Monday, July 4, 2016

*Mỹ Du. (13)



Sáng này dù thế nào chúng tôi cũng phải dậy sớm, vì vậy từ 4 gờ rưỡi mọi người đã thức dậy, nhanh chóng làm vệ sinh, đem hành lý ra xe của Thầy Phương, và của ngưòi bạn để cả hai đưa ra phi trường. Số người trên xe có dư một ngưòi, không lẽ đi thêm một xe nữa thì “kẹt” mà chỡ thì sợ cảnh sát. Cuối cùng “thôi kệ”, bắt đứa nhỏ nhất ngồi xuống phía dưới ghế cho tiện.
Chúng tôi cũng đến phi trường êm xuôi. Đưa hành lý, vali xuống rồi cám ơn từ giã Thầy Phương và anh bạn. Đoàn kéo nhau vào trong phi trường. Hùng, Dung, Bi và bạn gái của Bi đi vào hãng máy bay khác để về Salt Lake City. Còn toàn bộ chúng tôi sang hãng máy bay Delta “check in” để lấy vé về Los Angeles. Từ Orlando đi về Los Angeles đi qua 3 múi giờ nên chúng tôi mất gần 5 tiếng đồng hồ. Khi xuống phi trường cũng đã là 12 giờ trưa. Theo lẽ ra thì Tố Dung đã kêu xe của công ty anh Minh đến rưóc đưa chúng tôi về nhà Cậu Hoàng tức là Cậu của Tuấn để tá túc một đêm nữa trưóc khi về Úc. Nhưng vì Nhân (chồng Tố Dung) muốn cho chúng tôi có thì giờ tham quan ở Cali và dành cho chúng tôi sự ngạc nhiên, nên Nhân bàn với Tố Dung không kêu xe của nhóm anh Minh trong ngày này, mà Nhân mướn xe ngoài, lớn 16 chỗ ngồi để đón và chỡ mọi người đi chơi. Vì vậy, người, hành lý chất đầy một xe. Nhân và Tố Dung đưa chúng tôi rời phi trường và hướng về phía biển. Qua những cầu vượt và phần đường Nhân cho biết đó là những phần mà Nhân góp phần thi công cũng như bảo quản vì Nhân là kỹ sư Công chánh. Nhân cho biết là sẽ đưa chúng tôi đến bãi biển Santa Monica và vùng của nhà giàu là Malibu. Santa Monica không xa với phi trường quốc tế Los Angeles cho lắm, nên khá thuận tiện cho chúng tôi. Bãi biển nầy thuộc thành phố phía Tây của Los Angeles là bãi biển của Thái Bình Dương. Như vậy mấy ngày trước chúng tôi đã thử được nước của Đại Tây Dương và hôm nay lại nhìn ngắm được bờ biển của Thái Bình Dương, hai đại dương lớn nhất của địa cầu. Ôi! Thật là cơ hội “có một không hai”! Nhân lái xe chạy theo đường Pacific Coast Highway. Tôi cố nhìn ra xa, nhưng tầm mắt cứ vưóng vào những khu nhà, hàng quán ở phía dưới đường, chắc được xây dựng dọc theo bờ biển để ở hay làm những gian hàng buôn bán. Những luồng sóng đua nhau dạt dào bờ làm cho biển có hình ảnh riêng biệt và nên thơ. Bờ cát thoai thoải, nước biển dọc bờ có màu xanh tươi mát, đẹp ra phết. Ngược lại dọc đường phía tay phải chúng tôi là những đồi cao sát đường. Tôi nhìn cấu trúc của đồi hình như có nhiều cát nên hỏi Nhân: “Vách đồi thấy có vẻ dễ bị sạt lở, những căn nhà ở trên có ngày bị sụp đổ”. Nhân cho biết là người ta đã khảo sát kỹ vùng đất nầy, coi như vậy mà nó chắc chắn và an toàn lắm. Tôi đùa với Nhân: “Hay là hai ông bà để dành tiền mua vài ngọn đồi phân lô cất nhà bán thì có lý lắm”. Nhân cười: “Coi vậy mà nó mắc lắm anh à”! Đúng vậy, nhà nhìn ra biển lại trên đồi cao thì chắc là không rẻ rồi. Nhất là tuốt trên cao kia không phải sợ sóng thần nữa, cho nên Nhân nói lúc nãy đây là khu của những người nhà giàu, song song với khu Beverly Hill, nơi mà nhiều tài tử có tiếng tăm của Hollywood đã quy tụ. Vừa chuyện trò Nhân vừa đưa chúng tôi đi dọc theo bờ biển để vừa ngắm khu biển vừa nhìn sự phát triển ở trên đồi cao ngó ra biển của vùng Malibu. Đi mãi cho đến khu Malibu County Mart thì Nhân đánh xe vào đó để kiếm gì ăn uống trước khi quay trở về. Nhân lái xe trở về Santa Monica rồi vòng qua các khu phố được coi là sang trọng và mắc mỏ của vùng thủ đô Điện ảnh ở Hollywood. Nhân cho chúng tôi xuống ở đường Sunset thì phải, ngay chỗ bảo tàng có tượng Marilyn Moroe đang vịn cái váy bị gió thổi tung lên ở phía trước bên lề đường, khiến tôi cũng phải lật đật lấy máy quay quay gấp rút coi nó có tiến thêm chút nào nữa không.
                       Tượng Marilyn Monroe trước viện bảo tàng.


Nhưng Tố Dung đã đi rồi nên tôi phải vội đi theo qua con đường lừng danh của thủ đô Điện ảnh nầy: Đó là con đường đầy những viên gạch có hình ngôi sao với những tên tuổi gạo cội trong nghề của nghệ thuật thứ bảy: Đó là con đường có tên Hollywood.
                     Vĩa hè đường Hollywood với nhiều sao.


Tố Dung dẫn chúng tôi đi dọc theo đường, còn Nhân đi tìm chỗ đậu xe. Mọi người đều có ý muốn tìm cái gì đó để kỷ niệm ở khu Hollywood nầy, nên chun vào một tiệm bán đồ lưu niệm mua vài món đồ về cho con cháu hoặc vài cái áo thun mặc vui chơi khi về đến Úc. Xong, Tố Dung gọi điện thoại Nhân đem xe đến và chuẩn bị lên xe để về Santa Ana. Nhân đậu xe ở phía trước và chỉ con đường để chúng tôi lưu ý đến đồi Beverly Hill với bảng chữ Hollywood ở trên cao, con đường ấy không phải là con đường chính nầy mà nằm về phía tay trái so với chiều hướng của chúng tôi đi. Khi tôi thoáng thấy thì xe đã qua rồi. Vì chúng tôi không còn có thì giờ nên Nhân không đi vào con đưòng đó để chúng tôi tham quan. Đường về Santa Ana còn xa và Nhân, Tố Dung muốn đưa chúng tôi về quán ăn ăn bò 7 món ở khu phố Bolsa cho kịp giờ. Xe đi ngang qua “Outlets” của Cali nầy Tố Dung hỏi chúng tôi có muốn đi outlets ở đây không? Chúng tôi thoái thác vì chiều nay mấy đứa con của Cậu Hoàng muốn thết đãi chúng tôi bữa ăn chót ở nhà hàng Nhật Tokyo, trước khi chúng tôi rời đất Mỹ. Về đến nhà hàng “bò 7 món”, ngồi đợi không lâu vì Tố Dung đã gọi điện thoại đặt trước.
Chúng tôi giã từ nhà hàng và Nhân lái xe đưa về nhà cậu Hoàng ở Anaheim. Chúng tôi xin tá túc ở đây một đêm nữa, rồi đem mọi hành lý vào trong với những vị trí cũ như lúc ban đầu mới đến đây. Nghỉ ngơi được một chút thì lại đến giờ đi đến nhà hàng Nhật ở cách đây cũng khá xa. Cậu Hoàng đã lớn tuổi nhưng còn mạnh khỏe, nhanh nhẹn và lái xe vẫn “ngon lành” cho nên Tố Dung thường gọi cậu là “Anh hùng xa lộ”.
Nhà hàng Nhật nầy nói là món ăn Nhật nhưng thật ra cũng bán rất nhiều thứ, nhiều món ăn của các quốc gia khác kể cả món ăn Tàu và Âu. Nó thuộc loại “buffet” hay “All you can eat”. Theo lời cậu Hoàng thì nó mới đổi tên đây thôi, nhưng tôi không nhớ tên cũ của nó mà cậu Hoàng đã kể là gì. Nhà hàng đông khách nên cũng tốn khá nhiều thời gian để lấy món ăn. Cuối cùng thì mọi người vẫn vui vẻ thưởng thức hương vị, bản sắc của nhà hàng nầy một cách trọn vẹn. Đây cũng là buổi ăn chia tay của đoàn chúng tôi với những ngưòi trong gia đình của Cậu Hoàng, ngoại trừ hai ông bà vì tối này chúng tôi còn ngủ ở nhà hai ông bà một đêm nữa và hôm sau chúng tôi phải ra phi trường thật sớm để lấy chuyến bay bay về Hồng Kông. Khi đi qua phòng tiếp tân của nhà hàng, cậu Hoàng đề nghị chụp chung một bôi hình làm kỷ niệm, và mọi ngưòi tán đồng vui vẻ cho một bôi hình chung.
Về đến nhà gần 11 giờ, tắm rửa nghỉ ngơi. Giấc ngủ khó nhưng vì mệt mỏi nên chúng tôi cũng được một giấc ngủ yên dù sáng hôm sau phải dậy sớm để lên đường.
Từ giả cậu mợ Hoàng, chúng tôi cám ơn rối rít và cùng gởi lại những lời chúc sức khoẻ để rồi lên hai xe mà công ty của anh Minh gởi đến để đưa chúng tôi đi. Chỉ tội nghiệp Tố Dung đã lo tươm tất mọi thứ mà cũng phải dậy sớm cùng ra phi trường để đưa tiễn chúng tôi cho trọn tình trọn nghĩa.
Do nơi xa phi trường cùng đoàn đông người cho nên chúng tôi cần đi sớm để không bị động nào nếu có vài trục trặc xảy ra, nhất là những thủ tục mặc dù tới 9 giờ 40 chiếc máy bay CX 897 của hãng Cathay Pacific mới cất cánh tại phi trường Los Angeles để vượt Thái Bình Dương trong thời gian 13 giờ 50 phút cho đoạn đường dài 7168 miles (tương đương 11,535 km 8) để về đến Hồng Kông. Như vậy, chúng tôi rời đất Mỹ vào sáng ngày 12/10 và lại về Hồng Kông ngày 13/10 mặc dù là cùng một ngày, vì bay qua đường sang ngày nên phải tăng lên một ngày. Và chúng tôi đáp xuống phi trường Hồng Kông vào lúc khoảng 3 giờ chiều, rồi đi lang thang ở đây cho đến 7 giờ chiều chuyến bay CX 173 cùng hãng Cathay mới cất cánh đưa chúng tôi trở về Adelaide vào lúc 8 giờ 19 phút sau khi bay qua một chặng đường dài nữa chừng 4276 miles (tương đưong 6882 km) với thời gian khoảng 8 tiếng đồng hồ để chấm dứt một cuộc hành trình dài mà tôi gọi chơi chơi là “Mỹ Du”!

Nguyên Thảo,
01/07/2016.



No comments:

Post a Comment