Sunday, June 21, 2020

*Đọc Chuyện "Tình Báo, Gián Điệp"!



Những lúc gần đây, khi xem hay nghe về tin tức trên thế giới, nhất là tin các bước leo thang từ sự “mất cân bằng” thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc để tiến đến cuộc chiến tranh thương mại, rồi đi xa hơn là về chiến tranh ngoại giao lẫn đối trọng về quân sự. Tôi lại thấy cường độ càng ngày càng leo thang, và Mỹ nhiều lúc lại “phát hiện” nhiều trường hợp bị “đánh cắp” tài liệu về thương mại, quân sự hay kỹ thuật… khiến tôi lại nhớ về một quyển sách mà tôi đã được đọc trong thời gian trước ngày 30/04/1975.
Sở dĩ tôi nhắc đến cuốn sách ấy và “cái thời gian” là vì sau ngày 30/04/75 tất cả các sách cũ đều được thu gom và tiêu hủy do được cho là “tàn dư của Mỹ-Ngụy”, là “đồi trụy”, là “nọc độc” để nhường đường cho sách về chính trị, lý thuyết của chủ nghĩa Mác-Lê, của những tiểu thuyết “huấn luyện tư tưởng” cho những thế hệ mới như các tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”, “Ruồi trâu”, “Xung Kích” cùng những bản nhạc chiến đấu ào ào hay “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, chứ tất cả cái gì của Miền Nam đều bị cấm đoán! Tất cả những người Miền Nam đều yên lặng trong thời gian rất là lâu dài; nếu không, “lơ mơ” thì phạm vào tư tưởng hay có “tư tưởng phản động” thì rất mệt: Có thể bị theo dõi, hay bị đưa vào trại cải tạo chưa biết ngày về! Lý lịch sẽ đè nặng lên tương lai của con cháu về sau. Con người trở nên nhút nhát, nghi kỵ với mọi người không biết ai tốt ai xấu, sợ sệt ngay cả đối với con mình nếu chúng vào trong trường học tố cáo tư tưởng của cha mẹ trong đoàn, đội thì sao? Người ta trở nên khép kín, âm thầm, sống với chính mình hơn là giao tiếp trong xã hội hoặc là tự chìm vào trong nhậu nhẹt, say sưa để quên đi “sầu đời”! Một sự thay đổi tận gốc, song song với sự thay đổi lớn về xã hội cũng như về thể chế!
Đó là chuyện tổng quát về một vài khía cạnh trong cuộc sống lúc bấy giờ. Con người Miền Nam bị lôi cuốn vào một cuộc chiến lớn lao của hai Thái Cực trên thế giới sau khi trải qua cuộc chiến tranh “tàn phá khốc liệt” giữa Quốc Gia và Cộng Sản là “giữa Chế độ Tự Do, Tư Bản” và “Chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa hay là Chế độ Cộng Sản” qua danh nghĩa “Thống Nhất Đất Nước”!
Quyển sách tôi được đọc vào thời ấy mà tôi chỉ nhớ mang máng là “Những Mẫu Chuyện Về Tình Báo” thì phải, và tôi cũng chẳng nhớ tên tác giả là ai, bên cạnh quyển sách khác là “Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống”. Tôi đọc mấy quyển ấy do sự hiếu kỳ ở mấy cái tựa của nó, mặc dù trước đó mấy người bạn của tôi hay nói về phim “Điệp Viên 007” hoặc các sách viết về chuyện tình báo “Z.28” mà tôi đã từng “chưa” ghé mắt vào. Trong cuốn sách ấy tác giả thu thập những mẫu chuyện tình báo trong quá khứ, đã được đúc kết thành những câu chuyện đem phổ biến trong thiên hạ. Tất nhiên những “điệp viên” ấy đa số là người của Cộng Sản hay là trong thế giới tự do “cài vào” hoạt động trong “đối phương” để lấy tin tức bằng những “thủ đoạn” hay những hình thức “trá hình” chuyên nghiệp với những dụng cụ “nhỏ nhất” dễ che dấu. Sau chiến tranh có những câu chuyện tình báo được “kể lại” về những thành tích hào hùng, oanh liệt, hay là “có thành tích” xuất sắc khác, có nhiều chuyện được dựng thành phim để trình làng trong dân chúng.
Lúc ấy tôi mới nhớ đến câu trong “Binh thư Tôn Tử” mà những nhà quân sự thường hay nhắc đến là câu “Biết người, biết ta trăm trận trăm thắng” thì tôi mới hiểu vì sau người ta cần đến “tình báo”, “điệp viên” hay “gián điệp”!
Trong sách các câu chuyện kể chuyện các “điệp viên” được cài vào trong hàng ngũ, hay trong đất nước của “kẻ thù” như thế nào, họ sinh hoạt bí mật hay công khai, và trong thời gian trước ra sao để hoạt động nhằm thu thập những gì, rồi sau đó họ đã tiến hành công việc thế nào, để rồi có kết quả ra sao? Có những trường hợp điệp viên bị giết chết, bị bắt hay họ đã thành công, sự thành công đã giúp sự thắng lợi cho đất nước của họ tới đâu. Những câu chuyện ấy tôi nghĩ là nó chỉ có trong quá khứ chứ bây giờ trong thời đại “toàn cầu hóa” thì không “đến đỗi”, nhưng tôi đã lầm! Và nước Mỹ cùng các đời Tổng Thống Mỹ hay thế giới Tây Phương lại còn “Lầm hơn cả tôi”!
Thì ra chế độ Cộng Sản luôn xem chế độ của mình là “Ưu việt” là chế độ phải thay thế chế độ “Tư bản bốc lột, bất công” là “Kẻ thù đang giãy chết” nên càng phải làm cho nó chết sớm hơn. Muốn cho nó chết phải biết rõ về nó, phải lấy “Tất cả những gì của nó để trang bị thêm cho lực lượng của mình” mà giết chết nó, giống như trong thời gian chiến tranh đã có câu: “lấy của giặc để đánh giặc”, nhất là khi khối Liên Xô sụp đổ và nước Tàu trở nên độc nhất lãnh đạo của hệ thống Cộng Sản quốc tế. Với đất nước vĩ đại, đông dân nhất thế giới, nước Tàu phải mạnh lên để thực hiện được “Giấc mơ Trung Hoa” của mình!
Cái cơ hội của nước Tàu vươn mình lên là khi Mỹ muốn giải quyết cuộc chiến tranh tiêu hao ở chiến trường Việt Nam. Mỹ đã ưu ái, giao thương với Tàu lấy ghế Thường Trực ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc giao cho Tàu từ vị trí của Đài Loan. Và trong sự giao thiệp về mọi phương diện với Mỹ, thế giới bên ngoài nước Tàu càng mạnh lên, các công ty chạy vào thị trường to lớn với giá nhân công rẽ nầy càng làm cho nền kinh tế thêm giàu có. Tiền nhiều thì chuyện chuẩn bị “giết kẻ thù Tư Bản” được nhanh hơn vì sẽ đủ điều kiện phát triển về vũ khí, quân sự. Trên thế giới, từ xưa đến giờ: “Chân lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”, thế nên “sức mạnh” là trước đã, rồi “Tinh thần dân tộc” theo sau. Với số dân to lớn trải hầu khắp thế giới, nhiều người tài giỏi len lỏi được vào những cơ quan trọng yếu của từng quốc gia địa phương thì chuyện “thu thập” kiến thức, tài liệu chẳng khó khăn gì. Trong sách viết về chuyện tình báo có kể về chuyện gài người thật khó khăn, lâu dài mới được; đôi khi phải cài đặt những dụng cụ, hay máy móc thật nhỏ, tinh vi để lấy các tài liệu, tin tức mà không bị phát hiện. Những điệp viên trong sách, người ta có thể tận dụng từ “giả dạng khách du lịch, phóng viên, du học sinh, thương gia, sứ quán, nhân viên ngoại giao, ngay cả những kiều bào hay chuyên viên sở tại mà có cảm tình, đôi khi cần phải lợi dụng, mua chuộc người địa phương hầu núp bóng của họ để mua, thuê, chiếm được những vị thế, địa điểm quan trọng nhằm phục vụ cho trận chiến về tình báo, thu thập tin tức, hay chiếm lĩnh về kinh tế…” nhiều, nhiều lắm! Nói chung, cơ quan tình báo sử dụng đến tất cả những ai họ có thể sử dụng được để thu thập tin tức về “kẻ thù” để “hầu giết chết nó”! Đó chắc là những chuyện “điệp viên” của ngày xưa, chứ như bây giờ nước Mỹ, cũng như Âu Châu trao đổi chuyên viên nghiên cứu của Tàu chun vào mọi ngành nghề trên đất nước mình một cách công khai và thân thiện, mà lại với số rất là đông đảo thì chắc theo quyển sách về tình báo mà tôi đã đọc được chắc nó sẽ, nói theo tục ngữ Việt Nam, là “Nuôi ong tay áo” hay “Nuôi khỉ dòm nhà” hoặc theo một nhà Quân sự, Chính Trị trước kia “Thỏa hiệp là tự sát”. Tôi cũng ráng theo dõi tình hình để xem sao? Và tôi lại nhớ đến một câu Tục ngữ khác của Việt Nam nữa là “Kẻ có tình ngồi rình trong bụi, Kẻ vô tình lủi thủi mà đi”! Rồi tôi lại thương quê hương, cùng dân tộc của mình! Nhưng lại có người rành hơn, họ nói: “Điệp viên ấy sau khi hoàn thành công tác sẽ còn khổ hơn do không được tin tưởng mà sử dụng vì họ đã từng ở hai bên, nếu sử dụng họ tiếp tục sẽ là mối nguy hiểm vì biết đâu họ sẽ trở cờ trong một lúc nào đó, cho nên họ chỉ là “ngồi chơi xơi nước”! Nhưng khi họ chết đi rồi thì sẽ được tuyên dương công trạng một cách rình rang vì lúc đó họ không còn là “một mối lo âu”!”.
Ôi! Quả thật là cuộc đời!

Đồ Ngông,
21/06/2020.




No comments:

Post a Comment