Monday, July 17, 2017

*Khi Hoa Anh Đào Nở! (3)



Mọi người trở lại xe buýt vào lúc 11 giờ 10 và xe chạy ngược lại về hướng Thành phố Osaka. Nhưng sau khoảng 20 phút thì xe buýt dừng ở gần một ngã tư, tôi cứ tưởng là bị kẹt xe; nhưng không, mọi người xuống để vào một nhà hàng Nhật để ăn trưa. Nhà hàng không để tên tiếng Anh nên tôi chẳng biết là nhà hàng gì. Đoàn chia ra ngồi ở ba bàn dài trước mặt mỗi người có phần riêng biệt và có một cái lò, nồi nho nhỏ được đun nóng để nấu thịt cho chín hay luộc rau cải cùng với những dĩa, chén cũng không lớn cho từng phần của người ăn. Đây là điểm lạ lần đầu tiên mà chúng tôi học được về cách ăn uống của người Nhật. Tất nhiên là chúng tôi ăn không được đúng cách và cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Dù là lạ hoặc không đúng thì các thức ăn cũng được sử dụng theo từng cách riêng và “đâu cũng vào đấy”, và mọi người vẫn được no bụng để lên xe đi tiếp.
Hơn 12 giờ thì đến Osaka. Osaka là một Thành phố cảng sầm uất của Nhật ở đảo Honshu với khoảng 223 cây số vuông và số dân chừng 19 triệu rưỡi. Nhưng xe đưa chúng tôi đi thẳng về car park và Jennifer hướng dẫn đoàn đi lên trên Thành Osaka tham quan. Đoàn đi trên con đường tráng xi măng rộng rãi giữa các hàng anh đào. Bây giờ đã qua mùa anh đào nở rộ và qua hội “ngắm hoa”, nhưng tôi không tiếc điều ấy vì khi chúng tôi ghi tên vào tour thì thời gian bắt đầu đi vào ngày 11 tháng 4, tức là thông thường hơi trễ với mùa hoa anh đào nở. Mặc dù là tùy thời tiết từng năm, nhưng người ta ước tính là thường vào cuối tháng ba, đầu tháng tư thì hoa anh đào sẽ nở rộ, còn tour chúng tôi sau một tuần. Chính vì vậy mà tôi cảm thấy mình được may mắn hơn khi biết được lá của hoa anh đào và có khi cả trái non của nó. Quả thật theo tiếng Anh gọi nó là “cherry blossom” là đúng vì các cuống hoa giống như cuống của chùm trái “cherry” và lá cũng giống lá của cây ăn quả nầy. Dù hơi trễ nhưng đoàn chúng tôi vẫn thưởng thức được những cây cherry đầy bông trỗ muộn của khu vực nầy.
Tôi mãi mê với những bông, cành, hàng cây anh đào và cố thu lấy những cảnh ấy vào trong thẻ nhớ của máy quay nên khi nhìn lại đoàn đã đi xa, đành phải chạy theo mệt nghỉ. Và cuối cùng cũng chạy lên tới khu vực Thành Osaka.
Người ta bảo rằng: Đi Osaka mà không đến viếng Thành là một thiếu sót vì Thành Osaka là ngôi
Hoa Anh Đào, hào và vách thành.
thành tiêu biểu cho nét đặc trưng về kiến trúc, văn hóa của Nhật; nhưng nó cũng lại là một trong những thành nổi tiếng nhất cùng đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất nước Nhật vào thế kỷ thứ 16 dưới thời đại Azuchi Momoyama.
Thành Osaka gọi theo tiếng Hán Việt là Đại Phản Thành được xây dựng vào thế kỷ thứ 16 do lãnh chúa lừng danh Toyotomi Hideyoshi. Thành đã từng bị thiêu hủy, xây dựng lại nhiều lần, lần đầu vào năm 1620. Nhưng tòa nhà chính bị thiêu rụi vào năm 1665 sau khi bị sét đánh. Qua nhiều năm xao lãng, Thành được tu sửa, sửa lại do các Mạc Phủ quyên góp được tiền từ nhân dân vào năm 1843.
Sau các đợt tu sửa vào năm 1928, 1995 Thành được hoàn tất vào năm 1997 với chiều cao khoảng 40m trên nền có diện tích khoảng 60,000m2; bên ngoài là kiến trúc có 5 tầng, nhưng bên trong là 8 tầng. Từ tầng 1 đến tầng 7 là những nơi trưng bày các loại vũ khí, áo giáp và vật dụng dân gian của các thế kỷ trước. Riêng tầng 8 được thiết kế như một đài quan sát và ngắm cảnh. Nhiều người cho rằng bên ngoài Thành có kiểu cổ, nhưng bên trong rất hiện đại vì có cả thang máy để tiện lợi cho khách vãng lai.
Sau khi ngắm cảnh, nhìn những cảnh sinh hoạt ở đây, tôi và anh Ba Quang cùng chụp những bôi hình cho nhau. Riêng tôi còn sử dụng máy quay để lấy toàn cảnh khu vực nầy và cận cảnh của Thành Osaka như để thấm sâu vào từng mái ngói màu xanh lá cây duyên dáng của nó, cũng như những hoa văn, họa tiết được dát vàng nỗi bậc cái màu tương phản hùng tráng của ngôi thành. Rồi chúng tôi thả lần đi xuống, những cành hoa anh đào hay những bóng dáng thiếu nữ mặc bộ đồ kimono đều là những hình dáng để chúng tôi thu hình giống như những gì quý hiếm trên đất Nhật, dù người mặc đó là người Nhật hay du khách từ Trung Quốc sang làm duyên trong những sắc phục đặc trưng của người địa phương.
Lần xuống nầy chúng tôi có nhiều thời gian thong thả để quan sát các bông anh đào cũng như cái thành quách cổ xưa nầy. Hoa anh đào mà chúng tôi thấy ở đây cũng có nhiều loại: Có loại nhiều cánh, cánh dầy chắc là lâu tàn hơn vì xem ra cuống nó cứng rắn và bông sung mãn, chúng cũng có loại bông màu hồng, phơn phớt hay trắng. Còn loại dọc theo hai bên đường xi-măng thì lại cánh mỏng chỉ có năm cánh mà thôi. Từng cơn gió nhẹ thoảng qua cũng làm cho những cánh hoa lả tả rụng rơi; chúng nhẹ nhàng, lăng quăng theo chiều gió rồi từ từ rơi xuống đất. Có lẽ vì chúng dễ rụng nên người võ sĩ đạo Samurai ví chúng như cái chết của họ chăng? Có lẽ từ cái thú nằm trên sân cỏ để nhìn hoa đầy tràn trên cây rồi từng cơn gió thổi qua là bao nhiêu cánh hoa lại rụng đầy mà trở nên cái thú “ngắm hoa” (hanami) của người Nhật vào mùa Xuân có đầy hoa Anh Đào, và cũng như là để ăn mừng cho một năm mới lại vừa sang?
Suy luận để cho vui chứ chẳng là hẳn như vậy đâu vì chưa có sách vở nào kể đến cái khởi đầu của tập tục đáng yêu nầy. Nhưng xứ Nhật được xem là xứ sở của Hoa Anh Đào từ xưa, mặc dù sau nầy có những nước khác cũng dành phần hoa anh đào là của mình. Dù là của ai thì ngày nay du khách vẫn đến viếng thăm nước Nhật thật nhiều “Khi Hoa Anh Đào Nở”, trong đó có đoàn chúng tôi!
Cái thú của tôi là chụp hình hoa Anh Đào mà phải chụp trái sáng, hoặc từ phía trong chụp ra. Chính vì vậy mà tôi mới chú ý đến những vách thành bằng các khối đá chồng lên nhau mà không có đất hay hồ vữa gì xen vào mà hào cũng rất rộng như một dòng sông nhỏ. Ở góc thành có những tháp canh gác, còn độ sâu thì chẳng biết là bao nhiêu. Nhưng hào rãnh phía trên gần Thành Osaka chính thì không có nước.
Lần trở ra xe, và tất cả chúng tôi lên xe để khởi hành đi nơi khác vào lúc 2 giờ 15. Đến 2 giờ 50 thì đến khu mua sắm Shin Sai Bashi Suji.
Shinsaibashi là một trung tâm thương mại sầm uất, phổ biến của Osaka. Nó được xây dựng và hoạt động từ thời Edo cách đây khoảng 400 năm do những thương nhân mua bán quần áo, sau đó là những mặt hàng khác và phát triển cho đến ngày nay. Nó được mang tên của Shinsai Okada khi Shinsai xây cầu đầu tiên bằng gỗ (Shinsaibashi Bridge) băng qua kênh đào Nagahorigawa vào năm 1622. Sau đó, mặc dù cầu đã được thay đổi bằng cầu sắt (1873), và cầu đá (1909), nhưng đến năm 1964 vì nhu cầu làm đường nên kênh đào bị lấp thì cầu bị dỡ đi. Khu chính của Shinsaibashi là con đường đi bộ có mái vòm che ở trên mà chúng tôi đang tham dự vào tức là Shinsaibashi Suji nầy. Hai bên đường là những dãy cửa tiệm bán đủ thứ hàng kể cả bánh kẹo, quần áo, nữ trang, giày dép, thức ăn, cà-phê; từ những gian hàng bán đồ bình dân cho đến các cửa hàng sang trọng. Không biết là nó dài bao nhiêu vì chúng tôi không có thì giờ để đi cho suốt, nhưng Shinsaibashi suji không phải chỉ có một bên đường chính mà nó ở cả hai bên. Tôi và anh Nhi đi khá xa từ phía bên kia khi mỏi chân thì quay lại rồi đi về phía đối diện cũng chẳng hết, đành quay trở về để rủi lỡ chuyến xe hoặc trễ nải khiến mọi người đợi chờ. Nhưng theo thông tin thì nó dài khoảng 580m và có vào khoảng 180 cửa hàng. Người ta lượng ước ngày trong tuần thì có khoảng 60,000 người mỗi ngày, còn những ngày cuối tuần số người đi đến đây chừng gấp đôi.
Tất nhiên đàn ông chúng tôi không mấy người biết chọn hàng để mua vì thế mà nhóm đàn ông thường tụ tập lại để tán gẫu, nêu những thắc mắc về những điều lạ mà mình thấy. Còn mấy bà thì khá lỉnh kỉnh và quảng cáo nhau những món hàng mình mua được. Âu đó cũng là điều thú vị!
Đến 5 giờ 10 xe buýt đến, mọi người lên xe để xe đưa về nhà hàng ăn chiều. Từ giã Shinsaibashi Suji, chắc không hẹn gặp! Hai mươi phút sau ngồi vào bàn ăn ở một nhà hàng Nhật ở dưới tầng hầm mà không phải là ở những băng dài, bàn dài như lúc trưa, mà là bàn 4 người ở một ngăn có vách ngăn cách, ngăn nào rộng hơn thì cho 6 người. Thức ăn, chén dĩa thì cũng như ở nhà hàng trước. Xong, chúng tôi về đến khách sạn New Otani Osaka vào lúc khoảng 7 giờ chiều, tôi được ở trên tầng 10 phòng 31. Chính vì ở phòng nầy mà tôi có một sự hối tiếc không nguôi. Nguyên nhân là vì khách sạn nầy ở gần với Osaka Castle mà phòng tôi lại nhìn rõ về Thành Osaka hơn. Ban đêm Thành được đèn chiếu sáng thật rạng rỡ, hình dáng rất đẹp, tôi muốn quay cảnh ấy nhưng máy lại hết pin. Lúc đó, tôi lại không nghĩ đến chụp hình và tính gần sáng mình dậy sớm quay cũng không muộn. Nhưng điều ấy không đến vì đêm hôm những đèn chiếu lên Thành đã hoàn toàn tắt ngấm tự bao giờ, nên tôi phải đành lỡ cơ hội và chỉ có tiếc nuối mà thôi!

Nguyên Thảo,
17/07/2017.






Friday, July 14, 2017

*Đường Đến Băng Hà. (2)


 Hôm nay chúng tôi sẽ đến Victoria, là thủ phủ của Tỉnh British Columbia. Nó không nằm trong đất liền mà ở trên cái đảo nầy về tận phía nam. Theo tài liệu thì đảo được tạo thành do núi lửa và các loại đá trầm tích mà nên, nó là đảo được xếp hạng lớn hàng thứ 43 trên thế giới và là đảo lớn thứ 11 ở Canada. Vancouver Island có chiều dài 460km, nơi rộng nhất khoảng 100km, tổng diện tích chừng 32,134 km2 với số dân là 759,366 theo thống kê  điều tra dân số của năm 2011. Xe buýt đưa về Thành phố Victoria, để rồi chúng tôi cùng nhau ăn trưa ở nhà hàng Seafood Szechuan trong khu Chinatown. Khu Chinatown nầy tương đối lớn với nhiều nhà hàng cửa tiệm, thuở xưa nó được xem là khu Chinatown lớn thứ nhì ở Bắc Mỹ chỉ sau San Francisco. Theo như lời Vincent thì ngày xưa ở khu nầy cũng có nhiều tệ nạn hút sách, đàng điếm, cờ bạc, nhất là cái khu phố trong hẻm hẹp mục đích để giới hạn sự kiểm soát của chính quyền. Sau khi ăn xong, đoàn dẫn nhau đi bộ đến chỗ xe buýt để đón xe đi tham quan ở nơi khác. Tuy nhiên Vincent muốn chúng tôi đến cái hẻm lịch sử ấy cho biết, thế nên lại đi vòng qua cái hẻm có tên là Dragon Alley. Hẻm rộng chừng hai người đi lọt nhưng vì người Tây lớn con nên sự xoay sở có thể chật vật hơn vì thế mà người Tàu xưa kia đã làm những chuyện phi pháp ở các nhà nhỏ bên trong khu phố nầy để khi nào nhân viên chính quyền đến thì dễ dàng phi tang, tẩu tán. Nay thì những nhà nhỏ đó chỉ bán đồ chút ít thôi. Hẻm không sâu và dài, nên chúng tôi lại trở ra đường lớn để lên xe buýt. Vincent đưa chúng tôi về khu di tích lịch sử ở Victoria Habor. Xe buýt đậu ở khu gọi là War Museum để từ đó chúng tôi đi vòng qua các khu khác vừa tham quan vừa chụp hình phong cảnh đẹp. Ở tại đây có vài xe ngựa kiểu cũ để đưa người đi tour vòng quanh khu vực như để vừa thưởng thức vừa sống lại kiểu ngày xưa chăng. Băng qua đường thì đã đến khuôn viên của tòa nhà Quốc Hội, cảnh quan rất là đẹp, một sân cỏ rộng thênh thang tươi xanh, xen vào đó là những bồn bông trang điểm cho sân cỏ cùng tạo nên vẽ mỹ thuật của tòa nhà, khiến du khách không thể bỏ qua mà không chụp lấy vài bức hình để làm lưu niệm.
Legislative Buildings.
Empress Hotel

Gần ngoài đường phía trước có tượng Nữ Hoàng Victoria của nước Anh thuở trước như để đánh dấu vùng đất thuộc địa nầy và Thành phố cũng được mang tên Bà. Theo tài liệu thì Tòa nhà Quốc Hội nầy được xây dựng xong vào năm 1897 tức là sau khi người Anh định cư 54 năm với kiểu kiến trúc rất đẹp nhưng không kém sự hùng vĩ, cho nên ai cũng muốn có những tấm hình với kiến trúc ấy bên cạnh những bồn bông đầy hoa tulip. Đối xứng với tượng Nữ Hoàng Victoria là một trụ cây cao trên đó tạc những tượng người hay thú xen nhau tượng trưng nền văn hóa và người bản địa mà tiếng Anh gọi là Totem Pole.
Bên kia bờ của Inner Habor là khu của Empress Hotel, đây cũng là một tòa nhà cổ có cách kiến trúc vừa cổ kính vừa thanh nhã lại không kém phần sáng láng mà được biết là xây dựng và mở cửa từ năm 1908. Trong Inner Habor nhiều tàu thuyền đậu, nhưng ở đây cũng là nơi đỗ của nhiều chuyến phà đến từ Seattle hay Oregon.
Inner Habour

Với thời gian, chúng tôi được ở đây chụp hình và tham quan đến 2 giờ 30 thì lại lên xe buýt để đi sang vườn hoa nổi tiếng ở Victoria là Butchart Gardens được thiết lập từ năm 1904 và nay được xem là di tích lịch sử quốc gia của Canada.
Đoàn xuống xe và đi vào cổng, tất nhiên là phải có vé vào cổng, phần ấy Vincent lo cho chúng tôi. Vừa qua cổng tôi thấy màu sắc sáng chói của những hoa tulip. Ngày trước tôi chỉ thấy hoa tulip búp thôi chứ không để ý đến giai đoạn sau của nó, thì ra nó cũng nở rộ và bung cánh ra rực sáng như những loại hoa khác, có người nói rằng hoa tulip nở lâu hơn, điều đó có thể, vì nếu không người ta lại phải tốn công rất nhiều cho cái vườn hoa lớn như thế nầy. Qua cái sân rộng mà bên cạnh có để tượng một con heo rừng hình như bằng đồng thì phải (vì tôi không chú tâm lắm) miệng đang chảy nước. Theo Vincent cũng như cô Liên nói nếu ai hứng nước từ miệng con heo chảy ra rồi xoa lên mũi nó rồi xoa lên mũi mình thì được nhiều may mắn. Nhiều người làm theo như vậy rồi xúm nhau cười ồ. Âu đó cũng là một niềm vui! Tuy nhiên điều nầy làm tôi nhớ lại chuyện “Kỳ Hưu” trong chuyến đi sang Trung Quốc vào năm 2006, hướng dẫn viên đã kể con kỳ hưu chỉ có “ăn vào mà không ỉa ra” cho nên ai rờ con kỳ hưu mà rờ đến phía đít của kỳ hưu sẽ được nhiều may mắn. Thế là có một bà khi đến Thượng Hải gặp tượng con kỳ hưu bà ấy ráng mò cho đến nơi, tôi cảm thấy tức cười mà phải cười thầm trong bụng. Ôi cuộc đời nầy con người đã quá khổ, cho nên người ta mơ ước được sung sướng, không khổ; vì thế mọi người ai cũng mơ ước một cuộc sống sung túc, khỏe mạnh, đầy may mắn! Thế là niềm mơ ước ấy thể hiện lên mọi cây cỏ với cái tên hấp dẫn, lẫn những con thú mà người ta chưa hề thấy được hình bóng; không những thế mà ngay cả trong những tôn giáo không chân chính người ta cũng thêu dệt nên những viễn tượng thật là tốt đẹp để dễ dàng lợi dụng vào niềm tin của người khác. Các viễn tượng ấy chưa chắc người sáng lập ra đã cảm nhận được chút nào, vì chúng chỉ là để cho con người sau khi chết. Vậy thì sau khi chết ai đã vào được những nơi ấy chưa? Tại cũng bỡi cuộc đời nầy quá khổ mà nên!
Theo như thông tin thì The Butchart Garden chiếm hơn 22 trong tổng số 55 mẫu đất sở hữu của nhà Butchart sau sự khai thác đá vôi để làm xi-măng của Robert Pim Butchart đã cạn. Từ đó Jennie Butchart có ý tưởng làm đẹp khu đất bằng những cây, bụi rậm được sưu tầm nhiều nơi đem về trồng trọt ở đó kể từ năm 1904 cho đến sau nầy. Vào những năm 1920 vườn đã tiếp nhận hơn 50,000 người thăm viếng mỗi năm. Hiện nay Vườn vẫn thuộc quyền sở hữu của dòng họ Butchart và mỗi năm có hàng triệu lượt du khách thăm viếng. Năm 2004, Vườn kỷ niệm 100 năm và được xem là Di Tích Lịch Sử của Canada.
Mỗi người được Vincent và cô Liên phân phát cho một sơ đồ của vườn hoa để biết đường mà đi không bị lạc và giờ qui định tập trung ra xe để về là 5 giờ 30. Dù vậy, mọi người vẫn kéo nhau đi từng đoàn hơn là đi riêng lẽ hoặc nhóm, chỉ tách ra khi mà người thích xem hay chụp hình nơi nào nhiều ít. Đầu tiên là chúng tôi đi theo con đường dần lên đồi, để rồi nhìn vào một thung lũng: Ôi! Thật là đẹp! Những bông hoa, màu sắc chúng hài hòa rực rỡ mà trong sơ đồ gọi là Sunken Garden, nơi đây cũng có loại hoa anh đào của Nhật ; dù muốn hay không ai cũng chụp nơi đây vài bôi hình để xem như có một lần đã đến.
Sunken Garden

Đường đi có hai hướng, nhưng tôi lại chọn vòng ngoài đi thẳng về phía trước để rồi lại đến một cái phong-tên ở dưới hố sâu kia, vòi nước đang phun lên cao mà người ta gọi đó là Ross Fountain.Tôi lại đi con đường trên cao giống như bờ đê có nhiều cây anh đào mà phía bên phải là Sunken Garden và bên trái là những loại cây mọc xen trong những rừng cây lớn (Bog Garden). Cuối đường lại đến khu trống ít cây với cỏ nhiều là khu Concert Lawn & Stage. Kế tiếp là nơi có trồng hai cây Totem Poles. Chúng tôi lại tìm đường xuống và đến cái phông-tên có hình dáng mấy con cá xoắn vào nhau khá đẹp, không biết đó là loại cá gì hay đó là cá “salmon” mà ở Canada nầy người ta thường lấy làm biểu tượng! Thế nào cũng phải có một tấm hình ở đây! Rồi chúng tôi lại lặn lội qua vườn Nhật. Vườn Nhật ở đâu cũng vậy, cây cối, dòng nước, đá và kiểu cách bonsai, tạo nên một cảnh sắc rất riêng biệt, không cần nhiều bông hoa nhưng một khung cảnh trầm lắng, một không gian tĩnh lặng, thiên nhiên thư thái đầy mùi vị của Thiền cho nên ngày trước một anh bạn của tôi buộc miệng: “Vào đây tao ngỡ như mình đi tu được vậy!” khi thăm vườn Nhật ở Portland (Tiểu bang Oregon). Vì sợ đường xa mà ra xe có thể trễ giờ nên chúng tôi vội vàng đi qua vườn Hồng (Rose Garden) để vòng qua Italian Garden. Quả thật, những gian nhà ở đây làm theo cung cách của Ý với những khu vườn trồng trọt, bài trí theo kiểu Ý thiệt, nên Italian quả là như tên gọi. Tới đây thấy anh Hiệp đang ngồi trò chuyện với ông Vincent nên chúng tôi không ngại trễ giờ nữa mà thủng thẳng chụp nhiều bôi hình cho mấy bà để mấy bà ganh đua với hoa vào những giai đoạn sau của cuộc đời để đời thêm thắm đẹp!
Italian Garden.

Đúng 5 giờ 30 tất cả chúng tôi đều lên xe buýt để khởi hành trở về Vancouver. Ra đi thì háo hức nhưng bận về khá thấm mệt. Đi gần một tiếng sau mới tới bến phà. Nhưng phà chưa đến, nên phải đợi mãi đến gần 6 giờ 40 xe mới xuống được phà. Tất nhiên chúng tôi vẫn phải định được vị trí của xe buýt ở đâu trên phà và đến khi phà vào bến mà gấp rút lên xe để xe rời phà giống như bận đi.
Không biết phà vượt bao nhiêu cây số đường biển nhưng bận đi cũng như bận về, chúng tôi phải tốn chừng 1 giờ rưỡi cho mỗi bận. Nên khi xe rời phà đã là 8 giờ 45. Xe chạy thẳng về nhà hàng Thái để chúng tôi ăn buổi tối. Khi về đến Khách sạn Four Points by Shereton đã là 10 giờ tối. Vincent kịp dặn dò giờ giấc khởi hành cho chuyến đi ngày mai và đem theo mọi hành lý. Vì chúng tôi sẽ rời hẳn khách sạn để trên “Đường Đến Băng Hà”!

Nguyên Thảo,
09/07/2017.



*Tọc Mạch.



*Cùng Tao Ngộ.

Mình dân ở tứ phương
Xa rời nơi cố hương
Gặp nhau trên đất khách
Đều là phận tha phương!

Tôi, chị lại cùng anh
Đều xếp cả mộng lành
Dấn thân vào công việc
Cho con trẻ học hành.

Đầu bạc trắng tháng năm
Mình thân phận âm thầm
Cho đời sau hạnh phúc
Cũng một lần trăm năm!

Gặp lại cùng nhau vui
Ôn kỷ niệm ngậm ngùi
Những ngày năm tháng cũ
Đầy ấp buồn lẫn vui.

Đồ Ngông,
01-09-07.


 

*Tọc Mạch.   


Tọc mạch, tò mò tánh khó ưa,
Nhưng quen thì cũng khó hay chừa.
"Dòm qua khe cửa" nhìn thiên hạ
"Dán mũi vô rào" khít hoặc thưa.

Câu chuyện của người toan muốn biết,
Chuyện mình lại "kín mít như bưng".
Lăng xăng, lít xít tìm người hỏi
Tọc mạch, tò mò khó dửng dưng...

Thế gian cũng lắm tánh con người
Tạo hóa bày ra, để "ngắm" chơi.
Cứ thử ngồi xem người tọc mạch
Làm sao yên được chuyện nhà người.

Đồ Ngông,
16-4-02.




*Kẻ Lù Khù.    

Lù khù, lủ khủ, kẻ lù khù
Đội mũ, mang lu, có cả dù
Ít nói, hiền queo như cục đất
Trong lòng sôi động, nét âm u!

Nhỏ nhẻ, từ từ duyên thục nữ
Như không thèm ngó, cũng không màng...
Vương vương sóng động, lòng sôi sục
Canh cánh chạnh niềm, mắt xốn xang.

Thế gian đã bảo kẻ lù khù
Không khéo chạy đi vác cả lu
Nhủ mĩ, nhu mì là ngoại diện
"Cóc khi mở miệng, chuyển mây mù"..!

Đồ Ngông,
22-4-02.




*Lợi Mình Hại Người.   

Ruộng trên có nước
Tìm cách lấy về ta
Khi cần đất khô khan
Ta đưa nước
Xuống ruộng người.
Có lợi cho ta thì ta lấy
Hại cho người, cũng chẳng chết gì ta.
Thế mới có tranh nhau
Đánh lộn,
Rồi đâm chém
Tình huynh đệ, bạn bè
Chấm dứt
Chẳng ai nhìn tới ai...
Thế gian nhiều chuyện đời như thế
Trồng cây cạnh hàng rào,
Lấn ranh đất,
Đường chung nạnh hẹ
Sạch cho mình, vung vãi đến cho người
Giành nước,
Giành mối,
Giành hàng,
Tranh nhau đoạt lợi...
Chỉ biết lợi cho mình
Không đếm xỉa đến người khác,
Muôn rắc rối xảy ra
Cũng bỡi mình "chơi gác"...
Đời hơn nhau "Ý thức"
Già đã chẳng nên thân
Sao trẻ hơn đừng khi dễ
Hiểu người,
Hiểu ta
Coi dễ, nhưng mà khó.
Thói thường ưa suy nghĩ
Nếu như mình:
Mình có muốn hay không?
Hiểu ta,
Ta hiểu được người,
Lòng không vướng bận, cuộc đời an vui.

Đồ Ngông,
25-4-02.


Wednesday, July 5, 2017

*Ông!



*Giận!

Ông giận, sao mà ngó thấy ghê
Nhăn nhăn nhó nhó, khó tư bề
Mắt lươm, chú chó liền co cẳng,
Tay với, gà con vội xếp mề.
Miệng mở, nhưng mà sao lắp bắp,
Tóc bay, lại nữa vẫn ê chề.
Hung hăng, lạ gớm, ông chi lạ!
Nổi giận sao mà thấy thật ghê!

Đồ Ngông,
01-09-07.

 


*Chẳng biết!

Chẳng biết làm sao tỏ nỗi lòng
Hay là giữ mãi chẳng thèm mong
Nói ra thì lại càng thêm chán
Không nói thì sao tỏ được lòng!

Chẳng biết làm sao, chẳng biết sao?
Nghĩ  ra,  rồi lại nghĩ quay vào
Lui cui, lẩn quẩn "không" hay "nói"
Có nói thì là phải nói sao?

Đồ Ngông, 

01-09-07.

 


*Cây Chổi.

Cây chổi đong đưa, cây chổi cùn
Từng cành từng tép lại gom chung
Tung hoành rác rưởi đều gom sạch
Ngang dọc đồ dơ cũng quét cùng.
Tưởng yếu nhưng ra thành chắc nịch,
Thấy mềm mà lại rắn hơn khung.
Ngày ngày thanh tảo bao nhiêu rác
Cho bớt đời dơ, bớt não nùng!

Đồ Ngông, 

01-09-07.

 


*Ông!    

Đã hết Tây rồi lại tới Đông
Sao mà lắm kẻ "xía" không công
Chắc quên mình kẻ nhiều ăn học
Thừa biết là ta "đứa lộn sòng".

Tớ nhắc dùm ông, chớ chĩa vào
Ở đâu? Thì biết chuyện ra sao?
"Cù bơ cù bất" mà hay chõ
Mỏ nhọn có nhiều, xứng vậy sao?

Có phải ông là "đứa" dễ sai
Lệnh trên lệnh dưới của quan Ngài
Ông tung rối rắm đều theo lệnh
Cho lắm thì ông: "Phận kẻ sai"!

Đồ Ngông,
01-09-07.

 


*Tớ!

Tớ, đứa bá vơ không chức phận
Ngông ngông thiếu trí buồn thời vận
Vui chơi viết bậy cùng vô loại
Hứng chí tào lao theo nhân vấn.
Xã hội om sòm bao gấu ó,
Nhân quần ủn ỉn điều lo bận.
Ngang ngang bình lặng coi như tớ
Cứ thế mà đi không vướng bận.

Đồ Ngông,
01-09-07.