(Hay: Đạo Phật Là Một Tôn Giáo).
Từ lâu có nhiều người cho rằng Đạo Phật chỉ là một trong những triết thuyết chứ không là Tôn giáo; điều ấy làm cho những người học triết hay thần học cũng thường bị lầm lẫn không ít. Thực ra, Đạo Phật đã quá đi sâu sát với đời sống con người; và những lý thuyết của nó cũng là cho con người, để đưa con người từ một con người bình thường trở nên người giác ngộ, thoát khỏi cõi luân hồi, tục lụy trong ba cõi chứ không là chỉ riêng thế gian nầy, vượt quá xa các bậc thần thánh khác.
Nhưng cho đến hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học, lý thuyết hay đúng hơn là giáo pháp của Đạo Phật được chứng minh với nhiều chính xác khiến cho những nhà khoa học hay trí thức không thể ngờ được: Một (bát nước) có vô số vi trùng trong đó; (tam thiên đại thiên thế giới) vũ trụ bao la với nhiều thiên hà, trong mỗi thiên hà có vô số thái dương hệ; có những UFO và người ngoài hành tinh (chúng sinh ở thế giới khác); có những hiện tượng hay nhiều câu chuyện kể về sự tái sinh (khoa học huyền bí); những nhà ngoại cảm chứng minh chúng sinh trong thế giới vô hình; Duy thức học khiến cho những nhà tâm lý hoặc phân tâm học ngạc nhiên không ít, đó là chưa nói đến sự giải thích luật nhân quả qua hai thức Mạt-Na-Thức và A-Lại-Da-Thức; tất nhiên ngoài tâm lý học ta có thể tìm được trong Duy thức về phần Đạo đức học mà ta không thể ngờ được.
Hôm nay, chúng tôi muốn trình bày cùng Quý vị vài vấn đề và dẫn chứng một số câu trong các Kinh điển để chứng minh Đạo Phật không những là một triết lý nhân sinh mà cũng là một tôn giáo không khác. Tôn giáo nầy rất thực tiễn không dựa vào những câu chuyện hoang đường, thần thoại mà cũng chẳng đưa tín đồ vào chỗ “ngu muội” để tin theo. Mà tôn giáo nầy cũng không phải “nhốt vào chuồng” hay “lấy dây trói buộc” tín đồ với giáo hội hay tôn giáo của mình để dành phần trên thế gian. Xin mời Quý vị:
“Này A Nan, bởi vô minh vọng động nên biến hiện ra có hư không, thế giới và chúng sinh. Trong thân chúng sinh vì có vọng tưởng lẫn lộn, nên nó vọng động leo chuyền bên trong (như vượn, như ngựa). Khi các giác quan mở ra thì nó rong ruổi theo trần cảnh bên ngoài (như vượn sút xiềng, ngựa tong chuồng). Rồi các ông chấp cái tướng vọng tưởng lăng xăng bên trong đó cho là tâm tánh của mình. Một phen chấp nó làm tâm, thì không sao khỏi mê lầm cho rằng ‘tâm ở trong thân’.
Chứ đâu biết rằng: Thân nầy tâm nầy cho đến núi sông, thế giới và hư không đều là vật trong chơn tâm hiện ra cả”.
Đây là đoạn mà tôi đã trích ra từ trang 51 của khóa VI-VII bộ Phật học Phổ thông tức là khóa giảng về Kinh Lăng Nghiêm để dẫn chứng cái ý niệm vũ trụ của Đức Phật hay là “Vũ trụ quan” trong đạo Phật.
Khi xưa, lúc còn học trong nhà trường, có lần tôi được nghe một vị thầy khi nói về các tôn giáo của một số đạo ở Đông phương thì ông kết luận: “Các tôn giáo Đông phương thực ra không phải là tôn giáo mà chỉ là các Triết lý về nhân sinh vì tôn giáo nó phải có tính chất giải quyết vấn đề con người: Được sanh ra từ đâu và chết sẽ đi về đâu, nhất là tính cứu rỗi”. Điều ấy đối với tôi lúc bấy giờ nó chẳng có gì là quan trọng cả, bởi vì tôi đâu có chú ý đến nó và tôi cũng không hề nghĩ đến sau nầy tôi lại nhớ đến nó. Có lẽ do nơi cái “duyên”, nên sau cơn bệnh tôi lại có cái nhìn về đạo, rồi duyên ấy thôi thúc tôi viết.
Có lần tôi đã viết: “Đạo Phật được Phật Thích Ca suy nghiệm qua Thiền định, khám phá tự trong Tâm thức của Ngài, Ngài rao giảng cũng là cho Tâm thức của bạn, của tôi và của chúng sinh. Mà Tâm thức là thường còn, là hằng hữu dù nó không có bằng hình dáng trên cuộc đời nầy. Cho nên đạo Phật mãi luôn là đạo của Tâm thức, hầu đưa tâm thức trở về với giác ngộ, với Chân như. Đạo Phật vẫn luôn tồn tại với Tâm thức dù trên thế gian nầy có còn hay không còn có đạo Phật”.
Một lần Ngài A Nan bạch với Đức Phật:
“Bạch Thế Tôn! Bồ Đề, Niết Bàn, Chơn Như, Pháp Tánh, Yêm-Ma-La-Thức, Không Như Lai Tạng và Đại Viên Cảnh Trí, bảy danh từ tuy khác, chớ cũng đồng một quả Phật thanh tịnh thường còn không hoại”. (PHPT, khoá VI-VII trang 162).
Như vậy, Niết Bàn trong đạo Phật tùy theo góc nhìn, pháp tu mà sử dụng từng danh từ cho thích hợp, sự giác ngộ rốt ráo (Bồ Đề), cõi Thanh Tịnh (Niết Bàn), Cõi chứa cái thường còn, cái thật sự có, cái Chơn tâm (Chơn Như), Cái tính chất của mọi vật, chúng sinh, các pháp (Pháp Tánh), Yêm-Ma-La-Thức, hay cái Tạng của các đấng Như Lai (Không Như Lai Tạng), hoặc là cảnh trí viên tròn quả mãn rốt ráo của các Đức Phật (Đại Viên Cảnh Trí).
A Nan đã nói rõ: “bảy danh từ tuy khác, chớ cũng đồng một quả Phật thanh tịnh thường còn không hoại”. Đó cũng là tính chất của Chơn tâm, là căn bản của Bồ đề, Niết bàn. Còn trái lại, căn bản của sanh tử, luân hồi là vọng tâm. Con người vốn từ trong Chơn tâm, trong thể tánh Chơn như thường trụ, nhưng do vì vô minh nên bị nhiều món điên đảo làm mê mờ mà phân biệt vọng thấy và hiện ra các cảm giác “thấy nghe hay biết” (“tùy tâm của chúng sinh phân biệt như thế nào, thì nó ứng hiện như thế ấy”) (PHPT, khoá VI-VII trang 98). Từ phân biệt vọng thấy nầy mà phát sanh ra nghiệp (‘Tùy theo tâm của chúng sinh tạo nghiệp và phân biệt như thế nào, thì có ứng hiện ra như thế nấy”) (PHPT, khóa VI-VII trang 94), rồi lại theo nghiệp mà chúng sinh chịu khổ, sanh tử luân hồi.
Đó là những điều mà Đức Phật nói về sự bắt đầu luân hồi của con người và chúng sinh: Từ nơi Chơn tâm chỉ do sự mê mờ không biết (vô minh) mà thích có được cái “thấy nghe hay biết” (vọng tâm) để phân biệt (vô minh, hành, thức), và do tâm phân biệt mà muốn có danh sắc. Thế thì từ đâu để có danh sắc? Đức Phật đã nói:
“Các ông nên biết: đất nước gió lửa, hư không, cái thấy và thức tâm gọi chung là bảy đại, tánh của nó đều là chơn tâm viên dung khắp giáp tất cả, vốn không sanh diệt. Các ông vì mê muội nên không biết”. (PHPT, khóa VI-VII trang 110).
Như vậy, phát xuất từ “tùy tâm của chúng sinh phân biệt như thế nào, thì ứng hiện như thế ấy” mà đất nước gió lửa đã tạo thành “thân tứ đại” của chúng sinh. Để rồi từ đó có lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, Đau khổ.
“Từ một thể chơn tâm không khác, vì vọng niệm phân biệt, có năng sở, bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới. Nhơn có hư không thế giới nên mới có chúng sinh. Đã có thế giới và chúng sinh lăng nhăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: tốt xấu, phải chẳng... Vì thế mà sanh ra đủ các phiền não trần lao, nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không; khác với hư không, thế giới là chúng sinh vậy”. (Trang 121).
“Tóm lại, vì ở trong tâm chúng sinh, các vọng tưởng xen nhau phát sanh, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có các cảnh vật. Bởi nhân duyên nầy mà thế giới nối nhau sanh mãi không dứt”. (PHPT, khóa VI-VII trang 124).
Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng con người, chúng sinh và vạn vật xưa kia vốn cùng chung một bản thể là từ chơn tâm, nhưng vì mê mờ không biết (vô minh) mà sinh ra có tâm phân biệt (vọng tâm) để từ đó tâm phân biệt nầy hướng dẫn chúng sinh đi vào cảnh luân hồi, vào trần thế có thân xác cấu tạo bằng tứ đại lấy phân biệt tốt xấu, thiện ác, thương ghét, ham thích, chán chê, đẹp xấu, muốn lấy, chối bỏ... làm mục đích. Nhất là với tính ham muốn (dục) và thích (ái) để rồi bằng mọi cách chiếm đoạt cho được, nên sinh ra dùng các phương tiện sát (giết), đạo (cướp đoạt) dâm hầu thỏa mãn các ham thích, ấy là ba nghiệp “nhơn”, từ nhơn nầy sinh ra “quả” tương tục nối tiếp nhau không dứt. Thế là chúng sinh vào cõi sanh tử luân hồi do nơi nghiệp quả mình đã gieo.
Những điều nầy chứng minh cho tôi biết được rằng đạo Phật đã đề cập:
“Con người được bắt nguồn từ đâu”?
Con người theo Đạo Phật không phải do nơi một đấng vô hình nào tạo ra như trong những câu chuyện thần thoại đã kể; trong các chuyện hoang đường ấy: Các vị thần hay chúa tể khi tạo con người ra rồi thì muốn sử dụng con người như thế nào thì sử dụng theo cả hai chiều thiện ác; thương thì cất nhắc lên làm lãnh tụ, lãnh đạo được cao sang quyền quý; ghét thì rủa sã, gieo tai họa xuống con người bằng thiên tai, lụt ngập, tai nạn... và nhất là vị thần ấy lại bắt con người phải phụng thờ mình và chỉ một mình mình mà thôi, dù mình vừa thiện vừa ác... Còn Đức Phật chỉ cho chúng ta biết con người cũng như vạn vật, chúng sinh đều từ trong một bản thể không sanh không diệt rất là thanh tịnh, thường còn viên dung bình đẳng với nhau khắp cả pháp giới, mười phương; bản tánh vốn là từ cõi Phật (Niết bàn, Bồ đề, Chơn như, Pháp tánh...) nhưng vì do u mê mà ra đi để khoát lên mình các “lớp áo”, các “vai trò” chơi lặn hụp triền miên trong cõi ô trược đầy phiền não. Do nơi cùng xuất xứ ấy mà Đức Phật đã nói: “Tất cả chúng sinh đều cùng có Phật tánh”, hoặc xa hơn nữa “Chúng sanh vốn đã thành Phật từ xưa tới giờ” (Kinh Viên giác, PHPT khóa VIII trang 56).
Lúc trước, tôi đã vô tình lấy câu chuyện con mối bay ra khỏi tổ, rụng cánh cắn đít dẫn nhau về tổ để được làm mối chúa. Và, sau khi đọc qua các phần Kinh Lăng Nghiêm, Viên Giác tôi mới thấy cái ví dụ ấy có lẽ là gần đúng hơn hết với tinh thần đạo Phật. Nếu ta lấy tổ mối giống như cõi thanh tịnh Niết Bàn, cõi Chơn Như thường hằng, thì mối chúa to lớn, nằm trong tổ giống như các chư Phật thành đạo đã trở về được trong tổ, còn các mối cánh lớp lớp bay ra ngoài do sự u mê giống như là chúng sinh u mê chấp vào mình bằng đôi cánh, càng bay xa thì sự trở về càng gian nan. Khi vào cuộc đời sanh tử luân hồi với các giao động đã làm cho mối rụng cánh đi, rồi cứ cắn đít dẫn nhau tìm về tổ. Mối chúa, mối cánh vẫn bình đẳng giống nhau về tính chất, cũng đều từ tổ mà ra; cho nên Đức Phật đã coi chúng sinh ra đi từ cõi Phật nên “chúng sinh vốn đã thành Phật từ xưa tới giờ” và cả Phật lẫn chúng sinh đều có tính Phật như nhau, nên Phật đã thành Phật thì chúng sinh cũng có khả năng thành Phật (Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành), Đức Phật cũng phân biệt rõ cho chúng ta qua ví dụ chúng sinh giống như quặng vàng, sự tu hành là cách thức “tôi luyện” để gạn lọc lại thành vàng y, thành Phật; khi đã là vàng y, là Phật thì không bao giờ trở lại làm quặng hay chúng sinh nữa.
Phần trên đây tôi đã chứng minh và dẫn chứng với Quý vị sự thành hình vũ trụ, thế giới, hư không và chúng sinh lẫn “nhân” tạo ra luân hồi qua các đoạn Kinh mà Phật đã giảng giải để ta có thể hiểu được con người được sinh ra từ đâu.
Còn con người chết sẽ về đâu?
Có lẽ vấn đề nầy là vấn đề mà hầu hết con người chúng ta đều thắc mắc: Khi chết chúng ta sẽ đi về đâu? Với khoa học hay người Duy vật, hoặc người chủ trương Đoạn diệt khi chết thân xác ta sẽ hết, và tinh thần cũng không còn. Chết là hết! Nhưng với những hiện tượng ma, hiện tượng báo mộng cũng khó giải thích, vì vậy mà tôn giáo hãy luôn còn là nơi nương tựa cho tinh thần, linh hồn của con người. Nếu nói rằng chết được Đấng Tối cao xét xử để đưa vào Thiên đàng hay Địa ngục thì như vậy chẳng quá ra là một sự bất công lắm ư? Thế nào để được vào Thiên đàng và tiêu chuẩn nào để đưa vào địa ngục. Và nếu người vào địa ngục biết hối cải thì linh hồn vẫn muôn đời ở địa ngục mãi hay sao? Và nếu con người được tạo ra và sống một lần để vào được Thiên đàng thì thế gian nầy làm gì có người sinh ra để tiếp nối thế giới nầy cho đến ngày nay. Có những vấn đề thật là vô lý!
Trong đạo Phật thì không như vậy. Không có một Đấng Tối cao nào xét xử, cứu giúp hay ban họa phước đến cho tâm thức người chết mà chỉ có người chết quyết định cho mình con đường mình sẽ đi mà thôi. Những điều kiện quyết định đó là nghiệp và nguyện lực. Nghiệp là tất cả những gì mình làm dù thiện hay ác trong suốt cuộc đời được lưu giữ trong cái túi gọi là “A Lại-Da-Thức” hay “Thức Thứ Tám” hay Tàng-thức (mà thế gian gọi là linh hồn) là nơi chứa mọi hạt giống “chủng tử” mình đã gặt, đã gieo (nhân). A-lại-da-thức đó vẫn trường tồn, chỉ bị phá vỡ và biến thể thành Đại Viên Cảnh Trí khi chúng sanh ấy đã thành đạo, thoát khỏi luân hồi; khi con người (chúng sinh) chết, nó rời cái thân xác đang bất động, sẽ tan rã để đi chọn một cái thân tứ đại khác đang thành hình. Ấy là sự tái sanh và từ một cái xác nầy để chuyển sang một cái xác khác là chuyển kiếp. Cái xác đó là gì trong kiếp kế tiếp? Có sáu con đường để đi tùy theo nghiệp ác hoặc nghiệp thiện trong kiếp, hay các kiếp vừa qua của mình nhiều hay ít. Ở đây có một vấn đề khác mà chúng ta cũng cần lưu ý về các hạt giống chủng tử hay nhân mà chúng ta đã gieo, đã gặt và đã bỏ vào túi A-lại-da-thức. Có loại hạt sẽ nẩy nở liền trong kiếp hiện tại đó là quả hiện tại; có loại hạt sẽ lú mầm trong kiếp sau hoặc vài kiếp sau; có loại nhân sẽ có quả trong thời gian rất dài về sau. Chính vì các hạt giống ấy cùng với nguyện lực của mình nó sẽ quyết định con đường nào mà “linh hồn” sẽ đến. Nguyện lực là gì? Là ý mình muốn, là ước nguyện một cách mãnh liệt, nhất là trong lúc sắp chết, sắp lâm chung: Mình muốn theo con cái, hoặc theo trả thù kẻ nào, hoặc muốn một cách tha thiết cái gì đó mà mình chưa thỏa mãn trong kiếp vừa qua...
Sáu con đường hay lục đạo của luân hồi là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, người và trời. Nếu nghiệp của ta nhiều sân hận thì ta sẽ đi về địa ngục; tham lam thì sẽ đi về ngạ quỷ (quỷ đói); nhiều si mê thì sẽ chọn con đường súc sanh; nhiều phước báu thì sanh về cõi trời; nhiều giận hờn nóng nảy thì về cõi A-tu-la; hoặc trở lại làm người. Còn quyến luyến, hận thù quá nặng thì chắc phải lênh đênh, vất vưỡng chưa chịu tìm con đường để đi.
Sự luân hồi ấy được thể hiện xảy ra trong ba cõi (tam giới) là cõi Dục giới: có thân xác, có ham muốn dục, lạc của thân xác; cõi sắc giới: có thân xác; và cõi trời vô sắc giới: không có thân xác.
Cõi trời vô sắc giới nầy khác với cõi của ma quỷ. Ma quỷ cũng là vô sắc giới, nhưng đó chỉ là những linh hồn lang thang, chết tức tưởi, oan ức, họ còn lưu luyến cái thân xác của họ, nhưng thân xác ấy đã không còn. Họ không tìm thân xác khác để đầu thai, chuyển kiếp, mà họ cứ mãi vất vưỡng như thế, thế gian gọi họ là “những cô hồn, các đảng”, họ cứ tới lui phá phách, hoặc thấy ai thích thì nhập vào, hoặc ai hạp thì hiện ra hù nhát, cho nên họ cần đến sự giúp đỡ của các chư Tăng nhiều đức độ để cầu nguyện, tụng niệm, chú giải hầu giúp họ được siêu thoát.
Còn đối với những người: Nhân ác kiếp nầy không tạo, nhân xấu những kiếp xa xưa đã hết, đã “nhân tròn quả mãn” thì họ sẽ là A-la-hán, Bồ tát hay Phật tùy theo công đức mà có quả vị. Họ thoát ra được ngoài tam giới, ung dung tự tại ở Niết bàn, Tâm thức không còn chướng ngại (vô ngại) mà có thể biến khắp pháp giới, nhập chung với tất cả, viên dung trong mười phương: Khi lớn thì có thể lớn cả mười phương, khi nhỏ thì nhỏ như hạt bụi vi trần hoặc đầu sợi lông như trong Kinh Viên giác Đức Phật đã thuyết:
“Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mọi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau”. (PHPT, Khóa VIII trang 52).
Hoặc trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã nói:
“Còn Ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với chơn tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. Cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện ra lớn, trong lớn hiện ra nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mãy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần, trở lại với bản tâm thanh tịnh trong suốt, nên mới được như vậy”. (PHPT, khoá VI-VII, trang 132-133).
Thế còn phương pháp cứu độ thì sao?
Đức Phật không giành độc quyền cứu độ các loài, mà Ngài đã chỉ một cách cặn kẽ phương cách tự cứu độ mình và có khả năng cứu độ người khác. Hơn 45 năm Ngài lặn lội bằng chân trần từ nơi nầy đến nơi khác, sống cuộc đời bình dị mà rao giảng, giải thích để cho mọi người hiểu và thực hành con đường tự giải thoát mình khỏi sự khổ đau, luân hồi. Tùy theo căn cơ của từng hạng chúng sanh mà Ngài nói các phương tiện khác nhau.
Sau 49 ngày Thiền định dưới cội Bồ đề, Đức Phật đã tìm ra chân lý bằng Trí Huệ (Trí Huệ ấy ai cũng có). Sau đó Ngài bắt đầu giảng về giáo pháp của Ngài. Đời của chúng sinh hay là của con người là một chuỗi dài đau khổ, Ngài đã phân tích sự khổ ấy qua phần Khổ Đế để tìm đến cái nguyên nhân (Thập nhị nhân duyên) trong phần Tập Đế, rồi đưa ra cách giải quyết chấm dứt nguyên nhân sự khổ ở phần Diệt Đế (tận diệt Ái Dục, từ bỏ luyến ái với thế giới bên ngoài, thực hiện Bát Chánh Đạo), và cuối cùng để đạt được Đạo Đế thì thực hiện Lục Độ Ba La Mật (Bố thí- Trì giới- Nhẫn nhục- Tinh tấn- Thiền định- Trí Huệ).
Với giáo pháp ấy, Ngài tùy theo căn cơ của chúng sanh mà nói, vì vậy sau nầy đệ tử của Ngài cũng tùy theo căn cơ của mình mà chọn cách tu hành. Đó là lý do có nhiều hệ phái trong đạo Phật, nhưng tất cả đều là Phật pháp. Trong Kinh Kim Cang:
“Ông Tu Bồ Đề bạch Phật: “Phật pháp đã như thế, tại sao lại có các quả Thánh hiền cao thấp khác nhau?” Phật dạy: “Vì trình độ chúng sanh có sai khác, nên có các quả Thánh hiền sai khác, chứ không phải Phật pháp có sai khác” (PHPT, khóa XII trang 58).
Ngài còn sợ khi Ngài nói giáo pháp và đã trở thành hệ thống giáo pháp khiến đệ tử của Ngài cùng chúng sanh không chú ý đến “Con đường giải thoát” mà lại lẩn quẩn nghiên cứu những gì mà Ngài đã nói, thế nên trong Kinh Lăng Nghiêm Ngài đã nhắc nhở:
“Các ông nên biết: Ta cũng như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng, các ngươi phải nhơn ngón tay mà xem mặt trăng. Nếu chấp ngón tay cho là mặt trăng, thì chẳng những không thấy được mặt trăng mà cũng không biết luôn ngón tay. Vì cho ngón tay là mặt trăng, thì không những không biết ngón tay là gì, mà cũng không biết thế nào là tối và sáng. Vì mê chấp ngón tay là mặt trăng, thì tối và sáng làm sao rõ được”. (PHPT, khóa VI-VII trang 53).
Và trong Kinh Viên giác:
“Nầy Thiện nam! Tất cả kinh giáo của Như Lai đều như ngón tay để chỉ mặt trăng Viên giác (chơn lý). Vậy các ông phải biết: Đây là ngón tay kinh giáo chớ không phải mặt trăng Viên giác. Nếu các ông chỉ cố chấp ngón tay, thì không bao giờ thấy được mặt trăng. Những người biết nhơn ngón tay kinh giáo nầy, mà nhận được mặt trăng Viên giác, thì gọi là Bồ tát lên Thánh địa, tùy thuận tánh Viên giác” (PHPT, khóa VIII trang111).
Cuối cùng, Ngài còn nhắc nhở không nên vướng mắc ở một cái gì dù đó là “chánh” hay “không chánh”:
“Phật dạy: “Nếu các ông còn chấp các tướng, hoặc chấp ‘tướng chánh pháp’ hay chấp ‘tướng phi chánh pháp’ thì cũng đều bị dính mắc nơi bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả. Bởi thế nên không được chấp ‘tướng chánh pháp’ hay ‘chấp tướng phi chánh pháp”.
Cũng vì lẽ đó, nên Như Lai thường dạy: “Các thầy Tỳ Kheo phải biết: Giáo pháp của ta cũng như chiếc đò, đưa người qua sông, các ông không nên trụ chấp nơi giáo pháp, ‘chánh pháp’ còn không nên trụ chấp huống chi là ‘phi pháp”. (PHPT khoá XII trang 53).
Do từ trong chứng nghiệm của Trí Tuệ (Trí Huệ), Đức Phật đã khám phá được Chân lý, tìm được nơi mà mình, con người chúng sanh, vạn vật đã khởi nguồn; Và muốn trở về nơi ấy để tìm lại sự an vui thanh tịnh, không còn khổ đau, thì Ngài đã xây dựng lại con đường mà Ngài đã tìm ra, đồng thời còn chỉ rõ ràng cái cách đến sao cho được an toàn không bị sai trái, lệch lạc (xem Kinh Lăng Nghiêm). Quả thật Ngài là một Đạo Sư đầy lòng nhân ái, đức độ độ cho người, giúp cho người tự cứu rỗi mình, và còn cứu rỗi cho người khác mà không phải tự xưng hay đại vọng ngữ qua đoạn sau:
“Tu Bồ Đề! Các vị Bồ Tát phải độ tất cả chúng sinh (như loài trứng, loài sanh con, loài sanh chỗ ẩm thấp, loài hóa sanh, loài có sắc, loài không sắc, loài có tưởng, loài không tưởng, loài chẳng phải có tưởng, loài chẳng phải không tưởng v..v...) đều được nhập Niết Bàn. Bồ Tát tuy độ vô lượng vô số chúng sanh như vậy, nhưng không thấy có một chúng sanh nào được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy có mình độ và chúng sanh được độ tức là Bồ Tát còn chấp bốn tướng (tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả) thì không phải là Bồ Tát”. (PHPT, khóa XII trang 33)
Thế thì bạn thấy có Đạo giáo nào hơn ?!..!
Nguyên Thảo.
Friday, March 18, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment