Sunday, October 16, 2016

*Lòng Vòng Trên "Bắc Úc". (3)



Đoàn rời căng-tin vào lúc 1 giờ 48 phút và đi bộ vào một công viên để xuống bến du thuyền đậu. Ở đây có nhiều dơi quạ (con dơi có thân to lớn như con quạ) treo thân đậu trên cây bốc lên một mùi hăng hăng hôi khó chịu. Du thuyền là một con thuyền không lớn lắm, ngõ đi chính giữa, hai bên có những băng dài để du khách ngồi, mỗi băng có thể ngồi được 5, 6 du khách; ở trên chỉ có mui che và bên thành có những thanh chắn để giữ an toàn cho khách chứ không có vách che để khách có thể chụp hình, quay phim hay quan sát được dễ dàng.





Người hướng dẫn căn dặn những điều cần thiết với khách trước khi khởi hành, nhất là đừng đưa tay ra ngoài rất nguy hiểm vì nơi đây có nhiều cá sấu và chỉ cách sử dụng áo phao khi khẩn cấp. Du thuyền khởi hành vào lúc 2 giờ, khách đã bắt đầu đưa máy chụp hình, quay phim lẫn điện thoại lên để chuẩn bị chụp, quay cho mình những gì mà mình muốn ghi lại. Người ta có thể quay cả những ngõ ngách, hay những đụn cát bên bờ mà người hướng dẫn cho đó là nơi cá sấu thường hay ra nằm phơi mình hoặc đẻ trứng. Trên các bãi cát ấy thường có dựng những bảng cấm hoặc lưu ý. Du thuyền chạy từ từ trên sông và người hướng dẫn thuyết minh theo từng khúc sông, nào là mấy con chim đang đậu trên cây, nào là lồng để bẫy bắt cá sấu, nào là có con cá sấu đang nằm ở bên bờ rồi thuyền được cho đứng lại để mọi người quan sát, kia là cây dứa dại vân vân và vân vân… Chúng tôi nhởn nhơ, lững lờ trên mặt nước và tiến về phía trước để ngắm cảnh, quan sát do chính mình và hướng dẫn viên hướng dẫn.

Thuyền đi hết đoạn sông nầy khoảng nửa giờ đồng hồ thì cập vào bến ở nơi vùng đá. Hướng dẫn viên cho chúng tôi biết chúng tôi phải đi bộ qua một khoảng đường đá để đến một bến khác ở phía trên và chúng tôi được tiếp tục hướng dẫn lên đoạn trên của sông. Băng qua những tảng đá lớn nhỏ, hơi gồ ghề mặc dù người ta đã làm cho chúng tương đối bằng phẳng hơn bằng cách sắp xếp hay đổ thêm xi măng có màu hợp với màu đá hoặc làm cầu để cho khách dễ đi hay an toàn.
Qua khỏi vùng đá chắn ngang sông ấy thì chúng tôi lại xuống một chiếc du thuyền khác cũng giống như chiếc trước để được đi lên vùng khúc trên sông nầy. À, thì ra vào mùa khô mực nước thấp chiếc du thuyền kia không thể qua vùng đá nầy được mà phải đi bộ để đổi du thuyền ở phía trên nầy. Chứ vào mùa mưa hay lúc có nhiều nước thì du thuyền chẳng bị cản trở bỡi vùng đá ấy. Chúng tôi lại ngồi xuống du thuyền và được du hành phía trên của Katherine Gorge.
Đoạn phía trên hấp dẫn hơn ở phía dưới nhiều, nếu đoạn dưới tương đối bằng phẳng, phẳng lặng, êm đềm thì phía trên nầy lại quanh co hơn, có những khúc quanh “gắt”, cúp và nhỏ thì nước chảy xiết hơn dù mùa nầy không nhiều nước. Sông len lỏi giữa hai bờ vách đá sừng sững, bên trên vách đá có nhiều hình thù lạ mà người ta có thể tha hồ tưởng tượng. Còn ngay trên vách đá mới chứng tỏ những địa tầng của đất thuộc vào những thời kỳ hằng triệu, hoặc tỉ năm về trước. Đất đá nầy là từ dưới biển trồi lên hay là do những địa chấn làm gãy khúc để trồi lên đây. Nhưng không, các nhà khoa học cho rằng lục địa Úc châu nầy từ xưa là ở dưới đáy biển được trồi lên nên sự hiện diện của độ mặn trong nước vẫn còn cao trên những vùng cao và nhất là các kết cấu địa chất của vùng đá Uluru, Kata Kjuta tức là vùng trung tâm nước Úc cũng chứng minh cho điều ấy.
Ở đây, theo tài liệu thì con sông nầy được nhà thám hiểm người Tô-Cách-Lan John McDouall Stuart tìm thấy và đặt tên là Katherine vào ngày 4/7/1862 ấy đã bào mòn, xâm thực trong hàng tỉ năm trên vùng sa thạch để tạo được cảnh quang như ngày nay. Sông Katherine khởi nguồn từ trên độ cao 451 m và chấm dứt ở độ cao 67.6 m để nhập vào sông Daly. Như vậy là Katherine đã rơi độ cao xuống khoảng 384 m trong một chiều dài chừng 328 km. Do vậy qua thời gian, sông Katherine với dòng chảy xiết đã khuyết sâu vào vùng địa chất để tạo những vách đá thẳng đứng hai bên và nó chảy trong một thung lũng hẹp. Hôm nay chúng tôi được đi vào thung lũng hẹp ấy ở phần đoạn trên của sông nầy.
Hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi con cá sấu nước ngọt nhỏ đang nằm ở bìa nước ở  một khúc quanh của sông và giải thích là cá sấu nước ngọt không nguy hiểm cho người. Nhưng vào mùa nước lớn thì cá sấu nước mặn có lên đây khi nước rút chúng đều xuống trở lại phía dưới nên người ta trong mùa nầy có thể tắm và bơi thuyền nhỏ “kayak” khá nhiều. Trên nhiều bãi cát dọc hai bờ sông đều có cắm bảng lưu ý du khách về cá sấu. Hướng dẫn viên khôi hài “Cá sấu thấy mình trước khi mình thấy nó”, nhưng thực tế là như vậy! May nơi đây chỉ là cá sấu nước ngọt!
Mọi người tha hồ chụp ảnh quay phim bằng máy hay điện thoại nên cứ nghe âm vang đều đều, thỉnh thoảng nỗi lên tiếng ngạc nhiên lẫn âm thanh của người hướng dẫn viên. Đường đi phía trước còn khá xa, nhưng người lái du thuyền chắc đã đến giới hạn nên đã quay đầu trở lại ở một hang nhỏ mà trên đó có những tổ chim én bằng đất bùn để đẻ con, chứ không phải là “tổ yến” quý giá đâu. Có rất nhiều cặp cùng nhau chèo thong thả Kayak trên sông thật là thú vị. Lần trở ra nầy chiếc du thuyền chạy nhanh hơn, hướng dẫn viên không cần nói nhiều nữa. Tôi đưa máy chụp hoặc quay thêm những cảnh nào ưng ý ở dọc đường, nhất là những nơi nước chảy nhấp nhô làm ánh nắng trưa tan vỡ, lấp lánh tạo nên cái cảnh vui vui, đẹp đẹp.
Du thuyền về tới bến, chúng tôi lại phải đi bộ lại đoạn đường đá lúc nãy. Bây giờ thong thả hơn nên tôi có dịp từ từ quan sát, nhìn phong cảnh ở bên vách núi. Có vài cây cọ mà người ta gọi là “little palm” mọc chơ vơ, không biết là nó bao nhiêu tuổi, nhưng nó thật là cao, cây thì mỏng manh ốm yếu đong đưa theo gió. Kế bên là cái vách đá trên đó có vài hình ảnh của ngưòi dân địa phương (thổ dân) đã vẽ không biết tự lúc nào, mà theo danh từ chuyên môn ở đây người ta gọi hình ảnh ấy là “rock art”.
Mọi người lục tục xuống du thuyền để làm chuyến trở ra ở đoạn sông dưới nầy. Rời du thuyền và trở về xe buýt sau hai giờ của chuyến đi trên sông, chúng tôi lại chuẩn bị cho chuyến trở về Darwin trong đoạn đường khá xa chừng khoảng 350 km. Mà lúc nầy đã gần 4.30 giờ chiều.
Trên đoạn đường về xa xôi nầy xe chạy vòng vào Pine Creek, nơi mà ngày trước là địa điểm người ta đổ xô đến tìm vàng sau khi nhân công đường điện thoại viễn liên nối giữa Adelaide với Darwin đào lỗ chôn cột phát hiện nơi nầy có vàng vào năm 1871. Và người Trung Hoa được nhập vào năm 1874 như là nguồn nhân công rẽ. Dân nhập đến ở đây hơn 3000 người vào những năm 1890, nhưng đến năm 2007 số thống kê chỉ còn 473 người.
Trong thời gian Đệ Nhị Thế Chiến, Pine Creek là nơi thiết lập nhà thương cho quân đội Úc và một phi trường khẩn cấp do quân đội Hoa Kỳ xây dựng. Hướng dẫn viên kiêm tài xế xe buýt thuyết minh cho chúng tôi vài nơi chứng tích của lịch sử. Sau đó xe vào Stuart Highway để trở về Darwin.
Tuy nhiên, với đoạn đường xa, xe lại ghé vào Emeral Springs để mọi người nhận thức ăn đã được đặt trước từ ban trưa. Riêng năm người chúng tôi chỉ mua thức ăn nhẹ và đi vệ sinh, nghỉ ngơi thôi.
Sau khoảng nửa giờ đồng hồ, mọi người tiếp tục lên xe cho cuộc hành trình còn lại. Đồng hồ lúc nầy là 6.15 giờ, trời đã tối.
Về đến Thành phố Darwin xe buýt còn đổ người ở từng khách sạn mà du khách lưu trú. Chúng tôi về đến phòng cũng gần 9 giờ. Sau đó rủ nhau đi xuống đến tiệm pizza cùng nhau thưởng thức món pizza mà hướng dẫn viên đã quảng cáo.
Trở về phòng, tắm rửa thì cũng đã 11 giờ, chúng tôi phải ngủ và chuẩn bị cho ngày mai thức sớm nữa để làm chuyến đi đến Kakadu National Park cũng là một Di Sản Thiên Nhiên của Úc Đại Lợi được UNESCO công nhận trong cùng 17 Di Sản khác của Úc.

Nguyên Thảo,
16/10/2016.



No comments:

Post a Comment