Tuesday, July 5, 2016

*H.T Chữ Nghỉa 27: Từ "Bản Tin Nông Gia" đến "Blog". (3)


Trước khi nói đến “cái Duyên” kế tiếp, tôi xin có đôi lời giãi bày về loạt bài “Những bài viết cho con”. “Những bài viết cho con” được tôi hình thành sau những bài viết giúp thêm ý kiến cho các bậc cha mẹ trong vấn đề dạy con trên xứ người. Thực ra, đó là những kinh nghiệm đau buồn mà chính bản thân tôi phải chịu. Vì khi con vừa đến trên quê hương mới lúc đã lớn tôi liền thấy được cái khó khăn của mình sẽ gặp trong sự giáo dục cho con. Nơi quê người mình gần như trở thành người dốt, bao nhiêu điều hiểu biết đành bỏ qua, lao vào cuộc sống lao động như người chưa từng đi học; ngôn ngữ thì thiếu từ ngữ, không thể diễn tả được rõ ý của mình, nói tiếng Anh mà người Úc không hiểu rõ được điều mình muốn nói do không đúng giọng, thì quả thật là cam go. Ở trường lại chỉ dùng toàn tiếng Anh, cho nên vài năm sau trẻ con hiểu tiếng Anh dễ hơn tiếng Việt, thêm vào đó nhà trường dạy trẻ con theo phong cách của Tây phương và hiện đại: Không đánh, không phạt, không chê, không làm tổn thương trẻ con về cả thể xác lẫn tinh thần; cho nên tôi đã lúng túng không biết làm gì để giáo dục con cái của mình. Chỉ còn cách nói cho con nghe, khuyên bảo chúng; nhưng đối với những chi phí tấp nập của một xã hội đầy nhu cầu vật chất ở thành phố, hai vợ chồng đành cố gắng làm để kiếm tiền cung ứng cho chi phí và lo cho con ăn học, cho nên việc học là do con tự lo. Lại thêm một nỗi khổ khác đó là cách giáo dục của phương Tây là họ khuyến khích cho tự do cá nhân nên bậc cha mẹ lại phải đối phó thêm với một vấn đề quan trọng nữa. Thấy mình đã “vuột” mất con khi chúng vừa trưởng thành, nhưng may mắn là chúng chưa “hư”. Trong khi đó thì nhiều tình cảnh cha mẹ khóc vì con tràn lan trên báo chí tiếng Việt nên tôi đành cố gắng rút tỉa kinh nghiệm, viết báo động lên báo chí để các bậc phụ huynh cùng nhau hầu tìm phương hưóng giúp cho trẻ không đi vào con đường hư hỏng và hướng đến tương lai.
Vì thế, tôi đã tận dụng sức học lẫn hiểu biết của mình để hoàn tất “Những bài viết cho con” càng sớm càng tốt; cho nên tôi ngồi phát họa những tiêu đề cần thiết để bàn đến. Lúc đầu tôi tính chỉ cần cho trẻ con thôi, nhưng sau nghĩ đến chuyện mở rộng thêm cho các lứa thanh niên nên triển khai các vấn đề khác xa hơn. Rồi thì lại thêm vài vấn đề cần thiết nhằm trang bị cho một thanh niên đi vào đời. Do đó, tôi phải suy ngẫm những điều gì trong cuộc đời mà mình đã cần phải biết, cũng như một ít kiến thức căn bản trên vài lĩnh vực khi còn trẻ để hoàn tất loạt bài. Lúc đầu, tôi muốn viết cho thanh thiếu niên, nhưng ngại vì kiến thức mình ít ỏi, kinh nghiệm không nhiều, mà lại “phách lối” làm công việc quá lớn nên tôi đành thu lại trên các chữ “Viết Cho Con”, coi như mình tâm tình, viết riêng cho con mình, còn ai đọc và cảm thấy nó có ích thì cứ nhận đó như là những kiến thức bàn giao “phi lợi nhuận”. Khi viết loạt bài nầy tôi đã ở trên xứ Úc-Đại-Lợi (Australia) nên cái nhìn được bao quát hơn từ trên tin tức thế giới, và đi sâu vào đời sống con người. Lại thêm, là sau cơn bệnh tôi đã hiểu về đạo Phật cũng như vài tôn giáo khác khá nhiều nên cái tham vọng của tôi khi viết các bài ấy cao hơn: Là không phải viết cho con mình nữa, mà cung cấp kiến thức cho mọi thanh thiếu niên trên cõi đời nầy có vài nhận thức cơ bản, cũng như các sự ứng biến, đối phó trong cuộc sống của cả cuộc đời. Do đó mà bài đầu tiên là nói về “Đời người” (“Được Làm Con Người Là Điều Đáng Quý”), kế đến là sống sao cho ra con người (“Hãy Sống Xứng Đáng Là Một Con Người”), biết hiểu rõ về đối tượng đã cho ta cuộc sống, tình thương yêu, trìu mến để thương yêu, vâng lời không làm cho “mẹ” buồn (“Hãy Thương Yêu Mẹ”); nếu đã thương yêu được mẹ: Một hình ảnh yêu thương, mềm mỏng, dịu dàng thì mới có thể vâng lời, nghe mẹ dạy để rồi lo học (“Học Là Con Đường Ngắn Nhất Tiến Tới Tương Lai Xán Lạn”). Học là tiêu đề chính của loạt bài, cho nên tôi đã cố gắng triển khai kỹ càng, phân tích một cách chi tiết hơn để thanh thiếu niên, hay các bậc cha mẹ có thể giảng thêm giúp thanh thiếu niên hiểu nội dung rõ hơn mà lo học, tìm kiếm những kiến thức trang bị cho mình trong cuộc sống nhằm có ích cho bản thân, gia đình, xã hội hay giúp cho con cái về sau. Nhưng trưóc khi tới chủ đề đó tôi lại “rào trước đón sau” thêm 3 mục nữa để thanh thiếu niên “xác định” được lập trường, mục tiêu đi tới, đó là (“Sự May Mắn Của Chính Mình”) nói lên mình đang được ở trong cái hoàn cảnh may mắn hơn rất nhiều người trong xã hội trên toàn thế giới: Là mình không bị đói kém, tàn tật, chiến tranh, tai ương hầu có thể ngăn cản con đường đi lên; rồi muốn tiến tới với một tương lai tốt đẹp phải đặt cho mình một “lý tưởng” sống (“Cần Có Một Lý Tưởng Sống”), và khi đã có lý tưởng thì phải có “Ý Chí Và Quyết Tâm” mà theo đuổi. Sau khi Thanh Thiếu Niên cố gắng học hành, có mục tiêu phấn đấu, phục vụ, hoàn tất chương trình học, cùng trở thành một thanh niên trưởng thành đầy nhiệt huyết thì tôi mới nhắc đến một xã hội loài ngưòi mà trong đó “Ta Là Sản Phẩm Của Xã Hội” để thanh thiếu niên nhớ mình là một thành viên trong cộng đồng thế giới, nương nhờ lẫn nhau thì cố gắng làm, đem đến lợi ích cho xã hội, đừng làm cho xã hội đau khổ. Và tôi cũng báo trước cho thanh niên rằng: Cuộc đời các anh, chị cũng sẽ lập lại của ngưòi đi trước trong từng giai đoạn của con ngưòi để các anh chị biết sơ qua mà chuẩn bị cho mình con đường sẽ đi: “Đường Đời Con Sẽ Đi”. Nhưng thói thường cuộc đời không đơn giản, người ta đã bày ra những “bẩy sập” mà con người vướng vào để bại hoại xã hội, làm “vỡ tan” tương lai, mộng ước của người khác, làm tan nát những gia đình, hư hại con cái, vì vậy mà có bài “Không Thể Không Buồn”. Rồi bao nhiêu chuyện khiến người ta bi quan (“Bi Quan Để Làm Gì?”), hay vì lý do nầy, lý do khác như bệnh hoạn, tai nạn, tàn tật ngăn trở con đường đi thì “Nương Vào Hoàn Cảnh Để Xây Dựng Tương Lai”. Rồi khi lập gia đình, cưới vợ gã chồng sẽ có con cái, lại gặp nhiều khó khăn nên tôi viết đến bài “Dạy Con Không Phải Là Dễ”, đồng thời phụ lục những phần mà tôi viết trước kia là “ Những Vấn Đề Con Cái Của Chúng Ta” để đọc giả có thể tham khảo thêm. Sau đó tôi mới đề cập đến một số vấn đề của những người trưởng thành khi tham gia vào trong cuộc sống xã hội với một tinh thần không quá khích, ôn hoà và với cái nhìn rộng rãi, bao quát hơn. Đó là những bài “Một Số Kinh Nghiệm Về Hạnh Phúc Gia Đình”, “Tinh Thần Dân Tộc”, “Tinh Thần Vị Tha”, “Chính Trị Và Tôn Giáo” nhằm giúp thanh niên có một số hiểu biết nhất định nào đó trong những bước đầu khi vào đời. Cái tham vọng của tôi ở đây thật lớn, cũng như trong những bài thơ của Đồ Ngông là: Biến những sự kiện nhỏ nhặt chửi cá nhân, chửi người hay những hành động cá nhân trở thành phổ quát chung của con người hay trong thế gian, cho nên khi can thiệp vào chuyện “chửi lộn” của những con người trong cộng đồng trên báo chí tôi mới tránh được sự tấn công của họ: Vì tôi chỉ đề cập vấn đề chung của con người, chứ không phải để nói cá nhân những người đó. Ở đây khi tôi viết “Những Bài Viết Cho Con” thì tôi lấy tiếng là “viết cho con”, nhưng thực ra tôi viết cho thế hệ thanh niên tương lai, và cũng không phải cho riêng đất nước mình mà là cho chung toàn thanh niên trên thế gian nầy dù là ở quốc gia nào, do đó tôi lấy nhiều sự kiện xảy ra trên thế giới cũng như đi vào vấn đề chung chung của loài người. Nhưng tham vọng ấy tôi không làm được vì tôi không có đủ trình độ để diễn tả qua tiếng Anh song song với tiếng Việt, và tôi đành coi như cái “Duyên” của tôi có thể tới đó mà thôi!
Loạt bài “Những Bài Viết Cho Con” tôi chỉ đưa lên báo “Nam Úc Tuần Báo” đăng tải theo từng bài khi tôi hoàn tất nó, chứ không đưa đến tờ báo Dân Việt hay Việt Luận vì tôi nghĩ tôi không đủ trình độ để các bài ấy xuất hiện trên báo liên bang. Nhưng không biết loạt bài ấy có giá trị gì không, mà khi tôi hỏi chị Mai làm việc ở Cộng đồng để mua cuồn băng “Mở Lòng Với Nhau” (Để cha mẹ con cái hiểu nhau bằng sự thông cảm, yêu thương) do chị và chị Dung cùng nhau thực hiện, thì chị có chất vấn tôi và đề cập đến những bài viết ấy, và chị nói “chị ngỡ những bài viết đó do báo Nam Úc lấy từ trên Internet chứ không nghĩ là người ở địa phương viết”. Tôi cám ơn chị đã quan tâm!
Mãi đến khi tôi liên lạc và gởi các bài viết về đạo Phật đến trang nhà Đạo Phật Ngày Nay được một thởi gian, thì một hôm khi tôi đọc tin tức trên mạng lại thấy ở Việt Nam ngày nay có rất nhiều tội phạm thanh niên, nên tôi email năn nỉ để gởi các bài “Viết Cho Con” đến nhờ Đạo Phật Ngày Nay “thấy được đăng dùm” để giúp đỡ cho thanh Thiếu Niên phần nào. Lần đầu tiên tôi gởi vào ngày 16/04/2010, và gởi ráo riết cho đến ngày 01/08/2010 thì xong toàn bộ các bài ngăn ngắn ấy. Tất cả đều được trang nhà Đạo Phật Ngày Nay đăng lên. Qua đó thì có nhiều lời nhận xét đầy khích lệ, thế là tôi đã mãn nguyện với những việc làm của mình rồi! Còn việc ảnh hưởng của nó có được tới đâu thì tới!
Đó là những ý nghĩ cùng hoài bão của tôi khi tôi cố gắng viết “Những Bài Viết Cho Con” theo tinh thần kiểu “Tâm Hồn Cao Thượng” của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Nhưng ở đây tôi không gom góp những mẫu chuyện, mà đi theo một lập trình của một đời người để nhằm giúp Thanh Thiếu Niên có một con đường, có một cái nhìn, cái quan niệm để xây dựng tương lai cho chính mình; và con người ấy có đủ tinh thần, sự phóng khoáng để sẵn sàng giúp ích được cho gia đình, đất nước và xã hội loài người. Có lẽ tham vọng của tôi quá lớn, nhưng tham vọng ấy được phát triển chính từ một “sự sợ sệt” khi tôi lấy bút hiệu “Đồ Ngông” để can thiệp vào một sự xung đột của hai nhóm người trong cộng đồng, mà tôi chỉ là một gã “đơn thân độc mã” làm liều, can dự vào mà chẳng có ai đỡ đầu ở sau lưng! Do đó, tất cả những gì tôi viết, làm trong thời kỳ đó phải biến thành những cái “chung chung” của con người. Mà “Những Bài Viết Cho Con” cũng đã được mang đến hình thức như vậy!

Nguyên Thảo,
05/07/2016.



No comments:

Post a Comment