Tài xế đưa đoàn chúng tôi đến Qantas Hangar vào lúc 11 giờ 23 như vậy là chúng tôi chỉ di chuyển giữa hai nơi chỉ chừng khoảng 13 phút thôi. Xe vào cổng thì chúng tôi đã thấy dọc theo hàng rào là những mô hình, khung sườn cũ của những chiếc xe hơi kiểu xưa từ từng thời kỳ được trưng bày ngoài trời. Và khi đi vào bên trong thì những đời xe mới hơn để du khách “ngắm nghía” và “thưởng ngoạn” về hành trình lịch sử của loài xe, mặc dù trên cao của cái nhà chứa nầy vẫn để hàng chữ “Qantas Empire Airways Ltd”. Thì ra nơi đây ngày xưa nó là nhà chứa máy bay của doanh nghiệp Qantas được xây dựng từ năm 1934 và cái phi trường dân sự cũ ở chốn nầy đã là điểm đầu tiên mà mọi chuyến bay thương mại từ Âu sang Úc hay ngược lại đã dừng lại và đóng vai trò quan trọng trong lịch sử hàng không của Úc Đại Lợi. Cái phi trường xưa ở nơi nầy cũng đã chứng kiến thành tích của Ross và Keith Smith khi họ thắng được giải thưởng 10,000 bảng Anh trong cuộc đua đầu tiên từ Anh đến Úc về hàng không.
Năm 1942 trong cuộc dội bom của Nhật vào Darwin nó gần như bị phá hủy hoàn toàn, dấu vết còn lại bằng những lỗ đạn trên cây đà của khung sườn. Khi kế hoạch xây dựng sân bay mới cho Darwin khởi đầu vào năm 1937 thì từ năm 1946 mọi máy bay đều sử dụng phi trường mới và nhà chứa nầy được dùng vào vào việc sửa chữa các máy móc. Từ tháng 3/1954 Bộ Hàng Không Dân Sự đã mua đứt nhà chứa nầy với số tiền là 4500 bảng Anh. Đến năm 1980 Câu lạc bộ Motor Vehical Enthusiasts Club muốn mướn nhà chứa lại từ Bộ Hàng Không Dân Sự, nhưng không đạt được kết quả. Mãi đến tháng 1/1999 Câu Lạc Bộ Những Người Mê Xe nầy mới thuê lại nhà chứa từ Bộ Nghệ Thuật và Bảo Tàng để làm nơi trưng bày xe như chúng tôi đã thấy hiện nay và làm nơi du khách đến để xem và tìm hiểu, vì thế mà hàng chữ ở trên cao vẫn là về Hàng Không mà trong ruột lại là Xe Hơi.
Rời nơi đây vào lúc 11 giờ 40, tài xế lại đưa chúng tôi đến bãi biển gọi là Fannie Bay, bãi biển nầy rất đẹp, nước trong xanh xem thật là tươi mát với nhiều chiếc thuyền màu trắng nổi lên nền xanh của nước biển và bầu trời, lẫn gió nhè nhẹ từ biển thổi vào thật là nên thơ. Giờ nầy nếu được nằm trên bãi cỏ để “làm một giấc” thì là thật thú làm sao! Nhưng mặc dù vậy chúng tôi vẫn phải đi vào để thăm cái nhà tù ngày xưa, đó là nhà tù H.M Goal Labour Prison Darwin. Khác với khung cảnh thoải mái, tươi mát của bãi biển thì nơi chốn nầy lại là nơi giam giữ những người tù kể cả những người tử tội.
Không ngờ nhà tù nầy lại trở thành một nhà tù lịch sử để bây giờ cho du khách tham quan. Nó được thành lập từ năm 1883 cho mãi đến năm 1979 thì đóng cửa. Hiện nay thì không còn sử dụng chỉ để du khách đến tham quan. Chúng tôi đi qua những dãy phòng làm văn phòng hành chánh, nhân viên rồi người hướng dẫn của nơi nầy đưa chúng tôi vào những dãy khác nhau của nhà tù và giới thiệu nơi nầy là của khu vực nam, khu vực nữ, khu vực của những người tù biệt lập, phòng nhỏ, kín đáo khó đào thoát có người canh gát cẩn thận. Khu vực của tử tội được xây trên nền cao mà dưới là cái hầm để xử tử người gây tội. Tuy nhiên hai người tử tội cuối cùng bị xử chết vào năm 1952 là Jerry Coci và Jonus Novotny, gốc người Tiệp Khắc khi họ giết chết một tài xế Taxi.
Chúng tôi được dẫn qua những khu khác dành cho đàn bà và có cả cho trẻ con và những khu vườn để người tù trồng trọt cho bớt thì giờ rỗi rảnh cũng như khu giải trí cho nam. Riêng khu dành cho trẻ con thì ở đây có để bảng là những năm 70 là nơi giam giữ những người tị nạn Việt Nam khiến tôi phải suy nghĩ vì thứ nhất tôi chưa hề nghe đến việc bị giam giữ khi những người tị nạn đầu tiên đi tàu thẳng đến Úc và cập vào cảng Darwin vì tôi có quen nhiều người trong số đó. Thứ hai là họ kể được đối xử tử tế và người dân Úc lẫn chính quyền rất thương mến người tị nạn nên chỉ có “ở lều” chứ không có “ở tù”, rồi thời gian ngắn sau được đưa về các Tiểu bang khác để định cư. Cho nên điều nầy tôi phải “hỏi lại” mới được!
Người hướng dẫn đưa chúng tôi về khu nền trống với dấu vết của những trụ cột và cho biết đó là khu giặt giũ nhưng đã bị tàn phá do trận bão Tracy vào tháng 12/ 1974. Chúng tôi đã hoàn tất cuộc thăm viếng “nhà tù xưa” lịch sử nầy để có thể hiểu được một vài hình ảnh nào đó của con người gây nên tội cũng như hình phạt mà người ta dành riêng cho họ. Nhưng đối với tôi cái sự kiện “giam giữ những người thuyền nhân Việt trong nhà tù” nầy vào những năm cuối của thập niên 70 là một điều “hơi lạ” và tôi sẽ phải kiểm chứng để xác minh. (Điều nầy tôi đã hỏi kỹ lại và minh xác là không có, nhưng có thể vì theo luật pháp nên chính quyền phải để là như vậy. Vì với không gian nhỏ như thế thì làm sao chứa cho đủ một số lượng người trên vài chiếc tàu cập bến một lượt!).
Chúng tôi rời khu vực nhà tù vào lúc quá 12 giờ trưa, tài xế đưa chúng tôi về “Bảo Tàng Quân Sự ở Darwin” (Darwin Military Musium) mà nó được mang tên là “Defence of Darwin Experience” vào lúc 12 giờ 23 phút.
Đây là một tòa nhà được mở ra do Hội Kỵ Binh Hoàng Gia Úc Đại Lợi thiết lập thay cho Chính quyền Bắc Úc từ năm 2012 như là để kỷ niệm 70 năm Darwin bị Nhật không kích (vào ngày Thứ Năm 19/02/1942) trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Phía trước có ba trụ cờ cao với cờ Úc, cờ Mỹ và một lá cờ khác mà tôi không biết là cờ gì. Ngay bên cửa vào là trái đạn được để bên cạnh đường đi. Các hình ảnh được trưng bày trên các vách tường, trong phòng, nhiều du khách đang ngắm nghía, nghiền ngẫm về tranh ảnh ấy. Tôi chỉ nhìn qua loa rồi đi theo đoàn vào trong phòng được gọi là phòng chiếu phim vì cũng đã sắp đến giờ chiếu phim tài liệu tái dựng lại cuộc không kích của quân đội Nhật khi họ dùng 188 máy bay để dội bom Darwin trong 64 lần cùng sự tàn phá, hậu quả của nó.
Riêng tôi và anh Ba Quang còn đi vào các khu vực khác để xem các chiến cụ lạ lẫm mà mình chẳng biết để làm gì. Xong chúng tôi lại trở ra và rời Bảo Tàng vào lúc 1 giờ 30. Tài xế cần ghé vào tiệm Bánh gần đó để mua chút ít bánh, thế là nhiều người trên xe cũng mua vài thứ bánh mà họ thích. Xong, xe đưa chúng tôi đến Museum And Art Gallery Of The Northern Territory. Ở đây vì không cho phép thu phim lẫn chụp hình nên tôi đành lặng lẽ đi qua để nhìn không thôi.
Có một phòng dành riêng để trưng bày hình ảnh tàn phá của cơn bão mang tên Tracy vào ngày 24/12 năm 1974 như là những hình ảnh tai họa kỷ niệm lớn nhất của Thành phố Darwin. Nhiều khu vực bị thiệt hại toàn bộ trông thật thê thảm, mà phòng lại được trang trí có vẻ âm u nên làm cho tôi một cảm giác buồn buồn. Xem mà ngẫm nghĩ về thiên tai, về đời sống con người trên lớp võ cứng mỏng dánh của trái đất bên ngoài bao bọc một khối lửa nhão nhẹt ùng ục ở bên trong, rồi lại nghĩ về kiếp sống “Vô Thường” mà Đạo Phật đề cập đến. Nếu người ta cho là có một Ông Trời hay vị Thượng Đế nào đó thì mấy ông ấy chẳng là ác lắm ư?
Cơn bão Tracy xảy ra vào thời gian được gọi là Chrimas Eve của năm 1974, chỉ trong vài giờ với tốc độ là 217 đến 300 cây số giờ đã tàn phá phần lớn các vùng ở Darwin.
Bảo tàng nầy làm cho người ta thích thú với sự đa dạng của nó từ hình ảnh ảnh hưởng của cơn bão Tracy, những tranh sơn dầu, cây cối, hoa lá; những sưu tập về bướm, loài bò sát, loài cá, chim; những nghệ thuật và chất liệu văn hóa của người Thổ dân tại địa phương mà còn trưng bày về ngành biển của vùng Bắc Úc lẫn Đông Nam Á nữa. Tôi đi dọc hành lang trưng bày các bộ sưu tập vừa ngấm nghía, vừa thích thú có chút thỏa mãn vì được xem nhiều đề tài ở đây. Điều mà người ta nhớ nhiều nhất lại là chú cá sấu nước mặn dài 5 mét, nặng 780 kí đã làm thịt nhiều người đi trên những chiếc thuyền bé nhỏ tên là Sweetheart ở trên sông Finniss, phía nam của Darwin.
Vi thời gian đi xem được ấn định có hạn nên tôi phải vội vàng thưởng thức, ngắm nhìn chứ không có được cái xem nhàn nhã, thong thả để nhởn nhơ quan sát mà cũng chẳng được quay phim hay chụp hình nên đành thoáng qua để hưởng cái đẹp của cảnh quan trang trí trưng bày bên trong cũng như cái tươi mát của khung cảnh bên ngoài cùng lần lần đi ra để tập họp lại phía trước trong gian hàng bán đồ lưu niệm. Chúng tôi rời nơi đây khoảng chừng 2 giờ rưỡi để lên đường về từng khách sạn nghỉ ngơi, rồi một ngày nữa lại qua đi.
Và rồi chúng tôi 6 người gồm vợ chồng tôi, vợ chồng anh chị Thới, anh Ba Quang, Cô Hi phải thêm một ngày lang thang ở Thành phố Darwin cho “đã cái chân” vì mãi đến tối chúng tôi mới đón máy bay để về Adelaide – Nam Úc. Giã từ vùng đất nắng nóng để trở về cái lạnh của mùa Đông nơi phương Nam và chúng tôi cũng không quên giã từ những chú cá sấu được gắn hình to tướng trên vách cao ở nơi làm thủ tục “check in” vì nơi đây là “vương quốc” của loài bò sát nầy!
Hẹn gặp nếu có lần sau! Giã từ Darwin, giã từ Darwin nhé!
Nguyên Thảo,
05/04/2017.
No comments:
Post a Comment