Monday, May 9, 2016

*Giai Cấp Lãnh Đạo!

*Tào Lao Thế Sự! (tt)


Người xưa đã nói: “Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa thì quét lá đa”, mấy lúc gần đây người nay lại bàn câu ấy nói thế mà không đúng lắm, vì sãi đi tu ở trong chùa làm gì có con mà quét lá đa. Nói thế là người ta quên đi sự hướng thiện của con người. Trong Đạo Phật ai cũng có thể tu được cả dù là trẻ hay già, dù có gia đình hay chưa có gia đình: Khi mà người ta hiểu thấu ý nghĩa cuộc sống trong cuộc đời, hay lắm lúc người ta nhàm chán cuộc sống, hoặc một nhân duyên nào đó làm cho người ta ngộ ra được chân lý người ta vẫn có thể tu, thì những đứa con có từ trước vẫn là “con sãi ở chùa”. Chùa, đình, miễu ngày xưa thường được xây dựng gần những cây đa, hay trồng các cây đa ở quanh chùa nên mới có “con sãi ở chùa thì quét lá đa” có nghĩa là “quét dọn sạch sẽ quanh chùa”. Ôi, người xưa đâu có sai! Còn ngày nay, đạo Phật được thành lập thành một hệ thống hẳn hoi, có giáo hội, có các ban tổ chức, có học viện để giúp những người đi tu hiểu đạo hơn, có ban hoằng pháp để truyền bá cho người nào muốn hiểu đạo thì biết rõ về chân lý đạo mà mình đi theo thì lại càng hay hơn. Và những ai muốn tu thì phải thực hành những giới đã được đề ra trong đó có giới “không lập gia đình” nên người nay cứ nghĩ như vậy mà cho rằng “câu nói ngày xưa không đúng”. Đó là những ý nghĩ quanh vế thứ hai của câu ca dao đã từ lâu lưu truyền trong dân gian.
Còn vế thứ nhất của câu thơ lục bát ấy là “Con vua thì được làm vua” thì đã rõ ràng: Vì câu ca dao đó xuất hiện trong thời đại phong kiến, thời đại có vua chúa và truyền thừa bằng hình thức “cha truyền con nối” nên nó phải có cái nhìn của thời đại thì điều quảng diễn trong câu ca dao không hề bị sai. Tóm lại, người ta bình phẩm chẳng qua là để vui chơi, chứ đứng vào thời đại thì tinh thần của câu ca dao ấy chẳng hề sai!
Đó là nói về chuyện câu ca dao, còn nói về chuyện “thiên hạ sự” thì lắm chuyện để bàn. Người ta có thể bàn đến chuyện những thời kỳ đầu của con người, khi mà người ta khởi sự từ một người đàn ông và một người đàn bà ăn ở với nhau để có nên con cái: “Chuyện đó ông tính đi, hay bà tính đi” để rồi thì “ông quyết định đi, ông mạnh mẽ mà” hay “ông là đàn ông” thế là vai trò lãnh đạo được giao cho một người, người ấy là ông chồng. Đến khi vì nhu cầu lớn hơn liên hệ đến nhiều gia đình, nếu cùng một huyết thống là “dòng tộc, họ hàng, bộ tộc”, nếu là “người dưng” thì nó trở nên “bầy, đàn” (nói theo kiểu sơ khai còn có nét con vật) hay “bộ lạc, làng xóm” (theo kiểu tiến bộ văn minh hơn) thì người ta vẫn chọn một người nào đó, hay vài người để nắm quyền lãnh đạo gọi là “ban lãnh đạo” để giúp một tập thể có thể làm, thực hiện những công việc lợi ích chung cho mọi người. Do đó sự thành hình của lãnh đạo được ra đời. Những người lãnh đạo được bầu trước vì lý do già yếu hay bị chết đi, thì thường con cái được cử lên thay thế thành ra bắt đầu cho hình thức “cha truyền con nối” về sau. Nếu ai đã từng đọc các truyện “lịch sử truyền kỳ” của Tàu như Tam Quốc, Đông Châu Liệt Quốc, Phong Thần, Tam Hạ Nam Đường, vân..vân… thì lại còn thấy ra cái triết lý lãnh đạo của các vị vua chúa theo đạo Khổng nữa: Đó là thuyết “Thiên Mệnh”, người có Thiên Mệnh làm vua thì được những quý tướng, khi sinh ra thì đã có điềm lành báo về sau là vua, “Thế Thiên Hành Đạo”; còn triều đại nào suy vong thì đã có “điềm trời đã báo” để “lập nên một triều đại” khác. Rồi triều đại nào cũng vậy: Những lúc đầu hưng thịnh, cách cai trị theo lòng dân; đến thời kỳ giữa không theo lòng dân nữa mà theo ý vua để rồi vào giai đoạn cuối là nghịch ý dân, vua ăn chơi, hoang dâm vô độ, thời kỳ suy đồi để rồi một cá nhân khác “thuận theo lòng trời” mà nổi lên để làm một cuộc “cách mạng” với những cận thần, người phụ giúp xây dựng triều đại mới. Rồi giai cấp lãnh đạo cũng vẫn là “Cha truyền con nối”. Đó là “Thời đại phong kiến”, đã được coi là đã qua từ lâu!
Đến giai đoạn lịch sử thời Cận đại của Thế giới, từ khi cuộc cách mạng 1789 ở Pháp bùng nỗ, thế giới dần đi vào giai đoạn chính trị khác, các chính thể vua chúa thời phong kiến dần chấm dứt hoặc biến thể qua chế độ “Quân Chủ Lập Hiến” vua chúa chỉ là hư danh, đứng đại diện cho quốc gia mà không có thực quyền; quyền hành đưa về cho những vị được dân cử để điều hành đất nước. Hoặc ở các nước dân chủ, người dân đi bầu trong những cuộc phổ thông đầu phiếu, chọn người đại diện cho mình vào những cơ quan điều hành nhà nước trong thời hạn bao lâu sẽ bầu cử lại. Từ lúc ấy sự “cha truyền con nối” không còn được tiếp tục nữa, trừ khi uy tín tài năng của người cha ảnh hưởng lên người con và ngay chính bản thân của người con cũng phải có khả năng để được dân chúng chọn làm người lãnh đạo, thì như vậy “đâu có phải là cha truyền con nối”.
Và còn một trường phái khác thuộc về xã hội, người ta đã nhìn về những sự bất công giữa những con người, những tầng lớp xã hội ở những hình thức sản xuất, lẫn khởi nguồn cùng cách hành xử của tôn giáo trong lịch sử… để sản sinh ra một hình thức chính trị khác nhằm đưa loài người đến cuộc sống sung sướng, hạnh phúc trong cùng một thế giới và tạo thành một Thiên Đàng trên Hạ Giới chứ không cần tìm ở đâu xa như trong các tôn giáo đã tưởng tượng. Thế là một cuộc đấu tranh giai cấp, một cuộc rút ngắn vĩ đại để tiến đến mục tiêu: Một cuộc lật đổ từng phần cho đến toàn cầu, một sự tập trung hoàn thành với những cuộc tuyên truyền không ngừng nghỉ, những giải pháp một chiều để kết thúc một sớm một chiều. Mọi sự chống đối hay ngược lại đều bị “đập tan” và “giai cấp lãnh đạo” được ra đời với đúng nghĩa của nó.
“Giai cấp lãnh đạo” là gì? Tức là những người nằm trong, hay thuộc về giai cấp ấy mới được cất nhắc lên hàng lãnh đạo. Họ phải thuộc hàng lý lịch tốt, có khi đến cả ba đời; phải được kinh qua những trường lớp lý luận, phải được đào tạo để không trở thành kẻ phản phúc như một nhà làm cách mạng thế giới đã nói: “Dù người của mình có dốt nát, không tốt thì cũng vẫn sử dụng, qua thời gian sẽ đào tạo tốt hơn; không lẽ chúng ta không sử dụng người của mình, lại đi sử dụng người của kẻ địch để đến một ngày nào đó chúng có thế lực mà lật lại, vậy chúng ta ngày nay làm một cuộc cách mạng để làm gì?”. Đó là tiêu chí để bảo vệ thành quả mà người ta đã đạt được.
Trong những lúc gần đây người ta hay đề cập đến câu ca dao: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét là đa”, không biết đó là những hình thức “nói chuyện để chơi” hay người ta đề cập đến những chuyện lịch sử trong quá khứ mà ngày nay không mấy còn tồn tại, vì người dân bao giờ cũng được mọi chính phủ lẫn nhà nước nâng lên hàng chính yếu: “Dân là thành phần quan trọng nhất trong mọi quốc gia, và mọi chính phủ đều vì dân, hạnh phúc của nhân dân mà lãnh đạo lẫn hành động”. Vậy thì, không biết thế nào, nhưng ta cứ thử “để mà xem”!

Đồ Ngông,
10/05/2016.



No comments:

Post a Comment