Sau khi ổn định hàng
ngũ đàng hoàng xong, cô Hướng Dẫn đưa chúng tôi qua những bậc thang lên phần phía
trên chứ chưa phải là lầu. Sau đó thì đoàn lại tiến lên ba phần bậc thang nữa mới
lên đến lầu, chắc do nơi ngày xưa không có thang máy nên cách kiến trúc phải như
vậy để làm cho người ta khi lên xuống không tốn nhiều công sức, nên các bậc
thang nầy nằm về một góc của cung điện, hoặc nơi nào thuận tiện mà không chiếm
nhiều không gian và gây trở ngại. Ngay từ những khu nối bậc thang đầu tiên đã có
những tượng điêu khắc hoặc những hoa văn được trang trí mạ vàng sáng chói nổi bậc
lên trên tường màu trắng làm cho người đi lên có cảm giác thích thú, mãn nhãn mà
không thấy mệt. Không những thế, trên trần cao lại có vẽ bức tranh toàn trần màu
sắc đẹp, rất công phu cùng những điêu khắc của những đầu cột chống đỡ lên trần nhà. Thỉnh thoảng,
có nhiều chùm đèn được mở sáng để tăng thêm phần sáng sủa cho không gian. Du khách
tiến lên rất đông. Thoáng quan sát ta đã thấy sự xa hoa của những vua chúa ngày
xưa, công trình xây dựng, trang trí như thế nầy phải tốn rất nhiều tiền của và
thời gian. Tôi và anh Thới cũng cùng quan điểm là chính nhờ sự xa hoa của họ mà
ngày nay mới có những công trình để mình tới thăm viếng cùng phải tốn công, tốn
tiền. Chỉ với chùm đèn treo để đốt sáng vào ban đêm đã thấy rất nhiều nghệ thuật
trong đó rồi, chưa kể đến những thứ quý giá cho xây dựng như những cây cột bằng
đá cẩm thạch màu xám, nguyên khối chống đỡ cho trần nhà ở đây. Chúng tôi theo sát
Cô Hướng Dẫn người Nga, vừa để nghe cô thuyết minh vì đi xa hơn chúng tôi sẽ không
nghe được điều cô nói, thứ nữa là sợ bị thất lạc trong dòng người đông đảo của
các đoàn du khách khác. Dù ở những phòng mà mình thích thú với những tranh ảnh
hay đồ vật trưng bày muốn quan sát lâu hơn, thì lúc nào cũng phải nhìn vào cô
hay lá cờ màu xanh dương đậm để đi theo. Tất cả những tranh ảnh của những nhân
vật nổi tiếng đều được đóng trong khung mạ vàng, có cái rất lớn, có cái nhỏ được
treo đầy trong phòng đúng theo phong cách
của một Viện Bảo Tàng; mà đúng như vậy, đây là một Viện Bảo Tàng trong một Cung
Điện của Vua Chúa ngày xưa nên nó lại giúp cho du khách cả trong hai việc về thăm
viếng: Vừa ngắm cung điện, vừa thưởng thức những vật trưng bày ở một Viện Bảo Tàng
với những công trình quý giá của những nghệ nhân lừng danh trong quá khứ về hội
họa cũng như điêu khắc.
Cung Điện Mùa Đông, Viện Bảo Tàng, và trụ Alexander Column. |
Chính vì sự quý giá ấy mà mỗi phòng đều có người canh
chừng cẩn thận để tránh nạn đánh cắp. Đoàn người thăm viếng rất đông đảo, do đó
đường đi tương đối một chiều, thỉnh thoảng thì cũng có vài người đi ngược chiều
nhưng không gây trở ngại lắm. Qua mỗi phòng chúng tôi được Cô Hướng Dẫn thuyết
minh về những gì quan trọng mà cô muốn chúng tôi hiểu, hay biết về nó. Tôi thích
thú nhất là cái đồng hồ hình con công được trưng bày mà người ta đã làm cho nó
biết giương cánh, bung đuôi, xoay vòng, xếp lại, nghiêng cổ trước khi con gà trống
đứng phía dưới gáy để báo giờ. Trong Viện Bảo Tàng nầy trưng bày rất nhiều
tranh lớn nhỏ, cùng nhiều đồ gốm, tượng điêu khắc, vật dụng nhỏ nhưng tất cả được
trưng bày trong tủ kiếng được khóa cẩn thận. Có vài cái bình bằng cẩm thạch màu
ngọc bích hay màu đỏ quý giá được điêu khắc công phu. Có bức tượng cá voi cõng
chú bé bất tỉnh với câu chuyện rất cảm động được trưng bày rất đẹp, xem qua mình
cảm thấy sự gần gũi giữa người và vật. Ở đây có trưng bày bức tượng người đàn ông
quỳ, khum xuống bằng đá cẩm thạch trắng của Michelangelo tạc rất công phu nó nổi
cả các thớ thịt, đường gân máu trên chân hay tay của bức tượng. Quả thật là nhà
điêu khắc, hội họa nổi tiếng trên thế giới là phải!
Tượng của Michelangelo. |
Nói chung lại ở trong
Cung Điện Viện Bảo Tàng nầy trưng bày rất nhiều tranh ảnh, lớn hoặc nhỏ đều có
gíá trị về người vẽ , điêu khắc hay người được vẽ đều là những người nổi tiếng,
với màu sắc hài hòa theo các thời đại. Các tranh tượng ấy là danh nhân, hay từ
trong các huyền thoại của tôn giáo đều là các tác phẩm xứng đáng, có tầm cỡ.
Ngoài ra có những vật dụng bằng sứ, sơn mài, bằng đồng, bạc, hay vàng đều là những
tác phẩm công phu, được đánh giá theo thời đại của nó. Trong khoảng thời gian tôi
được đi qua những phòng, hay trong lòng của Cung Điện để nhìn ngắm các vật trưng
bày, vì mãi mê nhìn vào vật hay quay phim nên không thấy rõ cái “hay” của nó. Đến
nay khi nhìn lại mấy đoạn phim mới thấy sự “vĩ đại, nguy nga, giá trị” của phòng
trưng bày, hay kiến trúc công phu, tinh tế trong lòng lâu đài mà lúc đó mình không
hề chú ý tới. Nếu so với Cung Điện Versaille thì theo tôi bên nầy nó vượt trội
hơn nhiều dù kiến trúc bên ngoài không nổi trội với màu xanh hơi tối của nó. Đó
chỉ là ý của riêng tôi!
Sau hơn một giờ đồng
hồ tha hồ nhìn ngắm, quan sát nhiều thứ, công trình, tác phẩm của bao nhiêu người
trong Cung Điện, Viện Bảo Tàng để nhận biết, thưởng thức, trầm trồ cuối cùng chúng
tôi cũng đã đi hết vòng và ra ngoài. Dọc theo đường đi rất nhiều du khách đang
ngồi nghỉ chân hay đợi người thân. Thỉnh thoảng, có những du khách độc lập đi vào
đang nghiên cứu sơ đồ theo bước chân của họ. Khi mọi người tập họp đầy đủ, cô Hướng
Dẫn dẫn đoàn ra ngoài đi đến nơi xe buýt đậu, lên xe và đi ăn trưa. Lúc đó đã là
một giờ rưởi.
Sau bữa ăn trưa,
chúng tôi được xe đưa về con đường Nevsky Avenue, nó được xem là con đường nhộn
nhịp, lịch sử, có nhiều kiến trúc đẹp tiêu biểu về văn hóa lẫn các quán ăn, cơ
sở thương mại, mua sắm… tại Saint Peterbourg. Đây là giờ được coi như là giờ chúng
tôi đi tự do mà chỉ hẹn giờ trở về điểm tập trung thôi. Nhưng vì vợ chồng anh Bích
và vợ chồng tôi thấy cần thiết phải mua thêm một cái vali xách tay mới khác mới
có thể đủ chứa đồ trong những ngày kế tiếp, do vậy mà chúng tôi phải hỏi cô Hướng
Dẫn chỗ để đi mua. Thế là chúng tôi cùng vợ chồng anh Thới hỏi Cô Hướng Dẫn nơi
đi tìm để mua. Theo sự chỉ dẫn của cô, chúng tôi vừa ngắm cảnh, vừa vội vàng đi
đến nơi bán đồ. Chúng tôi đi qua khu Nhà thờ Kazan ở bên một góc đường, sau một
công viên nhỏ.
Nhà Thờ Kazan. |
Mặc dù Vương Cung Thánh Đường nầy cũng là một nơi nổi tiếng ở Thành
phố Saint Peterbourg nhưng chúng tôi không đủ thời gian để tham quan, mà chỉ nhìn
qua thì nó được xây dựng theo một cánh cung, và nhà thờ chính ở ngay chính giữa
rất cân đối và chụp vội vài tấm hình. Khu bán hàng tương đối khá xa, được biết
ngày xưa khu ấy là khu Bách Hóa trong thời kỳ Liên Xô. Cuối cùng thì chúng tôi
cũng mua được hai vali nhỏ, nhưng vì không còn màu khác nên cả hai chúng tôi đều
có hai vali màu xanh lá cây giống nhau, vì thế phải làm dấu để phân biệt tránh
nhầm lẫn về sau. Xong, chúng tôi đi vòng trở về để cho kịp giờ lên xe buýt. Đi
du lịch đoàn thì tiện lợi hơn nhiều nhưng phải bị gò bó trong giờ giấc và theo
lịch trình. Tuy vậy mình phải chịu thôi vì mình không đủ khả năng để tự đi, hơn
nữa lại do “cái già” thì mình cũng chẳng nên mơ ước, hay thấy “mình đủ khả năng”!
Bận trở về chúng
tôi còn thời gian để ngắm nghía những kiến trúc có vẽ cổ, đồng thời nhộn nhịp
trên đường phố nầy. Băng qua cầu bắt ngang con kênh đào, nhìn các dãy dinh thự
hai bên kênh tôi thấy na ná với các phố ở Venice, nhưng hai bên bờ kênh thì lại
giống với kênh Amterdam của Hòa Lan hơn vì xe hơi nhiều hơn là xe đạp.
Kênh đào. |
Thỉnh
thoảng chúng tôi lại thay phiên chụp cho nhau những bôi hình để làm kỷ niệm ở một
nơi gọi là Cố Đô của nước Nga, hay là một thời đã là Léningrad. Trên đường phố nầy
không còn xe “tram” (xe lửa điện) bánh sắt để chạy, mà thay thế bằng những chuyến
xe buýt chạy bằng điện với những cần dài nối vào dây điện mà chúng tôi đã thấy
từ hồi còn ở bên Moscow, hay tên theo Tiếng Việt là Mạc Tư Khoa.
Thả lần về địa điểm
tập trung. Ở đây đã có nhiều người trong đoàn đang ngồi nghỉ tại đây, chúng tôi
họp nhau tán gẫu. Tất nhiên không thể thiếu anh Hùng, anh Trang và anh Thạnh và
nhất là trong câu chuyện không thể nào mà không có “Ông Ngoại Trưởng” để trêu ghẹo
vào tôi. Nhưng đó chỉ là chuyện vui
trong một chuyến đi lẫn trong một cuộc hành trình tương đối nhiều ngày. Sau nầy
mấy ông mà nhớ “tui” thì mấy ông ráng chịu nghe!
Tới giờ cô Hướng
Dẫn tập hợp chúng tôi dẫn đi vào phía trong của con đường ngắn mà chúng tôi đang
đứng. Đi qua một cái cổng màu vàng là một quảng trường thật rộng, chính giữa có
một trụ đỏ cao lên, phía trên có Thánh Giá, thì ra nơi đây là mặt trước của Cung
Điện Mùa Đông, mà trụ đỏ đó là Alexander Column, và cái cổng màu vàng mà chúng
tôi vừa đi qua là cổng của một dãy building gọi là General Staff Building.
General Staff Building. |
Building nầy thật lớn, ba tầng lầu hình vòng cung được xây đối xứng với Cung Điện
Mùa Đông và sơn màu vàng với viền, cùng cột màu trắng. Chúng tôi ở đây được tha
hồ chụp hình, hay thong thả đi dạo cho thỏa óc tò mò, tuy vậy mà không mấy người
đi vì một phần mệt mỏi, một phần làm biếng vì đi tới chỗ nào cũng chỉ đứng bên
ngoài mà nhìn thôi! Có nhiều xe buýt đến đón khách rồi lại đi. Nhưng xe buýt của
chúng tôi đã khá lâu mà chưa đến được, không biết trở ngại gì đó. Trời chiều xuống,
chúng tôi nghe hơi lạnh nên phải nép vào bên tường để tránh gió. Hồi lâu, xe đến
chúng tôi lên xe để đi về khách sạn, tắm rửa và ăn chiều. Tôi vẫy tay chào Cung
Điện Mùa Đông, trụ Alexander Column cùng quãng trường rộng lớn lịch sử của một thời
phong kiến và chế độ Cộng Sản Liên Xô Nga, nhưng không hẹn ngày gặp lại!
General Staff Building. |
Về đến khách sạn
tương đối hơi trễ so với mấy ngày trước vì phải đợi xe lâu. Mọi người tắm rửa,
rồi xuống nhà ăn để ăn bữa chiều. Xong lại là một cuộc “xôn xao” để mua “amber”
ở nơi bán hàng lưu niệm, không biết là cô Dung có duyên “mở hàng”, hay là nghe
cô nói “amber” ở Thành phố Peterbourg nầy là loại tốt mà nhiều bạn bè sành điệu
từ Melbourne điện thoại cho cô biết để mua dùm, rồi trở thành một phong trào mua
“amber” ở đây lưu niệm hoặ làm quà. Tốn tiền thế mà vui!
Đêm này là đêm
cuối cùng ở Thành phố Saint Peterbourg và cũng là đêm chót chuyến du hành trên đất
Liên Bang Nga, nên chúng tôi phải kiểm điểm, sắp xếp lại hành lý vào vali sao
cho nó gọn, để chuẩn bị cho ngày mai thức sớm và di chuyển ra phi trường đi
sang Berlin bên nước Đức. Lại thêm một nơi đã từ bỏ chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, giã
từ chế độ Cộng Sản đã từng làm cho đất nước oằn oại, dân chúng đau khổ lầm than
chứ không như mộng tưởng: “Tạo nên một Thiên Đàng Hạ Giới, mọi người sống sung
sướng, hạnh phúc , bình đẳng, không người bốc lột người; hay làm theo năng lực
hưởng theo nhu cầu”!
Nguyên Thảo,
13/04/2020.
No comments:
Post a Comment