thành lập vào ngày 19/10/ 1977. Ranh giới phía bắc của Công viên nầy được nối kết với Kakadu National Park. Katherine Gorge là phần chính mà chúng tôi sẽ tham quan và đi “du hí” ngày hôm nay.
Chúng tôi lên xe buýt vào lúc 12 giờ rời khu vực Edith Falls để tiếp tục ra Stuart Highway đi qua thị trấn Katherine mà sang Katherine Gorge. Dọc đường gặp xe đầu kéo kéo bốn toa bồn mọi người đều ngạc nhiên và thán phục tài xế của vận tải hạng nặng đó quá chừng! Và đó cũng là điều thích thú lạ lùng trong chuyến du hành lần nầy của tôi vì ở Nam Úc tôi chỉ thấy xe đầu kéo kéo hai toa dài và một toa ngắn mà thôi!
Từ Katherine đi vào đến Katherine Gorge tới 29 km đường bộ. Vào đến đó đồng hồ đã hơn 1 giờ trưa, chúng tôi vội vàng cho buổi ăn trưa trong căng-tin ở đây. Xong, gần đến giờ cho chuyến đi chính trong ngày hôm nay, đó là tour đi “Cruise trên Katherine Gorge” trong vòng hai tiếng rưởi. Thế là đoàn chúng tôi được hướng dẫn xuống du thuyền để khởi hành đúng giờ theo quy định.

Nguyên Thảo,
04/09/2016.



No comments:

Post a Comment