Tuesday, June 20, 2017

*Đường Đến Băng Hà. (1)



Hôm vợ chồng tôi đến thăm anh chị Hiệp nhân lúc anh chị đi trốn lạnh từ Việt Nam mới về, anh có ngõ ý: “Ông Thạch à, bây giờ còn đi được hay là vợ chồng ông với vợ chồng tôi làm một chuyến đi xa nữa đi, để rồi mai mốt đi không được thì nằm nhà không phải hối tiếc”! Tôi hỏi: “Ý anh muốn đi đâu”. Anh trả lời: “Thì mình đi Canada, Alaska rồi về Hawaii theo tour của ông Chánh ở Melbourne đi”. Vợ tôi còn ngần ngừ vì chuyến đi quá xa, ngồi phi cơ chỉ có “mệt mà nghỉ”, nên chúng tôi còn đắn đo suy nghĩ, xin trả lời sau với anh. Thế rồi không lâu, vợ chồng tôi trả lời hai anh chị là “Đồng ý”. Từ đó chúng tôi tiến hành gọi điện thoại lên công ty lữ hành của anh Chánh ở trên Melbourne là công ty “Hữu Nghị” (Frienly Travel). Chúng tôi đã đi với anh chị Chánh trong tour Âu Châu vào tháng 5/2009 lúc đó anh chị dẫn đoàn. Hai anh chị là người dễ mến, nên chúng tôi cũng có nhiều cảm tình, nhưng với anh chị Hiệp thì còn đi một vài tour khác kể cả các vé đi về Việt Nam.
Hai cặp chúng tôi là hai trong những người “booking” sớm nên có vài “ân huệ” cho những người đầu tiên. Thế rồi tiếp theo là Cô Hi (em vợ tôi) cùng với anh chị Thới mà chị Thới là bạn học của Hi, nhưng anh Thới cũng không xa lạ gì, vì tôi đã biết anh từ những năm đầu mới cùng nhau sống trên đất Úc. Thế là đoàn chúng tôi gồm có 7 người.
Anh chị Hiệp, anh chị Thới, vợ chồng tôi và cô Hi.



 Thấm thoát qua nhiều thủ tục giấy tờ, cũng đã đến ngày khởi hành. Vì chúng tôi từ Adelaide lên mà tour đi khá sớm vì vậy chúng tôi phải trừ hao và tính phần cho chắc ăn, nên mọi người đồng ý là đi vào bữa trước và ngủ ở khách sạn tại sân bay Tullamarine một đêm chờ đến ngày hôm sau nhập tour.
Chiếc máy bay Qantas nội địa sẽ khởi hành vào lúc 11 giờ 15 nên chúng tôi phải đi trước từ lúc 9 giờ sáng và hẹn gặp nhau tại phi trường. Sau khi làm thủ tục “check in” và gởi hành lý, chúng tôi phải qua khu vực kiểm soát để vào trong phòng đợi. “Boarding” (vào máy bay) trước nửa giờ và máy bay ra phi đạo đúng giờ. Đến 1 giờ 15 địa phương thì máy bay đáp xuống phi trường Melbourne. Nhận hành lý xong, chúng tôi ra cổng đón xe buýt của khách sạn để về khách sạn “Holliday Inn” ở gần đó. Nhận phòng nghỉ ngơi đến chiều tối, mọi người rủ nhau đi ra ngoài kiếm gì ăn. Lại đến tiệm thức ăn nhanh “Mac Donald” gần đó. Đường từ phi trường ra có nhiều xe và chúng nối đuôi liên tục nên việc băng qua đường cần thời gian khá lâu.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi thức dậy từ lúc 4 giờ 30 để uống cà phê, làm mọi chuyện vệ sinh cá nhân rồi xuống trả phòng vào khoảng 5 giờ rưởi để đến 6 giờ xe buýt đưa ra phi trường.
Đến 7 giờ thì gặp Cô Liên, người dẫn đoàn đưa đến khu vực “check in” để gởi hành lý, rồi qua khu vực làm các thủ tục hải quan (kiểm passport, chụp hình, nộp giấy ra nước Úc), bây giờ hầu hết các giai đoạn đều tự động nên không tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên đối với những người không quen và dở tiếng Anh như tôi thì có nhiều khó khăn và chậm chạp, đôi khi phải nhờ đến người khác giúp.
Cả đoàn ngồi đợi chuyến bay ở cổng số 9 từ lúc 7 giờ 25 nhưng mãi đến 9 giờ 45 mới lên máy bay và hơn 10 giờ thì cất cánh.
Chuyến bay QF 093 nầy là máy bay đời mới A 380-800 gồm hai tầng. Có lẽ hạng Business và các hạng sang ở tầng trên, còn hạng “economy” như chúng tôi thì thấy đều đi vào tầng dưới. Theo bản đồ và chi tiết thì chuyến bay từ Melbourne đến Los Angeles có khoảng cách là 12,973 km, và thời gian bay dự trù là 13 giờ 40 phút.
Chuyến bay khởi hành từ Melbourne vào ngày thứ bảy, nhưng đi mãi đến sáng hôm sau khi đáp xuống phi trường Los Angeles cũng lại là sáng ngày thứ bảy vào lúc 6 giờ 40, vì chúng tôi đã bay qua đường sang ngày ở trên Thái Bình Dương.
Sau các thủ tục quá cảnh trên đất Mỹ, chúng tôi di chuyển đến nơi của phi trường mà các chuyến bay đi Canada khởi hành, đến đó cũng đã là 8 giờ 45. Ở đây đoàn chúng tôi mới tập họp lại đầy đủ vì trước đó những ngưòi đi từ Sydney không xuống Melbourne mà họ đi thẳng qua Los Angeles. Bây giờ tổng kết đoàn có 18 người ở Melbourne, 10 người từ Sydney, 7 người ở Adelaide, 4 người ở Perth, 2 người từ Cairn và 4 người Mã Lai. Như vậy vị chi là 45 ngưòi, nhưng không biết trong đó có tính luôn cô Liên và chồng là Vinh hay không, nếu chưa tính thì đoàn có tổng cộng là 47 người tất cả, cũng là lực lượng khá đông.
Chuyến bay đi Vancouver cứ dời giờ mãi (delay) đến 1 giờ 50 phút mới cho khách lên máy bay (boarding). Và rồi cất cánh sau đó khoảng gần 30 phút, và đến phi trưòng Vancouver vào lúc 3 giờ 45. Nhưng đoàn chúng tôi hoàn tất mọi thủ tục nhập cảnh, hải quan tương đối khá lâu, nên khi gặp được người nhà của hướng dẫn viên ở đây đến đón cùng đưa về khách sạn Four Points By Sheraton thì cũng đã là 6 giờ 25 chiều ngày. Sau khi nhận phòng, chúng tôi chỉ có một thời gian ngắn chừng nửa tiếng để bước qua nhà hàng Đại hàn (Korean) ăn tối cũng gần đó. Vị trí tạm thời được sắp theo nhóm và trong bữa ăn nầy ba của anh chàng ra đón ở phi trường xuất hiện: Đó là hướng dẫn viên lão thành, ông Vincent.
Cô Liên và Vinh, ông Vincent, vợ chồng tôi.

Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò cho đến 9 giờ thì trở về khách sạn để lo tắm rửa, sửa soạn hành lý chuẩn bị cho ngày mai khởi hành đi sang đảo Vancouver Island.
Vừa đi xa, vừa thiếu ngủ, vừa mệt mỏi nên chúng tôi được một giấc ngủ tương đối khá ngon. Tuy nhiên vẫn ngủ không nhiều vì thế mà 5 giờ đã thức dậy, rồi hai anh em cùng nhau uống cà phê và trò chuyện. Đến 7 giờ sáng, đoàn chúng tôi hẹn nhau xuống phía dưới ăn sáng. Điểm tâm xong, chúng tôi trở lên phòng chuẩn bị đồ đạc, dụng cụ mang theo để Vincent hướng dẫn sang Vancouver Island tham quan thủ phủ của Tỉnh British Columbia là Victoria.
Xe buýt rời khách sạn vào lúc 9 giờ 35 và trên đường đi về bến phà sang đảo Vancouver. Dọc đường cây cối lá đã đầy vì thời gian nầy ở đây đã sang Xuân. Tuy nhiên lá vẫn còn nhỏ, chưa đủ sức lớn của nó vì xuyên qua đó chúng ta hãy còn nhìn thấy những nhánh và cành. Lại có nhiều cây vẫn chưa ra lá nào, chồi cũng chưa thấy. Cái màu xanh mơn mởn làm cho mình tưởng thành phố đang trỗi dậy sau một mùa Đông ngủ vùi. Nhưng có mấy anh bạn bảo rằng ở Vancouver nầy thời tiết tương đối ấm hơn vì nhờ dòng nước nóng của Thái Bình Dương từ xích đạo chạy dọc theo bờ biển lên nên ở đây rất ít tuyết. Điều đó tôi không biết chắc nhưng cứ nói đến Canada thì người ta cứ nghĩ đến cái tủ lạnh có không gian thật là vĩ đại. Ừ, thì mình cứ nghĩ là như vậy cho nên trong chuyến đi nầy tôi thấy gần như ai cũng trang bị cho mình quần áo đủ ấm, thế cho nên tôi đùa với những người trong nhóm rằng: Tiệm Kathmandu bán đắt cũng nhờ những người đi sang xứ lạnh của bọn mình, vì đa số đều mặc áo ấm của Kathmandu hơn là của Columbia.
Xe đến bến phà lúc 11 giờ. Bên dãy xe buýt, xe chúng tôi đứng hàng thứ nhì. Còn bên xe nhà, xe du lịch thì ba bốn hàng nối đuôi nhau thật là dài. Đó là phần phà bên phía đi sang đảo Vancouver gọi là bến phà Tsawwassen. Còn phía bên kia là xe của chuyến phà khác mà tôi chưa biết là nó đến đâu, thì ít xe hơn. Trong khi chờ đợi phà thì chúng tôi cùng nhau đi dạo khu buôn bán ở khoảng giữa các luồng xe đợi phà. Cũng rất nhiều gian hàng, nhưng phần lớn chúng tôi đi dạo, xem cho biết hơn là mua hàng. Vả lại, cũng vì là những ngày đầu, nên chưa cần thiết phải mua.
Đến 11 giờ 40 xe xuống phà, chúng tôi ngồi trên xe để xe chạy vào phà, Tầng dưới là những xe lớn, còn những xe nhỏ dường như ở mấy tầng trên, còn trên tầng 5 thì là nơi ăn uống, nghỉ ngơi của khách và tầng thượng là để khách ngắm cảnh, chụp hình. Rời xe buýt chúng tôi cố nhớ số cùng vị trí xe trên phà để khỏi bị lạc khi phà cập bến vì lúc đó mình phải gấp rút có mặt trên xe để xe chạy lên bờ.
Vì là những ngày đầu trên đất Canada nên mọi người tha hồ chụp hình trên sân thượng của phà với lá cờ có hình chiếc lá của Canada, một phần cảnh đẹp, một phần cũng là do kỷ niệm. Ôi, thật là vui vẻ cùng nhau. Đến 12 giờ 25 chúng tôi trở về xe, phà cập bến và các xe lần lượt nối đuôi nhau rời phà. Đây là Swartz Bay của đảo Vancouver Island.

Nguyên Thảo,
13/06/2017.





No comments:

Post a Comment