Monday, May 16, 2016
*Quê Người. (10)
Ở trong trại tị nạn lâu mình cũng trở nên mệt mỏi và có nhiều lo lắng. Người ta suy diễn nhiều thứ từ mẫu tin đã được các phái đoàn nhận mà khai có vài gian dối sẽ bị ở lại dài ngày hay có thể bị “xù” trở lại. Có những người ở đây cả năm mà không biết lý do. Từ những mẫu chuyện đó tôi lại sợ cho mình, vì trước kia tôi đã có lần bị nám phổi không biết có ảnh hưởng gì đến việc định cư của mình không, và nhất là tôi thường xuyên phải xin thuốc uống ở bệnh viện gọi là “sick bay” đến đỗi tôi phải nhờ đến Bác sĩ Cương, người đi chung chuyến tàu vượt biên bỏ bớt những giấy ghi ngày xin thuốc và khám bệnh. Càng lo cho thân mình thì tôi lại nghĩ đến gia đình, con cái: Không lẽ đi để tìm tương lai cho con mà mình lại càng làm cho chúng khốn đốn nhiều hơn vì lý lịch của chúng từ nay đầy những vết nhơ mà chế độ hiện tại không bao giờ cho chúng ngóc đầu lên nỗi! Dù vậy, nhưng hiện tại tôi vẫn nằm đây thì cũng đành phú thác cho trời! Tôi lại oán trách cho những người đã gây chiến tranh và bày ra hai chế độ chứ thân phận chúng tôi đã sinh ra ở phần đất nào thì phải chịu ảnh hưởng trong chế độ ấy thôi! Chúng tôi đâu muốn chiến tranh để phải chôn vùi thời thanh xuân tươi đẹp của đời người, chúng tôi đâu muốn bắn giết nhau để làm khổ cho dân tộc, chúng tôi đâu có ngu muội, dại dột để hành động như vậy. Thế mà bây giờ hòa bình, chấm dứt chiến tranh dân tộc lại đi vào một tình trạng khủng khiếp khác vừa đau thương, vừa nghèo đói lại vừa đày đọa lẫn nhau như những kẻ thù truyền kiếp cần phải thanh toán. Ôi! Cái đất nước và dân tộc khốn khổ nầy!
Thấm thoát rồi cũng đến những ngày cuối năm của dương lịch. Không khí Noel trở nên sôi động trước vài tuần, bên nhà thờ Thiên Chúa lẫn Tin Lành lo chuẩn bị cho thời kỳ lễ Giáng Sinh. Trong khoảng thời gian nầy cậu Bảy Thành, Sáu Chí, Tâm cũng được chuyển trại sang để đi Canada, và ở tàu tôi những người có diện đi Mỹ cũng lần lượt sang nhiều. Chúng tôi lại gặp nhau ở đây một lần nữa để rồi sẽ đi nhiều nơi. Cậu Bảy Thành, Tâm cùng Sáu Chí muốn đi Mỹ nhưng vì có con, thân nhân ở Canada nên đành phải chấp nhận đi Canada.
Trong khoảng thời gian nầy tôi mới được nghe tròn câu chuyện về ông Đạo Thành. Tính ra vì ông Đại Úy Mã Lai đã phải lòng ông Đạo Thành mà có những việc làm khiến cho ông Đạo Thành hoảng quá nên cầu cứu tới chị Bông, chị Bông bàn thảo với những người lãnh đạo của Văn Phòng trại mà ông Ngọ (vốn xưa kia là Thiếu Tá mà người ta cho lên chức là Trung Tá) làm Trại Trưởng. Không biết sự can thiệp như thế nào đó khiến bên Mã Lai cho là phỉ báng danh dự quân đội Mã nên ngưng toàn bộ Ban Điều Hành trại, và lực lượng Task Force trực tiếp điều hành. Đã thế mà lại nửa đêm đưa ông Đạo Thành lên “bludath” qua Trenganu để đưa về Sungai Besi. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao ông Đạo Thành qua Besi thật sớm và tôi cũng thường hay xuống trò chuyện với ông cho vui. Cũng trong thời gian nầy từ thành phố Kuching (thuộc Tiểu bang Sarawak) của Mã Lai ở đảo Bornéo đưa qua nhân số của chiếc tàu MB mà tôi không nhớ số đã phải lênh đênh trên biển khoảng 62 ngày và cuối cùng họ phải nhờ đến đồng loại trong sự sinh tồn. Thật là đau lòng và thảm thương!
Từ ngày có thêm Cậu Bảy Thành, Sáu Chí và một số người quen nữa sang, thằng Thành em tôi bớt đi lòng vòng và có chỗ để đến nên tôi bớt lo lắng và ưu tư hơn; tôi cũng ít hay cự nó nữa. Tôi chỉ trông chờ mau đi định cư, đến nơi đến chốn để có nhiều việc khác để lo.
Qua rồi một mùa Nô-En vui vẻ rồi đến ngày Tết Tây, mùa nầy lễ cho nên các phái đoàn cũng nghỉ và mọi việc đứng chựng lại. Lúc nầy tôi đi theo Cậu Bảy Thành, cùng mấy vị khác đến chùa để nghe Thầy Thích Quảng Ba thuyết pháp. Tôi gặp Thầy Thích Quảng Ba vài lần ở Bidong và nay Thầy được chuyển sang Besi để đi Úc. Quả thật Thầy có khiếu về tổ chức và thuyết pháp nên Thầy ở đâu thường có thuyết pháp và sinh hoạt sinh động ở đó. Tôi thì thường ít đến chùa nhưng khi ở Bidong tôi cũng được nghe Thầy thuyết pháp đôi lần, lúc đó Thầy giảng về Kinh Địa Tạng. Đến nay, ở Besi nầy, tôi được nghe Thầy giảng về hệ thống tổ chức trong giáo hội Phật giáo. Từ đó tôi mới biết phân biệt như thế nào là Đại Đức, Thượng Tọa (có 40 tuổi đời, 20 tuổi đạo) và Hòa Thượng (60 tuổi đời, 40 tuổi đạo). Ít ra, tôi cũng hiểu được khái quát về Phật giáo cộng với chút ít kiến thức lúc tôi còn học trong nhà trường. Thế là thời kỳ hơn sáu tháng ở Sungai Besi tôi có dịp tìm hiểu khái lược về 3 tôn giáo. Tôi cứ tưởng đó là những kiến thức chỉ đáp ứng vào óc hiếu kỳ của tôi thôi, nhưng không ngờ đó là những kiến thức cơ bản để về sau nầy tôi có những nhận định về tôn giáo tốt hơn và phân biệt những giả chân trong “chân lý”. Mỗi người có niềm tin tùy theo căn cơ của họ; ai cũng có quyền truyền bá, rao giảng. Nhưng món hàng nào là giả hay thật là một chuyện khác, là chuyện đáng nói. Mình đi đúng đường thì mình sẽ đến được nơi chốn, mình đi sai đường thì chỉ đi theo vòng lẫn quẫn mà không bao giờ thoát khỏi được mê trận, thế thôi!
Ở Mã Lai, khoảng thời gian nầy có lẽ vào mùa mưa, những cơn mưa dù ngắn ngủi nhưng lượng nước thật là nhiều, hạt nước to. Tôi liên kết lại những kiến thức học về địa lý ngày xưa: Không lẽ mưa vùng xích đạo như thế nầy chăng? Lượng nước nhiều nên rừng núi trở nên rậm rạp vì phát triển nhanh. Những ngày ấy tôi ngồi trong phòng cùng với Bác Ngữ, Bác Phúc ngó ra ngoài vòng rào kẽm gai, nhìn xa lên đồi hay sở rác hôi thối ấy mà buồn, mà tư lự. Tôi lại nhớ đến vợ con trong hoàn cảnh bị mọi người xa lánh, hắt hủi vì lý lịch, vì việc đi của tôi. Họ sợ dính líu giống như sợ lây bịnh hủi. Quả thật một chế độ làm cho mọi người phải sợ sệt và vô tâm, không biết những người thừa hành có thấy được như vậy hay không? Đôi khi người ta chỉ thấy cái sai của người khác mà không thấy được cái sai của mình giống như mắt mình chỉ thấy được mặt của người mà chẳng thấy được cái mặt của mình vậy!
Từ ngày xin được mấy thùng cạc-tông để lót ngủ thì tôi ít bị cảm đi nhiều nên thằng Thành ít phải cạo gió cho tôi. Về ăn uống thì cứ mỗi ngày ba bữa đi xuống căng-tin lãnh phần về ăn. Lãnh thế nào thì cứ ăn như thế đó, chứ món cá thì vẫn còn tanh rình, còn món gà thì họ nấu chưa chín, lĩnh bĩnh nước với mùi càri rất khó ăn. Những người có tiền thì họ mua rềsô (bếp nấu bằng dầu lửa) về nấu lại, nhưng Cao Ủy không cho; không hiểu gì lý do gì mà khi họ bắt được thì họ đập phá hư lò. Còn ngủ trưa thì không được phép, cho nên người ta phải kêu gọi hay báo động khi Cao Ủy đến, nhất là Cao Ủy Chua hoặc Cao Ủy Tân là những người Mã Lai khó tánh. Sau, những công nhân người Mã làm khu vực hầm cầu, nhà tắm, lẫn hồ nước gần “long house” tôi ở, tôi mới biết ở Mã Lai người ta làm việc nghỉ trưa chỉ có nửa tiếng để ăn trưa và làm suốt cho đến giờ nghỉ thôi, chứ không nghỉ trưa kéo dài như ở Việt Nam để phải có giờ ngủ trưa. Và vì là xứ Hồi giáo nên Mã Lai cũng không cho chúng tôi ăn thịt heo, thế nhưng nhiều người có tiền cũng len lén nhờ người Tàu ở bên kia hàng rào mua dùm thịt heo về nấu ăn. Trong nầy quăng tiền ra, ngoài kia quăng thịt vô, nếu Mã Lai bắt được thì bị cạo đầu. Nói thế, chứ tôi chưa thấy ai bị cạo đầu cả dù có trường hợp chị kia bị bắt quả tang đang làm lỗ tai heo.
Qua thời gian nghỉ lễ, các Cao Ủy, phái đoàn làm việc trở lại, tuần nào cũng có người đi định cư, người trong list từ đảo qua một lượt với tôi cũng bắt đầu rời trại trở lại, phái đoàn Mỹ cũng tấp nập phỏng vấn. Những người chung tàu vượt biên với tôi cũng dần được lên danh sách đi Sydney, Melbourne của Úc để định cư, một vài người đi Perth làm tôi cũng nôn, nóng lòng đợi chờ. Thầy Thích Quảng Ba được lên danh sách đi, sau đó Thầy khác đến phong trào sinh hoạt ở chùa bắt đầu chìm lỉm. Chùa vắng hơn!
Ngoài những giờ dạy ở lớp tiếng Việt, tôi vẫn thường đi thư viện với Bác Phạm Văn Tuynh mà tôi thân thiết, thỉnh thoảng đi xem phim hay đá banh hoặc xuống phía dưới ghé qua Cậu Bảy Thành, Sáu Chí tán gẫu chuyện xưa, chuyện nay hay ghé qua chỗ ở của anh Tôn Huấn, Đức Hậu tâm tình đôi câu.
Một ngày nọ, không biết tin tức từ đâu, người ta kháo nhau là ông Tùng làm ở Task Force của Mã Lai ở đảo Bidong sẽ qua tới vào chiều nay. Tôi chỉ nghe chứ không biết ông Tùng chỉ nhớ mang máng cái ông đứng ra nói chuyện khi tôi mới vừa lên đảo với cái câu: “Chúc Quý vị đã đến được bờ bến và bây giờ chúng ta phải làm thủ tục, lý lịch, có những điều gì Quý vị nên thành thật khai báo”; Ông ấy nói đến đây có người nói nhỏ “để cách mạng khoan hồng”, chúng tôi chỉ dám mỉm cười với nhau thôi. Chắc vì vậy mà có nhiều người khai thật quá nên đành bị ở lại đảo khá lâu hoặc gặp ít nhiều rắc rối, nên họ đã có chút hận thù với ông Tùng (hoặc Đại úy Tùng nầy). Đêm đó, người ta nói ông Tùng khi lên cầu thang thì bị cúp điện, rồi ai đó trùm mền đánh ông ta một trận. Chuyện kể thì như vậy mà không biết là có hay không, nhưng với thù hận thì ông Tùng chắc không thể tránh khỏi “ngón đòn thù”!
Nguyên Thảo,
16/05/2016.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment