Saturday, March 5, 2011

Viết!

"Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý"! Cổ nhân ngày xưa đã có nhận xét thế đấy, mà quả đúng là như vậy! Viết không thể diễn tả được hết lời; những lời diễn đạt cũng chưa nói hết được cái ý mình đã nghĩ ra. Đôi khi sự trình bày còn có thể bị người khác hiểu lầm mà sinh ra nhiều cớ sự không hay.
Viết là để diễn tả những gì mà mình đã suy nghĩ, mong muốn diễn đạt đến cho người đọc thấu hiểu những điều mình muốn truyền lại bằng chữ viết qua bút mực được ghi lại trên giấy. Viết là để giải bày tâm sự, gởi gấm những kinh nghiệm, đúc kết những kiến thức mà người viết cố tình lồng vào đó. Thế cho nên viết bao giờ cũng có những mục đích của nó. Người ta không thể viết khơi khơi, viết lan man trong một thời gian dài ngắn nào đó cho một điều vô ích, ít ra là ngay chính đối với con người đã viết.
Cái mục đích viết rất là bao la. Từ một ý tưởng thiện để phổ biến tư tưởng nhằm giúp con người, cuộc sống được tốt, "gợt" bỏ bớt những điều xấu, bất thiện; xây dựng mối quan hệ trong xã hội được bền chắc, hạnh phúc hơn... Cũng nhằm trang bị cho tinh thần một quan niệm, niềm tin mà người ta mệnh danh là "Thánh thiện" (thực hiện theo đó để nhân cách con người có đủ tiêu chuẩn thiện, nhân từ, đức độ của các bậc hơn người mà người ta đã coi như là bậc Thánh). Viết cũng nhằm tìm cho mình một sự thỏa mãn, thỏa thích trong việc phổ biến những quan niệm, tư tưởng, kiến thức về xã hội cũng như khoa học,... mà mình đã khám phá ra được. Đó là những mục đích hướng thiện của sự viết. Nương nhờ vào sự viết để giúp ích cho đời, cho mọi người trong xã hội để tạo cuộc đời được tốt đẹp, công bằng, hợp lý. Viết cũng là một hình thức cầu danh, nhưng cầu danh ấy, nó có đạt được hay không tùy theo mục đích của người viết. Tuy nhiên, do những điều, nội dung viết của người viết có được nhiều người đọc chấp nhận, tán đồng, khen ngợi thì sự cầu danh đó có đến với người viết hay không? Viết cũng không đơn giản! Viết để đả kích, viết để moi móc, viết để tình hình càng thêm rối ren, viết để thỏa mãn hận thù trong lòng của mình, viết để những ngưòi đọc hiểu và ghét những người mình căm ghét, viết để tuyên truyền cho một chủ nghĩa, một thể chế chính trị,... Tất cả cũng đều là viết! Viết cũng là hình thức để trút bỏ, hoặc gieo mầm mống hận thù, đầy đủ tính chất hỉ, nộ, ái, ố của chính người viết, hay nói một cách khác đi "Văn tức là người". Đọc một bài văn, một bài thơ, một bài viết, mặc dù không ngồi đối diện với người viết, nếu người đọc tinh ý một chút sẽ có thể hiểu được tâm tính của người viết một phần nào. Họ muốn lôi cuốn độc giả vào sự hờn căm, ghét bỏ, hận thù. Họ muốn độc giả vào nhóm với họ. Những từ ngữ họ sử dụng biểu hiện được nét văn, tâm tính, con người của họ. Những từ ngữ ấy sẽ cay cú, dữ dội theo cường độ hận thù hoặc bao dung, hòa giải, tha thứ. Ngôn ngữ được sử dụng theo từng bậc thang với tâm địa, tư tưởng của họ.
Viết là sự giải bày trên trang giấy hẳn hoi. Người xưa nói: "Một lời nói nói ra, bốn ngựa khó mà đuổi theo", thì viết giống như "đinh đóng cột". Nếu đã viết, đã phổ biến thì không thể thu hồi lại được nhất là nội dung của nó đã đi vào nhận thức của những độc giả đọc được chúng rồi. Độc giả khi đọc thì cũng không đơn giản chỉ tiếp thu nội dung không thôi, mà còn kèm theo tư tưởng bình phẩm: "A! Tay nầy viết coi được đây! Có nhiều nhận xét tinh tế! Khá thiệt!". Tuy nhiên, đôi khi, có những nhận xét đau lòng: "Ồ! Tưởng gì, nó chỉ là bươi móc chứ không xây dựng chút nào. Nó viết để chửi xéo người nó ghét đó. Lòng nó đầy căm hận thành ra nó phải nói để vơi đi những ấm ức mà nó cưu mang; đồng thời nó muốn người ta chửi kẻ nó thù dùm nó. Nó cũng khôn ngoan thiệt! Nhưng rất tiếc với lời lẽ như thế đó, ngày xưa ba má nó cho nó đi học chi cho uổng, thà cho nó đi học chửi lộn ngay từ nhỏ thì hay hơn! Nó không biết đem cái học để giúp ích cho mọi người, cho đời. Nó không biết viết cái gì hay hơn sao, viết có nhiều mục đích lắm mà, viết cũng có nhiều cách lắm kia. Thế mà nó viết như vậy! Ôi! Tội nghiệp cho những thằng trí thức mất dạy!". Quả thật là đau! Đau quá đi thôi!
Cho nên cái viết trở nên quan trọng vô cùng. Viết có thể đem lại hạnh phúc cho người khác. Viết cũng còn khiến người khác học hỏi, hoặc thay đổi tâm tính, sửa đổi con người một cách êm thấm mà người ta vui vẻ, hân hoan chấp nhận. Viết cũng có thể làm cho người ta trở nên giận "đùng đùng", thiếu điều "ăn gan uống huyết" người viết được, thì người ta cũng làm. Viết như vậy, thì quả là quán quân trong nghề viết!
Viết cái gì? Tất nhiên, người muốn viết trước khi viết đã phải suy nghĩ khá nhiều: Viết cái gì đây? Viết thế nào? Văn hay thơ? Nhằm mục đích gì? Từ đó, người viết mới bắt đầu đi vào sự viết của mình, có khi họ phải tìm tài liệu, đọc ngấu nghiến trong nhiều ngày, rồi chọn, rồi nặn óc, sắp xếp chúng lại thành hệ thống. Viết xong, phải đọc lại thêm thắt, sửa chữa. Khi phổ biến ra chưa chắc được người đọc hoan nghinh. Nếu được hoan nghinh thì coi như bước đầu của sự thành danh đã có, nó chỉ còn đợi những bước kế tiếp của người viết nữa mà thôi!
Cũng có trường hợp ngoại lệ để nổi tiếng "ngang xương" như những "con người" viết những bài chửi người khác. Những bài ấy gây ồn ào trong dư luận quần chúng khá nhiều. Không phải vì giá trị, mà chính là sự moi móc, sĩ nhục người khác khiến người ta quan tâm đến giống như xem một đám chửi lộn giữa chốn đông người. Nó tạo nên ồn ào, rồi người ngoài cũng bênh bên nầy, hay bên kia. Cuối cùng một đám đông người chia rẽ, "ghìm" lẫn nhau. Đó là hậu quả, một hậu quả bi đát! Kết quả ấy là sự thành công của người viết, nhưng không biết người viết ấy làm như thế để nhằm mục đích gì? Cho mưu đồ chính trị hay cho ai? Cho phe nhóm nào? Điều ấy không đơn giản! Nhưng chắc chắn, người viết không thể không có mục đích, chủ ý. Mục đích và chủ ý đó là gì? Xem như vậy, cái viết có tác động ghê gớm thật đấy chứ! Thế cho nên người ta mới xem hình thức viết cũng là một hình thức để tuyên truyền, xách động.
Viết xuất hiện ở mọi nơi, ở trên mọi lĩnh vực kể cả thiện và ác. Viết để phục vụ cho mưu đồ từ trong tôn giáo cho đến chính trị; từ thánh thiện cho đến tội ác, âm mưu. Cái viết tùy theo tâm địa con người, tâm tốt thì cái viết trở nên có mục đích tốt, tâm địa xấu xa thì cái viết trở thành xấu xa, gây tác hại cho xã hội loài người cũng không nhỏ. Điều đó chắc chắn người viết khi cầm viết để viết, họ đã hiểu được như vậy. Thế nhưng, họ còn tiến vào con đường đó thì đó là chủ đích của họ với một âm mưu nào đó hay của tổ chức, thế lực đứng sau lưng mà họ đã làm tay sai. Người viết có khi bán linh hồn của mình để cầu miếng ăn, miếng đỉnh chung, danh vọng cũng nên. Thành thử cái viết không đơn giản chút nào! Nhưng, may mắn thay số người biết cầm viết thiếu tri thức, trình độ, ý thức, vô loại như thế đó không nhiều, cho nên tác hại chưa đến đổi quá ư là phiền phức.
Không có sự "vô duyên" nào bằng dùng ngòi bút, trình độ học vấn của mình để viết lên những bài chửi người khác mà lại bắt bao nhiêu người phải đọc. Mà độc giả cũng chưa hẳn là ngu muội để đến đổi tin vào điều hắn viết mà thiếu kiểm chứng. Đó là một sự "khinh miệt" độc giả thái quá! Khinh thường độc giả "dốt nát" nhằm lôi cuốn độc giả vào âm mưu, mục đích của chúng, kể cả người chuyển tải những bài viết ấy. Đó là một sự đồng thuận, toa rập nhầm làm "hoa mắt" độc giả để cùng nhau lôi cuốn độc giả vào sự "ngu muội" mà chúng giăng ra. Không khéo cả một tập thể bị lôi kéo vào sự xung đột triền miên, mà cái lợi cho những kẻ bên ngoài giống như "bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi" (ngao cò tranh nhau, người bắt cá được lợi) vậy!
Âu đó cũng là một bài học quý giá mà cái viết thực là chẳng đơn giản chút nào. Cái viết khiến cho chúng ta cần có nhiều suy nghĩ và đắn đo cẩn thận trước khi viết một điều gì, nhất là viết những bài để chửi người khác. Phải không anh bạn nhỉ?

Đồ Ngông,
14-12-06.

No comments:

Post a Comment