Friday, July 14, 2017

*Đường Đến Băng Hà. (2)


 Hôm nay chúng tôi sẽ đến Victoria, là thủ phủ của Tỉnh British Columbia. Nó không nằm trong đất liền mà ở trên cái đảo nầy về tận phía nam. Theo tài liệu thì đảo được tạo thành do núi lửa và các loại đá trầm tích mà nên, nó là đảo được xếp hạng lớn hàng thứ 43 trên thế giới và là đảo lớn thứ 11 ở Canada. Vancouver Island có chiều dài 460km, nơi rộng nhất khoảng 100km, tổng diện tích chừng 32,134 km2 với số dân là 759,366 theo thống kê  điều tra dân số của năm 2011. Xe buýt đưa về Thành phố Victoria, để rồi chúng tôi cùng nhau ăn trưa ở nhà hàng Seafood Szechuan trong khu Chinatown. Khu Chinatown nầy tương đối lớn với nhiều nhà hàng cửa tiệm, thuở xưa nó được xem là khu Chinatown lớn thứ nhì ở Bắc Mỹ chỉ sau San Francisco. Theo như lời Vincent thì ngày xưa ở khu nầy cũng có nhiều tệ nạn hút sách, đàng điếm, cờ bạc, nhất là cái khu phố trong hẻm hẹp mục đích để giới hạn sự kiểm soát của chính quyền. Sau khi ăn xong, đoàn dẫn nhau đi bộ đến chỗ xe buýt để đón xe đi tham quan ở nơi khác. Tuy nhiên Vincent muốn chúng tôi đến cái hẻm lịch sử ấy cho biết, thế nên lại đi vòng qua cái hẻm có tên là Dragon Alley. Hẻm rộng chừng hai người đi lọt nhưng vì người Tây lớn con nên sự xoay sở có thể chật vật hơn vì thế mà người Tàu xưa kia đã làm những chuyện phi pháp ở các nhà nhỏ bên trong khu phố nầy để khi nào nhân viên chính quyền đến thì dễ dàng phi tang, tẩu tán. Nay thì những nhà nhỏ đó chỉ bán đồ chút ít thôi. Hẻm không sâu và dài, nên chúng tôi lại trở ra đường lớn để lên xe buýt. Vincent đưa chúng tôi về khu di tích lịch sử ở Victoria Habor. Xe buýt đậu ở khu gọi là War Museum để từ đó chúng tôi đi vòng qua các khu khác vừa tham quan vừa chụp hình phong cảnh đẹp. Ở tại đây có vài xe ngựa kiểu cũ để đưa người đi tour vòng quanh khu vực như để vừa thưởng thức vừa sống lại kiểu ngày xưa chăng. Băng qua đường thì đã đến khuôn viên của tòa nhà Quốc Hội, cảnh quan rất là đẹp, một sân cỏ rộng thênh thang tươi xanh, xen vào đó là những bồn bông trang điểm cho sân cỏ cùng tạo nên vẽ mỹ thuật của tòa nhà, khiến du khách không thể bỏ qua mà không chụp lấy vài bức hình để làm lưu niệm.
Legislative Buildings.
Empress Hotel

Gần ngoài đường phía trước có tượng Nữ Hoàng Victoria của nước Anh thuở trước như để đánh dấu vùng đất thuộc địa nầy và Thành phố cũng được mang tên Bà. Theo tài liệu thì Tòa nhà Quốc Hội nầy được xây dựng xong vào năm 1897 tức là sau khi người Anh định cư 54 năm với kiểu kiến trúc rất đẹp nhưng không kém sự hùng vĩ, cho nên ai cũng muốn có những tấm hình với kiến trúc ấy bên cạnh những bồn bông đầy hoa tulip. Đối xứng với tượng Nữ Hoàng Victoria là một trụ cây cao trên đó tạc những tượng người hay thú xen nhau tượng trưng nền văn hóa và người bản địa mà tiếng Anh gọi là Totem Pole.
Bên kia bờ của Inner Habor là khu của Empress Hotel, đây cũng là một tòa nhà cổ có cách kiến trúc vừa cổ kính vừa thanh nhã lại không kém phần sáng láng mà được biết là xây dựng và mở cửa từ năm 1908. Trong Inner Habor nhiều tàu thuyền đậu, nhưng ở đây cũng là nơi đỗ của nhiều chuyến phà đến từ Seattle hay Oregon.
Inner Habour

Với thời gian, chúng tôi được ở đây chụp hình và tham quan đến 2 giờ 30 thì lại lên xe buýt để đi sang vườn hoa nổi tiếng ở Victoria là Butchart Gardens được thiết lập từ năm 1904 và nay được xem là di tích lịch sử quốc gia của Canada.
Đoàn xuống xe và đi vào cổng, tất nhiên là phải có vé vào cổng, phần ấy Vincent lo cho chúng tôi. Vừa qua cổng tôi thấy màu sắc sáng chói của những hoa tulip. Ngày trước tôi chỉ thấy hoa tulip búp thôi chứ không để ý đến giai đoạn sau của nó, thì ra nó cũng nở rộ và bung cánh ra rực sáng như những loại hoa khác, có người nói rằng hoa tulip nở lâu hơn, điều đó có thể, vì nếu không người ta lại phải tốn công rất nhiều cho cái vườn hoa lớn như thế nầy. Qua cái sân rộng mà bên cạnh có để tượng một con heo rừng hình như bằng đồng thì phải (vì tôi không chú tâm lắm) miệng đang chảy nước. Theo Vincent cũng như cô Liên nói nếu ai hứng nước từ miệng con heo chảy ra rồi xoa lên mũi nó rồi xoa lên mũi mình thì được nhiều may mắn. Nhiều người làm theo như vậy rồi xúm nhau cười ồ. Âu đó cũng là một niềm vui! Tuy nhiên điều nầy làm tôi nhớ lại chuyện “Kỳ Hưu” trong chuyến đi sang Trung Quốc vào năm 2006, hướng dẫn viên đã kể con kỳ hưu chỉ có “ăn vào mà không ỉa ra” cho nên ai rờ con kỳ hưu mà rờ đến phía đít của kỳ hưu sẽ được nhiều may mắn. Thế là có một bà khi đến Thượng Hải gặp tượng con kỳ hưu bà ấy ráng mò cho đến nơi, tôi cảm thấy tức cười mà phải cười thầm trong bụng. Ôi cuộc đời nầy con người đã quá khổ, cho nên người ta mơ ước được sung sướng, không khổ; vì thế mọi người ai cũng mơ ước một cuộc sống sung túc, khỏe mạnh, đầy may mắn! Thế là niềm mơ ước ấy thể hiện lên mọi cây cỏ với cái tên hấp dẫn, lẫn những con thú mà người ta chưa hề thấy được hình bóng; không những thế mà ngay cả trong những tôn giáo không chân chính người ta cũng thêu dệt nên những viễn tượng thật là tốt đẹp để dễ dàng lợi dụng vào niềm tin của người khác. Các viễn tượng ấy chưa chắc người sáng lập ra đã cảm nhận được chút nào, vì chúng chỉ là để cho con người sau khi chết. Vậy thì sau khi chết ai đã vào được những nơi ấy chưa? Tại cũng bỡi cuộc đời nầy quá khổ mà nên!
Theo như thông tin thì The Butchart Garden chiếm hơn 22 trong tổng số 55 mẫu đất sở hữu của nhà Butchart sau sự khai thác đá vôi để làm xi-măng của Robert Pim Butchart đã cạn. Từ đó Jennie Butchart có ý tưởng làm đẹp khu đất bằng những cây, bụi rậm được sưu tầm nhiều nơi đem về trồng trọt ở đó kể từ năm 1904 cho đến sau nầy. Vào những năm 1920 vườn đã tiếp nhận hơn 50,000 người thăm viếng mỗi năm. Hiện nay Vườn vẫn thuộc quyền sở hữu của dòng họ Butchart và mỗi năm có hàng triệu lượt du khách thăm viếng. Năm 2004, Vườn kỷ niệm 100 năm và được xem là Di Tích Lịch Sử của Canada.
Mỗi người được Vincent và cô Liên phân phát cho một sơ đồ của vườn hoa để biết đường mà đi không bị lạc và giờ qui định tập trung ra xe để về là 5 giờ 30. Dù vậy, mọi người vẫn kéo nhau đi từng đoàn hơn là đi riêng lẽ hoặc nhóm, chỉ tách ra khi mà người thích xem hay chụp hình nơi nào nhiều ít. Đầu tiên là chúng tôi đi theo con đường dần lên đồi, để rồi nhìn vào một thung lũng: Ôi! Thật là đẹp! Những bông hoa, màu sắc chúng hài hòa rực rỡ mà trong sơ đồ gọi là Sunken Garden, nơi đây cũng có loại hoa anh đào của Nhật ; dù muốn hay không ai cũng chụp nơi đây vài bôi hình để xem như có một lần đã đến.
Sunken Garden

Đường đi có hai hướng, nhưng tôi lại chọn vòng ngoài đi thẳng về phía trước để rồi lại đến một cái phong-tên ở dưới hố sâu kia, vòi nước đang phun lên cao mà người ta gọi đó là Ross Fountain.Tôi lại đi con đường trên cao giống như bờ đê có nhiều cây anh đào mà phía bên phải là Sunken Garden và bên trái là những loại cây mọc xen trong những rừng cây lớn (Bog Garden). Cuối đường lại đến khu trống ít cây với cỏ nhiều là khu Concert Lawn & Stage. Kế tiếp là nơi có trồng hai cây Totem Poles. Chúng tôi lại tìm đường xuống và đến cái phông-tên có hình dáng mấy con cá xoắn vào nhau khá đẹp, không biết đó là loại cá gì hay đó là cá “salmon” mà ở Canada nầy người ta thường lấy làm biểu tượng! Thế nào cũng phải có một tấm hình ở đây! Rồi chúng tôi lại lặn lội qua vườn Nhật. Vườn Nhật ở đâu cũng vậy, cây cối, dòng nước, đá và kiểu cách bonsai, tạo nên một cảnh sắc rất riêng biệt, không cần nhiều bông hoa nhưng một khung cảnh trầm lắng, một không gian tĩnh lặng, thiên nhiên thư thái đầy mùi vị của Thiền cho nên ngày trước một anh bạn của tôi buộc miệng: “Vào đây tao ngỡ như mình đi tu được vậy!” khi thăm vườn Nhật ở Portland (Tiểu bang Oregon). Vì sợ đường xa mà ra xe có thể trễ giờ nên chúng tôi vội vàng đi qua vườn Hồng (Rose Garden) để vòng qua Italian Garden. Quả thật, những gian nhà ở đây làm theo cung cách của Ý với những khu vườn trồng trọt, bài trí theo kiểu Ý thiệt, nên Italian quả là như tên gọi. Tới đây thấy anh Hiệp đang ngồi trò chuyện với ông Vincent nên chúng tôi không ngại trễ giờ nữa mà thủng thẳng chụp nhiều bôi hình cho mấy bà để mấy bà ganh đua với hoa vào những giai đoạn sau của cuộc đời để đời thêm thắm đẹp!
Italian Garden.

Đúng 5 giờ 30 tất cả chúng tôi đều lên xe buýt để khởi hành trở về Vancouver. Ra đi thì háo hức nhưng bận về khá thấm mệt. Đi gần một tiếng sau mới tới bến phà. Nhưng phà chưa đến, nên phải đợi mãi đến gần 6 giờ 40 xe mới xuống được phà. Tất nhiên chúng tôi vẫn phải định được vị trí của xe buýt ở đâu trên phà và đến khi phà vào bến mà gấp rút lên xe để xe rời phà giống như bận đi.
Không biết phà vượt bao nhiêu cây số đường biển nhưng bận đi cũng như bận về, chúng tôi phải tốn chừng 1 giờ rưỡi cho mỗi bận. Nên khi xe rời phà đã là 8 giờ 45. Xe chạy thẳng về nhà hàng Thái để chúng tôi ăn buổi tối. Khi về đến Khách sạn Four Points by Shereton đã là 10 giờ tối. Vincent kịp dặn dò giờ giấc khởi hành cho chuyến đi ngày mai và đem theo mọi hành lý. Vì chúng tôi sẽ rời hẳn khách sạn để trên “Đường Đến Băng Hà”!

Nguyên Thảo,
09/07/2017.



No comments:

Post a Comment