Sunday, June 25, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở! (2)



Rồi quả thật, tôi lại có một ngày! Không, tôi không phải có một ngày mà là khoảng mười ngày trên đất Nhật để tìm hiểu phần nào về đất nước và con người của Nhật. Đó là chuyến đi do công ty Hanson Travel của anh Minh liên kết với công ty Nexus đồng tổ chức. Thấm thoát đến nay đã là hơn năm vì thời gian chúng tôi đến đó đúng vào ngày 11 tháng 4 năm 2016, nhưng vì quá bận rộn và nhường phần cho những điều viết ngắn hơn nên đến nay tôi mới ghi lại được vào trong cái “blog” của mình, coi như đó là những kỷ niệm muộn màng!
Riêng bọn chúng tôi là một nhóm 12 người gồm có anh chị Đệ, vợ chồng tôi, anh chị Bảy Gàng, anh chị Tám Quít, hai vợ chồng nhà thơ Nguyễn Nhi, Từ Thị Thu Trang, anh Ba Quang, chị Cỏn, nhưng thêm vào là vợ chồng Hường với hai đứa con cùng hai bà mẹ là chị Minh Hoàng và chị chín Bồng, tất cả là 18 người.
Chúng tôi đón chuyến bay Cathay Pacific khởi hành từ Adelaide vào lúc 7 giờ 20 để đi Hồng Kông. Máy bay vượt đường dài 6740km và đáp xuống phi trường lúc 14 giờ 45. Ở đây, chúng tôi phải đợi vài tiếng đồng hồ để chuyển phi cơ đi sang Nhật. Chuyến bay CX 502S khởi hành từ Hồng Kông vượt chặn đường khoảng 2475km trong 2 giờ 45 phút để đưa chúng tôi lên đất Nhật vào lúc 9 giờ 10. Sau những thủ tục hải quan và lấy hành lý chúng tôi ra cổng đã thấy cô nàng xinh đẹp Hướng dẫn viên đoàn chúng tôi là Jennifer của công ty Nexus đứng cầm bảng đang đợi. Đoàn bây giờ không đơn thuần là 18 người nữa mà cộng thêm 12 người Tây ở từ các tiểu bang khác của Úc, như vậy tổng cộng là 40 người.
Sau khi đầy đủ, Jennifer không đưa chúng tôi về khách sạn bằng xe buýt nhưng lại dẫn đi bộ. Thì ra khách sạn ở ngay trong khu vực sân bay nầy, chúng tôi chỉ đi theo con đường không xa lắm thì đến khách sạn rồi. Đó là sân bay Osaka Kansai và khách sạn nầy là Kansai Airport Nikko Hotel thuộc Thành phố Osaka. Lúc đó gần 10 giờ 30. Ở đây, trong thời điểm nầy người ta đã chưng một bình hoa tương đối lớn để giới thiệu mùa “hoa anh đào”. Đúng là “Khi Hoa Anh Đào Nở”! Một số người không bận rộn chụp lấy những bức ảnh đầu tiên về hoa anh đào. Nhận phòng vào lúc 11 giờ, tắm rửa nghỉ ngơi cũng đã là 12 giờ 30, tức là quá nửa đêm.
Hoa Anh đào.

Dù mệt mỏi ngủ say thế nào chúng tôi cũng phải dậy sớm. Do đó mà từ lúc 5 giờ chúng tôi đã thức dậy rồi, để 5 giờ 30 đi ăn sáng vì nhà hàng bắt đầu mở cửa vào giờ đó. Buổi ăn sáng đầu tiên trên đất Nhật khiến tôi chú ý đến những món ăn hơi là lạ, khác khác chứ chưa nhận thức được gì nhiều vì vẫn là kiểu buffet (all you can eat) hay là ăn những món mình thích và tùy theo khả năng của mình. Đến 6 giờ rưởi về phòng soạn đồ đạc cho chuyến hành trình ngày hôm nay. Trong khi ngồi chờ đợi ở phòng khách của lễ tân, chúng tôi còn nhiều thì giờ để chụp ảnh và quay phim. Cảnh mà nhiều người thích chụp nhất vẫn là “Bình hoa anh đào”, còn tôi thấy một nơi trang nghiêm có trưng bày độ đồ gì đó giống kiểu như là một bàn thờ, thì ra đó là bộ đồ của những võ sĩ đạo ngày xưa.
Hoa Anh đào.

Đến 8 giờ xe buýt đến, mọi người đều chuyển hành lý ra xe và ổn định chỗ ngồi. Xe khởi hành vào lúc 8 giờ 15. Qua một cái cầu để vào đất liền vì phi trường nầy được xây dựng ngoài biển trong vịnh Osaka, từ đó xe di chuyển về trung tâm của Thành phố Osaka và chuyển hướng sang Nara. Lịch trình có đổi khác đi một chút. Sáng nay Jennifer sẽ đưa chúng tôi vào Nara trước để chúng tôi thăm viếng vườn nai ở Nara cùng chùa Todaiji. Qua những vùng biển cùng thành phố sinh động, nhộn nhịp chúng tôi lại được nhìn cảnh thôn quê của Nhật trên đường đi để tìm thấy những điểm tương đồng cùng khác với vùng thôn quê của quê hương mình như thế nào. Nhưng tôi tìm mãi vẫn chưa ra mà chỉ thấy những cây tre bên nầy có vẻ khác với cây tre bên mình quá đổi, nó thẳng đứng hơn và không có nhiều cành nhánh và hình như chúng không có gai, Còn vùng thôn quê thì đất không nhiều và đan xen vào là khu phố và các hãng xưởng, tất nhiên nước Nhật đã lâm vào tình trạnh nhân mãn từ lâu mà ngày xưa tôi đã học, đó cũng là một nguyên nhân khiến cho Nhật có chủ nghĩa phát xít trong trận Đệ Nhị Thế Chiến vừa qua.
Chúng tôi đến Nara vào lúc 9 giờ 30. Qua cổng vào người ta phải đi qua Nara Park, ở đây hàng ngàn con nai được thong dong đi rong, những con nai nhỏ lẩn quẩn đi theo hoặc đến người ta để được vuốt ve hay cho ăn trước khi đi vào chùa Todaiji. Hay là vào những lúc Phật giáo thịnh hành trên đất Nhật người ta lại thành lập Vườn nai (Lộc Uyển) như trong kinh điển nhà Phật đã kể chăng? Cho nên vườn nai nầy có số nai lên đến hơn một ngàn. Số nai nhiều tất nhiên ta cũng ngửi được mùi ngai ngái của phân, nước tiểu hay là trên bước đi ta cũng phải cẩn thận với giày dép của mình.
Qua vườn nai, chúng tôi đi vào một cái cổng cao lớn được dựng trên một nền bằng của một tam cấp với những thân cây thật lớn mà trên đó có đề tên chùa bằng chữ Tàu nhưng vì tôi không rành chữ Hán nên không thể đọc được. Không hiểu ngày xưa người ta dựng lên được bằng cách nào nhỉ? Nội cái cổng không đã là vĩ đại, rồi lại qua một khu vườn có nhiều cây thông, tùng bách và có cả các cây anh đào đang đầy bông, rồi lại đến một cái cổng khác lớn hơn. Ở cổng nầy người đã làm vách ngăn và mọi người phải đi vòng qua phía trái để vào trong mua vé. Tất nhiên Jennifer phải mua vé cho chúng tôi.
Xếp hàng đi theo hành lang để vào đoạn chính giữa mà đi ra con đường chính diện của chùa, tôi không thể không ngạc nhiên với hình dáng kiến trúc của nó. Thật là nguy nga, hùng vĩ với màu sẫm đen và trắng, trông nó trở nên mạnh mẽ với hai tầng kiến trúc mái chùa, có thêm một vòm cong ở mái thứ nhất với viền màu trắng. Ở đây tôi đã thấy cái nhãn quan mỹ thuật độc đáo của người Nhật, thì ra người Nhật có tiếng về thẩm mỹ cũng không có gì là lạ.
Todaiji (Đông Đại Tự)

Theo tài liệu thì chùa Todaiji (âm Hán Việt là Đông Đại Tự) là kiến trúc chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới. Nó được xây dựng từ thế kỷ thứ 8 và trở thành một trong những Thánh địa Phật giáo quan trọng nhất của Nước Nhật trong triều đại Nara (710-794). Năm 741 Hoàng đế Shomu (724–749) ban chỉ thị xây dựng các chùa trên đất Nhật mà chùa Đông Đại Tự là ngôi chùa lớn nhất. Toàn bộ khu chùa được hoàn thiện trong 15 năm, với hơn 2 triệu 6 nhân lực.
Sau những lần bị tàn phá do chiến tranh và hủy hoại do thiên tai vào những năm 1180, 1567, chùa được tôn tạo, phục hồi vào các năm 1183, và 1692. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại vào năm 1709 với kích thước chỉ bằng 2/3 của nguyên thủy, nhưng không kém phần đồ sộ với kích thước rộng 50m, dài 57m và cao 48m.
Trên con đường chính diện, du khách đi vào ra đông đảo, nhiều người đứng lại chụp hình cho nhau hoặc “selfie”. Leo lên khoảng chín bậc thềm thì chúng tôi đã vào được chính điện. Ngay gian chính giữa tượng Phật bằng đồng đen thật lớn và phía sau tượng Phật là khung hào quang với nhiều tượng Phật nhỏ trên đó được thếp vàng. Với tài liệu thì tượng Phật đồng đen cao 15 mét và nặng 550 tấn. Còn thếp vàng thì phải cần đến 400 kg vàng. Tôi cứ nhìn những cây cột thật cao và lớn mà tôi lại nghĩ miên man về những cây gì để xây dựng nên ngôi chùa như thế nầy. Bên tay phải của tượng Phật đồng đen là một tượng Phật khác màu vàng cũng tương đối là khá lớn lại cùng cỡ với tượng Phật ở gian bên trái. Sau khi tham quan và lễ lạy chúng tôi lại lục tục kéo ra ngoài để lần trở về xe buýt. Tôi đứng trên thềm ngoài chánh điện mà quay máy ra ngoài quay hai dãy nhà ở hai bên phải trái cân đối nhau và chính giữa nhìn ra là cổng.
Todaiji (Đông Đại Tự)

Chúng tôi đi trở ra cổng, tất nhiên cổng vẫn đóng và chúng tôi lại rẽ sang tay trái để đi ra ngoài. Ở đường đi nầy có cây anh đào luôn hấp dẫn mọi người, tôi cũng ghi lại cây nầy để kỷ niệm lần đầu tiên mình được chiêm ngưỡng nguyên một cây anh đào đang đầy bông trong lần đầu tiên được đặt chân trên đất Nhật.


Nguyên Thảo,
25/06/2017.

Tuesday, June 20, 2017

*Đường Đến Băng Hà. (1)



Hôm vợ chồng tôi đến thăm anh chị Hiệp nhân lúc anh chị đi trốn lạnh từ Việt Nam mới về, anh có ngõ ý: “Ông Thạch à, bây giờ còn đi được hay là vợ chồng ông với vợ chồng tôi làm một chuyến đi xa nữa đi, để rồi mai mốt đi không được thì nằm nhà không phải hối tiếc”! Tôi hỏi: “Ý anh muốn đi đâu”. Anh trả lời: “Thì mình đi Canada, Alaska rồi về Hawaii theo tour của ông Chánh ở Melbourne đi”. Vợ tôi còn ngần ngừ vì chuyến đi quá xa, ngồi phi cơ chỉ có “mệt mà nghỉ”, nên chúng tôi còn đắn đo suy nghĩ, xin trả lời sau với anh. Thế rồi không lâu, vợ chồng tôi trả lời hai anh chị là “Đồng ý”. Từ đó chúng tôi tiến hành gọi điện thoại lên công ty lữ hành của anh Chánh ở trên Melbourne là công ty “Hữu Nghị” (Frienly Travel). Chúng tôi đã đi với anh chị Chánh trong tour Âu Châu vào tháng 5/2009 lúc đó anh chị dẫn đoàn. Hai anh chị là người dễ mến, nên chúng tôi cũng có nhiều cảm tình, nhưng với anh chị Hiệp thì còn đi một vài tour khác kể cả các vé đi về Việt Nam.
Hai cặp chúng tôi là hai trong những người “booking” sớm nên có vài “ân huệ” cho những người đầu tiên. Thế rồi tiếp theo là Cô Hi (em vợ tôi) cùng với anh chị Thới mà chị Thới là bạn học của Hi, nhưng anh Thới cũng không xa lạ gì, vì tôi đã biết anh từ những năm đầu mới cùng nhau sống trên đất Úc. Thế là đoàn chúng tôi gồm có 7 người.
Anh chị Hiệp, anh chị Thới, vợ chồng tôi và cô Hi.



 Thấm thoát qua nhiều thủ tục giấy tờ, cũng đã đến ngày khởi hành. Vì chúng tôi từ Adelaide lên mà tour đi khá sớm vì vậy chúng tôi phải trừ hao và tính phần cho chắc ăn, nên mọi người đồng ý là đi vào bữa trước và ngủ ở khách sạn tại sân bay Tullamarine một đêm chờ đến ngày hôm sau nhập tour.
Chiếc máy bay Qantas nội địa sẽ khởi hành vào lúc 11 giờ 15 nên chúng tôi phải đi trước từ lúc 9 giờ sáng và hẹn gặp nhau tại phi trường. Sau khi làm thủ tục “check in” và gởi hành lý, chúng tôi phải qua khu vực kiểm soát để vào trong phòng đợi. “Boarding” (vào máy bay) trước nửa giờ và máy bay ra phi đạo đúng giờ. Đến 1 giờ 15 địa phương thì máy bay đáp xuống phi trường Melbourne. Nhận hành lý xong, chúng tôi ra cổng đón xe buýt của khách sạn để về khách sạn “Holliday Inn” ở gần đó. Nhận phòng nghỉ ngơi đến chiều tối, mọi người rủ nhau đi ra ngoài kiếm gì ăn. Lại đến tiệm thức ăn nhanh “Mac Donald” gần đó. Đường từ phi trường ra có nhiều xe và chúng nối đuôi liên tục nên việc băng qua đường cần thời gian khá lâu.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi thức dậy từ lúc 4 giờ 30 để uống cà phê, làm mọi chuyện vệ sinh cá nhân rồi xuống trả phòng vào khoảng 5 giờ rưởi để đến 6 giờ xe buýt đưa ra phi trường.
Đến 7 giờ thì gặp Cô Liên, người dẫn đoàn đưa đến khu vực “check in” để gởi hành lý, rồi qua khu vực làm các thủ tục hải quan (kiểm passport, chụp hình, nộp giấy ra nước Úc), bây giờ hầu hết các giai đoạn đều tự động nên không tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên đối với những người không quen và dở tiếng Anh như tôi thì có nhiều khó khăn và chậm chạp, đôi khi phải nhờ đến người khác giúp.
Cả đoàn ngồi đợi chuyến bay ở cổng số 9 từ lúc 7 giờ 25 nhưng mãi đến 9 giờ 45 mới lên máy bay và hơn 10 giờ thì cất cánh.
Chuyến bay QF 093 nầy là máy bay đời mới A 380-800 gồm hai tầng. Có lẽ hạng Business và các hạng sang ở tầng trên, còn hạng “economy” như chúng tôi thì thấy đều đi vào tầng dưới. Theo bản đồ và chi tiết thì chuyến bay từ Melbourne đến Los Angeles có khoảng cách là 12,973 km, và thời gian bay dự trù là 13 giờ 40 phút.
Chuyến bay khởi hành từ Melbourne vào ngày thứ bảy, nhưng đi mãi đến sáng hôm sau khi đáp xuống phi trường Los Angeles cũng lại là sáng ngày thứ bảy vào lúc 6 giờ 40, vì chúng tôi đã bay qua đường sang ngày ở trên Thái Bình Dương.
Sau các thủ tục quá cảnh trên đất Mỹ, chúng tôi di chuyển đến nơi của phi trường mà các chuyến bay đi Canada khởi hành, đến đó cũng đã là 8 giờ 45. Ở đây đoàn chúng tôi mới tập họp lại đầy đủ vì trước đó những ngưòi đi từ Sydney không xuống Melbourne mà họ đi thẳng qua Los Angeles. Bây giờ tổng kết đoàn có 18 người ở Melbourne, 10 người từ Sydney, 7 người ở Adelaide, 4 người ở Perth, 2 người từ Cairn và 4 người Mã Lai. Như vậy vị chi là 45 ngưòi, nhưng không biết trong đó có tính luôn cô Liên và chồng là Vinh hay không, nếu chưa tính thì đoàn có tổng cộng là 47 người tất cả, cũng là lực lượng khá đông.
Chuyến bay đi Vancouver cứ dời giờ mãi (delay) đến 1 giờ 50 phút mới cho khách lên máy bay (boarding). Và rồi cất cánh sau đó khoảng gần 30 phút, và đến phi trưòng Vancouver vào lúc 3 giờ 45. Nhưng đoàn chúng tôi hoàn tất mọi thủ tục nhập cảnh, hải quan tương đối khá lâu, nên khi gặp được người nhà của hướng dẫn viên ở đây đến đón cùng đưa về khách sạn Four Points By Sheraton thì cũng đã là 6 giờ 25 chiều ngày. Sau khi nhận phòng, chúng tôi chỉ có một thời gian ngắn chừng nửa tiếng để bước qua nhà hàng Đại hàn (Korean) ăn tối cũng gần đó. Vị trí tạm thời được sắp theo nhóm và trong bữa ăn nầy ba của anh chàng ra đón ở phi trường xuất hiện: Đó là hướng dẫn viên lão thành, ông Vincent.
Cô Liên và Vinh, ông Vincent, vợ chồng tôi.

Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò cho đến 9 giờ thì trở về khách sạn để lo tắm rửa, sửa soạn hành lý chuẩn bị cho ngày mai khởi hành đi sang đảo Vancouver Island.
Vừa đi xa, vừa thiếu ngủ, vừa mệt mỏi nên chúng tôi được một giấc ngủ tương đối khá ngon. Tuy nhiên vẫn ngủ không nhiều vì thế mà 5 giờ đã thức dậy, rồi hai anh em cùng nhau uống cà phê và trò chuyện. Đến 7 giờ sáng, đoàn chúng tôi hẹn nhau xuống phía dưới ăn sáng. Điểm tâm xong, chúng tôi trở lên phòng chuẩn bị đồ đạc, dụng cụ mang theo để Vincent hướng dẫn sang Vancouver Island tham quan thủ phủ của Tỉnh British Columbia là Victoria.
Xe buýt rời khách sạn vào lúc 9 giờ 35 và trên đường đi về bến phà sang đảo Vancouver. Dọc đường cây cối lá đã đầy vì thời gian nầy ở đây đã sang Xuân. Tuy nhiên lá vẫn còn nhỏ, chưa đủ sức lớn của nó vì xuyên qua đó chúng ta hãy còn nhìn thấy những nhánh và cành. Lại có nhiều cây vẫn chưa ra lá nào, chồi cũng chưa thấy. Cái màu xanh mơn mởn làm cho mình tưởng thành phố đang trỗi dậy sau một mùa Đông ngủ vùi. Nhưng có mấy anh bạn bảo rằng ở Vancouver nầy thời tiết tương đối ấm hơn vì nhờ dòng nước nóng của Thái Bình Dương từ xích đạo chạy dọc theo bờ biển lên nên ở đây rất ít tuyết. Điều đó tôi không biết chắc nhưng cứ nói đến Canada thì người ta cứ nghĩ đến cái tủ lạnh có không gian thật là vĩ đại. Ừ, thì mình cứ nghĩ là như vậy cho nên trong chuyến đi nầy tôi thấy gần như ai cũng trang bị cho mình quần áo đủ ấm, thế cho nên tôi đùa với những người trong nhóm rằng: Tiệm Kathmandu bán đắt cũng nhờ những người đi sang xứ lạnh của bọn mình, vì đa số đều mặc áo ấm của Kathmandu hơn là của Columbia.
Xe đến bến phà lúc 11 giờ. Bên dãy xe buýt, xe chúng tôi đứng hàng thứ nhì. Còn bên xe nhà, xe du lịch thì ba bốn hàng nối đuôi nhau thật là dài. Đó là phần phà bên phía đi sang đảo Vancouver gọi là bến phà Tsawwassen. Còn phía bên kia là xe của chuyến phà khác mà tôi chưa biết là nó đến đâu, thì ít xe hơn. Trong khi chờ đợi phà thì chúng tôi cùng nhau đi dạo khu buôn bán ở khoảng giữa các luồng xe đợi phà. Cũng rất nhiều gian hàng, nhưng phần lớn chúng tôi đi dạo, xem cho biết hơn là mua hàng. Vả lại, cũng vì là những ngày đầu, nên chưa cần thiết phải mua.
Đến 11 giờ 40 xe xuống phà, chúng tôi ngồi trên xe để xe chạy vào phà, Tầng dưới là những xe lớn, còn những xe nhỏ dường như ở mấy tầng trên, còn trên tầng 5 thì là nơi ăn uống, nghỉ ngơi của khách và tầng thượng là để khách ngắm cảnh, chụp hình. Rời xe buýt chúng tôi cố nhớ số cùng vị trí xe trên phà để khỏi bị lạc khi phà cập bến vì lúc đó mình phải gấp rút có mặt trên xe để xe chạy lên bờ.
Vì là những ngày đầu trên đất Canada nên mọi người tha hồ chụp hình trên sân thượng của phà với lá cờ có hình chiếc lá của Canada, một phần cảnh đẹp, một phần cũng là do kỷ niệm. Ôi, thật là vui vẻ cùng nhau. Đến 12 giờ 25 chúng tôi trở về xe, phà cập bến và các xe lần lượt nối đuôi nhau rời phà. Đây là Swartz Bay của đảo Vancouver Island.

Nguyên Thảo,
13/06/2017.





*Mừng Ông.



*Sân Hận.    

À! "No mất ngon, giận mất khôn"
Thế ông chưa giữ được tâm hồn
Sân hận khiến ông như lửa đốt
Xui người nóng hực, dạ bôn chôn.

Lửa bốc lên cao, lửa tới đầu
Tam tinh tá hỏa, mắt chìm sâu,
Tóc tai dựng đứng, hồn bay mất
Chỉ có oang oang, hực hực đầu.

Sân hận như là đám cháy to
Đốt thiêu công đức biến thành tro
Công lao hạn mã ngàn năm dựng
Chỉ thoáng một lần cháy cả kho.

Đồ Ngông,
30-08-07.

 

*Ngủ, Thức.

Tớ được nghe ông "Trí" đã lâu
Tớ mong gặp mặt để đê đầu
Nhưng không biết "ngủ" hay là "thức"
Tóc có còn xanh hoặc bạc đầu.

Tớ mới nghe danh, tớ khiếp rồi
Còn đâu... teo nữa, với than ôi!
Ông ơi! Ông nhớ thương dùm tớ
Vì sợ ông nhiều, nên hỡi ôi!

Đồ Ngông,
30-08-07.

 

*Mừng Ông.

Tớ muốn mừng ông, nhưng tớ buồn
Bởi vì phận tớ dở ương ương
Có đâu đỉa lại đeo chân hạc
Chúng sẽ cười cho kẻ quá đường.

Tớ đứng nhìn ông tớ lại thèm
Muốn ôm mừng đại, lại kỳ thêm
Người ta không hiểu: "Thằng ton hót
Muốn bắt quàng xiên, đúng phận hèn".

Đành xa đứng ngắm, mơn tà áo
Mà tưởng ra như dự đón Ngài
Tay bắt mặt mừng coi hớn hở
Trong mơ mình lại cũng như ai?

Đồ Ngông,
30-08-07.

 

*Hỉ Hả!

Hỉ hả cùng nhau, hỉ hả lòng
Tớ ông, ông tớ quả vui không?
Vài ly, vài cốc mình tâm hợp
Vui thú cùng nhau, ý lại đồng!

Chẳng mắc gì ai, ta cứ vui
Hai ta túy lúy lại say vùi
Mặc trời, mặc đất quay chong chóng
Mây có bay về, lại quá vui!

Đồ Ngông,
30-08-07.

 

*Cái Thứ Năm.

"Trên đời có bốn cái ngu,
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu"        (Tục ngữ, Ca dao)
Nhưng mà chưa thấm vào đâu
Làm thân chửi mướn, còn sầu thảm thương
Nhất là thân lại viễn phương
"Xía vô, nhọn mỏ" coi thường người ta.
Nhập giang theo khúc, tùy gia
Đã thân trí thức mà ra "hồ đồ"
Mũi đâu lại dán vô rào
Biết chi mà lại xía vào "ăn hôi"
Rằng xưa đã nói "kẻ tồi!"

Đồ Ngông,
30-08-07.




Monday, June 5, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở" ! (1)



Nói đến “Hoa Anh Đào” là nói đến sự mơ mộng và tưởng tượng của tôi rất nhiều trong thời còn nhỏ. Điều ấy không sai chút nào cả! Không phải tôi biết về nước Nhật hay hiểu về người Nhật mà chỉ vì trí óc non nớt của mình được in những hình ảnh đặc biệt rất Nhật trong tuồng hát “Khi Hoa Anh Đào Nở” của các soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng, cùng với cái tên hơi ngồ ngộ “Điền Sơn anh hỡi Điền Sơn hỡi!...”. Những bộ đồ Kimono, những chiếc dù xoay xoay, những thanh kiếm có tay cầm dài ra mà kiếm sĩ có thể cầm được hai tay; rồi đến sau nầy Hoa Anh Đào được gán ghép vào những loại hoa do những người không biết về hoa anh đào, kể cả người ta cứ nghĩ đến “hoa anh đào” trong bài hát gì đó có câu: “Ai lên xứ hoa đào” của tác giả Hoàng Nguyên. Tôi cứ nghĩ người ta biết nhiều về “hoa anh đào”, nhưng tại sao người lại nói hoa nầy, người khác nói là hoa kia, rốt cuộc tôi chẳng biết hoa anh đào là hoa như thế nào. Và đến đỗi tôi không còn để ý đến nó nữa trong một thời gian thật là dài.
Dù không để ý đến hoa anh đào, nhưng tôi lại được học hay đọc về những điều khác của người và nước Nhật. Tôi được học địa lý về bốn hòn đảo lớn, đọc về tinh thần võ sĩ đạo, Thiền Zen, thuật dưỡng sinh đến cả nghệ thuật xếp giấy, cắm hoa, trà đạo… ngoài cái được gọi là “phát xít Nhật” và trận “Trân Châu Cảng”.
Rồi nước Nhật chỉ được quyền phát triển về kinh tế, bị kìềm hãm về quân sự vũ khí để nước Nhật vươn lên thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới sau chiến tranh. Ngày nay chắc người ta không còn nghi ngờ gì nữa về tinh thần và tính kỷ luật của người Nhật: Người Nhật đã nhặt rác chung quanh chỗ ngồi ở một vận động trường tại Nam Mỹ trong một cuộc tranh giải túc cầu thế giới. Một đứa bé đem phần quà dành riêng cho mình mà ngưòi khác đã cho đem bỏ lên thùng quà chung để được phân phát, và trong thảm họa kép vừa sóng thần vừa sự rò rỉ của nhà máy điện hạt nhân vẫn không có náo loạn, trộm cắp và mọi người vẫn cứ xếp nhau nối hàng để được nhận quà trợ cấp. Điều ấy có lẽ rất hiếm dân tộc nào làm được!
Đối với tôi chuyện kể sự tự sát của một kiếm sĩ “samurai” đã là một hình ảnh phải thán phục nhưng đội “Thần phong” lại làm cho người ta cúi đầu nhiều hơn. Họ chết cho Danh dự và Tổ quốc, chỉ muốn mình là một vị Thần trong không biết bao nhiêu là vị Thần trong Thần Đạo. Họ không cần một Thiên Đường với bao nhiêu là ân huệ của Đấng Tối Cao hoặc là những “gái trinh” đang chào đón. Quả thực dân tộc Nhật có nhiều điều đáng cho ta học tập!
Từ một đất nước đầy thiên tai thuộc vùng núi lửa trên vành đai Thái Bình Dương, không nhiều tài nguyên, nhưng nước Nhật đã phát triển vượt bậc về kinh tế, kỹ nghệ để chiếm lĩnh ưu thế trên thương trường thế giới, âu cũng là điều thế giới phải suy nghĩ. Tôi không hiểu từ ngữ “Phù Tang” để gọi nước Nhật xưa kia từ đâu vì từ Hán Việt đã là Nhật Bản hay là Nhật Bổn, nhưng chữ Phù Tang nó có vẽ nên thơ và mờ mờ ảo ảo giống như những đám mây trôi (phù vân) bay bay trên bầu trời, bay qua ngọn núi đẹp, oai hùng Phú Sĩ Sơn, là ngọn núi được xem là biểu tượng của nưóc Nhật và của cả một dân tộc mà họ tự coi như là hậu duệ, con cháu của Thái Dương Thần Nữ.
Tôi biết không nhiều về nước Nhật, nhưng nước Nhật đã gây cho tôi nhiều kỳ thú từ thuở ấu thơ và tôi chỉ mong đến một ngày nào đó được đặt chân lên đất Nhật để có thể nhìn được tận mắt những gì người Nhật đã sinh sống và đã làm!
Bây giờ tôi là một kẻ tha phương, lang thang trên đất người, cho nên đi đâu cũng là một kẻ lang thang. Lang thang đi tìm một đoá hoa “anh hùng” tượng trưng như cái chết của một kiếm sĩ, nó chỉ có “Khi Hoa Anh Đào Nở”, cánh hoa đào mỏng manh, bay lả tả trong gió như cái chết nhẹ nhàng, kiêu hãnh của một giới kiếm sĩ mà tiếng Nhật gọi là “Samurai”, nó khác hơn là “xem cái chết tựa lông hồng” để nói đến cái khí khái người quân tử, của người cầm kiếm trong những truyện Tàu hay kiếm hiệp mà đôi lần tôi đã được đọc!
Theo một tài liệu thì người ta ghi nhận rằng: Hoa Anh Đào trên đất Nhật nở rộ từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 tùy theo những vùng khi mùa Xuân đến sớm hay muộn từ Nam lên Bắc. Vào thời điểm ấy người Nhật tổ chức lễ hội “hanami” (hana: hoa; mi: ngắm). Tục nầy có từ khoảng 1300 năm trước. Vào thời đại Nara (710-794) hoa được ngắm là hoa Ume (Plum), nhưng đến thời Heian (794-1185) thì hoa Sakura (cherry blossom: Hoa anh đào) được chọn.
Hoa Sakura thời gian đầu chỉ là biểu tượng cho một “đời sống mới”. Nhưng khi giới samurai nắm giữ quyền lực chính trị, quân sự vào những năm 1100 thì nó lại được tượng trưng cho “những người đàn ông không sợ chết”; và đến ngày nay hoa tượng trưng cho: “Đời Sống Mới, Hi Vọng và Tình Bạn”.
Nếu “Hanami” sớm thì chỉ thấy những mầm, còn trễ thì chỉ dẫm bước chân lên những cánh hoa trơn trợt mà thôi. Thức ăn người ta đem theo trong hội “hanami” thường là thịt nướng, rau cải, cơm với các thứ đồ chua hoặc cá. Người ta cũng có thể mua thức ăn làm sẵn gọi là “Bento boxes” có rau cải, bánh bột gạo nhuộm hồng gói trong lá xanh, sushi và thịt chiên hay nướng. Để thời gian thưởng ngoạn hoa được lâu hơn người ta không đụng vào cây, bẻ nhánh hay kể cả ngồi gần các rễ cây.
Theo thời gian, nước và người dân Nhật là những gì khiến cho tâm hồn tôi có nhiều thắc mắc và tò mò để cần phải tìm biết và một ngày nào đó, nếu có dịp, thì nên đến đó một lần. Thuở xưa có lần tôi đọc được bài báo trên tập san Thời Nay hay Tiền Phong gì đó có đề cập đến một Đảng gọi là Hắc Long của những người Nhật ở hải ngoại, khi đọc cái tựa bài tôi cứ ngỡ đó là một Đảng dữ tợn chuyên gây những tai ương đến cho người khác, nhưng tôi không ngờ nội dung lại khác hẳn. Đó là tổ chức để trừng trị những hành vi không tốt của cộng đồng người Nhật ở nước ngoài, tức là Đảng ấy giống như hành động “thanh lọc” những thành phần xấu trong cộng đồng người Nhật và thi hành “trừ gian diệt bạo”. Rồi đến, ngưòi dân nước Nhật ở hai thành phố Nagasaki và Hiroshima (Trường kỳ, Quảng Đảo) phải chết dưới hai trái bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh mà chính phủ Nhật đã mở ra trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai. Đó là dân tộc đầu tiên, duy nhất trên thế giới phải nếm mùi của “bom nguyên tử” cho đến tận bây giờ. Nước Nhật “Bonsai”, “Trà Đạo”, “Nghệ Thuật Cắm Hoa”, “Zen”, “Dưỡng Sinh”, “Origami”, “Võ Sĩ Đạo”, “Thần Đạo”, “Ninja”, “Geisha”, “Sumo”… Và bên cạnh “Núi lửa, Sóng Thần, Động đất và sự tiến bộ về kỷ thuật, khoa học” cùng nhiều điều khác nữa đã làm cho tôi “khao khát” để tìm hiểu về nước và người dân Nhật! Tôi hi vọng có đến một ngày…!

Nguyên Thảo,
04/06/2017.

              

*Pháo Nổ Xuân Nầy!



*Thuộc về ai?   

Trách nhiệm bây giờ thuộc ở ai:
Tai to mặt lớn hoặc ăn mày?
Bàng dân thiên hạ hay ăn học?
Chiếu trước chiếu trên hoặc lũ cày?
Thuở bé học hành chi cho uổng
Nên già quan chức chẳng giống ai!
Giành nhau gấu ó tuồng chai mặt
Xấu hổ chưa? Sao mãi thế này!

Đồ Ngông,
13-07-04.



 
*Xin cáo với người dân.

Tớ xin nghiêng nón, cáo người dân
Bọn chúng hung hăng phá xóm làng
Chúng quậy mấy năm không chịu dứt,
Họ còn ra dáng, tỏ nghênh ngang.

Bọn chúng là ai? Quan sát kỹ
Theo từng chi tiết sẽ ra ngay
Bên ngoài chúng tỏ điều nhân đức
Tâm địa hơn "trâu xéo, ngựa cày".

Bọn chúng bây giờ quá lắm thay!
Họp bè họp đảng tận phương này
Xúm nhau mà quậy mà bêu xấu
Để nắm toàn quyền, mặc múa may!

Đồ Ngông,
15-07-04.





*Đón Tết Và Xuân.

Xuân nầy thấm thoát đã hai mươi
Hưởng Tết bao năm ở xứ người
Pháo Tết, bánh chưng chừng tẻ nhạt
Nắng chiều bóng ngã: Nhớ Xuân xưa!

Đón Xuân quê mẹ, cõi phương Nam
Lửa Hạ như thiêu, bỏ việc làm
Trốn nắng ở nhà nghe máy lạnh
Ồn ào như cảnh đón xuân sang!

Tết đến, năm qua! Cũng bạn bè
Cùng nhau chúc tụng, lắng nhau nghe
Dư âm ngày Tết quê hương cũ
Cùng lớn thanh âm thế hội hè!

Mừng anh, mừng chị lại mừng tôi
Tuổi nữa gắn lên tóc... bạc rồi!
Cứ chúc cùng nhau nhiều sức khoẻ
Để còn hưởng Tết với nhau thôi!

Đồ Ngông,
12-10-04.

 


*Pháo Nổ Xuân Nầy!

Tớ tính năm nay với bạn bè
Cùng nhau pháo nổ xúm nhau nghe
Tiếng de, tiếng nút kêu canh cách
Âm trống, âm thùng dộng chẻ tre
Cứ nói, cứ la vang trời đất
Lại đùa, lại xạo bể "bô" xe.
Người người ngạo nghễ như ra trận
Chẳng chết thằng Tây, chẳng chém vè!

Đồ Ngông,
11-11-04.