Saturday, June 4, 2016

*H.T Chữ Nghĩa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" Tới "Blog" (2)



Email tôi được thiết lập vào ngày 19/01/2005, nhưng đến ngày 04/02 tôi mới chuyển gởi các chi tiết, hình ảnh đến anh Ngô Lâm một cách ngăn ngắn thôi. Và mãi đến cuối năm tôi chỉ sử dụng đến email chút ít, cùng kéo dài trong suốt các năm sau tính vị chi không quá 20 lần. Rồi đến đầu năm 2008 tôi mới bắt đầu sử dụng thường xuyên email của mình. Vài lần tôi thử gởi các bài viết đến các trang mạng khác nhưng không thành công vì họ cho rằng bài không có ý sáng tạo, đề tài đã cũ: Đó là bốn bài tôi viết về quê hương! Thật ra tôi viết những bài đó từ lâu và được đăng trên báo Việt Luận, nhưng nay tôi thấy tình hình tương đối còn thích hợp nên tôi gởi các bài ấy đến cho họ để họ quyết định thế nào. Rồi đến đầu năm 2008 tôi thử gởi bài “Những sự thâm trầm của Đạo Phật” đến trang nhà Đạo Phật Ngày Nay của Thầy Thích Nhật Từ xem sao. Bài ấy được đăng vào tháng 01/2008 mở đầu cho sự mạnh dạn của tôi về sau nầy. Tôi duyệt lại những bài mình đã viết về Đạo Phật, sửa chữa, bổ túc những điều cần thiết mà tôi đã nghiên cứu thêm được qua những năm tìm hiểu sâu hơn và gởi đến Đạo Phật Ngày Nay; nhất là bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh”. Sở dĩ bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” trở nên quan trọng đối với tôi vì đó là câu chuyện hoàn toàn sự thật nói lên sự liều lĩnh của tôi trong cơn bệnh để theo đuổi những “hiện tượng” tâm linh diễn biến lạ lùng mà tôi can dự vào. Rồi sau đó là một chuỗi quảng diễn mà tôi đã thực hiện qua những bài viết về Đạo Phật, kể cả những văn và thơ của tôi về sau nầy, ngay cả những bài viết về tôn giáo khác. Tôi chỉ muốn đi tìm một “sự so sánh, phân biệt” để nhận chân được “Chân lý”: Đâu là đúng, đâu là sai giữa các tôn giáo, và cũng là sự kiểm nghiệm “điều của tôi” có hay không có ở trong đạo khác!
Vào khoảng giữa năm 2003, nhân lúc thầy Thích Nhật Từ qua Úc để thuyết giảng, tôi có đến gặp Thầy và đưa Thầy loạt bài “Những Bài Viết Cho Con” để Thầy xem qua và “nếu được Thầy đăng, không thì thôi”. Cũng trong lần ấy Thầy mới nêu cái ý “Viết trực tiếp trên máy vi tính” giúp tôi, và tôi đã thử áp dụng hình thức đó thì thấy trơn tru và tiện lợi, nên tôi thường sử dụng cho đến bây giờ. Phưong cách đó giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Hơn nữa, cái điều tha thiết nhất của tôi đối với bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” là làm sao tôi phải phổ biến nó ra được rộng rãi nhiều chừng nào tốt chừng nấy, vì nó là “Kinh nghiệm” của tôi về chặng đường “của Tâm Linh”, để những ai muốn đi vào con đường Tâm Linh qua những hình thức Thiền hay Tĩnh Tâm có thể sẽ gặp trong một ngày nào đó, mà “họ cũng không biết là hư hay thực” giống như tôi đã phân vân trong thời gian dài. Nếu tôi không đi tìm hiểu vào đạo Phật thì tôi cũng chưa kiểm chứng được điều tôi đã thấy và biết. Cái kiểm chứng của tôi là gì? Đi tìm hiểu trong Đạo Phật thì thật là mênh mông, rất nhiều kinh điển. Tôi phải bỏ nhiều thời gian để đi nghe thuyết pháp, hỏi các Thầy; phải tìm hiểu về những giáo lý căn bản để có thể hiểu được sơ qua về giáo lý mà Đức Phật đã giảng giải. Rồi mới lần mò vào các kinh điển. Từ khi đọc đến Kinh điển thì tôi mới thấy mình có thể hiểu và dễ hiểu được ý nghĩa của Kinh văn. À, thì ra mình thấy dễ hiểu vì mình đã “được trải qua trong thời gian khủng hoảng tinh thần”, trong cơn “mơ mơ màng màng” đó. Và những dấu vết để lại là tôi đã “ghi chép” theo dọc đường: Đó là khoảng gần 30 bài viết về Đạo Phật mà tôi cũng đã lần lượt gởi đến Trang Nhà Đạo Phật Ngày Nay. Một điều tôi cũng nên nói rõ là không biết bút hiệu “Nguyên Thảo” của tôi có sau hay trước của vài người, nhưng khi tôi gởi bài đến Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay thì có một cư sĩ Nguyên Thảo nào đó đã có bài đăng trước mà tôi không biết. Khi tôi thấy trong danh mục Nguyên Thảo có bài “Theo dấu chân xưa” thì tôi biết mình là kẻ đến sau, và Cư sĩ Nguyên Thảo đó hình như thường xuyên cộng tác với Trang nhà Quảng Đức của chùa Quảng Đức ở Thành phố Melbourne (Úc Châu). Và một sự trùng hợp nữa đó là với Thầy Thích Nguyên Thảo ở Canada. Dù trước hay sau, tôi cũng nghiêng mình thành tâm “xin lỗi” với các vị ấy nhờ lượng thứ về sự trùng hợp. Với tôi dù là “Nguyên Thảo” hay “Đồ Ngông” đều là những lúc “góp vui” hay “đóng góp” cho cuộc đời nầy “thêm một chút gì đó” để cuộc đời có thêm ý nghĩa, thế thôi!
Sự ra đời của bài “Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh” cũng là điều tôi muốn liên kết với một câu trong Đạo Phật: “Phiền Não Thị Bồ Đề”, vì khi có nhiều phiền não mình mới nghĩ đến tu, nghĩ đến Đạo Phật. Tu trong Đạo Phật không phải là “Cắt ái, từ thân”, “Xuất gia”, “Thí phát quy y”, mặc áo nhà tu, giữ giới mới là Tu; mà tu trong Đạo Phật ở mọi hoàn cảnh, ai cũng có thể tu được miễn làm sao mình đừng gây thêm “nhân ác” để sau nầy không ai đi kiếm mình “đòi nợ” (quả xấu). Nếu mình còn gây nên nợ (nhân xấu) thì còn người đòi hoặc là phải trả (quả) tức là phải còn có “kiếp sau” (phải chịu “luân hồi”); còn trả hết nợ (không còn nhân xấu nữa) thì “không có quả” cho nên “không bị luân hồi” lập tức “thành Phật” mà trong Duy Thức Học gọi là “Đại Viên Cảnh Trí”. Trong quá trình tìm vào Đạo Phật của tôi thì đầu tiên là bài “Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền”, nhưng bài ấy chỉ là đúc kết những gì mà tôi đã nhận thức được trong cơn mơ màng của thời kỳ bị bệnh hoạn; và đôi khi tôi nghĩ nó sẽ không đúng với người khác, nên tôi suy ra mình cần nên kể rõ lại những gì mà mình đã cảm nhận cùng những đối phó của mình trong thời gian ấy để người khác tham khảo thì hay hơn, do đó tôi phải hoàn thành bài “Sự huyền nhiệm của Tâm linh” để độc giả tự tìm thấy những gì cần thiết trong câu chuyện đó. Rồi sau nữa, tôi muốn đi tìm cho rõ ngọn nguồn, kiểm chứng điều cảm nhận nên tôi lần đi vào Kinh Phật, từng bước tôi ghi lại đi theo sự tìm hiểu của mình mà bài “Nhân một câu chuyện...(Hay: Phiền não thị Bồ Đề)” là bài khởi đầu cho một loạt khoảng 20 bài mà tôi ghi nhận trong giai đoạn đầu về Đạo Phật. Sở dĩ đó là bài đầu vì qua cơn bệnh tôi không còn tha thiết gì nữa cả, có những lúc ngồi mà nghĩ đâu đâu, và thường nhìn vào trong nội tâm của mình, không màng đến ngoại cảnh nữa (tức là tôi lâm vào tình huống “phiền não”), sau đó thì đọc được bài “Âm thanh siêu thế giới” của Bà Thanh Hải đăng trên báo liên bang “Việt Luận”, tôi thử “tĩnh tâm” thì mọi sự việc mới xảy ra. Từ hoàn cảnh ấy tôi có nhận thức rằng: Những người có phiền não hay đang trong cơn phiền não, họ đang sống về nội tâm, thì họ giống như người hành Thiền hoặc đang ngồi Thiền (không để ý đến ngoại cảnh), như vậy họ dễ mở “cánh cửa Tâm linh” thông với vũ trụ vào thời điểm đó. Về sau tôi tưởng tượng hình ảnh ấy giống như “mình đang lặn hụp trong ao tù mà trên mặt nước ao tù đó có đóng váng xanh (lớp màng bẩn) che khuất để mình không thể nhìn lên khoảng không; nhưng khi mình “lâm vào phiền não, sống với nội tâm” thì tư nhiên mảng “váng xanh” ấy lại “vẹt” ra xa để khoảng trống, mình chỉ cần ngó lên sẽ thấy được “bầu trời”.
Nói cho đúng sự tìm hiểu, vào tôn giáo của tôi cũng rất tình cờ, dù trước kia khi còn học trong nhà trường tôi có học những điều đơn giản, đến khi ở trại tị nạn có cơ hội tìm hiểu vào sâu hơn chút nữa nhưng chẳng thấm vào đâu. Đến khi bệnh hoạn tôi nghi ngờ những điều mình đã “cảm và thấy” nên đi vào Đạo Phật: Vì tôi nghĩ Đức Phật đã ngồi Thiền thì có thể tôi sẽ tìm được nhiều giải đáp trong những điều của Ngài nói. Rồi, tôi cũng chẳng ngừng ở đó mà phải tìm hiểu vào vài tôn giáo khác để xem các tôn giáo có “nhân sinh và vũ trụ quan” thế nào? Dĩ nhiên, tôi đều có ghi nhận của tôi trên bước đường tìm hiểu, nhưng tôi nghĩ tùy theo căn cơ của mỗi người mà họ có Đức Tin, không ai chuyển đổi được “căn cơ” đó, trừ khi họ bước sang một giai đoạn khác: Thí dụ một người nào đó đang ở mức độ tin vào “ma”, chưa chắc bạn nói họ sẽ từ bỏ liền, đôi khi họ còn chửi bạn; nhưng khi họ cảm thấy không thích hợp nữa thì họ tự chuyển đổi thôi.
Để kết thúc phần nầy, tôi xin nhắc lại “giới răn của nhà Phật là tránh Sát, Đạo, Dâm, Vọng” vì giết, trộm cắp, dâm ô, hay dối trá, lừa dối đều là tạo ra nhân xấu, mà có nhân xấu thì phải trả cho nên “cần đến kiếp sau” vì vậy mà chưa ra khỏi vòng Luân Hồi được. Còn tôn giáo nào chủ trương chém, giết tạo ác thì không phải là chân chính giống như người ta bảo rằng “ma đạo” (đạo của ma) được ma tạo ra để lôi kéo người ta trở lại vòng Luân Hồi, vì ma không muốn người nào thoát khỏi vòng kiềm tỏa của chúng.
Khi bài “Sự Huyền nhiệm của Tâm Linh” được phổ biến tôi rất mừng vì nhiệm vụ của tôi đối với thế giới Tâm linh như được giãi bày, còn những bài sau như là ghi lại để đóng góp ý kiến cho độc giả nào đã đọc được các bài ấy mà thôi.
Trong khoảng thời gian gởi tuần tự các bài viết về Đạo Phật đến Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay thì khi đọc đến tin tức ở những trang báo điện tử, thấy rằng thanh niên đã gây tội phạm quá nhiều cho nên tôi thử gởi “Những bài viết cho con” nhờ Đạo Phật Ngày Nay đăng tải hầu giúp được gì cho thế hệ tương lai hay không, và tất cả các bài ấy (gồm) 17 bài đã được lên đầy đủ. Thế là các công trình chính yếu của tôi đã được “đóng góp” vào cuộc đời nầy, tôi cũng có nhiều mãn nguyện. Nhưng chuyện đời lại còn có nhiều “Cái Duyên” để nối tiếp!

Nguyên Thảo,
03/06/2016.


No comments:

Post a Comment