Theo kế hoạch hôm nay chúng tôi sẽ chuyển lên du thuyền Emarald Pricess để làm chuyến du hành lên vùng băng hà của Tiểu bang Alaska. Vợ tôi cứ mãi sợ trong chuyến du thuyền nầy, vì lần trước chúng tôi đã dự chuyến du thuyền từ Adelaide lên Melbourne và trở về, tàu đã gặp thời tiết bão nên lắc lư khá nhiều cùng làm cho vợ tôi lã người. Lần ấy, khi về tới nhà mới thấy trên tin tức là cơn bão đó đã làm cho các vùng ở Tiểu bang New South Wales và Queenland bị lụt lội nặng nề. Trên tàu chúng tôi chẳng biết gì cả vì mọi liên lạc bằng điện thoại hay internet không thể thực hiện được.
Do vì chỉ di chuyển ra du thuyền không thôi nên thời gian không gắp, và sáng này mọi người được thoải mái nghỉ ngơi, không cần phải thức sớm nữa. Chuông báo thức từ khách sạn là 7 giờ rưỡi, nhưng đến khoảng 8 giờ mới kéo nhau đi ăn sáng để rồi về phòng soạn lại đồ đạc, hành lý chuẩn bị trả phòng, ra xe.
Xe đi trong vòng nửa tiếng đồng hồ đã đến bến tàu. Nhưng vì hôm nay có đến ba chuyến du thuyền đón khách cùng lúc nên xe kiếm chỗ đậu không phải là dễ. Người rất đông, chúng tôi phải xuống xe và kéo hành lý đi khoảng khá xa. Một phần sợ lạc, một phần lỉnh kỉnh nên phải vội vàng thật là mệt. Mệt nhất là phải chú ý đến phần bảng hướng dẫn để đi theo luồng mà đến tàu của mình và làm mọi thủ tục hải quan vì đây là phần đất của Canada, nhưng đi Alaska là lãnh thổ của Mỹ nên phải trải qua các thủ tục nhập cảnh mặc dù chỉ là ở trong không gian của building nầy thôi. Có lẽ người bận rộn hơn cả là vai trò hướng dẫn đoàn của cô Liên và ông chồng.
Qua thủ tục hải quan rồi đến thủ tục nhập tàu cũng khá là bận rộn nên chúng tôi khi về đến phòng cũng đã là 1 giờ. Hành lý đã được người chịu trách nhiệm khu vực đem để trước cửa phòng rồi, nên chúng tôi chỉ đem vô và đi tìm phòng nhau để cùng đi ăn trưa.
Cũng nhờ chuyến đi “cruise” trước với công ty P&O từ Adelaide lên Melbourne rồi trở về trong bốn ngày cho nên tôi không còn bỡ ngỡ. Trong 7 người thì chúng tôi đã có đến bốn người quen với du thuyền rồi, nên chuyện ăn ở hay cách thức không còn khó khăn. Vì muốn giảm nhẹ chi phí cho nên chúng tôi chọn những phòng bên trong, không nhìn ra biển, dù nó có nhiều ngột ngạt nhưng lại cũng ở toàn trên tàu không thôi.
Ở đây, khi vào phòng ăn để lấy thức ăn, người ta kiểm soát vệ sinh kỹ hơn. Nơi cửa vào mọi người phải xịt nước sát trùng vào tay rồi mới lấy dĩa để lấy thức ăn. Hình thức “buffet” hay “all you can eat” được sử dụng cho nhà hàng phổ quát nầy. Cứ mỗi lần đi vào để lấy thức ăn thêm đều phải thoa nước sát trùng vào hai bàn tay. Người ta kỹ như vậy cũng phải thôi, vì nếu bệnh mà lây trên tàu nầy thì không biết bao nhiêu là khổ cực, nhất là tàu đang lênh đênh trên biển với số người lên đến cả mấy ngàn. Phòng trên tàu không lớn lắm, tuy nhiên sự bày trí cũng gọn gàng, thuận tiện cho hai người, nhưng với ba bà chung phòng thì hơi chật. Trong chuyến đi du thuyền lần trước bọn chúng tôi ở phòng tới bốn người, ba người ở giường dưới có một người phải lên giường trên cao.
Du thuyen sau bong duong pho. |
So với du thuyền lần trước thì chiếc Cruise “Emeral Princess” lớn hơn nên chúng tôi cũng hi vọng nó không bị lắc lư nhiều do thời tiết quá xấu, và cũng mong là không bị bão lớn.
Du thuyen Emeral Pricess |
Chúng tôi chỉ lo vậy thôi chứ đối với khu vực của Canada nầy mấy khi có bão to như ở những vùng nhiệt đới gió mùa, nhất là đối với những vùng gần xích đạo của Tây Thái Bình Dương hay là Tây Đại Tây Dương, còn lần trước tôi đi “Cruise” bị ảnh hưởng của bão đó là chuyện “hi hữu” thôi, chắc khó kiếm được lần thứ hai.
Sau khi ăn uống xong và “đấu láo” thì chúng tôi kéo nhau đi về phòng, phòng cách nhau cũng khá xa nên đành lấy số điện thoại phòng cho dễ liên lạc. Về đến phòng thẻ tàu cũng là chìa khoá phòng của tôi không thể mở cửa được nên anh Thới phải dùng đến thẻ chìa khóa của anh. Vì thẻ đi trên tàu vừa xác định danh tánh, lý lịch của mình, vừa là chìa khóa phòng, đồng thời cũng là thẻ tiêu xài, tín dụng của mình khi cần mua, hay trả tiền chi phí riêng tư ở trên tàu cho nên tôi cần phải có một thẻ khác, nhưng chuyện đầu tiên là cần đến sự nghỉ ngơi sau một buổi sáng mệt nhọc và căng thẳng. Thế là chuyện ổn định chỗ ngủ, ăn đã xong. Vừa nằm xuống đã nghe thông báo là khoảng bốn giờ rưỡi kéo nhau đến tụ họp ở “nơi tập trung” (muster) cùng đem theo áo phao để thực tập.
Đến giờ, khi nghe thông báo và tín hiệu, tất cả mọi người từ các phòng và các tầng đều ra ngoài hành lang để đi theo phương hướng về địa điểm tập trung của mình theo số trên áo phao. Chính vì vậy mà người đi xuôi kẻ đi ngược trên hành lang tấp nập, hoặc ở các cầu thang người thì đi lên kẻ đi xuống. Tất nhiên với số đông người nên giờ giấc tập trung không thể hoàn tất nhanh được, cho nên đến nơi tập trung thì mọi người tha hồ tán gẫu và chuyện trò trong thời gian khá lâu. Sau đó thì tất cả được hướng dẫn sử dụng áo phao trong những trường hợp cấp cứu hoặc cần thiết. Mất cả giờ đồng hồ chỉ có vậy thôi, nhưng nó lại là bước quan trọng nhất cho người đi du thuyền giống như bước căn bản mà các tiếp viên hàng không hướng dẫn cho hành khách khi đi trên máy bay.
Xong, chúng tôi về phòng để cất áo phao và tôi với anh Thới kéo nhau lên boong tàu để nhìn ngắm, quan sát sơ qua để biết các thiết kế du thuyền nầy ra sao cho thỏa mãn tính tò mò đối với con tàu mình đang dự vào một cuộc hành trình.
Tren boong tau. |
Chắc chắn là chúng tôi chỉ nhìn thấy sơ qua cái khái quát còn cái dáng của nó cũng như cách thiết kế còn phải có nhiều tìm hiểu nữa mới có thể biết được. Tôi đứng trên boong tàu, đưa máy quay quay vài cảnh trí trên boong rồi lại quay một vòng cảnh trí của cảng biển cùng thành phố Vancouver như là những hình ảnh gắn kết cùng chuyến đi.
Du thuyen khac |
Vừa lúc đó thì anh chị Hiệp cũng lởn vởn trên boong, thì ra anh chị cũng tò mò như tôi và anh Thới, rồi thì ba bà (vợ tôi, cô Hi và chị Thới) cùng xuất hiện. Đó là sự đồng điệu hay là một tâm lý chung cho cái sự “muốn biết và tìm hiểu” theo sự thôi thúc của óc “tò mò”. Chúng tôi tha hồ mà bình luận, nhận xét, thán phục đối với những công trình thiết kế, tổ chức ở trên tàu cho cả mấy ngàn du khách.
Du thuyen khac. |
Bây giờ đứng trên boong con tàu nầy nên tôi không thể quay hình ảnh của nó được mà chỉ chỉa máy sang những du thuyền khác với hình dáng vĩ đại của chúng mà chẳng biết du thuyền của mình to lớn ra sao. Hôm nay tới ba chiếc du thuyền cùng đón khách và ra khơi nên bến cảng nhộn nhịp vì vậy mà tôi có dịp thu hình ảnh các con tàu khác trên bến cho nó có vẽ rộn ràng.
Cang va Thanh pho Vancouver tu tren Cruise. |
Gần đến 7 giờ, nên chúng tôi cần tìm đường đi về nhà hàng Ý: Botticelli ở tầng 6 để ăn chiều theo sự dặn dò của cô Liên, người hướng dẫn đoàn chúng tôi vì đoàn đã “book” trước ở nhà hàng nầy cho những buổi ăn tối ở trên tàu. Để tìm đường chúng tôi đã phải lật sơ đồ của tàu mà tìm đường đi, và sự định hướng cũng không là dễ khi mình ở trên tàu: Đâu là đầu và đâu là đuôi? Xuống ở cầu thang hay thang máy nào? Và đây là tầng thứ mấy? Cuối cùng chúng tôi quyết định đi vào cầu thang giữa tàu để đón thang máy đi xuống và nhận định được mình đang ở tầng thứ mấy trên sơ đồ, và cứ nghĩ đi về hướng nào số phòng nhỏ hơn tức là lên đầu tàu vì chúng tôi nghĩ các phòng được đánh số từ nhỏ đến lớn bắt đầu từ đầu tàu đến cuối tàu. Nhưng oái oăm thay! Đường đi ở tầng 6 nầy không thông đến nhà hàng Boticelli mà bị đóng ngang do một văn phòng của cơ sở khác, cho nên chúng tôi phải đi lên tầng trên nữa rồi mới thả dài theo hành lang để xuống cầu thang khác mà đi đến nhà hàng. May mắn là chúng tôi đến nhà hàng vào lúc nhà hàng chưa mở cửa nên mọi người còn tụ tập xếp hàng ở phía trước. Nhóm chúng tôi cũng tương đối đầy đủ ở đây. Cô Liên hướng dẫn cho biết đi vào cửa qua phía trái, sau khúc quanh là những bàn ăn của nhóm mình; cứ mỗi buổi chiều là đến đó, đó là những bàn cố định nơi nhà hàng nầy suốt trong chuyến hành trình ở trên tàu. Còn hôm nào có thay đổi nhà hàng khác cô Liên sẽ thông báo cho đoàn sau.
Đúng giờ nhà hàng mở cửa. Mọi người thứ tự theo vị trí xếp hàng qua người kiểm soát. Nhưng trước khi qua đó phải đưa tay vào lọ nước sát trùng lấy chút nước xoa vào hai bàn tay như là “một quy luật vệ sinh” để an toàn sức khoẻ chung cho mọi người trên tàu.
Đoàn chúng tôi chiếm khoảng bốn bàn. Kiểu cách của nhà hàng sang trọng đang được áp dụng ở đây. Mình thích món gì thì cứ theo “Thực đơn” mà chọn với người bồi bàn ghi nhận. Thế là ngày hôm nay chúng tôi đã được hai bữa ăn trên tàu: Một là buổi ăn trưa theo kiểu “buffet” hay “all you can eat” ở nhà hàng trên tầng trên cao có tên là “Horizon Court” và tối nay ở nhà hàng thực thụ là nhà hàng “Boticelli” nầy. Cô Liên có dặn người trong đoàn mỗi chiều ăn ở đây, nếu ai không thích lắm thì có thể ăn ở trên kia theo tùy thích, không nhất thiết phải ăn ở nơi nào!
Trong khoảng thời gian đang ăn ở nhà hàng thì tàu bắt đầu rời bến. Sau khi ăn xong, chúng tôi kéo nhau lên boong để nhìn cảnh tàu bỏ thành phố lại sau lưng mà lần ra cửa biển. Rồi lại kéo nhau về bàn làm việc chính của tàu để bỏ tiền vào trong trương mục hầu có thể chi phí hoặc mua gì ở trên tàu và được tàu tặng cho 48 đô trong trương mục tiêu xài. Trong khi chờ đợi tôi có nói đến việc thẻ trương mục cũng là chìa khóa phòng của tôi đã bị hư không thể mở cửa phòng thì cô Liên và những người am hiểu ở Melbourne có hỏi tôi để chung thẻ cùng với điện thoại phải không, thì tôi “xác nhận” có. Họ cho biết trường hợp đó xảy ra rất nhiều rồi vì sóng điện thoại phá từ tính của thẻ nên dễ dàng bị hư, cho nên “đừng để thẻ chung với điện thoại mobile”, không khéo phải làm thẻ khác như tôi bây giờ. Đó là bài học mà tôi học được ở trên chuyến du thuyền.
Xong mọi việc, tôi với anh Thới về đến phòng thì đã là 10 giờ lo tắm rửa và trải qua đêm trên vùng cực đông bắc của Thái Bình Dương nơi miền Vancouver của xứ lạnh Canada nầy!
Nguyên Thảo,
30/03/2018.
No comments:
Post a Comment