Sunday, June 21, 2020

*Đọc Chuyện "Tình Báo, Gián Điệp"!



Những lúc gần đây, khi xem hay nghe về tin tức trên thế giới, nhất là tin các bước leo thang từ sự “mất cân bằng” thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để tiến đến cuộc chiến tranh thương mại, rồi đi xa hơn là về chiến tranh ngoại giao lẫn đối trọng về quân sự. Tôi lại thấy cường độ càng ngày càng leo thang, và Mỹ nhiều lúc lại “phát hiện” nhiều trường hợp bị “đánh cắp” tài liệu về thương mại, quân sự hay kỹ thuật… khiến tôi lại nhớ về một quyển sách mà tôi đã được đọc trong thời gian trước ngày 30/04/1975.
Sở dĩ tôi nhắc đến cuốn sách ấy và “cái thời gian” là vì sau ngày 30/04/75 tất cả các sách cũ đều được thu gom và tiêu hủy do được cho là “tàn dư của Mỹ-Ngụy”, là “đồi trụy”, là “nọc độc” để nhường đường cho sách về chính trị, lý thuyết của chủ nghĩa Mác-Lê, của những tiểu thuyết “huấn luyện tư tưởng” cho những thế hệ mới như các tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”, “Ruồi trâu”, “Xung Kích” cùng những bản nhạc chiến đấu ào ào hay “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, chứ tất cả cái gì của Miền Nam đều bị cấm đoán! Tất cả những người Miền Nam đều yên lặng trong thời gian rất là lâu dài; nếu không, “lơ mơ” thì phạm vào tư tưởng hay có “tư tưởng phản động” thì rất mệt: Có thể bị theo dõi, hay bị đưa vào trại cải tạo chưa biết ngày về! Lý lịch sẽ đè nặng lên tương lai của con cháu về sau. Con người trở nên nhút nhát, nghi kỵ với mọi người không biết ai tốt ai xấu, sợ sệt ngay cả đối với con mình nếu chúng vào trong trường học tố cáo tư tưởng của cha mẹ trong đoàn, đội thì sao? Người ta trở nên khép kín, âm thầm, sống với chính mình hơn là giao tiếp trong xã hội hoặc là tự chìm vào trong nhậu nhẹt, say sưa để quên đi “sầu đời”! Một sự thay đổi tận gốc, song song với sự thay đổi lớn về xã hội cũng như về thể chế!
Đó là chuyện tổng quát về một vài khía cạnh trong cuộc sống lúc bấy giờ. Con người Miền Nam bị lôi cuốn vào một cuộc chiến lớn lao của hai Thái Cực trên thế giới sau khi trải qua cuộc chiến tranh “tàn phá khốc liệt” giữa Quốc Gia và Cộng Sản là “giữa Chế độ Tự Do, Tư Bản” và “Chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa hay là Chế độ Cộng Sản” qua danh nghĩa “Thống Nhất Đất Nước”!
Quyển sách tôi được đọc vào thời ấy mà tôi chỉ nhớ mang máng là “Những Mẫu Chuyện Về Tình Báo” thì phải, và tôi cũng chẳng nhớ tên tác giả là ai, bên cạnh quyển sách khác là “Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống”. Tôi đọc mấy quyển ấy do sự hiếu kỳ ở mấy cái tựa của nó, mặc dù trước đó mấy người bạn của tôi hay nói về phim “Điệp Viên 007” hoặc các sách viết về chuyện tình báo “Z.28” mà tôi đã từng “chưa” ghé mắt vào. Trong cuốn sách ấy tác giả thu thập những mẫu chuyện tình báo trong quá khứ, đã được đúc kết thành những câu chuyện đem phổ biến trong thiên hạ. Tất nhiên những “điệp viên” ấy đa số là người của Cộng Sản hay là trong thế giới tự do “cài vào” hoạt động trong “đối phương” để lấy tin tức bằng những “thủ đoạn” hay những hình thức “trá hình” chuyên nghiệp với những dụng cụ “nhỏ nhất” dễ che dấu. Sau chiến tranh có những câu chuyện tình báo được “kể lại” về những thành tích hào hùng, oanh liệt, hay là “có thành tích” xuất sắc khác, có nhiều chuyện được dựng thành phim để trình làng trong dân chúng.
Lúc ấy tôi mới nhớ đến câu trong “Binh thư Tôn Tử” mà những nhà quân sự thường hay nhắc đến là câu “Biết người, biết ta trăm trận trăm thắng” thì tôi mới hiểu vì sau người ta cần đến “tình báo”, “điệp viên” hay “gián điệp”!
Trong sách các câu chuyện kể chuyện các “điệp viên” được cài vào trong hàng ngũ, hay trong đất nước của “kẻ thù” như thế nào, họ sinh hoạt bí mật hay công khai, và trong thời gian trước ra sao để hoạt động nhằm thu thập những gì, rồi sau đó họ đã tiến hành công việc thế nào, để rồi có kết quả ra sao? Có những trường hợp điệp viên bị giết chết, bị bắt hay họ đã thành công, sự thành công đã giúp sự thắng lợi cho đất nước của họ tới đâu. Những câu chuyện ấy tôi nghĩ là nó chỉ có trong quá khứ chứ bây giờ trong thời đại “toàn cầu hóa” thì không “đến đỗi”, nhưng tôi đã lầm! Và nước Mỹ cùng các đời Tổng Thống Mỹ hay thế giới Tây Phương lại còn “Lầm hơn cả tôi”!
Thì ra chế độ Cộng Sản luôn xem chế độ của mình là “Ưu việt” là chế độ phải thay thế chế độ “Tư bản bốc lột, bất công” là “Kẻ thù đang giãy chết” nên càng phải làm cho nó chết sớm hơn. Muốn cho nó chết phải biết rõ về nó, phải lấy “Tất cả những gì của nó để trang bị thêm cho lực lượng của mình” mà giết chết nó, giống như trong thời gian chiến tranh đã có câu: “lấy của giặc để đánh giặc”, nhất là khi khối Liên Xô sụp đổ và nước Tàu trở nên độc nhất lãnh đạo của hệ thống Cộng Sản quốc tế. Với đất nước vĩ đại, đông dân nhất thế giới, nước Tàu phải mạnh lên để thực hiện được “Giấc mơ Trung Hoa” của mình!
Cái cơ hội của nước Tàu vươn mình lên là khi Mỹ muốn giải quyết cuộc chiến tranh tiêu hao ở chiến trường Việt Nam. Mỹ đã ưu ái, giao thương với Tàu lấy ghế Thường Trực ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc giao cho Tàu từ vị trí của Đài Loan. Và trong sự giao thiệp về mọi phương diện với Mỹ, thế giới bên ngoài nước Tàu càng mạnh lên, các công ty chạy vào thị trường to lớn với giá nhân công rẽ nầy càng làm cho nền kinh tế thêm giàu có. Tiền nhiều thì chuyện chuẩn bị “giết kẻ thù Tư Bản” được nhanh hơn vì sẽ đủ điều kiện phát triển về vũ khí, quân sự. Trên thế giới, từ xưa đến giờ: “Chân lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”, thế nên “sức mạnh” là trước đã, rồi “Tinh thần dân tộc” theo sau. Với số dân to lớn trải hầu khắp thế giới, nhiều người tài giỏi len lỏi được vào những cơ quan trọng yếu của từng quốc gia địa phương thì chuyện “thu thập” kiến thức, tài liệu chẳng khó khăn gì. Trong sách viết về chuyện tình báo có kể về chuyện gài người thật khó khăn, lâu dài mới được; đôi khi phải cài đặt những dụng cụ, hay máy móc thật nhỏ, tinh vi để lấy các tài liệu, tin tức mà không bị phát hiện. Những điệp viên trong sách, người ta có thể tận dụng từ “giả dạng khách du lịch, phóng viên, du học sinh, thương gia, sứ quán, nhân viên ngoại giao, ngay cả những kiều bào hay chuyên viên sở tại mà có cảm tình, đôi khi cần phải lợi dụng, mua chuộc người địa phương hầu núp bóng của họ để mua, thuê, chiếm được những vị thế, địa điểm quan trọng nhằm phục vụ cho trận chiến về tình báo, thu thập tin tức, hay chiếm lĩnh về kinh tế…” nhiều, nhiều lắm! Nói chung, cơ quan tình báo sử dụng đến tất cả những ai họ có thể sử dụng được để thu thập tin tức về “kẻ thù” để “hầu giết chết nó”! Đó chắc là những chuyện “điệp viên” của ngày xưa, chứ như bây giờ nước Mỹ, cũng như Âu Châu trao đổi chuyên viên nghiên cứu của Tàu chun vào mọi ngành nghề trên đất nước mình một cách công khai và thân thiện, mà lại với số rất là đông đảo thì chắc theo quyển sách về tình báo mà tôi đã đọc được chắc nó sẽ, nói theo tục ngữ Việt Nam, là “Nuôi ong tay áo” hay “Nuôi khỉ dòm nhà” hoặc theo một nhà Quân sự, Chính Trị trước kia “Thỏa hiệp là tự sát”. Tôi cũng ráng theo dõi tình hình để xem sao? Và tôi lại nhớ đến một câu Tục ngữ khác của Việt Nam nữa là “Kẻ có tình ngồi rình trong bụi, Kẻ vô tình lủi thủi mà đi”! Rồi tôi lại thương quê hương, cùng dân tộc của mình! Nhưng lại có người rành hơn, họ nói: “Điệp viên ấy sau khi hoàn thành công tác sẽ còn khổ hơn do không được tin tưởng mà sử dụng vì họ đã từng ở hai bên, nếu sử dụng họ tiếp tục sẽ là mối nguy hiểm vì biết đâu họ sẽ trở cờ trong một lúc nào đó, cho nên họ chỉ là “ngồi chơi xơi nước”! Nhưng khi họ chết đi rồi thì sẽ được tuyên dương công trạng một cách rình rang vì lúc đó họ không còn là “một mối lo âu”!”.
Ôi! Quả thật là cuộc đời!

Đồ Ngông,
21/06/2020.




Saturday, June 13, 2020

*Đi Nga. (10)



Sau khi ổn định hàng ngũ đàng hoàng xong, cô Hướng Dẫn đưa chúng tôi qua những bậc thang lên phần phía trên chứ chưa phải là lầu. Sau đó thì đoàn lại tiến lên ba phần bậc thang nữa mới lên đến lầu, chắc do nơi ngày xưa không có thang máy nên cách kiến trúc phải như vậy để làm cho người ta khi lên xuống không tốn nhiều công sức, nên các bậc thang nầy nằm về một góc của cung điện, hoặc nơi nào thuận tiện mà không chiếm nhiều không gian và gây trở ngại. Ngay từ những khu nối bậc thang đầu tiên đã có những tượng điêu khắc hoặc những hoa văn được trang trí mạ vàng sáng chói nổi bậc lên trên tường màu trắng làm cho người đi lên có cảm giác thích thú, mãn nhãn mà không thấy mệt. Không những thế, trên trần cao lại có vẽ bức tranh toàn trần màu sắc đẹp, rất công phu cùng những điêu khắc của những  đầu cột chống đỡ lên trần nhà. Thỉnh thoảng, có nhiều chùm đèn được mở sáng để tăng thêm phần sáng sủa cho không gian. Du khách tiến lên rất đông. Thoáng quan sát ta đã thấy sự xa hoa của những vua chúa ngày xưa, công trình xây dựng, trang trí như thế nầy phải tốn rất nhiều tiền của và thời gian. Tôi và anh Thới cũng cùng quan điểm là chính nhờ sự xa hoa của họ mà ngày nay mới có những công trình để mình tới thăm viếng cùng phải tốn công, tốn tiền. Chỉ với chùm đèn treo để đốt sáng vào ban đêm đã thấy rất nhiều nghệ thuật trong đó rồi, chưa kể đến những thứ quý giá cho xây dựng như những cây cột bằng đá cẩm thạch màu xám, nguyên khối chống đỡ cho trần nhà ở đây. Chúng tôi theo sát Cô Hướng Dẫn người Nga, vừa để nghe cô thuyết minh vì đi xa hơn chúng tôi sẽ không nghe được điều cô nói, thứ nữa là sợ bị thất lạc trong dòng người đông đảo của các đoàn du khách khác. Dù ở những phòng mà mình thích thú với những tranh ảnh hay đồ vật trưng bày muốn quan sát lâu hơn, thì lúc nào cũng phải nhìn vào cô hay lá cờ màu xanh dương đậm để đi theo. Tất cả những tranh ảnh của những nhân vật nổi tiếng đều được đóng trong khung mạ vàng, có cái rất lớn, có cái nhỏ được treo đầy trong phòng đúng theo phong cách của một Viện Bảo Tàng; mà đúng như vậy, đây là một Viện Bảo Tàng trong một Cung Điện của Vua Chúa ngày xưa nên nó lại giúp cho du khách cả trong hai việc về thăm viếng: Vừa ngắm cung điện, vừa thưởng thức những vật trưng bày ở một Viện Bảo Tàng với những công trình quý giá của những nghệ nhân lừng danh trong quá khứ về hội họa cũng như điêu khắc. 
Cung Điện Mùa Đông, Viện Bảo Tàng,
và trụ Alexander Column.

Chính vì sự quý giá ấy mà mỗi phòng đều có người canh chừng cẩn thận để tránh nạn đánh cắp. Đoàn người thăm viếng rất đông đảo, do đó đường đi tương đối một chiều, thỉnh thoảng thì cũng có vài người đi ngược chiều nhưng không gây trở ngại lắm. Qua mỗi phòng chúng tôi được Cô Hướng Dẫn thuyết minh về những gì quan trọng mà cô muốn chúng tôi hiểu, hay biết về nó. Tôi thích thú nhất là cái đồng hồ hình con công được trưng bày mà người ta đã làm cho nó biết giương cánh, bung đuôi, xoay vòng, xếp lại, nghiêng cổ trước khi con gà trống đứng phía dưới gáy để báo giờ. Trong Viện Bảo Tàng nầy trưng bày rất nhiều tranh lớn nhỏ, cùng nhiều đồ gốm, tượng điêu khắc, vật dụng nhỏ nhưng tất cả được trưng bày trong tủ kiếng được khóa cẩn thận. Có vài cái bình bằng cẩm thạch màu ngọc bích hay màu đỏ quý giá được điêu khắc công phu. Có bức tượng cá voi cõng chú bé bất tỉnh với câu chuyện rất cảm động được trưng bày rất đẹp, xem qua mình cảm thấy sự gần gũi giữa người và vật. Ở đây có trưng bày bức tượng người đàn ông quỳ, khum xuống bằng đá cẩm thạch trắng của Michelangelo tạc rất công phu nó nổi cả các thớ thịt, đường gân máu trên chân hay tay của bức tượng. Quả thật là nhà điêu khắc, hội họa nổi tiếng trên thế giới là phải!
Tượng của Michelangelo.

Nói chung lại ở trong Cung Điện Viện Bảo Tàng nầy trưng bày rất nhiều tranh ảnh, lớn hoặc nhỏ đều có gíá trị về người vẽ , điêu khắc hay người được vẽ đều là những người nổi tiếng, với màu sắc hài hòa theo các thời đại. Các tranh tượng ấy là danh nhân, hay từ trong các huyền thoại của tôn giáo đều là các tác phẩm xứng đáng, có tầm cỡ. Ngoài ra có những vật dụng bằng sứ, sơn mài, bằng đồng, bạc, hay vàng đều là những tác phẩm công phu, được đánh giá theo thời đại của nó. Trong khoảng thời gian tôi được đi qua những phòng, hay trong lòng của Cung Điện để nhìn ngắm các vật trưng bày, vì mãi mê nhìn vào vật hay quay phim nên không thấy rõ cái “hay” của nó. Đến nay khi nhìn lại mấy đoạn phim mới thấy sự “vĩ đại, nguy nga, giá trị” của phòng trưng bày, hay kiến trúc công phu, tinh tế trong lòng lâu đài mà lúc đó mình không hề chú ý tới. Nếu so với Cung Điện Versaille thì theo tôi bên nầy nó vượt trội hơn nhiều dù kiến trúc bên ngoài không nổi trội với màu xanh hơi tối của nó. Đó chỉ là ý của riêng tôi!
Sau hơn một giờ đồng hồ tha hồ nhìn ngắm, quan sát nhiều thứ, công trình, tác phẩm của bao nhiêu người trong Cung Điện, Viện Bảo Tàng để nhận biết, thưởng thức, trầm trồ cuối cùng chúng tôi cũng đã đi hết vòng và ra ngoài. Dọc theo đường đi rất nhiều du khách đang ngồi nghỉ chân hay đợi người thân. Thỉnh thoảng, có những du khách độc lập đi vào đang nghiên cứu sơ đồ theo bước chân của họ. Khi mọi người tập họp đầy đủ, cô Hướng Dẫn dẫn đoàn ra ngoài đi đến nơi xe buýt đậu, lên xe và đi ăn trưa. Lúc đó đã là một giờ rưởi.
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi được xe đưa về con đường Nevsky Avenue, nó được xem là con đường nhộn nhịp, lịch sử, có nhiều kiến trúc đẹp tiêu biểu về văn hóa lẫn các quán ăn, cơ sở thương mại, mua sắm… tại Saint Peterbourg. Đây là giờ được coi như là giờ chúng tôi đi tự do mà chỉ hẹn giờ trở về điểm tập trung thôi. Nhưng vì vợ chồng anh Bích và vợ chồng tôi thấy cần thiết phải mua thêm một cái vali xách tay mới khác mới có thể đủ chứa đồ trong những ngày kế tiếp, do vậy mà chúng tôi phải hỏi cô Hướng Dẫn chỗ để đi mua. Thế là chúng tôi cùng vợ chồng anh Thới hỏi Cô Hướng Dẫn nơi đi tìm để mua. Theo sự chỉ dẫn của cô, chúng tôi vừa ngắm cảnh, vừa vội vàng đi đến nơi bán đồ. Chúng tôi đi qua khu Nhà thờ Kazan ở bên một góc đường, sau một công viên nhỏ. 
Nhà Thờ Kazan.

Mặc dù Vương Cung Thánh Đường nầy cũng là một nơi nổi tiếng ở Thành phố Saint Peterbourg nhưng chúng tôi không đủ thời gian để tham quan, mà chỉ nhìn qua thì nó được xây dựng theo một cánh cung, và nhà thờ chính ở ngay chính giữa rất cân đối và chụp vội vài tấm hình. Khu bán hàng tương đối khá xa, được biết ngày xưa khu ấy là khu Bách Hóa trong thời kỳ Liên Xô. Cuối cùng thì chúng tôi cũng mua được hai vali nhỏ, nhưng vì không còn màu khác nên cả hai chúng tôi đều có hai vali màu xanh lá cây giống nhau, vì thế phải làm dấu để phân biệt tránh nhầm lẫn về sau. Xong, chúng tôi đi vòng trở về để cho kịp giờ lên xe buýt. Đi du lịch đoàn thì tiện lợi hơn nhiều nhưng phải bị gò bó trong giờ giấc và theo lịch trình. Tuy vậy mình phải chịu thôi vì mình không đủ khả năng để tự đi, hơn nữa lại do “cái già” thì mình cũng chẳng nên mơ ước, hay thấy “mình đủ khả năng”!
Bận trở về chúng tôi còn thời gian để ngắm nghía những kiến trúc có vẽ cổ, đồng thời nhộn nhịp trên đường phố nầy. Băng qua cầu bắt ngang con kênh đào, nhìn các dãy dinh thự hai bên kênh tôi thấy na ná với các phố ở Venice, nhưng hai bên bờ kênh thì lại giống với kênh Amterdam của Hòa Lan hơn vì xe hơi nhiều hơn là xe đạp. 
Kênh đào.

Thỉnh thoảng chúng tôi lại thay phiên chụp cho nhau những bôi hình để làm kỷ niệm ở một nơi gọi là Cố Đô của nước Nga, hay là một thời đã là Léningrad. Trên đường phố nầy không còn xe “tram” (xe lửa điện) bánh sắt để chạy, mà thay thế bằng những chuyến xe buýt chạy bằng điện với những cần dài nối vào dây điện mà chúng tôi đã thấy từ hồi còn ở bên Moscow, hay tên theo Tiếng Việt là Mạc Tư Khoa.
Thả lần về địa điểm tập trung. Ở đây đã có nhiều người trong đoàn đang ngồi nghỉ tại đây, chúng tôi họp nhau tán gẫu. Tất nhiên không thể thiếu anh Hùng, anh Trang và anh Thạnh và nhất là trong câu chuyện không thể nào mà không có “Ông Ngoại Trưởng” để trêu ghẹo vào tôi. Nhưng  đó chỉ là chuyện vui trong một chuyến đi lẫn trong một cuộc hành trình tương đối nhiều ngày. Sau nầy mấy ông mà nhớ “tui” thì mấy ông ráng chịu nghe!
Tới giờ cô Hướng Dẫn tập hợp chúng tôi dẫn đi vào phía trong của con đường ngắn mà chúng tôi đang đứng. Đi qua một cái cổng màu vàng là một quảng trường thật rộng, chính giữa có một trụ đỏ cao lên, phía trên có Thánh Giá, thì ra nơi đây là mặt trước của Cung Điện Mùa Đông, mà trụ đỏ đó là Alexander Column, và cái cổng màu vàng mà chúng tôi vừa đi qua là cổng của một dãy building gọi là General Staff Building. 
General Staff Building.

Building nầy thật lớn, ba tầng lầu hình vòng cung được xây đối xứng với Cung Điện Mùa Đông và sơn màu vàng với viền, cùng cột màu trắng. Chúng tôi ở đây được tha hồ chụp hình, hay thong thả đi dạo cho thỏa óc tò mò, tuy vậy mà không mấy người đi vì một phần mệt mỏi, một phần làm biếng vì đi tới chỗ nào cũng chỉ đứng bên ngoài mà nhìn thôi! Có nhiều xe buýt đến đón khách rồi lại đi. Nhưng xe buýt của chúng tôi đã khá lâu mà chưa đến được, không biết trở ngại gì đó. Trời chiều xuống, chúng tôi nghe hơi lạnh nên phải nép vào bên tường để tránh gió. Hồi lâu, xe đến chúng tôi lên xe để đi về khách sạn, tắm rửa và ăn chiều. Tôi vẫy tay chào Cung Điện Mùa Đông, trụ Alexander Column cùng quãng trường rộng lớn lịch sử của một thời phong kiến và chế độ Cộng Sản Liên Xô Nga, nhưng không hẹn ngày gặp lại!

General Staff Building.

Về đến khách sạn tương đối hơi trễ so với mấy ngày trước vì phải đợi xe lâu. Mọi người tắm rửa, rồi xuống nhà ăn để ăn bữa chiều. Xong lại là một cuộc “xôn xao” để mua “amber” ở nơi bán hàng lưu niệm, không biết là cô Dung có duyên “mở hàng”, hay là nghe cô nói “amber” ở Thành phố Peterbourg nầy là loại tốt mà nhiều bạn bè sành điệu từ Melbourne điện thoại cho cô biết để mua dùm, rồi trở thành một phong trào mua “amber” ở đây lưu niệm hoặ làm quà. Tốn tiền thế mà vui!
Đêm này là đêm cuối cùng ở Thành phố Saint Peterbourg và cũng là đêm chót chuyến du hành trên đất Liên Bang Nga, nên chúng tôi phải kiểm điểm, sắp xếp lại hành lý vào vali sao cho nó gọn, để chuẩn bị cho ngày mai thức sớm và di chuyển ra phi trường đi sang Berlin bên nước Đức. Lại thêm một nơi đã từ bỏ chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, giã từ chế độ Cộng Sản đã từng làm cho đất nước oằn oại, dân chúng đau khổ lầm than chứ không như mộng tưởng: “Tạo nên một Thiên Đàng Hạ Giới, mọi người sống sung sướng, hạnh phúc , bình đẳng, không người bốc lột người; hay làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”!

Nguyên Thảo,
13/04/2020.
                                                                                                                                                                                                                                                                     



*Quê Người! (32)



Sau những thời gian đầu ở trên xứ người chúng tôi phải cố gắng tìm hiểu, học hỏi về những gì mình sẽ phải trải qua; đồng thời xem hoàn cảnh mình mà có thể đáp ứng trong tình huống nào để định hướng cho con đường mình sẽ đi. Nhìn lại thì Tiếng Anh là chuyện chính yếu để giải quyết vấn đề, kế đó là tình cảnh về tài chính của gia đình, và nhất là khả năng của mình có thể đáp ứng được với những gì mình chọn cho con đường tương lai. Riêng đối với tôi, tôi không thấy điều kiện để cho mình thoải mái chọn con đường nào cả. Học tiếp thì không đủ sức vì đã bỏ học quá lâu, còn xin làm lại nghề cũ thì không đủ trình độ tiếng Anh mà vả lại tôi đã thử nộp lại chứng chỉ tốt nghiệp nghề của mình lên cơ quan thẩm quyền của Úc thì họ đã từ chối rồi. Còn con đường xin học ở khóa đào tạo Thông Dịch thì phải đợi xem trình độ Tiếng Anh của mình trong những thời gian nầy xem có đủ khả năng hay không. Tôi cũng thấy không hi vọng lắm vì trí nhớ của tôi không đủ để thăng tiến ngoại ngữ nhanh chóng được, thế là tôi phải nhìn lại những người kém hơn mình xem sao!
Những người mà tôi nói là “kém hơn mình” chính là những người dân thường ở vùng thôn quê hay biển mà họ có điều kiện vượt biên dễ dàng, họ đã đến đây cũng với “hai bàn tay trắng”, với “trình độ học Tiếng Anh” khó khăn hơn, thế mà họ vẫn sống và làm được. Vậy thì tôi nên học ở họ cái điều gì? Nhìn chung họ có nhiều khó khăn, tuy nhiên với số vốn Tiếng Anh ít ỏi họ học lúc còn ở đảo hay trại tị nạn thì cũng tạm dùng; nhưng khi đến đây họ chỉ cần đến những người quen giới thiệu với những người đến trước đã có công việc làm ở những nông trại dù ở dưới đồng bằng hay là trên núi cũng được. Họ lăn xả vào công việc không cần đến Tiếng Anh ấy, họ chỉ nghe theo lời hướng dẫn giải thích ở những người dẫn đi làm khá Tiếng Anh hơn thôi! Mọi việc từ làm việc gì hay thế nào thì do sự chỉ dẫn của người dẫn đầu, thế là họ vẫn làm được từ ngày này qua ngày kia. Đó là những công việc gọi là “lao động phổ thông” hay là “làm mướn”, “làm mọi thứ công việc gì mà người ta cần”; thế nên rất nhiều người đã đi làm công ở các nông trại để lãnh lương tính theo từng giờ. Đó là tình hình của người Việt mình sống ở Tiểu bang Nam Úc đa số theo nghề nông; và một số khác trẻ, có sức khoẻ hơn được các hãng xưởng nhận vào làm thì công việc được ổn định suốt năm hơn là ở công việc nghề nông. Tôi chỉ nghe nói thôi, chứ chưa bao giờ được đến các nơi như Sydney hay Melbourne, là những nơi mà đa số người của mình theo nghề may, ủi; và cũng có nhiều người thành công hơn là họ trở thành những ông chủ của vài hãng nhỏ, hoặc là “lãnh mối về bỏ hàng lại” cho người khác gia công! Theo như vậy là tôi chỉ cần ráng chịu khó thì vẫn có thể đi làm như họ được thôi; có nhiều người thuộc địa vị cao trong xã hội như Bác sĩ, kỹ sư trước kia, nhưng khi đến đây vì cần tiền họ cũng lăn xả vào công việc để kiếm tiền trước, rồi tùy theo tình hình mà họ chọn cho họ một con đường để đi. Nhờ vào tiền đi làm công cũng tương đối là khá nên nhiều người cũng nhàn nhã, cứ thế mà làm, rồi họ cũng có tiền sắm xe để đi hay chở thêm người đi làm chung nên mỗi ngày kiếm thêm được một số tiền để đóng cho một phần “hụi” mà người Bắc gọi là “họ” trong mỗi tháng. Từ sắm xe cho đến những vật dụng khác trong nhà, họ đã thấy họ thành công trong cuộc sống, rồi thêm thời gian họ được vay tiền mua nhà thế là họ đã có cuộc sống đáng sống hơn là ở quê nhà vì cuộc đời của họ được thăng tiến mỗi lúc với sức lao động của họ. Họ nói: Cứ có sức khỏe là có tiền! Thực đúng là như vậy! Trái lại những người giàu có, có địa vị hay học vấn cao mới thấy mình “rối rắm” với ngã ba đường để phải tính tới tính lui: Nên đi làm hay đi học, nên làm mướn hay làm chủ, còn vấn đề tiếng Anh của mình thì sao?
Tôi cũng bị trôi trong dòng người “lẩn quẩn” như vậy, nhất là ở trên xứ người có rất nhiều xa lạ, đôi khi khác hẵn với những tập quán ở quê nhà. Phải nói gặp Trọng và chị Yến là sự may mắn của tôi với Thành. Nếu không thì chúng tôi phải mất nhiều thời gian và hơi vất vả hơn về mọi chuyện. Công nhận Trọng quả thực là thông minh, những nhận xét của nó khá tinh tế về những vấn đề trong xã hội ở xứ Úc nầy cộng với những kinh nghiệm của anh Sáu Khánh lẫn anh Bảo Liên mà nó học được.
Tính ra bản thân tôi thì có rất nhiều khuyết điểm, từ vấn đề sức khỏe cho đến vấn đề giao tế lẫn cách ăn nói, tôi không có khả năng đáp ứng được nhanh nhẹn hay trong tính toán. Tôi chỉ được cái chân thật và hay nhận xét không thôi! Những vấn đề trong xã hội tôi hay suy luận để nhận biết và đúc kết cho mình vài kinh nghiệm, nhưng chuyện ấy nó cũng không là thực tế mấy. Thế rồi sống chung với Trọng tôi lại càng thấy mình cần thực tế hơn!
Ngày đi học hàn đã đến. Sau buổi sáng học Anh Văn xong ở trường Pennington về ăn uống, chiều đến Trọng lấy xe chở tôi đến Trung tâm của Parks Community. Tìm chỗ đậu xe, hai đứa dẫn nhau đi tìm chỗ học hàn, Trọng hỏi ở phòng nhân viên rồi dẫn tôi đi. Tìm chỗ hàn tương đối hơi khó, dù nó không xa nhưng phải đi vòng vòng. Ở tại địa điểm đã có mấy thằng Tây, tôi nói là Tây vì không biết nó là Úc hay sắc dân da trắng nào khác và có một bạn trẻ người Việt Nam. Được ba thằng cũng vui. Buổi học bắt đầu, dù trời đã chiều nhưng đèn trong phòng được mở sáng nên chuyện học hành cũng dễ. Trời mùa Đông có lạnh, nhưng ở nơi tiếp xúc với lửa và phòng lại kín mà lại khuất nữa, thành thử không lạnh mấy. Những ngày đầu của sáu tuần chúng tôi sẽ được học sử dụng và thực hành về hàn gió đá trong ba tuần, còn ba tuần sau sẽ học về hàn điện. Mỗi tuần học hai buổi chiều, mỗi buổi là một tiếng. Khóa học miễn phí. Tôi chưa biết gì về hàn, Trọng thì chỉ quen hàn chì với những mạch điện nhỏ ở các bộ phận của truyền hình hay radio thôi. Nói chung là chúng tôi chưa biết hay kinh nghiệm gì về hàn. Nhưng biết thêm một thứ gì đi nữa cũng tốt, đồng thời tôi lại biết thêm vài từ ngữ chuyên môn của Tiếng Anh thì cũng hay. Nhờ có ba đứa cùng học, nên chia sẻ nhau kinh nghiệm làm thế nào cho được, cho tốt nên việc học có dễ dàng hơn, nhất là những gì về tiếng Anh mà người nầy không hiểu, thì người kia dịch lại “cùng hợp tác” để mà hiểu được ngoại ngữ, khiến tôi đôi lúc ngẫm nghĩ lại mà tức cười! Học được vài tuần Trọng lại cho hay là nó nghe nói dưới Community của vùng Port Adelaide có khóa học Fork Lift tức xe có máy nâng hàng lên cao, hay lấy xuống, nó đã đến đó ghi tên xin học và ghi luôn cho tôi rồi. Nghe Trọng nói mà tôi lại cười. Nó hỏi tôi: Sao mầy cười? Tôi trả lời nó sau cái cười khác: Mầy nghĩ coi, tao chưa biết lái xe mà mầy ghi tên cho tao học lái “Fork Lift” làm sao tao học? Lúc đó, Trọng nhớ lại cũng cười rồi vã lả: Ừ hen! Mà không sao đâu, có tao, còn lâu mới học mà! Thế rồi ít lâu sau đó, nó lại thông báo với tôi là lại đi học nữa: Học khóa hàn “MIG” ở dưới trường TAFE ở khu Panorama. Tôi chẳng biết trường đó là trường gì mà cũng chẳng biết khu vực ấy ở đâu? Hỏi nó thì nó chỉ nói đến cái hướng về phía nam Thành Phố gần đến núi lận. Còn Trường TAFE giống như trường Cao Đẳng ở bên mình để dạy thêm cho người lớn hay sinh viên không đủ trình độ vào Đại Học, hoặc cho những người đi làm muốn học thêm. Đến lúc nầy tôi mới biết là Trọng muốn tôi đi học cùng với nó để cho vui và có bầu có bạn. Nó muốn thực hiện theo cái điều mà Ba Anh đã nói với nó trước kia: “Nếu mình biết hàn mà biết lái Fort Lift nữa thì đi xin việc tương đối là dễ”! Nó thực hiện theo đường hướng ấy, mặc dù với cái tuổi hiện tại của chúng tôi là đã gần 40 tuổi, cái lứa mà các hãng nhận vào vẫn là lứa tuổi mà họ còn cân nhắc có nhận hay không?
Thời gian qua mau thật, mới đây mà khóa học hàn gió đá và hàn điện đằng Park Community đã xong. Ít ra tôi cũng biết sử dụng các món hàn nầy một cách cơ bản để có thể thực hành về sau nầy vì chúng tôi học khóa đó chỉ là khóa cho những người có sở thích thôi, chứ không phải là chuyên nghiệp. Tôi không ngờ qua khóa học hàn ấy nó cũng hỗ trợ cho tôi trong vấn đề học Tiếng Anh, vừa nghe vừa thực hành đàm thoại cũng như học thêm được một số từ ngữ một cách tự nhiên mà tôi không cần phải cố nhớ. Cuối khóa, học viên nhận được một giấy chứng nhận hoàn tất khóa, nhưng không biết là nó có giúp ích gì cho chúng tôi trong vấn đề đi tìm việc hay không, hay là để treo lên vách coi chơi? Nhưng dù gì chúng tôi cũng được một số kiến thức, vốn liếng để sử dụng khi cần đến về sau nầy; và nếu giỏi hơn còn tùy thuộc vào khả năng của chính mình nữa.
Lợi dụng vào mùa Đông, công việc trên núi còn ít, thời giờ rảnh rỗi khá nhiều, Trọng đã hỏi han, ghi tên đi học nhiều khóa mà nó thường rủ tôi đi cùng, vừa có hai đứa cho vui, vừa đồng hành mà tôi cũng có lợi mặc dù khả năng tôi chưa đáp ứng được bao nhiêu, như khóa học fork lift sắp tới. Còn khóa học hàn gọi là hàn MIG ở Trường TAFE Panorama thì may mắn là nó nằm ngoài giờ học của tôi ở lớp Anh Văn nên tôi có thể đi học với Trọng được, vả lại nó cũng là khóa ngắn hạn chỉ vài ngày thôi, còn khóa fork lift thì phải đợi người ta ghi danh nhiều rồi nó mới xem là có mở hay không? Họ sẽ gởi thư về nhà cho hay sau!
Tôi và Thành ở chung với Trọng và chị Yến có nhiều thuận lợi vì chúng tôi đều là bạn bè. Trọng là bạn học cùng trường lớn lên cùng địa phương, chơi chung với nhau, và ngày chúng tôi học ở Sài Gòn khi Trọng học bên trường Bưu Điện thì tôi học ở trường Quốc Gia Sư Phạm lại ở trọ chung một nơi, nên có rất nhiều kỷ niệm để ôn lại. Chị Yến thì sau khi ra trường Sư Phạm về dạy ở quê tôi và ở trọ kế bên nhà. Nói chung, chúng tôi đều là những người thân quen nên cuộc sống chung đầy vui vẻ và kỷ niệm. Đồng hương, bạn bè cùng tha hương trên “quê người đất khách”, nên đồng cảm và tương trợ. Chị Yến sắp có em bé nên ở nhà làm việc nhà, nấu nướng giúp chúng tôi, khi rảnh chúng tôi cùng phụ chị để lo bữa ăn.
Công việc vào mùa Đông ở trên núi không thường xuyên và ít, nên thỉnh thoảng vài ngày là có các anh đi làm chung với Trọng ghé chơi như anh Nam, anh Bảy Trẻ, anh Tú… Đa số mấy anh vẫn là mấy ông đi vượt biên một mình như tôi, khi không có việc làm thì buồn, lái xe chạy vòng quanh đến những người quen để chuyện trò nhau cho hết ngày giờ. Nhưng đối với Trọng họ có vài cần thiết hơn là hỏi về máy móc, hay nhờ Trọng đi xem dùm những máy điện tử hiệu nào hay, máy nào tốt hơn để mua, vì nghề nghiệp của Trọng trước kia liên hệ đến những máy móc điện tử như Truyền hình, Cassette hay Dàn máy để hát nhạc. Đa số ai cũng muốn mua một hai món để hát nhạc hoặc xem truyền hình giải trí, đỡ buồn trên xứ người.

Nguyên Thảo,
08/05/2020.