* Chủ Nghĩa Đại Đồng!
Làm cuộc sống con người
trong trần thế đã chịu nhiều thứ đau khổ: Từ đau khổ thân xác “Sinh, lão, bệnh,
tử” đến những đau khổ khác do những ham muốn tiền, tài, danh vọng lại thêm đau
khổ do những phe nhóm tranh giành lẫn nhau khiến cho con người lại càng đau khổ
hơn nữa, và nhất là cái cảnh “người bốc lột người”. Những nhà tư tưởng có thể họ
đã nghĩ rằng: Cùng đều là làm con người được sinh sống trên thế gian mà sao họ
lại chẳng chịu giúp đỡ để được tồn tại mà lại phải áp bức, bốc lột, tàn sát lẫn
nhau, như thế đâu phải là con người có tư tưởng và suy nghĩ nữa. Thế từ đó những
nhà xã hội được ra đời và chủ thuyết xã hội cũng thành hình. Các nhà xã hội những
mong đem đến cho xã hội, cống hiến cho con người phương cách cải thiện nếp sống
trong xã hội để mọi người có được nếp sống tốt đẹp, công bình, bình đẳng hơn
trong cuộc sống. Nhất là đều cùng là loài người sống trên cùng một hành tinh không
kể đến chủng tộc trắng, vàng, đen, đỏ hay bất kỳ xứ sở, hoặc sác dân nào. Đó là
tư tưởng của chủ nghĩa “Đại Đồng”.
Về tư tưởng này được
ghi lại bằng tài liệu và sách vở có lẽ chỉ có hai người: Phương Đông có ông Khổng
Tử của nền triết học Trung Hoa và Phương Tây đề cập đến vấn đề ấy thì có ông
Karl Marx.
Ngày xưa trong thời “Xuân
Thu Chiến Quốc” ở bên Tàu, cũng vì sự tranh giành quyền hành lấn chiếm đất đai,
muốn lấy của người làm của mình khiến cho tình hình trở nên loạn lạc, dân chúng
điêu linh, đời trở nên càng đau khổ hơn thêm. Trong tình trạng ấy, ông Lão Tử
chiêm nghiệm trên tư tưởng triết học, nghiền ngẫm trong triết lý nhân sinh, ông
thấy đó chỉ là một sự tự nhiên; nếu con người sống tự nhiên, không tham vọng, đầy
ước muốn thì thế giới nầy đâu phải sửa đổi mà cuộc sống vẫn được an bình. Còn
Ngài Khổng Tử thấy rằng con người đầy tham vọng, muốn chiếm hữu mà quên đi những
nhiệm vụ, bổn phận của mình trong xã hội mà thành ra thế cuộc điên đảo, loạn ly
cho nên ông ra công khảo cứu, san định lại những tư tưởng xưa cũ để thành ra lý
thuyết của Nho giáo: Nhằm giúp cho mọi người trong xã hội, quốc gia hiểu được từng
nhiệm vụ và bổn phận của mình để làm giềng mối thực hành thì thế giới sẽ được
an bình. Từ cá nhân, đến xã hội từ người con cho đến cha mẹ, từ dân chúng cho đến
những người thay mệnh trời để hành đạo thì xã hội sẽ không còn rối loạn mà tiến
đến xã hội loài người sẽ chung sống hòa bình trong một thế giới “Đại Đồng”. Ước
mơ ấy là ước mơ của một triết nhân ngày xưa!
Đến thời cận đại, ông
Karl Marx sau khi nghiên cứu những tiến trình của xã hội, tham khảo khoa học,
triết thuyết, kinh tế, nghiên cứu về tôn giáo, thần học với khoa học… rồi ông
ra công gom góp những tinh hoa của nhân loại đẩy mạnh những tinh hoa ấy lên mức
độ “tận cùng” của nó chẳng hạn như tư tưởng khoa học và duy vật để thay thế cho
thần học mà hệ thống nhà thờ đã khống chế toàn bộ xã hội lẫn chính trị ở Âu châu
trong thời gian lâu dài và đã đưa Âu châu vào “thời kỳ tăm tối” (đó là lý do
quan niệm nhà thờ chỉ là những người không lao động mà hưởng đầy quyền lực; hay
các tôn giáo nầy làm cho tín đồ ghiền đạo giống như ghiền á phiện); kinh tế từ
cá thể tiến lên tập đoàn rồi đến tư bản sang đế quốc và sẽ tiến đến cộng sản;
biện chứng pháp duy tâm Hegel đem áp dụng vào duy vật biện chứng để rồi Marx sản
sinh ra “Chủ Nghĩa Cộng Sản” nhằm mục đích cuối cùng là tiến đến một xã hội công
bình, khoa học và thực hiện một xã hội “Đại Đồng” cho nhân loại. Trên lý thuyết
thì thật là một xã hội tốt đẹp, hoàn hảo. Nhưng về sự thực hiện thì có rất nhiều
cam go, và thực tế thì có khá nhiều máu, nước mắt và khốn khổ. Đồng thời chủ
nghĩa nầy hiện nay đã gặp phải “chủ nghĩa dân tộc” cực đoan, tức là “dân tộc của
ta phải làm bá chủ thiên hạ” trong thử thách tinh thần của một xã hội Đại Đồng!
Còn đường lối Đại Đồng
trong tôn giáo chỉ là một sự o ép, thủ đoạn lôi kéo người vào đạo của mình để rồi
“nhốt” họ lại và lừa thêm hay bắt buộc những người khác phải vào đạo, và cuối cùng
chỉ còn người của tôn giáo của mình không thôi, để tôn giáo mình tha hồ thao túng.
Đám lãnh đạo sống được phụng sự và phụng thờ như những bậc thần thánh, trưởng
thượng. Đó là điều mà chúng ta cũng cần có nhiều suy ngẫm.
Riêng đạo Phật cũng có
đề cập đến một xã hội “Bất nhị” (Đại Đồng) chỉ có một mà không có phân biệt là
hai, thoát ra ngoài tam giới (thoát khỏi vòng luân hồi), nhưng với điều kiện phải
là “Vô Ngã” tức là cái Ta cũng như mọi người, mọi vật. Mọi vật cũng là Ta. Tại
sao? Vì khi cái Ta còn thì cái của Ta phải là trước và trên hết cũng như: Ta phải
hơn, sướng… hơn mọi người, dân tộc ta phải là bá chủ hay đạo của ta hơn hẳn các
đạo khác chẳng hạn.
Chủ nghĩa Marx lẫn cá
nhân trong cuộc đời nầy đang bị lôi cuốn bỡi vì “Cái Ta” và “Cái Của Ta”. Cho nên
chủ nghĩa “Đại Đồng” chỉ là một ảo tưởng nếu không diệt được cái tư tưởng “Ngã”
của chính mình!
Đồ Ngông,
02/08/2012.
No comments:
Post a Comment