Mặc dù chiều tối
ngày hôm qua trở về khách sạn hơi trễ, chúng tôi vội vàng ăn tối lại phải trải
qua chuyện mua “Amber” (hổ phách) khá sôi nổi tốn nhiều thì giờ; nhưng sáng nay
cũng ráng “dậy sớm” làm một cuộc chạy đua với việc đưa hành lý ra trước cửa phòng
để nhân viên đem xuống dưới cho mình, đồng thời lo ăn sáng “đặc biệt” vì nhà hàng
của khách sạn mở cửa sớm cho đám chúng tôi, vì chúng tôi phải ra phi trường Pulkovo
với chuyến bay vào lúc 8 giờ 40 của hãng hàng không Aeroflot. Dự trù của chuyến
bay sẽ đến phi trường Schonefeld của Berlin vào lúc 9 giờ 55 của giờ địa phương.
Tất nhiên là chúng tôi phải dậy sớm hơn những ngày bình thường để hoàn tất các
công việc trước khi trả chìa khóa phòng và kiểm lại hành lý.
Xe buýt và cô Hướng
Dẫn Viên người Nga cũng đến kịp lúc, và chúng tôi phụ đem hành lý ra xe để xe
khởi hành vào lúc 5 giờ 30 sáng. Tôi còn lưu luyến với những cây “bạch dương” xứ
Nga nên cứ quay hình cảnh dọc theo đường. Thôi giã từ Petrograd, Saint
Peterbourg hay là Léningrad mà không hẹn ngày trở lại. Tôi vẫy tay chào nhè nhẹ
cái Thành phố nầy mà không dám hẹn một ngày nào trở lại vì biết mình có điều kiện
để đến xứ nầy nữa không, nhất là con người càng già, càng yếu theo từng thời
gian, đó là chưa kể đến vấn đề tài chánh. Khi giã từ Thành phố tôi mới chợt nhớ
đến một điều: “À! Ở cả hai nơi Thành phố Moscow lẫn Léningrad nầy không ai hướng
dẫn đoàn đến các nơi có Tượng Lénin hay dấu vết gì của ông ta nhỉ? Chẳng lẽ người
Nga lại vô tình đến thế sao? Hay là họ cũng chẳng ưa gì thời kỳ Xô Viết nghèo đói,
đầy áp bức, ngăn cấm đủ mọi điều, biến con người trở thành những con người máy
(robot) phải phục tùng theo mọi chỉ thị của Nhà Nước và chỉ biết làm theo những
gì mà Nhà Nước chỉ đạo từ tư tưởng cho đến hành động, ai chống đối sẽ trở thành
những kẻ “phản động”, “chống đối Nhà Nước, âm mưu lật đổ chính quyền”, “cấu kết
ngoại bang”; và mọi người dân sống trong đó giống như sống trong một nhà tù to
lớn, chỉ biết sống và làm không cho chính mình mà sống vì những kẻ cầm quyền, là
những “con robot” đã được “cài phần mềm” sản sinh từ một nhà máy công nghiệp vĩ
đại”! Có lẽ vì vậy mà người ta không đưa du khách đến những nơi thành tích đó
chăng, dù chế độ ấy đã kéo dài trên đất nước nầy hơn 70 năm? Tôi lại chìm vào
trong những suy nghĩ về một chủ nghĩa được xem như là “tốt đẹp” cho loài người
trong tương lai hay theo ngôn từ mà người ta đã cho là “Ưu Việt” từ xưa tới giờ.
Chủ nghĩa ấy cũng được áp dụng trên quê hương tôi và khiến hàng triệu người phải
lưu vong làm thân xa xứ, và chính nó đã làm cho đất nước tôi phải lệ thuộc vào
nước lớn càng ngày càng sâu nặng hơn mà dân tộc chúng tôi đã coi là kẻ thù truyền
kiếp từ phương Bắc!
Xe dần đi vào
phi trường và đoàn chúng tôi cử người đại diện tặng chút đỉnh tiền bạc cho Cô Hướng
Dẫn Viên làm quà, mặc dù trong cước phí đã có qui định riêng phần công
lao của cô rồi. Sở dĩ như vậy vì thấy cô khá chu đáo và cực với đoàn trong những
ngày qua. Mỗi người cũng chẳng là bao nhiêu, chút ít nữa thôi mà cô được vui vẻ
mà “mình cũng vui vì đem lại cho người một niềm vui”!
Sau khi hoàn tất
các thủ tục, lấy được “boarding pass”, chúng tôi qua kiểm soát an ninh và thủ tục
xuất cảnh để đến cổng chờ chuyến bay. Ngồi đợi tôi cứ suy nghĩ về một đất nước
của một thời oanh liệt trong Chủ Nghĩa Xã Hội, là nước đi tiên phong để xây dựng
Chủ Nghĩa Cộng Sản “ưu việt” (?) trên thế giới, và cũng là nước có mô hình mẫu
mực cho thế giới (Cộng Sản) làm theo, thế mà sau thời gian dài lại bị thình lình
sụp đổ tất cả trên đất Âu Châu và nơi đã sản sinh ra nó. Tại Marx- Engels sai
hay là tại Lénin sai? Tôi thì không biết nhiều về lý thuyết khi mà tôi chỉ tình
cờ đi tìm hiểu về Chủ Nghĩa ấy qua “cái môn dạy” của mình! Tôi chỉ hiểu “bấp bõm”,
lơ mơ, lờ mờ! Rồi tôi lại nhớ đến thời còn nhỏ khi đi chơi với các anh lớn thì
mình chỉ là “tay sai” cho họ thôi, lúc phe mình yếu thế bị phe kia bắt mình phải
quỳ xuống cho nó cỡi mà còn đánh thật đau vào đít mình, nó còn nói “đánh cho mầy
phải quỳ xuống tùng phục tụi tao, không cho mầy ngóc đầu lên nỗi, tụi mầy không
còn chống đối mới thôi, đánh cho mầy trở nên èo uột khó nuôi mới thôi nhe con”!
Cũng vậy về sau nầy tôi mới thấy: “Dùng bạo lực Cách mạng để trấn áp kẻ thù hay
mọi người phải đầu hàng giai cấp”! Ngày mà anh bạn tôi nói: “Những người trí thức
rất dễ cảm nhận chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng họ cũng dễ từ bỏ chủ nghĩa rất nhanh”!
Khi nghe câu đó tôi khá ngạc nhiên và hỏi lại: Vì sao như vậy? Thì anh cũng không
trả lời nỗi! Sau một thời gian nhiều năm từ ngày 30/04/75 tôi mới thấy là đúng
như vậy, vì trên lý thuyết thì rất là hay nhưng trên thực tế nó rất khác hẳn, đôi
khi ngược lại hoàn toàn. Không hiểu người trí thức họ thấy không thích hợp hay
là những người cầm quyền nghi ngại “đầu óc” của họ mà không dám sử dụng, loại bỏ
đi chăng, giống như bao nhiêu người làm văn nghệ, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức nỗi
tiếng một thời trước đó “đành phải câm lặng, im hơi” hoặc là “đào thoát”. Với
thời đại mới, người ta tập trung tất cả và tất cả chỉ để theo một con đường mà đảng
phái, nhà nước đã qui định. Những người khác biệt không nằm trong quan điểm dù
là tài giỏi cách mấy, chỉ là “ngồi chơi xơi nước” , hay đi làm những nghề lao động
mà trước kia họ đã từng không làm! Một cuộc đổi đời vĩ đại! Mãi về sau nầy khi
tôi về thăm lại quê hương, thì tình cờ đọc được vài tờ báo cũ trong đó đăng hai
bài của Lénin mà tôi nhớ là không có trong “Tuyển tập Lénin” mà tôi đã đọc trước
kia: Bài thứ nhất có nội dung là trong Nhà Nước mới sử dụng người của Cách Mạng
mà không sử dụng người tài thì có người hỏi Lénin, ông ta trả lời: “Người của mình
dù có dốt thì cũng phải sử dụng, chứ nếu ta sử dụng người không tin tưởng, của
kẻ địch thì một mai khi nó lên cao nó sẽ lật ngược lại, thì ta làm cuộc Cách mạng
bây giờ để làm gì?”. Và trong bài thứ hai tôi chỉ nhớ đại ý là: “Kẻ địch luôn
chống đối, chống phá từ trong nước cho đến khi ra ngoài đó là kẻ địch, còn khi
ra ngoài không làm gì cả thì là bạn. Nhưng nếu họ ra ngoài không chống phá mà còn
gởi tiền tài, vật chất về cho đất nước trực tiếp hay gián tiếp là họ gởi về cho
dòng họ, người thân, thì họ đều là những Kiều bào yêu nước!”. Từ những bài ấy tôi
mới hiểu được vài vấn đề!
Trong lúc tôi đang
theo đuổi vài ký ức thì nhân viên kiểm vé cho đi lên máy bay và rồi anh Thạnh kêu
tôi cùng đi, nhưng tôi phải đợi vợ tôi đang đi vệ sinh với chị Thới. Sau đó thì
chúng tôi chung nhau vào hàng để lên chuyến bay.
Lúc đăng ký vào “tour”
tôi chỉ nghĩ là mình đi du lịch một chuyến ở Nga và Trung Âu để biết được vài đất
nước khác lạ ở Âu Châu về phía Đông, trước khi mình không thể đi được nữa do “tuổi
già sức yếu”, nhất là xứ Nga hấp dẫn với “cây Bạch Dương”. Nhưng khi đến đây rồi,
nghe “bấp bõm” giải thích của Hướng Dẫn Viên tôi mới lại để ý đến những xứ nầy
từng một thời “Đã là Xứ Cộng Sản” hay đúng hơn là “Những nơi đã từng xây dựng
những thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa” nên tôi lại có “những ký ức trở về” và để ý nhiều
hơn về đời sống và tâm lý của họ. Những gì tôi ghi lại chỉ là những cái kém cỏi
mà tôi đã biết, nghe hay nhìn thấy trong cái vốn ít ỏi của mình! Từ những lúc gặp
phải nhiều khó khăn để giải thích cho học trò lớp 9 về bộ môn Sử mà tôi dạy sau
ngày 30/04 khiến tôi thật là “quê”, vì thế mà tôi cố gắng tìm hiểu để biết về căn
bản của chế độ mới, mặc dù không biết mình được “lưu dung” dạy đến bao lâu. Càng
tìm hiểu thì tôi lại càng thấy “khác lạ” với thực tế hơn nhiều! Đến khi tôi được
cho định cư trên xứ Úc Đạị Lợi thì tôi mới thấy Chính Phủ có những trợ cấp giúp
đỡ cho trẻ con, người già, người tàn tật, cô đơn, cha mẹ đơn thân rất là đặc biệt
giống như những điều mà bao nhiêu người mơ ước, nhưng chỉ có một điều là người đi
làm phải đóng thuế. Thì ra, Sở Thuế giữ vai trò “cướp của nhà giàu chia cho người
nghèo” như ngày xưa tôi đã nghe nói về một đảng cướp nọ, hay phim Robinhood mà
tôi được xem về sau nầy. Sở thuế thu thuế, truất phần từ lợi tức, tiền lương của
người đi làm “dù là lương ít hay lương nhiều” tùy theo bậc lương của họ, để phân
phối lại cho những người không có việc làm hay những người khó khăn trong giai đoạn
nào đó, tùy theo hoàn cảnh; đến khi họ đi làm thì đóng thuế lại để giúp cho người
khác qua cơ quan “An sinh Xã hội”! Đặc biệt là giới sinh viên Đại học được Chính
Phủ cho mượn tiền để học, khi ra trường có việc làm thì hoàn trả lại từ từ cho
Chính Phủ để Chính Phủ giúp lại cho thế hệ sau.
Máy bay của hãng
Aeroflot từ từ lên cao đưa chúng tôi và hành khách từ giã Thành Phố Saint
Peterburg cổ kính của xứ sở Bạch Dương, và chúng tôi đang trên hành trình sang
Thủ Đô Berlin của một nước Đức thống nhất ngày nay, nhưng trong quá khứ cũng là
một quốc gia cũng bị phân chia như Việt Nam, Triều Tiên theo xu thế lúc bấy giờ;
nhưng nó lại đặc biệt hơn là Thủ Đô cũng bị phân chia hai bên giữa Thế giới Tự
do và Thế giới Cộng Sản mà phần Tây Bá Linh lại nằm gọn trong phần của Đông Đức!
Sự khác biệt giữa hai luồng tư tưởng, khuynh hướng trong xã hội loài người đã đưa
đến sự phân chia nhân loại về hai chủ nghĩa đối lập “tranh hơn, tranh thắng” cần
loại nhau trên thế giới, để rồi từ đó sau Đệ Nhị Thế Chiến thế giới phân cực,
phân khối ra mà Việt Nam, Đức, Triều Tiên trở thành nạn nhân lịch sử của nhân
loại với sự phân chia đất nước thành hai miền đối nghịch. Trong đó Việt Nam trở
thành chiến trường cho Thống Nhất với sự tàn phá đất nước khủng khiếp trong thời
gian dài hơn 20 năm với hàng triệu người bị thương và chết chóc, cùng một đất nước
tan hoang, sau đó thì lệ thuộc nặng nề vào con nợ nước lớn vốn là kẻ thù truyền
kiếp từ Phương Bắc!
Từ lâu tôi đã thắc
mắc về “Chủ Nghĩa Xã Hội” khi tôi bắt đầu tìm hiểu cái “Chủ Nghĩa” ấy. Trong lý thuyết là “đem lại
của cải vật chất dồi dào” cho xã hội, cung ứng dư thừa cho mọi người về mọi nhu
cầu để mọi người được hưởng như nhau, san lấp khoảng cách giàu nghèo để tiến đến
một “Thế Giới Thiên Đàng” trên thế gian, và nhân loại không còn phân biệt chủng
tộc, quốc gia mà chỉ là “Đại Đồng” qua sự phát triển của Giai Cấp Công Nhân lẫn
Nông Dân, trong đó giai cấp nông dân được cơ giới hóa và từ đó nông dân cũng trở
thành giai cấp công nhân, để sản xuất “dư thừa” vật chất cung ứng mọi nhu cầu
cho con người trong xã hội! Với sự ý thức cao, tổ chức xã hội lúc đó sẽ không còn
cơ chế Nhà Nước nữa thì lúc đó “Nhà Nước Tự Tiêu Vong”. Thế nhưng, cách vận hành
trên thực tế rất là khác biệt, quan điểm rất nặng nề, nhất là về giới trí thức
là giới có đủ khả năng lãnh đạo để đưa đất nước tiến lên về mọi mặt từ kinh tế,
lãnh đạo, khả năng, tri thức, tổ chức… Nhưng họ đã không được trọng dụng, họ trở
thành những thành phần bị nghi kỵ nhiều hơn là tin tưởng, mặc dù những thành phần
chủ chốt của Cách mạng đều phần lớn xuất thân từ những người hoặc từ giai cấp Trung
Nông, hay Tiểu Tư Sản, hoặc Trí thức mà ra. Điều mà tôi ngạc nhiên nhất là từ
những quốc gia Cộng Sản đều lấy cờ “Búa Liềm” để tượng trưng cho hai giai cấp
chính yếu xây dựng “Chế Độ Xã Hội Chủ Nghĩa” hay “Cộng Sản Chủ Nghĩa” của họ dù
các nước lớn đó là Liên Xô hay Trung Quốc cũng không bao giờ có thêm giới “Trí
Thức” như Triều Tiên đã làm. Quý vị cứ nhìn cờ Biểu Tượng của Bắc Triều Tiên thì
biết: Ngoài “Búa” và “Liềm” hai bên, chính giữa còn “Cây Bút” vươn lên nữa!
Nhưng dù gì thì sau
hơn 70 năm thực hiện thể chế, đường lối Xã Hội Chủ Nghĩa trên đất Liên Xô rộng
lớn thì cuối cùng các sự xây dựng ấy đều sụp đổ sau các nước Đông Âu, để rồi Liên
Xô ta rã, Liên Bang Nga phải đối phó mọi điều khó khăn, mà may có Putin lèo lái
con tàu nghiêng ngã ấy được tương đối vững vàng cho đến ngày nay, mà Cô Hướng Dẫn
Viên người Nga đã hướng dẫn đoàn chúng tôi ở Saint Peterbourg “dí dỏm”: “Có biết
đâu sau nầy Saint Peterbourg lại đổi tên là “Putingrad” cũng không chừng”!
Nguyên Thảo,
08/07/2020.
No comments:
Post a Comment