Monday, May 16, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" Tới "Blog". (1)




Chuyện làm thơ chơi chơi của tôi từ ngày ấy lại được kéo dài mãi đến tận ngày nay như là một sự kiện “phát ngây”. Làm thì làm, chứ chẳng bao giờ tôi nghĩ mình là một nhà văn hay nhà thơ cho đúng nghĩa. Ngày tôi bắt đầu cộng tác với “Bản tin Nông gia” thì tôi chỉ là phụ lực với anh bạn để gọi là “vui vẻ” cùng với các đồng nghiệp nông gia thôi, và thuở ấy tôi chẳng hề có một bài thơ nào. Đến khi tôi có bài đăng và liên lạc thường xuyên với tờ báo Nam Úc; nên sau khi đọc các bài thơ của anh Hoài Nam, tôi mới có ý định, cùng ngõ ý với anh Lộc (chủ báo) sẽ làm vài bài thơ “chơi” cho vui dưới bút hiệu Nguyên Thảo. Để rồi đến khi những người dùng văn đàn chửi nhau “chí chóe” thì lúc đó tôi mới nghĩ đến thơ trào phúng, châm biếm, trào lộng nhằm mục đích “trêu ghẹo” họ để ngăn cản bớt bước tiến của họ lại (lúc nầy với bút hiệu Đồ Ngông). Nhưng để tránh đối đầu trực tiếp với họ, tôi phải làm thêm nhiều bài thơ vạch trần bề trái của xã hội lẫn con người cũng trong tinh thần trào phúng và châm biếm ấy. Lúc đó cũng chính là lúc bắt đầu manh nha cho “Đồ Ngông” trên thơ lẫn văn xuôi về sau nầy. Thú thật, từ trước con người tôi vốn có sao nói vậy, nghiêm túc, ít khi nào nói chơi hay đùa giỡn vì mình không có khiếu. Lâu lắm mới đùa vài lần, nhưng đều bị bạn bè cho là “vô duyên”. Thế nhưng, trong tình huống thế nầy tôi phải học đến cách trào phúng thì mới thích hợp với hoàn cảnh cũng như bút hiệu đã chọn. Dần dà nó cũng thành quen, con người tôi cũng lần biến đổi. Thơ văn của Đồ Ngông xuất hiện không phải để chửi người như người ta đã làm (Bắt chước người ta chửi cuộc đời), nhất là chúng lại xuất hiện trên cùng một tờ báo với những người muốn chiến thắng trong cuộc hơn thua, nên chúng không được hoan nghênh đối với những người trong cuộc, còn đối với độc giả thì họ lại thích và coi đó là một “hiện tượng”. Và cuối cùng tôi phải đành ngưng cả thơ trào phúng lẫn chuyện “Tào lao thế sự” trên báo Nam Úc mà thay vào đó là những “Bài thơ cho bé” tức là loại thơ về giáo dục cho trẻ con dưới bút hiệu Nguyên Thảo trở lại. Sở dĩ như vậy là vì những bài thơ của tôi luôn nói đến điều không tốt của chửi nhau hay kêu “hòa giải”, gây chướng ngại, cản bước tiến của những người muốn chửi người khác, cho nên họ muốn loại tôi ra cũng như không nằm trong ý muốn của anh Lộc. Một hôm anh Lộc kêu tôi đổi bút hiệu và viết bài chửi họ, quyền đăng hay không là của anh. Tôi từ chối, sau đó thì anh Lộc đã sửa bài của tôi để chửi người khác một lần trên thơ và một lần khác trên bài văn. Do sự khuyến cáo của một anh bạn từng học qua về báo chí tôi đã “yêu cầu khoan đăng” bài của mình vừa gởi lên trên báo, cũng may bài ấy “không đăng”, nếu không tôi đã bị mang tiếng với độc giả không biết là dường nào vì nó bị sửa đổi cùng viết thêm một đoạn rất là nghiêm trọng. Từ đó tôi bắt đầu ngần ngại về sự kiện nầy, nên đối với vấn đề gởi bài tôi trở nên khá dè dặt. Rồi một ngày khác anh kêu tôi đổi bút hiệu Đồ Ngông đi thì anh sẽ đăng bài của tôi tiếp, vì có người từ Queenland mail xuống cho anh và anh đưa tôi coi mail. Mail đó là của ông Xuân nào đó, mail viết rằng: “Anh Lộc, mấy lúc gần đây tôi thấy có xuất hiện tên Đồ Ngông nào đó trên tờ báo, tôi nghĩ với bút hiệu Đồ Ngông sẽ làm mất uy tín của tờ báo anh”. Xem xong, tôi bảo với anh Lộc rằng: “Thà tôi không gởi bài cho anh nữa chứ tôi không đổi bút hiệu Đồ Ngông”. Tôi chỉ nói thế chứ tôi không giải thích “Vì sao?”. Vì khi tôi đã chọn bút hiệu Đồ Ngông là đã có chủ đích can thiệp để chấm dứt việc chửi nhau rõ ràng; và chỉ có bút hiệu đó nó mới bảo vệ tôi khỏi bị người khác chửi mà thôi. Thế rồi, tôi ngưng tất cả những bài thơ và các chuyện “Tào lao thế sự” dưới bút hiệu Đồ Ngông cho tờ báo Nam Úc mà chỉ gởi những bài thơ giáo dục “Những bài thơ cho bé” dưới bút hiệu Nguyên Thảo. Việc gởi nầy cũng kéo dài được nhiều tuần, tất cả vị chi là 38 bài. Sau loạt bài ấy tôi không gởi báo Nam Úc bài nào nữa dù là văn xuôi hay thơ. Trong khoảng thời gian nầy những bài thơ “trào phúng, trào lộng, châm biếm” được đưa về tờ Adelaide hoặc tờ Né là tờ báo nhà của nhà thơ Nguyễn Nhi và Phạm Ngọc Thanh cùng nhau hợp tác. Phạm Ngọc Thanh đã từng học ở lớp báo chí của Đại học Vạn Hạnh khi xưa, nay lại rành về máy vi tính nên lãnh phần kỹ thuật, ấn hành lẫn phần phân thuốc hỗ trợ cho giới nông gia. Nguyễn Nhi là phần chính, còn tôi không là người trong gia đình Né nhưng là người cùng chí hướng với Nguyễn Nhi nên hợp tác với nhau để ngăn chặn bớt tiến độ rối rắm trong cộng đồng. Sức sáng tác của chúng tôi (tôi và Nguyễn Nhi) mạnh nhất có lẽ là lúc Trương Minh Hòa từ bên Tiểu bang Tây Úc xa vạn dặm được mời để xía vào chuyện ở Tiểu bang Nam Úc. Chúng tôi quyết tâm triệt hạ “tên đánh giặc mướn” nầy, dù hắn có nhiều bản lãnh đến đâu.
Có lúc tôi có hàng bảy, tám bài xuất hiện cùng lúc. Đây là lúc mà tôi trực diện, nêu thẳng với Trương Minh Hòa mà không phải e dè, bóng gió. Tôi thừa biết đàng sau lưng những kẻ viết bài chửi đó có một thế lực khá lớn, họ muốn triệt hạ những phe nhóm khác để họ mặc sức tung hoành trong cộng đồng, nhưng họ không nghĩ rằng chính họ là nguyên nhân làm phân hóa chính hàng ngũ của họ vào những lúc ban đầu. Những kẻ chống đối hay đối nghịch với họ ngày nay cũng chính là người trong phe phái của họ trước kia. Có người đã nói với tôi: “Tôi không hiểu tại sao có những người hoạt động rất sốt sắng, hay tích cực, hăng say trước kia, nhưng về sau họ vì lý do nầy hay lý do khác không tham gia nữa hoặc bất mãn họ nghỉ thì tổ chức ấy lại “đánh theo”. À! Chính vì sự “đánh theo” nầy mà những người bị đánh họ lại kết hợp với nhau thành những lực lượng đối kháng và lần chiếm lĩnh tất cả những hội đoàn, tổ chức khác. Cuối cùng tổ chức chính trị ấy chỉ còn nắm được có cộng đồng và vài gia đình nhỏ. Cho nên cuộc chửi trên báo chí lần nầy cũng là để trấn áp và gây lại thanh thế cho phe họ đấy thôi. Tôi thì không trong hội đoàn, tổ chức nào cả mà chỉ thấy người ta làm như thế là đem nguy hại đến những người khác trong cộng đồng: Vì chúng tôi chỉ muốn sống trên xứ người một cách yên ổn làm ăn cũng như bao nhiều người khác, chúng tôi muốn có một chỗ để dung than sau khi trốn chạy khỏi Tổ Quốc của mình. Tôi can thiệp vì lý do đơn giản đó thôi! Cho nên thơ văn của tôi trong giai đoan nầy có tính cách, trào lộng, phân tích lý lẽ chứ không có tính cách phê phán, chửi ai cả. Những bài có tính cách tham gia can ngăn tôi gởi về cho tờ Adelaide, còn những bài về xã hội, chung chung quanh vấn đề bao quát của con người tôi đưa về tập san Né đăng trong hàng tháng (vì mỗi tháng ấn hành một số) để gọi là vui vẻ với nông gia. Coi như trong thời kỳ nầy bài của tôi, Nguyễn Nhi, Phạm Ngọc Thanh chính là trong tờ báo Né. Thỉnh thoảng Né cũng đăng vài bài về đạo Phật của tôi để nông gia xem chơi. Thực ra những bài về Đạo Phật của tôi đã hoàn tất từ lâu, nhưng tôi không có gởi cho báo nào cả vì nhiều lý do: Thứ nhất sự tìm hiểu của tôi chưa chắc đã chính xác, thứ hai tôi sợ ảnh hưởng phiến diện đến tờ báo của họ, thứ ba đa số các báo là do người tôn giáo khác điều hành...
Cũng may trong thời gian nầy tôi đọc trên tờ báo tuần Dân Việt (xuất bản ở Sydney) có phần đặc trang Nam Úc do anh Sơn, người giữ công việc phát hành ở Nam Úc phụ trách. Tôi liền liên lạc với anh Sơn để nhờ anh gởi đăng những bài “Vấn đề con cái của chúng ta” để hầu giúp thêm ý kiến phần nào cho các bậc phụ huynh trong Cộng đồng trên đất Úc. Anh Sơn vui vẻ đồng ý và trong mấy tuần sau các bài ấy được “ra mắt” độc giả toàn liên bang Úc Châu. Theo anh Sơn thì độc giả Liên bang rất hoan nghênh những bài trên và có gọi về tòa soạn với những ý kiến tốt. Sau đó không lâu, anh Sơn được anh Y nhờ anh chuyển sang báo Việt Luận làm đại diện vì em vợ anh Y đã về hợp tác và có phần hùn ở báo Việt Luận. Tôi lại theo chân anh Sơn chuyển sang và thường gởi bài cho báo Việt Luân ở đặc trang Nam Úc. Nói thật, tôi không biết mình có mặc cảm hay không hoặc tự lượng sức mình không đủ khả năng để vươn lên những vị trí cao quá nhất là đối với những tờ báo phát hành ở Liên bang. Nếu ở các tờ báo ấy mà không phải là “Đặc trang Nam Úc” thì chắc tôi cũng không dám gởi bài dù là đăng hay không đăng, tôi mạnh dạn gởi vì thấy là “đặc trang Nam Úc” nên cứ tính đó chỉ là tính cách địa phương nên cái viết của mình không là quan trọng lắm. Gởi đến họ thấy được thì đăng, không thì thôi mà mình cũng chẳng có lấy đồng bạc nào của họ. Thế là từ đó từ trong đặc trang Nam Úc lần tôi có những bài đi vào các trang khác của tờ báo với những bài nghiên cứu hay tạp ghi. Sự viết của tôi cũng được chính mình tự tin hơn. Với nhũng bài như vậy tôi rất kỹ lưỡng để xem lại câu văn, lỗi chính tả nhằm tránh được những sai sót càng nhiều càng tốt. Sau vì anh Sơn có nhiều sai sót trong vấn đề đối với tờ báo, nên báo đã đổi người và người mới cũng chỉ là quen thôi, nhưng tôi một phần cũng tình cảm đối với anh Sơn, hai là đặc trang Nam Úc cũng không còn nên tôi không gởi bài đến tờ Việt Luận nữa. Lâu ngày, bên Việt Luận có hỏi nhưng tôi cứ ỡm ờ mà không nói rõ nguyên nhân. Đến một ngày nọ tôi gởi bài “Những Cái Tết” đến báo Xuân Việt Luận dưới bút hiệu “Đồ Ngông” và sau một vài bài nữa thì tôi thấy hình như có vấn đề gì đó mà tờ Việt Luận lại ngưng ngang. Tôi thấy tình hình hơi lạ nên chẳng gởi bài nữa, dù cho người quen có hỏi vì sao không gởi bài tiếp. Tôi chỉ cười thôi! Về sau nhân một bữa tiệc gây quỹ “Cứu trợ nạn nhân cháy rừng” của hội Văn nghệ tôi mới thầm đoán ra chút nào về nguyên nhân: Có thể là ông Hoành là tác nhân! Vì trong đêm ấy ông Hoành là người quay phim, nhưng khi quay đến tôi và anh Nguyễn Hữu Ba thì ông ta chợt giật mình, xong lại nhìn tôi mĩm cười, cái cười của ông ấy có vẽ hơi lạ. Tôi nhớ lại trước kia ông là đại diện cho tờ Việt Luận, cái thân thiết ấy vẫn còn liên hệ cho đến bây giờ. Ông Hoành khai sinh ra tờ Nam Úc sau giao hẳn cho ông Lộc. Và ông Hoành vốn có chuyện không ổn với ông Vũ Ngọc Kha từ sau khi hai người bị cháy tiệm thực phẩm mà trong đó có tiệm vải của ông Hoành, mà ngày nay ông Kha là chủ tờ báo Adelaide là tờ báo cùng tranh ăn với tờ Nam Úc. Thơ của tôi và Nguyễn Nhi đang được tờ Adelaide đăng tãi giống như để che chỡ cho nhóm ông Kha nên từ đó mà sinh ra cớ sự. Có thể người ta đâm thọt với tờ Việt Luân như ngày trước anh Lộc đưa tôi cái email của ông Xuân nào đó, “cái bút hiệu Đồ Ngông làm mất uy tín của tờ báo” nhất là của một tờ báo uy tín của liên bang! Tôi đoán thế, nhưng dù đúng hay sai và dù báo có đăng hay không, thì tôi cũng không cần vì tôi đâu cần nổi tiếng mà cũng chẳng sống bằng nghề viết lách. Tôi làm nghề nông để kiếm sống mà, viết lách chỉ là để vui chơi, giải trí, đem kinh nghiệm hay nhận xét cuộc đời để phổ biến cho người đời thì khi nào có cơ hội thì phổ biến nhiều, không có thì thôi.
Nhưng trong cuộc đời theo như Đạo Phật đã giải thích “Không có chuyện gì tự nhiên mà đến, cũng chẳng ai đem đến cho ta, nhất là không có một Đấng Quyền Năng nào can dự, ban phát vào đời sống của ta cả, chỉ có ta và nghiệp của ta mà ra thôi, tất cả đều là nhân duyên. Hạt giống ta đã gieo từ trước, bây giờ gặp điều kiện thích hợp như nhân gặp đất, độ ẩm, thời tiết, ánh sáng... đủ điều kiện tất “đủ duyên” để nẫy mầm thì ta lãnh quả thôi. Đó là một chuyện tất nhiên! Nhân duyên của tôi ở đây là chuyện viết lách. Đã bao lần tôi chùn bước không muốn viết nữa thì lại có cơ hội khác khiến tôi viết dù là viết không hay, không giỏi. Trong lúc ấy thì có anh Ngô Lâm từ trên Queenland đăng báo kêu gọi các nhà báo, người làm văn học nghệ thuật của cộng đồng trên đất Úc hợp tác để làm một quyển Kỷ yếu “Ba mươi năm Văn Học Nghệ Thuật của người Việt ở Úc”. Lúc đầu, tôi không dự định gởi chi tiết nào đến anh Ngô Lâm cả, nhưng vào giờ phút chót tôi mới tính đến chuyện gởi cho anh Ngô Lâm trong phần sinh hoạt của Nam Úc. Gởi cho anh Ngô Lâm cần đến email, nên email của tôi được ra đời với sự trợ giúp của con trai tôi mà số 42 phía sau email chính là số nhà vì Nguyên Thảo có khá nhiều trong các danh sách. Hình chụp của tôi lúc ấy chính là hình chụp vào năm 2001 lúc vợ chồng tôi đưa ba tôi đi thăm bà con ở Mỹ và ở Áo (Austria).

Nguyên Thảo,
15/05/2016.


No comments:

Post a Comment