Sau những thời
gian đầu ở trên xứ người chúng tôi phải cố gắng tìm hiểu, học hỏi về những gì mình
sẽ phải trải qua; đồng thời xem hoàn cảnh mình mà có thể đáp ứng trong tình huống
nào để định hướng cho con đường mình sẽ đi. Nhìn lại thì Tiếng Anh là chuyện chính
yếu để giải quyết vấn đề, kế đó là tình cảnh về tài chính của gia đình, và nhất
là khả năng của mình có thể đáp ứng được với những gì mình chọn cho con đường tương
lai. Riêng đối với tôi, tôi không thấy điều kiện để cho mình thoải mái chọn con
đường nào cả. Học tiếp thì không đủ sức vì đã bỏ học quá lâu, còn xin làm lại
nghề cũ thì không đủ trình độ tiếng Anh mà vả lại tôi đã thử nộp lại chứng chỉ
tốt nghiệp nghề của mình lên cơ quan thẩm quyền của Úc thì họ đã từ chối rồi. Còn
con đường xin học ở khóa đào tạo Thông Dịch thì phải đợi xem trình độ Tiếng Anh
của mình trong những thời gian nầy xem có đủ khả năng hay không. Tôi cũng thấy
không hi vọng lắm vì trí nhớ của tôi không đủ để thăng tiến ngoại ngữ nhanh chóng
được, thế là tôi phải nhìn lại những người kém hơn mình xem sao!
Những người mà tôi
nói là “kém hơn mình” chính là những người dân thường ở vùng thôn quê hay biển
mà họ có điều kiện vượt biên dễ dàng, họ đã đến đây cũng với “hai bàn tay trắng”,
với “trình độ học Tiếng Anh” khó khăn hơn, thế mà họ vẫn sống và làm được. Vậy
thì tôi nên học ở họ cái điều gì? Nhìn chung họ có nhiều khó khăn, tuy nhiên với
số vốn Tiếng Anh ít ỏi họ học lúc còn ở đảo hay trại tị nạn thì cũng tạm dùng;
nhưng khi đến đây họ chỉ cần đến những người quen giới thiệu với những người đến
trước đã có công việc làm ở những nông trại dù ở dưới đồng bằng hay là trên núi
cũng được. Họ lăn xả vào công việc không cần đến Tiếng Anh ấy, họ chỉ nghe theo
lời hướng dẫn giải thích ở những người dẫn đi làm khá Tiếng Anh hơn thôi! Mọi
việc từ làm việc gì hay thế nào thì do sự chỉ dẫn của người dẫn đầu, thế là họ
vẫn làm được từ ngày này qua ngày kia. Đó là những công việc gọi là “lao động phổ
thông” hay là “làm mướn”, “làm mọi thứ công việc gì mà người ta cần”; thế nên rất
nhiều người đã đi làm công ở các nông trại để lãnh lương tính theo từng giờ. Đó
là tình hình của người Việt mình sống ở Tiểu bang Nam Úc đa số theo nghề nông; và
một số khác trẻ, có sức khoẻ hơn được các hãng xưởng nhận vào làm thì công việc
được ổn định suốt năm hơn là ở công việc nghề nông. Tôi chỉ nghe nói thôi, chứ
chưa bao giờ được đến các nơi như Sydney hay Melbourne, là những nơi mà đa số
người của mình theo nghề may, ủi; và cũng có nhiều người thành công hơn là họ
trở thành những ông chủ của vài hãng nhỏ, hoặc là “lãnh mối về bỏ hàng lại” cho
người khác gia công! Theo như vậy là tôi chỉ cần ráng chịu khó thì vẫn có thể đi
làm như họ được thôi; có nhiều người thuộc địa vị cao trong xã hội như Bác sĩ,
kỹ sư trước kia, nhưng khi đến đây vì cần tiền họ cũng lăn xả vào công việc để
kiếm tiền trước, rồi tùy theo tình hình mà họ chọn cho họ một con đường để đi.
Nhờ vào tiền đi làm công cũng tương đối là khá nên nhiều người cũng nhàn nhã, cứ
thế mà làm, rồi họ cũng có tiền sắm xe để đi hay chở thêm người đi làm chung nên
mỗi ngày kiếm thêm được một số tiền để đóng cho một phần “hụi” mà người Bắc gọi
là “họ” trong mỗi tháng. Từ sắm xe cho đến những vật dụng khác trong nhà, họ đã
thấy họ thành công trong cuộc sống, rồi thêm thời gian họ được vay tiền mua nhà
thế là họ đã có cuộc sống đáng sống hơn là ở quê nhà vì cuộc đời của họ được thăng
tiến mỗi lúc với sức lao động của họ. Họ nói: Cứ có sức khỏe là có tiền! Thực đúng
là như vậy! Trái lại những người giàu có, có địa vị hay học vấn cao mới thấy mình
“rối rắm” với ngã ba đường để phải tính tới tính lui: Nên đi làm hay đi học, nên
làm mướn hay làm chủ, còn vấn đề tiếng Anh của mình thì sao?
Tôi cũng bị trôi
trong dòng người “lẩn quẩn” như vậy, nhất là ở trên xứ người có rất nhiều xa lạ,
đôi khi khác hẵn với những tập quán ở quê nhà. Phải nói gặp Trọng và chị Yến là
sự may mắn của tôi với Thành. Nếu không thì chúng tôi phải mất nhiều thời gian
và hơi vất vả hơn về mọi chuyện. Công nhận Trọng quả thực là thông minh, những
nhận xét của nó khá tinh tế về những vấn đề trong xã hội ở xứ Úc nầy cộng với
những kinh nghiệm của anh Sáu Khánh lẫn anh Bảo Liên mà nó học được.
Tính ra bản thân
tôi thì có rất nhiều khuyết điểm, từ vấn đề sức khỏe cho đến vấn đề giao tế lẫn
cách ăn nói, tôi không có khả năng đáp ứng được nhanh nhẹn hay trong tính toán.
Tôi chỉ được cái chân thật và hay nhận xét không thôi! Những vấn đề trong xã hội
tôi hay suy luận để nhận biết và đúc kết cho mình vài kinh nghiệm, nhưng chuyện
ấy nó cũng không là thực tế mấy. Thế rồi sống chung với Trọng tôi lại càng thấy
mình cần thực tế hơn!
Ngày đi học hàn đã
đến. Sau buổi sáng học Anh Văn xong ở trường Pennington về ăn uống, chiều đến
Trọng lấy xe chở tôi đến Trung tâm của Parks Community. Tìm chỗ đậu xe, hai đứa
dẫn nhau đi tìm chỗ học hàn, Trọng hỏi ở phòng nhân viên rồi dẫn tôi đi. Tìm chỗ
hàn tương đối hơi khó, dù nó không xa nhưng phải đi vòng vòng. Ở tại địa điểm đã
có mấy thằng Tây, tôi nói là Tây vì không biết nó là Úc hay sắc dân da trắng nào
khác và có một bạn trẻ người Việt Nam. Được ba thằng cũng vui. Buổi học bắt đầu,
dù trời đã chiều nhưng đèn trong phòng được mở sáng nên chuyện học hành cũng dễ.
Trời mùa Đông có lạnh, nhưng ở nơi tiếp xúc với lửa và phòng lại kín mà lại khuất
nữa, thành thử không lạnh mấy. Những ngày đầu của sáu tuần chúng tôi sẽ được học
sử dụng và thực hành về hàn gió đá trong ba tuần, còn ba tuần sau sẽ học về hàn
điện. Mỗi tuần học hai buổi chiều, mỗi buổi là một tiếng. Khóa học miễn phí. Tôi
chưa biết gì về hàn, Trọng thì chỉ quen hàn chì với những mạch điện nhỏ ở các bộ
phận của truyền hình hay radio thôi. Nói chung là chúng tôi chưa biết hay kinh
nghiệm gì về hàn. Nhưng biết thêm một thứ gì đi nữa cũng tốt, đồng thời tôi lại
biết thêm vài từ ngữ chuyên môn của Tiếng Anh thì cũng hay. Nhờ có ba đứa cùng
học, nên chia sẻ nhau kinh nghiệm làm thế nào cho được, cho tốt nên việc học có
dễ dàng hơn, nhất là những gì về tiếng Anh mà người nầy không hiểu, thì người
kia dịch lại “cùng hợp tác” để mà hiểu được ngoại ngữ, khiến tôi đôi lúc ngẫm
nghĩ lại mà tức cười! Học được vài tuần Trọng lại cho hay là nó nghe nói dưới
Community của vùng Port Adelaide có khóa học Fork Lift tức xe có máy nâng hàng lên
cao, hay lấy xuống, nó đã đến đó ghi tên xin học và ghi luôn cho tôi rồi. Nghe
Trọng nói mà tôi lại cười. Nó hỏi tôi: Sao mầy cười? Tôi trả lời nó sau cái cười
khác: Mầy nghĩ coi, tao chưa biết lái xe mà mầy ghi tên cho tao học lái “Fork
Lift” làm sao tao học? Lúc đó, Trọng nhớ lại cũng cười rồi vã lả: Ừ hen! Mà không
sao đâu, có tao, còn lâu mới học mà! Thế rồi ít lâu sau đó, nó lại thông báo với
tôi là lại đi học nữa: Học khóa hàn “MIG” ở dưới trường TAFE ở khu Panorama. Tôi
chẳng biết trường đó là trường gì mà cũng chẳng biết khu vực ấy ở đâu? Hỏi nó
thì nó chỉ nói đến cái hướng về phía nam Thành Phố gần đến núi lận. Còn Trường
TAFE giống như trường Cao Đẳng ở bên mình để dạy thêm cho người lớn hay sinh viên
không đủ trình độ vào Đại Học, hoặc cho những người đi làm muốn học thêm. Đến lúc
nầy tôi mới biết là Trọng muốn tôi đi học cùng với nó để cho vui và có bầu có bạn.
Nó muốn thực hiện theo cái điều mà Ba Anh đã nói với nó trước kia: “Nếu mình biết
hàn mà biết lái Fort Lift nữa thì đi xin việc tương đối là dễ”! Nó thực hiện
theo đường hướng ấy, mặc dù với cái tuổi hiện tại của chúng tôi là đã gần 40 tuổi,
cái lứa mà các hãng nhận vào vẫn là lứa tuổi mà họ còn cân nhắc có nhận hay không?
Thời gian qua
mau thật, mới đây mà khóa học hàn gió đá và hàn điện đằng Park Community đã xong.
Ít ra tôi cũng biết sử dụng các món hàn nầy một cách cơ bản để có thể thực hành
về sau nầy vì chúng tôi học khóa đó chỉ là khóa cho những người có sở thích thôi,
chứ không phải là chuyên nghiệp. Tôi không ngờ qua khóa học hàn ấy nó cũng hỗ
trợ cho tôi trong vấn đề học Tiếng Anh, vừa nghe vừa thực hành đàm thoại cũng
như học thêm được một số từ ngữ một cách tự nhiên mà tôi không cần phải cố nhớ.
Cuối khóa, học viên nhận được một giấy chứng nhận hoàn tất khóa, nhưng không biết
là nó có giúp ích gì cho chúng tôi trong vấn đề đi tìm việc hay không, hay là để
treo lên vách coi chơi? Nhưng dù gì chúng tôi cũng được một số kiến thức, vốn
liếng để sử dụng khi cần đến về sau nầy; và nếu giỏi hơn còn tùy thuộc vào khả
năng của chính mình nữa.
Lợi dụng vào mùa
Đông, công việc trên núi còn ít, thời giờ rảnh rỗi khá nhiều, Trọng đã hỏi han,
ghi tên đi học nhiều khóa mà nó thường rủ tôi đi cùng, vừa có hai đứa cho vui,
vừa đồng hành mà tôi cũng có lợi mặc dù khả năng tôi chưa đáp ứng được bao nhiêu,
như khóa học fork lift sắp tới. Còn khóa học hàn gọi là hàn MIG ở Trường TAFE
Panorama thì may mắn là nó nằm ngoài giờ học của tôi ở lớp Anh Văn nên tôi có
thể đi học với Trọng được, vả lại nó cũng là khóa ngắn hạn chỉ vài ngày thôi, còn
khóa fork lift thì phải đợi người ta ghi danh nhiều rồi nó mới xem là có mở hay
không? Họ sẽ gởi thư về nhà cho hay sau!
Tôi và Thành ở
chung với Trọng và chị Yến có nhiều thuận lợi vì chúng tôi đều là bạn bè. Trọng
là bạn học cùng trường lớn lên cùng địa phương, chơi chung với nhau, và ngày chúng
tôi học ở Sài Gòn khi Trọng học bên trường Bưu Điện thì tôi học ở trường Quốc
Gia Sư Phạm lại ở trọ chung một nơi, nên có rất nhiều kỷ niệm để ôn lại. Chị Yến
thì sau khi ra trường Sư Phạm về dạy ở quê tôi và ở trọ kế bên nhà. Nói chung,
chúng tôi đều là những người thân quen nên cuộc sống chung đầy vui vẻ và kỷ niệm.
Đồng hương, bạn bè cùng tha hương trên “quê người đất khách”, nên đồng cảm và tương
trợ. Chị Yến sắp có em bé nên ở nhà làm việc nhà, nấu nướng giúp chúng tôi, khi
rảnh chúng tôi cùng phụ chị để lo bữa ăn.
Công việc vào mùa
Đông ở trên núi không thường xuyên và ít, nên thỉnh thoảng vài ngày là có các
anh đi làm chung với Trọng ghé chơi như anh Nam, anh Bảy Trẻ, anh Tú… Đa số mấy
anh vẫn là mấy ông đi vượt biên một mình như tôi, khi không có việc làm thì buồn,
lái xe chạy vòng quanh đến những người quen để chuyện trò nhau cho hết ngày giờ.
Nhưng đối với Trọng họ có vài cần thiết hơn là hỏi về máy móc, hay nhờ Trọng đi
xem dùm những máy điện tử hiệu nào hay, máy nào tốt hơn để mua, vì nghề nghiệp
của Trọng trước kia liên hệ đến những máy móc điện tử như Truyền hình, Cassette
hay Dàn máy để hát nhạc. Đa số ai cũng muốn mua một hai món để hát nhạc hoặc
xem truyền hình giải trí, đỡ buồn trên xứ người.
Nguyên Thảo,
08/05/2020.
No comments:
Post a Comment