Friday, March 18, 2011

Tổng Quan Về Giáo Lý Đạo Phật.

Phần I: Nhập Thế Gian.
(Hay: Vũ Trụ Quan Trong Đạo Phật)

Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật có thuyết:
"Chơn tâm này, cũng tức tất cả pháp; tức là tâm; tức là đất, nước, gió, lửa và hư không; tức là nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý; tức là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; tức là nhãn thức giới cho đến ý thức giới; tức Tứ đế; tức Thập nhị nhân duyên; tức là Lục độ; tức là Phật và bốn đức Niết bàn. Nói tóm lại, Chơn tâm tức là tất cả Pháp thế gian và Xuất thế gian". (Phật Học Phổ Thông VI-VII, Thích Thiện Hoa, trang 138-139).
Như vậy "Chơn tâm" là đầu nguồn của mọi vấn đề, cũng là cái cuối cùng của vòng đi và đến trong toàn bộ triết thuyết Đạo Phật gồm cả Nhân sinh quan và Vũ trụ quan.
"Chơn Tâm tức là tất cả Pháp Thế gian và Xuất Thế gian".
Trước khi bàn đến Xuất Thế gian: Tức là bàn đến các vấn đề gút mắt giải thoát hay các cách, các pháp hướng về Niết bàn, thiết tưởng chúng ta cũng cần tìm hiểu về cách nào mà chúng sinh đã "Nhập" vào thế gian để phải chịu nhiều khổ đau hệ lụy, chìm đắm trong "bể khổ mênh mông".
Nhưng, đầu tiên chúng ta cũng cần nên có "Một cái nhìn" mới về Đạo Phật trong thời đại hiện tại, khi khoa học đã có nhiều tiến bộ với những bước dài về không gian, điện tử, vi tính, tin học, y khoa, vật lý, hóa học, vũ trụ... Để từ đó chúng ta có thể thấy "Đạo Giác Ngộ" (Đạo Phật) là thành tựu do phát triển tột cùng của Tâm thức con người, chúng sanh; Tâm thức ấy đã đạt được đến Chân lý, và từ Chân lý đó người ta có thể giải thích về vũ trụ, con người, chúng sanh và những hiện tượng huyền bí, kỳ diệu của cuộc sống trong thế gian nầy; chứ không như người ta đã có những khái niệm một cách bi quan về Đạo Phật như trước kia.
Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày một số điểm sau đây để chúng ta cùng lược qua:

I- Thay đổi "một cái nhìn" về Phật giáo:
- Từ xưa, người ta thường hay nhìn vào Phật giáo như là một Tôn giáo bi quan, đó là đứng trên một quan điểm thiển cận và khiếm khuyết, tự tạo cho mình cái khuyết tật về một cái nhìn, vì Đức Phật không phải nêu lên những cái khổ để rồi chúng sinh phải biết hoặc cảm nhận là mình khổ. Đức Phật nói đến các sự khổ mà chúng sinh loài người đã nhận lãnh, rồi sau đó Ngài cũng phân tích đến "nguyên nhân" của sự khổ cùng đưa ra cách "diệt khổ" và phương thức để thoát khỏi vòng khổ bằng con đường đạo: "Đạo đế". Thì như vậy, Đạo Phật không phải là "một Đạo bi quan" mà là "rất tích cực" đưa con người, chúng sinh đến "con đường vui, thoát khổ".
- Quan niệm sai lầm thứ hai: Đạo Phật không phải là Đạo riêng của những người Phật tử, mà Đạo Phật phải nói là Đạo của loài người, của mọi loài chúng sinh; là một "Đạo Giác Ngộ" của tất cả các loài có sự sống trong ba cõi (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), sáu nẻo Luân hồi (Thiên, A-Tu-La, Nhân, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh), nhằm đưa Tâm thức của các loài rời cơn "mê muội" mà trở về "Cội nguồn" bằng sự giác ngộ hầu thoát khỏi "bể khổ mênh mông".
- Đạo Phật không phải là Đạo do lòng tham ái, vinh danh của Giáo chủ sáng lập, nhằm tập hợp những con người theo đạo phải sùng bái Giáo chủ như là Thần, Thánh thay thế cho Đấng Tối Cao thần thoại nào đó; Hoặc được sản sinh do lòng tự ái của dân tộc; hay "rắp tâm" đưa dân tộc mình thực hiện mộng bá quyền bằng quyền lực Tôn giáo. Mà Đạo Phật phát sinh từ một sự từ tâm, thương yêu tất cả mọi chúng sinh và hướng dẫn đưa chúng sinh thoát khỏi các sự khổ, tìm đến được bến bờ yên vui.
Không có một chủ thuyết "Đại Đồng" nào bằng sự "đại đồng" trong Phật giáo.
- Đạo Phật sản sinh từ sự thực nghiệm, chứng thực của một con người; Con người siêu nhân đó đã dám từ bỏ sự giàu sang, phú quý để sống đời đạo hạnh, gian khổ, tìm con đường giải thoát nhằm hướng dẫn mọi loài đến con đường giác ngộ và giải thoát mà chỉ tự xưng là Đạo sư.
- Đạo Phật phát triển bằng con đường hòa bình, nhân ái, không hề dọa dẫm, dụ dổ, mua chuộc hay dùng quyền lực hoặc theo một chủ nghĩa thực dân, đế quốc nào để bành trướng trên 2,500 năm: Nhân từ để giác ngộ muôn loài.
- Đạo Phật không đưa tín đồ vào sự mê muội, tin theo. Tín đồ không phải "nhắm mắt, đờ đẩn" làm theo điều chỉ dạy và chịu những trói buộc do Giáo hội đặt ra. Đạo Phật cũng không đào tạo những con người học thức, khoa bảng mà đầu óc lại u mê, thao túng giáo hội và đầy quyền lực với tín đồ; mà những người tu hành trong đạo Phật tự mình tinh tấn trên đường tu, vừa giác ngộ cho mình (tự giác), đồng thời giúp người khác giác ngộ (giác tha).
- Giáo lý Đức Phật nói ra là những điều chứng thực trong thiền định, tĩnh tâm của Ngài, là một con đường đã được kiểm chứng. Nếu ai cũng làm như Ngài thì sẽ đạt đến mức độ như vậy, thế cho nên Ngài mới nói: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành". Đó là một sự bình đẳng "tuyệt đối" giữa Ngài và chúng sinh!
- Đức Phật thể hiện cho "một con người Thánh thiện hoàn toàn", không phải là con người có những điểm ác độc đại diện cho một "Đấng" độc ác nào đó từ thần thoại sinh ra.
- Giáo lý Đức Phật mang đầy đủ tính Triết lý nhân sinh với tính nhân bản, khai phóng; đầy đủ tính cách Tôn giáo bằng sự cứu rỗi cho mình, cho người; giải thoát khỏi sự khổ đau, tìm về cõi thanh tịnh an vui; đầy Thiện tâm với Tứ vô lượng tâm; và mang tính luận lý, khoa học, biện chứng qua các dẫn chứng, ví dụ trong kinh điển, những điều khoa học đó mà đến ngày nay khoa học tiến bộ phải công nhận là đúng.
- Các kinh điển của Phật giáo có hai công dụng: Một là tìm trong đó để hiểu, tìm thấy phương cách thực hành vì đạo Phật là đạo thực hiện con đường giải thoát chứ không phải để tin theo. Hai là lấy những điều trong kinh điển để kiểm nghiệm lại điều mình đã chứng được trong khi thực hiện để "đi đúng con đường".
- Kinh điển của Đạo Phật do Đức Phật thuyết về những cảnh giới, những hiểu biết và những đạt được để thực hành chứ không phải là những câu chuyện suông đầy tính chất hoang đường, thần thoại như "các chuyện mơ mộng, thần tiên, huyễn ảo, thiếu thực tế để mê hoặc những "đầu óc trẻ con" như một vài tôn giáo khác đã làm.
- Qua đó, Đức Phật cũng trình bày lại những chứng nghiệm, nhận thức chính mình đã đạt được, giải thích và chỉ cho chúng sinh bằng cách nào để đạt được đến mục tiêu ấy. Bởi thế, Ngài chỉ là một Đạo sư, chứ không nhân danh cho "Một Đấng Tối Cao" nào cả để vinh danh cho chính mình như người thế gian thường hay làm. Nhân cách khiêm tốn ấy khó tìm được ở bất cứ một giáo chủ hay ở một tôn giáo nào khác. Tính cách "độc tôn thần quyền" là một sự độc tài trong tâm thức, bắt buộc các tín đồ chìm đắm vào u mê, mê muội phải cúi đầu vâng theo, dù giáo chủ đang đưa đám tín đồ ấy đi vào địa ngục. Và những "thừa hành trí thức" như những tay sai mang đầy tội lỗi và ác tính, nhưng cũng không kém "bản chất mê muội" của thế gian nầy.
Đạo Phật có nhiều đặc điểm khác với các Tôn giáo khác. Vì thế, ta không thể lấy mô hình chung của các tôn giáo ấy mà nhìn, hay nhận xét về Đạo Phật. Nếu vậy, ta sẽ sa vào sự "mê lầm", điều mà Đức Phật không muốn người nào, hay chúng sinh nào phải bị như thế cả. Vì Phật là giác ngộ, "Đạo Phật" là "Đạo Giác Ngộ", đạo giúp chúng sinh xa lìa u mê để tìm về con đường giải thoát thoát khỏi sự khổ và đến cõi "an vui thường hằng".

II- Chơn Tâm và Vũ Trụ:
Trên tinh thần tìm hiểu và trao đổi, trong bài nầy chúng tôi sẽ đóng góp những điều hiểu được qua các lời giảng của Đức Phật nói về Vũ trụ và Chơn tâm.
Thành thật mà nói, chúng tôi rất thích thú về chữ Phật với cái nghĩa là "Giác Ngộ" của nó; cho nên đôi khi chúng tôi hay dùng Đạo "Giác Ngộ" thay thế cho tiếng Đạo "Phật". Vì "giác ngộ" mới nhắc nhỡ cho mình nhớ đến con đường thoát khỏi u mê, trở về với bản giác để tìm được Chơn tâm. Ai cũng có tâm thức, ai cũng có linh hồn thì tìm lại được linh hồn, tâm thức chơn thực, sáng suốt của chính mình lại chẳng là nhờ vào sự tĩnh thức, giác ngộ ấy ư?
Rồi chúng tôi nhớ lại Đức Phật Thích Ca cũng là một con người bằng da bằng thịt như thân thể của chúng tôi, của tất cả mọi người, Ngài không khác với ai cả. Ngài cao thượng hơn vì dám bỏ cung vàng điện ngọc, giàu sang phú quí, vợ đẹp con ngoan để sống đời đạo hạnh; tìm đường giải thoát mà người khác không dám làm. Ngài cũng phải vất vả tìm thầy học đạo trong thời gian sáu năm dài. Cuối cùng, Ngài tuyệt vọng trở về núi Koda "ngồi dưới gốc cây Bồ Đề mà thề rằng: "Nếu ta không thành đạo, thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này". Với chí hùng dũng cương quyết ấy, sau 49 ngày tư duy, Ngài thấu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh và chứng đạo Bồ Đề" (Phật học Phổ thông khóa I, Thích Thiện Hoa, trang 19).
Đức Phật từ con người đơn thuần như chúng ta đã chứng ngộ được phần sáng suốt của tâm linh, thấu đáo toàn vũ trụ thì chúng ta chắc chắn "phải" không khác, nếu chúng ta cũng thực hành và quyết tâm như vậy. Đó là điều mà chỉ trong đạo Phật mới có mà thôi! Qua biết bao nhiêu kinh điển, phương pháp; Đức Phật cũng chỉ nhằm hướng dẫn chúng sanh, con người thấy được con đường giải thoát cho chính mình. Ngài đã chịu khó đi nhiều nơi giảng giải cái phương pháp giải thoát, rời khỏi khổ đau ấy. Ngài khẳng định mọi người đều có khả năng "thành Phật", chỉ là trước sau do nơi ngộ trước hoặc sau mà thôi!
Thế qua sự thành đạo, Đức Phật đã nói thế nào về chơn tâm, vũ trụ và thế giới? Mời quý vị lược qua những đoạn kinh mà chúng tôi trích dẫn từ bộ Phật Học Phổ Thông (PHPT) của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa.
Để dễ hiểu, trước hết chúng tôi xin tóm lược một cách khái quát những điều mà Đức Phật đã thuyết về giai đoạn "tâm thức" của chúng sanh trước khi bước vào giai đoạn luân hồi:

Không biết tự thuở nào (vô thỉ) trong vũ trụ bao la, mênh mông, không có biên giới, ngằn mé (vô biên), có 7 yếu tố lớn (7 Đại) hòa lẫn với nhau, cùng khắp (viên dung là Hư không, Đất, Lửa, Gió, Nước, Kiến đại (kiến đại bao gồm cái thấy, nghe, hay, biết và các giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) cùng Thức tâm (tâm của các chúng sinh).
Trong thuở đó, Tâm của mỗi chúng sinh đều có tính chất tự chiếu sáng, yên lặng (tịch tịnh), không bị cản trở ngăn ngại (vô ngại), do đó muốn thân mình lớn tràn khắp vũ trụ (đồng nghĩa với hư không) cũng được, mà nhỏ như hạt bụi thật nhỏ (vi trần: Hạt bụi không thể chẻ nhỏ nữa được) cũng được; tức là muốn lớn được lớn, muốn nhỏ được nhỏ nhưng tính chất vẫn không thay đổi và không tâm thức nào cản sự trương lớn của tâm thức nào cả, và cũng không hề lẫn lộn với nhau giống như ánh sáng của những ngọn đèn đặt kế bên nhau ở trong phòng: Cùng chiếu sáng khắp phòng nhưng không lộn lạo với nhau. Chúng cũng không phân biệt, đối xử (đối đãi) với nhau, đó là điều mà Đức Phật gọi là "Bất nhị" (không hai), tức là không phân biệt ta, người, chúng sanh; không hề phân biệt tốt xấu, thiện ác, lớn nhỏ, cao thấp... mà trong triết học gọi là triết lý nhị nguyên.
Thế rồi, vì do sự không biết (vô minh) của các tâm thức về điều kiện ấy là điều tốt nhất, để rồi các tâm thức đã nảy ra sự phân biệt, đối xử khác nhau, vọng thấy (vọng tâm) thấy có ta, có người, có cái khác; và thấy có thân xác là cần thiết cho nên trong vũ trụ đã biến động lớn lao: Các thức tâm mượn các đại "đất, lửa, gió, nước" kết hợp lại tạo thành thân xác riêng tư (cho nên thân xác được Đức Phật coi là giả tạm, không phải là chính của mình, là vô thường; mà thức tâm mới là thân thật (chân thân, chân tâm), và mượn kiến đại (thấy, nghe, hay, biết, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) để làm các giác quan, các thức.
Từ đó, sự viên dung các đại không còn nữa: Cái kết hợp có hình tướng, hình thể gọi là thế giới, còn khoảng trống giữa các thế giới gọi là hư không. Cái không thuộc về thế giới, hư không thì gọi là chúng sinh. "Khi đã có sanh thì tất có diệt", do đó con người, chúng sinh có sanh ra thì sẽ lớn lên và có chết; có thân xác thì có bệnh vì vậy mà có "sanh, lão, bệnh, tử"; về vật chất thì có "sanh, trụ, dị, diệt" (sanh ra, lớn và đứng lại, biến đổi rồi mất đi); về hiện tượng thì có "thành, trụ, hoại, không" (được thành lập, tăng trưởng đến mức nào đó rồi đứng lại, và sau cùng bị tan vỡ mất đi trở về với hư không); để rồi lại biến thành một cái khác. Đó là "cái kiếp" và chuẩn bị cho một kiếp khác, khởi đầu cho "sự luân hồi".
Riêng về chúng sanh Đức Phật đã nhận thấy (qua Phật nhãn) hay nhận thức được (qua Trí huệ sau khi đắc đạo) có sáu đường (lục đạo) luân hồi, tức là có 6 loại chúng sanh: Chúng sanh ở cõi trời (Thiên), chúng sanh ở cõi của các vị Thần (A-tu-la), chúng sanh cõi làm người (Nhân), chúng sanh trong cõi loài vật (súc sanh), chúng sanh trong cõi quỷ đói (ngạ quỷ), và chúng sanh trong cõi địa ngục.
Các chúng sanh biến đổi trong vòng sáu loại đó (vòng lục đạo luân hồi) do nơi trong lúc sống đã tạo nên nghiệp từ nơi hành động của thân xác, của lời nói, của ý tưởng (thân, khẩu, ý); để rồi nghiệp nầy sẽ là "nhân" mà những kiếp về sau ta sẽ nhận "quả", tức là "nhân" đó sẽ hướng dẫn ta đến cõi chúng sanh nào thích hợp để "đầu thai" cho kiếp sau (Tốt thì đi về "cõi trời"; xấu về "địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh"; hoặc cõi "người" hay "A-tu-la").

Đại khái là như vậy, và sau đây kính mời Quý vị đi vào các đoạn kinh mà chúng tôi trích dẫn để chứng minh cho những điều ấy.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã nói: "Ai tu nấy chứng, không thể thay thế cho nhau được" (Trang 36, PHPT khóa VI, VII). Vì sao? Vì mỗi chúng sanh, mỗi con người có nghiệp quả riêng; chỉ có chúng sanh, người đó mới trả được cái nghiệp của mình đã tạo ra mà thôi! Người khác không thể thay thế được! Còn sự chứng quả được thực hành qua những đường tu. Tuy nhiên, đường tu ấy được đặt trên căn bản nào? "Căn bản của sanh tử, luân hồi là vọng tâm và căn bản của Bồ Đề, Niết Bàn là Chơn Tâm" (Trang 32, PHPT khóa VI, VII). Như vậy có hai cái Tâm: Chơn Tâm và Vọng Tâm; Nếu về với chơn tâm sẽ đạt được Đạo quả, thành bậc giác ngộ; còn đi vào con đường vọng tâm thì không thể thoát khỏi luân hồi, sanh tử; tức là không thể thành đạt được đạo Bồ Đề Vô Thượng; không thể thành Phật. Từ trong Chơn tâm, chúng sanh đã "vọng tưởng" để rồi có tâm phân biệt, vọng thấy (vọng tâm): Đó là sự vô minh đã khiến chúng sanh bước vào đường sanh tử, luân hồi. Rồi từ kiếp nầy tạo nghiệp; để kiếp kế vừa trả nghiệp, lại vừa tạo nghiệp mới; và rồi cứ tạo nghiệp, trả nghiệp liên tục tiếp nối nhau không biết bao giờ chấm dứt... Chơn tâm là bản tâm của mọi vật, mọi chúng sanh, trong đó tâm thức của mỗi chúng sanh giống như những ngọn đèn:

"Thí như trăm ngàn ngọn đèn, đồng đốt trong một căn nhà, ánh sáng của mỗi ngọn đèn tuy đều chiếu khắp cả nhà, nhưng không có lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau" (Kinh Viên Giác, PHPT khóa VIII, trang 51-52); và tâm thức đều có những đặc điểm của Chơn tâm là thường hằng, "vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới" (Lăng Nghiêm, PHPT khóa VI, VII trang 235).

Thế cho nên, khi Đức Phật thành đạo đã nói:

"Còn ta (Phật) thì trái với vọng trần, hiệp với Chơn tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới. cho nên ta mới được tự tại vô ngại: Ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần nên mới được như vậy". (Lăng Nghiêm, PHPT khóa VI, VII trang 132-133).

Trong đoạn nầy Đức Phật khiến cho ta khó hiểu và đưa ta đến những "phép mầu" mà ta cũng khó có thể tưởng tượng được. Nhưng nếu chúng ta để ý một chút thì chúng ta cũng có thể hiểu được một phần nào, vì Đức Phật muốn nói về cái Chơn tâm, và cái bản thể của Chơn tâm có những đặc điểm mầu nhiệm như thế đó; còn con người, chúng sanh do vì "Vô Minh" mà đã từ bỏ bản thể mầu nhiệm ấy, để đi vào vòng luân hồi, sanh tử khổ đau. Con người tu hành đạt được đạo quả thì sẽ trở về với Chơn tâm thường trụ, bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới vì có thân "tự tại, vô ngại" không có gì ngăn cản, vướng mắc; tâm thức hòa vào (viên dung) với hư không. Vì không có thân xác nên không bị kiềm hãm gò bó trong thân xác; hay nói theo Duy Thức là "cái túi- A Lại Da Thức" đã bị phá vỡ và tâm thức rộng khắp theo cùng hư không trong cảnh Đại Viên Cảnh Trí. Tâm thức lúc ấy giống như là ánh sáng của ngọn đèn cùng đốt trong một căn phòng với biết bao nhiêu ngọn đèn khác, có ta có người, cùng như nhau không khác. Thế cho nên, trong ta có người và trong người cũng có ta tức là "ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một". Và tại sao lại là: "trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ", hay "trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân"? Điều nầy nếu vào những thời gian xa xưa rất khó giải thích cho người khác hiểu được (có lẽ vì vậy mà trong kinh điển thường có câu "bất khả tư nghì" hay "không thể nghĩ bàn"). Nhưng ở vào thời đại hiện nay với những kỹ thuật làm phim hay vi tính ta có thể dễ hiểu một phần nào: Quý vị thử tưởng tượng chúng ta đang ngồi xem phim hay trước màn ảnh vi tính, trên màn ảnh chúng ta đang xem cảnh sinh hoạt của một người, rồi ống kính thu hình cho hình xa dần lấy toàn cảnh từ con người đến nhà cửa, đồng quê, núi non rồi xa hơn nữa là xứ sở của họ; rồi tới trái đất, trong thái dương hệ, giải Ngân Hà; rồi cảnh vũ trụ với nhiều hình dáng các Thiên Hà khác, nhiều và nhiều nữa... Chúng ta ngồi bên ngoài quan sát giống như các Đức Phật đang quan sát toàn cảnh trong các cõi nước vậy.
Và khi, trên màn ảnh chiếu các Thiên Hà ấy được thu tóm lại trong một bong bóng hình cầu và bóng cầu đó nhỏ dần, nhỏ dần thành một chấm điểm rồi biến mất trên màn ảnh, điều ấy giống như Đức Phật thu nhỏ đi toàn thể thế giới cùng mình đi vào "ngồi trong hạt bụi vi trần" với đầy đủ các cõi nước, và trong đó Đức Phật đang hành đạo: "Chuyển đại pháp luân". Tại sao như thế? Vì Đức Phật đã được "thân tự tại vô ngại" hòa cùng hư không vô tận, cho nên "không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận". Đó là sự mầu nhiệm hay sự thành đạt của người tu hành đạt được đạo Vô Thượng Bồ Đề "Vì ta diệt hết vọng trần nên mới được như vậy".
Tóm lại, khi một chúng sanh tu đặng đạo Bồ Đề đều được trở về với Chơn Tâm, hòa vào cõi Chơn Như, có thân vô ngại không bị cản trở, tràn đầy hư không pháp giới cũng như bao nhiêu vị Phật khác trong quá khứ, hiện tại và kể cả tương lai. Nhưng mỗi vị giống như ánh sáng của các ngọn đèn "đặt kế bên nhau, cùng chiếu sáng hư không, nhưng không hề lộn lạo hay lấn diệt lẫn nhau".
Đó là điều mà Đức Phật đã gọi là "viên dung". Và cá thể của mỗi chúng sanh trước khi bị "Vô Minh" để rời Chơn Tâm mà trở thành sanh tử luân hồi cũng là như thế.
Quý vị đọc các đoạn sau sẽ thấy được điều ấy:
"Thấy, nghe, hay, biết, sáu giác quan kể là một, cùng với hư không và bốn đại thành ra 6 đại, tánh nó viên dung vốn không lay động đồng một thể chơn tâm, không sanh không diệt, thế gian vì mê lầm không biết sanh tâm phân biệt, chấp cho nhân duyên sanh hoặc tự nhiên có đều không đúng cả" (Lăng Nghiêm, PHPT VI, VII trang 110).

Như vậy, cái thấy cùng tứ đại, thức tâm đều viên dung, viên mãn (tràn đầy) khắp cả hư không mà trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói về hư không như sau:

"Hư không pháp giới tính bình đẳng" (HN 3, trang 342);
"Hư không cùng khắp vậy" (HN 3, trang 402);
"Vì hư không giới không biên tế" (HN 3, trang 418);
"Chư Phật tử! Ví như hư không, tất cả thế giới hoặc thành hoặc hoại, hư không thường chẳng thêm bớt, vì hư không vốn vô sanh" (HN 3, trang 423);

Phổ Hiền Bồ Tát đã bảo với Thiện Tài như sau:
"Cõi hư không kia hết, sự lễ kính của tôi mới hết. Nhưng cõi hư không chẳng cùng tận nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận" (HN 4, trang 822);

"Như hư không là chỗ nương dựa của tất cả vật, mà hư không không chỗ nương dựa" (HN 3, trang 397).

Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng: Tứ đại, thức tâm, cái thấy viên dung khắp cả trong hư không vô tận, chúng đều có tính bình đẳng, không sanh không diệt, vô biên tế, tịch tịnh không lay động để thành Chơn Tâm và luôn được sáng suốt chiếu soi ("Tánh giác diệu minh, bản giác minh diệu"- Lăng Nghiêm, PHPT khóa VI-VII trang 119).
Theo như trên thì hư không là thể bao quát rộng vô biên, không có giới hạn nào cả, cũng là vô sanh, đã không sanh thì không diệt; và trong hư không ấy viên dung cả 4 đại (Đất, lửa, gió, nước), thức tâm và kiến đại (cái thấy) mà tánh của chúng đều là Chơn Tâm.
Nhưng vì do Vô Minh, tức là sự không thấu hiểu biết rõ, mê muội nên thức tâm của chúng sanh đã mượn tứ đại để kết hợp thành thân xác; kiến đại (thấy, nghe, hay, biết và 6 thức làm nhận thức cho mình, cho các giác quan: nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý); và thức tâm bị trói buộc trong hai thức mà Duy Thức Học gọi là Mạt Na Thức (Ý thức cho riêng về Cái Ngã hay thức Thứ Bảy), và A Lại Da Thức (Tàng Thức hay Thức Thứ Tám như một cái túi chứa đựng mọi hạt nhân thiện, ác, hay vô ký) bắt đầu cho cuộc sanh tử, luân hồi triền miên...!
Vô Minh đó là gì? Trong Từ Điển Phật Học Hán Việt của Viện Nghiên Cứu Phật Học của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thì:
"Vô Minh là Avidya (Thuật ngữ) tiếng Phạn là A Vĩ Nễ. Chỉ cái tâm ám độn, không chiếu rọi được rõ ràng sự lý của các pháp. Là tên khác của Si".

Nhưng trong Kinh Viên Giác, Đức Phật có nói:

"Vậy Vô Minh là gì? Nầy Thiện nam, tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, bị nhiều món điên đảo làm mê mờ tánh "Viên giác", như người lạc đường, lầm lộn bốn phương. Điên đảo vọng hiện ra thân và tâm, rồi lầm nhận thân tứ đại giả hợp này làm thân mình, chấp cái vọng niệm sanh diệt, theo bóng dáng của sáu trần cho là thật tâm của mình" (Kinh Viên Giác, PHPT khóa VIII, trang16); và:

"Nầy Thiện Nam! Cái "Vô Minh" này không có thực thể (thật vật). Như người ngủ chiêm bao, thấy các cảnh vật, đến khi thức rồi, thì cảnh vật kia không còn" (Trang 17, Kinh Viên Giác, PHPT khóa VIII).

Còn ở Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật thuyết:

"Từ một thể chơn tâm không khác, vì vọng niệm phân biệt, có năng sở, bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không và thế giới" (trang 121, PHPT khóa VI, VII).

Như vậy, Vô Minh chính là sự không hiểu được sự, lý của pháp, cho nên thức tâm từ trong tánh chơn tâm đã có vọng niệm và phân biệt năng sở, bỉ thử nên nó đã là đầu nguồn cho "Thập nhị nhân duyên" để từ đó bắt đầu cho "vòng sanh tử luân hồi".
Đức Phật thuyết tiếp:

"Nhơn có hư không thế giới nên mới có chúng sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi nhau, nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: Tốt, xấu, phải chẳng v..v...Vì thế mà sanh ra đủ các phiền não trần lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới, cái không hình tướng và yên tịnh là hư không, khác với hư không, thế giới là chúng sanh vậy" (Kinh Lăng Nghiêm khóa VI, VII trang 121).

Và trong một đoạn sau đó Đức Phật lại kể rõ hơn:

"Này ông Phú Lâu Na, thế giới, chúng sanh và nghiệp quả ba món tương tục này đều ở trong chơn tâm, vì vô minh vọng động sanh ra "năng phân biệt" và "sở phân biệt" tương đới, nên vọng thấy có sơn hà đại địa, thế giới và chúng sanh, rồi tiếp tục sanh hóa, vô cùng hư vọng" (Trang 127, PHPT khóa VI, VII).

Những điều nầy cho chúng ta có thể hiểu rằng:
Hư không là căn bản của tất cả, nó vô sanh tức không bị diệt. Hư không bao la không biên tế (không biên giới, vô biên). Trong hư không viên dung tứ đại (đất, lửa. gió, nước); kiến đại (thấy, nghe, hay, biết, 6 giác quan: nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý); và thức tâm (của mọi chúng sanh). Tánh của bảy đại nầy đều là chơn tâm. Nhưng vì vô minh, nên thức tâm của mọi chúng sanh đã phát khởi vọng tâm và có tâm phân biệt: năng sở, bỉ thử...Vì thế thức tâm đã mượn tứ đại kết hợp thành thân xác và kiến đại để tạo thành các giác quan và thấy, nghe, hay, biết. Từ đó mọi chúng sanh thành hình; các cái có hình tướng, sanh diệt là thế giới, và cái khoảng trống ở giữa không có hình tướng và yên tịnh là hư không.
Đó là các giai đoạn thành hình thế giới, hư không và chúng sanh.
Ngoài ra trong Kinh Hoa Nghiêm ở phẩm "Thế giới thành tựu", Đức Phật đã nói đến sự thành hình các thế giới. Chúng ta thử lược qua để hiểu Đức Phật sau thời gian tu tập và thành đạo Ngài đã nhận thức như thế nào trong thời gian hơn 2500 năm qua; và từ đó chúng ta có thể thấy được giá trị tâm thức của chính chúng ta nếu chúng ta cũng thành được đạo quả như Đức Phật đã thành.

Khởi đầu phẩm "Thế giới thành tựu" Kinh Hoa Nghiêm viết:

"Lúc bấy giờ Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát do thần lực của Phật quán sát tất cả thế giới hải, tất cả chúng sanh hải, tất cả chư Phật hải, tất cả pháp giới hải, tất cả chúng sanh nghiệp hải, tất cả chúng sanh căn dục hải, tất cả chư Phật pháp luân hải, tất cả tam thế hải, tất cả Như Lai nguyện lực hải, tất cả Như Lai thần biến hải". (Trang 227, tập 1)

Sau đó ở trang 233 có ghi:

"Lúc đó Phổ Hiền Bồ Tát bảo đại chúng rằng: Chư Phật tử! Thế giới hải có mười việc mà chư Phật trong ba thuở quá khứ, hiện tại, vị lai đã nói, hiện nói và sẽ nói.
Những gì là mười?
Chính là nhơn duyên khởi thế giới hải, chỗ nương trụ của thế giới hải, hình trạng của thế giới hải, thể tánh của thế giới hải, sự trang nghiêm của thế giới hải, sự thanh tịnh của thế giới hải. Phật xuất hiện nơi thế giới hải, kiếp trụ của thế giới hải, kiếp chuyển biến sai biệt của thế giới hải, môn vô sai biệt của thế giới hải."


Và rồi, Phổ Hiền Bồ Tát đề cập giải thích đến từng điểm một của mười điều ấy, trong đó điểm thứ ba "hình trạng của thế giới hải" (trang 240) khiến ta để ý đến. Nói về hình trạng của các thế giới hải, Phổ Hiền Bồ Tát cho biết hình trạng có tể‹ là: Hình vuông, tròn, hoặc chẳng phải tròn vuông, hoặc hình như nước xoáy, hoặc hình như núi, hình như cây, hình như bông, hình như cung điện, hình như chúng sanh, hình như Phật, có thế giới vi trần số hình sai khác như vậy.
Khoa học đã tìm thấy các thiên hà (thế giới hải?) hình nước xoáy hoặc khác nhau và ánh sáng của chúng cũng khác nhau, khiến ta liên tưởng đến điểm "sự trang nghiêm của thế giới hải" (Trang 224-225). Đó là chưa nói đến "Chỗ nương trụ của thế giới hải" và các điểm khác mà Phổ Hiền Bồ Tát đã đề cập đến.
Có điều Đức Phật đã nói đến tánh không của thức tâm mà chúng ta thường hiểu qua từ ngữ "tâm không", chính vì tánh "hư không" đó mà chúng sanh khi thành Phật mới nương "Hư không" để có thân thật lớn "thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận" hoặc hoặc thật nhỏ "ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân" mà không bị ngăn ngại nào cả.
Đức Phật đã nói tánh không ấy trong Kinh "Đại Bát Niết Bàn" như sau:

"Này Thiện nam tử! Vừa rồi ông hỏi cớ chi đức Như Lai dựa nằm chẳng ngồi dậy, chẳng đòi uống ăn, chẳng dặn bảo quyến thuộc coi sóc sản nghiệp.
Này Thiện nam tử! Tánh hư không cũng chẳng ngồi dậy, chẳng đòi uống ăn, chẳng dặn bảo quyến thuộc coi sóc sản nghiệp, cũng không đi, không lại, không sanh diệt, không già trẻ, không mọc lặn, hư bể, giải thoát, ràng buộc, cũng không nói mình, nói người, cũng không hiểu mình hiểu người, chẳng phải ăn, chẳng phải bịnh."
(Trang 385, tập 1)

Và trong tập 2, Kinh Đại Bát Niết Bàn trang 247 có ghi:

"Này Thiện nam tử! Tất cả các pháp vốn không có tánh, do nghĩa này nên ta nói kệ rằng:
Trước không nay có
Trước có nay không
Ba đời có pháp
Không có lẽ đó
Này Thiện nam tử! Tất cả pháp do nhơn duyên mà sanh cũng do nhơn duyên mà diệt.
Nếu chúng sanh có Phật tánh, thời tất cả chúng sanh lẽ ra có thân Phật như ta hôm nay.
Phật tánh của chúng sanh chẳng hư, chẳng hoại, chẳng bị kéo, bị bắt, chẳng bị trói, bị buộc. Như trong chúng sanh có hư không, vì tất cả chúng sanh đều có hư không chẳng chướng ngại, chúng sanh đều chẳng tự thấy mình có hư không này. Giả sử nếu chúng sanh chẳng có hư không thời không có những sự đến, đi, đứng, ngồi, nằm, chẳng sống chẳng lớn. Do nghĩa này nên trong kinh ta nói tất cả chúng sanh đều có hư không giới, hư không giới đây gọi là hư không. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy. Bực Thập trụ Bồ tát thấy được phần ít như châu kim cương."


Để kết luận phần nầy, qua các đoạn kinh mà chúng tôi đã cố gắng trích dẫn nhằm giúp chúng ta có thể hiểu được tương đối dễ hơn về phần vũ trụ quan trong Đạo Phật, cũng như tánh chất của thức tâm của chúng sanh trước khi bị Vô minh lôi cuốn vào vòng sanh, tử luân hồi, tức là trước khi "Nhập vào thế gian"; Và nếu, chúng sanh biết tu, tu đúng hướng thì cũng sẽ đạt đến sự giải thoát, thoát khỏi vòng sanh tử để trở về với Chơn tâm bất sanh bất diệt, tự sáng suốt chiếu soi.... Đó là giai đoạn "Xuất thế gian" vậy!

Nguyên Thảo.

No comments:

Post a Comment