Monday, June 5, 2017
*Khi Hoa Anh Đào Nở" ! (1)
Nói đến “Hoa Anh Đào” là nói đến sự mơ mộng và tưởng tượng của tôi rất nhiều trong thời còn nhỏ. Điều ấy không sai chút nào cả! Không phải tôi biết về nước Nhật hay hiểu về người Nhật mà chỉ vì trí óc non nớt của mình được in những hình ảnh đặc biệt rất Nhật trong tuồng hát “Khi Hoa Anh Đào Nở” của các soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng, cùng với cái tên hơi ngồ ngộ “Điền Sơn anh hỡi Điền Sơn hỡi!...”. Những bộ đồ Kimono, những chiếc dù xoay xoay, những thanh kiếm có tay cầm dài ra mà kiếm sĩ có thể cầm được hai tay; rồi đến sau nầy Hoa Anh Đào được gán ghép vào những loại hoa do những người không biết về hoa anh đào, kể cả người ta cứ nghĩ đến “hoa anh đào” trong bài hát gì đó có câu: “Ai lên xứ hoa đào” của tác giả Hoàng Nguyên. Tôi cứ nghĩ người ta biết nhiều về “hoa anh đào”, nhưng tại sao người lại nói hoa nầy, người khác nói là hoa kia, rốt cuộc tôi chẳng biết hoa anh đào là hoa như thế nào. Và đến đỗi tôi không còn để ý đến nó nữa trong một thời gian thật là dài.
Dù không để ý đến hoa anh đào, nhưng tôi lại được học hay đọc về những điều khác của người và nước Nhật. Tôi được học địa lý về bốn hòn đảo lớn, đọc về tinh thần võ sĩ đạo, Thiền Zen, thuật dưỡng sinh đến cả nghệ thuật xếp giấy, cắm hoa, trà đạo… ngoài cái được gọi là “phát xít Nhật” và trận “Trân Châu Cảng”.
Rồi nước Nhật chỉ được quyền phát triển về kinh tế, bị kìềm hãm về quân sự vũ khí để nước Nhật vươn lên thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới sau chiến tranh. Ngày nay chắc người ta không còn nghi ngờ gì nữa về tinh thần và tính kỷ luật của người Nhật: Người Nhật đã nhặt rác chung quanh chỗ ngồi ở một vận động trường tại Nam Mỹ trong một cuộc tranh giải túc cầu thế giới. Một đứa bé đem phần quà dành riêng cho mình mà ngưòi khác đã cho đem bỏ lên thùng quà chung để được phân phát, và trong thảm họa kép vừa sóng thần vừa sự rò rỉ của nhà máy điện hạt nhân vẫn không có náo loạn, trộm cắp và mọi người vẫn cứ xếp nhau nối hàng để được nhận quà trợ cấp. Điều ấy có lẽ rất hiếm dân tộc nào làm được!
Đối với tôi chuyện kể sự tự sát của một kiếm sĩ “samurai” đã là một hình ảnh phải thán phục nhưng đội “Thần phong” lại làm cho người ta cúi đầu nhiều hơn. Họ chết cho Danh dự và Tổ quốc, chỉ muốn mình là một vị Thần trong không biết bao nhiêu là vị Thần trong Thần Đạo. Họ không cần một Thiên Đường với bao nhiêu là ân huệ của Đấng Tối Cao hoặc là những “gái trinh” đang chào đón. Quả thực dân tộc Nhật có nhiều điều đáng cho ta học tập!
Từ một đất nước đầy thiên tai thuộc vùng núi lửa trên vành đai Thái Bình Dương, không nhiều tài nguyên, nhưng nước Nhật đã phát triển vượt bậc về kinh tế, kỹ nghệ để chiếm lĩnh ưu thế trên thương trường thế giới, âu cũng là điều thế giới phải suy nghĩ. Tôi không hiểu từ ngữ “Phù Tang” để gọi nước Nhật xưa kia từ đâu vì từ Hán Việt đã là Nhật Bản hay là Nhật Bổn, nhưng chữ Phù Tang nó có vẽ nên thơ và mờ mờ ảo ảo giống như những đám mây trôi (phù vân) bay bay trên bầu trời, bay qua ngọn núi đẹp, oai hùng Phú Sĩ Sơn, là ngọn núi được xem là biểu tượng của nưóc Nhật và của cả một dân tộc mà họ tự coi như là hậu duệ, con cháu của Thái Dương Thần Nữ.
Tôi biết không nhiều về nước Nhật, nhưng nước Nhật đã gây cho tôi nhiều kỳ thú từ thuở ấu thơ và tôi chỉ mong đến một ngày nào đó được đặt chân lên đất Nhật để có thể nhìn được tận mắt những gì người Nhật đã sinh sống và đã làm!
Bây giờ tôi là một kẻ tha phương, lang thang trên đất người, cho nên đi đâu cũng là một kẻ lang thang. Lang thang đi tìm một đoá hoa “anh hùng” tượng trưng như cái chết của một kiếm sĩ, nó chỉ có “Khi Hoa Anh Đào Nở”, cánh hoa đào mỏng manh, bay lả tả trong gió như cái chết nhẹ nhàng, kiêu hãnh của một giới kiếm sĩ mà tiếng Nhật gọi là “Samurai”, nó khác hơn là “xem cái chết tựa lông hồng” để nói đến cái khí khái người quân tử, của người cầm kiếm trong những truyện Tàu hay kiếm hiệp mà đôi lần tôi đã được đọc!
Theo một tài liệu thì người ta ghi nhận rằng: Hoa Anh Đào trên đất Nhật nở rộ từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 tùy theo những vùng khi mùa Xuân đến sớm hay muộn từ Nam lên Bắc. Vào thời điểm ấy người Nhật tổ chức lễ hội “hanami” (hana: hoa; mi: ngắm). Tục nầy có từ khoảng 1300 năm trước. Vào thời đại Nara (710-794) hoa được ngắm là hoa Ume (Plum), nhưng đến thời Heian (794-1185) thì hoa Sakura (cherry blossom: Hoa anh đào) được chọn.
Hoa Sakura thời gian đầu chỉ là biểu tượng cho một “đời sống mới”. Nhưng khi giới samurai nắm giữ quyền lực chính trị, quân sự vào những năm 1100 thì nó lại được tượng trưng cho “những người đàn ông không sợ chết”; và đến ngày nay hoa tượng trưng cho: “Đời Sống Mới, Hi Vọng và Tình Bạn”.
Nếu “Hanami” sớm thì chỉ thấy những mầm, còn trễ thì chỉ dẫm bước chân lên những cánh hoa trơn trợt mà thôi. Thức ăn người ta đem theo trong hội “hanami” thường là thịt nướng, rau cải, cơm với các thứ đồ chua hoặc cá. Người ta cũng có thể mua thức ăn làm sẵn gọi là “Bento boxes” có rau cải, bánh bột gạo nhuộm hồng gói trong lá xanh, sushi và thịt chiên hay nướng. Để thời gian thưởng ngoạn hoa được lâu hơn người ta không đụng vào cây, bẻ nhánh hay kể cả ngồi gần các rễ cây.
Theo thời gian, nước và người dân Nhật là những gì khiến cho tâm hồn tôi có nhiều thắc mắc và tò mò để cần phải tìm biết và một ngày nào đó, nếu có dịp, thì nên đến đó một lần. Thuở xưa có lần tôi đọc được bài báo trên tập san Thời Nay hay Tiền Phong gì đó có đề cập đến một Đảng gọi là Hắc Long của những người Nhật ở hải ngoại, khi đọc cái tựa bài tôi cứ ngỡ đó là một Đảng dữ tợn chuyên gây những tai ương đến cho người khác, nhưng tôi không ngờ nội dung lại khác hẳn. Đó là tổ chức để trừng trị những hành vi không tốt của cộng đồng người Nhật ở nước ngoài, tức là Đảng ấy giống như hành động “thanh lọc” những thành phần xấu trong cộng đồng người Nhật và thi hành “trừ gian diệt bạo”. Rồi đến, ngưòi dân nước Nhật ở hai thành phố Nagasaki và Hiroshima (Trường kỳ, Quảng Đảo) phải chết dưới hai trái bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh mà chính phủ Nhật đã mở ra trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai. Đó là dân tộc đầu tiên, duy nhất trên thế giới phải nếm mùi của “bom nguyên tử” cho đến tận bây giờ. Nước Nhật “Bonsai”, “Trà Đạo”, “Nghệ Thuật Cắm Hoa”, “Zen”, “Dưỡng Sinh”, “Origami”, “Võ Sĩ Đạo”, “Thần Đạo”, “Ninja”, “Geisha”, “Sumo”… Và bên cạnh “Núi lửa, Sóng Thần, Động đất và sự tiến bộ về kỷ thuật, khoa học” cùng nhiều điều khác nữa đã làm cho tôi “khao khát” để tìm hiểu về nước và người dân Nhật! Tôi hi vọng có đến một ngày…!
Nguyên Thảo,
04/06/2017.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment