Wednesday, July 15, 2020

*Quê Người! (33)



Cứ mỗi lần có người nhờ đi coi máy dùm, Trọng rủ tôi và Thành đi theo cùng. Dù tôi không có nhu cầu, nhưng vẫn đi theo vừa là cho hết thì giờ, vừa là để cho biết các máy móc điện tử trong thời gian nầy như thế nào. Chứ đối với tôi cái máy cassette mà tôi đã mua là đủ, tối cứ nghe băng học Tiếng Anh, hay đôi lúc nghe radio để ngủ. Khi cần thì có thể sang băng nhanh gấp 3 lần là tốt lắm rồi. Còn về truyền hình và máy hát băng video thì Trọng đã có, nên tôi Thành chưa cần sắm; nhưng nếu về sau khi ra ở riêng thì chúng tôi cũng cần có để xem, hay tập nghe tin tức hoặc các chương trình mà mình thích.
Trong thời gian nầy tình cờ tôi lại gặp hai em học sinh là Hiếu và Trí ở Trường Trịnh Hoài Đức lúc tôi mới chuyển lên dạy Đệ Nhất cấp (cấp 2) ở đó. Một buổi sáng cuối tuần hai em đến nhà tôi chơi, tình cờ Joeff đến, chúng tôi nói chuyện nhau hồi lâu thì Joeff đề nghị đưa chúng tôi đi chơi. Hỏi thì Joeff cho biết là đi thăm ba má của Joeff ở đâu đó khá xa có thể là cả ngày. Luôn tiện Joeff rủ cả ba chúng tôi cùng đi. Tôi cứ tưởng là Joeff chở ba chúng tôi đi thôi, nhưng không ngờ Joeff lại chở đến một nhà khác có hai anh em người Chile (Chí Lợi, một nước ở Nam Mỹ) mà tôi đoán là Joeff rất quen thân với cô em là Anne. Không ngờ, chúng tôi chỉ là những người được Joeff rủ đi sau, còn hai anh em người Chile mới là chính. Điều nầy khiến một tình trạng khó tính toán xảy ra. Nếu tất cả cùng đi thì đến 6 người, mà xe thì chỉ được phép là 5 người thôi, nên ai sẽ ở lại bây giờ. Điều nầy làm cho tôi khó suy nghĩ. Tôi không thể ở lại vì Joeff mới là người biết tôi. Tôi không thể nói với hai em bạn nhỏ của tôi được, thôi thì tôi cứ để cho Joeff định đoạt. Sau cùng thì cô Anne quyết định ở nhà nhường cho ông anh đi vì vài ngày nữa ông anh sẽ lên đường đi về Chile. Ngồi trong xe mà lòng tôi cứ có nhiều ái ngại!
Joeff đưa chúng tôi đi khoảng chừng 30 cây số thì Joeff lái vào cái Thị trấn gọi là Gawler. Thì ra Joeff gọi điện thoại cho ba má trước khi tiếp tục lên đường. Đường đi khá xa xuyên qua những cánh đồng lúa mì mênh mông, lúc nầy đang xanh mướt. Nhìn xa mới có vài cái nhà với vài cái nhà kho lớn, thấy như vậy tôi mới nhớ đến thời gian đầu mà chúng tôi đã đến Kadina mà gia đình của ông LaWood cũng như má ông ở trong thôn quê như thế nầy. Đi cả mấy tiếng đồng hồ sau mới đến nơi. Tôi không biết con đường nầy đi đến đâu, nhưng tôi chỉ thấy sau khi qua cái cầu nhỏ đến khúc quanh thì Joeff rẽ vào một ngọn đồi nhỏ, lưng chừng là cái nhà mà ống khói của lò sưởi củi nhả khói lên trên vì trời hôm nay khá lạnh. Bên ngoài đồng cỏ với cây lưa thưa có vài con bò cùng những con trừu đang lui cui gặm cỏ.
Joeff đưa chúng tôi vào nhà thì gặp ngay má Joeff đang làm bữa ăn, thì ra bà đang làm cho chúng tôi vì hai ông bà đã ăn rồi. Chúng tôi cùng phụ Joeff để làm tiếp tục, rồi ngồi trong phòng khách, Joeff trò chuyện với ba má, thỉnh thoảng thì hai ông bà hỏi chúng tôi vài đôi câu. Tiếng Anh của anh cô Anne có vẽ khá hơn chúng tôi nhiều, không biết anh ta học từ lúc nào. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì những sắc dân Âu Châu học Tiếng Anh nhanh hơn là những sắc dân khác vì ngôn ngữ của họ tương đồng với ngôn ngữ Anh, đồng thời đa số ngôn ngữ của họ cũng là đa âm nên họ dễ bắt kịp nhịp điệu, do đó họ nghe rất giỏi sau một thời gian ngắn, còn người mình thì phải vất vả hơn ngoại trừ những người có khiếu!
Được biết ba má của Joeff ở đây chỉ có hai ông bà chứ không có ai. Nhiều người già ở xứ Úc nầy sống riêng với con cái là chuyện thường tình và rất phổ biến. Nhưng tôi thấy hai ông bà già mà sống ở nơi thôn quê xa xôi thế nầy thật là bất tiện, lỡ khi bệnh hoạn thì rất là khó khăn. Hồi lâu, Joeff rủ chúng tôi đi ra ngoài tham quan khung cảnh nơi nầy. Trời hơi lành lạnh dù là có ánh sáng mặt trời vì hôm nay nắng tốt bởi đang trong mùa Đông. Mùa Đông ở đây đã lạnh lại có nhiều mưa nên khí hậu khá ẩm ướt, và cỏ mọc tốt hơn, trong khi đó các cây khuynh diệp, bạch đàn hình như khựng lại đứng chịu trận với cái lạnh ngày đêm. Bên cạnh đó một số cây trơ trọi cành vì lá đã rụng hết. Ngoài xa là những cánh đồng lúa mì mà ngọn đang nghiêng theo chiều gió làm tôi lại nhớ đến những ruộng lúa ở bên mình. Tôi lặng mình để nhớ về quê hương trong chốc lát! Riêng anh của cô Anne thì khen cảnh đồng quê ở đây hoài, nhưng tôi không biết là anh ta khen thật hay là có lệ giống như bao nhiêu người Âu khác vì họ muốn vui lòng người đối diện. Họ không muốn phiền lòng người khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ chắc có lẽ là thật vì tôi cũng thích khung cảnh trầm lắng, nên thơ, thú vị như thế nầy!
Sau hơn hai tiếng đồng hồ Joeff thăm ba má, chúng tôi lại lên đường trở về. Trời mùa Đông vì ngày ngắn nên mau tối. Mặt trời ửng đỏ dần xuống, ánh nắng chiều trải dài trên những cánh đồng lúa mì. Khi chúng tôi về đến Gawler thì mặt trời đã lặn và về đến nhà thì tối rồi. Joeff phải đưa anh của Anne về, rồi đến tôi và lại đưa Hiếu lẫn Trí về nhà. Trọng hỏi tôi đi đâu, tôi cũng chẳng biết nơi đâu để trả lời, chỉ biết là đến nhà của ba má Joeff ở cách đây cũng khá xa, đi về hướng Gawler, thế thôi!
Một buổi sáng, chúng tôi đang ngồi trong phòng học của lớp học Anh Văn, hôm ấy trời khá lạnh, lò sưởi điện đã mở từ lâu mà vẫn chưa tắt, thì có một ông khá lớn tuổi cứ đứng bên cửa sổ nhìn vào. Ông nhìn từ cửa sổ nầy đến cửa sổ khác mà không nói năng cũng chẳng rằng gì. Cứ như thế khá lâu, Thầy Paul lấy làm lạ nói với Bác Phương, Bác vội ra bên ngoài nói chuyện với ông ấy, rồi Bác lại đưa ông vào phòng học và nói: Bác nhìn coi có ai quen không? Ông nhìn hết người nầy đến người kia rồi nói: Không có ai quen hết! Sau đó ông kể: Ông là người ở Đà Nẵng đến Úc nầy đã 7 năm, ở đây buồn quá cho nên ông đi tìm người quen, hay người Việt để chơi! Nghe xong lời ông kể, tôi bỗng nghe chạnh lòng, không ngờ người già xa xứ lại có tình trạng, nỗi niềm vắng lặng đến thế sao? Điều nầy khiến tôi có nhiều suy nghĩ!
Trưa về, Trọng cho hay chúng tôi chuẩn bị đi học hóa hàn MIG ở trường Panorama vào cuối tuần nầy trong ba ngày liên tục, như vậy là tôi phải nghỉ học Tiếng Anh trong một ngày, còn hai ngày kia thì đều thuận tiện. Và rồi ngày học đến, Trọng chở tôi đến trường TAFE Panorama tuốt phía Nam gần núi. Chúng tôi đi xuyên qua trung tâm Thành phố Adelaide và còn đi xa hơn bằng khoảng đường từ nhà cho đến City. Ngày đầu người huấn luyện dành khoảng một giờ đồng hồ để nói về “hàn MIG” tức là loại hàn kim loại sắt, thép mới hơn là loại hàn điện, vì khi hàn người ta không phải gõ các “cứt hàn” tức là những chất đóng trên mối hàn, nó chắc hơn; tuy nhiên với các tia hàn có thể gây nên ung thư da. Học viên thì có khoảng sáu người gồm tôi, Trọng và vài thằng Tây nữa vì tụi nó còn trẻ. Sau đó là chúng tôi đi vào thực hành sử dụng. Tôi không quen với những cái bao tay da giả, cứng, đồng thời sợ “điện giật” nên nhút nhát không dám tì tay vào miếng sắt để giữ thế kềm cho vững nên mối hàn không thể đẹp được. Trọng hàn tương đối có mối khá đẹp. Rồi mấy ngày kế tiếp là thực hành những mối hàn khác để kết nối các miếng sắt lại với nhau. Tất nhiên là chúng tôi học những kỹ thuật hàn những mối căn bản để rồi ngày cuối cùng chúng tôi hàn trở lại mà huấn luyện viên đánh giá mà cấp cho chúng tôi cái giấy chứng nhận hoàn tất khóa học mà tùy nghi sử dụng về sau nầy. Thế là tôi với Trọng đi qua được vài giai đoạn khác nữa, mà riêng với tôi những điều đó tôi chưa hề nghĩ tới được, chẳng qua là tôi may mắn đi theo cùng Trọng thôi.
Bob và Joeff cũng thường dành thời gian để đến thăm chúng tôi, trò chuyện cùng nhau về nhiều vấn đề, nhờ đó mà tôi và Thành tương đối dạn dĩ hơn khi tiếp xúc với người Úc. Nói chuyện thì có khi hiểu, có khi không, nhưng Bob và Joeff vẫn hiểu ý mỗi khi chúng tôi ngập ngừng, không hiểu họ thường hỏi lại, hoặc “Mầy có hiểu không”? Một lần Joeff cho tôi hay là anh ta đã mua nhà rồi, nhà gần trung tâm tiếp cư ở Pennington. Hiện có mấy người Việt chia phòng, trong đó có Hiếu là anh bạn trẻ học với tôi ngày trước mà hôm đi thăm ba má Joeff, Hiếu, Trí đã đi cùng. Joeff hẹn tôi ngày Chúa Nhật đến để rủ tôi ra biển chơi. Sáng, khoảng hơn 10 giờ, tôi đi bộ đến nhà của Joeff. Joeff mở cửa, thì phía sau có tiếng người nữ đang súc miệng với những âm thanh khạc nhổ khá lớn, Joeff làm ra vẽ “ghê sợ” bằng cách đưa nắm tay lên miệng mà run run. Tôi biết Joeff đùa nên chỉ mĩm cười theo Joeff. Thì ra, Joeff không phải cho Hiếu chia phòng thôi mà còn vài người nữa, đó là hai người nữ cũng là người Việt, mà tiếng khạc đó là của một trong hai cô nàng. Có những thói quen của người mình khác xa với người Tây, nếu không lưu ý thì sẽ làm cho người khác khó chịu hay là “ngán ngẫm” ngay giống như khi còn ở Việt Nam mà ta thường thấy người Hoa khạc nhổ vậy! Joeff chở tôi đến cây xăng, đi vào quầy để mướn một cái rờ-moọc mà tiếng Anh gọi là “trailer”. Tôi không hiểu Joeff mướn trailer để làm gì, nhưng người đứng quầy báo cho Joeff hay là “bằng lái xe của Joeff ngày mai hết hạn”. Joeff giật mình nói với tôi là “Rất may! nếu ngày hôm qua mà bằng lái của tao hết hạn thì ngày nay không thể mướn được trailer nữa, nhưng ngày mai tao phải đi xin mới lại bằng lái rồi”! Joeff lái xe chạy về nhà. Thì ra Joeff kéo chiếc du thuyền đi ra biển mà tôi với Hiếu chưa biết Joeff sẽ làm gì?
Đến bãi biển, tôi và Hiếu phụ Joeff hạ chiếc thuyền xuống rồi Joeff lái xe kiếm chỗ đậu trên bãi đậu xe. Khi Joeff trở lại chúng tôi cùng nhau dựng cột buồm lên, đẩy thuyền xuống nước. Cũng may hôm nay có mặt trời, nắng ấm nên dù còn là mùa Đông rơi rớt để sang Xuân, chúng tôi không nghe lạnh lắm. Joeff chỉ tôi và Hiếu cách sang bên để giữ vững cánh buồm, và xuôi theo chiều gió để làm cho con thuyền lướt theo hướng mình muốn. Tất nhiên là tôi và Hiếu rất là lọng cọng trong cách điều khiển vì đây là lần đầu tiên mà chúng tôi mới được thử và thực hành. Sau hơn một tiếng đồng hồ loay hoay, tôi và Hiếu mới quen dần. Thế rồi gió càng ngày càng lạnh hơn. Joeff thấy chúng tôi có vẽ không kham nỗi cái lạnh nên nêu ý ngưng, kéo thuyền lên bờ để Joeff lấy xe và trailer xuống, kéo du thuyền đi về mà không quên ghé vào một tiệm bán cá, khoai tây chiên mua một ít đem về nhà. Sau buổi đó tôi cứ nghĩ không biết là Joeff thích đi du thuyền, hay là Joeff muốn cho tôi và Hiếu biết cái cách sử dụng một chiếc thuyền buồm như thế nào, chứ từ trước Joeff chưa hề nói chuyện với tôi cái sở thích ấy của Joeff bao giờ!

Nguyên Thảo,
04/06/2020.




No comments:

Post a Comment