Friday, July 24, 2020

*Bầy Sói!



Bầy sói choàng khăn đỏ
Đang giong ruổi khắp cùng
Cùng cất lên tiếng hú
Giống như người thủy chung!

Tiếng hú nghe ghê rợn
Sao che được bầu trời
Đêm về lại hiển hiện
Tính khí khắp nơi nơi.

Sói cố làm ra vẻ
Ta cứu rỗi mọi người
Ta cứu nhân độ thế
Khiến cuộc đời xinh tươi!

Bầy sói choàng khăn đỏ
Xé nát em bé rồi
Tính toan thêm thiên hạ
Lấy cả thiên hạ thôi!

Bao năm dài che đậy
Sói “lừa” được nhiều nơi
Thao túng trong khắp cõi
Nay đến lúc hết thời!

Móng vuốt lại lòi ra
Từ gần lại đến xa
Mùi hôi cùng tiếng hú
Cảnh tỉnh khắp mọi nhà!

Đồ Ngông,
25/07/2020.




Monday, July 20, 2020

*Nói Chuyện Tham Nhũng!



Đồ Ngông tôi đang xem tin tức trên truyền hình thì bỗng có cú điện thoại, thì ra anh bạn tôi gọi tới trong thời kỳ “cách ly” của dịch bệnh “siêu vi khuẩn Vũ Hán” để cùng nhau nói chuyện chơi! Cái dịch bệnh “mắc dịch” nầy không biết mấy ông Tàu Cộng làm như thế nào mà nó thật là độc hại, có người nói là mấy con vi khuẩn ấy chắc chẳng là từ thiên nhiên như Tàu Cộng đã nói mà có thể là từ Phòng Thí Nghiệm Sinh Học mà ra. Nếu không, tại sao ông gì đó của Thành phố Vũ Hán đã bị cách chức khi ông công bố là ông không được phép của cấp trên cho phép, rồi mấy ông Bác Sĩ bị kiểm điểm đến đỗi ông Lý Văn Lượng bị bệnh rồi phải bỏ mình trên giường bệnh! Trong thế giới Cộng Sản có nhiều cái mà mình “không được phép” để làm, nếu làm thì hệ quả không biết như thế nào, và sẽ tới đâu? Có người “vin” vào những sự kiện ấy đã suy ra là: Có thể các con vi khuẩn nhỏ xíu đó là kết quả của cuộc nghiên cứu về “chiến tranh vi trùng” cho nên mấy ông đầu não của Tàu Cộng không cho những người có trách nhiệm của Y Tế Thế Giới đi vào Vũ Hán để tìm hiểu, nghiên cứu. Và nếu không phải vì lý do ấy thì mấy ông Tàu Cộng đã không làm dữ với Thế Giới khi đòi điều tra về nguyên thủy của con vi khuẩn nhất là “hành vi bỉ ổi”, “bẩn thỉu”, “nhỏ nhặt của một nước lớn, cường quốc, điếm đàng” như Tàu Cộng đối với nước Úc mấy lúc gần đây! Con vi khuẩn gì mà làm cho người bệnh không biết họ bị bệnh, và họ có thể lây lan cho tất cả những ai tiếp xúc gần với họ. Thế là một cơn đại dịch làm cho thế giới xôn xao, chao đảo thay đổi cả cách sống, thói quen của nhân loại; đồng thời làm nền kinh tế khắp nơi bị suy sụp một cách nhanh chóng chưa từng thấy!
Đã vậy mà Tàu Cộng còn lợi dụng thời cơ để ra oai, hăm dọa, bức ép với các nước trên thế giới bằng hình thức trợ giúp hàng không đúng tiêu chuẩn để các nước ấy phải ca tụng cho nước Trung Quốc vĩ đại, hoặc chấp nhận những gì mà Tàu Cộng muốn. Hay họ dùng sức mạnh quân sự để tiến hành các cuộc uy hiếp, xâm lược vào lãnh thổ của Ấn Độ, Việt Nam và sự độc chiếm ở Biển Đông kể cả sự tranh chấp với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku. Sự hung hăng của Tàu Cộng thể hiện một cách rõ ràng trên ngoại giao, trên gương mặt của những tên cán bộ trên truyền hình như Vương Nghị, Dương Khiết Trì, Cảnh Sảng, Hoa Xuân Oánh lẫn Triệu Lập Kiên…! Mặc dù trong nước Trung Quốc đang phải chống chọi với hàng loạt thiên tai do thiên nhiên mang lại như: Động đất, lũ lụt, bệnh dịch siêu vi khuẩn Vũ Hán, dịch lợn, dịch gà, vân ...vân…! Trung Quốc ra tay hiếp đáp thế giới thì “Ông Trời” đang hiếp đáp lại Trung Quốc để Trung Quốc phải ngộ ra rằng: “Người hại không chết, nhưng Trời hại mới chết”!
Thôi dẹp qua cái chuyện đau buồn của nhân loại về các chuyện ấy mà quay trở về câu chuyện anh bạn của tôi. Anh bạn hỏi Đồ Ngông tôi mấy bữa nay có nghe tin tức trên truyền hình về thế giới không? Tôi trả lời rằng có, nhưng có chuyện gì không? Rồi ông hỏi tôi có nghe tin: Mỹ sắp cấm những Đảng viên Cộng Sản Trung Quốc không? Tôi rằng tôi không để ý. Rồi ông lại kể cho tôi nghe tin ở Mỹ dự trù nghiêm cấm gia đình và những cán bộ thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc không được đến Mỹ với khoảng 92 triệu Đảng viên, nếu cộng với cả gia đình thì có thể nhân lên gấp 3 hoặc gấp 4. Đồ Ngông tôi vì không để ý nên không rõ lắm, mặc dù hôm trước có thấy tin con của bà Hoa Xuân Oánh, Trần lập Kiên, kể cả con Tập Cận Bình vẫn học ở mấy trường Đại học bên Mỹ kia mà. Lúc đó tôi thường hay thắc mắc: Tại sao trong chế độ Cộng Sản hay Xã Hội Chủ Nghĩa xem chế độ Tư Bản, nhất là nước Mỹ là kẻ thù “không đội trời chung” nhưng sao họ lại cho con tới học trường ở những nước Tư Bản không vậy? Như vậy là Tại sao? Ông bạn tôi cho tôi là ngây thơ không biết gì hết! Ông giải thích đâu có gì lạ, ông gặn lại tôi: “Ông cứ thử nghĩ lại đi, lương của mấy ông cán bộ cấp cao ấy được bao nhiêu trong một tuần hay một tháng? Rồi ông xem lại chi phí những đứa con của mấy ông ấy học và ăn ở trên xứ Mỹ phải tốn hao là bao nhiêu thì ông có thể hình dung ra được việc của mấy ông ấy đã làm”! Sau khi ông uống vài ngụm cà phê, ông tiếp: “Ông thử nghĩ đi với số lương nếu chính thức thì cũng không dư dả bao nhiêu so với chi phí của mấy đứa con đi học, mà lại học ở những trường lừng danh, nổi tiếng ở Mỹ có học phí rất cao, như vậy chỉ cho chúng ta nghĩ đến những vấn đề sau: Một là học bỗng, hai là những viên chức đó phải có nguồn tiền từ ăn hối lộ hoặc tham nhũng, mà học ở trường đại học tư danh tiếng chắc không là “học bỗng” rồi, ông có nghe nhận xét của dân Trung Quốc không”? Tôi nói với ông anh là tôi không được nghe, và hỏi anh là tin gì? Ông anh lại nói với tôi là: “Dân Trung Quốc nhận xét là: Nếu ông Trump làm như thế thì ông Trump là “Giám Đốc của Cơ Quan Chống, Bài Trừ Tham Nhũng” cho người dân Trung Quốc đó, họ hoan nghênh nếu ông Trump làm như vậy! Nhưng ông có biết: Tại sao những cán bộ cao cấp đó không những đưa con họ sang học bên những nước Tư Bản hay ở Mỹ, mà còn mua sắm tài sản, nhà cửa nữa không”? Quả thật, những điều ấy Đồ Ngông tôi lại càng không rành, tôi chỉ nghĩ là mấy Cán bộ đó mua nhà cửa hay sắm tài sản là tạo cho con có điều kiện thuận lợi trong việc học của mấy đứa nhỏ thôi! Ông bạn tôi lại phân tích điều mà tôi chưa hề nghĩ tới: “Tại vì những Cán Bộ ấy tham nhũng, ăn hối lộ nhiều nên họ phải tẩu tán để rủi ro một ngày nào đó đổ bể thì họ chạy được ra nước ngoài để sống một đời yên thân, thoải mái mà giàu có. Còn nếu bị bắt hay mất cương vị, hoặc bị thanh toán, chết đi thì con cái, gia đình họ vẫn có một cuộc đời sung sướng. Chính vì thế mà họ chọn các nước Tư Bản để làm nền tảng cho sự thoát chạy đó, vì họ hiểu hơn ai hết về vai trò của một Đảng viên là “Mọi việc phải làm theo lệnh Đảng, theo chỉ thị của Đảng, nhận và hoàn thành nhiệm vụ bất cứ trên cương vị hay vị trí nào. Nếu một ngày nào đó bị sai lầm thì họ sẽ không còn gì cả, ngay cả cương vị, tài sản lẫn tính mạng có thể sẽ không còn”. Cho nên các Cán Bộ phải thủ thân cho chính mình lẫn gia đình là vì thế! Cách an toàn là phải đưa tài sản về những nước đối nghịch với chế độ mà họ đang phục vụ. Và đôi khi họ tránh né được điều quan trọng hơn với lý do là họ “cài con cháu họ vào chế độ đối nghịch để thâu lượm tin tức, móc nối, làm gián điệp, tình báo trong tình trạng được gọi là công khai, đường đường chính chính”, thế là họ có lý do chính đáng, hợp lý mà Nhà Nước Cộng Sản Trung Quốc sẽ không theo dõi và ghép tội họ được”! Tôi ngạc nhiên về những phân tích đó của ông bạn, tôi lại hỏi: “Do đâu mà anh biết nhiều như vậy, mà liệu những điều mà anh biết có đúng không”? Anh cười và nói: “Mình có hai lỗ tai để nghe, hai mắt để nhìn, và có một bộ óc để suy nghĩ và tổng hợp ông à! Tại vì ông không chịu để ý dó thôi”! Tôi cũng cười xòa với anh qua điện thoại: “Tôi quả thật chịu thua anh rồi, anh đúng là một người ngày xưa đã từng trải qua nơi trường Luật, tôi phải bái anh vậy”! Rồi cả hai chúng tôi đều cười với nhau qua một cuộc tán “tào lao” nhân vài mẫu tin “nóng hổi” của chuyện thời sự vào mấy lúc gần đây!

Đồ Ngông,
20/07/2020.




Thursday, July 16, 2020

*Sang Đức. (1)



Mặc dù chiều tối ngày hôm qua trở về khách sạn hơi trễ, chúng tôi vội vàng ăn tối lại phải trải qua chuyện mua “Amber” (hổ phách) khá sôi nổi tốn nhiều thì giờ; nhưng sáng nay cũng ráng “dậy sớm” làm một cuộc chạy đua với việc đưa hành lý ra trước cửa phòng để nhân viên đem xuống dưới cho mình, đồng thời lo ăn sáng “đặc biệt” vì nhà hàng của khách sạn mở cửa sớm cho đám chúng tôi, vì chúng tôi phải ra phi trường Pulkovo với chuyến bay vào lúc 8 giờ 40 của hãng hàng không Aeroflot. Dự trù của chuyến bay sẽ đến phi trường Schonefeld của Berlin vào lúc 9 giờ 55 của giờ địa phương. Tất nhiên là chúng tôi phải dậy sớm hơn những ngày bình thường để hoàn tất các công việc trước khi trả chìa khóa phòng và kiểm lại hành lý.
Xe buýt và cô Hướng Dẫn Viên người Nga cũng đến kịp lúc, và chúng tôi phụ đem hành lý ra xe để xe khởi hành vào lúc 5 giờ 30 sáng. Tôi còn lưu luyến với những cây “bạch dương” xứ Nga nên cứ quay hình cảnh dọc theo đường. Thôi giã từ Petrograd, Saint Peterbourg hay là Léningrad mà không hẹn ngày trở lại. Tôi vẫy tay chào nhè nhẹ cái Thành phố nầy mà không dám hẹn một ngày nào trở lại vì biết mình có điều kiện để đến xứ nầy nữa không, nhất là con người càng già, càng yếu theo từng thời gian, đó là chưa kể đến vấn đề tài chánh. Khi giã từ Thành phố tôi mới chợt nhớ đến một điều: “À! Ở cả hai nơi Thành phố Moscow lẫn Léningrad nầy không ai hướng dẫn đoàn đến các nơi có Tượng Lénin hay dấu vết gì của ông ta nhỉ? Chẳng lẽ người Nga lại vô tình đến thế sao? Hay là họ cũng chẳng ưa gì thời kỳ Xô Viết nghèo đói, đầy áp bức, ngăn cấm đủ mọi điều, biến con người trở thành những con người máy (robot) phải phục tùng theo mọi chỉ thị của Nhà Nước và chỉ biết làm theo những gì mà Nhà Nước chỉ đạo từ tư tưởng cho đến hành động, ai chống đối sẽ trở thành những kẻ “phản động”, “chống đối Nhà Nước, âm mưu lật đổ chính quyền”, “cấu kết ngoại bang”; và mọi người dân sống trong đó giống như sống trong một nhà tù to lớn, chỉ biết sống và làm không cho chính mình mà sống vì những kẻ cầm quyền, là những “con robot” đã được “cài phần mềm” sản sinh từ một nhà máy công nghiệp vĩ đại”! Có lẽ vì vậy mà người ta không đưa du khách đến những nơi thành tích đó chăng, dù chế độ ấy đã kéo dài trên đất nước nầy hơn 70 năm? Tôi lại chìm vào trong những suy nghĩ về một chủ nghĩa được xem như là “tốt đẹp” cho loài người trong tương lai hay theo ngôn từ mà người ta đã cho là “Ưu Việt” từ xưa tới giờ. Chủ nghĩa ấy cũng được áp dụng trên quê hương tôi và khiến hàng triệu người phải lưu vong làm thân xa xứ, và chính nó đã làm cho đất nước tôi phải lệ thuộc vào nước lớn càng ngày càng sâu nặng hơn mà dân tộc chúng tôi đã coi là kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc!
Xe dần đi vào phi trường và đoàn chúng tôi cử người đại diện tặng chút đỉnh tiền bạc cho Cô Hướng Dẫn Viên làm quà, mặc dù trong cước phí đã có qui định riêng phần công lao của cô rồi. Sở dĩ như vậy vì thấy cô khá chu đáo và cực với đoàn trong những ngày qua. Mỗi người cũng chẳng là bao nhiêu, chút ít nữa thôi mà cô được vui vẻ mà “mình cũng vui vì đem lại cho người một niềm vui”!
Sau khi hoàn tất các thủ tục, lấy được “boarding pass”, chúng tôi qua kiểm soát an ninh và thủ tục xuất cảnh để đến cổng chờ chuyến bay. Ngồi đợi tôi cứ suy nghĩ về một đất nước của một thời oanh liệt trong Chủ Nghĩa Xã Hội, là nước đi tiên phong để xây dựng Chủ Nghĩa Cộng Sản “ưu việt” (?) trên thế giới, và cũng là nước có mô hình mẫu mực cho thế giới (Cộng Sản) làm theo, thế mà sau thời gian dài lại bị thình lình sụp đổ tất cả trên đất Âu Châu và nơi đã sản sinh ra nó. Tại Marx- Engels sai hay là tại Lénin sai? Tôi thì không biết nhiều về lý thuyết khi mà tôi chỉ tình cờ đi tìm hiểu về Chủ Nghĩa ấy qua “cái môn dạy” của mình! Tôi chỉ hiểu “bấp bõm”, lơ mơ, lờ mờ! Rồi tôi lại nhớ đến thời còn nhỏ khi đi chơi với các anh lớn thì mình chỉ là “tay sai” cho họ thôi, lúc phe mình yếu thế bị phe kia bắt mình phải quỳ xuống cho nó cỡi mà còn đánh thật đau vào đít mình, nó còn nói “đánh cho mầy phải quỳ xuống tùng phục tụi tao, không cho mầy ngóc đầu lên nỗi, tụi mầy không còn chống đối mới thôi, đánh cho mầy trở nên èo uột khó nuôi mới thôi nhe con”! Cũng vậy về sau nầy tôi mới thấy: “Dùng bạo lực Cách mạng để trấn áp kẻ thù hay mọi người phải đầu hàng giai cấp”! Ngày mà anh bạn tôi nói: “Những người trí thức rất dễ cảm nhận chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng họ cũng dễ từ bỏ chủ nghĩa rất nhanh”! Khi nghe câu đó tôi khá ngạc nhiên và hỏi lại: Vì sao như vậy? Thì anh cũng không trả lời nỗi! Sau một thời gian nhiều năm từ ngày 30/04/75 tôi mới thấy là đúng như vậy, vì trên lý thuyết thì rất là hay nhưng trên thực tế nó rất khác hẳn, đôi khi ngược lại hoàn toàn. Không hiểu người trí thức họ thấy không thích hợp hay là những người cầm quyền nghi ngại “đầu óc” của họ mà không dám sử dụng, loại bỏ đi chăng, giống như bao nhiêu người làm văn nghệ, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức nỗi tiếng một thời trước đó “đành phải câm lặng, im hơi” hoặc là “đào thoát”. Với thời đại mới, người ta tập trung tất cả và tất cả chỉ để theo một con đường mà đảng phái, nhà nước đã qui định. Những người khác biệt không nằm trong quan điểm dù là tài giỏi cách mấy, chỉ là “ngồi chơi xơi nước” , hay đi làm những nghề lao động mà trước kia họ đã từng không làm! Một cuộc đổi đời vĩ đại! Mãi về sau nầy khi tôi về thăm lại quê hương, thì tình cờ đọc được vài tờ báo cũ trong đó đăng hai bài của Lénin mà tôi nhớ là không có trong “Tuyển tập Lénin” mà tôi đã đọc trước kia: Bài thứ nhất có nội dung là trong Nhà Nước mới sử dụng người của Cách Mạng mà không sử dụng người tài thì có người hỏi Lénin, ông ta trả lời: “Người của mình dù có dốt thì cũng phải sử dụng, chứ nếu ta sử dụng người không tin tưởng, của kẻ địch thì một mai khi nó lên cao nó sẽ lật ngược lại, thì ta làm cuộc Cách mạng bây giờ để làm gì?”. Và trong bài thứ hai tôi chỉ nhớ đại ý là: “Kẻ địch luôn chống đối, chống phá từ trong nước cho đến khi ra ngoài đó là kẻ địch, còn khi ra ngoài không làm gì cả thì là bạn. Nhưng nếu họ ra ngoài không chống phá mà còn gởi tiền tài, vật chất về cho đất nước trực tiếp hay gián tiếp là họ gởi về cho dòng họ, người thân, thì họ đều là những Kiều bào yêu nước!”. Từ những bài ấy tôi mới hiểu được vài vấn đề!
Trong lúc tôi đang theo đuổi vài ký ức thì nhân viên kiểm vé cho đi lên máy bay và rồi anh Thạnh kêu tôi cùng đi, nhưng tôi phải đợi vợ tôi đang đi vệ sinh với chị Thới. Sau đó thì chúng tôi chung nhau vào hàng để lên chuyến bay.
Lúc đăng ký vào “tour” tôi chỉ nghĩ là mình đi du lịch một chuyến ở Nga và Trung Âu để biết được vài đất nước khác lạ ở Âu Châu về phía Đông, trước khi mình không thể đi được nữa do “tuổi già sức yếu”, nhất là xứ Nga hấp dẫn với “cây Bạch Dương”. Nhưng khi đến đây rồi, nghe “bấp bõm” giải thích của Hướng Dẫn Viên tôi mới lại để ý đến những xứ nầy từng một thời “Đã là Xứ Cộng Sản” hay đúng hơn là “Những nơi đã từng xây dựng những thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa” nên tôi lại có “những ký ức trở về” và để ý nhiều hơn về đời sống và tâm lý của họ. Những gì tôi ghi lại chỉ là những cái kém cỏi mà tôi đã biết, nghe hay nhìn thấy trong cái vốn ít ỏi của mình! Từ những lúc gặp phải nhiều khó khăn để giải thích cho học trò lớp 9 về bộ môn Sử mà tôi dạy sau ngày 30/04 khiến tôi thật là “quê”, vì thế mà tôi cố gắng tìm hiểu để biết về căn bản của chế độ mới, mặc dù không biết mình được “lưu dung” dạy đến bao lâu. Càng tìm hiểu thì tôi lại càng thấy “khác lạ” với thực tế hơn nhiều! Đến khi tôi được cho định cư trên xứ Úc Đạị Lợi thì tôi mới thấy Chính Phủ có những trợ cấp giúp đỡ cho trẻ con, người già, người tàn tật, cô đơn, cha mẹ đơn thân rất là đặc biệt giống như những điều mà bao nhiêu người mơ ước, nhưng chỉ có một điều là người đi làm phải đóng thuế. Thì ra, Sở Thuế giữ vai trò “cướp của nhà giàu chia cho người nghèo” như ngày xưa tôi đã nghe nói về một đảng cướp nọ, hay phim Robinhood mà tôi được xem về sau nầy. Sở thuế thu thuế, truất phần từ lợi tức, tiền lương của người đi làm “dù là lương ít hay lương nhiều” tùy theo bậc lương của họ, để phân phối lại cho những người không có việc làm hay những người khó khăn trong giai đoạn nào đó, tùy theo hoàn cảnh; đến khi họ đi làm thì đóng thuế lại để giúp cho người khác qua cơ quan “An sinh Xã hội”! Đặc biệt là giới sinh viên Đại học được Chính Phủ cho mượn tiền để học, khi ra trường có việc làm thì hoàn trả lại từ từ cho Chính Phủ để Chính Phủ giúp lại cho thế hệ sau.
Máy bay của hãng Aeroflot từ từ lên cao đưa chúng tôi và hành khách từ giã Thành Phố Saint Peterburg cổ kính của xứ sở Bạch Dương, và chúng tôi đang trên hành trình sang Thủ Đô Berlin của một nước Đức thống nhất ngày nay, nhưng trong quá khứ cũng là một quốc gia cũng bị phân chia như Việt Nam, Triều Tiên theo xu thế lúc bấy giờ; nhưng nó lại đặc biệt hơn là Thủ Đô cũng bị phân chia hai bên giữa Thế giới Tự do và Thế giới Cộng Sản mà phần Tây Bá Linh lại nằm gọn trong phần của Đông Đức! Sự khác biệt giữa hai luồng tư tưởng, khuynh hướng trong xã hội loài người đã đưa đến sự phân chia nhân loại về hai chủ nghĩa đối lập “tranh hơn, tranh thắng” cần loại nhau trên thế giới, để rồi từ đó sau Đệ Nhị Thế Chiến thế giới phân cực, phân khối ra mà Việt Nam, Đức, Triều Tiên trở thành nạn nhân lịch sử của nhân loại với sự phân chia đất nước thành hai miền đối nghịch. Trong đó Việt Nam trở thành chiến trường cho Thống Nhất với sự tàn phá đất nước khủng khiếp trong thời gian dài hơn 20 năm với hàng triệu người bị thương và chết chóc, cùng một đất nước tan hoang, sau đó thì lệ thuộc nặng nề vào con nợ nước lớn vốn là kẻ thù truyền kiếp từ Phương Bắc!
Từ lâu tôi đã thắc mắc về “Chủ Nghĩa Xã Hội” khi tôi bắt đầu tìm hiểu  cái “Chủ Nghĩa” ấy. Trong lý thuyết là “đem lại của cải vật chất dồi dào” cho xã hội, cung ứng dư thừa cho mọi người về mọi nhu cầu để mọi người được hưởng như nhau, san lấp khoảng cách giàu nghèo để tiến đến một “Thế Giới Thiên Đàng” trên thế gian, và nhân loại không còn phân biệt chủng tộc, quốc gia mà chỉ là “Đại Đồng” qua sự phát triển của Giai Cấp Công Nhân lẫn Nông Dân, trong đó giai cấp nông dân được cơ giới hóa và từ đó nông dân cũng trở thành giai cấp công nhân, để sản xuất “dư thừa” vật chất cung ứng mọi nhu cầu cho con người trong xã hội! Với sự ý thức cao, tổ chức xã hội lúc đó sẽ không còn cơ chế Nhà Nước nữa thì lúc đó “Nhà Nước Tự Tiêu Vong”. Thế nhưng, cách vận hành trên thực tế rất là khác biệt, quan điểm rất nặng nề, nhất là về giới trí thức là giới có đủ khả năng lãnh đạo để đưa đất nước tiến lên về mọi mặt từ kinh tế, lãnh đạo, khả năng, tri thức, tổ chức… Nhưng họ đã không được trọng dụng, họ trở thành những thành phần bị nghi kỵ nhiều hơn là tin tưởng, mặc dù những thành phần chủ chốt của Cách mạng đều phần lớn xuất thân từ những người hoặc từ giai cấp Trung Nông, hay Tiểu Tư Sản, hoặc Trí thức mà ra. Điều mà tôi ngạc nhiên nhất là từ những quốc gia Cộng Sản đều lấy cờ “Búa Liềm” để tượng trưng cho hai giai cấp chính yếu xây dựng “Chế Độ Xã Hội Chủ Nghĩa” hay “Cộng Sản Chủ Nghĩa” của họ dù các nước lớn đó là Liên Xô hay Trung Quốc cũng không bao giờ có thêm giới “Trí Thức” như Triều Tiên đã làm. Quý vị cứ nhìn cờ Biểu Tượng của Bắc Triều Tiên thì biết: Ngoài “Búa” và “Liềm” hai bên, chính giữa còn “Cây Bút” vươn lên nữa!
Nhưng dù gì thì sau hơn 70 năm thực hiện thể chế, đường lối Xã Hội Chủ Nghĩa trên đất Liên Xô rộng lớn thì cuối cùng các sự xây dựng ấy đều sụp đổ sau các nước Đông Âu, để rồi Liên Xô ta rã, Liên Bang Nga phải đối phó mọi điều khó khăn, mà may có Putin lèo lái con tàu nghiêng ngã ấy được tương đối vững vàng cho đến ngày nay, mà Cô Hướng Dẫn Viên người Nga đã hướng dẫn đoàn chúng tôi ở Saint Peterbourg “dí dỏm”: “Có biết đâu sau nầy Saint Peterbourg lại đổi tên là “Putingrad” cũng không chừng”!

Nguyên Thảo,
08/07/2020.




Wednesday, July 15, 2020

*Quê Người! (33)



Cứ mỗi lần có người nhờ đi coi máy dùm, Trọng rủ tôi và Thành đi theo cùng. Dù tôi không có nhu cầu, nhưng vẫn đi theo vừa là cho hết thì giờ, vừa là để cho biết các máy móc điện tử trong thời gian nầy như thế nào. Chứ đối với tôi cái máy cassette mà tôi đã mua là đủ, tối cứ nghe băng học Tiếng Anh, hay đôi lúc nghe radio để ngủ. Khi cần thì có thể sang băng nhanh gấp 3 lần là tốt lắm rồi. Còn về truyền hình và máy hát băng video thì Trọng đã có, nên tôi Thành chưa cần sắm; nhưng nếu về sau khi ra ở riêng thì chúng tôi cũng cần có để xem, hay tập nghe tin tức hoặc các chương trình mà mình thích.
Trong thời gian nầy tình cờ tôi lại gặp hai em học sinh là Hiếu và Trí ở Trường Trịnh Hoài Đức lúc tôi mới chuyển lên dạy Đệ Nhất cấp (cấp 2) ở đó. Một buổi sáng cuối tuần hai em đến nhà tôi chơi, tình cờ Joeff đến, chúng tôi nói chuyện nhau hồi lâu thì Joeff đề nghị đưa chúng tôi đi chơi. Hỏi thì Joeff cho biết là đi thăm ba má của Joeff ở đâu đó khá xa có thể là cả ngày. Luôn tiện Joeff rủ cả ba chúng tôi cùng đi. Tôi cứ tưởng là Joeff chở ba chúng tôi đi thôi, nhưng không ngờ Joeff lại chở đến một nhà khác có hai anh em người Chile (Chí Lợi, một nước ở Nam Mỹ) mà tôi đoán là Joeff rất quen thân với cô em là Anne. Không ngờ, chúng tôi chỉ là những người được Joeff rủ đi sau, còn hai anh em người Chile mới là chính. Điều nầy khiến một tình trạng khó tính toán xảy ra. Nếu tất cả cùng đi thì đến 6 người, mà xe thì chỉ được phép là 5 người thôi, nên ai sẽ ở lại bây giờ. Điều nầy làm cho tôi khó suy nghĩ. Tôi không thể ở lại vì Joeff mới là người biết tôi. Tôi không thể nói với hai em bạn nhỏ của tôi được, thôi thì tôi cứ để cho Joeff định đoạt. Sau cùng thì cô Anne quyết định ở nhà nhường cho ông anh đi vì vài ngày nữa ông anh sẽ lên đường đi về Chile. Ngồi trong xe mà lòng tôi cứ có nhiều ái ngại!
Joeff đưa chúng tôi đi khoảng chừng 30 cây số thì Joeff lái vào cái Thị trấn gọi là Gawler. Thì ra Joeff gọi điện thoại cho ba má trước khi tiếp tục lên đường. Đường đi khá xa xuyên qua những cánh đồng lúa mì mênh mông, lúc nầy đang xanh mướt. Nhìn xa mới có vài cái nhà với vài cái nhà kho lớn, thấy như vậy tôi mới nhớ đến thời gian đầu mà chúng tôi đã đến Kadina mà gia đình của ông LaWood cũng như má ông ở trong thôn quê như thế nầy. Đi cả mấy tiếng đồng hồ sau mới đến nơi. Tôi không biết con đường nầy đi đến đâu, nhưng tôi chỉ thấy sau khi qua cái cầu nhỏ đến khúc quanh thì Joeff rẽ vào một ngọn đồi nhỏ, lưng chừng là cái nhà mà ống khói của lò sưởi củi nhả khói lên trên vì trời hôm nay khá lạnh. Bên ngoài đồng cỏ với cây lưa thưa có vài con bò cùng những con trừu đang lui cui gặm cỏ.
Joeff đưa chúng tôi vào nhà thì gặp ngay má Joeff đang làm bữa ăn, thì ra bà đang làm cho chúng tôi vì hai ông bà đã ăn rồi. Chúng tôi cùng phụ Joeff để làm tiếp tục, rồi ngồi trong phòng khách, Joeff trò chuyện với ba má, thỉnh thoảng thì hai ông bà hỏi chúng tôi vài đôi câu. Tiếng Anh của anh cô Anne có vẽ khá hơn chúng tôi nhiều, không biết anh ta học từ lúc nào. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì những sắc dân Âu Châu học Tiếng Anh nhanh hơn là những sắc dân khác vì ngôn ngữ của họ tương đồng với ngôn ngữ Anh, đồng thời đa số ngôn ngữ của họ cũng là đa âm nên họ dễ bắt kịp nhịp điệu, do đó họ nghe rất giỏi sau một thời gian ngắn, còn người mình thì phải vất vả hơn ngoại trừ những người có khiếu!
Được biết ba má của Joeff ở đây chỉ có hai ông bà chứ không có ai. Nhiều người già ở xứ Úc nầy sống riêng với con cái là chuyện thường tình và rất phổ biến. Nhưng tôi thấy hai ông bà già mà sống ở nơi thôn quê xa xôi thế nầy thật là bất tiện, lỡ khi bệnh hoạn thì rất là khó khăn. Hồi lâu, Joeff rủ chúng tôi đi ra ngoài tham quan khung cảnh nơi nầy. Trời hơi lành lạnh dù là có ánh sáng mặt trời vì hôm nay nắng tốt bởi đang trong mùa Đông. Mùa Đông ở đây đã lạnh lại có nhiều mưa nên khí hậu khá ẩm ướt, và cỏ mọc tốt hơn, trong khi đó các cây khuynh diệp, bạch đàn hình như khựng lại đứng chịu trận với cái lạnh ngày đêm. Bên cạnh đó một số cây trơ trọi cành vì lá đã rụng hết. Ngoài xa là những cánh đồng lúa mì mà ngọn đang nghiêng theo chiều gió làm tôi lại nhớ đến những ruộng lúa ở bên mình. Tôi lặng mình để nhớ về quê hương trong chốc lát! Riêng anh của cô Anne thì khen cảnh đồng quê ở đây hoài, nhưng tôi không biết là anh ta khen thật hay là có lệ giống như bao nhiêu người Âu khác vì họ muốn vui lòng người đối diện. Họ không muốn phiền lòng người khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ chắc có lẽ là thật vì tôi cũng thích khung cảnh trầm lắng, nên thơ, thú vị như thế nầy!
Sau hơn hai tiếng đồng hồ Joeff thăm ba má, chúng tôi lại lên đường trở về. Trời mùa Đông vì ngày ngắn nên mau tối. Mặt trời ửng đỏ dần xuống, ánh nắng chiều trải dài trên những cánh đồng lúa mì. Khi chúng tôi về đến Gawler thì mặt trời đã lặn và về đến nhà thì tối rồi. Joeff phải đưa anh của Anne về, rồi đến tôi và lại đưa Hiếu lẫn Trí về nhà. Trọng hỏi tôi đi đâu, tôi cũng chẳng biết nơi đâu để trả lời, chỉ biết là đến nhà của ba má Joeff ở cách đây cũng khá xa, đi về hướng Gawler, thế thôi!
Một buổi sáng, chúng tôi đang ngồi trong phòng học của lớp học Anh Văn, hôm ấy trời khá lạnh, lò sưởi điện đã mở từ lâu mà vẫn chưa tắt, thì có một ông khá lớn tuổi cứ đứng bên cửa sổ nhìn vào. Ông nhìn từ cửa sổ nầy đến cửa sổ khác mà không nói năng cũng chẳng rằng gì. Cứ như thế khá lâu, Thầy Paul lấy làm lạ nói với Bác Phương, Bác vội ra bên ngoài nói chuyện với ông ấy, rồi Bác lại đưa ông vào phòng học và nói: Bác nhìn coi có ai quen không? Ông nhìn hết người nầy đến người kia rồi nói: Không có ai quen hết! Sau đó ông kể: Ông là người ở Đà Nẵng đến Úc nầy đã 7 năm, ở đây buồn quá cho nên ông đi tìm người quen, hay người Việt để chơi! Nghe xong lời ông kể, tôi bỗng nghe chạnh lòng, không ngờ người già xa xứ lại có tình trạng, nỗi niềm vắng lặng đến thế sao? Điều nầy khiến tôi có nhiều suy nghĩ!
Trưa về, Trọng cho hay chúng tôi chuẩn bị đi học hóa hàn MIG ở trường Panorama vào cuối tuần nầy trong ba ngày liên tục, như vậy là tôi phải nghỉ học Tiếng Anh trong một ngày, còn hai ngày kia thì đều thuận tiện. Và rồi ngày học đến, Trọng chở tôi đến trường TAFE Panorama tuốt phía Nam gần núi. Chúng tôi đi xuyên qua trung tâm Thành phố Adelaide và còn đi xa hơn bằng khoảng đường từ nhà cho đến City. Ngày đầu người huấn luyện dành khoảng một giờ đồng hồ để nói về “hàn MIG” tức là loại hàn kim loại sắt, thép mới hơn là loại hàn điện, vì khi hàn người ta không phải gõ các “cứt hàn” tức là những chất đóng trên mối hàn, nó chắc hơn; tuy nhiên với các tia hàn có thể gây nên ung thư da. Học viên thì có khoảng sáu người gồm tôi, Trọng và vài thằng Tây nữa vì tụi nó còn trẻ. Sau đó là chúng tôi đi vào thực hành sử dụng. Tôi không quen với những cái bao tay da giả, cứng, đồng thời sợ “điện giật” nên nhút nhát không dám tì tay vào miếng sắt để giữ thế kềm cho vững nên mối hàn không thể đẹp được. Trọng hàn tương đối có mối khá đẹp. Rồi mấy ngày kế tiếp là thực hành những mối hàn khác để kết nối các miếng sắt lại với nhau. Tất nhiên là chúng tôi học những kỹ thuật hàn những mối căn bản để rồi ngày cuối cùng chúng tôi hàn trở lại mà huấn luyện viên đánh giá mà cấp cho chúng tôi cái giấy chứng nhận hoàn tất khóa học mà tùy nghi sử dụng về sau nầy. Thế là tôi với Trọng đi qua được vài giai đoạn khác nữa, mà riêng với tôi những điều đó tôi chưa hề nghĩ tới được, chẳng qua là tôi may mắn đi theo cùng Trọng thôi.
Bob và Joeff cũng thường dành thời gian để đến thăm chúng tôi, trò chuyện cùng nhau về nhiều vấn đề, nhờ đó mà tôi và Thành tương đối dạn dĩ hơn khi tiếp xúc với người Úc. Nói chuyện thì có khi hiểu, có khi không, nhưng Bob và Joeff vẫn hiểu ý mỗi khi chúng tôi ngập ngừng, không hiểu họ thường hỏi lại, hoặc “Mầy có hiểu không”? Một lần Joeff cho tôi hay là anh ta đã mua nhà rồi, nhà gần trung tâm tiếp cư ở Pennington. Hiện có mấy người Việt chia phòng, trong đó có Hiếu là anh bạn trẻ học với tôi ngày trước mà hôm đi thăm ba má Joeff, Hiếu, Trí đã đi cùng. Joeff hẹn tôi ngày Chúa Nhật đến để rủ tôi ra biển chơi. Sáng, khoảng hơn 10 giờ, tôi đi bộ đến nhà của Joeff. Joeff mở cửa, thì phía sau có tiếng người nữ đang súc miệng với những âm thanh khạc nhổ khá lớn, Joeff làm ra vẽ “ghê sợ” bằng cách đưa nắm tay lên miệng mà run run. Tôi biết Joeff đùa nên chỉ mĩm cười theo Joeff. Thì ra, Joeff không phải cho Hiếu chia phòng thôi mà còn vài người nữa, đó là hai người nữ cũng là người Việt, mà tiếng khạc đó là của một trong hai cô nàng. Có những thói quen của người mình khác xa với người Tây, nếu không lưu ý thì sẽ làm cho người khác khó chịu hay là “ngán ngẫm” ngay giống như khi còn ở Việt Nam mà ta thường thấy người Hoa khạc nhổ vậy! Joeff chở tôi đến cây xăng, đi vào quầy để mướn một cái rờ-moọc mà tiếng Anh gọi là “trailer”. Tôi không hiểu Joeff mướn trailer để làm gì, nhưng người đứng quầy báo cho Joeff hay là “bằng lái xe của Joeff ngày mai hết hạn”. Joeff giật mình nói với tôi là “Rất may! nếu ngày hôm qua mà bằng lái của tao hết hạn thì ngày nay không thể mướn được trailer nữa, nhưng ngày mai tao phải đi xin mới lại bằng lái rồi”! Joeff lái xe chạy về nhà. Thì ra Joeff kéo chiếc du thuyền đi ra biển mà tôi với Hiếu chưa biết Joeff sẽ làm gì?
Đến bãi biển, tôi và Hiếu phụ Joeff hạ chiếc thuyền xuống rồi Joeff lái xe kiếm chỗ đậu trên bãi đậu xe. Khi Joeff trở lại chúng tôi cùng nhau dựng cột buồm lên, đẩy thuyền xuống nước. Cũng may hôm nay có mặt trời, nắng ấm nên dù còn là mùa Đông rơi rớt để sang Xuân, chúng tôi không nghe lạnh lắm. Joeff chỉ tôi và Hiếu cách sang bên để giữ vững cánh buồm, và xuôi theo chiều gió để làm cho con thuyền lướt theo hướng mình muốn. Tất nhiên là tôi và Hiếu rất là lọng cọng trong cách điều khiển vì đây là lần đầu tiên mà chúng tôi mới được thử và thực hành. Sau hơn một tiếng đồng hồ loay hoay, tôi và Hiếu mới quen dần. Thế rồi gió càng ngày càng lạnh hơn. Joeff thấy chúng tôi có vẽ không kham nỗi cái lạnh nên nêu ý ngưng, kéo thuyền lên bờ để Joeff lấy xe và trailer xuống, kéo du thuyền đi về mà không quên ghé vào một tiệm bán cá, khoai tây chiên mua một ít đem về nhà. Sau buổi đó tôi cứ nghĩ không biết là Joeff thích đi du thuyền, hay là Joeff muốn cho tôi và Hiếu biết cái cách sử dụng một chiếc thuyền buồm như thế nào, chứ từ trước Joeff chưa hề nói chuyện với tôi cái sở thích ấy của Joeff bao giờ!

Nguyên Thảo,
04/06/2020.