Thursday, May 26, 2016

*Mỹ Du. (11)



Sáng thức dậy sớm uống cà phê, tâm tình những chuyện lâu ngày không gặp; và kế hoạch hôm nay là đi lên vùng núi cao ở khu vực tổ chức Thế vận Olympic Mùa Đông vào năm 2002 tại Salt Lake nầy để tham quan, cùng ghé Outlets nơi đó mua sắm chút đỉnh đồ.
Khoảng 8 giờ sáng, xe của Khuê-Hoa, và Hùng-Phương đã đến đầy đủ. Chúng tôi sửa soạn ra xe làm một cuộc hành trình lên núi. Xe chạy lần lên vùng núi cao qua những đèo dốc, nhưng đường sá tương đối rộng rãi nên không có gì khó khăn cho lắm. Tôi cứ mãi mê ngắm phong cảnh hai bên đường nhất là cảnh vật vào mùa Thu nầy. Tôi say sưa như cố đi tìm một nguyên tắc nào đó của những định lý toán học ẩn tàng trong các hình ảnh ấy. Hay tại vì những lúc đầu khi biết về thơ tôi đã bị lôi cuốn vào tâm hồn các thi sĩ vương vấn với mùa Thu như Bà Tương Phố, Lưu Trọng Lư… chăng? Rồi sau lại với Nguyên Sa, cùng các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Văn Trí, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên… khiến tôi cũng tha thiết những mùa Thu dù mùa Thu có nhiều se lạnh, gió bay bay cùng “hàng hàng lớp lớp lá bay” theo kiểu của quyển tiểu thuyết “Mùa Thu lá bay” do nhà văn Đài Loan là Quỳnh Dao sáng tác.
Xe đã đến khu vực, đây là khu vực không biết có từ trước hay là có từ khi bắt đầu xây dựng để phục vụ cho Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2002. Từ đó tới nay cũng đã là hơn 13 năm rồi còn gì. Đoàn rẽ phải ở đèn đỏ để vào khu vực mua sắm của “outlets”. Thế là đây là lần thứ ba chúng tôi đi vào outlets. Không, đây là lần thứ tư kể cả outlets ở Hồng Kông, và là lần thứ ba trên đất Mỹ (Thứ nhất ở Virginia, Thứ nhì Las Vegas). Nói là đi mua đồ chứ thật sự là đi coi cho nó “đã” con mắt, đi ‘"dòm” chứ đi mua gì. Lội từ tiệm nầy qua tiệm khác, coi món gì tương đối giá nhẹ mà mình thích thì mới mua, còn giá cao quá thì “ngó” chút thôi. Thế vậy, khi tàn cuộc tính mỗi người chi phí cũng hơn vài trăm bạc, vừa sắm cho mình mà cũng vừa cho con cháu để làm kỷ niệm. Đi nhông nhông cũng vui, vừa hết thì giờ mà cũng có nhiều cái thú, nhất là những món hàng hiệu mà nó lại bán rẽ hơn là đồ thường. Phen nầy tôi già mà cũng được chút chút làm “dân chơi”! Quý vị đừng tưởng lầm nhe! Dân chơi đây là “dân chơi thể thao” tức là dân chơi các bộ môn thể thao, mặc đồ hiệu thể thao, hay chơi xe thể thao (sport) mà người ta thường tưởng lầm “dân chơi” là dân anh chị, hút sách, bảo kê cho những nơi ăn chơi hay các trùm băng đảng, hoặc dân mà người ta gọi là “đâm thuê, chém mướn”. Hai hạng nầy khác nhau xa! Lội mãi trong các tiệm cho đến khoảng hai giờ thì cũng đủ chán rồi nên gọi nhau đi về. Lên xe Hùng-Phương thấy trời cũng đã xế chiều liền bàn đến việc ăn uống vì chiều nay Hùng bận dọn, rửa xe trả cho anh bạn trong mấy ngày mượn để đi. Vì vậy, xe chúng tôi tấp vào tiệm ăn nhanh Mac Donald mà Hùng-Phương sẽ bao. Xe chúng tôi về nhà trễ hơn xe kia.
Về đến nhà nghỉ ngơi chẳng bao lâu thì chúng tôi lại lên xe đi đến nhà hàng “buffet” Golden Corral ăn bữa tối. Tiệc nầy do Khuê và Hoa đãi. Như vậy, phái đoàn từ Úc qua lần nầy được chiêu đãi tận tình với bữa ăn nào cũng đáng đích cả! Ôi thì mình đành chấp nhận vậy: Lâu ngày mới gặp nhau, có lần nầy chứ chắc gì đầy đủ ở lần sau. Thôi thì không có ý kiến!
Hơn 9 giờ rưởi tiệc cũng tàn, chúng tôi về nhà nhưng chưa được nghỉ ngơi mà còn phải tập hợp để nhận những món quà do Khuê-Hoa tặng làm kỷ niệm. Ôi thật là quý hóa thay! Vừa đã lo tổ chức đi chơi, phải nghỉ phép, vừa đãi ăn lại cho quà nữa; quả là không gì quý bằng. Phái đoàn ở Úc rất là tri ân vô hạn! Đêm nầy chúng tôi phải ngủ để ngày mai chuẩn bị lên đường đi một chặng dài nữa: Đến nhà Thầy Phương ở Tiểu bang Florida để phá Thầy trong vài ngày, chứ biết bao giờ được qua nữa để ghé thăm (hay phá) Thầy! May là đêm trước chúng tôi cũng đã cụ bị hành lý sẵn sàng!
Dù đêm hôm thức tương đối khá khuya, nhưng sáng hôm sau khoảng 7 giờ rưởi Khuê và Hoa cũng đã đến cùng với xe các cháu để tiễn đoàn ra phi trường. Dung, Hùng, Bi và bạn gái của nó cũng cùng đi sang Florida luôn. Tôi vẫn luôn muốn gọi tên mấy đứa con của Dung, Hùng bằng những tên gọi bên ngoài như Tin, Ti, Bi và bé Lin chứ tụi nó có tên trong giấy tờ cũng là đẹp lắm. Gọi như vậy để cho thấy tụi nó giống như ngày nào chứ thật ra bây giờ tụi nó đã lớn rồi, học ra trường và có đứa đã đi làm, thế cho nên kỳ nầy tụi nó đã đãi cho dì dượng, cậu mợ anh chị những bữa tiệc ở nhà hàng Tây, Tàu, Việt đủ thứ. Mai đây đám cưới tụi nó sẽ đến liền liền tùy theo năm tháng. Chúng tôi giã từ, chia tay Bác Trai (ba Hùng), bà Kiều Phố (má Khuê), Khuê, Hoa ở phi trường và đi vào khu vực kiểm soát để đợi đón máy bay đi qua Houston ở Tiểu bang Texas rồi mới chuyển về Orlando của Tiểu bang Florida.
Đây là lần thứ hai của tôi đã đến Salt Lake City ở Utah nầy, lần thứ nhất vợ chồng tôi đã đến vào năm 2001 cùng với ba tôi, lúc đó các con Hùng, Dung hãy còn nhỏ, nhất là bé Lin mới có bốn tuổi thôi. Chúng tôi lưu lại trong 7 ngày (từ 13 đến 20/05/2001). Từ nơi Chánh ở, tức là Portland ở Tiểu bang Oregon xuống, chúng tôi được gia đình Hùng, Dung, Ba Hùng, Bà Kiều Phố, gia đình Khuê, Hoa đón ở phi trường và đưa về nhà Hùng, Dung ở West Valley City. Lúc đó thời tiết đang vào mùa Xuân nên cây cối có nhiều lá non xanh mướt, mặc dù các lá còn hơi nhỏ, một màu xanh duyên dáng như thời của những lứa tuổi thơ.
Chúng tôi chỉ nghĩ là đi thăm người thân như lâu ngày gặp lại, hoặc biết khi nào có dịp lại gặp nhau. Ba tôi sẽ gặp Út Nhuần con bà Tám của tôi, nhưng Út Nhuần trong lúc đó đã về Việt Nam nên ba tôi chỉ còn gặp chú Năm Tai con ông thứ chín ở Mỹ thôi và sẽ gặp cô Út Xang (con bà thứ Hai ở Áo), còn tôi thì gặp Chánh vừa là bạn bè vừa là bà con ở Oregon. Vợ tôi hội diện với em vợ tôi là gia đình Út Dung ở Salt Lake City nầy. Lần đó, Khuê và Hùng Dung đưa chúng tôi đến viếng cái hồ nước mặn rộng lớn ở trên vùng núi cao của phía Tây nước Mỹ nầy. Đó là cái hồ mệnh danh cho thủ phủ của Tiểu bang Utah “Salt Lake”. Theo tài liệu thì Salt Lake là hồ nước mặn rộng lớn nhất trong đất liền của vùng Tây Bán Cầu, nó nằm ở phía bắc của tiểu bang Utah có chiều dài khoảng 120 km, rộng chừng 45 km với diện tích là 4,400 km2. Người ta tính tổng diện tích thu thập nguồn nước của nó là 55,685 km2 và đổ vào hồ bằng ba con sông: Sông Bear, Jordon, và Weber. Chiều sâu trung bình của nó là 4.9 m, chỗ sâu nhất vào khoảng 10 m; nhưng mùa nước nhiều là 14 m và ít là 7.3 m. Độ muối ở hồ cao vì mỗi năm khoảng 1.1 triệu tấn muối được nước các con sông đưa vào nhưng hồ không có lối thoát ra mà chỉ bằng cách bốc hơi nên lượng muối được đậm đặc (khoảng 27%) và cao hơn nước biển ít hơn lượng muối của Biển chết ở Trung Đông. Chúng tôi đến đó vào xế chiều, mặt trời long lanh trên mặt hồ bao la và cũng sóng nhấp nhô vỗ vào bờ. Khuê cho biết lúc trước người ta xây dựng một nhà hàng ở đây như chúng tôi đã thấy, nhưng vì không nghiên cứu kỹ cho nên nhà hàng hay bị nước ngập thường xuyên vì vậy đành bỏ không như hiện nay. Những con én làm tổ đẻ con ở vách gần mái nhà bay ra thấp thoáng vì lúc ấy vào tháng 5 mùa Xuân. Còn Minh (anh Hùng) thì cho biết là ở tiểu bang nầy không cho cờ bạc vì là theo đạo Mormon, người ta muốn cờ bạc thì đi đến vùng Vancouver ở biên giới với tiểu bang Nevada, cũng đi con đường phía trước nhà hàng nầy và đi xa cả trăm cây số mới tới. Ở tiểu bang Utah cũng không có bán vé số dù là hình thức nào. Buổi chiều, chúng tôi đi qua vùng du thuyền hay thuyền đánh cá đậu thì gặp hãng phim nào đó đang dàn dựng quay cảnh biển giả của bãi biển California nên chúng tôi không được vào sâu hơn.
Hôm sau Hùng, Dung và các cháu đưa chúng tôi đến khu vực của Đạo Mormon mà tiếng Anh gọi là “The Church of Jesus Christ of Latter Saints” để tham quan và tìm hiểu. Chúng tôi vào tòa building bên kia đường đối với nhà thờ lớn để xem. Vừa đến cửa cầu thang máy thì đã có ông Mỹ hướng dẫn chúng tôi vào tòa nhà đưa đến phòng họp rộng lớn cho hàng ngàn người mà cách kiến trúc không có cột chống đỡ. Tôi ngó quanh và khá ngạc nhiên và ông cho biết ánh sáng phần lớn được sử dụng là do những cửa sổ ở tầng sân thượng của tòa nhà. Ông giải thích nhiều lắm, nhưng tôi chỉ hiểu bấp bỏm mà thôi. Xong ở phòng họp, ông lại dẫn chúng tôi lên thang máy để lên tầng thượng, rồi ông đưa vào phòng tranh ảnh để nói về đạo Mormon qua các bức tranh phát họa. Đó là quá trình thành hình giáo thuyết của Đạo Mormon, và nói về biểu tượng Maroni thổi kèn ở trên nóc nhà thờ. Xong ông đưa chúng tôi ra ngoài xem những tháp kiến nhỏ đó đây ngoài sân ấy là những cửa sổ để lấy ánh sáng cho phòng họp mà chúng tôi đã tham quan lúc nãy. Sau đó thì ông dành cho chúng tôi sự tự do và chúc chúng tôi vui vẻ. Chúng tôi cám ơn và giã từ ông.
Đạo Mormon chi phối phần lớn nếp sống và văn hóa ở Utah. Tín đồ Mormon vẫn coi Jesus Christ là Chúa Cứu Thế và là con của Đức Chúa Trời; các tín đồ được quyền đa thê (có nhiều vợ). Nó được thành lập ở New York từ những năm 1820 do Joseph Smith. Khi Smith chết vào năm 1844 thì tín đồ Mormon theo Brigham Young về Utah và lập bộ phận chính của tôn giáo nầy ở đây.
Sau khi đi vòng quanh trên sân thượng để quan sát, nhìn ra xa, chụp hình lưu niệm chúng tôi xuống phía dưới và đi qua bên kia đường để thăm nhà thờ lớn của đạo Mormon ở Utah nầy. Trong hội trường rất rộng, nhưng vì không là buổi lễ nên khung cảnh còn tối thui, ít đèn sáng hay là vì chúng tôi từ ngoài sáng đi vào thành ra không thấy rõ. Có một cô đến tiếp chúng tôi, cô cho biết cô là người Singapore đến đây làm thiện nguyện. Tôi hỏi về ngân quỹ để sinh hoạt thì cô cho biết ngân quỹ của đạo do sự đóng góp của tín đồ từ 15% của tiền lương. Tôi xin cô quyển “Book of Mormon”, cô hỏi địa chỉ và hứa gởi đến cho tôi; nhưng tôi đã chẳng nhận được từ đó đến giờ.
Hôm sau nữa Hùng, Dung đưa chúng tôi lên tòa nhà Quốc hội của Tiểu bang trên đồi cao cùng với gia đình Khuê, và bà Kiều Phố, cùng ba của Hùng. Chúng tôi đi vào trong tòa nhà tham quan, xem hình ảnh, cảnh trí. Xong ra công viên bên ngoài ăn chiều. Đứng trên nầy nhìn lên thấy núi cao hơn, mà nhìn xuống thấy phi trường xa xa. Cảnh đèn lên của một thành phố trong bầu khí trời lành lạnh khiến cho mình cảm thấy cảnh hơi buồn buồn và có nhiều nhung nhớ; và thật sự tôi cũng khó mà quên cái cảnh của ngày ấy, nhất là bây giờ ba tôi cũng đã chẳng còn.
Có lẽ ngày mà tôi nhớ nhất ở Salt Lake City là ngày mà Hùng, Dung đưa chúng tôi lên Lagoon nơi mở những trò chơi cho mọi giới. Sáng sớm chúng tôi đã chuẩn bị đồ ăn thức uống với cả gia đình Hùng, Khuê và có Minh (anh của Hùng) đi nữa. Đường đi có vẽ còn mới, chắc hoàn tất để chuẩn bị đón khách cho Thế Vận Hội Olympic mùa Đông trong năm 2002. Lagoon khá xa. Đến nơi Hùng, Dung mua vé cho mọi người và chúng tôi sắp hàng vào cổng. Các trò chơi ở Lagoon nầy cũng giống như mọi trò chơi khác ở các nơi, nhưng nó đầy đủ cả cho mọi lứa tuổi từ em bé nhỏ cho đến những thanh niên thích trò mạo hiểm. Chúng tôi người lớn chỉ đi tham quan, những đứa nhỏ thì chơi những trò chơi nhẹ nhàng. Nhưng ở đây có điều khác với nơi khác là có những cuộc thi đấu về nhiều loại nhạc từ nhảy cá nhân cho đến tập thể, từ điệu nhạc dân gian cho đến nhạc trong các phim cao bồi làm nên một khu vực tưng bừng và sinh động với những âm thanh dồn dập từ nhạc và giày. Tôi rất thích thú và quay phim một cách say mê. Đến khoảng hai giờ chúng tôi mới trở về nhà. Gần ngày cuối chúng tôi nghỉ ngơi để ba tôi và vợ chồng tôi còn đi qua Kansas City mà viếng gia đình chú năm Tai, con ông chín của tôi.
Thế rồi ngày sau nữa Hùng, Dung đưa chúng tôi ra phi trường để đón chuyến bay sang Denver, từ Denver chuyển máy bay đến Kansas City để được chú năm Tai cùng con trai của chú đón ở phi trường đưa về nhà. Ba tôi được ôn lại nhiều điều thoải mái trong thời quá khứ, chú năm của tôi cũng rất vui nhất là bé Nhi, con gái út của chú năm rất là thích ba tôi. Ở đó vài ngày, chúng tôi lại ra phi trường để đáp máy bay về phi trường Chicago và đón máy bay về Frankfurt, rồi qua Zurich để cô Út Xang và chị Phương rước về nơi ở là Bregenz trên đất Áo gần với hồ Constance mà sau nầy gọi là Bordersea nằm tại ranh giới 3 nước Áo, Thụy Sĩ và Đức. Đó là chuyến đi Mỹ lần đầu của ba tôi và tôi vào năm 2001; còn với vợ tôi đó là lần thứ hai!

Nguyên Thảo,
26/05/2016.



No comments:

Post a Comment